Thứ Ba, 19 tháng 9, 2017

Đau đớn và thân phận làm người

Đau đớn và thân phận làm người
Dẫn nhập
Đau đớn và khổ sở 
là hai khái niệm hay đi cùng.
Một cách ngắn gọn, trong nghĩa thông thường, đau đớn là đau đớn thể xác còn khổ sở thuộc về tinh thần nhiều hơn. Thế nhưng lằn ranh giữa hai hiện tượng không rõ ràng. Có người bảo đau là đau ở một chỗ nào đó trên thân xác (đau răng, đau đầu, ...) trong khi khổ sở là trạng thái bàng bạc cho cả số phận làm người. Cũng có khi ta nói ta có thể đo tầng mức của đau đớn trong khi khổ sở không có cấp độ, không đánh giá được cao thấp.Có người giải thích rằng đau đớn là lĩnh vực của y khoa còn khổ sở là chuyện của nhà triết hay thần học.
Các nhà xã hội học thì nghiên cứu cả hai sự kiện vì cả hai đều ảnh hưởng đến các liên hệ giữa những thành viên trong cộng đồng.
Về ngôn từ, đau đớn có khi được xem là đối nghĩa với thỏa mãn hay sảng khoái (plaisir, tiếng Pháp) còn khổ sở là đối nghĩa với hạnh phúc (bonheur). Tiếng Pháp cũng có hai chữ: douleur cho đau đớn và souffrance cho khổ sở. Nhưng chịu tang một người thân cũng được gọi là một douleur - đau đớn. Ở đây là đau đớn tinh thần. Thế có nghĩa là nhiều khi rất khó phân biệt hai khái niệm này.
Nói chung, sự đau khổ kết hợp cả hai nhóm chữ.
Sự đau khổ đã được bàn ở đây: http://vanhoanghean.com.vn/
Tạp chí Văn Hóa Nghệ An, số 242 xuất bản ngày 10.04.2013.
Bài này nói về đau đớn, đau đớn thể xác, và thân phận con người trước đau đớn, ít nhất là trong bối cảnh của trời Âu. Nhưng khổ sở cũng không hoàn toàn bị bỏ quên vì đau đớn và khổ sở là hai mặt của một vấn đề.
Định nghĩa đau đớn
Đau đớn có thể định nghĩa như một kinh nghiệm khó chịu, thường là gây ra bởi một thương tổn thể xác.
Ta phân biệt đau đớn nhất thời và tình trạng đau đớn mãn tính - khi tình trạng kéo dài hơn ba hay hơn sáu tháng, tùy tác giả - Sau một cuộc giải phẩu, lúc đau đẻ,... các bệnh nhân đối mặt với đau đớn nhất thời.
Những người lớn tuổi, những người bị ung thư, những nạn nhân các biến cố đủ loại với những di tật,... phải sống nhiều năm với những đau đớn mãn tính.
Vai trò của não bộ trong đau đớn
Não của con người không những cho ta khả năng nhận thức thương tổn hay đau đớn mà còn từ đó “ra lệnh” ta cách phản ứng. Não bộ là trung tâm phân loại các đau đớn, nhận định trình độ nguy hiểm và từ đó xếp loại, rồi bày cho ta cách đối phó.
Công việc của não bộ là công việc của bộ nhớ xếp hết các biến cố trong đời ta, với những kỷ niệm xưa của thời thơ ấu đến những gì ta tiếp thu suốt quảng đường đã đi.
Chính vì thế mà mỗi một trong chúng ta có những phản ứng trước đau đớn khác nhau. Thông thường đó là những cách hành xử thích hợp nhất. Nhưng nhiều khi có những phản ứng mà người ngoại cuộc không thể nào hiểu được vì bất ngờ, vì thiếu lô gích. Thật vậy não của ta ghi nhận sự đau đớn hiện thời với tất cả “nền” hay vết tích của những đau đớn mà ta đã trải nghiệm cũng như tất cả những sự kiện mà ta đã sống. Tức là mỗi đau đớn được sống như một hiện tượng độc nhất của mỗi người,  lô gích với quá khứ và hiện tại của cá nhân đó...
