Thứ Sáu, 29 tháng 12, 2017

Thái Thanh - Một tiếng hát vượt thời gian đích thực

Thái Thanh - Một tiếng hát 
vượt thời gian đích thực
Thái Thanh (góc phải) trong một bức hình không rõ năm tháng
Có lẽ không có một ca sĩ của Miền Nam trước 1975 lại chiếm được sự ngưỡng mộ tuyệt đối của khán giả, của giới nhạc sĩ và của chính trong giới ca sĩ như Thái Thanh. Tiếng hát Thái Thanh đúng là một hiện tượng độc đáo nhất của nền tân nhạc Việt Nam. Ngay cả với nhiều khán giả, dù không phải là “fan” của giọng hát Thái Thanh, nhưng hầu hết đều thể hiện lòng kính trọng đối với nữ danh ca này.
…. Xét về góc cạnh kỹ thuật, giọng hát của Cô Thái được xếp vào giọng soprano (nữ cao) của thể nhạc cổ điển, thính phòng. Cùng một kỹ thuật hát điêu luyện như vậy, Miền Nam cũng còn rất nhiều nữ ca sĩ khác: Kim Tước, Mộc Lan, Châu Hà, Quỳnh Giao, Mai Hương… Nhưng vượt trên tất cả, giọng hát của Cô Thái vẫn là độc nhất vô nhị, không thể lẫn lộn với bất kỳ một ai khác. Đã có nhiều nhà phê bình âm nhạc phân tích về cái hay của giọng ca Thái Thanh. Ở đây, chỉ xin nhắc lại cảm nghĩ của một người hâm mộ: “Lúc còn trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm sống, tôi không thấy giọng hát của Thái Thanh có gì đặc biệt, thậm chí đôi khi còn khó nghe. Nhưng khi đã từng trải hơn, đã biết hạnh phúc và đau khổ trong tình yêu, đã cảm nhận được nỗi đau của quê hương Việt Nam chinh chiến, cảm nhận được cái đáng yêu của người dân Việt Nam dù cơ cực lầm than, thì tôi nhận ra rằng không ai có thể hát hay hơn Thái Thanh được!”.
Không thể diễn tả bằng lời, mà hãy nghe Thái Thanh hát. Mỗi người sẽ tự cảm nhận được vì sao tiếng hát này bất tử. Nói đến Thái Thanh, không thể không nói đến những ca khúc viết cho quê hương Việt Nam của nhạc sĩ Phạm Duy. Tình Hoài Hương là ca khúc đã gắn liền với tiếng hát Thái Thanh. Nhiều người vẫn còn nhớ trước 1975, Chương trình truyền hình Quê Hương Mến Yêu bắt đầu với hình ảnh người thôn nữ chèo đò trên sông nước thanh bình, và tiếng hát của Thái Thanh văng vẳng trong ca khúc Tình Hoài Hương. Cô Thái đã diễn tả trọn vẹn nhất cái đẹp của làng quê Việt Nam, qua giai điệu và lời ca tuyệt vời của Phạm Duy:
Quê hương tôi, có con sông dài xinh xắn
Nước tuôn trên đồng vuông vắn
Lúa thơm cho đủ hai mùa
Dân trong làng trời về khuya vẳng tiếng lúa đê mê
Quê hương tôi có con sông đào ngây ngất
Lúc tan chợ chiều xa tắp
Bóng nâu trên đường bước dồn

Lửa bếp nồng, vòm tre non, làn khói ấm hương thôn…
Tình Hoài Hương viết theo làn điệu dân ca Việt Nam, trong sự thanh bình vẫn có một thoáng u uẩn buồn. Nhưng ở đoạn cuối, giai điệu chuyển sang trưởng, bỗng nhiên rực sáng. Giọng hát của Cô Thái mặc sức bay bổng, để đưa tâm hồn của mọi người Việt - cho dù đang ở nơi nào trên thế giới- trở về Việt Nam, với tình hoài hương chan chứa:
…Tình hoài hương! Khói lam vương tâm hồn chìm xuống
Chiều xoay hướng! Sống vui trong mối tình muôn đường.
Tình ngàn phương! Biết yêu nhau như lòng đại dương
Người phiêu lãng! Nước mắt có về miền quê lai láng
Xa quê hương! Yêu quê hương…

