“Mấy tác giả văn học hiện đại ở Nam bộ - Đôi điều ghi nhận” của Nguyễn Công Lý
Mấy tác giả văn học hiện đại ở Nam Bộ – đôi
điều ghi nhận của PGS.TS. Nguyễn Công Lý[*] khởi sự mang tính ghi và tạm kết bằng
cách nhận với tinh thần cầu thị. Bởi, ông hiểu rằng việc nghiên cứu văn học hiện
đại ở Nam Bộ không thể một sớm một chiều đạt thành. Hiểu rõ, nên nhà nghiên cứu
– nhà giáo họ Nguyễn dù trải qua mấy mươi năm dạy học cũng như làm nghiên cứu
văn học, nhưng vẫn khiêm nhường chọn mấy tác giả và thực lòng, chỉ là Đôi điều
ghi nhận về Văn học hiện đại ở Nam Bộ.
Vậy, PGS.TS. Nguyễn Công Lý đã chọn Mấy tác giả văn học
hiện đại ở Nam Bộ là ai? Và, Đôi điều ghi nhận của ông như thế nào?
1. Phác họa diện mạo, đời sống văn học hiện đại ở Nam Bộ
Bối cảnh lịch sử xã hội và văn học ở Nam Bộ
Người đọc dễ nhận ra, chỉ dấu hình thức và tiêu đề của tập sách khá nhẹ nhàng, hạn chế; song nội dung của tập sách đề cập đến những vấn đề rất rộng lớn, sâu sắc. Thông qua việc phác họa cuộc sống và sự nghiệp của các nhà văn ở Nam Bộ, nhà nghiên cứu Nguyễn Công Lý còn phác họa diện mạo của cả một thời đại lịch sử xã hội. Sinh động nhất, có lẽ là giai đoạn văn học tiền chiến và giai đoạn 1945-1954. Nhiều nhà văn hoạt động trải dài ở cả hai thời kỳ, như: Ca Văn Thỉnh, Nguyễn Vỹ, Phạm Văn Ký, Lý Văn Sâm,… Dẫu mỗi thời kỳ, mỗi văn nhân đã để lại dấu ấn khác nhau.
Có thể nói, PGS.TS. Nguyễn Công Lý giúp bạn đọc hình dung và
liên tưởng được thời kỳ văn học sôi động trên mảnh đất Nam Bộ – miền cực Nam đất
nước ở nửa đầu thế kỷ XX. Không chỉ sôi động trong văn chương, nó còn sôi động
trong đời sống xã hội. Đúng hơn, hai phạm vi này không tách biệt mà tác động
thúc đẩy qua lại. Chẳng hạn, trường hợp nhà văn Lý Văn Sâm – người con đất Tân
Uyên (nay thuộc tỉnh Bình Dương) – nhà nghiên cứu Nguyễn Công Lý đã phác họa đời
người, đời văn của Lý Văn Sâm song hành những thăng trầm đầy biến động của xã hội
(môi trường giáo dục thời Pháp thuộc, phong trào đấu tranh của học sinh, Cách mạng
tháng Tám, Hiệp định Geneva, Ban Tuyên huấn Trung ương cục miền Nam,…). Có lẽ,
nhà nghiên cứu Nguyễn Công Lý xuất phát từ bản thân ở mỗi nhà văn, xem như gốc
tọa độ, như một hòn đá điểm mặt nước để từ đó, lan tỏa ra cả một vùng trời nước
quê hương dọc theo từng chặng đường phát triển của dân tộc. Cũng qua đó, bạn đọc
càng nhìn thấy nhận rõ thêm một đặc trưng vốn có của văn học ở Nam Bộ: đồng
hành cùng với công cuộc đấu tranh, phát triển quê hương và dân tộc; giữ gìn hồn
cốt dân tộc và đồng thời, tham gia đấu tranh chống kẻ thù xâm lược. Từng trang
nghiên cứu của PGS-TS. Nguyễn Công Lý là một trong số nhiều mảnh ghép, giúp bạn
đọc hình dung và phác họa được dòng chảy âm thầm bền bỉ của cả nền văn chương
miền Nam với tính năng động, thời sự, tươi mới và giàu trữ lượng suốt trên ba
trăm năm từ thời lưu dân khẩn hoang lập điền. Hơn hết, văn học ở Nam Bộ là nền
văn học gắn bó mật thiết với cuộc sống con người ở thì hiện tại, hướng đến phục
vụ và nâng cao đời sống tinh thần của con người ở thì tương lai – một nền văn học
đồng hành cùng vận mệnh của quê hương và nòi giống!
