Thứ Hai, 30 tháng 1, 2017

Cái tôi trong thơ lục bát nữ

Cái tôi trong thơ lục bát nữ
Không hiểu sao, mỗi lần đọc thơ lục bát tôi lại nghĩ rằng thơ ấy chính là hoá thân rất dịu dàng của người phụ nữ. Và khi phụ nữ chọn thể loại này thì cũng chính là lúc họ đang muốn tìm về. Tìm về chính bản thể mình, chính là chỗ mà họ đã hoá thân, là về với cái tôi của họ.
Phải vậy không mà khi lần giở lục bát nữ, chừng như, với bất cứ chuyện gì, ta cũng sẽ đối diện với hồn vía, nhân dáng, điệu sống... nói chung là đủ cả, những sự, những tình đã điểm tô nét riêng, thế giới của chính họ- cái tôi phụ nữ, cái nửa còn lại của cuộc đời mà muôn đời buộc ta phải kiếm tìm?
Chẳng hạn khi đọc "Bùa lá" (Nguyễn thị Ðạo Tĩnh). Người phụ nữ này nói về cô đơn, cái chuyện muôn thuở của thi ca, thì giọng nói ấy đầy ắp cái- tôi- NỮ- TÍNH.  ĐÓ KHÔNG CÓ SỰ DỮ DỘI, MẠNH MẼ NHƯ KHI ĐÀN ÔNG NÓI.  ĐÓ, CÓ KHI RẤT NHẸ MÀ DƯ BA, ĐẮNG ĐÓT ĐẾN XÓT XA:
Buồn tình ngồi ngắm trăng suông
Chẳng ai thương đến thì thương lấy mình
Lá rơi lạc xuống sân đình
Bùa yêu tôi thả cho mình tôi yêu"....

Sự ấy, niềm ấy là chỗ gặp của Phạm thị Ngọc Liên. Ðỉnh trời rất hoang, rất cô độc của chị cũng rất dịu mà rất xót như cái sân đình của "Bùa lá":
Bướm non tơ khóc trong chiều
Vẫy tay gởi một lời yêu lỡ làng
Thôi thì thôi nỗi buồn vàng
Thả ta xuống đỉnh trời hoang một mình
    Cách nói cô đơn của những người phụ nữ này gợi nhớ tiếng gà eo óc, chao chát của Hồ Xuân Hương xưa. Chúng là giao điểm của một thứ không gian- nghệ thuật biểu hiện sự cô đơn đầy nữ tính.
Hay khi họ bộc lộ một niềm bất an nào đó thì cái lo sợ của họ dù đốt đuốc tìm trong thơ đàn ông ta cũng sẽ chẳng bao giờ bắt gặp. Phụ nữ sợ già, sợ phôi pha. Vì vậy, nếu Nguyễn thị Tâm Ðăng nửa chặng hành trình đã thảng thốt:
Ði tìm sợi nắng ban mai
Gặp anh e đã xuân phai mất rồi
thì sự này càng được Phan thị Thanh Nhàn nhân lên:
Như chớp mắt như chiêm bao
Vừa thơ ngây đã chớm vào già nua
Mắt đeo kính tóc rụng thưa
Gặp người yêu cũ muốn vờ rằng quên
   Và khi họ gặp lại tình xưa thì chúng ta đừng đòi hỏi họ một cái gì khác hơn ngoài sự tiếc nuối rất đàn bà. Tiếc nuối, rồi thôi, bởi chưng, nói như Trương thị Kim Dung:
À ơi... bóng là con thuyền
Ngôi sao đã chở lời nguyền quá giang
     Mà làm sao khác được, khi bên trong họ, bây giờ còn có tiếng nói của bổn phận, trách nhiệm. Tiếng nói đó khiến Trần thị Tuệ Mai, trong hoàn cảnh này đã có một so sánh rất nữ:
Anh từ đó vẫn đam mê
Tôi từ đó cánh buồm che ấm lòng
Vâng, chính cái xúc cảm lưỡng phân này mà sự nhân ái trở thành bản thể của chính họ để cuối cùng tất cả họ đều gặp nhau trong một tự nhủ bình yên:
Ngủ ngon giấc mộng ngày đêm
(Ru mình- Trương thị Kim Dung)
Ðó cũng là tự nhủ của Lê Nghi Ðình Giang:
Thế là thuyền vẫn chơi vơi
Thế là đã hết một thời. Bến mơ
Và đó cũng chính là tự nhủ của Thanh Nhàn:
Với bao đau đớn ngọt ngào
Ðẹp hơn mọi giấc chiêm bao. Gĩa từ
Họ tự nhủ, bởi họ, dẫu cô đơn, dẫu bất an, dẫu chơi vơi, đau đớn... thì cuối cùng, trong họ vẫn tồn tại không tì vết một thứ ngọc Lam Ðiền mà người ta thường gọi là lòng nhân hậu phụ nữ.
Bạch Lê Quang
Nguồn Thanh Niên tháng 3/2000
Theo http://vuhuu.edu.vn/



1 nhận xét:

Thơ trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI – Những tìm tòi và thử nghiệm

Thơ trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI Những tìm tòi và thử nghiệm Đặt vấn đề thơ trẻ trong 20 năm đầu thế kỷ XX, chúng tôi muốn nhắc đến đội ngũ n...