Thứ Bảy, 30 tháng 12, 2017

Hoa ngày tết, ngày tết nói chuyện chơi hoa

Hoa ngày tết, ngày tết nói chuyện chơi hoa
Hàng năm, cứ đến tháng chạp, cũng như nhiều nơi khác, ở thành phố Tuy Hòa không khí lại nhộn nhịp hẳn lên…Nhà nhà, người người chuẩn bị đón xuân, vui tết. Khu vực xung quanh công viên Diên Hồng, các đoạn đường Tản Đà, Lê Trung Kiên, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Lê Thánh Tôn, Quốc lộ IA và một số ngả đường khác, trước ngày đưa ông Táo về trời bắt đầu tươi màu chợ hoa ngày tết. Khách thập phương từ các nơi như dòng chảy dồn về đây ngắm xem hoa, thưởng ngoạn, mua hoa làm quà biếu tặng người thân hoặc chưng bày trong ba ngày tết…, và như thế, tôi cũng thuộc trong số đó vẫn đến với chợ hoa… Tôi không có nhiều tiền để dành mua hoa và cây cảnh nhưng tôi thường xuyên ẩn hiện bên những hàng hoa như một định mệnh không thể xa rời, vì sắc màu, hương hoa có sức cuốn hút tôi một cách kỳ lạ…
Chợ hoa tết Diên Hồng thành phố Tuy Hòa tỉnh Phú Yên 
Tôi không hiểu vì sao tôi lại yêu hoa đến thế! Lúc nhỏ, mỗi lần cha tôi ươm trồng hoa, chăm sóc hoa, tôi vẫn lẩn quẩn bên cạnh, dần dần tôi gắn bó với hoa… Thời kỳ đất nước chiến tranh, cha tôi không có mặt ở nhà như trước, rồi mãi mãi không về… Mỗi khi thấy bà con hàng xóm trồng hoa Vạn thọ để chuẩn bị đón xuân, vui tết, tôi cũng xin được mươi cây về trồng và chăm bón. Những ngày tết đến, nhà nhà rực vàng hoa nở, nhà tôi cũng thế, cũng có được niềm vui… Phải chăng, mỗi lần nhìn xem hoa nở đẹp, tôi nghĩ về thành quả lao động của mình rồi ngày càng yêu thích hoa chăng?
Những ngày học lên bậc trung học, tôi được đọc một bài thơ "Bông hồng tình thương" (Tôi chưa biết của ai). Bài thơ nói về tình cảm của anh bộ đội mua hoa và một cô gái bán hoa tươi. Anh bộ đội, cứ mỗi lần về phép đều ghé lại hàng hoa cô gái đó mua hoa. Cô gái nghi ngờ chắc anh bộ đội mua tặng người yêu. Sau này, cô gái hiểu ra không phải thế! Anh bộ độ mua hoa là để cắm trên mồ của một đồng đội.. Người bán hoa cảm động về việc làm, hiểu được ý nghĩa và hành động cao đẹp của anh bộ đội mà đem lòng yêu thương người mua hoa mình. Người mua hoa vì yêu quí hoa mà thêm yêu thương cô gái bán hoa. Có phải câu chuyện tình lãng mạn, tuyệt đẹp này càng làm cho tôi yêu thích hoa chăng?.. Những câu hỏi này cứ mãi lảng đảng trong tôi nhưng chưa có sự trả lời…
Sau này tôi mới hiểu thêm rằng hoa rất cần cho con người và sự sống của xã hội. Từ người có học thức, học vị cao, từ người có chức quyền sang trọng đến những người bình dân, bất kỳ lứa tuổi, giới tính nào, từ người lương thiện cho đến kẻ ác… đều cần đến hoa và yêu thích hoa, vì hoa có nhiều công dụng trong cuộc sống sinh hoạt đời thường của con người. Trong những ngày giỗ, lễ, tết, sinh nhật, ma chay, cưới hỏi…bất kỳ gia đình nào cũng đều có những bình hoa, lọ hoa đẹp trên bàn thờ ông bà, tổ tiên, bàn khách để tỏ tấm lòng thành đối với người đã khuất, thể hiện sự tôn trọng, nhiệt tình yêu mến khách . Bạn bè mỗi khi gặp gỡ, thăm viếng nhau, chúc mừng nhau, trai gái yêu thương nhau cũng tặng hoa bày tỏ lòng  yêu thương, quí trọng:
Dấu một chùm hoa trong chiếc khăn tay
Cô bé ngập ngừng sang nhà hàng xóm
… Nhờ hương thơm nói hộ tình yêu.
(Hương thầm - Phan Thị Thanh Nhàn)
Người ta yêu hoa vì hoa là biểu tượng của vẻ đẹp trong trắng, thanh cao… Hoa có màu sắc rực rỡ, mềm mại, tươi tắn, có những loài hoa tỏa ngát hương thơm…Trong điều kiện không thể tìm được hoa tươi, con người có thể làm ra hoa giấy, hoa nhựa…để thay thế khi cần thiết nhưng bao giờ  hoa thật, hoa tươi đều được yêu thích nhất.
Về quan niệm chơi hoa cũng có nhiều ý tưởng khác nhau. Đối với các cụ nhà Nho, mỗi người một kiểu. Chẳng hạn như nói về hoa lan trên rừng có hàng trăm loại khác nhau, người chơi hoa lan thể hiện mỗi người một sở thích khác nhau, huống hồ chi nói đến thế giới các loại hoa thì có người yêu thích loại hoa này, có người yêu thích loại hoa kia là chuyện rất bình thường.
Ở phương Tây, hoa hồng được xem là "chúa tể các loại hoa" và được tất cả mọi người yêu thích. Ở phương Đông, đặc biệt là nhân dân Trung Quốc yêu thích hoa mẫu đơn, người Nhật yêu thích hoa anh đào. Ở Việt Nam, tùy theo mỗi vùng miền mà người ta thích các loại hoa khác nhau. Người Hà Nội và các tỉnh miền Bắc yêu thích hoa đào, quất cảnh; người miền Trung, Nam bộ thích chơi hoa mai… Tuy vậy, ngày nay giao lưu thông thương, rộng rãi giữa con người các vùng miền nên đã có sự hòa nhập, biến đổi trong lối chơi, sở thích nên đã có sự xích lại gần nhau hơn…
Nói về hoa, tìm hiểu qua một số tư liệu thì mỗi loài tượng trưng cho một vẻ đẹp riêng. Tùy theo quan niệm sống, người chơi hoa tự áp đặt cho mỗi loài hoa một tính cách khác mà họ không ưa thích
Chẳng hạn như hoa lài có màu trắng trinh bạch, biểu tượng cho vẻ đẹp của người con gái trinh nguyên. Nhà thơ Xuân Diệu rất yêu thích hoa lài. Ban đêm có lần nhà thơ nép mình bên khóm hoa lài để thưởng thức vẻ đẹp, Thi sĩ ngửi lấy mùi hương thơm và cảm thấy "Hoa lài từ từ mở ra từng cánh", tạo ra âm thanh "tách… tách…". Một sự cảm nhận tinh tế, nhạy bén trước thiên nhiên. Có người quan niệm hoa lài "khêu gợi, lẳng lơ" vì hoa lài ban đêm có mùi hương thơm dìu dịu, lan tỏa dễ làm xao động lòng người. Các cụ nhà Nho, quan chức xưa kia khi trong nhà có con gái mới lớn thì không được trồng hoa lài trước sân nhà, và dặn con gái không được đến gần hoa lài, sợ bị ảnh hưởng tính nết "lẳng lơ".
