Tìm một la bàn thơ giải mã thơ Nguyễn Linh Khiếu
Nếu mỗi một nhà thơ lớn viết trường ca đều là hiện thân đại diện cho nền văn hóa của mình, như Homer và Hesiod là văn hóa Hy Lạp cổ đại, Virgil là văn hóa La Mã, Dante và Petrarch là văn hóa Phục hưng Ý, Goethe là văn hóa Đức, thì Nguyễn Linh Khiếu cũng có một cơ tầng văn hóa dưới chân mình, đó là văn hóa đồng bằng châu thổ sông Hồng, một nền văn minh nông nghiệp lúa nước thuần Việt với tín ngưỡng phồn thực là tín ngưỡng bản địa.
Thơ Nguyễn Linh Khiếu, ban đầu, mang đến người đọc một ấn tượng
rợn ngợp cả về ngôn từ lẫn dung lượng. Điều này thể hiện ngay ở đặc trưng độ dầy
của từng tác phẩm và thể loại thơ sở trường – trường ca. Chính bởi ấn tượng
trên mà thơ Nguyễn Linh Khiếu đã đánh bạt rất nhiều bạn đọc không kiên nhẫn hay
ngán dài. Mặt khác, để thực hành phê bình thơ của anh, nếu chỉ dùng phép phân
tích văn bản, chú giải và bình giảng truyền thống sẽ như một câu chuyện diễn tiến
không hồi kết, bởi thơ Nguyễn Linh Khiếu có phổ rộng và giàu hình ảnh, đọc đến
đâu là lại có thể phát hiện chi tiết để “bình tán” tới đó. Do vậy, để tìm đường
trong ma trận ngôn từ của Nguyễn Linh Khiếu, cần có một la bàn dẫn đạo.
Bốn tập thơ và trường ca gần đây của Nguyễn Linh Khiếu, từ Phồn
sinh (Nxb Hội Nhà văn, 2018) cho đến Hoa Linh Thảo (Nxb Hội Nhà
văn, 2021) và Sa hồng (Nxb Hội Nhà văn 2018), Dòng Thiêng (Nxb
Hội Nhà văn, 2019) đã thu hút rất nhiều bài viết nghiên cứu, chủ yếu nhận diện
và phân tích xuất phát từ tư tưởng chủ đạo – triết lý Phồn sinh – hiện
hữu ngay trên tiêu đề tác phẩm, với dẫn liệu là những ảnh tượng biểu trưng
thông qua bề mặt ngôn từ. Để thuận cho việc đọc và nghiên cứu thơ Nguyễn Linh
Khiếu, người viết chọn cách đi tìm một mạch ngầm, hay một chất nền, kiến lập
nên tư tưởng triết lý phồn sinh trong thơ anh, một bản thể thơ dẫn đến nhiều biểu
tượng trong thơ, thông qua minh định cấu trúc. Cấu trúc này, không phải cấu
trúc nhân cách, cũng không phải cấu trúc tác phẩm hay thi nghiệp, mà là cấu
trúc vận hành, những mắt xích biểu tầng trong thơ của Nguyễn Linh Khiếu, được
khái quát qua mô hình ấu dục → nhục dục → tri dục. Hay một tam nguyên luận với
từng chu kỳ bán rã để tạo ra một thực thể thơ Nguyễn Linh Khiếu đầy đặc sắc và
năng sản.
