Thứ Sáu, 29 tháng 12, 2017

Tiếng hát “Thiên phú” của Thái Thanh

Tiếng hát “Thiên phú” của Thái Thanh
Khoảng giữa thập niên 1950, ký ức của tôi với thanh âm Thái Thanh khởi sự rộn rã bằng những giai điệu của ban hợp ca Thăng Long. Tôi còn nhỏ lắm, thỉnh thoảng anh chị em tôi lại được ba má dẫn đi xem đại nhạc hội hay xem phim có phụ diễn ca nhạc. Tôi phải ngồi trên đùi của ba mới thấy được nghệ sĩ trình diễn trên sân khấu. Tôi còn nhớ, có ban hợp ca gồm hai ông và một bà thường trình diễn những ca khúc vui tươi: Ô Mê Ly (Văn Phụng), Ngựa Phi Đường Xa (Lê Yên), Sáng Rừng (Phạm Đình Chương), v.v… Hai ông, ngoài phần đệm đàn và ca bè cho bà ca sĩ, còn giả tiếng vó ngựa, tiếng chim kêu vượn hú. Bà ca sĩ còn đơn ca Dòng Sông Xanh, nhạc ngoại quốc lời Việt, và Đố Ai, Tình Ca, Bài Ca Sao, được giới thiệu của nhạc sĩ Phạm Duy. Tôi chưa thể hiểu thấu ý từ những bài ca. Từ lực của tiếng hát bà ca sĩ cũng chưa thu hút khối óc tôi còn non nớt. Nhưng những cái tên nghệ sĩ từ từ ghi đậm ký ức tôi: ban hợp ca Thăng Long với Thái Thanh, Hoài Trung và Hoài Bắc.
Tân nhạc Việt nam dần dà phát triển. Thị trường âm nhạc tung ra những dĩa than, rồi chuyển sang dĩa nhựa 45 vòng, và cực thịnh vào những năm cuối thập niên 1960 ở miền Nam, cùng lúc với tin tức chiến sự càng lúc càng sôi động, với kỹ thuật thu âm băng tape, băng cát-sét theo hệ thống âm thanh nổi hai chiều tân kỳ. Ca sĩ tân nhạc Việt nam xuất hiện nườm nượp, ca diễn đủ thể loại âm nhạc. Các danh hiệu sản xuất băng nhạc mọc ra đầy dẫy.
Không như những quốc gia phương tây, hệ thống thương mại của thị trường âm nhạc ở miền Nam Việt Nam không minh bạch. Không có tài liệu nào ghi lại những con số thống kê về số lượng tiêu thụ dĩa hoặc băng nhạc. Giữa người hát và nhà sản xuất dĩa và băng nhạc không có một hợp đồng làm việc độc quyền. Ca sĩ được trả tiền cho mỗi bài hát, bao nhiêu là vấn đề thỏa thuận giữa họ và nhà sản xuất dĩa hay băng nhạc. Không thấy báo chí đăng tin ca sĩ này ca sĩ nọ được trao tặng dĩa hoặc băng vàng hay bạch kim. Cũng khó, vì thị hiếu của giới thưởng ngoạn Việt nam có vẻ như không mấy ưa chuộng những sản phẩm ghi âm độc nhất một giọng hát. Chỉ một vài tiếng hát được đám đông yêu thích được ghi âm riêng. Cho tiếng hát Thái Thanh trước 1975 thấy có: Thái Thanh: Tiếng hát vượt thời gian (Tơ Vàng 4, 1971), Mười bài đạo ca (1972, nhạc sĩ Phạm Duy thực hiện), Tiếng hát Thái Thanh (Băng nhạc Thanh Thúy 7), Thái Thanh và ban Thăng Long (Mây Hồng 6, nhạc sĩ Y Vân thực hiện), Tiếng hát Thái Thanh (Chương trình nhạc tuyển Selection 1, Hùng Sơn thực hiện), Tiếng hát Thái Thanh và ban hợp ca Thăng Long (Sơn Ca 10, 1975, nhạc sĩ Nguyễn văn Đông thực hiện).
Nhiều năm sau, tôi đi học xa. Những đêm khuya khoắt, cô đơn trong phòng trọ, tôi bật máy cát-sét. Tiếng hát sắc sảo ngôn ngữ Việt của thời hoa niên cất cao. Thái Thanh. Tôi rưng rưng nghe lại tiếng hát bà thổn thức những nhạc khúc quê hương của Phạm Duy: Quê Nghèo, Tình Hoài Hương, Kỷ Niệm, Nương Chiều, Chiều Về Trên Sông, và nhiều bài tình ca đôi lứa khác.
Nhận xét về Thái Thanh, đã có rất nhiều văn nghệ sĩ không tiếc lời ngợi ca và vinh danh tiếng hát bà bằng nhiều cụm từ bóng bẩy, rực rỡ ấn tượng. Theo cố nhạc sĩ Phạm Duy: «Thái Thanh là giọng ca duy nhất hát nổi hai cao độ chạy dài tới 2 bát âm trong nhạc của tôi. Không những thế, cô có giọng hát rất truyền cảm.»
Các nhà phê bình âm nhạc nhận định, giọng hát Thái Thanh nằm giữa giọng nữ trung (mezzo-soprano) và giọng nữ cao (soprano), với âm vực rộng và khỏe, đặc biệt ở những âm giai cao. Bà nắm được kỹ thuật xướng âm và luyến láy dào dạt cảm xúc. Ca khúc nào được bà diễn tả, đều hóa thành tuyệt tác . Có lẽ, theo nhận xét của người viết, âm giọng của bà thiếu một chút “bề dày” để trở nên hoàn hảo. (….)
Sở hữu một giọng hát “thiên phú” là điều kiện cần thiết để trở thành ca sĩ. Chưa đủ, còn phải dày công tập luyện. Vẫn chưa đủ, người hát còn phải có được cơ may, sinh ra tại một nơi nói thứ ngôn ngữ thông dụng, để tiếng hát có được cơ hội cất cánh bay xa tám hướng. Tỷ như Whitney Houston “bị” sinh ra nhầm nơi, tại Việt Nam chẳng hạn, có lẽ bà đã là một Phương …, một Thái … hay một Lệ … gì đó, hát nhạc boléro hay nhạc Phạm Duy, nhạc Trịnh, chỉ nổi danh trong giới hạn chín mươi triệu thính giả. Hoặc, nếu như Duy Khánh, một trong ít giọng nam cao của tân nhạc Việt nam, “được” ra đời tại Pháp quốc, biết đâu chừng ông đã trở thành một tài năng ngang ngửa Johnny Hallyday? (….)
Nghiệp dĩ mỗi tên tuổi là một định mệnh. Tiền tài và danh vọng, với người này là một ân sủng, với người khác là một bất hạnh. Amy Winehouse qua đời chưa tròn ba mươi tuổi, lúc danh vọng gần như tột đỉnh. Trong bóng tối khiếm thị, Andrea Bocelli thấy ra qua âm nhạc ánh sáng của cuộc sống. Barbra Streisand còn thắp mãi bằng tiếng hát ngàn ngọn nến sưởi ấm những mùa đông âm thanh. Charles Aznavour cám ơn đời bằng những giai điệu Encores ở tuổi chín mươi. Hình bóng và tiếng hát Whitney Houston vẫn rộn ràng ca múa trong ký ức thanh âm tôi. Và Thái Thanh, trong mù sương trí nhớ Alzheimer hiện nay, có lẽ đang cắm cúi tìm nhặt một chiếc lá trên đường chiều.
Nhật mộ của mùa hay của kiếp người?.
Tháng 6. 2015
Andrew Nguyen
Theo https://casithaithanh.wordpress.com/






1 nhận xét:

  Đọc tác phẩm Ngày không gió – Bài của Nguyên Bình 12 Tháng Năm, 2023 Ngày không gió nắng không về bên cửa/ Có một người đem nỗi nhớ ra...