Hoa quỳnh tượng trưng cho vẻ đẹp cao khiết, trong trắng và nhan sắc. Các thi sĩ thường tổ chức uống rượu, xem hoa quỳnh nở làm thơ ca ngợi vẻ đẹp hoa quỳnh: "Khi chén rượu, lúc cuộc cờ, khi xem hoa nở, khi chờ trăng lên". Hoa quỳnh có đặc điểm vừa nở xong, vội tàn ngay nên bị mang tiếng là "yểu tính", "yểu mệnh". Các cụ,  nhà có con gái kiêng không trồng hoa quỳnh…
Hoa phù dung rực rỡ màu sắc nhưng không có hương thơm, lại sớm nở, tối tàn, tượng trưng cho con người "Hồng nhan - Bạc mệnh". Đại thi hào Nguyễn Du, khi nói đến nàng Kiều trong "Đọan trường tân thanh" bị Sở Khanh dụ dỗ đã lên án Sở Khanh là hạng người "Bạc tình", và ví nàng Kiều như "cánh hoa phù dung" - Một trong những "Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên", phải sống chốn thanh lâu bị con người Sở Khanh phụ bạc:
Bạc tình nổi tiếng lầu xanh
Một tay bẻ gãy mấy cành phù dung.
Nói về hoa lan, trước kia sống nơi chốn rừng sâu tĩnh lặng, cao quí, thở không khí trong sạch, mát lành. Hoa lan rất đẹp nhưng cũng bị phê phán nặng nề là loài hoa suốt đời chuyên ăn bám vào thân cây mục nên có người không thích chơi.
Hoa thủy tiên là loài hoa rất đài các, trong trắng, tinh khiết từ củ đến rễ, lá hoa, hương, sắc…. Giới giàu sang, đài các Việt Nam rất ưa thích loài hoa này, những ngày gần tết họ phải gửi mua tại Hồng Kông. Ngược lại, người Trung Quốc không ưa thích. Họ cho rằng hoa thủy tiên mang đượm vẻ thê lương, bởi có tích xưa rằng; Xưa trong một gia đình có người anh bị mẹ ghẻ đuổi ra khỏi nhà, người em đi tìm và tìm mãi không gặp, người em chết hóa thành con chim đỗ quyên. Chim đỗ quyên một mình bay mãi gầy guộc rồi hộc máu chết, máu chim đỗ quyên sau này hóa thành hoa thủy tiên.
Hoa cúc được xem là thanh đạm, cao nhã. Cái cao nhã ấy tượng trưng cho sự cao nhã của các ẩn sĩ đời xưa. Nhà thơ Đào Tiềm, một vị quan đời Tấn - Trung Quốc, khi không thích làm quan, cáo về ở ẩn, ông thường trồng cúc vàng nấu rượu đãi khách. Quan Tư đồ Trần Nguyên Đán và cháu ngoại ông là Nguyễn Trãi, khi cáo quan về cũng vui với cảnh lâm tuyền trong "Thanh hư động" cũng làm bạn với lan, cúc, mai, sen. Lan, sen, cúc, mai còn tượng trưng cho bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Các thi sĩ, khi nói đến sự giao mùa hay các mùa trong năm thường dùng hình tượng các hoa này "Sen tàn, cúc lại nở tươi"…
Hoa hải đường và hoa mẫu đơn tượng trưng cho tính cách vương giả, sang trọng, thiêng liêng.
Những người chơi hoa đắc đạo, khi thích hoa nào đều có tính cách gần gũi với loài hoa ấy. Người chơi hoa cúc, phong lan thường trầm tính, tế nhị, tự tin, nhân ái, ghét cường quyền, bạo lực. Tính cách ấy người quân tử thích chơi. Những người ở ẩn và bực dọc, lo đời thường dùng hai loại hoa này làm bạn. Người chơi mai, ngoài tính cách của người chơi lan, cúc còn có tính cao thượng, trong sạch, khí phách.
Nói về cách chơi hoa, chăm sóc, tưới hoa, không phải người nào cũng hiểu biết thấu đáo hoặc có đầy đủ các dụng cụ để chăm sóc. Tưới hoa là việc làm tao nhã, nhân ái. Tưới hoa phải dùng nước sạch, động tác tưới phải vẫy nhẹ để nước tưới phun ra như mưa bụi, phải đứng cách hoa, không được chạm vào cánh hoa. Theo cách nói của người xưa thì việc tưới phong lan nên dành cho thi sĩ, tưới bạch trà nên dành cho văn nhân. Tưới mai, tưới cúc là công việc thường xuyên của những tâm hồn cao thượng, những nhà hiền triết. Nhà thơ Nguyễn Trãi từng viết:
Đêm thanh hớp nguyệt nghiêng chén
Ngày vắng xem hoa bợ cây.