Điển hình là chuyện của một ông nhân viên cảnh sát, cao và to, không ngại những chiến dịch bắt cướp khó khăn có khi cần phải dùng vũ khí,... nhưng ông sợ xanh mặt khi phải để cho một cô y tá lấy máu. Lý do là vì lúc nhỏ ông ấy đã có lần bị tai nạn và bị mất nhiều máu.
Đo độ đau đớn
Nhân viên y tế có nhiều cách để đo độ đau đớn, bằng quan sát màu da mặt (“sợ xanh mặt” là cách nói của dân ta - cách nói ấy lthật sự có cư sở), trạng thái các cơ mặt hay độ co các cơ của toàn thân. Cũng có thể hỏi thẳng người bệnh về độ đau với một thang từ 0 (chỉ hơi hơi đau)  đến 10 (đau chịu không nỗi) .
Cách đo chi tiết nhất là trắc nghiệm soạn ra bởi Ronald Melzack – được địch ra nhiều thứ tiếng, với  61 câu (items) và 17 hạng mục (rubriques) khác nhau: 9 mục thuộc về cảm nhận của các giác quan, 7 mục cho cảm nhận tâm lý tình cảm và 1 đánh giá tổng quát. Người bệnh khoanh tròn chữ thích hợp diễn tả đúng nhất cái đau đớn của mình đồng thời ghi cường độ từ  0 tới 4. Tức là ở đây vừa phân loại cái đau vừa định cường độ của đau (1).
Hiện với IRM sinh hoạt (imagerie par résonnance magnétique nucléaire de fonctionnement), https://en.wikipedia.org/
y khoa có thể quan sát và đo đếm những sinh hoạt thần kinh não bộ của người bệnh trước đau đớn trong những trường hợp đặc thù . Từ đó đánh giá một cách gần như tuyệt đối ...khách quan, với đo đếm cụ thể độ đau và phản ứng của người bệnh - những cảm nhận và phản ứng chủ quan của cá nhân này.
Cảm nhận đau đớn khác nhau
Tùy văn hóa và tùy các thời điểm, đau đớn có những ý nghĩa khác nhau. Thế nhưng ngay cả chỉ trong xã hội Âu Tây hiện thời đau đớn cũng được cảm nhận khác nhau tùy theo độ tuổi và giới tính.
Người già sợ chết. Khi bị đau họ sẵn sàng chịu đau nhưng từ chối chết. Các bác sĩ biết rất rõ điều đó nên khi trị đau cho người già họ cho thêm thuốc an thần nữa.
Trẻ con chỉ biết khóc vì không hiểu nguyên nhân của đau đớn, vì chưa có kinh nghiệm về đau đớn,... nên trẻ rất sợ, sợ vì mất phương hướng chứ không phải sợ chết như người cao tuổi - trẻ chưa biết chết là gì. Chúng cũng chưa biết dùng lời để diễn tả tâm trạng. Vì thế, ôm ấp bảo bọc trẻ là những phương thức tốt khi chúng đau, trấn an chúng và giúp chúng chống chọi với cái đau trong lúc chờ đợi những hiệu quả của thuốc chống đau.
Người trong độ tuổi 15-60 là người phản ứng mạnh nhất trước đau đớn. Đối với họ trước nhất, đó là bất công (tại sao tôi bị đau mà không là người khác). Bất công vì họ biết so sánh với quá khứ và tương lai. Họ là người hay đòi thuốc trị đau nhất.
Phụ nữ có mức chịu đau thấp hơn nam giới nhưng ít đòi thuốc trị đau hơn các đấng mày râu. Các nhà tâm lý xã hội học giải thích hiện tượng này bằng các trải nghiệm đau lúc kinh nguyệt, đau đẻ,... của các bà và bằng tâm lý nhẫn nhục của người phái yếu (2) (4), 
Đau đớn là một ... định mệnh?
Ngày xưa, dân tình bên này nghĩ rằng đau đớn thể xác thanh lọc cho tinh thần theo nghĩa của Công giáo. Phần nhiều các tôn giáo dạy ta phải chấp nhận đau đớn, như một cấu thành của cuộc sống, như một quyết định của một đấng tối cao nào đó... Chấp nhận đau đớn để hướng tới những giá trị cao hơn.
