Thứ Hai, 30 tháng 1, 2017

Thơ tình Nguyễn Trọng Tạo

Thơ tình Nguyễn Trọng Tạo
Như các thi sĩ xưa nay, Nguyễn Trọng Tạo cũng đề cập đến những chuyện muôn thuở của tình yêu: chờ đợi và hẹn hò, thương nhớ và đắm say, ngọt ngào và đau khổ... Nét riêng chủ yếu của thơ tình Nguyễn Trọng Tạo là thơ tình người lính. Ðó là thơ tình của một người đứng tuổi đã dày dặn qua thử thách. Người lính ấy đã gởi lại tuổi xuân của mình ở núi rừng Trường Sơn, ở những nơi đạn bom ác liệt. Người lính ấy từng "ngủ trên cỏ sau mỗi lần đánh trận", từng viết những bức thư cho người thương ở "cuối trời súng ran":
Nắng mưa nhoè lá thư vàng
Chẳng còn mong nhận một hàng chữ quen.
Ðể rồi đến khi trở về sau hơn mười năm xa cách thì biết tin người thương của mình đã đi lấy chồng từ bao giờ. Người lính ấy cũng đã từng yêu một người không quen. Cô ta đã cứu sống anh, đã chăm sóc anh trong một lần anh bị thương nặng:
Là khi chợt tỉnh cơn mê
Nhận ra mái tóc bộn bề ngực tôi.
Và dẫu chưa một lần gặp lại nhau, đến tên nàng chắc anh cũng chưa kịp biết nhưng anh vẫn cứ tin "Người không quen sống rất nhiều cho tôi"
Thời đất nước thanh bình, người lính vẫn là người lính. Họ vẫn đóng chốt ở biên giới, ở tiền tiêu hải đảo. Họ vẫn yêu theo kiểu của mình. Vì họ biết: "nếu lòng mình đổi khác, giặc sẽ tràn qua đảo của mình đây!". Nên họ yêu mà không hề buông lơi tay súng. Họ vẫn đào công sự "xuyên ngày, xuyên đêm", họ vẫn phải kéo pháo lên những đỉnh dốc "lệnh cả trời xanh". Ðiều đáng nói là cho dù sống trong tư thế sẵn sàng chiến đấu như vậy người lính vẫn mộng mơ và lãng mạn. Những buổi sáng tuần tra ven đảo anh chợt bồi hồi:
Nắng như nắng nhớ đất liền
Tôi như tôi chẳng xa em bao giờ
Anh thành thật thú nhận:
Không em, gió thổi từ bốn phía
Không chiếc hôn hẫng hụt bóng dừa
Những phút ấy anh không chỉ thương cho mình mà còn thương cho bao hòn đảo đứng "độc thân" như anh. Những phút ấy ta càng thấm thía vì sao anh cứ băn khoăn, cứ trăn trở:
Hòn Kiến bò trên sóng bạc
Ðến bao giờ gặp tổ phía đất nâu?
Thơ tình Nguyễn Trọng Tạo không có cái sôi nỗi, rạo rực của tình yêu mười tám, đôi mươi. Ta bắt gặp ở trong thơ anh sự chín chắn của một người quá ư từng trải. Anh yêu và chấp nhận tất cả:
Ta chấp nhận những gì ta đã biết
Cả những gì chưa biết cũng vậy thôi!
Bây giờ anh đã hiểu cái giá tình yêu mà anh phải trả. Bởi vì con đường đến với tình yêu đâu chỉ có hoa thơm, cỏ lạ:
Tôi còn đi mưa gió đường dài
Trái tim phải lội qua bao thác lũ
Dẫu gió lạnh thổi mãi con chim nhỏ
Em đừng buồn- trời rộng phía yêu thương...
Nhưng tình yêu là thế, cho dù anh là người lính đã quá dạn dày, đã qua bao nhiêu thử thách đi chăng nữa thì nó vẫn đủ sức làm đảo lộn tất cả... Nó có thể biến trẻ hoá già, biến già hoá trẻ. Biến một ông Vua trở thành hành khất và biến người hành khất trở thành ông Vua. Nói như Nguyễn Du cái "sóng khuynh thành" ấy làm cho "đổ quán xiêu đình như chơi". Bởi thế cho nên khi gặp lại người bạn gái năm xưa:
Vẫn còn chếch choáng chai mưa
Tôi tin là rượu em mua của trời
Người lính ấy qua bao nhiêu chờ đợi đến khi yêu mới nhận ra rằng:
Bao nhiêu chờ đợi trên trời
Bỗng dưng anh hiểu khi ngồi đợi em.
Bom đạn quân thù, khó khăn gian khổ người lính đâu có sợ, thế mà đến khi yêu anh tự bộc lộ:
... Lần đầu anh biết sợ
Tiếng còi tàu thảng thốt phía ngoài ga.
Tình yêu đã làm cho "biển bạc đầu" vẫn "nông nỗi thuở hai mươi". Cái muôn thuở của tình yêu là vậy. Chính vì điều đó mà thơ tình Nguyễn Trọng Tạo không chỉ là thơ tình của những người lính mà còn thơ tình của mọi người. Ai cũng có thể tìm thấy một chút mình trong thơ của anh. Tất nhiên những người lính vẫn là những người đồng cảm với anh nhất. Ðặc biệt là những người lính đã đứng tuổi- cái lứa tuổi tuy "chưa già" nhưng "cũng chẳng bao giờ trẻ lại".
Mai văn Hoan
Nguồn báo Thừa Thiên Huế
Theo http://vuhuu.edu.vn/




1 nhận xét:

Thơ trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI – Những tìm tòi và thử nghiệm

Thơ trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI Những tìm tòi và thử nghiệm Đặt vấn đề thơ trẻ trong 20 năm đầu thế kỷ XX, chúng tôi muốn nhắc đến đội ngũ n...