Thứ Hai, 30 tháng 1, 2017

Đọc lại bài thơ "Một đêm đàn lạnh trên sông Huế" của Văn Cao

Đọc lại bài thơ "Một đêm đàn lạnh 
trên sông Huế" của Văn Cao
Nẩy nẩy tơ đồng nhịp nhịp đôi
Lòng nâng ngòn ngọt lại đầu môi
Này em hát khúc tương tư nhé
Ngâm khẽ em ơi nhẹ nhẹ lời
Sao đàn u hoài gì mùa thu?
Sao đàn u hoài gì mùa thu?
Tri âm nghe thử dây đồng vọng
Lạc lõng đêm vàng khi nhạc ru
Như Tử Kỳ nghe nhạc Bá Nha
Em nghe anh dạo khúc thu xa
Thuyền xuôi về bến mô thuyền bỉ
Sông trắng bờ xa lộ bóng nhà
Giọng hát sầu chi phấn nữ ơi
Từng canh trời điểm một sao rơi
Tà tà trăng lặn hiu hiu gió
ánh lửa chài xa thấp thoáng trôi
Tay nhấn tơ chùng đã ngấm sương
Hò ngân cung Bắc lướt cung Thương
Dòng Tiêu Kim Thuỷ gà xao xác 
Ngẩng thấy kinh kỳ khói vấn vương
Em cạn lời thôi anh dứt nhạc
Biệt ly đôi phách ngó đàn tranh
Một đêm đàn lạnh trên sông Huế
Ôi nhớ nhung hoài vạt áo xanh