Trường ca của Nguyễn Linh Khiếu mang theo những nỗ lực vượt
qua những quy ước của trường ca tính sử thi truyền thống. Đầu tiên là việc phá
bỏ quy ước xuất phát giữa chừng câu chuyện (in medias res). Ví dụ như Iliad của
Homer bắt đầu ngay giữa trận chiến thành Trojan, còn Odyssey khởi đầu khi
Odysseus bị giam cầm trên hòn đảo của Calypso, hay Thiên đường đã mất của John
Milton mở đầu khi trận chiến trên thiên đàng giữa lực lượng của Chúa và Satan vừa
kết thúc. Có một dấu ấn sáng thế luận trong trường ca Phồn sinh. Chúa tạo ra thế
giới trong bảy ngày, còn Phồn sinh được tạo lập trong ba ngày. Ngày thứ nhất,
ngày lập ngôn, là khi khuôn mặt Muslim hiện diện trước mắt Nguyễn Linh Khiếu,
và là vụ nổ Big bang khai sinh ra vũ trụ triết lý Phồn sinh, dù vẫn còn đang
trong trạng thái hỗn mang. Ngày thứ hai, là sự ra đời của nhà thơ. Ngày thứ ba,
là ngày sinh của triết gia (thi sĩ). Hay, nói không ngoa, sự qua đời của bản diện
con – người – công – chức Nguyễn Linh Khiếu chính là chắp nối cho sự hiện sinh
của thi sĩ – triết gia Nguyễn Khiếu Linh tự do tư tưởng. Nhân vật chính trong
Phồn sinh không phải là anh hùng theo khuôn mẫu sử thi, có xuất thân cao quý
hay năng lực siêu nhiên, trái lại là hợp thể triết gia – thi nhân lãng tử. Nhân
vật kể chuyện này, cũng có một hành trình miên viễn, ra đi từ “ngôi nhà của mẹ
trong xóm nghèo bên bờ Biển Đông hoang sơ” (Phồn sinh, tr. 560) để chu du khắp
thế giới và mọi miền văn hóa sắc tộc, từ Bangkok, Kuala Lumpur, Singapore,
Vientiane, Luang Prabang… đến các thủ phủ châu Á như New Delhi, Beijing… và cho
đến tận chân trời Âu châu như Berlin, Prague…
Trường ca của Nguyễn Linh Khiếu, mặc dù đã cởi trói được tính
chất anh hùng ca của sử thi, nhưng vẫn còn dấu vết thuộc tính của thể loại này.
Điển hình là câu thơ đầu tiên lúc nào cũng là một lời cầu khẩn nàng thơ
(invocation). Những trường ca kinh điển thế giới luôn bắt đầu bằng một lời hiệu
triệu con gái thần Zeus để khơi gợi dòng sáng tạo, như Iliad (Hỡi nữ thần, hãy
hát về nó, cơn giận của Achilles, con trai Peleus – Iliad 1.1) và Odyssey (Kể
tôi nghe, hỡi Thi tiên, về con người đa mưu túc trí. – Odyssey 1.1), hay Thiên
đường đã mất (Hãy hát lên, Nàng thơ trên trời, sự bất tuân đầu tiên của con người
và trái của cây cấm đó. – Thiên đường đã mất 1.1). Khởi đầu trường ca Phồn
sinh cũng xuất hiện một nàng thơ: trước mặt ta một khuôn mặt Muslim; tương
tự là Hoa Linh Thảo: vừa bước chân ra cửa sân bay Netaji Subhash Chandra Bose
thi sĩ Prava Samantaray xinh đẹp đã choàng vào cổ ta một dải Hoa Linh Thảo tưởng
chừng vô tận. Những nàng thơ này, là nguồn cảm hứng thiêng liêng để Nguyễn Linh
Khiếu đặt bút viết lên trường ca của mình.
Nếu mỗi một nhà thơ lớn viết trường ca đều là hiện thân đại
diện cho nền văn hóa của mình, như Homer và Hesiod là văn hóa Hy Lạp cổ đại,
Virgil là văn hóa La Mã, Dante và Petrarch là văn hóa Phục hưng Ý, Goethe là
văn hóa Đức, thì Nguyễn Linh Khiếu cũng có một cơ tầng văn hóa dưới chân mình,
đó là văn hóa đồng bằng châu thổ sông Hồng, một nền văn minh nông nghiệp lúa nước
thuần Việt với tín ngưỡng phồn thực là tín ngưỡng bản địa. Đây cũng là thứ phù
sa bồi tụ đắp đầy lên nền đất canh tác thơ và xác lập triết lý phồn sinh. Đất,
đàn bà, sự phồn thực ngay từ buổi bình minh sơ nguyên đã có một mối liên hệ
thiêng liêng với tục thờ cúng nông nghiệp, “Đất sinh ra muôn loài, nuôi dưỡng
chúng, rồi lại nhận lấy cái mầm phồn sinh của chúng” (Aeschylus, Choéphores).
