Thứ Bảy, 28 tháng 1, 2017

Mùa xuân và câu chuyện sáng tạo

Mùa xuân và câu chuyện sáng tạo
Trong truyền thống của nền văn hóa hình thành dựa trên sản xuất nông nghiệp, Tết là ngày quan trọng nhất trong năm. Ngày Tết vốn không phải ngày hạ chí, đông chí, xuân phân… Tết đơn thuần mang giá trị tinh thần là ngày mở đầu năm mới, bắt đầu chu kì mới của vạn vật, là thời cơ để gieo cấy những hạt mầm.
Cùng với ý nghĩa đó trong sản xuất, Tết và mùa xuân trở thành đề tài bất tận với nền văn hóa Á Đông. Thiền sư Mãn Giác đã viết: “Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết/ Đêm qua sân trước một cành mai” (Ngô Tất Tố dịch). Niềm lạc quan ấy là hạt nhân cơ bản nhất để đem lại cảm hứng cho sáng tạo. Chẳng thế mà từ cổ chí kim, nếu có một thống kê đầy đủ nhất cho văn chương bốn mùa thì xuân và thu chiếm số lượng đông nhất. Dẫu rằng, những hình ảnh của cỏ cây, hoa lá đều đã ước lệ mà xa cách đời thực quá nhiều bởi các văn nhân vốn chỉ là người cầm bút.
Văn học viết về mùa xuân ngày nay vẫn tiếp nối được mạch cảm hứng sáng tạo. Tuy nhiên, đa phần chỉ nằm ở những tác phẩm dài hơi như tiểu thuyết, tập truyện trong khi đọc các số báo xuân ta thường nhận ra những tác phẩm theo kiểu thời vụ như một cách góp mặt cho đông đủ. Từ khoảng tháng 11, 12 dương lịch, các báo, tạp chí bắt đầu đăng thư mời cộng tác viết báo xuân, ấn phẩm Tết. Các cây bút chuyên và không chuyên lại có dịp xuất hiện như một sự điểm danh. Sự khác biệt giữa chất lượng các tác phẩm viết về mùa xuân so với các tác phẩm được đăng tải hàng ngày ở hai tiêu chí.
Thứ nhất, bản thân việc đưa ra đề tài mùa xuân đã là một cách thu hẹp vùng đất sáng tạo. Mặc dù đề tài này luôn tạo được hứng thú với viết, các hình ảnh, biểu tượng như hoa đào, nắng, cỏ xuân, lễ hội… đã có kí ức trong lòng người đọc những cũng là mảnh đất đã bạc màu, gây sáo mòn, trơ lì cảm xúc. Ta có thể nhận ra sự đơn điệu ấy băt nguồn từ sự nhận thức hời hợt về ý nghĩa của Tết. Đa phần là những lời ca tụng ước lệ. Từ lâu, Phạm Tiến Duật đã có những phá cách mới mẻ ở đề tài này:
Nhớ pháo thì ít, nhớ xác pháo thì nhiều
Khắp mặt đất là giấy hồng điều
Nhớ ông đồ thì ít nhớ câu đối thì nhiều
Cái bút lông bay trên giấy hồng điều
(Màu đào)
Giọng thơ ngang tàng, cú pháp câu thơ như một câu nói, tạo nên ấn tượng buộc người đọc phải suy nghĩ. Hay, như cách thể hiện của Lưu Quang Vũ trong Tầm xuân: “Hoa tìm mùa xuân suốt đời chẳng gặp/ Anh suốt đời chẳng gặp sắc tầm xuân”. Đó là sự  thể hiện đầy đủ nhất tâm trạng của nhân vật trữ tình. Khi đó, không- thời gian từ chỗ là niềm cảm hứng đã trở thành một hình tượng nghệ thuật. Hay trong tản văn là cách viết dí dỏm mà sâu sắc khi đan cài những triết lí của Y Phương: “Mùa xuân là đứa trẻ sơ sinh. Vì thế, ngày này người ta kiêng nói to, nói xẵng, hoặc bẳn gắt. Trong nhà không được làm ồn. Không phơi phóng. Không quét tước. Không sang nhà người khác. Ai cũng nở nụ cười vui vẻ thường trực. Ai có lỡ tay làm vỡ cốc chén, nhỡ miệng nói tục, ông bà, cha mẹ cũng không lừ roi mắng mỏ. Mùa xuân ăn xong. Mùa xuân lại ngủ.” (Tháng giêng tháng giêng một vòng dao quắm). Mùa xuân, tháng giêng khi ấy không còn là một khách thể bị bào mòn những ấn tượng cảm xúc mà có thêm những đặc tính mới, diện mạo mới.
Bản thân mùa xuân cũng là một đề tài đa dạng trong tư duy. Nghĩa là trong đó bao hàm những bình diện, chiều cạnh khác nhau theo những góc nhìn, quan niệm. Giống như cảm hứng về mùa thu trong Sang thu của Hữu Thỉnh, mùa thu không chỉ rơi rụng, hanh hao mà cũng dày dặn, cứng cỏi lên theo thời gian. Mùa xuân cũng cần được nhận thức với nhiều xu hướng như thế. Chẳng phải Thiền sư Mãn Giác đã từng nhận ra: “Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết”,  Phạm Tiến Duật đã thay đổi cách nhìn nhận mới về mùa xuân. Hay như cách nói của nhà thơ Lưu Quang Vũ từ một ngày cuối năm 1970:
Sắp hết năm đêm nằm thường muốn khóc.
Người qua đường với ta như ruột thịt
Chưa ai trọn một ngày vui.
(Lại sắp hết năm rồi)
Dường như, một năm cũ lại sắp qua đi, chúng ta lại có đọc những bài thơ xuân, lại có thêm động lực sáng tạo và những niềm hi vọng mới vào sự bứt phá của các tác phẩm văn chương. Đó vừa là sự lắng đọng, tích lũy vừa là sự đổi thay nhằm làm mới mình, suy nghĩ của mình và để tác phẩm có sức sống trong lòng người đọc.
Lâm Việt
Theo http://vanhocquenha.vn/


1 nhận xét:

Thơ trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI – Những tìm tòi và thử nghiệm

Thơ trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI Những tìm tòi và thử nghiệm Đặt vấn đề thơ trẻ trong 20 năm đầu thế kỷ XX, chúng tôi muốn nhắc đến đội ngũ n...