Chủ Nhật, 29 tháng 1, 2017

Mùa xuân trong thơ Việt

Mùa xuân trong thơ Việt
Có một nhà thơ Hung ga ri đã từng nói, đại ý: “Năm tháng cứ trôi đi theo qui luật của muôn đời và cùng với nó tất cả sẽ đổi thay. Duy chỉ có cái đẹp là vĩnh cửu, là mãi mãi trường tồn, và nhà văn, nhà thơ là người dẫn đường vào xứ sở của cái đẹp”, đưa tâm hồn ta vào thế giới tràn đầy tình yêu thiên nhiên và niềm tin vào cuộc đời. Từ bao giờ đến bây giờ, thơ văn vẫn là “cây đàn muôn điệu” của cuộc sống, nó di dưỡng tâm hồn ta, tắm mát tâm hồn ta bằng một nguồn nước trong mát vô tận của non nước, của tình yêu cuộc sống của con người “trang trải với muôn nơi”. Trong nguồn nước văn chương ấy, mùa xuân là dòng suối cảm xúc dồi dào “nâng hồn ta bằng muôn cánh sóng”, để lại sâu thẳm của lòng người những rung cảm đẹp đẽ khó quên.
Việt Nam đất nước thân yêu của chúng ta đã trải hơn bốn ngàn năm lịch sử, núi sông này đã có biết bao phút thăng hoa ngời chói. Ấy là mùa xuân bất diệt, là cội nguồn của tình yêu quê hương, cỏ cây hoa lá.
Là người Việt Nam ai mà chẳng rung động trước mùa xuân tươi đẹp bởi vì con người Việt Nam vô cùng nhạy cảm, yêu thiên nhiên và  yêu đời mãnh liệt. Cho nên, các thi sĩ viết về mùa xuân bao giờ cũng bắt đầu bằng tình yêu quê hương đất nước nồng nàn, yêu cái đẹp của muôn đời, của trời đất, của tâm hồn. Phải vậy chăng nên đọc thơ xuân dù ở thời đại nào, hoàn cảnh nào, cảm nhận của chúng ta đầu tiên là tình yêu cuộc sống. Ta chợt nhận ra từ bao giờ nhỉ, tình yêu ấy đã tràn vào lòng ta, chạm vào “dây đàn tâm hồn”, vang lên âm điệu thiết tha, sâu lắng.
Dù đã hơn năm thế kỉ trôi qua, dù thời gian đã phủ mờ lên tất cả, nhưng những vần thơ Nguyễn Trãi vẫn cho ta gặp mùa xuân thôn quê Việt Nam, vẫn giữ lại cho đời nét đẹp xuân vĩnh cửu. Trong thơ văn cổ, các thi sĩ thường “họa”  mùa xuân bằng những nét chấm phá. Đến với thơ xuân Ức Trai do vậy ta đến với một “Bến đò xuân đầu trại”, một “Cuối xuân tức sự” tươi đẹp, pha chút buồn thời thế sâu lắng. Người đọc đời sau say đắm vẻ đẹp của một “bức tranh thuỷ mặc”:
                             Cỏ xanh như khói bến xuân tươi
                             Lại có mưa xuân nước vỗ trời
                             Quạnh quẽ đường đồng thưa vắng khách
                             Con đò gối bãi suốt ngày ngơi
                             (Bến đò xuân đầu trại)
Hồn thơ Nguyễn Trãi vốn dạt dào tình yêu thiên nhiên, gần gũi với những miền thôn dã nên mùa xuân trong thơ ông bao giờ cũng đẹp, một vẻ đẹp chân chất mộc mạc trong sáng. Cảnh đồng quê với những thảm cỏ xanh tươi, những làn mưa bụi đan giăng khắp trời như tỏ như mờ, như thực như mơ, những đường đồng vắng lặng, bến sông êm đềm, con đò quê nhàn nhã. Cảnh vật tĩnh lặng đến vô cùng, tưởng như đất trời, cỏ cây núi sông đã và đang lắng sâu vào tâm cảm của thi nhân. Có chút động của “nước vỗ trời” nhưng cái động ấy lại là thể hiện cao độ cái tĩnh của tạo vật cũng giống như tiếng ngỗng của mùa thu trong thơ Nguyễn Khuyến sau này vậy. Có dấu vết của con người  nơi đồng ruộng, bến sông có nghĩa là cuộc sống vẫn ẩn hiện đâu đó trong bức tranh cảnh vật, nhưng dẫu sao vẫn chỉ là dấu ấn, có khác gì “lác đác bên sông chợ mấy nhà” trong thơ Bà Huyện Thanh Quan ba trăm năm nữa. Phải chăng người xưa muốn con người mờ đi, cảnh vật hiện ra rõ nét hơn vì “Thiên nhiên bao giờ cũng là chuẩn mực của cái đẹp”. Nói như vậy cũng có nghĩa là khẳng định thi nhân xưa “mở hồn đón lấy những rung động của cuộc đời” để lòng mình hoà vào thiên nhiên, giao hoà với mùa xuân bất diệt.