Những nghi điển của tín ngưỡng phồn thực và hoạt động thờ sinh thực khí, thực
chất, đều hướng đến sự sinh nở của đất, năng lực khôn cạn kiệt ra hoa kết quả.
Rồi con người, bắt chước lại sự hôn phối âm dương nguyên thủy đầu tiên giữa Trời
Đất, hoạt động tính giao nhằm mục đích tôn vinh sự sinh sôi nảy nở trong trang
nghiêm thiêng liêng. Đối lập với mẹ Đất (Gaia) của văn hóa phương Tây, thì ở Phồn
sinh giáo là hình tượng dòng sông Mẹ (sông Hồng). Dòng sông là cội nguồn của tất
cả, của vạn vật, của mọi không gian và thời gian, của lịch sử và văn hóa, và
thi nhân sinh ra từ nó cũng chẳng hề kém tự hào: ”sinh ra trên bãi sa bồi
Sông Hồng là một ân huệ trên thế gian này không có thi sĩ nào sánh được cùng
ta/ lớn lên trên bãi Sông Hồng tắm mình trong dòng sa hồng cùng bầy trâu mộng
cùng muôn vàn loài thủy sinh náo nhiệt mùa động đực đó là số phận dung dưỡng một
nhà thơ” (Phồn sinh, tr. 147).
Bánh răng đầu tiên trong cấu trúc tam vị nhất thể của thơ
Nguyễn Linh Khiếu, là ấu dục, gắn liền với khiếu của nhà thơ. Thể theo Sigmund
Freud, mỗi đứa trẻ đều trải qua giai đoạn gọi là tính dục ấu thời (infantile
sexuality), ở đó những đứa trẻ xuất hiện những xung năng tính dục liên quan đến
việc thỏa mãn các bộ phận cơ thể như môi miệng, hậu môn, cơ quan sinh dục. Thậm
chí, Freud cho rằng trong tâm lý trẻ thơ luôn tồn tại xung năng “khát khao
dương vật” lẫn niềm tin vào “trạng thái có dương vật” ở cả hai giới, và sự nhận
thức về trạng thái đầy đủ hay khuyết thiếu sẽ dẫn đến nhận thức phân biệt giới,
hoặc ở trường hợp cực đoan, biến thành các phức cảm tính dục. Tính dục trưởng
thành dần dần xuất hiện thông qua sự phát triển tâm tính dục ấu thời này. Tính
dục ấu thời, đồng thời, thể hiện khả năng biểu hiện đa dạng của ham muốn tình dục,
thỏa mãn xu hướng chung hướng tới khoái cảm. Đó là nguồn gốc của sự sáng tạo.
Vì phương tiện của tính dục ấu thời là trải nghiệm về thế giới đối vật, nên
không thể tránh khỏi các mối quan hệ nhân quả hai chiều được thiết lập nhanh
chóng, và trải nghiệm bên ngoài được diễn giải lại như hoạt động tự kích thích
tính dục làm thay đổi sâu sắc tương tác thực tế của đứa trẻ.