Có một Huế thơ trong tâm thức người Việt bao đời. Huế là người đẹp muôn thuở của thi ca. Huế là cái nôi sinh thành, mái nhà trú ngụ nuôi lớn nhiều thế hệ thi nhân Việt Nam suốt mấy trăm năm nay. Người ở Huế làm thơ, người xa Huế làm thơ, người đến Huế dù chỉ một lần thôi cũng nặng lòng thơ với HUẾ. Ở HUẾ VUA LÀM THƠ, QUAN LÀM THƠ, ông hoàng bà chúa làm thơ, cho đến những người dân đạp xích lô xe thồ hôm nay cũng có rất nhiều bài thơ, câu thơ đắc địa về xứ sở của mình. Chỉ riêng hình ảnh cô ca sĩ ca Huế trên sông Hương cũng đã có không biết bao nhiêu bài thơ hay. Tố Hữu có bài thơ "Tiếng hát sông Hương"; Xuân Diệu có "Nguyệt Cầm", "Lời kỹ nữ"; Thế Lữ có "Nghe đàn nguyệt".... Bài thơ "Một đêm đàn lạnh trên sông Huế" của nhạc sĩ- nhà thơ tài danh Văn Cao là một trong những bài thơ đặc sắc viết về Huế và ca Huế trên sông Hương.
Bài thơ đưa ta lạc vào thế giới của vẻ đẹp thanh tao nơi bồng lai tiên cảnh. Trên con đò như tình yêu bồng bềnh trôi trên dòng sông thời gian vĩnh hằng, có đôi trai gái say sưa đàn hát bên nhau. Chàng trai dạo đàn, cô gái hát, tiếng đàn hát như tiếng tơ đồng, hơn cả niềm tri âm tri kỷ của Bá Nha Tử Kỳ:
Nẩy nẩy tơ đồng nhịp nhịp đôi
Lòng nâng ngòn ngọt lại đầu môi
Này em hát khúc tương tư nhé
Ngâm khẽ em ơi nhẹ nhẹ lời
Ðây là lúc cảm xúc đang ngập hồn chàng nhạc sĩ. Anh nghe hồn mình cũng đang "nẩy nẩy... nhịp đôi". Một tình cảm mới đang nẩy chồi, bén lửa, đang âm ỉ "Này em khát khúc tương tư nhé!". Ðề nghị hát nhưng lại sợ tiếng hát làm xao động, làm bay mất, tan biến mất cái cảm giác tình yêu ngọt ngào dâng lên đang ngòn ngọt đầu môi, nên chàng phải vội vàng đề nghị "ngâm khẽ em ơi nhẹ nhẹ lời..." Ðoạn thơ đã nói rất tinh tế, rất hay tâm trạng của chàng nhạc sĩ si tình xứ Bắc trước người ca nữ xinh đẹp và phong cảnh nên thơ xứ Huế.
Nhạc sĩ Văn Cao sinh năm 1923 ở Hải Phòng, mất ngày 10/7/1995. Tuổi trẻ của ông theo học Trường Cao đẳng Mỹ thuật Ðông Dương, tự học âm nhạc, sáng tác nhạc và viết văn, làm thơ từ rất sớm. Năm 1940, lúc chưa tới tuổi hai mươi ông có chuyến đi vào Huế. Chuyến đi đã để lại dấu vết sâu đậm trong các sáng tác quan trọng của đời ông. Bài thơ "Một đêm đàn lạnh trên sông Huế" ông sáng tác vào dịp này. Ngoài bài thơ, ông viết bản nhạc "Sông Hương". Cả những bài hát nổi tiếng, đỉnh cao trong dòng nhạc lãng mạn Việt Nam như Thiên Thai, Suối Mơ, Trương Chi.... viết trong những năm từ 1941 đến 1943 của ông có nguồn gốc cảm hứng từ thành quách, sông nước con người Huế trong đợt đi quan trọng ấy. Sinh thời, vào năm 1986, trong một lá thư gởi cho tạp chí Sông Hương ở Huế, ông tâm sự: "Huế là nguồn sáng tạo của tôi trong những năm 40. Thơ và nhạc là điều tôi tìm nguồn từ ấy. Có lẽ lịch sử và cảnh vật của Cố đô có những điều gây cảm xúc cho sáng tạo. Ðối với nơi đó người ta phải suy nghĩ nhiều không về lịch sử mà về một nền văn hoá. Những người Huế sống tự hào và đầy sáng tạo. Có lẽ sự sáng tạo của người dân Huế đã giúp tôi làm được âm nhạc và thơ"."Một đêm đàn lạnh trên sông Huế" của Văn Cao là bài thơ hay trong các sáng tác thơ của ông.
Thơ Văn Cao thường rất lạ về chữ, về tứ. Ngay cả cách chọn vị trí chủ thể thẩm mỹ trong bài thơ của ông cũng khác các nhà thơ đương thời. Tất cả các bài thơ viết con đò trên sông Hương về ca Huế, đàn Huế, tác giả đều ở vị trí người quan sát, nhìn và cảm về Huế như Người kỹ nữ, Nguyệt Cầm của Xuân Diệu, Tiếng hát sông Hương của Tố Hữu... Với Ðêm đàn lạnh trên sông Huế, vị trí chủ thể thẩm mỹ là nhà thơ chính là người trong cuộc, người tham gia làm nên tiếng đàn Huế, cái đẹp Huế:
Như Tử Kỳ nghe nhạc Bá Nha. 
Em nghe anh dạo khúc thu xa...
cùng với:
Giọng hát sầu chi phấn nữ ơi
Từng canh trời điểm một sao rơi
Tà tà trăng lặn hiu hiu gió
ánh lửa chài xa thấp thoáng trôi...
Cuộc đàn hát quên thời gian cho đến lúc Tay nhấn tơ chùng đã ngấm sương.. Dòng Tiêu Kim Thuỷ gà xao xác... (Tiêu Kim Thuỷ là tên gọi khác của sông Hương). Tức là đàn hát cho đến khi trời sắp sáng, cho đến lúc Em cạn lời thôi anh dứt nhạc. Là người trong cuộc mới thốt lên một nhịp thơ lạ với câu thơ gợi hỏi hai lần;
Sao đàn u hoài gì mùa thu?
Sao đàn u hoài gì mùa thu?
Ở đây chính tác giả đã nhận ra tiếng đàn của mình đã khác đi, mềm đi nhưng không lý giải được điều sâu kín gì đã biến tiếng đàn thành nỗi u hoài mùa thu day dứt!.
Khi lòng đã mềm đi, tiếng đàn đã mềm đi, khi hai tâm hồn đã tri âm, đồng vọng thì đêm vàng cũng trở nên lạc lõng. Ðể đến lúc chia tay, mới biết đau nhói nỗi biệt ly
Em cạn lời thôi anh dứt nhạc
Biệt ly đôi phách ngó đàn tranh
Một đêm đàn lạnh trên sông Huế
Ôi nhớ nhung hoài vạt áo xanh
Ðây là cao trào của bài thơ. Thì ra bài thơ không chủ ý tả tiếng đàn, đêm đàn mà sâu xa hơn nói về một tình yêu ngấm sương với đủ các cung bậc của nó, mà cuối cùng là nỗi nhớ mang theo suốt đời Ôi nhớ nhung hoài vạt áo xanh.
Tại sao lại là một đêm đàn lạnh mà không phải là một đêm đàn trên sông Huế?. Chữ "lạnh" nói lên điều gì?. Chữ lạnh là tâm trạng của nhà thơ sau đêm đàn. Một đêm đàn đầy xúc động và giao cảm, đầy tri âm và đồng vọng. Ðêm đàn đã thấm vào nhau. Nhưng rồi phải chia ly, mỗi người đều mang lạnh trong lòng. "Lạnh" đây là sự trống trải của nhớ nhung cao độ, là cái lạnh của tình yêu nồng cháy. Ðó cũng chính là cái tứ mạnh và bền vững của bài thơ. Văn Cao là người Hải phòng mới vào Huế lần đầu, nhưng thơ ông đã nồng nàn từ ngữ, âm điệu Huế, hồn Huế.
Ðã gần 60 năm kể từ khi được viết ra, bài thơ "Một đêm đàn lạnh trên sông Huế" vẫn mang hơi ấm của cuộc sống hôm nay. Con đò Huế, cô gái Huế, ngón đàn ca Huế vẫn còn đó, đêm đêm lại cất lên bồng bềnh luyến láy làm say lòng du khách. Những đêm thấm đẫm văn hoá Huế ấy người yêu thơ lại nhớ đến nhà thơ tài, nhạc sĩ tài danh Văn Cao, trong hồn lại vang lên những câu thơ tha thiết:
Em cạn lời thôi anh dứt nhạc
Biệt ly đôi phách ngó đàn tranh
Một đêm đàn lạnh trên sông Huế
Ôi nhớ nhung hoài vạt áo xanh....
Ngô Minh 
Nguồn báo Thừa Thiên Huế 4/8/2000
Theo http://vuhuu.edu.vn/



1 nhận xét:

Thơ trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI – Những tìm tòi và thử nghiệm

Thơ trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI Những tìm tòi và thử nghiệm Đặt vấn đề thơ trẻ trong 20 năm đầu thế kỷ XX, chúng tôi muốn nhắc đến đội ngũ n...