Đời sống văn học sôi động, trữ lượng dồi dào phong phú
Về trữ lượng dồi dào của văn học Nam Bộ nửa đầu thế kỷ XX,
PGS.TS. Võ Văn nhơn từng nhận định: “Rất thời sự và cũng khá đa dạng. Ngoài văn
chương yêu nước khiến nhiều nhà văn bị bắt giam, bị đưa ra tòa như Nguyễn Văn
Vinh, Phan Thị Bạch Vân, các nhà văn Nam bộ còn viết về những vấn đề thế sự như
sự suy đồi đạo lý do ảnh hưởng của lối sống phương Tây, những vấn đề mới mẻ như
bình quyền nam nữ, vấn đề tính dục”(1). Đúng như vậy, không chỉ phong phú về số
lượng, mà còn dồi dào về đề tài-chủ đề phản ánh,… Qua trường hợp Việt Đông –
Lưu Thoại Khải, PGS.TS. Nguyễn Công Lý nhận thấy đời sống văn học Quốc ngữ ở
Nam Bộ thực sự sôi động, vận động rất nhanh và đồng thời, giàu trữ lượng so với
những khu vực khác của đất nước. “Việt Đông là cây bút văn xuôi có sức viết dồi
dào đầu giai đoạn 1930-1945 ở Nam Bộ. Nếu so sánh với miền Bắc thì tại thời điểm
này số lượng truyện và tiểu thuyết văn xuôi Quốc ngữ đã được xuất bản chưa có
là bao!” (tr.55). Về điều này, cho thấy sinh khí chữ nghĩa ở Nam Bộ thời bấy giờ.
Cũng từ đây, liệu rằng chúng ta có nên băn khoăn về cách thức và chiều hướng
khai thác trữ lượng cùng tiềm năng vốn có của khu vực văn học này trong buổi
đương thời. Kỳ thực, trang nghiên cứu của PGS. TS. Nguyễn Công Lý khiến người cầm
bút ở Nam Bộ hôm nay – nhất là những người viết trẻ – cần nghiêm túc suy nghĩ
và soi rọi thêm. Bởi lẽ, “văn học Nam Bộ là những tư liệu vô giá lưu giữ cho
chúng ta ngôn ngữ của người Việt ở Nam Bộ cách đây hàng trăm năm, nó là cứ liệu
không gì thay thế để nghiên cứu về tiếng Việt Nam Bộ.
Nhà văn Nam Bộ viết văn làm thơ, ngoài những lý do về cảm xúc
còn có ý muốn lưu giữ cho cháu con, cho dân tộc một thứ tiếng Việt ngọt ngào, đằm
thắm của những người phụ nữ Nam Bộ, một thứ tiếng Việt khỏe khoắn, bộc trực của
những người đàn ông Nam Bộ. Văn học quốc ngữ Nam Bộ cũng là tư liệu quý báu để
tìm hiểu đời sống, xã hội, phong tục tập quán, tính cách của người Nam Bộ”(2),
ý kiến đánh giá của PGS.TS. Đoàn Lê Giang khiến bạn đọc càng trân trọng những
nghiên cứu đóng góp của PGS.TS. Nguyễn Công Lý trong việc tiếp nối hiệp sức lưu
giữ giá trị văn hóa-văn học Nam Bộ cho thế hệ mai sau. Bên cạnh đó, bạn đọc có
lẽ cũng thán phục công phu sưu tầm, so sánh, thống kê, phân loại của nhà nghiên
cứu trong việc xác định sự nghiệp sáng tác đồ sộ của Việt Đông cũng như nhiều
tác giả văn học khác ở Nam Bộ, như: Trương Vĩnh Ký, Trương Minh Ký, Ca Văn Thỉnh,
Lê Mai, Phạm Minh Kiên, Hoàng Minh Tự, Phạm Văn Ký, Lý Văn Sâm, Vũ Hạnh, Nguyễn
Vỹ…
Bạn đọc nhìn thấy đời sống văn học ở Nam Bộ trải dài từ nửa
cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX cho tới thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước với
trữ lượng phải nói bề bộn, đa dạng, phức tạp, với nguồn năng lượng vận động
liên tục về phía “hiện đại”. So sánh rộng hơn để nhìn thấy trữ lượng dồi dào và
đời sống văn học phong phú tiên phong của văn học quốc ngữ Nam Bộ, TS. Hà Thanh
Vân đánh giá: “Tiểu thuyết Nam bộ nói riêng và do đó cũng là tiểu thuyết Việt
Nam nói chung ra đời khá sớm so với tiểu thuyết hiện đại ở các nước Đông Nam Á
khác, chỉ sau Philippines. Số lượng tiểu thuyết cũng vào hàng lớn với lực lượng
