Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2017

Để có một đời sống âm nhạc hài hòa cân xứng

Để có một đời sống âm nhạc 
hài hòa cân xứng
Âm nhạc đại chúng lên ngôi và chiếm lĩnh tuyệt đối thị trường, khí nhạc và âm nhạc hàn lâm phương Tây thoi thóp, âm nhạc truyền thống dân tộc đang cố gắng tìm lại chỗ đứng của mình nhưng chưa được nâng đỡ xứng đáng. Đó là toàn cảnh thực trạng đời sống âm nhạc Việt Nam hiện nay mà ai cũng có thể nhận thấy. Làm thế nào tạo được sự cân xứng, hài hòa trong đời sống âm nhạc theo vẫn là những câu hỏi lớn đang cần những lời giải đúng đắn thuyết phục.
Có nên dè bĩu âm nhạc và ca khúc đại chúng?
Việc các cơ quan truyền thông, đặc biệt là truyền hình với cách quảng bá của mình cho các chương trình như “Bài hát Việt”, “Sao Mai điểm hẹn”, “Con đường âm nhạc”… làm cho khán giả dễ lầm tưởng rằng nhạc nhẹ, nhạc đại chúng là tất cả nền âm nhạc Việt Nam hiện nay rõ ràng là cần nghiêm túc điều chỉnh. Bản thân quá trình phát triển của âm nhạc đại chúng cũng còn nhiều điều gây dị ứng với khán giả: các sáng tác tập trung quá nhiều khai thác đề tài tình yêu mà bỏ quên trách nhiệm xã hội, trách nhiệm công dân, còn vay mượn nước ngoài quá nhiều, quá chú trọng khai thác sự sôi động mà coi nhẹ chất tâm tình, ca từ dễ dãi và mòn sáo, phong cách biểu diễn và phục trang của không ít ca sĩ dễ gây phản cảm…
Tuy vậy không thể phủ nhận sự phát triển của nhạc nhẹ, nhạc đại chúng ở nước ta trong thời gian vừa qua cơ bản là bình thường, lành mạnh và ngày càng phong phú chuyên nghiệp, thu hút được đông đảo công chúng. Sau những Trần Tiến, Nguyễn Cường, Thanh Tùng, Phú Quang, Bảo Phúc…đội ngũ viết ca khúc và phối khí nhạc đại chúng kế tiếp cũng thật trẻ trung tài năng với những Ngọc Châu, Anh Quân, Huy Tuấn, Lê Minh Sơn, Việt Anh, Đức Trí, Quốc Bảo, Đỗ Bảo, Nguyễn Vĩnh Tiến…Sau sự khởi đầu thành công của Ái Vân, Lệ Quyên, Nhã Phương, Bảo Yến hơn hai mươi năm trước, đội ngũ ca sĩ nhạc nhẹ hôm nay thật hùng hậu với những tên tuổi được hết sức mến mộ như Thanh Lam, Mỹ Linh, Hồng Nhung, Trần Thu Hà, Phương Thanh, Mỹ Tâm, Lam Trường, Quang Dũng, Đan Trường, Hồ Quỳnh Hương, Tùng Dương, Đàm Vĩnh Hưng…Ngoài đề tài tình yêu, những năm gần đây, sáng tác và biểu diễn trong nhạc nhẹ rất đáng biểu dương khi tìm đến với nhiều đề tài cách mạng,  xã hội, nhất là việc hướng về khai thác loại âm nhạc mang âm hưởng dân gian dân tộc của Lê Minh Sơn, Nguyễn Vĩnh Tiến, nhóm Mặt trời đỏ…Bên cạnh đó, công nghệ tổ chức biểu diễn cũng phát triển khá nhanh trên con đường chuyên nghiệp hóa với mong muốn bắt kịp đà phát triển của công nghệ tổ chức biểu diễn khu vực và thế giới.
Sự phát triển của nhạc nhẹ, nhạc đại chúng trong thời gian vừa qua có thể coi là nét son trong đời sống âm nhạc Việt Nam, nó cần phải được đánh giá khách quan, công bằng và cần được cổ vũ để phát triển đúng hướng, có tác dụng thiết thực trong việc xây dựng đời sống tinh thần của con người Việt Nam hôm nay.