Một bài hát nữa cũng gắn liền với tên tuổi Thái Thanh, cũng viết cho quê hương Việt Nam, đó là ca khúc Nương Chiều. Nếu Tình Hoài Hương diễn tả cái đẹp của vùng đồng bằng sông nước, thì Nương Chiều phác họa lên cảnh chiều về trên những làng quê miền núi, mà hình ảnh ruộng nương bậc thang phủ nắng chiều đã trở thành biểu tượng:
Chiều ơi! Lúc chiều về rợp bóng nương khoai
Trâu bò về giục mõ xa xôi, ơi chiều
Chiều ơi! Áo chàm về quảy lúa trên vai
In hình vào sườn núi chơi vơi, ới chiều
Chiều ơi! Lúc chiều về là lúc yên vui
Qua đường mòn ngửi lúa thơm ngơi, ới chiều
Chiều ới! Chiều ơi! Chiều ơi! …
Có cảnh sườn núi, có cảnh người dân tộc miền núi quảy lúa về, có cảnh đàn trâu thảnh thơi về chuồng… Hỏi còn có hình ảnh nào tiêu biểu và đáng yêu hơn thế? Nghe Thái Thanh hát Nương Chiều, những ai đã có một lần qua làng quê miền núi có cảm tưởng như hình ảnh cũ sống động trở về …
Nếu phải chọn ra một bản tình ca tiêu biểu của giọng hát Thái Thanh, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến ca khúc Nghìn Trùng Xa Cách, cũng của nhạc sĩ Phạm Duy. Rất nhiều ca sĩ đã hát Nghìn Trùng Xa Cách. Nhưng không ai bắt đầu theo cách của Thái Thanh, với giọng vocalize không lời vút cao như là một lời dẫn:
À à a á, à á a à…
Nghìn trùng xa cách người đã đi rồi
Còn gì đâu nữa mà khóc với cười
Mời người lên xe về miền quá khứ
Mời người đem theo toàn vẹn thương yêu
Ðứng tiễn người vào dĩ vãng nhạt mầu
Sẽ có chẳng nhiều đớn đau…

Nhiều người nói rằng Nghìn Trùng Xa Cách độc đáo bởi vì dù là một bài hát thất tình, nhưng nó cao thượng, vượt thoát chứ không ủy mị. Đoạn cuối bài là lời cầu chúc cho người yêu hạnh phúc trong duyên mới. Và cũng chỉ có Thái Thanh, như là lời kết của bài hát, đã vocalize một lần nữa như đã khởi đầu, để đẩy bài hát lên sự thăng hoa tuyệt đỉnh:
…Nghìn trùng xa cách người cuối chân trời
Ðường dài hạnh phúc, cầu chúc cho người
À à a á, à á a à…

Đúng là chỉ có Cô Thái mới có thể diễn tả được Nghìn Trùng Xa Cách một cách trọn vẹn đến như vậy!.
Ngày hôm nay, ở độ tuổi 82, Cô Thái không còn hát đã lâu. Nhưng giọng hát của Cô Thái thì vẫn cứ ở mãi mãi trong tâm trí của những người hâm mộ, đã cùng cô yêu nước Việt, yêu tiếng Việt, yêu dân tộc Việt, yêu những người tình Việt. Một Tiếng Hát Vượt Thời Gian đích thực…
Cung Mi
Theo https://casithaithanh.wordpress.com/




1 nhận xét:

  Cổ tích mới thời thế giới phẳng – Bài của Võ Tấn Cường 7 Tháng Năm, 2023 Truyện ngắn hiện đại đang trên con đường khám phá, vén mở t...