Thứ Hai, 25 tháng 11, 2024

Tản mạn chuyện ngày qua

Tản mạn chuyện ngày qua

Mới chỉ có mấy chục năm mà ở cái làng cỏn con heo hút của tôi biết bao thăng trầm biến động, nhưng vẫn ngạo nghễ giữa đất trời mà khẳng định mình.
Tôi được về báo Văn Nghệ làm việc, cuộc đời cho tôi một may mắn nhưng có lẽ một phần cũng là do tôi dám hết mình cho một niềm đam mê…
Vào một buổi chiều vắng vẻ, tôi đang ngồi một mình trong Ban Văn. Bỗng ngửi thấy mùi thuốc lá, một loại thuốc lá lâu lắm rồi không thấy ai hút cả, tôi chạy ra ngoài, chẳng có ai. Hành lang phía đối diện, trong ánh nắng xiên khoai qua đan chiếu sáng tòa nhà mơ hồ có một làn khói thuốc xanh mờ phảng phất. Tôi ngồi đợi, một lúc lâu sau có một người xuất hiện. Đó là nhà văn Đỗ Chu, ông có việc gì đó với Tổng Biên tập. Tôi đi ra, hỏi: Hình như bác vừa hút thuốc Captain Black. Đỗ Chu đưa ra cái tẩu và hỏi lại: Chú biết loại thuốc này à?… Rồi Đỗ Chu vào phòng tôi. Hôm đó ông kể cho tôi nghe rất nhiều chuyện về thuốc và tẩu thuốc.
Nhà văn Đỗ Chu bảo: Tẩu thuốc có nhiều loại và có nhiều kiểu dáng. Tùy theo ý thích và tuổi tác mà người ta có thể chọn cho mình một cái thích hợp. Song dù là gì đi nữa thì nõ tẩu (chỗ để nhồi thuốc) đều được khoét duy nhất bằng một loại gỗ, đó là gỗ mận. Đây là một loài cây mọc ở bờ biển Bồ Đào Nha, trên thế giới duy nhất vùng đất này có loại gỗ làm nên những chiếc tẩu, đóng góp vào “văn hóa thuốc lá”… Phần thân tẩu được chế tạo bằng rất nhiều chất liệu, cái làm bằng xương, bằng sừng. Có cái bằng ngà voi (khi voi rừng chưa bị liệt vào động vật quý hiếm). Sau này công nghệ phát triển, cán tẩu được chế tạo bằng nhựa cứng đẹp và cũng rất bền. Với những cái tẩu được sản xuất gần đây, thân tẩu có thể tháo ra cho một cái lọc khói như cái đầu lọc ở thuốc lá điếu, hút xong vứt bỏ rồi vệ sinh sạch sẽ, không bị mùi. Thuốc lá hút tẩu cũng có rất nhiều loại, tùy theo “gu” nặng, nhẹ và mùi vị mà người hút chọn cho mình một loại phù hợp…
Nhà văn Đỗ Chu đưa cái tẩu ông đang dùng cho tôi xem. Tôi vô cùng ngạc nhiên, cái tẩu của ông bằng đá. Chẳng biết nó bằng đá gì, lúc ấy nhà văn nói nhưng do bị cuốn vào cái đẹp bất ngờ mà tôi không còn nhớ nữa. Cho đến hôm nay, cảm giác vẫn còn nằng nặng trong tay khi cầm cái tẩu lạ lùng ấy. Đó là một loại đá xanh biếc có muôn ngàn những chấm nhỏ lấp lánh như “vàng mười” được giát lì vào. Nhà văn bảo, ở nhà còn có một cái giá cũng bằng loại đá này như một cái bệ vững chãi, khi dùng xong để cái tẩu vào đấy. Tôi cảm thấy sự trịnh trọng của cái thú chơi như các võ sỹ đạo gác thanh gươm của mình trong nhà… Có điều dùng cái tẩu này phải hết sức cẩn thận, nếu đánh rơi là gãy hoặc vỡ! Sau này ai đó bảo: Tẩu và thuốc lá, Đỗ Chu cứ thoải mái dùng, ông có nguồn tài trợ từ Anh quốc. Đó là một “bà bạn” từ thủa hai người còn trẻ cho đến tận bây giờ, trên đầu đã hai thứ tóc vẫn gửi đều đều cho nhà văn… “chơi”!