Điều đó thể hiện rằng, việc "xem hoa", thưởng thức, chiêm ngưỡng, chăm sóc hoa là một chuỗi logic trong hành vi của người chơi hoa nên thi nhân luôn tỏ thái độ thận trọng, nhẹ nhàng. Nghĩa là xem hoa phải đợi lúc vắng khách, yên tĩnh. Muốn đến bên hoa phải tỏ rõ sự trân trọng, nâng niu, kẻo không hoa sẽ vướng vào người gãy cành, rơi rụng . Từ "xem hoa bợ cây" thể hiện ý nghĩa ấy.
Có lần nhà thơ quét sân nhà, ánh nắng mặt trời chiếu rọi vào hoa, bóng hoa in xuống mặt sân, nhà thơ còn trân trọng cả bóng hoa ấy nên nhẹ nhàng, không khua động mạnh sợ bóng hoa kia xao động, tan biến:
Hé cửa đêm chờ hương quế lọt
Quét hiên ngày lệ bóng hoa tan.
Việc chơi hoa, yêu hoa, chăm sóc hoa… quả thật là một nghệ thuật độc đáo, đầy kiểu cách, cá tính. Mỗi người mỗi kiểu cách, một tình cảm, một tâm hồn, một ý tưởng… Tuy nhiên, trong cuộc sống, không phải ai sử dụng hoa vào công việc cụ thể cũng hiểu được giá trị của nó mà thể hiện tình cảm, tâm hồn mình trước vẻ đẹp lộng lẫy của hoa… Do dó, hoa có lúc cũng phải " bất bình". Bài "Cảnh chiều hôm", Hồ Chí Minh viết trong nhà tù Tưởng Giới Thạch đã cảm nhận nỗi "bất bình" ấy:
Mai khôi hoa khai hoa hựu tạ
Hoa khai hoa tạ lưỡng vô tình
Hoa hương thấu nhập lung môn lý
Hướng tại lung nhân tố bất bình
Dịch nghĩa: 
Hoa hồng nở hoa hồng lại rụng, 
Hoa tàn hoa nở cũng vô tình; 
Hương hoa bay thấu vào trong ngục, 
Kể với tù nhân nỗi bất bình. 
Nhà phê bình văn học Hoàng Thủy Hương viết về bài thơ trên như sau: "Tình thương của nhà thơ Hồ Chí Minh với linh hồn của đóa hoa mong manh nhưng để cảm nhận rằng hoa phải chết, nhưng hương hoa - Linh hồn hoa nhất định không chết và nhà thơ cảm thấy cái linh hồn ấy bay vào ngục tối để kể với nhà thơ nỗi phẫn uất vì sự vô tình của tạo hóa" đối với hoa.
Có một hội nghị tại địa phương, sắp đến giờ khai mạc, đại biểu có mặt đông đủ. Một cán bộ làm tổ chức thấy chiếc bàn kê gập ghềnh, vội bẻ mấy bông hoa trong lọ trên bàn cuộn tròn lại đem kê chân bàn… Mọi người đều nhìn thấy nhưng không nghe thấy ai phê phán cả. Chỉ có những người chơi hoa suy ngẫm mà thôi…
Thiết nghĩ, trồng hoa, chăm sóc hoa, chơi hoa và cảm nhận vẻ đẹp của hoa tưởng chừng như cùng mục đích, ý nghĩa nhưng suy rộng ra "Nghề chơi cũng lắm công phu" đó luôn ẩn chứa biết bao điều về quan niệm triết lý cuộc sống của con người.
Lê Văn Học
Theo http://thpt-tranquoctuan-phuyen.edu.vn/

1 nhận xét:

  Cổ tích mới thời thế giới phẳng – Bài của Võ Tấn Cường 7 Tháng Năm, 2023 Truyện ngắn hiện đại đang trên con đường khám phá, vén mở t...