Có hay không, việc hai vua Trần đóng đại bản doanh ở Thiên Long uyển xã Yên Đức, Đông Triều, để chỉ huy trận đánh Bạch Đằng năm 1288?
Tôi đã thường xuyên qua lại nơi này 4 năm, vì tôi dạy môn sử học trường phổ thông ở gần Thiên Long uyển, và 3 năm tiếp theo, sống trực tiếp ở sát Thiên Long uyển cả ngày lẫn đêm, vì tôi được chuyển về dạy sử học ở luôn nơi này. Tôi đã rất nhiều lần vào sâu trong di tích.
Tháng 12 năm 2021, tại TP Uông Bí tỉnh Quảng Ninh, đã diễn ra
một hội thảo khoa học cấp Quốc gia: “ Vị trí vai trò của Thiên Long uyển trong
chiến thắng Bạch Đằng năm 1288”, nhằm xây dựng hồ sơ đề nghị cấp thẩm quyền
công nhận Thiên Long uyển là Di tích Quốc gia đặc biệt. 22 tham luận được xuất
bản thành tập Kỷ yếu 284 trang. Trong đó, điều tôi quan tâm nhất là vấn đề “Hai
vua Trần đã đóng đại bản doanh ở Thiên Long uyển xã Yên Đức huyện Đông
Triều tỉnh Quảng Ninh để trực tiếp chỉ huy tác chiến trận đánh Bạch Đằng năm
1288”. Vì đây là một vấn đề hoàn toàn mới, được coi là thành công quan trọng nhất
của hội thảo này, như một số báo đã loan tin, và nếu điều đó là có thật, thì
tôi rất mừng, dù lịch sử thời Trần và diễn biến của trận đánh vĩ đại này, lịch
sử và sách giáo khoa hiện hành sẽ phải viết lại.
Đầu tiên chúng ta cần biết Thiên Long uyển cụ thể như thế
nào? Tôi đã thường xuyên qua lại nơi này 4 năm, vì tôi dạy môn sử học trường
phổ thông ở gần Thiên Long uyển, và 3 năm tiếp theo, sống trực tiếp ở sát
Thiên Long uyển cả ngày lẫn đêm, vì tôi được chuyển về dạy sử học ở luôn nơi
này. Tôi đã rất nhiều lần vào sâu trong di tích. Thời ấy, từ làng Chí Linh, xã
Yên Đức, nơi tôi dạy môn sử học, sang làng Đức Sơn, nơi có Thiên Long uyển,
cách nhau một cái lạch nước rộng khoảng 60 đến 70 mét, phải đi bằng thuyền nan
nhẹ hay bè chuối. Khi nước triều rút thì lội sang được, nước chỉ cao từ đầu gối
đến ngang ngực là cùng. Các cụ cao niên đã từng học chữ thánh hiền, lần lượt
đưa tôi đi từng góc rừng, dưới tán cây rất cao có thể đến 100 tuổi, các cửa
hang ẩm ướt đầy lá mục, không sót một chỗ nào, rất nhiều lần trong 7 năm. Không
có một cụ nào nói với tôi là hai vua Trần đã “đóng đại bản doanh ở đây để chỉ
huy tác chiến đánh trận Bạch Đằng”. Tuyệt đối không. Các cụ chỉ nói, ở thời Trần,
đây là đất của ông Tể tướng Trần Khắc Chung giao cho em nuôi làm chùa để thờ
cúng. Điều cần chú ý là ông Chung nhận đất này rất lâu sau trận Bạch Đằng 8.3
âm lịch năm 1288 (bia đá khắc việc này vào ngày 4.3/ âm lịch năm 1348, tức
là tròn 60 năm sau – Kỷ yếu, trang 25), vì sau khi thắng giặc nhiều năm, vua Trần
mới trả đất này cho Bảo Hoàn, con một vị tôn thất hàng giặc mà bị tịch thu, Bảo
Hoàn là vợ ông Trần Khắc Chung. Nếu hai vua Trần đã đóng đại bản doanh ở đây để
trực tiếp chỉ huy trận Bạch Đằng vang dội vào bậc nhất trong lịch sử dân tộc, nếu
có điều ấy, bia đá trên phải ghi chứ? Sao lại không? Nhất là ông Chung đã từng
có công lớn trong cuộc kháng chiến đó, từng đến trại giặc “luận chiến” với
chúng, khiến chúng phải nể phục. Đến đây có một điều đặt ra, cũng cần phải xác
minh ba chữ “Thiên Long uyển” khắc vào đá núi, cách mặt đất 2,6 mét, chỉ
cách khoảng 100 mét, nơi khắc 3 chữ “Tam Bảo địa” ở sát mặt đất, chân
núi, cả hai có thể được khắc cùng một thời gian vào tháng 3 âm lịch năm 1348?