tác giả đông đảo”(3). Chính điều đó, ta có thể xác tín rằng PGS.TS. Nguyễn Công
Lý đã góp phần không nhỏ vào việc lưu giữ và bảo tồn giá trị chữ nghĩa Nam Bộ
(nhất là giai đoạn nửa cuối thế kỷ XIX-nửa đầu thế kỷ XX) cùng với nhiều nhà
nghiên cứu khác đã dành tâm huyết cho văn học Nam Bộ, như: PGS.TS. Đoàn Lê
Giang; PGS.TS. Võ Văn Nhơn; PGS.TS. Nguyễn Thị Thanh Xuân; TS. Phan Mạnh Hùng;
…. cũng như nhiều thầy cô trong bộ môn Văn học Việt Nam của Khoa Văn học, Trường
Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh mà nhà nghiên cứu
PGS.TS. Nguyễn Công Lý đã gửi lời cảm ơn trong tập sách này. Ngoài ra, ông còn
có cái nhìn khách quan khi đánh giá về chất lượng nội dung và hình thức nghệ
thuật của tác phẩm văn học Nam Bộ. Ông không vội trong việc khép tác phẩm văn học
Nam Bộ vào dòng “văn học thị trường”. Hay, như trường hợp Nguyễn Vỹ, ông đánh
giá vừa khách quan vừa công tâm vừa đồng cảm, rằng: “Theo tôi nghĩ, muốn hiểu
thơ Nguyễn Vỹ và những ý tưởng cách tân đổi mới của ông về nghệ thuật thơ phải
đặt vấn đề này trong bối cảnh thời đại lịch sử lúc bấy giờ và trong không-thời
gian văn học Việt Nam những năm 1932-1945, thì mới thấy hết tấm lòng và tư tưởng
cùng những đóng góp của ông đối với văn học nghệ thuật nước nhà” (tr.288). Ngược
lại, nhà nghiên cứu họ Nguyễn giúp bạn đọc nhận ra mối quan hệ tương tác rất mật
thiết giữa nhu cầu độc giả và sáng tác của giới văn sĩ; đồng thời chỉ rõ vận động
tư tưởng xã hội/bối cảnh văn hóa xã hội/sinh cảnh văn chương, đối tượng nghiên
cứu tham gia vào. Từ đó, ông chỉ ra nguyên nhân sâu xa thúc đẩy vận động phát
triển đời sống văn học. Quả thực, góc nhìn của nhà nghiên cứu PGS.TS. Nguyễn
Công Lý vừa có tầm bao quát vừa đi sâu vào căn cơ của đối tượng.
Vai trò, vị trí tiên phong của văn học hiện đại ở Nam Bộ
Trên lịch trình phát triển văn học hiện đại Việt Nam, PGS.TS.
Nguyễn Công Lý đã khẳng định và nhấn mạnh vai trò tiên phong của Nam Bộ trong
việc hình thành nền quốc văn mới: “Nền Quốc văn mới này manh nha và hình thành ở
Nam Bộ từ cuối thế kỷ XIX với sự ra đời của văn xuôi chữ Quốc ngữ” (tr.1). Khi
phóng tầm nhìn toàn cảnh về văn học Nam Bộ giai đoạn 1932-1954, PGS.TS. Đoàn Lê
Giang đã nhận thấy từ trước đó: “Văn học quốc ngữ Nam Bộ hình thành từ cuối
TK.XIX, cho đến đầu thế kỷ XX vùng văn học này đã đạt được nhiều thành tựu quan
trọng, trở thành bộ phận tiên phong của văn học dân tộc với hàng chục mấy tác
gia, hàng trăm bộ tiểu thuyết ngay từ khi các miền khác ở đất nước chưa biết
“tiểu thuyết” là gì”(4).
Tập sách của PGS-TS. Nguyễn Công Lý
Cùng trong mối quan tâm đến văn học hiện đại Nam Bộ, PGS.TS.
Nguyễn Thị Thanh Xuân cho rằng: “Trải qua một thời gian dài, nhiều biến cố, tất
cả những xu hướng trên trong cách viết và cách đọc vẫn còn cho đến hôm nay,
trong đó, tinh thần của người mở đường cho báo chí và văn học ở Nam Kỳ vẫn lấp
lánh, lúc âm thầm, khi bừng tỏa. Hiện tượng hàng loạt những cuộc cách tân trong
văn học không phải bỗng dưng mà khởi phát từ Nam Kỳ. Và hôm nay, đã có thể khẳng
định là có một phong cách văn chương riêng của vùng đất này, với những đặc điểm
và ưu thế riêng, nơi những nhà văn có cá tính độc đáo: Sơn Nam, Trang Thế Hy,
Đoàn Giỏi, Bình Nguyên Lộc, Lý Văn Sâm, Nguyễn Quang Sáng, Lý Lan, Nguyễn Ngọc
Tư, Mạc Can, …”(5).
