Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2017

Cảm nhận tác phẩm "Đất rừng phương Nam"

Cảm nhận tác phẩm
"Đất rừng phương Nam"

Như tác giả cuốn sách gắn liền với tuổi thơ mỗi chúng ta qua bao thế hệ: Dế Mèn phiêu lưu ký - nhà văn Tô Hoài đã từng nói: “... đọc Đất rừng phương Nam của Đoàn Giỏi càng thấy đất nước ta đáng yêu biết bao”. Quả đúng thật như vậy. Đất nước Việt Nam ta như trong lời bài hát của người nhạc sĩ tài ba Trịnh Công Sơn “1000 năm đô hộ giặc Tàu, 100 năm đô hộ giặc Tây, 20 năm nội chiến từng ngày…” vậy mà vẫn kiên cường, bất khuất, cương quyết bảo vệ lấy từng tấc đất, non sông tươi đẹp của cha ông bao đời gầy dựng.
Quê hương ta đẹp lắm! Trên đường Hà Giang ra biên giới, có những dãy núi đá xám xanh lô xô kéo từ Vằn Chải lên Sà Phìn rồi Má Lé- chỗ chóp nón tận cùng đất nước đối xóm Mũi Cà Mau trông ra biển Đông trong ấy. Đất rừng phương nam của Đoàn Giỏi đã khơi gợi ra bao nhiêu quang cảnh và con người trên khắp đất nước đáng yêu.
Việt Nam đẹp lắm ta ơi
Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn
Cánh cò bay lả dập dờn
Mây mờ che đỉnh Trường Sơn sớm chiều

Có thể nói Đất rừng phương Nam của nhà văn Đoàn Giỏi là những khám phá tinh tế, đặc sắc, được sàng lọc một cách cẩn thận về cái đẹp của thiên nhiên, con người, đất nước. Đất rừng phương nam của nhà văn Đoàn Giỏi không chỉ miêu tả cụ thể, đặc sắc vẻ đẹp hoang sơ của những vùng đất mới, khắc họa rõ nét sự chất phác, hiền lành, đôn hậu nhưng cũng không kém phần anh dũng của những người con chân lấm tay bùn của miền nam mà nó còn đưa ta đi tới mọi phương trời, góc bể của đất nước mình, từ Bắc chí Nam rồi tới vùng cực nam Tồ Quốc, ra tiếp liền tới biển Đông lúc nào không biết qua những ngày lưu lạc của cậu bé An.
An - một cậu bé tuổi chừng 13, 14 tuổi, “lớn lên trong cái thành phố vừa đông vui trù mật vừa yên tĩnh dịu dàng, tràn ngập một thứ gió gió sông nhiễm đầy mùi phù sa và nắng ấm”, sống hạnh phúc bên cạnh những người thân yêu ruột thịt. Cho tới một ngày những thứ ấy đều tan biến. Sau cái ngày “đằng mình” cướp được chính quyền, bọn thực dân Pháp đã nổ súng đánh ta ở Sài Gòn, Tân An, Định Tường và rồi tới Mỹ Tho… trong khi ta còn án ngữ ở hai đầu cầu quan trọng trên 2 con sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây. “Đùng… đoàng… àng… àng…” giặc đã chính thức kéo vào thành phố nơi An sống.

Chạy giặc rồi mẹ mất, mẹ dặn phải đi tìm cha (cha An làm cách mạng), cậu bé bắt đầu bước vào cuộc sống phiêu bạt khắp đất rừng phương Nam. Bằng những từ ngữ miêu tả sinh động, khắc họa rõ nét tác giả đã đưa ta tới bối cảnh khi Pháp tấn công miền Nam, cuộc chạy giặc của những người dân thành thị, sự chất phát, đôn hậu, giàu lòng thương người, đùm bọc, sẻ chia của những người nông dân đối với những con người đồng bào mà họ chưa từng quen biết, sự anh dũng của những người dân nghèo yêu nước
“Ai có dao dùng dao, có mác dùng mác, bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc mới phôi thai”.
Bắt đầu cuộc sống lưu lạc, phiêu lưu, cả một vùng đất phương nam rộng lớn như hiện ra trước mắt An. Nếu như những cửa sông Hằng ở Ấn Độ trắng xóa những cồn cát và những bãi cát pha đỏ ối màu trời sớm rực nắng. Hay các cửa sông Đa-nuýp ở Trung Âu bờ sậy xanh rờn ngang mặt. Thì cửa sông Cửu Long hùng vĩ đổ ra biển ở vùng đất mũi như bộ râu quai nón oai phong mà từng sợi râu là vô vàn những con đường nước chi chít, li ti. Ở phương nam nước ta, có những cánh rừng bao bọc ra tận cửa sông. Càng đổ về vùng cực nam Tổ quốc, càng nhiều kênh rạch, vũng lầy, rừng lá với những cái tên nôm na, bình dị, tưởng chừng như rất quen thuộc: Năm Căn, Bọ Mắt, Mái Giầm, … Không những thế ta còn được chứng kiến một hệ sinh thái đẹp đẽ, sống động đến lạ lùng. Những con cá trê, cá lóc từng đàn, cá sấu, kì đà cho đến những con rắn cạp nong cạp nia, hổ mang, hồ lửa, nai, vượn, khỉ, và còn có cả những con hổ, báo,… nữa. Rừng ngập mặn, rừng đước cùng biết bao những loài chim muôn hình vạn trạng, những mối quan hệ cộng sinh giữa các loài đã tạo nên một bức tranh về miền đất rừng phương nam hoang vu nhưng cũng không kém phần đẹp đẽ, sinh động, tràn đầy những sắc màu tuyệt đẹp. Vùng đất rừng phương nam hoang sơ dưới ngòi bút đầy sáng tạo của Đoàn Giỏi đã trở nên sống động, nhộn nhịp đến kì ảo, là một kiệt tác không thể nào chối bỏ của thiên nhiên. Không chỉ được khám phá một vùng đất với biết bao điều kỳ thú, cậu bé An còn được gặp gỡ, quen biết với những người con anh dũng của đất rừng phương nam như ông bà Hai, chú Võ Tòng, dì Tư Béo, lão Ba Gù, thầy Bảy, chú Huỳnh Tấn,…và cậu còn được giáp mặt với bọn gián điệp sâu dân hại nước, bán rẻ mảnh đất quê hương, phản bội lại giống nòi như vợ chồng Tư Mắm,…
Được tận mắt nhìn thấy cảnh nhân dân ta bị bọn xâm lược, bè lũ tay sai áp bức; những chiến sĩ cách mạng yêu nước bị đối xử tàn bạo; những cuộc biểu tình, khởi nghĩa của nhân dân ta bị đàn áp dã man; được tiếp xúc với những con người yêu nước, tất cả đã hun đúc trong An một lòng yêu nước mãnh liệt. An nhận ông bà Hai làm cha mẹ nuôi, từng bước tham gia con đường hoạt động cách mạng. Và rồi lúc kết thúc tác phẩm, cậu bé An ngày nào đã trở thành một người chiến sĩ du kích, đã làm được điều từ bấy lâu mình hằng mong ước: gia nhập đội quân du kích, cầm súng chiến đấu chống lại quân thù, góp chút sức mình trong công cuộc giành độc lập, tự do dân tộc.

Bằng những quan sát tinh tế, cụ thể, lời văn đặc sắc, miêu tả chi tiết, từ ngữ có sự chọn lọc kỹ càng nhưng vẫn giữ được sự mộc mạc, bình dị, óc sáng tạo nhạy bén nhưng cũng không kém phần chân thật; tất cả đã tạo nên một Đất rừng phương nam đầy màu sắc, hoang vu nhưng không kém phần đẹp đẽ, sinh động, lôi cuốn người đọc từng câu từng chữ, đưa ta tới vùng đất rừng phương nam thật xa nhưng cũng thật gần. Tác giả đã cho ta thấy trên vùng đất mới ấy, người ta đã lặn lội khai phá, chịu đựng sự khắc nghiệt của thiên nhiên, đấu tranh với những loài ác thú ở dưới nước trên rừng vì bản năng sinh tồn. Tệ hơn hết thảy, họ phải đối mặt với bọn xâm lược tàn bạo, bè lũ tay sai hung ác. Tất cả các bước hiểm nguy đó đều được cắt nghĩa từ bộ mặt thật của tình hình xã hội nước ta đương biến đổi lúc bấy giờ.
Không chỉ vẽ nên quang cảnh đất rừng hùng tráng, nhà văn Đoàn Giỏi đã khéo léo lồng ghép trong đó số phận của những người dân đen thấp cổ bé miệng, chịu sự đối đãi bất công của chế độ xã hội lúc bấy giờ. Không phải tự nhiên những người bình thường như vợ chồng ông Hai, chú Võ Tòng tự nhiên muốn ngang tang đi dựng lều ở khuất nẻo rừng rồi thả thuyền đi câu rắn, tìm mật ong. Họ vốn chỉ là những người nông vốn hiền lành chất phác quen làm ăn và chung sống quay quần làng xóm đông vui. Nhưng bọn chúa đất, Tây chủ nào để họ được yên. Với trí óc quật cường và đôi bàn tay làm nên tất cả họ vẫn sống, vẫn tiếp tục âm thầm góp chút công sức giành độc lập quê hương.
Nhưng bọn chúng nào chịu để yên. Cuộc sống ở đâu cũng quyết liệt, bao nhiêu lần phải lao mình vào kiếm cái sống giữa đất trời mênh mông, hoang vu. Bởi vậy, cả đến các em bé cũng biết rằng mình cũng cần phải đứng lên đánh giặc! Ý nghĩa to lớn ấy đã được tỏ rõ sâu sắc trong Đất rừng phương nam.

Tôi cũng như các bạn, cũng đã từng đọc khá nhiều câu chuyện phiêu lưu li kỳ, hấp dẫn, chẳng kém gì những ngày lưu lạc của cậu bé An trong tác phẩm. Nhưng những nét đặc sắc trong tác phẩm Đất rừng phương Nam đã lôi cuốn tôi, đưa tôi quay ngược dòng không gian và thời gian đưa tôi về với cảnh rừng phương nam trù phú, hoang sơ. Cách dẫn chuyện lôi cuốn cùng với những hình ảnh miêu tả cụ thể chi tiết về đất rừng phương nam được lồng ghép thêm những thước phim sinh động chân thật tình hình miền Nam lúc bấy giờ trong giai đoạn lịch sử, lòng yêu nước nồng nàn của người dân tạo nên sự lôi cuốn, hấp dẫn đến không ngờ tới người đọc. Trải qua thăng trầm của lịch sử, bao cuộc bể dâu, cuối cùng dân tộc ta cũng được giải phóng. Sự kiện ngày 30-4-1975 lịch sử đã đánh dấu cột mốc quan trong trong trang vàng lịch sử chói lọi của ta: miền Nam được giải phóng, đất nước được thống nhất, xây dựng và phát triển kinh tế trong thời kì hòa bình và công cuộc đổi mới đất nước trong thời kì gia nhập nền kinh tế toàn cầu. Lòng yêu nước, sự tự hào dân tộc vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí mỗi người dân Việt Nam, nhưng những cảnh rừng nguyên thủy, hoang vu, những loài động vật quý hiếm đã không còn nữa. Còn thấy chăng là qua sách vở, báo đài, hay ờ các rừng quốc gia. Công nghiệp hóa hiện đại hóa đã kéo theo một loại vấn đề về môi trường. Rừng xanh không còn, chim muông cũng không thấy, trẻ con trong tương lai sẽ không còn thấy được thế nào là rừng xanh và thế nào là muông thú; còn người lớn chỉ còn thấy còn sót lại một chút hoài niệm mà thôi. So sánh thực trạng bây giờ và những gì ta thấy được trong tác phẩm Đất rừng phương Nam của Đoàn Giỏi sao thật khác biệt, thật làm người khác chạnh lòng.
Chúng ta sau khi đọc xong tác phẩm này hãy tự mình đặt ra câu hỏi: “Nếu ngay từ bây giờ chúng ta không bảo vệ môi trường thì liệu những năm sắp tới đây, những thế hệ nối tiếp chúng ta sau này sẽ có còn thấy một đất rừng phương nam hùng tráng, oai vệ như trong tác phẩm có được hay không?. “Chúng ta sau khi đọc xong tác phẩm hãy gióng lên một hồi chuông báo động, chung tay trả lại cho đất rừng phương nam nói chung và toàn thế giới nói riêng vẻ đẹp thuần khiết trong sáng tựa như ánh ban mai lúc đầu, không còn bị tàn phá ô nhiễm.

Nếu bạn chưa từng đọc Đất rừng phương Nam của nhà văn Đoàn Giỏi thì xin hãy đọc một lần, tôi dám cá với bạn rằng bạn sẽ không tài nào rời mắt được nó và rồi sẽ giống như tôi nhận ra rằng có những điều tưởng chừng như bình thường, những vẻ đẹp tưởng chừng như giản dị, dưới ngòi bút đầy sáng tạo, sắc nét của nhà văn Đoàn Giỏi đã trở thành một tuyệt tác không thể nào chối cãi, một bức tranh về sự sống ở đất rừng phương nam đầy màu sắc, muôn hình vạn trạng, biến đổi kì ảo đến không ngờ và càng thêm yêu cuộc sống, đất nước, con người Việt Nam.

 Tường Vy
Theo http://truongphunhuan.edu.vn/





1 nhận xét:

  Cổ tích mới thời thế giới phẳng – Bài của Võ Tấn Cường 7 Tháng Năm, 2023 Truyện ngắn hiện đại đang trên con đường khám phá, vén mở t...