Nghĩa là cùng tròn 60 năm sau chiến thắng Bạch Đằng 1288. Các cụ cho tôi biết ở
thời Nguyễn đánh Pháp, ông Đốc Tít đã đóng quân ở đây, trong hang còn tìm thấy
một cái mâm đồng của nghĩa quân. Tôi nghe thế chứ chưa trông thấy cái mâm đồng ấy
và lúc ấy, cũng không biết cái mâm đồng ấy có còn ở trong hang hay đã ở đâu.
Ngoài điều đó, suốt 7 năm ở đây, từ 1962 đến 1969, tôi tuyệt đối không thấy có
một ai nói một điều gì hơn. Các cụ đưa tôi đến nơi có 3 chữ “Thiên Long uyển” với
chữ thiên là một nghìn, không phải thiên là trời để ngụ ý nói nhà vua,vì thế,
không một cụ nào nói đây là vườn thượng uyển của vua Trần. TS Nguyễn Văn Anh,
trưởng khoa Lịch sử, trường Đại học KHXH và Nhân văn Hà Nội, nhân vật mà tôi
nghĩ là chủ chốt nhất của công trình khoa học này, nói, khi trả lời phỏng vấn của
báo Quảng Ninh: “Vườn nghìn rồng cũng giống như vườn thượng uyển của vua vậy”.
Khác hẳn nhau lắm lắm chứ, sao lại “giống như” được, ông TS ơi! Vì ông TS coi
hai loại vườn đẳng cấp hoàn toàn khác xa nhau này là một, là vườn của vua,
chính ông nói, ông coi đây là “điểm xuất phát” của ông, mà tôi coi là của tư
duy khoa học của ông. (TS Nguyễn Văn Anh, “Thiên Long Uyển, xứng đáng là Di
tích Quốc gia đặc biệt”, báo Quảng Ninh cuối tuần, số 1029 (1077) – Phan
Hằng thực hiện (phỏng vấn), ngày 2.12022, tr.5), nên ông kéo vua về đây đóng
quân cho hợp lý chăng?
Điều gọi là “truyền thuyết dân gian địa phương” mà vài trang
kỷ yếu đưa ra (mới “từ năm 2008” – như ông TS Anh viết trong kỷ yếu ở bài báo
trên, dù không nêu văn bản nào in) về vua Trần đóng quân ở đây, tức là từ đó,
các nhà doanh nghiệp mới có ý định nghiêm chỉnh là biến nơi này – Thiên Long uyển
với núi Mèo, ở gần nhau, cùng một xã – thành một Trung tâm du lịch văn hóa, lịch
sử và tâm linh cấp quốc gia về các vua Trần, kết nối với các Di tích nhà Trần
đã xây dựng hoàn chỉnh và rất khang trang ở Đông Triều. Còn từ trước, có lẽ đến
khoảng 50-60 năm, chỉ có người nói rằng vua Trần Nhân Tông đi thuyền
qua đây, thấy núi Mèo đẹp thì lên thăm, rồi đề thơ và cho khắc vào vách đá mà
thôi. Tôi đã có mặt trước bài thơ này từ cuối năm 1962. Thực tình khi đó,
tôi cũng nghĩ là thơ của vua Trần thật, sau tôi nghiên cứu thơ
Nôm thời Trần và thơ Trần Nhân Tông thì càng ngày càng nhận ra là
không phải. Đây chỉ là 1 trong các bài thơ “ngụy tạo” của các quan thời Nguyễn,
Từ đó, tôi đã vài lần viết bài, rất hoan nghênh các nhà doanh nghiệp, và
rất ủng hộ dự án này, nhưng nói là nơi vua Trần đóng quân, vua Trần làm thơ khắc
lên đá… ở đây, thì tôi can, vì không có căn cứ. Theo sự khảo sát thực địa của