Trong trường hợp cậu bé Nguyễn Linh Khiếu, khiếu thơ của cậu
được kiến tạo nên bởi hai điều kiện: thứ nhất, là óc tò mò quan sát tinh tường
của cậu bé, thứ hai, là bối cảnh lớn lên của cậu – thôn Chỉ Thiện, xã Thái Mỹ,
Thái Thụy, Thái Bình, mảnh đất phù sa được bồi tụ bởi phù sa sông Hồng với hai
cửa sông lớn là của Ba Lạt và Trà Lý, là đặc trưng cho thổ nghi đồng bằng châu
thổ Bắc bộ. “Đi đâu rồi cũng trở về cánh đồng bùn đất lấm lem tuổi thơ của
mình/trở về đồng bãi cửa sông mênh mông sa hồng nồng nàn phì nhiêu màu mỡ quanh
năm chan chứa yêu đương” (Phồn sinh, tr. 636), không dưới hàng trăm lần địa
danh ấu thơ này được Nguyễn Linh Khiếu nhắc đi nhắc lại trong trường ca của
mình. Trong lời kể, tạp văn, thậm chí là thi ngôn, nhà thơ luôn tái hiện lại những
ký ức đầy sinh động về một mảnh đất vạn vật phồn sinh, đập ngay trước mắt một đứa
trẻ:
”[…] những bầy chuồn bão chuồn ngô chuồn kim chuồn ớt đỏ chót
cõng nhau vừa bay lượn vừa giao hoan suốt ngày trên không trung trên mặt nước đầm
hồ trên những vạt cỏ xanh biếc lung linh bóng hình không biết mệt […]”
”những bầy cá đẻ con đực con cái con to con nhỏ […] cả đàn quấn
lấy nhau cả đầm hồ ao chuôm quấn lấy nhau cả sông ngòi đồng bãi […]”
”những cóc nhái lưỡng cư thì thụp ngụp lặn xăng xái dọc ngang
tưng bừng lễ hội thủy giao náo loạn cánh đồng […] ở đâu cũng kết đôi bì bõm
[…]”
”những ngày hoàng đạo thủy phồn nước sinh dòng sông dạt dào
[…] những miền mỡ màu những miền phì nhiêu những miền trù phú những miền phù
sinh véo von tang tình bài ca sinh nở […]”
”nơi những chú trâu đực đỏ rực hùng dũng cong sừng rầm rập dưới
bầu trời phát dục
nơi những bầy trâu cái núng na núng nính căng tròn đen mượt mắt
ướt đa tình bao giờ phát cuồng lên cơn động dục” (Phồn sinh, tr. 636-639)
Ở cái nơi đâu đâu cũng là bản giao hưởng hoan ca tạo ra sự sống,
cậu bé Nguyễn Linh Khiếu chứng kiến mọi thứ chuyển động của sinh vật, của cái sống,
của dòng sinh đang tuần hoàn xoay vần. Cái tò mò nên thơ nhưng đầy lạc thú này
đã chắp cánh cho thi hứng sáng tạo sau này của nhà thơ, và, không những vậy,
cung cấp nguồn ảnh tượng cho thi ca. Khi viết đến đây, chợt tôi có sự liên hệ
không nhỏ đến một “quái kiệt” khác cũng dành tuổi thơ ở Thái Thụy, gắn bó với
“cửa mình đầy muối” (con sông Diêm Hộ), nên cũng có những tác phẩm chất chồng
tính dục và phồn thực tính, nhưng ở một địa hạt không phải là văn chương mà là
hội họa. Đó là họa sĩ Phan Thiết. Phan Thiết sinh năm Quý Tỵ, mang mệnh Trường
lưu thủy (长流水 – nước chảy mạnh), nên thứ anh đưa
vào ngôn ngữ hội họa của mình là thủy tính và nguyên lý bào mòn bề mặt. Còn
Nguyễn Linh Khiếu, sinh năm Kỷ Hợi, mệnh Bình địa mộc (平他木 – cây đồng
bằng), bởi vậy dường như ý tượng của mệnh Mộc đã biểu đạt trên hầu hết nhan đề
các tác phẩm của anh (Chùm mơ tiên cảm, Hoa linh, Beijing – Lá phong vàng, Hoa
Linh Thảo) và gốc rễ ẩn tàng ăn sâu phía sau – tình yêu với một loài hoa tượng
trưng mang tên Hoa Linh Thảo.