Sinh thời bố tôi nghiện thuốc lá, ông hút cho đến khi chỉ còn một tuần nữa thì từ giã cõi đời (thọ tám mươi tuổi) mới thôi. Bố tôi kể: Tốt nghiệp xong bố tôi ra Đồ Sơn (Hải Phòng) làm đại diện cho công ty nấu rượu Đông Pháp, văn phòng thuê tại khách sạn Vạn Hoa của một chủ người Tàu. Hiện nay cái khách sạn đó vẫn còn, nghe nói sau “mở cửa” con cháu của người chủ cũ xin thuê lại để kinh doanh. Năm bảy mươi tuổi, bố tôi được cơ quan cũ đài thọ cho đi nghỉ một chuyến ngoài Đồ Sơn, thật vô tình ông lại nghỉ đúng cái nơi thủa đầu đời ông đã từng làm việc, cũng từ đây ông tham gia vào cuộc kháng chiến chống Pháp trường kỳ của dân tộc…
Ngày ấy có ai biết thuốc lá độc hại đâu, hút thuốc lá còn là một đẳng cấp vì phần đông người nghiện nước ta hút thuốc lào. Chẳng biết từ ai mà… tào phào coi rượu (nút lá chuối) là quốc túy, thuốc lào là quốc hồn. Lúc đầu bố tôi không hút thuốc mà chỉ ngửi khói thuốc. Ông bảo: Đốt thuốc lá Mê-li-a (hiệu con đầm) rồi mở nước hoa Cô-lô-nhơ trong phòng để thưởng thức hai mùi ấy… quện vào nhau. Tôi chưa thấy ai làm thế và cũng không có điều kiện để thử nhưng chắc phải thú vị lắm nên bố tôi đã nghiện như thế mấy năm trời.
Sau khi lên chiến khu chẳng còn thuốc lá mà hút (suốt đời bố tôi không bao giờ hút thuốc lào, từ điếu bát đến điếu cày ngay cả những lúc khan hiếm nhất), bố tôi và một người lính Pháp hàng binh đã trồng thuốc lá bên bờ suối rồi phơi lên mặt tảng đá để hút. Ông bảo đã từng gọt một cái tẩu từ một gốc trúc già, dùng không kém gì tẩu của Tây. Sau khi chia tay, bố tôi đã tặng lại cái tẩu này cho người Tây hàng binh.
Sau hòa bình lập lại, bố tôi trở thành công chức chính quyền của một thị xã nhỏ miền thượng du. Suốt một thời kỳ dài, có lẽ điều khổ sở nhất với ông là không đủ thuốc lá để hút, mà ông không bao giờ hút thuốc lào. Tiêu chuẩn hàng tháng được phân mấy bao thuốc Trường Sơn, Tam Đảo (tên một số loại thuốc thời chiến tranh, bao cấp…) không bao giờ là đủ. Mẹ tôi chẳng biết nghĩ ngợi thế nào, đến các lò sấy (sơ chế) thuốc lá, quét tất cả những thứ vụn vặt, cọng cuống hợp tác xã bỏ đi… nhét vào bao tải mang về. Bố tôi cho ra sân nắng phơi, đợi đến lúc khô ròn, rũ bỏ những thứ không cần thiết. Sản phẩm ông thu được là những mảnh vụn lẳn mẳn như lá cây đu đủ già vỏ nhàu. Thế rồi giấy pơ-luya, giấy báo… bốc một nhúm thuốc “tự sản” vào đó. Ông dùng ngón cái và ngón chỏ xoay một phát… rất điệu nghệ ra một “tổ sâu”. Bố tôi cho lên mép đảo lưỡi một cái, điếu thuốc từ mép bên này chạy sang mép bên kia… như một tài tử xi-nê thực thụ.
Bố tôi đốt thuốc, mùi khét lẹt bay khắp nhà. Ông nằm vắt chân “chữ ngũ” ra chiều thú vị lắm. Thế rồi một tiếng “toách” của hai ngón tay búng vang lên, cái “tổ sâu” (đã thấm nước bọt) bay vèo đi và dính ngay vào cột nhà. Nửa tháng sau, cái cột trong nhà xù lên một loạt gai xỉn màu. Tôi rất sợ bởi cứ nghĩ một đàn sâu sắp cắn tổ bò ra… Cũng may, cái cột ở chỗ khuất nên ít người nhìn thấy.
Cứ như thế cho đến một ngày nào đó không còn gì để hút, bố tôi rải tờ báo ra chân cột, hai tay ông vuốt xuôi những cái “tổ sâu” xuống rồi tẩn mẩn xé vụn ra lấy “thuốc” hút lại. Không cuốn vào giấy nữa, lần “sái” này bố tôi nhồi thuốc vào một cái tẩu. Nắm cái “ống vố” trong lòng tay, bố tôi đưa lên miệng “bập, bập”, nhưng lúc ấy tôi thấy người rất phong độ… Có một điều kỳ lạ là cả đời không thấy bố tôi phàn nàn gì cả. Hình như suốt cả cuộc đời ông rất yên tâm về con đường mà mình đã chọn!
Sau giải phóng miền Nam (1975) anh tôi mang từ Sài Gòn về nhà một gói thuốc Captain Black 100gr. Bố tôi bảo: Ở đâu ra mà xa xỉ thế này, mấy chục năm nay lại mới nhìn thấy! Rồi lấy cái tẩu ra. Từ tốn ông nhồi thuốc. Lần đầu tiên tôi ngửi thấy mùi thuốc lá kỳ lạ như vậy…
Nhà văn Đỗ Chu với mùi thuốc lá ông vừa hút gợi lại cho tôi cả một thời kỳ còn sống của bố tôi. Đó là mùi va ni, mùi bơ, mùi sô cô la, mùi ca cao, mùi cà phê… nhưng chủ đạo vẫn là mùi thuốc lá. Khi thuốc lá còn chưa bị phát hiện là một thứ độc hại, thuốc lá vẫn được hút ở chỗ đông người, tổng hợp những mùi này ám vào tóc, vào váy áo các quý bà, quý cô… thơm phưng phức. Phải chăng, đó cũng là một thú chơi một thời và đến hôm nay vẫn rất hợp với “phong cách nhà văn Đỗ Chu”!
Cuối tuần đó tôi về nhà, mân mê cái tẩu thuốc của bố để lại. Cái tẩu thuốc này rất đặc biệt, phần nõ tẩu được bọc da phía ngoài. Chẳng biết da gì nhưng được thuộc rất kỹ, một số chỗ đã bị cháy lỗ chỗ nhưng cái “dấu chín” đóng lên đó vẫn còn rõ tên hãng sản xuất… Đã bao nhiêu thuốc lá đi qua cái nõ tẩu này mà nó vẫn còn như nguyên vẹn. Chẳng biết cái loài mận mọc ở bờ biển Bồ Đào Nha có giống cây mận ở ta không? Song, tôi chắc chắn rằng, ở cái bờ biển sừng sững đá dựng, với hàng triệu năm sóng biển Đại Tây Dương ầm ầm gào thét xô bờ, loài cây đó quằn quại sống và nó đã dâng hiến thân mình cho một cái thú chơi của con người vô cùng độc đáo. Từ hôm đó, nhà văn Đỗ Chu cho tôi thêm hiểu biết về một thứ “văn hóa”. Sau hôm ấy, những buổi trưa tôi hay đi theo nhà văn Đỗ Chu, ông thường hút thuốc lào và uống chè chén ở các quán vỉa hè Hà Nội. Gần ông, tôi nhận ra một kho kiến thức, ông biết rất nhiều, những điều mà không ai cũng có thể biết được…
Nhà văn Đỗ Chu cùng với Phan Kế Hoàng (cháu nội cụ Phan Kế Toại) về làng tôi chơi (làng Mông Phụ, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội). Ở làng, chi họ Phan nhà cụ Toại còn giữ được một ngôi nhà do cụ Tuần phủ Phan Kế Tiến (thân phụ của cụ Toại) xây dựng. Hiện ngôi nhà được họa sỹ Phan Kế An và gia đình làm thành một bảo tàng lưu giữ hiện vật và hình ảnh về cuộc đời hoạt động của cụ Phan Kế Toại.
Góc sân quê
Mồng 2.9 năm ấy, trong số báo đặc biệt kỷ niệm ngày Quốc khánh, trên trang nhất, báo Văn Nghệ trang trọng in một bài bút ký của nhà văn Đỗ Chu. Đọc bài viết tôi cứ thon thót giật mình. Chi tiết ấn tượng nhất trong bài ký là cuộc họp Hội đồng Chính phủ trên chiến khu Việt Bắc, sau khi kết thúc hội nghị, cụ Toại (lúc bấy giờ là Bộ trưởng Bộ Nội vụ) gặp cụ Hồ, nói: Quà của bà nhà tôi gửi biếu cụ! Cụ Toại trao cho cụ Hồ một cái gói được bọc cẩn thận bằng giấy báo… Năm sau, cũng tình cờ vào đúng khoảng thời gian ấy, sau khi họp xong, cụ Hồ đến bên cụ Toại (bằng tiếng Pháp) bảo: Cụ bà nhà ta có được khỏe không ạ? Cho tôi gửi lời cảm ơn! Lại sắp đến tháng mười rồi đấy… Cụ Hồ cảm ơn và nhắc cụ Toại “sắp đến tháng mười” là ý muốn nói đến “gói quà” năm ngoái. Năm ngoái cụ Toại gửi biếu cụ Hồ món quà đơn giản chỉ là một cái chân giò lợn đã được luộc chín rồi mang ngâm tương!
Ôi cái chum tương làng tôi, đã bao nhiêu năm nay nó gắn liền với cuộc đời nông phu, một năm hai vụ bốn mùa nhọc nhằn mưa nắng. Cái chum tương để ở góc sân như cái tủ lạnh trong nhà, nơi lưu giữ quả cà giã vụ của cơm cấy, cơm cày, nơi cất giữ xâu thịt còn lại sau ngày giỗ, chạp… Suốt cả tuổi thơ tôi cho đến tận bây giờ vẫn ngọt đằm trong tiềm thức vị cà dầm tương. Cà muối xổi phải xé bằng tay mới ngon. Cà dầm tương phải cắt bằng dao mới đẹp. Nhìn những miếng cà đỏ au như hổ phách trong lòng đĩa sứ, ai đã một lần thưởng thức mới thấu hiểu câu thơ của Thanh Tịnh:
…“Anh đi anh nhớ quê nhà
Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương”…
Sau này sống với nghề làm tương, cái nghề với tôi “mọn” nhưng không “hèn”, vậy mà không làm nổi cái món ăn tưởng chừng như đơn giản ấy… Chân giò lợn sau khi đã luộc chín, để nguyên cả cái, cứ thế thả vào chum tương. Tương ngả (làm) vào tháng sáu, đến tháng mười cái chân giò lợn ngâm tương mới “chín”. Âm ỉ suốt mấy tháng hè “nắng lửa, mưa rào”, bao nhiêu tinh túy của gạo nếp, đậu tương, muối, tình người và tinh túy của đất trời đã thấm vào thịt lợn. Không phải nấu nướng hay chế biến gì nữa, cứ thế thái ra bày lên đĩa. Vẫn nguyên vẹn là thịt lợn nhưng dứt khoát không phải là thịt kho hay thịt luộc. Gió heo may đâu đó đã hiu hắt thổi trên cánh đồng sau mùa gặt. Trong nhà thóc đã vào bồ, ngoài vườn rơm đã lên cây. Cơm gạo mới với thịt chân giò ngâm tương cũng là phút giây cảm thấy cái xênh xang của đời làm ruộng. Chân giò lợn ngâm tương có lẽ là đặc sản độc đáo có một không hai của làng tôi trên đất nước này. Tôi sống ở quê, sao đến hôm nay phải đợi nhà văn Đỗ Chu mới gọi ra được cái món ăn độc đáo, dân dã và thuần túy thôn làng Việt Nam. Đó là tài năng của nhà văn!
Hôm ấy nhà văn Đỗ Chu vào nhà chơi, tôi không có nhà. Vợ tôi kể lại: Bác Đỗ Chu đi thẳng lên nhà trên, đứng nghiêm nghị ngẩng nhìn bức hoành phi treo ở gian giữa, rồi cất tiếng: Ba chữ này là ba chữ gì, bà giáo (nhà tôi dạy cấp II trường làng)? Thưa bác: Ba chữ này các cụ nhà em để lại là “Cửu tắc trưng” (tạm dịch: Lâu thì nên – thành) ạ! Nhà văn đi một vòng, từ nhà trên xuống nhà dưới rồi ngồi trầm ngâm ở bậc thềm nhìn ra một sân vàng nắng của một ngày cuối thu. Trên sân nhà tôi có hàng trăm cái chum, hai vợ chồng tôi sống bằng nghề làm tương… Nhà văn ngạc nhiên khi nhà tôi cho biết sản lượng tương chúng tôi cung cấp ra thị trường từ 7.000 – 8.000 lít một tháng. Năm này qua năm khác, cũng chỉ có ngần ấy chum… Chẳng biết nghĩ ngợi thế nào nhà văn suy luận ra sự vơi đầy của cuộc sống. Hôm gặp tôi nhà văn bảo: “Cửu tắc trưng” là: Lâu thì nên, thì thành đã đành rồi, nhưng cũng có nghĩa là “chìm thì tất nổi”! Tôi không ngờ Đỗ Chu lại có một cách dịch táo bạo và sáng tạo như thế. Phải chăng, đó là tư duy của một nhà văn và chỉ có nhà văn Đỗ Chu mới có!
Thời gian trôi đi, càng nghĩ lại càng thấy nhà văn Đỗ Chu có lý. Mới chỉ có mấy chục năm mà ở cái làng cỏn con heo hút của tôi biết bao thăng trầm biến động. Không ai có thể ngờ một vị “Khâm sai đại thần” triều Nguyễn lại có thể trở thành Bộ trưởng Bộ Nội vụ của chính phủ Việt Minh. Tôi nhớ lại một hôm nào đó, nhà văn Đỗ Chu cầm bút bi như bút lông đi những đường rất dẻo lên mặt giấy hai chữ thảo: “ngạo sương”. Tôi hiểu ý nhà văn lấy hai từ này ở câu:
…“Cúc ngạo hàn sương phô cốt cách
Nhan khai diệu sắc kháng thâm thu”…
(Lược dịch: Cúc ngạo nghễ với sương lạnh tỏ rõ cốt cách. Hoa nở với sắc đẹp tuyệt diệu để chống lại (cái lạnh) của mùa thu sâu).
Không ngại khó khăn gian khổ vẫn ngạo nghễ giữa đất trời mà khẳng định mình. Lịch sử đã có một giai đoạn như vậy, hết kháng chiến chống Pháp lại chống Mỹ, số phận của mỗi cá nhân gắn liền với vận mệnh dân tộc để viết tiếp những trang hào hùng trong lịch sử chống ngoại xâm của đất nước ta. “Đã đành rằng CỬU TẮC TRƯNG là lâu thì nên, thì thành, song CHÌM THÌ TẤT NỔI cũng là một quy luật của đời sống… Tôi thấm thía với cách dịch này của nhà văn Đỗ Chu!.
1/2/2023
Hà Nguyên Huyến
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...