tôi, thì bài thơ này viết và khắc vào vách đá núi Mèo, ước đoán là khoảng từ
năm 1915 đến năm 1935, tác giả, là một vị quan huyện, quan phủ nào đó, ở trong
vùng Hải Dương – Hưng Yên đã qua đây. Đây là bài thơ đặc Nguyễn, gán cho vua Trần
Nhân Tông, cũng như một số bài thơ khác đã từng gán cho các danh
sĩ Hàn Thuyên, Trần Khánh Dư ở thời Trần … Tôi không lấy làm lạ khi ông
Hoàng Giáp, lại cho là thơ thời Trần. Ông đã vài lần viết bài, làm sách,
rằng “nhiều học giả cho đây là thơ ngự đề của vua Trần Nhân Tông” (?). Vậy mà
hàng chục học giả dự Hội thảo khoa học quốc gia vừa mới qua đây thôi, mắt săm
soi từng chữ ở núi Thiên Liêu, ở núi Mèo, nhưng không có một ai, nói một câu,
viết một chữ, công nhận bài thơ “ngự đề”, năm 1292, khắc vào vách đá núi Mèo là
thơ của vua Trần Nhân Tông. Vì “Lịch sử Văn học Việt Nam” ở thời Trần
và các tập “Toàn tập Thơ Trần Nhân Tông” do nhiều học giả biên soạn trong vòng
200 năm nay, không có 1 lần nào nhắc đến bài thơ này. Vậy, việc bác
bỏ bài thơ này không phải của vua Trần Nhân Tông là ý chung của cả nền
văn học, còn tôi chỉ là người đầu tiên nêu ra ý kiến này mà thôi. Việc
các học giả chuyên sâu nghiên cứu riêng biệt về núi Thiên Liêu và núi Mèo, với
mục đích tìm kiếm các dấu vết liên quan đến hai vua Trần (Trần Thánh Tông và Trần
Nhân Tông) tại nơi này, để xác nhận giá trị của di tích, mà không nói 1 câu,
không viết 1 chữ về điều đó, theo tôi là kết quả nghiêm túc, quan trọng
và khoa học của Hội thảo này. Bài thơ có 2 cặp đối chặt chẽ, cấu trúc thực luận
phân minh, nhịp thơ 4/3 và ngôn ngữ trau chuốt hiện đại, chắc chắn được viết
sau năm 1841, vì kiêng húy vua Thiệu Trị nhà Nguyễn là Nguyễn Phúc Miên Tông mà
chữ Tông phải viết thành Tôn (*).
TS Nguyễn Văn Anh, ngay mở đầu ở trang 3 kỷ yếu, đã khẳng định:
“Kết quả đề tài đã làm rõ phạm vi của chiến trường, đồng thời chỉ rõ Thiên Long
uyển là đại bản doanh của hai vua Trần trong trận Bạch Đằng năm 1288”. Vậy mà đọc
hết toàn bài của ông và cả tập kỷ yếu 284 trang, không thấy có một chứng cứ nào
có thể tin cậy được, để chỉ rõ điều đó. Tôi nghĩ, ông nên “nói có sách, mách có
chứng”, và, chỉ rõ các căn cứ ra, trong sách nào, cho mọi người thấy những căn
cứ nào có thể tin được, chứng tỏ hai vua Trần đã đóng đại bản doanh ở đây, nơi
có cái vườn mà ông cho là vườn thượng uyển của nhà vua, mà trong toàn tập kỷ yếu
này, tôi không thấy có. Cùng với ông, còn có hai ba nhà khác, cũng như ông, chỉ
nói khơi khơi (để “chiều lòng người mến mộ”) vậy thôi, mà không qua bất cứ một
