Thứ Hai, 30 tháng 1, 2017

"Trường Sơn Ðông, Trường Sơn Tây" của Phạm Tiến Duật

"Trường Sơn Ðông, Trường Sơn Tây" 
của Phạm Tiến Duật
Cùng mắc võng trên rừng Trường Sơn
Hai đứa ở hai đầu xa thẳm
Ðường ra trận mùa này đẹp lắm
Trường Sơn Ðông nhớ Trường Sơn Tây
Một dãy núi mà hai màu mây
Nơi nắng nơi mưa, khí trời cũng khác
Như anh với em, như Nam với Bắc
Như Ðông với Tây một dải rừng liền
Trường Sơn Tây anh đi, thương em
Bên ấy mưa nhiều, con đường gánh gạo
Muỗi bay rừng già cho dài tay áo
Rau hết rồi, em có lấy măng không?
Em thương anh bên ấy Tây mùa Ðông
Nước khe cạn, bướm bay lèn đá
Biết lòng anh say miền đất lạ
Chắc em lo đường chắn bom thù
Anh lên xe, trời đổ cơn mưa
Cái gạt nước xua đi nỗi nhớ
Em xuống núi nắng về rực rỡ
Cái nhành cây gạt mối riêng tư
Ðông sang Tây không phải đường thư
Ðường chuyển đạn và đường chuyển gạo
Ðông Trường Sơn, cô gái "ba sẵn sàng" xanh áo
Tây Trường Sơn bộ đội áo màu xanh
Từ nơi em gửi tới nơi anh
Những đoàn quân trùng trùng ra trận
Như tình yêu nối lời vô tận
Ðông Trường Sơn nối Tây Trường Sơn.
Trường sơn đông - Trường sơn tây
Nhạc Hoàng Hiệp, thơ Phạm Tiến Duật
Ca sĩ Thu Hiền - Trung Đức
Nền thơ chống Mỹ khá ồn ào náo nhiệt, với nhiều gương mặt, nhiều góc nhìn, nhiều giọng điệu, nhưng phần tương đồng, na ná nhau lại còn nhiều hơn, và tất cả góp thành một thần thái khó lẫn với những thời kỳ khác, kể cả với thời kỳ chống Pháp. Và nếu muốn nhận dạng cái thần thái ấy, dễ thường chỉ cần đọc một vài bài như "Trường Sơn Ðông, Trường Sơn Tây" là đủ. Bởi quả thật bài thơ này của Phạm Tiến Duật về rất nhiều phương diện hết sức tiêu biểu cho cả nội dung và hình thức thơ thời chống Mỹ, đương nhiên một thời chống Mỹ hơi nghiêng về phía "miền Bắc", phía "hậu phương của tiến tuyến" một chút. Nó chưa có cái tâm thế và không khí của cuộc đụng độ toé lửa của loại lính chiến trong tầm đạn bắn thẳng và những cuộc giáp lá cà, vì vậy nó còn sạch sẽ và nghiêm ngắn. Tuy nhiên, nói thế thôi chứ không hiểu do nguyên cớ gì mà rồi ngay cả nhiều bài viết ra đời ngay trong khói lửa, trong cả bùn và máu mà chất dữ dội, cái mùi mồ hôi lâu năm và mùi xác chết vốn là đặc thù của lính trận như ta vẫn thấy trong "Lửa" của Hăngri Bacbuýt chẳng hạn, thì trong văn chương ta thời ấy cũng hiếm có lắm. Vì vậy, bài thơ của anh Duật lại càng có quyền tiêu biểu cho thơ (thậm chí cả văn nữa) của cả một thời.
Ấy là cái thời "đường ra trận mùa này đẹp lắm". Chính người viết những dòng này trong những ngày làm lính trơn ở mặt trận Quảng Trị, năm 1972, cũng hát bài thơ được phổ nhạc này luôn, và lúc hát như thế thấy trong lòng thơ thới. Nhưng cũng không ít lần chứng kiến những anh lính trận thực thụ vừa thoát chết từ trong mạn Thành Cổ, Tri Bưu, Thạch Hãn chạy ra thường nằm lăn hai bên vệ đường, mũ tai bèo che nữa mặt, chỉ hé nửa con mắt mà nhìn cái đám lính học trò chúng tôi như vừa chui trong kho quân trang ra đang vừa đi vào vừa nghêu ngao cái đận "cũng mắc võng" để mà ném cho một cái nhìn không ra chế giễu, cũng không ra thương hại, đoán lẩm bẩm câu gì đó cũng không nghe ra được nốt! Ðã đến nước đó thì biết nói năng làm sao. Thôi thì mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, ta thấy thích thì ta cứ nói là thích, ai thấy sao thì kệ người ta. Và lúc đó tôi thích cái "đường ra trận mùa này đẹp lắm" thực lòng. Còn nhớ, có anh bạn tên là Tề thì phải, có bận đang vác trên vai cuộn dây bọc ba mươi cân lao ầm ầm từ trên núi xuống, cây lá quật cho toé đom đóm mắt, vẫn còn kịp hát "em xuống núi nắng về rực rỡ, cái nhành cây gạt mối riêng tư", chỉ hát vừa kêu lên, chỉ không có cơ hội để vỗ đùi như nhân vật Hoàng trong "Ðôi mắt" của Nam Cao: "Cái lão Phạm Tiến Duật này tài thật..."
