Thứ Năm, 8 tháng 2, 2018

Tết là để đoàn viên

Tết là để đoàn viên
Khi những cánh én thực hiện những cuộc hành trình trở về từ phương Nam, khi những cánh mai bắt đầu vàng tươi, những bông hoa đào trở nên đỏ thắm cũng là lúc Tết đến, một mùa xuân mới đã về. Trong tâm thức của người Việt, có đi xa tận đâu, làm công việc gì, giàu sang hay khốn khó thì cứ Tết đến đều phải trở về bên cạnh gia đình mình, bên những người thân yêu. Bởi là Tết là để sum họp, đoàn viên, tết của tình thân ấm áp.
Tết nguyên đán là dịp Tết quan trọng nhất của người Việt, còn được gọi là Tết Cả. Trên khắp mọi nẻo đường, trên tất cả các miền quê, ai cũng muốn tìm về với những người thân yêu của mình, đó là những khoảnh khắc bình yên và hạnh phúc nhất. Dù giàu sang, đầy đủ hay thiếu thốn, khó khăn thì ai ai cũng cố gắng trở về nhà, đón Tết cùng cha mẹ, anh em mình, để cảm nhận tình thương yêu, sự đầm ấm và hạnh phúc.
Cứ mỗi dịp Tết về con cháu trở về sum họp cùng 
ông bà, cha mẹ trong không khí rộn ràng và ấm áp
Từ xa xưa, Tết đã là dịp để mọi thành viên trong gia đình quây quần bên nhau, hỏi han sức khỏe, kể lại cho nhau những điều đã diễn ra trong một năm. Tết là dịp để nhắc nhở quá khứ, trân trọng những gì đã qua và hướng tới những điều tốt đẹp trong tương lai. Điều đó đã trở thành truyền thống, là nét đẹp văn hóa lâu đời của người dân Việt Nam.
Cho đến hôm nay, ý nghĩa Tết đoàn viên, Tết sum họp vẫn còn vẹn nguyên như thế trong tâm thức người Việt. Dù cho những chuyến tàu, chuyến xe ngày Tết có đông đúc, chen chúc và vất vả như thế nào, dù cho khoảng cách có xa xôi Nam – Bắc đến hàng ngàn cây số, thậm chí là ở một đất nước cách cả một nửa vòng Trái Đất thì những người con đất Việt vẫn luôn có một ước mơ trở về sum họp bên những người thân yêu nhất của mình.
Dù một năm đã qua có bao điều lo lắng, có bao nỗi vất vả với những xô bồ của cuộc sống thì những ngày Tết cũng  mong được về sum họp cùng với gia đình của mình. Trẻ con thì từng ngày được mong đến kỳ nghỉ để được đi chơi Tết, sắm quần áo mới, được bố mẹ đưa về quê thăm ông bà. Người lớn thì tất bật lo sắm sửa bao thứ đồ để biếu bố mẹ, ông bà, họ hàng rồi thì đồ đạc mới để trang hoàng nhà cửa... Nhà nhà, phố phố lúc nào cũng nhộn nhịp và tấp nập, nơi nơi đều tràn ngập không khí Tết.
Hạnh phúc và sự ấm cúng hiện hữu 
trong tất cả các ngôi nhà trên đất Việt
Trong gia đình dù có mâu thuẫn, có không vừa lòng nhau thì khi Tết đến, mọi người cũng tự mở lòng mà bỏ qua mọi điều cho nhau, để không khí gia đình được thuận hòa, vui vẻ. Tết sum họp nên yêu thương cũng nhiều hơn, chia sẻ cũng nhiều hơn.
Dịp Tết đến, nhà nhà sửa soạn nào lá dong, gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn rồi dưa hành, bánh mứt để mang đến cho gia đình một cái Tết đủ đầy nhất. Bên nồi bánh chưng, cạnh bếp lửa hồng, ông bà, cha mẹ kể cho con cháu nghe về lịch sử gia đình, về những chuyện buồn vui trong cuộc sống. Một vài củ khoai, bắp ngô nướng vùi vào bếp than hồng để câu chuyện thêm phần rôm rả. Thêm một nồi nước lá mùi thơm phức để rửa mặt sáng sớm ngày mồng 1, mong cho một năm mới lúc nào cũng sạch sẽ, thơm tho và sáng sủa.
Gói bánh chưng xanh, ông bà cha mẹ 
nhắc nhớ con cháu về truyền thống gia đình
 Những ngày cuối năm, cả gia đình quây quần bên nhau dọn dẹp nhà cửa, trang trí, sửa soạn lại đồ đạc trong nhà. Ngày đầu năm mới thì cùng nhau đi chúc Tết họ hàng, anh em, làng xóm. Gặp gỡ người thân sau cả năm xa cách đi làm ăn, học tập. Con trẻ chúc thọ các cụ cao niên và trẻ con được nhận tiền mừng tuổi. Không khí quây quần, đầm ấm đó thật rõ nét trong dịp Tết truyền thống.
Trong đêm giao thừa, trong thời khắc chuyển giao của năm cũ và năm mới, cả gia đình đứng trước bàn thờ tiên tổ, cùng thành kính thể hiện tấm lòng trước những người đi trước. Cha mẹ, ông bà cũng nhân dịp này mà dạy cho con cháu phải biết ơn ông bà, tổ tiên, để gìn giữ đạo lý uống nước nhớ nguồn.
Hãy trở về bên gia đình và đón nhận 
yêu thương từ mái ấm của mình trong dịp Tết
Trong ngày thường, đôi khi người ta mải mê và bận rộn với những công việc, các mối quan hệ bạn bè, xã hội mà một lúc nào đó bỗng lãng quên đi tình cảm gia đình. Tết hôm nay, có những gia đình hiện đại lại muốn tự do bay nhảy, ở lại thành phố để đến những khu vui chơi, giải trí hay có những chuyến du lịch trong nước, ngoài nước. Sự sum họp gia đình chính vì thế mà không trọn vẹn, niềm vui đoàn tụ dịp Tết không còn đủ đầy nữa...
Dù có bận rộn đến đâu, dù có muốn đến những địa điểm vui chơi nhiều đến như thế nào, mỗi chúng ta hãy luôn nhớ hãy trở về bên gia đình mình, bên những người thân yêu, ở chính nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Bởi vì Tết là để yêu thương, để đoàn viên và sum họp.
Theo https://saodieu.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hôn quân Lưu Tử Nghiệp và vai diễn của Trương Dật Kiệt

Hôn quân Lưu Tử Nghiệp và vai diễn của Trương Dật Kiệt Theo chính sử Trung Hoa thì Lưu Tử Nghiệp, tự Pháp Sư, là con trưởng của Hiếu Vũ đế...