căn cứ nào rõ ràng trong sách cổ (dù là sách ở trong nước hay ở nước ngoài –
các tập Nguyên sử của nhà Nguyên ởTrung Quốc chẳng hạn…), hoặc một bằng chứng
nào rõ ràng qua các cuộc khai quật khảo cổ học mà các ông đã làm trong nhiều
năm. Đóng đại bản doanh để chỉ huy một trận đánh rất lớn, ắt phải có hàng ngàn
quân thủy bộ và ở đây không chỉ một sớm một chiều. Vậy mà qua 5 bài viết, dài đến
26 trang in (Kỷ yếu, từ trang 258 đến 284) về “kết quả nghiên cứu điều tra và
khai quật” ở đây, của 5 nhóm tác giả, với diện tích đào bới khá rộng, trong nhiều
năm, mà TS Anh tham gia 2 nhóm, không thấy công bố có một di vật nào tìm kiếm
được của quân đội nhà Trần, có thể làm bằng chứng, chứ chưa nói đến vũ khí của
quân lính hay đồ dùng của các vua Trần. Đặc biệt trong 5 bài đó, có bài “Kết quả
khai quật di tích Thiên Long uyển ”… của nhóm tác giả, gồm 6 người trong đó có
TS Anh, ở trang 268, có đoạn: “… nhưng các bằng chứng này, không đủ cơ sở để kết
nối các di tích thời Trần tìm thấy ở đây, với các hoạt động của vua Trần trên
vùng đất này”. Tôi nghĩ, đó là câu trung thực nhất về mặt khoa học lịch sử có
trong kỷ yếu này. Dù nó trái với ý muốn của người này, người nọ. Có lẽ vì thế,
sau khi đã chỉ rõ (nghĩa là có hẳn hoi rồi) ở trang 3, thì ngay ở trang 4, TS Anh
lại viết: “Thiên Long uyển có thể là nơi đóng đại bản doanh của hai vua Trần”
(?). Đã khẳng định là chỉ rõ rồi, sao sau đó lại có thể, nghĩa là chưa rõ?
GSTS, NGND Nguyễn Quang Ngọc (Đại học Quốc gia Hà Nội) trang 37 kỷ yếu, viết:
“Có lẽ hai vua Trần Thánh Tông và Trần Nhân Tông đã thêm một lần chuyển sở chỉ
huy hay đại bản doanh về khu vực núi Thiên Liêu, thuộc thôn Đức Sơn, xã Yên Đức,
huyện Đông Triều để trực tiếp chỉ huy các lực lượng tác chiến…” Thêm một lần,
là nói đại bản doanh hai vua Trần đã đóng ở núi Dương Nham, lại phải chuyển về
Thiên Liêu. Chưa bàn việc hai vua Trần đã đóng đại bản doanh ở núi Dương Nham,
vậy thì vì sao lại phải chuyển cấp tốc đại bản doanh từ đó về Thiên Liêu, mà ta
biết điều đó trong chiến tranh tổng lực ác liệt, mật thám giặc như rươi, là điều
không thể manh động, tùy tiện. Tôi muốn ông GS chỉ rõ, vì sao lại phải làm thế,
khi mà 2 địa điểm theo kỷ yếu là cùng ở một huyện, là huyện Giáp Sơn, châu Đông
Triều, cách nhau chỉ khoảng 10 km, cùng sát bên một dòng sông. Trong khi cuộc
chiến tranh tổng lực lần thứ ba này, chỉ diễn ra vẻn vẹn trong khoảng 3 tháng?
Chứng cứ nào cho biết có sự chuyển đổi vội vàng, chứng tỏ sự lúng túng và bất ổn
về mặt chiến lược quân sự của hai vua Trần và Hưng Đạo vương, Quốc công Tiết chế.