Thì tài quá đi chứ còn gì nữa. Từ lúc có con đường Trường Sơn, tức là từ năm 1959 (như cách gọi phiên hiệu con đường này là 5-59) thì mãi mười năm sau, tức là khi anh Duật làm bài thơ này, cái hiện tượng con đường Trường Sơn vốn có hai phía nhãn tiền như thế mới có cơ hội đi vào thơ, trở thành ý thơ rất đắc địa, vì từ gốc thực của hình tượng mở ra cả một chân trời cho cả ý thơ và hồn thơ bay bổng. Hình ảnh của con đường chiến lược vốn là xương sống của cuộc chiến đấu chống Mỹ trong thực tế đã phân ra làm hai ngả nằm ở phía Ðông và phía Tây dãy Trường Sơn với những khác biệt về địa hình, khí hậu, cảnh trí, thậm chí cả lãnh thổ quốc gia nữa, nhưng có chung một nhiệm vụ, mang một tâm hồn chung của cả dân tộc đang chiến đấu để giải phóng Tổ quốc... Tất cả sự "giống và khác", "xa và gần" ấy như một mâm cỗ thịnh soạn mà cuộc sống bày ra cho người làm thơ, và nhà thơ tài năng này đã không để sót một chất liệu quý nào mà không đưa vào mâm cỗ thơ của mình. Chẳng hạn, đây là sự "khác":
Một dãy núi mà hai màu mây
Nơi nắng nơi mưa, khí trời cũng khác
Như anh với em, như Nam với Bắc
Sự "khác" ấy đến mức chan chát, với một bên "mưa nhiều" một bên "nước khe cạn", bên "muỗi bay" bên lại "bướm bay" và cao nhất thì như thể một đôi câu đố:
Anh lên xe, trời đổ cơn mưa...
Em xuống núi, nắng về rực rỡ...
Nhưng sự "khác" và "xa" cực đoan như thế lại hàm chứa trong nó một sự "giống" và "gần" còn có sức thuyết phục hơn. Bởi cái "gần" đầu tiên và cái sinh ra mọi cái "gần"khác là:
Ðông Trường Sơn, cô gái "ba sẵn sàng" xanh áo
Tây Trường Sơn, bộ đội áo màu xanh
Ðó là cái gần gũi tối thượng của những chiến sĩ chiến đấu chống một kẻ thù chung. Còn mối quan hệ "anh, em" ở đây đóng vai trò như thế nào? Rõ ràng, bài thơ sẽ khác hẳn nếu đây là hai người bạn chiến đấu có cùng giới tính mà nhớ nhau. Vậy mối quan hệ này có thể gọi là tình yêu? Chỉ biết rằng bài thơ này thường xuyên xuất hiện cả trong những tuyển tập thơ chiến đấu lẫn những tập thơ tình. Thì cũng chẳng có cách gọi nào khác hơn khi ta thấy hai người con trai và con gái ở đây quan tâm, lo lắng cho nhau đến "trên mức tình cảm": "Trường Sơn Tây anh đi, thương em...", và em thì "thương anh bên Tây mùa Ðông" và "chắc em lo đường chắn bom THÙ"...  ĐÂY KHÔNG CÓ CUỘC GẶP gỡ nào, không một lời nhắn nhe, và cũng không có cả đến một bức thư. Cái gạch nối giữa họ thật kỳ lạ và cũng kỳ vĩ, ấy là "những đoàn quân trùng trùng ra trận"! Mối tình riêng tư ở đây trở nên to lớn dị thường, nó vượt lên trên những số phận cá nhân, lên trên cả cánh rừng đại ngàn và núi non trùng điệp. Ðó là thư tình yêu đặc biệt chỉ sinh hạ một lần cùng những tình cảm cao cả của lý tưởng và đủ sức hoá thân vào trong núi rộng sông dài:
Như tình yêu nối lời vô tận
Ðông Trường Sơn nối Tây Trường Sơn
Mượn núi sông, trời đất làm cái cớ để nói chuyện con người, lại đem tình riêng hoà vào trong sự nghiệp chung, làm cho cái nhỏ bé trở nên cao rộng, còn cái cao rộng thì không che khuất cái nhỏ bé - một bài thơ ngăn ngắn mà chở được bấy nhiêu tình ý há lại không phải là đại khéo và đại tài hay sao?.
Anh Ngọc  
Nguồn Báo Thế giới Phụ nữ
Theo http://vuhuu.edu.vn/


1 nhận xét:

Thơ trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI – Những tìm tòi và thử nghiệm

Thơ trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI Những tìm tòi và thử nghiệm Đặt vấn đề thơ trẻ trong 20 năm đầu thế kỷ XX, chúng tôi muốn nhắc đến đội ngũ n...