Không chỉ có tôn giáo, thường nhật, ai cũng phải có dịp đối mặt với đau đớn, ở nhiều giai đoạn của cuộc sống.
Lúc chào đời, đang được ở trong môi trường ấm áp của bụng mẹ, ăn uống qua cuốn rốn suốt ngày và đêm, trẻ sơ sinh phải đối mặt với môi trường khí, lạnh.... Lớn hơn một tí, để tập đi, em bé phải qua nhiều trải nghiệm, ngã lên té xuống, u đầu, trầy tay. Trưởng thành, người lớn cũng thường xuyên bị đau: một bà mẹ lúc lâm bồn, một bệnh nhân bị ung thư cuối đời,... và đó chỉ là một vài trong trăm ngàn thí dụ đau đớn thể xác trong cuộc sống.
Từ từ đau đớn thành bình thường : hễ có bệnh thì đau. Đau đớn đóng vai trò chuông báo hiệu rằng thân thể có vấn đề nên đau đớn thành cần thiết. Nếu có đau thì cứ kiên nhẫn chờ bác sĩ trị bệnh. Khi khỏi bệnh thì sẽ hết đau.
Đó là một vai trò tích cực của đau đớn: báo cho ta biết là cơ thể có vấn đề để ta chú ý hầu tránh cho nguy hiểm lan rộng hay làm hại cho cả cuộc sống.
Nhưng hiện trạng không còn giản dị như thế.
Thật vậy, từ từ khái niệm giá trị sống ra đời và đau đớn không còn được chấp nhận như một định mệnh. Con người ta sinh ra là để sống thoải mái chứ không để đau đớn. Câu nói “đời là bể khổ” đúng ra chỉ là một cách giải thích theo tôn giáo để mọi người cúi đầu chấp nhận định mệnh, không... nổi loạn hay chống đối số phận.
Giới y bác sĩ hiện có nhiều phương thức chẩn bệnh - phân tích máu, chụp xa quang hay chụp scanner và cả IRM,... bệnh nhân không cần phải dùng đau đớn như biểu hiệu của bệnh tật.
Trở về chủ đề đang bàn, bị đau, người bệnh khổ sở, tức là cái đau đớn trong thân xác kéo theo đau đớn tâm lý xã hội, vì người bị đau không sống được theo đúng nghĩa sống thoải mái ông hay bà ấy không thể làm việc đượcnhư thường ngày lại cảm thấy cô đơn: không ai hiểu mình vì không ai ở trong thân thể mình để cảm thông cái đau đớn.
Rốt cuộc, khi đau đớn kéo dài, khi bị những cơn bệnh mãn tính, cuộc sống bị xáo trộn vì ta  mệt mỏi, mất ngủ, bỏ ăn,... tức là bị rối loạn cả các chức năng sinh lý, tính khí bất thường, khó sống với người xung quanh,...
Đa số người bị đau đớn tự giam mình trong khổ sở vì có cảm tưởng là cả xã hội xung quanh không ai thông cảm họ. Mà thật vậy, phải cảm nhận đau trong xương trong tủy mới biết đau là gì.
Bị đau đớn, ta lo sợ, bất ổn trước tương lai, lại có xuống tinh thần và đi đến trầm cảm...
Một chữ ngắn gọn: đau đớn làm mất giá trị sống.
Nên phải loại trừ đau đớn?
Không đau đớn là tiền đề của giá trị sống (quality of life).
Sống thoải mái và chết yên ổn.
Với nguyên tắc đó, lúc tiếp đón bệnh nhân, trừ trường hợp khẩn cấp, bác sĩ hay y tá phải lo chuyện chống đau rồi mới đi chẩn bệnh và trị bệnh. Bệnh nhân là một con người chớ không phải một con vật, bảo vệ nhân phẩm tức là phải bảo đảm quyền được sống không đau đớn.
Thật ra, đại đa số trong chúng ta không cảm nhận được các bệnh tật mà chỉ cảm nhận những đau đớn gây ra bởi bệnh tật. Chính vì vậy cần trị đau trước nhất. Hết đau là kể như thắng lớn rồi. Lúc đó bác sĩ rảnh trí hơn để trị bệnh và bệnh nhân khỏe hơn để chống chọi hầu tìm lại sức khỏe.