Chưa kể điều đó rất khó giữ được bí mật khi chiến tranh đã xảy ra. Luận điểm
này của GS Ngọc rất khó tin. Tôi đã một lần trực tiếp nghe GS phát biểu trong hội
thảo khoa học về Hoàng Cần tại Tiên Yên, là hai vua Trần từ Thăng Long bí mật về
Ba Chẽ để gặp Hoàng Cần (nhiều khả năng là nhân vật truyền thuyết, không có thật
– TNM), chỉ đạo Hoàng Cần đánh giặc Nguyên (trong khi giặc Nguyên và các giặc
phương Bắc, từ thượng cổ đến nay, chưa bao giờ đánh vào Việt Nam, qua đường bộ
Ba Chẽ, hay đánh vào kinh đô Thăng Long, qua bất cứ nơi nào thuộc biên giới
trên bộ ở Quảng Ninh hiện nay). Về việc này, “Đại Việt sử ký toàn thư ”
(ĐVSKTT), tập II, Nxb Khoa học xã hội, 1971, trang 58- 59, ghi nguyên văn rõ
ràng như sau (bản dịch): “Thế quân giặc bức bách, hai vua ngầm đi chiếc thuyền
nhỏ, đến nguồn Tam Trĩ, sai người chở thuyền ngự ra Ngọc Sơn (tức là Móng Cái –
TNM chua thêm) để đánh lừa quân giặc. Lúc ấy xa giá nhà vua xiêu dạt, mà Quốc
Tuấn vốn tự phụ kỳ tài…” Việc ghi vào quốc sử ấy, xảy ra vào tháng 2 năm Ất Dậu,
1285. Như vậy, do bị giặc truy sát, có Quốc Tuấn tháp tùng, hai vua phải lừa giặc,
bí mật chạy ra đây, rồi bí mật lên bộ đi tắt về phía sau… Tôi đã căn cứ vào đó,
viết bài, bác bỏ luận điểm này của GS và cho rằng, đây là nhà khoa học rất yêu
Quảng Ninh tưởng tượng và “sáng tác” ra, để “tri ân” Quảng Ninh đã kính trọng
ông mà thôi. Vậy ta xem ĐVSKTT, bộ quốc sử cổ nhất (1497) và đáng tin cậy nhất
của nước ta về trận Bạch Đằng ấy, đã viết về điều ta suy đoán ấy như thế
nào. Sau đây là nguyên văn: “Mậu Tý, tháng 4 (1288), mùa xuân tháng Giêng, Ô Mã
Nhi đánh vào phủ Long Hưng” [Thái Bình – đất phát tích và đặt lăng miếu của nhà
Trần – rõ ràng là hai vua và Hưng Đạo vương phải đánh giặc tại đây – TNM ghi
thêm]. “Ngày 8, quan quân họp đánh ở ngoài biển Đại Bàng, bắt được 300 chiếc
thuyền đi tuần của giặc và chém được 10 thủ cấp. Quân Nguyên bị chết đuối rất
nhiều”. Tại trang 294 sách này, chú thích: “Đại Bàng thuộc huyện Nghi Dương”,
Kiến An. Tiếp liền sau đó: “Tháng 2, ngày 19, Ô Mã Nhi đánh vào trại Yên Hưng.
Tháng 3 ngày 8, quân Nguyên hội ở sông Bạch Đằng để đón thuyền của bọn Trương
Văn Hổ nhưng không gặp. Hưng Đạo vương đem quân đánh, giặc bị thua.” (ĐVSKTT, tập
II, Nxb Khoa học xã hội, 1971, trang 67). Như vậy, rõ ràng là hai vua Trần do
Hưng Đạo vương tháp tùng, vào trận Bạch Đằng là cất quân về từ cửa Đại Bàng,
nay là Kiến An, về Thủy Đường, nay là Thủy Nguyên, và đánh xuống Bạch Đằng là từ
bên kia sông, thuộc Hải Phòng hiện nay. Đến đây lại thấy một “sáng tác mới” của
ông TS sử học Nguyễn Văn Anh, là tách hai cánh quân xa hẳn nhau, cách nhau đến
trên dưới 100 km, lại có 3 hay 4 con sông chia cắt, để dẫn đến kết luận là Hưng
Đạo vương vào trận Bạch Đằng là từ Kiến An (bên kia sông), còn hai vua Trần vào
trận Bạch Đằng là từ “đại bản doanh Thiên Long uyển”, ở bờ sông bên này, và
đánh xuống từ đây, chân núi Thiên Liêu – bên này sông. Sự kiện đó chưa từng ghi
trong lịch sử, bởi Hưng Đạo vương luôn tháp tùng hai vua Trần, không để hai vua
chạy giặc một mình, đánh giặc một mình, sự an nguy của xã tắc không thể lường