Bức tranh thiên nhiên quê hương mộc mạc, đậm đà của Nguyễn Trãi đã giúp ta hiểu hơn tâm hồn của người xưa, về tình yêu quê hương, tạo vật thiết tha sâu sắc. Ta đón nhận những vần thơ ấy, trân trọng những bức tranh ấy và tâm hồn ta như lắng xuống, như đắm sâu hơn trong cái đẹp tuyệt mĩ của thiên nhiên. Thơ xuân của Nguyễn Trãi tĩnh tại nhưng tràn đầy sức sống, có pha chút buồn thế sự của người mà tâm hồn “cuồn cuộn nước triều đông”. Tuy nhiên, niềm tin, vui vào cuộc sống vẫn đượm trong thơ ông. Ông đắm mình với những phút giây tĩnh lặng ở quê hương để chiêm ngưỡng cảnh xuân. Đọc thơ xuân Nguyễn Trãi, tâm hồn ta, trái tim ta bất chợt rung lên mãnh liệt trước vẻ đẹp đến không ngờ của cảnh “trong tiếng cuốc kêu xuân đã muộn, đầy xuân mưa bụi nở hoa xoan” (Cuối xuân tức sự).
Phải có một tâm hồn giao hoà cùng thiên nhiên và phải có tình yêu cuộc sống như Ức Trai mới có thể nghe bước chuyển vô hình của thời gian, mới nắm bắt được phút chuyển đổi mong manh giữa hai mùa xuân - hạ qua một tiếng cuốc xa xăm vọng vào “phòng văn”, đọng lại hồn thi sĩ. Câu thơ có cái động ở bề nổi nhưng vẫn có cái tĩnh ở chiều sâu. Đó là cái lặng im của nhà thơ đón chờ tiếng vọng của cuộc đời và trong phút thăng hoa của cảm xúc, bằng tất cả sự rung động mãnh liệt trước mùa xuân, Nguyễn Trãi đã ghi lại hình ảnh tuyệt đẹp: “Đầy sân mưa bụi nở hoa xoan”. Đọc câu thơ, tự nhiên ta thấy lòng mình xốn xang kì lạ! Mùa xuân đẹp và đáng yêu, mùa xuân tươi xinh và gần gũi biết nhường nào. Nguyễn Trãi đã chọn hoa xoan để nói về mùa xuân giữa muôn ngàn hương hoa khác, đã chọn sắc tím để điểm vào bức tranh xuân của mình một nét mong manh nhưng vĩnh hằng của cái đẹp. Cảm ơn thi sĩ đã cho ta thưởng thức những nét đẹp rất thôn quê mà cũng rất độc đáo, bồi dưỡng ta thêm tình yêu quê hương. Ta cũng như lây niềm xúc động của nhà thơ và trân trọng, nâng niu những vần thơ xuân đã trở thành “trầm tích” trong tâm hồn người dân đất Việt.
Nếu như trong văn thơ cổ, mùa xuân được ghi nhận ở cái đẹp thiên nhiên thì đến với mùa xuân trong thơ ca lãng mạn (1930 - 1945) ta bắt gặp “mùa xuân con người”, ta đón nhận ở đó niềm rung cảm của các nhà thơ trong mùa xuân cuộc đời, mùa xuân của riêng họ.
Cuộc sống và mùa xuân được cảm nhận, thể hiện ở những nét khác nhau. “Mùa xuân chín” của Hàn Mạc Tử, “Mùa xuân xanh” của Nguyễn Bính, nét “Xuân hồng” của Xuân Diệu là những ấn tượng khó phai về một cái “Tôi” mở hồn đón nhận và ghi bắt những nét rất tinh vi, điển hình của mùa xuân xứ sở. Bên cạnh nỗi buồn của những nhà thơ này, mùa xuân là một cái gì đó lắng sâu nơi “đáy hồn nhân thế”, là một nỗi niềm tìm đến với thiên nhiên nhưng lại biến thiên nhiên thành hồn mình. Con người là chuẩn mực của cái đẹp. “Tháng riêng ngon như cặp môi gần”. Mùa xuân đến với mọi người và làm xao động tất cả. Các nhà thơ xưa thường gửi gắm tâm sự vào thiên nhiên, đến với mùa xuân để gặp gỡ bạn lòng, đến với người tri kỉ, còn thi nhân hiện đại đến với mùa xuân như bắt đầu cuộc hành trình đi tìm cái đẹp, cái cao cả của cuộc đời đầy tục lụy, thăng trầm, đến với mùa xuân để hội ngộ với tâm hồn độc giả, để thể hiện mình.
Mùa xuân! Ta đến với “Mùa xuân chín”, ta hoà mình vào mùa xuân dâng hương cho đời. Mùa xuân chín ở cảnh vật, ở tâm hồn và có lẽ cả ở niềm trắc ẩn, ở tình yêu nồng thắm với con người của Hàn Mạc Tử:
                             Trong làn khói ửng giấc mơ tan
                             Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng
                             Sột soạt gió trêu tà áo biếc
                             Trên giàn thiên lí. Bóng xuân sang
Những cảm xúc rất tinh vi, những nét xuân rất nhẹ, rất nhanh và cũng muôn phần say đắm.
Làn nắng xuân hồng “ửng” lên hoà quyện vào làn “khói mơ” tạo nên sự tương phản nghệ thuật giữa mảng sáng và mảng tối, giữa đậm và nhạt, giữa thực và hư. Đọc câu thơ ta bất giác liên tưởng đến cái “nắng hàng cau nắng mới lên” ở Đây thôn Vĩ Giạ.
Hình như nắng mai ở “Mùa xuân chín” cũng là cái nắng mới ửng lên hồng tươi và phảng phất chất huyền thoại. Mùa xuân duyên dáng, mùa xuân đậm đà bản sắc dân tộc. “Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng”, chỉ “lấm tấm” thôi, như vết chân của “con nai vàng ngơ ngác” cùng đến với mùa xuân, cùng chín với cỏ cây, với nắng ửng, với khói mơ. Một từ “tan” như làm đoạn thơ có cái động rất khẽ khàng để rồi cùng tiếng động sột soạt của gió trêu tà áo biếc. Từ “biếc” ở cuối câu làm cho cảnh vật mướt hơn, đẹp hơn. Không phải màu xanh, cũng không phải màu tím mà chỉ có cái “biếc” tràn đầy sức sống. Và Hàn Mạc Tử bất chợt ghi lại được một hình ảnh độc đáo: “Bóng xuân sang” trên giàn hoa lí. Mới chỉ có cái bóng thôi mà tình xuân đã ngất ngây, ngập tràn muôn nẻo - ấy là nẻo đường tâm hồn của nhà thơ.
Trong nhiều bài thơ xuân của thơ ca Việt Nam, “Mùa xuân chín” trong thơ Hàn Mạc Tử có những nét riêng, không bị lẫn vào bao nhiêu nét đẹp của mùa xuân khác. Đó là những chùm âm thanh mà nhà thơ đã nghe, đã cảm nó bằng tất cả sự rung động của tâm hồn và trái tim khối óc rất tài hoa nhân hậu của mình. Khổ thơ đầu là sự chiếm lĩnh hoàn toàn của mùa xuân. Ba khổ thơ sau, trong bức tranh xuân ấy, bầu trời xuân chín ấy, là cuộc sống con người. Tiếng ca của “bao cô thiếu nữ” mang khát vọng sống, khát vọng tình yêu và ở sâu thẳm của những lời ca ấy, Hàn Mạc Tử thấy cả tương lai của họ. Những vui, buồn mà họ sẽ trải trong đời. Mùa xuân chín của thiên nhiên sẽ tuần hoàn, còn mùa xuân của đời người ngắn ngủi trôi qua không trở lại, không đủ để những cô gái kia hướng trọn niềm vui thiếu nữ. Hàn Mạc Tử rối lòng khi nghĩ “Ngày mai trong đám xuân xanh ấy - Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi”. Niềm trắc ẩn như lan sang cả người đọc, khiến cho ta sững sờ, nhận ra chân giá trị của cuộc sống thực này. Cái quí giá nhất của một đời người là phải sống sao để cho không ân hận vì đã để cho mùa xuân, tuổi trẻ qua đi vô ích, vô nghĩa.
Trong nỗi niềm trào dâng, trước thực tại, khi nghe tiếng ca vắt vẻo ở lưng chừng núi kia, khát vọng cháy bỏng về tình yêu và hạnh phúc, nhà thơ chợt nhớ quá khứ, nhớ về một bờ sông cát trắng, nhớ cái nắng chang chang và nhớ một người con gái ngày xưa:
                             Khách xa gặp lúc mùa xuân chín
                             Lòng trí bâng khuân chợt nhớ làng
                             - Chị ấy năm nay còn gánh thóc
                             Dọc bờ sông trắng nắng chang chang.
Mùa xuân thiên nhiên chỉ là cái bóng, mùa xuân tâm hồn mới thực là xuân. Hàn Mạc Tử bỗng nhớ quê hương trên bước đường lữ thứ. Tâm hồn người Việt Nam bao giờ vẫn vậy, tình nghĩa và thuỷ chung vô cùng. Sẽ còn đọng mãi trong ta hình ảnh một bờ sông trắng với mùa xuân chín của đất trời, của tâm hồn người Việt Nam. Đó chính là cái đẹp của lòng người trong mùa xuân bao la của trời đất, nó nhắc nhở con người phải sống hết mình, hãy để tâm hồn mình chan hoà với tất cả.
Mùa xuân trong thơ ca cách mạng cho ta gặp cái đẹp của đất nước, của Muà Xuân Cách Mạng trên bước đường xuân ngàn dặm. “Rằm tháng riêng” của Hồ Chí Minh, “Bài ca mùa xuân 61” của Tố Hữu đã góp tiếng nói riêng, sắc màu riêng cho nền thi ca dân tộc về mùa xuân. Một dòng sông xuân, một con thuyền trăng ngân, trời xuân, nước xuân, hoa lá xuân, đất nước bước vào xuân vĩnh cửu. Trên dòng sông mênh mang, giữa mùa xuân bát ngát và hứa hẹn nhiều chiến thắng cho ngày mai, Bác Hồ bàn luận việc quân để cho mai đây - một ngày không còn xa nữa “Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân”.
Mùa xuân Cách Mạng, mang vẻ đẹp riêng, nơi đó con người và thiên nhiên gắn bó với nhau bởi một cái gạch nối hữu cơ là độc lập tự do cho một đất nước vừa thoát khỏi đêm trường nô lệ lại phải cầm ngay súng để bảo vệ nền hoà bình non trẻ. Dân tộc Việt Nam với những con người bao đời nay “Lưng đeo gươm, tay mềm mại bút hoa” đang cùng vươn tới vạn xuân - Mùa xuân sẽ ở lại vĩnh viễn trong cuộc đời này.
Trong bản hợp xướng mùa xuân ấy, mỗi con người, mỗi tâm hồn đều ước ao mình làm được một “mùa xuân nho nhỏ” trong mùa xuân lớn lao của tổ quốc thân yêu, cùng hát vang những bài ca của con người là chủ nhân của đất nước, của cuộc sống.
Đến với thơ xuân từ nhiều nẻo đường, trên vô vàn cung bậc, có lẽ chúng ta cũng thấy ở đó, học được ở đó bao điều bổ ích cho cuộc đời mới hôm nay. Mùa xuân kia trong cuộc sống này giúp ta nhận ra phần sâu thẳm của lòng mình, cái đẹp của cuộc đời để vươn tới tầm cao của thời đại mà không quên những rung cảm, tình yêu tha thiết với con người. Đọc những vần thơ xuân, đồng điệu được với tâm hồn thi nhân, ta mới hiểu thế nào là sống đẹp, mới hiểu hơn câu nói của nhà thơ Hung ga ri và hơn lúc nào hết, ta cảm thấy “cuộc đời xứng đáng để tin yêu”.
Theo http://www.soanbai.com/

1 nhận xét:

Thơ trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI – Những tìm tòi và thử nghiệm

Thơ trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI Những tìm tòi và thử nghiệm Đặt vấn đề thơ trẻ trong 20 năm đầu thế kỷ XX, chúng tôi muốn nhắc đến đội ngũ n...