Nguyễn Linh Khiếu tri giác thu hết mọi ấn tượng thế giới xung
quanh vào bên trong, kết hợp với những xung năng cá nhân, để tự xây lên một căn
tính sáng tạo cho riêng mình. Sự xuất hiện của tính dục ấu thời, vốn kết liên sự
kìm nén của ẩn ức sớm nhất với sự nảy sinh của ảo giác thỏa mãn ham muốn, như
là một hình thức biểu tượng hóa đầu tiên của trải nghiệm thỏa mãn. Trong cùng một
thôi thúc, bản ngã, đối vật và siêu ngã trỗi dậy. Và chúng được biểu đạt qua
tuyên ngôn thơ ca:
”một mình một hành trình
một mình một sáng tạo
một mình một thi ca
một mình một thế giới
một mình
ta
một mình
không
(Hoa Linh Thảo, tr. 40)
Một mình để sáng tạo đã là một chân lý. Nguyễn Linh Khiếu
không ngại ngùng thừa nhận ảnh hưởng sâu sắc của đại thi hào Mỹ Walt Whitman,
người được Ezra Pound phong chính là nước Mỹ, trong não trạng sáng tác của
mình (Walt Whitman lúc nào cũng ở trong tâm trí ta/đó là nhà thơ có quá
nhiều năng lượng/ nhà thơ truyền cảm hứng sáng tạo vô cùng bất tận – Hoa
Linh Thảo, tr. 268). Khi đặt song song thi ngôn trên của Nguyễn Linh Khiếu với
khổ thơ sau đây của Walt Whitman, không thể không thấy những sắc thái tương đồng,
từ bản ngã định vị hướng tâm cho tới một ái lực đối với cỏ cây:
I celebrate myself, and sing myself,
And what I assume you shall assume,
For every atom belonging to me as good belongs to you.
I loafe and invite my soul,
I lean and loafe at my ease observing a spear of summer
grass.
Tôi ca tụng bản thân, tôi tự hát
Những gì tôi giả định bạn sẽ thừa nhận,
Bởi mọi nguyên tử thuộc về tôi cũng thuộc về bạn vậy.
Tôi lãng du và mời gọi linh hồn mình,
Tôi nhởn nhơ cúi nhìn ngọn cỏ mùa hè.
(Walt Whitman, Song of Myself/ Bài ca chính tôi, 1892)
Khi bản ngã được xác lập và khẳng định, ta tiếp cận đơn
nguyên thứ hai trong thơ của Nguyễn Linh Khiếu mang tên nhục dục:
trước linh thiêng vị thần tình yêu
ta chợt hiểu nguyên lý sinh tồn của xứ sở này khởi thủy là nhục
dục
khởi thủy là bản năng
khởi thủy là tình dục
[…]
từ ái ân đến yêu đương là bản chất sinh tồn
ái ân là lẽ tự nhiên tiên thiên hòa thuận (Phồn sinh,
tr. 546)
Chẳng phải nhục dục là tác nhân không thể thiếu của sự sinh
sôi nảy nở và tín ngưỡng đi cùng nó? Trong những nền văn minh nông nghiệp cổ
xưa, việc kết phối âm dương và thậm chí cuộc truy hoan tập thể hoàn toàn hợp lẽ
đối với sự phồn sinh của cây cỏ. Cơ chế của việc giao hoan, nhìn từ sinh lý học,
nằm ở não bộ tiết ra Dopamine nhưng có Oxytocin tiết ra kèm, nhằm giảm và dung
hòa nồng độ chất dẫn truyền thần kinh. Lúc này Dopamine không “chọc lủng” màng
thẩm thấu trong quá trình khử cực tế bào của đầu điểm tiếp hợp thần kinh
(Synapse) khiến dẫn đến thất thoát các chất dẫn thần kinh khác như
Acetylcholine. Khi Acetylcholine thất thoát thì phản ứng đầu tiên con người hay
gặp là đau lưng và trí nhớ kém, suy nghĩ bị chậm không liền mạch, khó tập
trung. Nghĩa là con người không hòa hợp âm dương cũng là không tận hưởng món
quà của tự nhiên, chống lại sự phồn sinh, đồng nghĩa với việc đánh mất khả năng
sinh sản, xơ cứng và thoái triển, là trái với lẽ tự nhiên. Sự khoái cảm khi
giao hoan, thoạt kỳ thủy, là tính thứ hai, tức là chất xúc tác kích thích và
“phần thưởng” của hoạt động tính giao duy trì nòi giống, thay vì là đích đến thứ
nhất, thứ nghệ thuật thỏa mãn nhu cầu cá nhân như ở quan niệm văn minh hiện đại.
Nếu chỉ nhìn và đánh giá thơ Nguyễn Linh Khiếu từ quan điểm đề cao hưởng lạc,
thỏa mãn dục tính, con đực ưu trội, sẽ dễ có khuynh hướng đánh giá thiển cận rằng
thơ Nguyễn Linh Khiếu chỉ là nhục dục thuần túy và tư dục vị kỷ, còn ngôn ngữ
thơ thì dung tục. Nhưng nhục dục này, không phải là tư dục, mà là nhục dục hướng
tới truyền giống, hướng tới sự sống, hướng đến tri dục.
