Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2017

Tiểu luận như một thú vui trà đạo

Tiểu luận như một thú vui trà đạo
Nhà văn nổi danh thường cậy vào truyện ngắn và tiểu thuyết, nhưng khi được văn đàn ghi nhận thì tiểu luận sẽ khẳng định thêm phông nền văn hóa, tầm nhìn và tính chuyên sâu của họ. Thể loại tiểu luận, để viết cho thật cuốn hút, thâm thúy mà vẫn giữ được kết cấu của văn bản tác phẩm, là một thử thách.
Hồ Anh Thái từng trình hiện dạng tiểu luận đọc như truyện ngắn. Một bước sau quận công khảo luận về đề tài chuyên biệt: cái toilet. Vốn kiến thức phong phú ở khắp địa cầu từ xứ Ấn, xứ Âu, xứ Mỹ cho tới xứ Luy Lâu đã mở ra tầm nhìn hun hút trước mắt độc giả với rất nhiều tình tiết hấp dẫn, mới mẻ, đầy tính hài kịch giễu nhại; một cách lập luận vừa trực tiếp sắc bén, vừa gián tiếp dùng chi tiết và tình huống ấn tượng để luận, từng bước khái quát tiến trình văn minh nhân loại. Ở phương diện truyện ngắn, Một bước sau quận công xóa nhòa lằn ranh mạch truyện, hướng đến tính triết luận từ những đời thường trần tục, đáp ứng sự đòi hỏi của kỹ thuật viết truyện ngắn hiện đại.
Giọng văn hóm hỉnh cay cay ngưa ngứa nơi sống mũi dần lan tỏa như một loại dầu xức. Viết cái nào, hẳn tác giả phải bày ra mấy kiểu thể hiện rồi chọn lựa bày lên bàn phím trong sự hào sảng khả khê của một dạng ẩn sĩ am tường thông hiểu sự đời. Làm nhột. Gây cười. Độc giả từng thỏa thuê cười gằn cười vỡ, cười tức cả bụng với tiểu thuyết Mười lẻ một đêm; đọc cuốn này nhiều lúc tôi phụt cười như gã điên dưới ngọn đèn khuya.
Ngồn ngộn thông tin đã xử lý, gạn lọc, ngồn ngộn chuyện đời thường mà chẳng hề bình thường giữa cái thời bát nháo được phơi bày như một siêu thị mặt. Nào chuyện về việc các đại gia, ông cốp “đi mua đất làm trang trại, biến nó thành nơi nghỉ dài triền miên sau khi đã hạ cánh an toàn ở công sở. Một cuộc sục sạo săn lùng thật sự... Công việc ở thành phố đã ngổn ngang, giờ lại vướng thêm cái trang trại phải lo. Lâu lâu không lên thì nhà cửa ẩm mốc, vườn cây ăn quả trở thành cây tiêu cây điều, gọi tắt là tiêu điều”. Chuyện nông thôn tấn công, vây xiết, tràn ngập, len lỏi, “đồng hóa” thủ đô bởi thứ văn hóa phường xã. Mượn lời một bài hát “em ở tận miền non cao nơi đây có hoa ban trắng”: “Em về thành công dân thủ đô, em học lái xe hơi, em trèo lên xe, cái xe bình thường trở thành xe điên, xe điên lao vùn vụt đâm hết cả người lẫn xe máy lẫn ô tô mới dừng lại”. Lý giải tại sao người Hà thành vứt rác, khạc nhổ bừa bãi giữa thành phố được xếp hạng sạch nhất Việt Nam, lại còn bẻ hoa, bứng hoa, cướp hoa trong lễ hội trước sự ngơ ngác của các nghệ nhân xứ hoa anh đào nhẫn nại theo tính cách bonsai, chỉ cần một ví dụ người thật việc thật này cũng đủ để "tôn" thành niềm đau sâu xa: “Có ông một tay dắt con nhỏ, một tay ôm cái chậu hoa cướp được. Đứa bé ấy ai dám bảo sau này lớn lên không noi gương cha coi chuyện cướp phá là bình thường, như vậy tức là phải bỏ thêm một thế hệ nữa?”
