Thứ Hai, 30 tháng 1, 2017

“Bến Xuân” và giai thoại về mối tình dang dở

“Bến Xuân” và giai thoại về mối tình dang dở
Lắng nghe Bến Xuân, có lẽ mỗi người không thể không nhớ đến mối tình giữa Văn Cao và cô tiểu thư Hoàng Oanh. Một chuyện tình lãng mạn, nên thơ nhưng éo le trắc trở, khiến cho những câu ca của bài hát càng da diết, ám ảnh hơn bao giờ hết.
Những ý xung quanh những tác phẩm trữ tình bao giờ cũng lãng mạn như chính những tác phẩm tuyệt vời ấy. Với những người yêu nhạc Văn Cao, có lẽ câu chuyện xung quanh sự ra đời của Bến Xuân sẽ còn được nhớ mãi, bởi nó đẹp và nên thơ quá. Thêm nữa, có lẽ những điều mãi dang dở thường trở nên lung linh huyền ảo hơn chăng?
Trong những năm đầu thập kỷ 40, Văn Cao có chơi rất thân với hai người bạn. Một người là ca sĩ Kim Tiêu, người còn lại là nhạc sĩ Hoàng Quý, người thành lập ra nhóm nhạc Đồng Vọng nổi tiếng đất Hải Phòng. Văn Cao chơi rất thân với Kim Tiêu và trong một lần Kim Tiêu đưa Hoàng Oanh,một nữ ca sĩ của đất Hải Phòng khi đó, đến buổi tập những sáng tác đầu tay của Văn Cao, hai người phải lòng nhau từ ánh mắt đầu tiên.
Sau khi Hoàng Oanh biết được Văn Cao chính là tác giả của những ca khúc lãng mạn nổi tiếng thì lòng ngưỡng mộ của nàng dành cho Văn Cao càng tăng lên. Có lẽ ai cũng biết tình cảm người kia dành cho mình, chỉ có điều “tình trong như đã, mặt ngoài còn e”. Nhưng, éo le một nỗi là  Văn Cao biết hai người bạn thân của mình – Kim Tiêu và Hoàng Quý cũng đều đem lòng yêu mến Hoàng Oanh, và hai người đều tỏ bầy điều này với Văn Cao.
Nhạc sĩ Văn Cao tâm sự: “Tôi yêu một người con gái … mà tôi không ngỏ lời với người ta … Nhưng mà họ hiểu, và họ tới với tôi … thành ra nó mới có cái chuyện là em đến tôi một lần … thì cái đó là một cái mối tình câm … mà rồi để lại cho cuộc đời mình thành một bài hát. Thế thôi! Không có cái gì nữa.”
Hoàng Oanh đến thăm Văn Cao lần đầu tiên khi ông ở bến Ngự (Hải Phòng). Cái ngày hôm ấy, trời nóng, Văn Cao cởi trần nằm bò ra sáng tác. Trong căn nhà chật chội, Hoàng Oanh ngồi quạt cho chàng nhạc sĩ, và Văn Cao đã thổ lộ với cô: “Ước gì anh có em để hằng ngày em quạt cho anh sáng tác, em vá quần thủng cho anh, làm mẫu cho anh vẽ …” 
Đó cũng là lần duy nhất cô gái đến thăm ông và đó cũng là câu tỏ tình duy nhất mà Văn Cao dành cho Hoàng Oanh, giản dị mà chân tình, nhưng ông cũng biết là hai người không thể thuộc về nhau.
Lần đến thăm đó đã được ông nhớ suốt đời, ông đã ghi cả vào những câu ca cho bài hát Bến Xuân
“Nhà tôi bên chiếc cầu soi nước
Em đến tôi một lần“
Câu hát “Em đến tôi một lần” sao mà hay và đi vào lòng người đến thế.
Là một con người tài hoa, Văn Cao còn đề nghị Hoàng Oanh làm người mẫu cho những bức tranh của mình, và hình bóng của nàng đi vào từng nốt nhạc lời ca trong bài hát Bến Xuân, bài hát viết tặng riêng cho Hoàng Oanh:
Nhà tôi bên chiếc cầu soi nước
Em đến tôi một lần
Bao lũ chim rừng hợp đàn trên khắp bến xuân
Từng đôi rung cánh trắng ríu rít ca u ú ù u ú
Cành đào hoen nắng chan hoà!
Chim ca thương mến, Chim ngân xa u ú ù u ú
Hồn mùa ngây ngất trầm vương,
Dìu nhau theo dốc mới nơi ven đồi
Còn thấy chim ghen lời âu yếm
Tới đây chân bước cùng ngập ngừng
Mắt em như dáng thuyền soi nước
Tà áo  rung theo gió nhẹ thẹn thùng ngoài bến xuân.
Mối tình của Văn Cao và Hoàng Oanh không thành cũng một phần bởi Văn Cao luôn nghĩ đến hai người bạn thân của mình, ông không muốn làm “kẻ ngáng đường”. Nhưng Kim Tiêu lại không thể đến được với Hoàng Oanh vì  một thời gian sau, gia đình ca sĩ Kim Tiêu  mang lễ vật đến hỏi Hoàng Oanh, nhưng không thành bởi vì nhà gái thách cưới cao quá. Sau này, chính Kim Tiêu lại là người đầu tiên giúp Văn Cao thể hiện Bến xuân.
Cô tiểu thư Hoàng Oanh sau đó lên xe hoa với nhạc sĩ Hoàng Quý, tuy nhiên ông trời phũ phàng, chỉ được ít lâu thì Hoàng Quý mắc bệnh viêm phổi và qua đời.
Bà Thuý Băng hồi trẻ qua nét vẽ của nhạc sĩ Văn Cao
Chuyện tình giữa Văn Cao và Hoàng Oanh có lẽ thực sự chấm dứt sau khi Văn Cao yêu và lập gia đình với một cô tiểu thư xinh đẹp khác, cũng là con gái nhà giàu, là nàng thiếu nữ Nghiêm Thuý Băng, và bà cũng là người vợ hiền bên ông tận đến những ngày cuối cùng của cuộc đời.
Lắng nghe Bến Xuân, có lẽ mỗi người không thể không nhớ đến mối tình giữa Văn Cao và cô tiểu thư Hoàng Oanh. Một chuyện tình lãng mạn, nên thơ nhưng éo le trắc trở, khiến cho những câu ca của bài hát càng da diết, ám ảnh hơn bao giờ hết.
Bến Xuân - Văn Cao
Trình bày: Thái Thanh

