Thứ Hai, 18 tháng 9, 2017

Tình khúc gởi Nha Trang

Tình khúc gởi Nha Trang
Mùa hè đầu thập niên 60, từ Đà Nẵng, chúng tôi mở cuộc “hành phương Nam” vào thành phố Nha Trang. Dũng có người bà con ở dưới Cầu Đá, đã nhiều lần vào Nha Trang, mô tả vùng trời phương xa thật hấp dẫn, ba đứa còn lại được nghe bạn kể nên rất náo nức, được dịp rủ rê nên chớp ngay cơ hội sau vài ngày nghỉ hè. Bốn đứa mang theo hai chiếc xe đạp để tiện việc di chuyển, đáp chuyến xe đò Phi Long từ mờ sáng, đến Nha Trang vào lúc mặt trời lặn.
Hình ảnh thành phố biển nên thơ và dễ thương đó đã in đậm trong tôi theo dòng thời gian.
Giữa thập niên 60, tôi bước chân vào quân ngũ và hình như  có duyên nợ với núi rừng cao nguyên, từ ngày tháng ở quân trường cho đến khi chọn đơn vị. Thỉnh thoảng có dừng chân nơi thành phố biển, và lúc chia xa, lòng còn vương đôi chút.
Bóng dáng Hà Nội, Sài Gòn, Đà Lạt... đã đi vào ca khúc, và khung trời Nha Trang qua dòng nhạc, lời ca của Minh Kỳ và Hồ Đình Phương tạo thành bức tranh huyền ảo, linh động, rất có hồn, khi nghe, gợi trong lòng nỗi nhớ thương man mác. Một nơi chốn với đôi nét chấm phá, thoảng nghe cũng mường tượng khung cảnh trữ tình:
“Nha Trang là miền quê hương cát trắng
Trông lên xanh êm màu trời
Nhìn ngoài nước thắm xa khơi...
... Nha Trang là miền khách du muốn tới
Cho phai bao nhiêu bụi đời
Để tìm nguồn yêu sống vui...
... Là đây biển tình bao la
Ngồi trông sóng chiều vươn xa
Lòng đôi lứa thề trăm năm duyên tơ...”

Nha Trang - Hợp Ca | Bài hát, lyrics

Có lẽ  hình ảnh trong ca khúc “Nha Trang” chưa bày tỏ  hết tâm trạng giữa cảnh và tình nên tác giả gởi thêm vào cung bậc trong “Nhớ Nha Trang” để dàn trải tâm tư, tình cảm:
“... Từ ngày được trông Nha Trang, 
tôi càng mến yêu quê nhà:
Đây là đóa hoa muôn đời còn hương.
Từ ngày biệt ly Nha Trang,
mỗi lần trông nắng vàng tới, 
xót xa hồn tôi...”.

Nhớ Nha Trang - Thanh Tuấn (NSƯT)