Trong thực tế thì ra sao? Từ gần nửa thế kỷ nay, các bác sĩ đều phải biết vận dụng trên đầu ngón tay tất cả các loại thuốc trị đau, cho tất cả các trường hợp. Để đo độ đau đớn của bệnh nhân, họ có thể quan sát với những thang liệt kê các biểu hiện của đau đớn, nhưng họ rất chú tâm hỏi cảm nhận chủ quan của bệnh nhân - vì đau đớn là độ cảm nhận tùy người và phải trị đau theo độ cảm nhận chủ quan đó.
Một cách nôm na, khẩu hiệu của họ là giảm đau trước rồi tính chuyện trị bệnh tiếp theo sau.
Y khoa hiện có khả năng trị được ít nhất là 80% các loại đau đớn. Từ đau đẻ - 80%  các thai phụ hiện được gây mê ngoài màng cứng (péridurale) để sinh con không đau đớn. Thôi miên được dùng cho những cuộc phẫu thuật nhẹ vì thôi miên giúp phần hồi sức dễ và nhanh hơn. Các đau đớn cuối đời vì ung thư cũng được “trị” để người bệnh, nếu phải lìa đời đi nữa thì cũng lìa đời trong cái thư thái thể xác.
Bệnh viện nào ở Bỉ cũng có một trung tâm chuyên về đau đớn (centre hay clinique de la douleur) với các bác sĩ chuyên môn về gây mê, các nhà thần kinh học, các chuyên viên thôi miên, chuyên viên châm cứu, các tâm lý gia, ... 
Tổ chức Y tế Quốc tế OMS/WHO đã đặt ngày 17 tháng 10 là Ngày quốc tế chống đau đớn.
Có thể đây là một hình thức màu mè, nhưng sự hiện hữu của Journée mondiale contre la douleur nói lên khuynh hướng của thế giới cầu sự thoải mái như một điều kiện tối cần cho kiếp người.
Trị đau
Quyền sống không đau đớn được xem như một quyền căn bản của người bệnh. Như đã nói trên, ngay cả đến khi y khoa không trị được bệnh, hết hi vọng cứu bệnh nhân, cũng phải làm sao giảm đau để bảo vệ giá trị sống của người ấy đến khi lìa đời.
Hiện có rất nhiều phương pháp trị đau: thuốc đủ loại - kể cả thuốc thuộc gia đình ma túy -, thôi miên, châm cứu, kích thích bằng điện (TENS), massage, yoga, siêu âm, trị liệu bằng nước, ...
Đánh lạc hướng các cảm nhận về đau đớn cũng là một phương pháp tốt, không loại trừ đau đớn nhưng ít nhất là nâng cao giá trị sống cho người bị đau (TV, nghe nhạc, chơi, đọc sách).
Hát ru, khi bệnh nhân là một  trẻ con, cũng được dùng.
Có những phương thức nâng đỡ tâm lý giúp bệnh nhân giảm bớt, hay quên - ít nhất là tạm thời -  các cảm nhận đau đớn.
Thậm chí cho bệnh nhân sống thường trực với ảnh của người thân cũng được dùng như một phương thức trị liệu các đau đớn, nhất là đau đớn của trẻ em - để các ảnh này, phóng to, lên trần phòng bệnh, trên tường, ...(3)
Đau đớn dưới góc nhìn xã hội học
Đau đớn là một kinh nghiệm khó chịu hay một thương tổn của thể xác. Đó là định nghĩa khái quát.
Bên cạnh đó,  cảm nhận của đau đớn còn là kết quả của việc giải mã của mỗi cá nhân - định nghĩa này có vẻ giống như giải thích về vai trò của não bộ trong đau đớn đã bàn ở trên nhưng thật sự nó phức tạp hơn nhiều.
Ngay lúc ta đau, não chỉ có thể “dịch” cái đau theo bộ nhớ. Nhưng ta còn có khả năng cảm nhận cái đau tùy hoàn cảnh hiện tại. Đó là điều mà David Le Breton, một nhà nhân học và xã hội học người Pháp, gs  ở Strasbourg,  thêm vào (4).