Không thể chỉ vì một vài ca sĩ hát gào thét mà coi “gào”, “điên” là căn bệnh phổ biến để hạ thấp âm nhạc đại chúng Việt Nam. Cũng không thể dè bĩu các ca khúc nhạc nhẹ Việt Nam đều là ca khúc quần chúng, không chuyên nghiệp, chỉ vì không có tổng phổ phần đệm piano như một nhạc sĩ trường quy lớn tiếng dè bĩu nhiều lần. Ông nhạc sĩ hợm hĩnh tự coi mình là hàn lâm để rẻ rúng nhạc nhẹ này thực ra lại rất ấu trĩ khi đem tiêu chuẩn cổ điển để ụp lên nhạc nhẹ và cả gan nói bừa rằng sáng tác của các ban nhạc trẻ nổi tiếng thế giới như ABBA, BEATTLE đều có phần tổng phổ piano trong khi người có kiến thức i tờ về nhạc nhẹ cũng có thể biết rằng trong nhạc nhẹ không hề có yêu cầu bắt buộc đó và phần phối khí cho nhạc nhẹ không bao giờ chi tiết, cứng nhắc như trong nhạc cổ điển mà dành nhiều tự do cho nghệ sĩ ứng tấu.
Chúng ta chưa có được một nền khí nhạc hàn lâm như mong muốn nhưng không thể vì thế mà phủ nhận những thành tựu rõ ràng của âm nhạc và ca khúc đại chúng Việt Nam, một trong những thành tựu của công cuộc đổi mới đất nước trong thời gian qua trên lĩnh vực âm nhạc.
Giải pháp nào cho phát triển khí nhạc?
Không có gì lạ khi không chỉ khí nhạc mà các loại nhạc hàn lâm khác như ca khúc nghệ thuật theo chuẩn của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, thanh xướng kịch, nhạc vũ kịch…đều khó thu hút đông đảo khán giả. Tuy vậy, không phải tất cả đều là màu xám, bế tắc. Bên cạnh hai đơn vị biểu diễn lâu năm như Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam và nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam đã hình thành thêm hai đơn vị khác là Dàn nhạc giao hưởng Học viện âm nhạc Quốc gia và Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TPHCM. Điều đó chứng tỏ nhu cầu về nhạc hàn lâm trong cuộc sống hôm nay. Việc nhạc sĩ Quốc Trung thực hiện thành công một số chương trình biểu diễn và album World Music cũng là một hướng đi đầy triển vọng. Thực ra, cho đến nay, nước ta vẫn là một trong số ít nước châu Á mà nhà nước có chính sách đầu tư khá cởi mở phát triển khí nhạc hàn lâm phương Tây bởi trân trọng thích đáng việc phổ biến tinh hoa văn hóa thế giới để làm giàu văn hóa dân tộc. Tuy vậy, việc phát triển thể loại âm nhạc này không thể chỉ trông đợi vào sự đầu tư của nhà nước mà đòi hỏi sự tự vận động của những người hoạt động trong thể loại âm nhạc này.
Hội Nhạc sĩ Việt Nam cũng rất cần chú ý dành kinh phí thích đáng trong khoản tài trợ trao giải thưởng hàng năm của hội cho việc xuất bản và dàn dựng phổ biến các tác phẩm ca khúc nghệ thuật và khí nhạc được tặng thưởng. Đây là kiến nghị chính đáng từ nhiều năm nay của các hội viên và nằm trong tầm tay giải quyết của Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Tại sao hội không thể phối hợp với bốn đơn vị biểu diễn âm nhạc hàn lâm chuyên nghiệp ở Hà Nội và TPHCM tổ chức biểu diễn hàng năm giới thiệu các tác phẩm được trao tặng giải thưởng của hội để giải quyết một thực trạng đáng buồn nhiều năm nay là các tác phẩm khí nhạc được đầu tư sáng tác rồi trao giải thưởng hàng chục triệu đồng chỉ người sáng tác và người chấm giải biết với nhau còn các đồng nghiệp khác và công chúng thì hoàn toàn mù tịt. Trong hàng tỷ đồng được nhà nước dành cho việc khen thưởng, Hội có thể dành vài trăm triệu đồng để làm việc rất cần thiết này. Quan niệm phải coi khí nhạc hàn lâm phương Tây như gương mặt quốc gia của âm nhạc Việt Nam để so sánh với thế giới xem ra quá khiên cưỡng và mong muốn tìm cho khí nhạc hàn lâm lượng khán thính giả đông đảo thì quả là vô phương nhưng phát triển và gìn giữ nó trong chừng mực nhất định và tìm cách đưa nó đến với những khán giả yêu mến thì hoàn toàn hiện thực. Tuy vậy, việc này thì không thể trông cậy vào ai được ngoài bản thân chính những người hoạt động khí nhạc hàn lâm.