Cảm nhận hình ảnh nơi chốn được thể hiện trong lời ca, tiếng nhạc là lẽ thường tình trong cuộc sống nhưng khi nơi chốn đó đã in sâu bao kỷ niệm, khi rơi vào nghịch cảnh, hoàn cảnh trớ trêu gắn liền với hệ lụy của cuộc đời, như vết hằn in sâu trong lòng, bao nỗi xót xa.
Cuối năm 1970, tôi thuyên chuyển về Nha Trang, không biết  “được” hay “bị”, với cuộc sống lang bạt kỳ  hồ, tôi chẳng có  điều gì để quan tâm. Tôi biệt phái sang Trung Tâm Điều Hợp Tâm Lý Chiến Vùng II Chiến Thuật, Trưởng Ban Điều Hành, mỗi ngày chỉ viết vài tờ truyền đơn và vài dòng để phóng thanh nên công việc khá nhàn vì thế có dịp bù khú với bạn bè. Trung Tâm cũng nằm trong doanh trại của đơn vị gốc, thuộc khuôn viên của bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II, Pleiku. Bốn đứa kết thân nhau, la cà café và nhậu nhẹt đến nỗi Vũ Ngọc Hải, bạn đồng khóa, em ruột của đơn vị trưởng, không chịu về Sài Gòn lấy vợ.
Bà cụ gọi lên khiển trách ông anh thế nào không biết, rồi một buổi sáng âm u, ông gọi tôi lên cho biết phải tách bốn “cậu” ra bốn nơi để Hải lập gia đình. Đơn vị có địa bàn hoạt động khắp vùng II nên ông bảo tôi muốn phục vụ ở đâu, cho ông biết. Tôi không có ý kiến vì “Ở đâu cũng ăn cơm tháng, ngủ giường bố” nên để ông quyết định. Khi ông  đề cập đến Nha Trang, tôi chịu ngay. Hai hôm sau, có xe đi công tác về Nha Trang, tôi vội vã lên đường. BS Nguyễn Trường Xuân, Y Sĩ Trưởng, về Sài Gòn học tiếp giải phẫu, Vũ Ngọc Hải về Cục An Ninh Quân Đội, còn Huỳnh Văn Hiếu, Trưởng Ban 4, trụ trì Pleiku. Khi về đến Quy Nhơn, lấy cớ thăm bạn bè, ở lại vài hôm. Gặp lúc mưa bão nên từ Quy Nhơn vào Nha Trang mất hết mười hai ngày, tưởng chừng đương sự mất tích.
Hình ảnh Nha Trang sau cơn bão lụt như giai nhân bị dập vùi trong bão cát. Trong mười năm qua, tôi vẫn yêu mến khung cảnh nên thơ đã bắt gặp từ dịp nghỉ hè. của thuở học trò. Từ đó, tôi rất thích hai ca khúc đề cập đến địa danh đã ru lòng mình về cõi mộng nhưng khi “chọn” được nơi đã từng ấp ủ, tôi lại rơi vào tình trạng bất đắc dĩ. Bởi đơn vị được “trú đóng” ở nơi tốt lành nên sĩ quan phải phục tùng và “biết điều” với đơn vị trưởng, còn tôi thì bạt mạng, ngang bướng nên khó hòa đồng, khó bề thích nghi trong môi trường không mấy tốt đẹp.
Hôm trình diện, có ông bạn gợi ý cò mồi về thông lệ, Sĩ quan ra mắt anh em với chầu nhậu ở Gió Khơi. Tôi phán ngay việc nhậu nhẹt là chuyện nhỏ nhưng chưa thân ít khi cụng ly, cạn chén hồ trường.
Thế  nhưng, đệ tử của Lưu Linh, có máu văn nghệ, chẳng mấy chốc, có bạn bè đàn đúm. Lý  Bạch đêå lại cho đời nhiều bài thơ bất hủ về rượu, trong đó có hai câu thơ rất mết:
“Cổ lai thánh hiền giai tịch mịch
Duy hữu ẩm giả lưu kỳ danh”

(Xưa nay thánh hiền đều lặng lẽ.
Chỉ người uống rượu mới lưu danh).
Đơn vị “cấp” cho tôi căn nhà bỏ trống trong khu gia binh, căn nhà chỉ dành cho Sĩ quan có gia đình nhưng tôi không hiểu vì sao được “chiếu cố” như vậy. Buổi tối cuối tuần lai rai đôi ba chén với anh Vĩnh, Hạ sĩ quan Tiếp Liệu, anh hỏi tôi ở trong căn nhà này có thấy gì không? Tôi ngạc nhiên hỏi lại có gì mà thấy? Anh cho biết trước đây có người thắt cổ chết... Tôi rót chung rượu đặt ở vị trí người quá cố, lâm râm hai câu thơ của Nguyễn Bá Trác trong Hồ Trường:
“Trời đất mang mang ai người tri kỷ
Lại đây cùng ta cạn một Hồ Trường”.
Nơi tôi ở trở thành nhà vãng lai, có lẽ người chết kẻ sống đều thờ thần rượu Dionysos, Bacchus, đệ tử của Lưu Linh nên dễ thông cảm, xí xóa cho nhau. Hình ảnh Nha Trang năm xưa dần dà trở về trong lòng tôi, buổi tối uống café, thả bộ trên bãi biển, đêm về chén tạc chén thù với đồng đội, vô cùng thích thú.
Người bạn thân đầu tiên là Đoàn Trọng An, quê ở  Vạn Giả, anh là người Công Giáo, tôi là Phật tử thuần thành ngày trước, cũng như Vũ Ngọc Hải, rong chơi với nhau quên cả bổn phận phải  đi Lễ cuối tuần, và tôi cũng chẳng biết ngày Rằm, Mồng Một gì cả. Đôi khi tự biện minh, tuổi trẻ thời chinh chiến, nay còn mai mất, nếu có gì sai sót xin dành lại kiếp sau.
Trong dịp công tác, Đoàn Trọng An quen với cô giáo, người Hà  Nội, chàng giới thiệu cho tôi. Và từ đó, Nha Trang với duyên nợ được ấp ủ trong lòng tôi trải dài qua bao thập niên với bao biến thiên trôi nổi theo thời cuộc. Tôi rất quý An ở đức tính chân thật, hiền lành nên bị cấp trên bắt nạt và lợi dụng. Cặp kè với tôi rồi cũng khổ thân, bị chuyển lên công tác ở Đà Lạt. Tôi giới thiệu lại cô em nhưng duyên nợ không thành.
Mùa hè 1971, tôi theo học Khóa 3 Trung Cấp CTCT, những lá thư  tình rất tuyệt trao gởi cho nhau, xây dựng cuộc tình tương lai. Cuối năm đó, tôi đổi về Đà Nẵng, khi thưa với mẹ tôi chuyện lập gia đình. Mẹ  tôi trố mắt rồi hỏi: “Có thật không con?”. Anh chị lại ngạc nhiên, lúc trú đóng ở Nha Trang không tính chuyện đó, về lại quê nhà lại lấy vợ phương xa. Mẹ tôi vui mừng cho đứa con út của người, dừng bước chân giang hồ để tìm về tổ ấm.
Người bạn thân kế tiếp là Nguyễn Kim Quý, gốc gác Nha Trang, anh và tôi không ưa với nhau từ lúc giáp mặt ở đơn vị. Trong dịp Tết Tân Hợi 1971, tôi làm Sĩ quan trực đơn vị trong ngày cận Tết, khoảng 11 giờ tối đêm 30, anh mang đến chai Whisky của miền Scotland và chơi trò đánh cuộc, ai thua phải trực.
Vừa uống vừa đem chuyện Kim Dung luận bàn về rượu với cuộc tao ngộ kẻ chánh, kẻ tà giữa Lệnh Hồ Xung và Điền Bá Quang trong Tiếu Ngạo Giang Hồ, tình bạn qua chung rượu với Kiều Phong, Đoàn Dự, Hư Trúc trong Lục Mạch Thần Kiếm, tình yêu nảy sinh giữa hai thái cực, minh giáo và tà giáo giữa Trương Thúy Sơn và Hân Tố Tố khởi nguồn từ chén rượu... Hình ảnh Mạc Đại  tiên sinh gầy gò với lưỡi kiếm mỏng manh giắt trong đáy dao cầm, trong quán rượu có chín gã hán tử ngồi nhậu bố lếu bố láo, vì không biết nên vô tình xúc phạm đến tên ông, ông già chỉ hoa tay với làn ánh sáng lấp lánh rồi bỏ đi, cơn gió thoảng qua, chín cái miệng chén bị cắt đứt bằng nhau rơi xuống mặt bàn, vỡ tan...
Tán gẫu với câu chuyện bên chai rượu trong nửa giờ đã hoàn thành xong nhiệm vụ đánh cuộc được giao phó, tôi chiếm thượng phong nhưng rồi bảo anh về ăn Tết với gia đình, tôi làm bổn phận kế tiếp với giấc ngủ dài trong ngày đầu năm. Từ đó, chúng tôi có dịp chuyện trò với nhau, sau đó anh biệt phái sang phái đoàn thông dịch ở xứ Chùa Tháp, tôi đổi về Đà Nẵng, rồi cả hai cùng thuyên chuyển về quân trường ở Đà Lạt, trở thành đôi bạn thân.
Với Kim Thanh Nguyễn Kim Quý, kỷ niệm tình bạn trong hai mươi năm qua, bài viết “Một Bông Hồng Cho Người Cựu Tù Nhân Chính Trị” trên nhật báo Người Việt (28-7-1991) tôi viết về anh và nhân cơ hội giới thiệu luận án Tiến sĩ văn chương Pháp “La Prison Chez Stendhal” dày 520 trang, vừa được hoàn thành tốt nghiệp. Tháng 3-1992, anh tham dự Hội Thảo Quốc Tế Stendhal tại Paris và thuyết trình đề tài “Stendhal, Paris et Le Mirage Italien”. Tôi giới thiệu tiếp khuôn mặt người bạn trên báo chí ở Quận Cam vào tháng  4-1992. 
Anh và tôi cùng cảm nhận được ngòi bút của nhà văn Pháp ở thế kỷ XVIII đã để lại trong tác phẩm “Những nhân vật nữ đẹp tuyệt vời và thế giới ngọt ngào hương phấn, nửa hư nửa thực... Tôi yêu Stendhal có lẽ vì cùng nỗi lãng mạn như những nhân vật ông tạo dựng, cô đơn, đi bên lề xã hội, suốt đời ôm ấp trong tay ảo ảnh một thiên đường đã mất, nơi đó tình yêu không có vết nhăn, không có lọc lừa, không có phản bội” (Kim Thanh - Betima & Mùa Xuân).
Stendhal thời trẻ, chán ngán Paris, lưu lạc xứ người, bị ngộ  nhận là kẻ đánh mất quê hương nhưng cuối  đời ông trở về chết nơi quê nhà, với  ông, quê hương như vòng tay của người mẹ  hiền, lúc nào cũng mở rộng vòng tay đón nhận đứa con hoang quay về trong lòng mẹ...
Nguyễn Kim Quý dạy Pháp văn ở Đại học Eastern Washington University nhưng thuộc loại bất cần đời, tính nết cũng hơi phách đôi chút nên bị kỳ thị, bỏ  dạy về Oregon làm công chức, lập lại cuộc đời sau thời gian trong chốn lao tù, tan vỡ cuộc tình.
Với tôi, ngòi bút của Kim Thanh chỉ nhắc nhở đến hình ảnh con ngựa bất kham, bạt mạng lại có mái ấm gia đình.
Cảm tạ Nha Trang, cảm tạ bạn bè đã đưa con ngựa chứng về nơi biển trời mênh mông, bát ngát, rất thân tình.
“Nha Trang ngày về, mình tôi trên bãi khuya
Tôi đi vào thương nhớ, tôi đi vào cơn gió
Tôi xây lại mộng mơ năm nào
Bờ biển sâu, hai đứa tôi dìu nhau.
Năm xưa, biển nầy người yêu trong cánh tay
Đêm nay còn cát trắng, đêm nay còn tiếng sóng
Đêm nay còn trăng soi, nhưng rồi
Còn mình tôi trên bãi khuya khóc người tình...
... Nha Trang biển đầy, người yêu không có đây
Tôi như là con ốc, bơ vơ nằm trên cát
Chôn sâu vào thân xác lưu đày
Dã tràng ơi! sao lấp cho mối sầu nầy”