Triết gia Đức Arthur Schopenhauer sinh thời có ngoại hình xấu
xí, từng bị cự tuyệt tình cảm và đầy những khao khát không được thỏa mãn. Càng
tìm hiểu sâu, ta càng nhận ra tại sao ông xứng danh là một trong những nhà triết
bi quan chủ nghĩa vĩ đại nhất. Trọng tâm biện bác chính của Schopenhauer là
tình yêu và các mối quan hệ – và cách chúng khiến chúng ta trở nên không hạnh
phúc sâu sắc. Trong tiểu luận Siêu hình học về tình yêu tính dục (Metaphysik
der Geschlechtsliebe) công bố năm 1818 của mình, Schopenhauer viết rằng “người
ta không thể nghi ngờ thực tế hoặc tầm quan trọng của tình yêu,” chỉ để gọi mục
đích chính của tình yêu là tạo ra con cái, vốn dĩ là một biểu hiện của “ý chí sống”
(Wille zum Leben), một trong những khái niệm triết học ông quan tâm nhất. Tri dục
trong thơ Nguyễn Linh Khiếu, cũng là một biểu hiện của ý chí sống, khát vọng bảo
vệ sự sống và những giá trị khiến cho sự tồn tại trở nên có ý nghĩa, cho toàn
xã hội và toàn nhân loại. Những giá trị cao nhất của tồn tại người cần được bảo
vệ, đó là tự do (tự do là bản chất sinh tồn muôn loài trú ngụ – Phồn sinh,
tr. 54; không có tự do nghĩa là không có con người/ con người là những
hình nhân ảo ảnh đung đưa ngọ nguậy – Phồn sinh, tr. 57), dân chủ (dân chủ
là hồn vía của muôn loài/ dân chủ là sức sống của vạn vật – Phồn sinh, tr.
69) và sự thật (sự thật là một hiện hữu – Phồn sinh, tr. 86). Một khi những giá
trị này bị xâm phạm, đó là tội ác vi phạm và chống lại sự sống thiêng liêng.
Schopenhauer từng viết: “Đối với những ai mà ý chí đã từ chối và tự phủ nhận
chính nó, thì thế giới chân thực này của chúng ta, với các mặt trời và thiên
hà, chẳng là gì cả” (Thế giới như là ý chí và biểu tượng/ Die Welt als Wille
und Vorstellung, tập I). Dù vô tình hay hữu ý, triết gia – thi nhân đã phải
phóng chiếu một hình tượng anh hùng đấu tranh cho nhân bản, giải phóng và phục
hồi các giá trị, với tư cách là giáo chủ phồn sinh. Nhiều phân tích cho rằng
Nguyễn Linh Khiếu tự phong mình là giáo chủ phồn sinh, điều dễ gây lầm tưởng rằng
anh ngạo mạn, mà quên đi rằng ngay sau đó nhà thơ viết “mỗi sinh linh là một
giáo chủ của mình và của tất cả không thể thay thế” (Phồn sinh, tr. 707). Mỗi
con người ham sống đều có ý chí tồn tại riêng và nắm giữ chìa khóa vận mệnh của
riêng mình, đó mới đích thực là điều triết thuyết phồn sinh hướng tới.
mảnh đất nào cũng sản sinh ra nhà thơ của mình
chỉ những nhà thơ của những dòng sông của những miền châu thổ
của những đất đai mỡ màu của làng mạc phì nhiêu của con người nhiệt đới chín mẩy
căng mọng cồn cào nhục dục mới thực thụ là thi sĩ Phồn sinh (Hoa Linh Thảo,
tr. 279)
Thay lời kết, tôi thấy rằng Nguyễn Linh Khiếu xứng đáng với
danh xưng “nhà thơ của xứ sở châu thổ Sông Hồng,” chủ thể phát ngôn của Phồn
sinh – thứ triết học linh thiêng của sự sống bất diệt.
17/2/2023
Phạm Minh Quân
Theo https://vanvn.vn/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét