Thứ Hai, 25 tháng 11, 2024

 

“Xác thịt vô cảm” của Attila F Balázs: Khóc không nước mắt

Đọc Attila F Baláz thật khó, nhưng rồi như người bám theo một chiếc xe giữa xa lộ mịt mùng, tôi cố gắng bám theo từng chuyển động của chiếc xe. Có lúc chỉ phán đoán chắc là nó đấy, và cảm giác chỉ lơ là chút thôi, chiếc xe kia sẽ mất hút.

Có vẻ như đây là quá trình đơn độc đi tìm dấu ấn cá nhân của Attila F Balázs. Tuy nhiên, hình như quá trình đó được bắt đầu bằng sự ám ảnh của cá nhân ông: ta là ai, từ đâu đến, sự tồn tại của sự vật, hiện tượng, ý nghĩa thực sự của cuộc sống này là gì.??? ám ảnh bởi sự hỗn độn giữa hiện thực và siêu thực, giữa ý thức và vô thức, các lý thuyết, các phép biện chứng:

những câu hỏi xuất hiện treo trước mắt chúng ta

trong mỗi tế bào bị nỗi nghi ngờ bóp nghẹt

những bóng đêm nỗi sợ sự kiếm tìm sẽ đến

tôi đang tồn tại ư? tôi là ai vậy?

những khả năng riêng lẻ đối lập nhau những cuộc chơi

anh chẳng thể tiêu hóa nổi mình nữa…

…anh bắt đầu đi tìm (bao nhiêu lần rồi?)

khuôn mặt thật của anh

đằng sau biết bao lớp mặt nạ

để chồng lên nhau

cái nhìn của hư vô nhằm vào anh dính chặt…

(Màn độc thoại của một diễn viên)

Trên con đường tìm kiếm dấu ấn cá nhân, tác giả đã tích lũy và trải nghiệm sâu sắc. Thiện ác, tình yêu, nỗi đau, dục vọng… tất cả để làm gì? câu hỏi đó luôn ám ảnh ông, và nhà thơ luôn trở về trạng thái cô đơn, vô cảm, thậm chí giữa đám đông. Mọi sự vật hiện tượng vẫn thế, cho dù ta có tồn tại hay không, hóa ra chỉ có ta động lòng, ta đau khổ dằn vặt:

Sa mạc trắng rợn người – trang giấy

những ụ chữ

trong sự biến đổi bao đời vẫn vậy…

(Sa mạc trắng rợn người).

..anh dạo chơi giữa những bóng người…

tôi ngắm mình và phát hiện ra điều lạ lùng

loài hai chân…tôi lê chân và ấn tượng bởi điều kỳ diệu

trong tôi những đám đông thầm lặng xếp hàng dài

sự im lặng của họ là một tiếng thét trong sự ồn ào câm lặng..

(Những thanh bê tông)

tôi thở theo bản năng từ rất lâu

rồi một ngày ý thức hơn…

trong khi vượt qua ranh giới của sự tu luyện khổ hạnh

đôi khi bằng cách quấn

những sợi dây rối mù của sự động lòng thương chính bản thân mình…

(Hòn sỏi ném đi mang theo hơi ấm tay người).

Những ám ảnh, đau khổ, dằn vặt thường xuyên dẫn tới  sự vô cảm. Nhà thơ ngạc nhiên không hiểu “cái van” nào đã ngắt mọi cảm xúc của anh:

bộ mặt vô cảm mắt lạnh tanh

bởi cái van an toàn nào

để cảm giác căng thẳng của anh tan biến được?…

Và có lúc phải tự gây ra vết thương để tìm lại cảm giác từ đau đớn đến lành lặn:

anh lấy chân di vào đám cỏ

ngắm những dấu vết mình để lại

những nhành cỏ ngày mai lại đứng thẳng dậy…

(Màn độc thoại của một diễn viên).

Thơ ông là sự phức điệu của giọng và đa nghĩa của từ. Là sự kết nối rất tự nhiên giữa thơ, triết học và niềm tin tôn giáo:

Ai đã từng ở trong vòng xoáy

đều hiểu rằng đi tới

cũng chính là trở về…

(Hắc thần)

điểm khởi đầu

 những con đường phân nhánh

 rồi sẽ gặp lại điểm kêt thúc của mình…

 …

Sự khởi đầu đã có trong sự kết thúc cho nên

hy vọng

lại bật lên đâm chồi

trong mỗi sự kết thúc bất tận…

(Những thanh bê tông)

anh tìm em

để lao vào sự dịu dàng thẳm sâu nơi em

trong một cái chết mới

rồi hy vọng tràn trề về sự phục sinh…

(Xe điện trật bánh)

Có cảm giác thơ ông luôn bật ra một cách bột phát các tứ, các từ mới và thuần hóa nó một cách dễ dàng. Cấu trúc của khá nhiều bài thơ tưởng như lỏng lẻo bởi sự chuyển điệu đột ngột của tứ, của thi ảnh, nhưng lại gắn kết vô hình vào nhau bởi một chất keo dính trực giác và bằng sợi dây rối mù của sự động lòng thương chính bản thân mình.

A group of books on a brown surface

Description automatically generated

Nhà thơ hiểu rằng đi tới cũng chính là trở về, gió vẫn muôn đời thong dong, rễ cây vẫn hồn nhiên đâm lên từ vết nứt, chỉ có trái tim là đau khổ:

…chỉ có trái tim là thứ

đập theo một nhịp điệu khác

chỉ có giấc mơ là bị mất

con đường đi anh không thấy nữa

trong khát vọng kiếm tìm…

Và thật đau đớn khi không còn được là chính mình:

anh nhẫn nhục giơ tay

cho vị hắc thần

người đã lấy của anh dấu vân tay

giữa sa mạc.

(Hắc thần)

Nhưng qua những bài thơ ông viết, ta thấy tâm hồn ông đã vượt thoát ranh giới của sự vô cảm để đến độ đau như không đau, như là khóc không nước mắt.

Trong sự bất lực tìm kiếm dấu ấn – dấu vết cá nhân, có cảm giác ông thương xuyên bị ám ảnh tìm cách diễn đạt mới thông qua các thi ảnh, ngôn từ. Ông lộn trái mình, phân thân, hóa thân vào cộng đồng, vào mọi sự vật hiện tượng để lắng nghe. Thơ ông như mạch nguồn len lỏi các ngọn cây, thấm xuống rễ, thì thầm từ góc này sang lối khác, lúc se sẽ bên hạt mầm:

anh có cảm nhận được sự cựa quậy của rễ

ở hạt giống trong lòng bàn tay anh

tiếng chim cất cánh bay

với bộ lông không trọng lượng…

Lúc thất thần bên chiếc ghế trống

chiếc ghế trống/ nhìn tôi trong lòng trắng cặp mắt…

Như mộng du bên chiếc cối xay rỗng:

cái cối xay quay rỗng không…

những chữ rơi xuống tờ giấy trắng…

tôi sắp xếp những từ ngữ

chúng nóng rẫy trên giấy

những vết bỏng

Như thấy miệng mình là một cánh bướm   

một cánh bướm lên

từ miệng anh …

rồi đậu trên em

và hút…

trọn vẻ đẹp của em..

Và lúc muốn trở thành một số phận dân Palestine:

tôi cũng thế

lẽ ra đã là một người dân thành xa ma ri…

Lộn trái cả thế giới thực và ảo để xoay ngắm nó ở mọi góc độ, nhiều trạng thái, trạng huống, cảnh huống:

Thế giới – sớm mai này vẫn thế…

những nhà báo đang uống cà phê…

trong sự say sưa của họ những cây đèn

phủ trên mình những chiếc lá và thảm hoa

phủ chiếc quan tài bê tông chôn trong đất

(Thế giới- sớm mai này vẫn thế).

Một thế giới hỗn độn như phép thống kê trong bài Xác thịt vô cảm – tên của tập thơ:

bất cứ xung động nào cũng âm u

những con số thần diệu

chiếm chỗ

trong chuỗi di truyền

chuyển động

nhịp nhàng uyển chuyển

cát

huyết tố cầu

đám đông sổ lồng

cử động

nước mắt

khát vọng

chúa

bước chân ngọn gió

hừng đông

trưa

tối

thất bại

nếp nhăn

trò chơi

lũ trẻ bụi đời

những giới hạn

chứng tăng huyết áp

rác thải

nước hoa

ma túy

hai vầng nhật nguyệt

ngọc

vỏ sò

và tảo giạt trên bờ biển

còn mãi bất an còn mãi

sách

giấc mơ

âm nhạc

những viên pin

đổi thay

trở về

ra đi

xác thịt vô cảm

vương quốc đang ruỗng mục

chúa đã dừng chân…

Trong Vết đen bầu trời:

tôi nhìn vết đen trên bầu trời…

có thể là con dấu chết chóc đã bị niêm phong…

Và trong bài Trò chơi ghép hình:

chúng ta đang thứ hai hay thứ sáu?…

tôi gom tay, chân của tôi trong nhà tắm

trong phòng ngủ và trong bếp…

rồi tôi sắp lại như trong trò chơi ghép hình…

tôi lướt vội trên internet hay trên tờ nhật báo

để biết mình hôm nay đã rơi vào thế giới nào

và để còn biết lần theo dấu vết nào trên sa mạc…

Các bài thơ của ông luôn có các diễn đạt mới mẻ, đem lại hiệu quả thẩm mỹ hoặc một thông điệp bất ngờ:

và thế là họ đã đến

lấy những chiếc chuông

để đúc thành đại bác

rồi thì họ đã mang đến

những chiếc chuông làm từ đại bác

trong những gác chuông lặng câm

và họ vẫn còn trở lại

lấy những chiếc chuông đi

rồi thì họ quên

đúc lại những chiếc chuông đó

(Lịch sử).

Cũng là một vòng đời của sự vật, hiện tượng mà sức khái quát rất cao, đa tầng, đa nghĩa. Một đẳng cấp thơ.

…thời gian treo

trên chiếc kim bị uốn cong

người đeo chùm chìa khóa đóng tấm lưới sắt

ánh sáng lọt qua thành những vạch dài

cái đẹp tràn ra qua kẽ hở

và ảnh hình đọng lại trên võng mạc

(Săn cái đẹp).

Hình ảnh người cai ngục đeo chùm chìa khóa đóng tấm lưới sắt cực kỳ ám ảnh. Phía sau tấm lưới sắt là gì, phía sau cái đẹp là gì? thật khủng khiếp. Săn cái đẹp hay là một thông điệp cảnh báo nguy cơ của cái ác, và cần săn đuổi cái ác.

..Những bóng ma mũi lòng thòng từ từ diễu qua

trong dòng chảy của thời gian loang loãng

trong máu những cây cúc vàng….

(Những thanh bê tông)

…Những chữ của anh nện mạnh

trên ngưỡng cửa của cảm xúc chai lỳ

như những con sâu

bò trên tấm kính chắn gió của xe…

(Rạng đông say rượu giăng lưới).

Cách ông diễn đạt về tình yêu thật đặc biệt. Có cảm giác mỗi câu mỗi chữ về tình yêu trong thơ ông đều đẹp đến phát khóc và thiêng liêng như một nghi lễ:

em hiện ra từ dưới lớp da tôi

làn da sẫm màu của em mát rượi

đẫm ướt…

(Managua).

Có những câu thơ tưởng giản dị mà làm chấn thương người đọc:

những cái vuốt ve đọng lại

trên da em

em cố đoán định

cuộc sống

của đứa con em đã không được sinh ra…

(Rồi thì anh đã quay lại nhìn).

khi áo quần của em

như một cơn mưa đột ngột

rơi xuống sàn lạnh

rồi như một con chim cu gãy cánh

nịt vú của em cũng rớt xuống bên cạnh.

Nịt vú rơi như một con chim cu gãy cánh – tuyệt hay.

em đã để mặc anh cởi nốt

chiếc quần lót…

những ngón tay run lên

như thể anh tìm cách

bóc tuột da em…

sự vuốt ve của em đã mang đến giấc ngủ

cho đứa bé con đang khóc trong anh…

em ôm ghì anh

như hạt tách ra khỏi lớp cùi của trái cây…

như máu chảy ngoài thân thể…

như sự xiết chặt từ từ của loài trăn Nam Mỹ

(Hòn sỏi ném đi mang theo hơi ấm tay người).

Ở một vài bài khác, có thể lại là một các diễn đạt mang một thông điệp dị biệt:

con nhện giãy giụa

trong mạng nhện

đá hoa nứt rạn

bông hoa ẩn trong nụ

những viên sỏi trơ lì ở suối

những chiếc gương của sự nói dối vĩnh cửu

những nhành lá say sưa

những mai kia nuôi bằng các giấc mơ

nhũng cái sọ nhồi nhét

những ý tưởng vay mượn ở các nhà thơ tư tưởng đại chúng

những từ thành di sản

những ảo mộng xếp đầy ngăn kéo….

số phận chúng ta là một kết cục

nhưng chúng ta sẽ sống sót ở trong cơn giông tố bình yên này (Những số phận). Những giãy giụa, những dối trá, những, những…cũng cần thiết và có số phận của nó. Đó là một trong những lý do tồn tại của con người. Thiếu nó, chưa chắc đã yên bình. Nó được và cần liều lượng hợp lý để tồn tại.

Hình ảnh cuối cùng

một hơi thở lắng lại khuôn mặt em

em thương tật một bàn tay đã mất….

tôi biết

quyền lực cần phải được tạo ra

rằng bản thân nó tự tạo:tôi không hề tin điều đó

cột thủy ngân dưới 20 độ âm

khi trên một trong những cây nến trên ô của kính

giọt nến đầu tiên run rẩy chạy dài…

những chiếc chân răng đã tạo nên cơ thể

em héo hắt đi – em lại mở lòng

bởi vì anh không thể canh giữ em

và chỉ có thể đánh mất chính mình

(Nolitanies)

Ngôn ngữ trong “người độc thân” này thực sự như một trò chơi trong lĩnh vực chuyên môn (hóa sinh chẳng hạn). Quyền lực phải được kiểm soát, như thủy ngân có thể vô hại dưới 20 độ âm. Tế bào gốc bên trong những chiếc răng sữa có thể cho em tái sinh nhưng anh cũng không thể canh giữ em, vì khi anh canh giữ em là anh đã đánh mất chính mình.

Một bài thơ khác, sau khi đọc ta cảm thấy thú vị bởi hình như không gian sống, thói quen sáng  tác của ông khá giống với không ít nhà văn, nhà thơ khác. Một căn phòng với vô số những đồ lặt vặt hỗn độn cùng sách và các cuốn sổ chi chép, nhưng lại rất ngăn nắp đối với ông:

tôi yêu sự mất trật tự của tôi

và không tha kẻ nào dám phá

tôi đã cho thôi một người giúp việc

chỉ vì cô ta đã tự tiện sắp xếp lại căn phòng của tôi…

Attila F.Baláz thật khó gần, mới đọc ông, tôi nghĩ tới câu nói của Salvador Dali “..sao bạn cứ muốn hiểu tranh của tôi, trong khi chính tôi, người sáng tạo ra chúng cũng không hiểu…”

Nhưng giờ thì tôi có cảm giác như đã bám theo được chiếc xe của ông về căn phòng ông đang sống. Thấy vầng trán nhà thơ đầy nếp nhăn. Những con bướm xanh/ bay lên từ mắt anh/trên bầu trời ướt đẫm sau tán lá…

22/12/2019

Trần Hùng

Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...