được, nên sử chỉ ghi có một cánh quân từ sau phía Kiến An về mà thôi. Điều này
hoàn toàn phù hợp với các di tích còn lưu lại của trận Bạch Đằng, với núi Voi,
và các địa danh Lưu Kỳ, Lưu Kiếm… , nơi hai vua Trần và Hưng Đạo vương đã đi
qua. Sau này, bộ “Khâm định Việt sử thông giám cương mục ” của Quốc sử quán triều
Nguyễn, và vài chục năm gần đây, tập sách khoa học đáng tin cậy nhất “Cuộc
kháng chiến chống Nguyên Mông…” của Hà Văn Tấn và Phạm Thị Tâm… đến tập “Nguyên
sử”,” Tân Nguyên sử “ của Trung Quốc, “An Nam chí lược” của Lê Tắc, sử gia giặc
trong quân đội nhà Nguyên, ghi ngay tại chiến trận (1288), từ việc Trấn Nam
vương Thoát Hoan lập 2 kho lương ở Vạn Kiếp, đến việc Hữu thừa tướng Trình Bằng
(Phi) cùng các đại tướng khác của nhà Nguyên về đóng quân tại Đông Triều, để hộ
tống đoàn thuyền của Ô Mã Nhi… bị Trần Tung đánh DU KÍCH, thường cho quân lẻn
vào trại giặc quấy nhiễu hay đánh lẻ tẻ, quân Nguyên mệt mỏi, tự rút lui từ chợ
Đông Hồ (Đông Triều) theo đường tắt về Bắc Giang, ngày 3.3 năm Mậu Tý, trước trận
Bạch Đằng chỉ có 4-5 ngày… (Tôi đã khảo sát rất kỹ chiến trận này từ năm 1968 đến
1988, sau đó đã viết bài đăng báo, công bố địa điểm “chợ Đông Hồ” hiện nay là ở
chỗ nào trong tập sách khảo cứu “Thời gian lên tiếng ” năm 2013. Sau này một
vài nhà nghiên cứu dường như lấy lại ý kiến của tôi nhưng không nêu xuất xứ) .
GS Tấn đã khai thác rất triệt để các tư liệu cổ, ở Việt Nam và ở Trung Quốc,
tuyệt không có một chữ nào liên quan đến việc các nhà khoa học họp ở Uông Bí,
muốn khẳng định đại bản doanh của hai vua Trần đã đóng ở núi Thiên Liêu, cách
chợ Đông Hồ khoảng 10 km, để trực tiếp chỉ huy tác chiến trận Bạch Đằng, ngày
8.3 năm Mậu Tý, trong khi không đưa ra được bất cứ một bằng chứng hay một căn cứ
khoa học nào có thể tin cậy được. Nếu ngay lúc đó, tại đó, đại bản doanh (nghĩa
là hàng ngàn quân thủy bộ) hai vua Trần đang đóng ở núi Thiên Liêu – Yên Đức
sát đó, thì phải có giao tranh lớn chứ (như Chương Dương, Hàm Tử… chẳng hạn),
thắng thua tại trận rõ ràng chứ – bên nhà Trần cũng phải cử tướng lĩnh ngang sức
với đại tướng giặc là Hữu thừa tướng Trình Bằng (Phi) và các đại tướng cộng sự
của y, trong khi, với tốc độ của kỵ binh, từ chợ Đông Hồ đến Yên Đức, và ngược
lại, chỉ khoảng hơn 10 phút sau là đã đến nơi. Làm sao có thể tin được, trong
tình huống sống còn ngặt nghèo đến như thế, hai vua Trần và Quốc công Tiết chế
lại chỉ giao việc hệ trọng đó – bảo vệ đại bản doanh của hai vua Trần – cho một
cư sĩ (- nhà sư – tu tại gia từ năm 13 tuổi – là Trần Tung, anh Quốc Tuấn)
làm tướng, để đánh du kích, quấy nhiễu giặc là chính, khiến chúng mỏi mệt, phải
tự rút đi (theo Lê Tắc, sử gia nhà Nguyên ghi tại trận). Vì thế, ĐVSKTT không
ghi một chữ nào về chiến trận này. Chỉ riêng điều ấy thôi, đã chứng tỏ hai vua
Trần không đóng đại bản doanh ở Yên Đức. Xin nhớ, Trần Tung được phong Hưng
Ninh vương không phải do thưởng công, vì có công, sau trận thắng quân Nguyên
(năm 1289) như các tướng lĩnh khác. Ông được phong vương năm 1251, trong tang lễ
cha ông là Trần Liễu, do Thượng hoàng đến dự tang, thương ông mà phong cho ông
mà thôi. Khi ấy ông là một cư sĩ, tu tại gia. Đây là một vấn đề rất lớn, không
chỉ đối với một vùng đất, không chỉ phục vụ một yêu cầu là mở ra khu du lịch
văn hóa, lịch sử và tâm linh, mà còn là lịch sử của cả một dân tộc, và trách
nhiềm trước mọi thế hệ hôm nay và mai sau. Vì thế, chúng ta còn phải tiếp tục
kiếm tìm thêm, với một tâm trí thật trong sạch, khách quan, thực sự vì khoa học,
cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng hơn nữa, thu thập các bằng chứng đáng tin cậy, đối
chiếu rõ ràng, minh bạch… không nên kết luận vội vàng “Qua nghiên cứu, đã khẳng
định Thiên Long uyển là nơi hai vua Trần đã đóng đại bản doanh để chỉ huy tác
chiến trận Bạch Đằng năm 1288, nên đã đủ điều kiện để công nhận Thiên Long uyển
là Di tích Quốc gia đặc biệt…” như TS Nguyễn Văn Anh, đã công bố trên báo Quảng
Ninh cuối tuần, số 1029, ngày 2.1.2022, và một hai báo khác đã công bố, theo lời
ông, sau hội thảo. Vì kinh nghiệm đã quá nhiều, cho biết rằng, sai lầm về lịch
sử là vô cùng nguy hại, hậu quả khôn lường, vì nó sẽ làm cho việc giáo dục truyền
thống, nhất là với các thế hệ trẻ – không còn trung thực nữa – và nói chung,
trong không ít trường hợp đã xảy ra, nhưng sai lầm đó là không có khả năng, hoặc
hoàn toàn không có khả năng sửa chữa.
Dĩ nhiên hội thảo, với nhiều trang kỷ yếu đã in, có những thành công đáng ghi nhận ở nội dung khác, nhưng đó không thuộc về bài viết của tôi.
Chú thích:
(*) Đây là thơ Nôm“ được coi” là của vua Trần Nhân
Tông, viết và khắc đá năm 1292. Tôi chép từ năm 1962. Chữ Nhân Tôn
là miếu hiệu do quần thần dâng lên, sau khi vua đã mất được 1 năm. Do tránh húy
vua Thiệu Trị nhà Nguyễn là Nguyễn Phúc Miên Tông, từ 1841 – 1945, chữ Tông phải
viết là Tôn.
“Trần triều Nhân Tôn hoàng đế ngự đề”:
“Đứng thốc trên sông/ một đọi đèo
Vặn hình ra thể/ dáng con Mèo
Đá xương đất thịt/ da không mốc
Cỏ vện hoa vằn/ dạ chẳng meo
Cáo thỏ kinh hơi/ rừng vắng ngắt
Kình nghê tăm bặt/ nước trong veo
Xanh trì vũ trụ/ chân ngoèo vững
Ắt hẳn nghìn năm/ kín chẳng nghèo.”
Xin bạn đọc đối chiếu với thơ của hai nhà thơ thiên tài là
Nguyễn Trãi và Lê Thánh Tông, sau “Trần Nhân Tôn” khoảng 200 năm.
Thơ Nguyễn Trãi (mất năm 1442):
“Góc thành Nam/ lều một gian
No nước uống/ thiếu cơm ăn
Con đòi trốn/ dường ai quyến
Bà ngựa gầy/ thiếu kẻ chăn
Ao bởi hẹp hòi/ khôn thả cá
Nhà quen thú thứa/ ngại nuôi vằn
Triều quan chẳng phải/ ẩn chẳng phải
Góc thành Nam/ lều một gian.
Và thơ Lê Thánh Tông (mất năm 1497), sinh sau Nguyễn
Trãi 62 năm:
“Lòng vì thiên hạ/ những lo âu
Thay việc trời/ dám trễ đâu
Trống dời canh/ còn đọc sách
Chiêng xế bóng/ chửa thôi chầu
Nhân khi cơ biến / xem người biết
Chứa thủa kinh quyền/ xét nhẽ màu
Mựa bảo áo vàng/ chăng có việc
Để muôn sự/ trước vào tâu.. ”.
Tôi tin là các bạn sẽ nhận ra đâu là thật, đâu là giả.
Trong các giá trị lịch sử và tinh thần, sự gian dối thực đáng
sợ, luôn luôn phải được xem xét và cảnh tỉnh.
16/2/2023
Trần Nhuận Minh
Theo https://vanvn.vn/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét