Thứ Bảy, 30 tháng 12, 2017

Người con gái Tuy Hòa của Trình Quang Phú

Người con gái Tuy Hòa của Trình Quang Phú
“Người con gái Tuy Hòa”:
Đong đầy cảm xúc cách mạng
Mở đầu cuốn “Người con gái Tuy Hòa” là truyện ngắn cùng tên. Điểm nhấn của truyện là sự dũng cảm, thông minh, gan dạ của Trần Thị Có, một người con của xã Hòa Thịnh, huyện Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên - Người đã khiến kẻ địch phải hốt hoảng, sợ hãi và liệt chị vào Việt Cộng loại A.
Truyện được dẫn dắt từ báo cáo của trưởng chi khu quận Hiếu Xương, chúng bắt được Có và dùng các biện pháp dụ dỗ, tra khảo để khai thác thông tin từ chị nhưng ngay cả trong lúc bị tra khảo, chị đã dùng chính những câu trả lời của mình để tuyên truyền cho cách mạng, khiến chúng run sợ đến nỗi không bắn trúng được chị. Quá lo lắng trước khả năng cảm hóa cách mạng của chị Trần Thị Có, chính tay tên trưởng chi khu quận đã giết chị, dã man hơn, hắn lột mảng da đầu dính tóc chị làm vật chứng kèm theo hồ sơ dâng lên tên thiếu tá để khoe công.
Trong lúc đọc hồ sơ của chị Có, chính tên thiếu tá cũng đã nhận ra mình đã từng thất bại trong cuộc tra khảo để moi thông tin từ chị cách đó vài năm. Đó là cái lần hắn bắt được chị, dùng mọi mánh khóe từ dụ dỗ đến đe dọa, thậm chí còn lấy con nhỏ của chị ra để uy hiếp, bắt chị khai ra những thông tin về cách mạng. Tuy nhiên, người con gái Tuy Hòa một lòng kiên trung với cách mạng, bất chấp tất cả, chị vẫn trơ trơ như tảng đá khiến tên thiếu tá phải bẽ bàng chịu thua, mang giam chị chờ ngày xử chết. Nhưng chị đã khôn khéo trốn thoát khỏi lao tù. Nhớ lại người nữ Cộng sản thông minh, gạn dạ năm nao, tên thiếu tá bất chợt có chút sợ hãi, sau đó hắn hả hê với việc hạ gục được một đối thủ đáng sợ - một cộng sản loại A nguy hiểm như cách hắn gọi.
Cũng giống như tên trưởng chi khu quận Hiếu Xương, tên thiếu tá - chủ sự mật vụ vội vàng chuyển hồ sơ của chị Trần Thị Có lên cố vấn Mỹ với hy vọng khoe công để được khen thưởng. Tuy nhiên, câu chuyện với cái kết thú vị khi nhà văn Trình Quang Phú mượn lời của tên cố vấn Mỹ gián tiếp cho thấy sự bất diệt của chị Có cũng như của các chiến sỹ cộng sản Việt Nam. Hắn nói: “Đây chính là thắng lợi của các ông à? Một con Việt cộng hai năm bỏ tù với đủ cách khai thác, bốn năm truy lùng mới bắt được, cuối cùng vẫn không khai thác được ở nó một tài liệu nào cả. Các ông nhầm. Nó chưa chết đâu. Cái giống Việt cộng nó như cái củ gì mà các ông vẫn khoe với tôi là có bằm trăm khúc nó vẫn nảy mầm ấy? À, tôi nhớ rồi, cái củ gấu”…
Tác giả ở vào vị trí của người thứ ba, kể chuyện một cách dung dị, khách quan. Ông dùng chính ngôn ngữ của nhân vật để bình luận, làm nổi bật hình ảnh của nữ chiến sỹ Cộng sản kiên trung. Ông để sự việc tự nói lên bản chất của nó. Thoạt đọc, tưởng như tác giả vô can, nhưng ngẫm lại mới thấy, đằng sau câu chuyện là tấm chân tình, niềm tự hào và biết ơn vô hạn của tác giả đối với nữ chiến sỹ Cộng sản Trần Thị Có đã hy sinh sự sống cho nền hòa bình, độc lập dân tộc.
Tiếp theo dòng cảm xúc về những người con cách mạng kiên trung, trong truyện “N.145”, tác giả Trình Quang Phú lại viết về cuộc hội ngộ đầy xúc động của hai anh em người chiến sỹ giải phóng quân. N.145 - cái tên mang đầy bí ẩn, bí ẩn đúng như con người của nhân vật này. N. 145 là biệt danh mà địch đặt cho anh Hồ Chiến Thắng, một chiến sỹ thuộc lực lượng vũ trang giải phóng. Trong quá trình hoạt động, N.145 bị địch bắt, tra khảo để moi thông tin. Với những chiêu trò tra tấn dã man và hèn hạ như đóng đinh vào đầu ngón tay, ngón chân, tra điện vào chỗ hiểm, ngồi dưới bóng đèn mấy nghìn wát, đánh vào vai, vào đầu… nhưng N.145 vẫn dũng cảm chịu đựng, nhất định gan dạ không khai. Địch đành bắt mẹ anh, ép bà phải khuyên anh khai. Tuy nhiên, người mẹ một lòng yêu nước, thù giặc thà chết chứ không chịu khuyên con mình phản bội Tổ quốc. Bất lực trước sự gan dạ của mẹ con N.145, bọn địch quyết định giết chết mẹ N.145 ngay trước mặt anh. Chúng tiếp tục cầm tù và tra tấn dã man anh suốt tám năm ròng rã, trước khi trao trả anh tại Thạch Hãn (Quảng Trị). Trước sự tra tấn man rợ của quân địch, N.145 đã bị tổn thương nặng về thể xác và tinh thần. Anh chìm trong hôn mê. Nhưng ngay cả trong những cơn mê sảng, người chiến sỹ giải phóng quân đó vẫn dành niềm tin vô hạn cho cách mạng, ăn sâu vào tâm thức của anh niềm tin mãnh liệt về ngày mai chiến thắng. Vì vậy, trong những cơn mê sảng anh vẫn cười ngạo nghễ, cười rất đanh vào mặt kẻ thù và luôn ca ngợi mẹ mình.
Duyên kỳ ngộ đã diễn ra như một cái kết đẹp khi được trao trả tại Bệnh viện giải phóng ở Thạch Hãn anh đã được một nữ bác sỹ trẻ dốc toàn bộ tâm sức cứu chữa cho anh trong suốt hai mươi giờ đồng hồ ròng rã. Anh tỉnh lại, qua câu chuyện trao đổi với người bác sỹ ấy, anh đã nhận ra đây chính là em gái mình. Trong niềm xúc động mạnh đó, anh đã ngất đi rồi lại rơi vào hôn mê. Tuy nhiên, đây là cơn hôn mê bắt nguồn từ sự xúc động, hôn mê nhưng rồi sẽ tỉnh lại. Câu chuyện khúc chiết đưa đến người đọc những xúc động dâng trào.
Ở truyện “Linh hồn sống”, nhà văn Trình Quang Phú lại khai thác tâm trạng người lính ở một góc độ khác. Đó là nỗi niềm của một chàng trai quê ở Phú Yên, bất đắc dĩ trở thành lính ngụy. Hồi anh còn nhỏ, bố anh bị Mỹ bắn chết do ông phản đối chúng cướp nhà, cướp đất của dân. Mẹ anh vì thế mà bị bệnh trọng. Với lòng hiếu thuận mong muốn tìm thuốc chữa bệnh cho mẹ, anh theo lời người ta mách vào tận Nha Trang tìm thuốc. Trên đường đi, anh bị chính quyền ngụy bắt lính, chúng đe dọa sẽ đưa anh ra tòa án binh nếu dám chống lệnh. Thế là anh bất đắc dĩ thành người lính, bất đắc dĩ thành kẻ phản bội quê hương, đất nước, bất lực để mẹ qua đời mà chẳng thể ở bên. Trong những cơn giày vò về nghịch cảnh của đứa con bất hiếu, kẻ bất trung với Tổ quốc anh đã lâm vào những cơn say triền miên... Một chút phấn chấn chợt thoảng qua khi bất ngờ anh gặp lại một người cùng quê hương. Nhưng bất ngờ khi thấy anh trong quân phục lính ngụy đã khiến người làng hiểu lầm anh bỏ mặc mẹ, theo giặc để kiếm tiền và họ khinh rẻ anh. Niềm vui chưa đến đã tan đã đẩy anh lại quay về với thực tại phũ phàng trước cảnh mất hết người thân và không nhà cửa, khiến anh phải để cho dòng đời tự xô đẩy.
Câu chuyện sẽ mãi bế tắc nếu không có một ngày định mệnh, anh gặp người con gái Cộng sản bị bắt và bị tra tấn. Sự dũng cảm ngoan cường của người con gái thà chết chứ không chịu phản bội cách mạng đã khiến anh xúc động và trỗi dậy sự đấu tranh tư tưởng giữa việc giải phóng cho người con gái cũng là để giải phóng cho mình với chấp nhận mọi thứ như hiện tại. Trong khoảnh khắc quyết định, anh đã dùng súng bắn chết mấy tên lính canh ngục rồi vác nữ chiến sỹ Cộng sản bị thương nặng chạy trốn. Người chiến sỹ Cộng sản đã hy sinh trên đường chạy thoát cùng anh, nhưng cô đã kịp chỉ cho anh con đường đến với quân giải phóng. Chính cô là nhân tố quyết định cho sự lựa chọn hướng đi của cuộc đời anh.
Nếu như trong truyện “Những người sống mãi” viết về cuộc đối đầu khôn ngoan, dũng cảm của các chiến sĩ tiểu đoàn Tám Sơn với địch thì truyện “Bằng bất cứ giá nào” lại được nhà văn Trình Quang Phú viết xúc động về sự đấu trí đầy thông minh, dũng cảm của những em bé làm liên lạc cho cách mạng trước kẻ thù hung bạo. Tình huống truyện đưa ra đầy hiểm nguy, hồi hộp khi năm chiến sỹ của ta sẽ bị địch đem ra xử bắn vào buổi tối. Nhiệm vụ cấp bách lúc này là làm sao để cơ sở cách mạng nơi đó biết được kế hoạch của địch và bằng bất cứ giá nào phải cứu được năm chiến sỹ này. Người chỉ huy trưởng vào buổi sáng đã giao nhiệm vụ liên lạc cao cả nhưng đầy khó khăn, thách thức cho hai em nhỏ là Châu và Vinh. Nhận nhiệm vụ, hai em đã lội suối, vượt đèo trở về vùng địch, nhưng để vượt qua được nơi đây không hề đơn giản bởi lính giặc như những con chó săn canh gác rất chặt. Thời gian không còn nhiều để chần chừ, Châu đã nhanh trí nghĩ ra cách đánh lạc hướng địch bằng việc em xuất đầu lộ diện để chúng đuổi theo, tạo sự sơ hở cho Vinh vượt qua vùng địch. Nói là làm, Châu đã nhanh chóng thực hiện kế hoạch mình vạch ra bất chấp sự nguy hiểm về tính mạng và bất chấp sự ngăn cản của Vinh. Nhờ có sự thông minh và gan dạ của Châu mà năm chiến sỹ Cộng sản đã được cứu kịp thời, còn Châu thì mãi mãi ra đi...
Là một nhà khoa học nhưng văn phong của Trình Quang Phú không công thức, cứng nhắc, mà ngược lại, lời văn của ông đong đầy cảm xúc, cái chất khoa học đã giúp cho văn mạch lạc, dễ tiếp nhận mà không hề bị đơn điệu về lối diễn tả cũng như dẫn dắt câu chuyện.
Tập truyện và ký Người con gái Tuy Hòa của Trình Quang Phú, NXB Thanh Niên 2017.
Mộc Miên
VĂN NGHỆ, 21/2017
Theo http://nhavantphcm.com.vn/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Cổ tích mới thời thế giới phẳng – Bài của Võ Tấn Cường 7 Tháng Năm, 2023 Truyện ngắn hiện đại đang trên con đường khám phá, vén mở t...