NHA TRANG NGÀY VỀ - Khánh Ly

Trót theo chồng nên rời xa quê hương cát trắng. Năm 1972, nhà  tôi đổi lên dạy học ở Đà Lạt, sau 1975 tiếp tục cuộc sống nơi xứ lạnh. Mỗi năm, cứ  hai lần vào dịp Tết và hè, nhà tôi đưa con cái về Nha Trang sum họp với đại gia đình.
Mùa hè  năm 1982, tôi trở lại Nha Trang sau những năm trong vòng lao lý. Thăm bãi biển Nha Trang, nơi để lại trong tôi nhiều kỷ niệm không bao giờ phai. Tôi lặng lẽ  đi dưới ánh trăng thượng tuần tỏa ánh nhạt nhòa trên bãi cát. Tình khúc “Nha Trang Ngày Về” của Phạm Duy như nỗi lòng, tâm trạng của kẻ chiến bại, mang nỗi khổ đau với bao vết hằn chồng chất đang tìm về nơi thiên đường đánh mất. Đâu rồi “con đường tình sử” của Bá Đa Lộc, mỗi lần thả bộ, nhà tôi lại nhắc đến những hình ảnh bạn bè giữa thập niên 60, năm Đệ Nhất A của trường Võ Tánh; Đâu rồi những góc phố thân thương, những hàng quán ban đêm với món ăn mang đặc sản Nha Trang... tất cả đã chết theo thời gian và còn lại nơi đây cảnh đìu hiu của “đất Hán Hồ”. Đâu rồi “Những người muôn năm cũ. Hồn ở đâu bây giờ?” (Vũ Đình Liên)...
Mỗi lần về Nha Trang, tôi ghé lại thăm Nguyễn Cư, được bạn ta cho uống café và kể chuyện đời. Nhà tôi và bà xã của Nguyễn Cư cùng học với nhau từ trường Nữ Trung Học đến trường Võ Tánh Nha Trang. Ngôi nhà của chị trên đường Độc Lập có hai căn, một căn là nhà thuốc bắc Nam Sanh Đường, một căn mở quán café 108. Tôi thường đến quán cahé nầy và có một kỷ niệm khó quên. Cuối tháng 6, 1971 tôi hẹn với người tình đi uống café, trước giờ hẹn tôi ghé lại quán bida trước tiệm café 108, bị kẻ đạo chích móc cái ví sau túi quần Jean. Sau thời gian đôi tình nhân ngồi uống café tâm tình với nhau, đến khi trả tiền, sờ váo túi sau, cái ví bay mất, tôi lặng lẽ tháo cái đồng hồ Seiko để cầm. Em gái chị Mai Lăng nói “Anh chị quen thân với anh chị em, khi nào trả cũng được”. Thản nhiên đưa người tình về nhà, khi quay lại quán tìm thì thấy cái ví nằm dưới bàn bida, chỉ mất tiền lương vừa lãnh, giấy tờ vẫn còn nguyên. Khi tôi kể lại cho người yêu biết, nàng lại “mến” cái tính lãng tử của tôi và trách sao không nói để “em trả tiền”! (Bây giờ mà xảy ra như vậy, bu nó không thể nào “mến” cái lãng tử mà phán “con nào móc rồi chứ gì? Bỏ mẹ sa trường…).
Tôi mới chợt hiểu rằng tại sao bao nhiêu lần về với gia đình, chưa bao giờ nhà tôi ra biển một mình, trong cô đơn, chỉ có nước mắt, chỉ có tiếng thở dài cho thân phận. Mồng Một Tết Mậu Ngọ 1979, Thành, em ruột của nhà tôi, vừa tròn hai mươi, tổ chức cuộc vượt biên cùng bạn bè trong đội banh ngay Bưu Điện - Quán Gió Khơi ngày trước, Thành giấu kín người thân trong gia đình, chỉ tin cho nhà tôi biết trước lúc  đi. Rồi Thành đã vĩnh viễn ra đi, bóng chim tăm cá. Từ đó, nhà tôi sợ nơi chốn tuyệt vời như sợ mũi tên đâm vào lồng ngực!
Tôi trở về lang thang nơi chốn cũ với nỗi niềm mà  Erich Maria Remarque chọn làm tựa đề trong tác phẩm “Một Thời Để Yêu & Một Thời Để Chết” trong bối cảnh sau Đệ nhị thế chiến.
Chia tay Nha Trang, hè 1990, đôi tình nhân ngày xưa qua năm tháng thăng trầm, bất hạnh mới tìm được giây phút êm  đềm bên nhau giữa mây trời và cát biển của ngày tháng cũ.
Giã biệt Nha Trang, giã biệt khung trời ngày cũ trước giờ  rời bỏ quê hương.
Bao năm trôi qua, xa cách quê nhà, tôi vẫn mong có được ngày về để khe khẽ hát “Nha thành mến yêu, một ngày trời sang mùa mới... Gió ơi! gió ơi! ngân hòa thêm tiếng lòng tôi”.
Với niềm  ước mơ, một ngày nào đó, hai mái tóc bạc màu ngã  mình trên bãi cát, ôn lại kỷ niệm xa xưa để hàn gắn lại lớp bụi thời gian.
Vương Trùng Dương
Nguồn: Đặc San Nha Trang 
Khánh Hòa  Hè 2003
Theo http://newvietart.com/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Gió mùa - Tạp bút Phương Uyên

Gió mùa - Tạp bút Phương Uyên Một mình lang thang chiều cuối thu. Cơn gió đầu mùa đã về mang theo những không khí se lạnh đầy xao xuyến, t...