Ai muốn nghe luận chuyện đồng bóng âm dương thì đọc từ trang 82 cho tới trang 87. Muốn bắt bệnh ghen ghét đố kỵ với những kẻ “loay hoay trong đầm lầy ao tù gườm gườm nhìn người chuyển động ngang qua”, những kẻ “gặp ai cũng bắt tay ca mừng đời ta tươi đẹp, nhưng sau lưng thì ngôn ngữ mài giũa như dao như kéo xỉa vào nhau”, hãy đọc Đừng tưởng bở. Muốn biết bản chất đích thực của sến thì đọc Sến để ngẫm ngợi mỗi lần phải chung đụng với sến: “Nhiều nghệ sĩ sử dụng nó chỉ để mà gây mê, gây run rẩy, khóc lóc. Còn nghệ sĩ đích thực thì biết dùng nó làm gia vị, gia vị không bao giờ trở thành món ăn, nhưng món ăn có khi vô vị nhạt nhẽo vì thiếu nó. Nghệ sĩ đích thực thì biết gia giảm cái sến, tận dụng nó, điều khiển nó, không để nó dẫn dụ ra bên ngoài mục tiêu tư tưởng và nghệ thuật của mình”.
Châm biếm lối sống suồng sã thành quen của số đông dân thành thị, tác giả đã rất nhiều lần nêu ra những hành vi ứng xử văn hóa của bên trong và bên ngoài, so sánh. Từ đó bật ra ngay điều cần nói mà chẳng cần bình phẩm. Bạn đọc sẽ gặp ở các trang 31 (Tầm cao không ở cái đế giày), trang 60 (Mặt tiền và “bụi phát triển”), trang 94 (Đừng tưởng bở). Đọc đoạn văn sau (trang 116), làm sao mà không thương ông nhạc trưởng nước ngoài và thương khán giả ta: “Nhạc trưởng nâng đũa chỉ huy lên ra hiệu chuẩn bị. Dàn nhạc lặng phắc cho thấy đã sẵn sàng. Ông nhạc trưởng chờ khán giả. Khán giả thì không sẵn sàng. Có gì mà phải sẵn sàng, vẽ chuyện, ông thấy cần bắt đầu thì cứ bắt đầu đi, việc gì ông phải chờ chúng tôi im lặng... Ông phải nhượng bộ công chúng bản địa trong một cuộc thương lượng không cân sức. Cây đũa của ông vung lên nhưng nó không còn là cây đũa thần của phù thủy âm nhạc nữa”.
Lại nữa chuyện ép ăn ép nhậu: “Một ông địa phương nâng chén rượu mời. Ông khách từ chối. Ông chủ bảo: Anh không uống thì tôi không vui. Khách nghĩ bụng, nhưng tôi phải uống thì tôi không vui. Sao ông chỉ nghĩ đến niềm vui của riêng ông mà không đếm xỉa đến niềm vui của tôi? Vậy là cái lý sâu xa đã bộc lộ. Suy cho cùng là để thỏa mãn niềm vui của riêng ta. Sự áp đặt sở thích của người này lên người khác. Sự triệt tiêu ý kiến đa chiều và tự chủ, triệt tiêu sự phong phú đa dạng, tính nhiều màu sắc của đời sống. Và tất cả chỉ là để đem lại niềm vui cho người áp đặt.” (Niềm vui của riêng ta).
Không chỉ trong tiểu luận Hồ Anh Thái luôn có lối viết riêng. Kể từ một số tác phẩm viết thời gian đầu như Cõi người rung chuông tận thế, Tự sự 265 ngày, Bốn lối vào nhà cười, Sắp đặt và diễn, Mười lẻ một đêm v.v, lối viết của Hồ Anh Thái sinh động, sóng sánh, chao đảo, mê hoặc đến ma mị. Có thể kể ra vài thủ pháp điển hình xuất hiện với mật độ tương đối ở một số bài trong cuốn sách này:
1. Sử dụng thành ngữ tục ngữ, câu hát hoặc câu nói đã trở thành phổ cập; vin vào nhằm phản ảnh một hiện tượng phổ biến, thường là tăng tính mỉa mai, kiểu như mũi kim chích vào kẻ có tật giật mình một cách bất ngờ. Thú vị. Có thể xem chúng như những mối hàn qua tay thợ lành nghề không để lại dấu vết.
 “Ráo riết chạy chọt vận động xin xỏ để được đề bạt, lên lương, xin bằng cấp, xin bằng khen, giấy khen, giải thưởng. Xin không được thì mua. Mua không được bằng tiền thì mua bằng nhiều tiền. Mua nhiều tiền không được thì nguyền rủa, chửi bới, bôi nhọ”...
"Bụi ở đâu ra mà nhiều thế? Lúc nào cũng có một lớp bụi trên mặt đường, lúc nào chúng cũng lơ lửng trong không gian, mũi hít vào có mùi bụi, mắt quên đeo kính râm là chịu bụi đời tình thôi xót xa"…“Xe nào phủ bạt làm phép thì vẫn hở bằng được một góc nào đó, phóng vi vu thì tấm bạt quật lên quật xuống tạo điều kiện cho bụi bẩn cuốn theo chiều gió"...
"Bà hai kiệt lực, sự hung hãn đã thỏa thì sau đó bắt đầu xẹp, không đánh được người mặt đỏ như vang, đánh được người mặt vàng như nghệ...”
"Thời nay cứ thử mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao đi qua chỗ người ta đang đầu tắt mặt tối như thế mà xem"... 
"Sến có trong mọi người, trong bạn trong tôi trong chúng ta. Y học một tí thì bảo nó như vi trùng lao sẵn sàng trong cơ thể, nằm chờ dịp để phát lộ. Điện ảnh và võ thuật một tí thì bảo nó thập diện mai phục chờ thời cơ. Giọng sến lạc quan một tí thì bảo đó là trái tim đang ngủ yên chờ một nụ môi hồng đánh thức".
"Nhờ chuyến đi vệ sinh của hai vị khách xứ Ấn, cả xứ Luy Lâu rồi lên cả xứ Phong Châu, tập quán quận công lan tràn từ ruộng vườn lên đến rừng cọ đồi chè... Nếu khách xuất thân từ vùng quê cầu tõm, quen rung rinh trên mấy nhịp cầu tre, lúc vào ngồi trong ấy sẽ được vây giữa màn hình cực lớn bốn chiều, hiện lên cảnh sông nước mênh mang"...
2. Bằng cách phá vỡ kết cấu ngữ pháp câu chữ mô phạm rồi “ghép” những hành động, cử chỉ hay biểu cảm ngôn từ thành chuỗi liên hoàn không chấm phẩy, mà thường theo cấp số nhân, tạo nên cảm giác đầy sảng khoái đối với người tiếp nhận. Cũng có khi là sự liệt kê những từ ngữ tương đồng, xâu chữ trở nên uy lực mạnh mẽ, quyết định số phận vấn đề một cách gọn ghẽ... Đây là lối viết đã ảnh hưởng rộng trong văn trẻ. Tôi có thể dẫn ra rất nhiều chuỗi từ theo phong cách Hồ Anh Thái này trong nhiều truyện ngắn hiện đại, được sử dụng như một điều kiện cần, khó có cách nào thay thế hiệu quả hơn.
“Lễ hội hoa anh đào người Nhật đem cống hiến cho dân chúng Hà Nội đã trong nháy mắt biến thành cuộc cướp phá. Vặt sạch bẻ sạch cướp phá sạch”...
"Không thích ăn mỡ, cả bữa mình đã lảng đã tránh đã né đã tạt, nhưng bị gắp ngay cho miếng thịt mỡ trắng nhợt"...
“Một ngày mưa, hoặc là một buổi trưa nắng chang chang tỉnh lẻ, ta tình cờ nghe (cải lương). Nghe mà ngấm. À, cái ta vẫn duỗi ra đẩy ra lại có một sức mạnh nhất định, có cái lý nhất định, có chỗ nhất định"...
"Không ai dám trêu chọc một giáo sĩ. Lời nguyền rủa của họ trở thành lời Hình thức điểm xuyết và liên kết ngôn từ táo bạo làm bật lên cái nền cần nhấn. Người đọc cứ thế được cuốn theo dòng chữ có sức hút của bàn tay vô hình.
Ở đầu bài viết đã dẫn ra Một bước sau quận công, là cái gần như duy nhất trải một chiếu ngồi riêng trong tập sách, bởi nó đậm tính chất tiểu-luận-truyện. Một quan niệm tiểu luận độc đáo của người viết văn xuôi, khác với tiểu luận của một người làm thơ, khác với tiểu luận của một nhà phê bình văn chương. Mười tám cái tiểu luận còn lại, nếu để chọn ra một xuất sắc nhất, phải là Hà Nội, con thuyền, phù sa. Hà Nội được tác giả kết tinh từ những dấu chân mờ nhòa nhất trên bãi đất sông Hồng thuở Lý Công Uẩn ngày đầu tiên đến bằng một con thuyền chứ không phải voi hay ngựa hay một phương tiện nào khác. Là khởi điểm hành trình của một cuộc đời, cho tới khi kết thúc bằng hình ảnh tác giả chứng kiến di cốt của một nhà thơ hiện đại rải xuống dòng sông thiêng như triết lý sống của đạo Hindu và văn minh Ấn Độ. Chính lúc ấy, dường như tác giả cũng đang “tiễn đưa chính mình trong hành trình cuối”.
“Con cháu tôi sẽ mang cái bình gốm ấy trên tay ra bờ sông Hồng. Nhúm tro ấy sẽ tan hòa trong dòng nước. Cũng có thể là một con thuyền giấy sẽ chở nhúm tro tàn ấy trôi một quãng sông Hồng. Chiếc thuyền giấy sẽ rơi vào một xoáy nước, bị dìm đắm, kết cục tất nhiên cho bất cứ một con thuyền nào hôm nay vẫn còn thong dong trên sông. Chính ở chỗ chiếc thuyền giấy buông mình đầu hàng số phận, tôi sẽ li ti lắng xuống cho một lớp phù sa sẽ tôn lên thành bờ bãi mới”.
Một đoạn văn sâu thẳm, triết lý, đầy ám ảnh.
Đọc tiểu luận nói chung của Hồ Anh Thái, dễ nhận thấy: một số cuốn sách khác, người đọc phải lần tìm cái hay cái hứng, còn cuốn sách này thì ngược lại. Đọc cái nào ở dạng nào cũng cho ta cảm giác thưởng thức một dạng trà đạo: mờ sáng, nước sôi, chế, đợi, nhâm nhi... vốn là thú của những bậc có tuổi, đã nhiều suy nghiệm nỗi đời, đã kinh qua bao lừa lọc dối trá, đã trải nghiệm hân hoan và đau đớn...
(Hướng nào Hà Nội cũng sông, Tiểu luận của Hồ Anh Thái, Phương Nam Book và Nxb. Văn Nghệ, 2010).
 NHỤY NGUYÊN
Theo http://vanvn.net/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Cổ tích mới thời thế giới phẳng – Bài của Võ Tấn Cường 7 Tháng Năm, 2023 Truyện ngắn hiện đại đang trên con đường khám phá, vén mở t...