Đau vì bị hành xác trong tù khác với đau khi đánh nhau với một lũ côn đồ - dù là thương tích có giống nhau hay dù là các thương tích ấy cũng bị gây ra bởi một thứ gậy gộc. Vị trí “tù nhân - nạn nhân” làm “tăng” thêm đau đớn.
Đau đớn còn là một sự tàn phá.
David Le Breton gọi đau đớn như một tàn phá cá nhân con người. Hết đau, ta phải tái tạo những gì đã bị tàn phá để tiếp tục sống. Có khi không thể tái tạo lại những gì đã bị tàn phá  và ta phải cấu trúc cách sống mới, như chào đời một lần thứ nhì, như thành một con người mới.
Trong cuốn Kinh nghiệm đau đớn. Giữa sự phá hủy và sự tái sinh (Expériences de la douleur. Entre destruction et renaissance), David Le Breton trình bày những trạng thái khác nhau của hiện tượng đau đớn, một hiện tượng cá nhân nhưng liên quan đến văn hóa, cách sống của gia đình, xã hội. Ông minh chứng rằng ở một độ nào đó, đau đớn chiếm ngự cá nhân, hiện tượng này phá hủy hết những thói quen hàng ngày, ngăn cản sinh hoạt thường nhật (5).
Những phá hủy này thật sự rõ ràng nhất cho những đau đớn mãn tính, kéo dài trong thời gian và gây nhiều ảnh hưởng đến đời sống của người bị đau trong xã hội.
Với đau đớn, người bệnh phải tìm ra cách sống mới, như được hay bị sinh ra lần thứ nhì, và phải sáng chế ra những tập tính thói quen mới thích hợp hơn với điều kiện sinh lý hiện thời của mình.
Cá nhân bị đau lại không có khả năng diễn đạt cái đau của mình vì hoàn cảnh không cho phép và môi trường không hiểu, vì những bổn phận xã hội hay vì những chờ đợi của người xung quanh. Họ khổ sở vì thế.
Người bị đau bị dồn vào tình thế cô đơn, đau đớn một mình - “ai tri âm đó mặn mà với ai” - dù vẫn sống trong xã hội (6).
Không chơi chữ nhưng David Le Breton nói “cả các bác sĩ nữa, cũng không giúp người bị đau”. Các bác sĩ “chữa” (prendre soin) nhưng không “trị” (soigner). Bác sĩ không nắm hết toàn diện con người bị bệnh. Đau đớn không chỉ  là đau đớn nơi nào đó trên thân thể. Con người sống trong xã hội, khi một phần thân thể không bình thường là cả cuộc sống xã hội của người bị đau bị xáo trộn. Trị đau đớn là phải nghĩ đến các khía cạnh ấy (5). 
Nhìn nhận sự đau đớnlà một bước đầu của quá trình “trị” đau. Đối thoại với bệnh nhân để hiểu xem ông hay bà ấy bị “đau” như thế nào là bước tiếp theo để người bệnh cảm thấy như chia sẻ được với người khác cái đau đớn của mình. Mà có chia sẻ đau đớn mới “vơi” đi được.
Đau đớn hết là một hiện tượng cá nhân, chính thức thành hiện tượng xã hội. Người đau đớn được giúp đỡ và lúc đó đau đớn mới có khả năng lành được. 
Chú dẫn:
(1) http://www.ncbi.nlm.nih.gov/ và http://fcesoftware.com/.
(2) Ferragut E. (dir.), Psychopathologie de la douleur. Évaluation, thérapies, prévention. NXB Masson, 2001.
(3) Kuttner L., L'enfant et sa douleur. NXB Dunod, 2011.
(4) Le Breton D., Anthropologie de la douleur. NXB Métaillé, 2006.
(5) Le Breton D., Expérience de la douleur. Entre destruction et renaissance. NXB Métailié, 2010.
(6) Lhérété H., «La maladie, une voyage au bout de soi», Sciences Humaines, n°216, juin 2010 và trang của những người bị đau nói về đau đớn dưới khía cạnh tâm lý: http://www.institut-upsa-douleur.org/.
Nguyễn Huỳnh Mai
Theo http://www.vanhoanghean.com.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Nhà thơ, Tiến sĩ Phạm Thị Như Thúy ra mắt tập sách “Chuyên khảo Nghệ thuật tuyên truyền trong văn chính luận Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh”...