Vị trí nào cho âm nhạc truyền thống dân tộc?
Có thể nói âm nhạc truyền thống nước ta là một nền âm nhạc phong phú độc đáo trên cả phương diện dân gian, bác học, thanh nhạc, khí nhạc mà những biểu hiện nổi bật là âm nhạc chèo, tuồng, quan họ, ca trù, ca nhạc tài tử Nam Bộ, nhã nhạc cung đình Huế, Cồng chiêng Tây Nguyên, âm nhạc các dân tộc thiểu số Tây Bắc, Việt Bắc…Không phải các giao hưởng, nhạc kịch, sonat, concerto, tam tấu, tứ tấu theo kiểu âm nhạc phương tây mà chính các loại hình âm nhạc truyền thống này mới làm nên gương mặt quốc gia đích thực của âm nhạc Việt Nam.
Sau khi Nhã nhạc cung đình Huế, Cồng chiêng Tây Nguyên, Ca trù và Quan họ được công nhận là di sản phi vật thể và truyền khẩu nhân loại, Hát Xoan và Ca nhạc tài tử Nam Bộ đang được tiếp tục đề nghị công nhận danh hiệu vinh dự này. Có thể thấy, âm nhạc truyền thống Việt Nam ngày càng được chú ý và đánh giá cao trên phạm vi thế giới.
Về nguyên tắc, âm nhạc truyền thống dân tộc phải được coi là .“Quốc nhạc Việt Nam”, phải có vị trí hàng đầu trong sự quan tâm về mọi mặt của lãnh đạo và công chúng. Nền âm nhạc Việt Nam hôm nay phải được xây dựng trên cái trục âm nhạc truyền thống, trong sự bảo tồn, phát huy, hiện đại hóa, quốc tế hóa các giá trị tinh hoa âm nhạc cổ truyền và dân tộc hóa các tinh hoa âm nhạc thế giới.
Tuy vậy, trên thực tế đời sống âm nhạc hiện nay, âm nhạc truyền thống dân tộc đang giữ một vị trí quá khiêm tốn. Về mặt đào tạo, nó chỉ là một khoa nhỏ trong các Nhạc viện. Trên truyền thông nhất là truyền hình, nó có vẻ là một đối tượng chiếu cố. Trên sàn diễn, nó chỉ là một yếu tố màu sắc. Khách du lịch quốc tế tỏ ra rất hào hứng khi tiếp xúc với nó nhưng người dân trong nước, đặc biệt là thế hệ trẻ, vẫn chưa mấy mặn mà với “Quốc nhạc” của mình…
Để thực sự trở lại vị trí xứng đáng của mình, âm nhạc truyền thống dân tộc cần được chủ động chiếm lĩnh lĩnh vực nhạc nhẹ, lĩnh vực có khán giả đông đảo nhất trong nước, phát triển mạnh mẽ nghệ thuật khí nhạc truyền thống phục vụ đời sống, các sinh hoạt âm nhạc có khả năng phục hồi trong biểu diễn phục vụ công chúng thường xuyên như quan họ, ca trù, ca nhạc tài tử, nhạc lễ, nhạc hiếu. Cần xây dựng một học viện âm nhạc truyền thống dân tộc tương đương với học viện âm nhạc quốc gia hiện nay như Trung Quốc, Ấn Độ đã làm. Cuối cùng là cần xây dựng một chiến lược truyền thông lâu dài và có hiệu quả thiết thực. Tóm lại là xây dựng một môi trường rộng lớn để nâng đỡ xứng đáng âm nhạc truyền thống dân tộc tìm lại chỗ đứng đã mất của mình trên thực tế.
Nguyễn Thế Khoa
Theo http://www.spnttw.edu.vn/


1 nhận xét:

  Cổ tích mới thời thế giới phẳng – Bài của Võ Tấn Cường 7 Tháng Năm, 2023 Truyện ngắn hiện đại đang trên con đường khám phá, vén mở t...