Bến Xuân-Văn Cao-Phạm Duy-Thái Thanh - YouTube

Bến Xuân
Hợp soạn:  Văn Cao & Phạm Duy
Nhà tôi bên chiếc cầu soi nước
Em đến tôi một lần
Bao lũ chim rừng hợp đàn trên khắp bến xuân
Từng đôi rung cánh trắng ríu rít ca u ú ù u ú
Cành đào hoen nắng chan hoà!
Chim ca thương mến, Chim ngân xa u ú ù u ú
Hồn mùa ngây ngất trầm vương,
Dìu nhau theo dốc mới nơi ven đồi
Còn thấy chim ghen lời âu yếm Tới đây chân bước cùng ngập ngừng
Mắt em như dáng thuyền soi nước
Tà áo em rung theo gió nhẹ thẹn thùng ngoài bến xuân.
Sương mênh mông che lấp kín non xanh
Ôi cánh buồm nâu còn trên lớp sóng xuân
Ai tha hương nghe ríu rít oanh ca
Cánh nhạn vào mây thiết tha lưu luyến tình vừa qua.
Nhà tôi sao vẫn còn ngơ ngác
Em vắng tôi một chiều
Bến nước tiêu điều còn hằn in nét đáng yêu
Từng đôi chim trong nắng khẽ ru u ú ù u ú
Lệ mùa rơi lá chan hòa
Chim reo thương nhớ, Chim ngân xa u ú ù u ú
Hồn mùa ngây ngất về đâu
Người đi theo mưa gió xa muôn trùng
Lần bước phiêu du về bến cũ
Tới đây mây núi đồi chập chùng
Liễu dương tơ tóc vàng trong nắng
Gột áo phong sương du khách còn ngại ngùng nhìn bến xuân.
Thu Thảo 
Theo https://ongvove.wordpress.com/

1 nhận xét:

  Em yêu dấu (Mang Ke) – Bản dịch Pháp Hoan 27 Tháng Bảy, 2023 Em yêu dấu Mang Ke ( 芒克 ; Mang Khắc)   Nếu em trở về với dáng hình ...