Và, khi bàn về tính chất tiên phong của văn học Nam Bộ nửa đầu
thế kỷ XX, nhà nghiên cứu TS. Phan Mạnh Hùng cũng nhấn mạnh: “Sự hình thành một
thế hệ nhà văn mới đông đảo ở Nam bộ đầu thế kỷ XX cho thấy bước chuyển biến của
văn chương từ phạm trù trung đại sang phạm trù hiện đại. Trong bước chuyển mình
đó, nền văn học Nam bộ có những đặc tính của giai đoạn văn học giao thời. Những
yếu tố cũ và mới đan xen tồn tại trong tác phẩm văn chương, trong quan niệm văn
học và phương pháp sáng tác của nhà văn. Với thế hệ nhà văn mới này cùng với
các nhà văn thế hệ tiếp theo sau văn học Nam bộ đã chính thức bước vào giai đoạn
cận đại hóa ở tư thế tiên phong và triệt để. Tính chất tiên phong thể hiện ở việc
nền văn học quốc ngữ La tinh đã phủ nhận nền văn học cũ từ rất sớm so với văn học
cả nước và triệt để ở chỗ đã xác lập được những phương diện cơ bản của nền văn
học mới. Sản sinh ra một thế hệ nhà văn đi tiên phong trong quá trình cận đại
hóa văn học chính là đóng góp quan trọng của văn học Nam Bộ cho tiến trình hiện
đại hóa văn học Việt Nam đầu thế kỷ XX”(6).
Tựu trung, bạn đọc có thể nhận thấy điểm chung trong nhiều ý
kiến đánh giá của giới nghiên cứu hàn lâm về vai trò, vị trí tiên phong như đặc
trưng dễ nhận thấy của văn học hiện đại ở Nam Bộ. Những tính chất như tiên
phong, triệt để, dựng nền tảng cho nền văn học mới, … cũng là những vấn đề nổi
bật trong nhận định về văn học Nam Bộ nói chung. Có lẽ trong phạm vi văn học,
“miền Nam” cũng “đi trước về sau”! “Đi trước” phần nào có thể thấy qua nhận định
đánh giá của giới nghiên cứu hàn lâm về vai trò vị trí tiên phong của văn học
hiện đại ở Nam Bộ, tạo tiền đề cho sự phát triển văn học hiện đại nước nhà; còn
“về sau” là điều mà giới học giả, lực lượng sáng tác, đội ngũ lý luận phê bình ở
Nam Bộ hiện nay cần ngẫm suy thêm, sao cho xứng đáng với tầm vóc và tiềm năng vốn
có của khu vực văn học Nam Bộ xưa nay. Nhìn lại quá khứ để nhận ra hiện tại và
rồi, từ đó hướng tới tương lai hay sao!
Nhìn chung, thông qua việc “điểm” từng đối tượng văn học cụ
thể, PGS.TS. Nguyễn Công Lý đã phác họa bức tranh văn học Nam Bộ đa dạng, nhiều
màu sắc. Hơn thế, ông còn xác định vai trò, vị trí tiên phong của đời sống văn
học Nam Bộ hiện đại đối với sự phát triển văn học Việt Nam nói chung. Cách
trình bày của nhà nghiên cứu họ Nguyễn thường xuất phát từ bối cảnh cuộc đời, sự
nghiệp, bối cảnh xã hội. Ông giúp bạn đọc nắm bắt và nhận ra đời sống văn học rất
sôi động, tiềm năng thật to lớn; rồi sau hết, ông xác định văn học hiện đại Nam
Bộ ở vị trí tiên phong của nhiều cuộc vận động cách tân phát triển nền văn học
mới.
2. Những đặc điểm nổi bật của văn học ở Nam Bộ
Tinh thần dân tộc
Tinh thần dân tộc, là cốt lõi truyền thống văn học Việt Nam.
Và, trên tinh thần dân tộc đó, nhà nghiên cứu PGS.TS. Nguyễn Công Lý rất tâm đắc
với những chia sẻ của Lê Mai về chỗ ưu nhược của dân ta. Thấy được ưu nhược, Lê
Mai cổ súy tinh thần đồng tâm đoàn kết, tạo nên sức mạnh dân tộc, chung sức gầy
dựng nền doanh thương nước nhà giàu mạnh đủ nội lực cạnh tranh với tư bản ngoại
bang. Nhà nghiên cứu họ Nguyễn dẫn lại 5 điều Lê Mai cho “là hay vô cùng”:
“1. Phải biết chế tạo các thứ hàng hóa mà người mình ưa dùng,
và có thể bán ra ngoại quốc mà người ta cũng ưa dùng vậy.
2. Người An Nam hãy đến mua tại tiệm của người An Nam.
3. Tiệm An Nam đừng bán mắc hơn tiệm của dân ngoại quốc và đừng
có tánh kiêu căng xấc xược.
4. Vật nào đáng cần dùng sẽ mua, hàng món chi xài không có
ích thì đừng thèm mua.
5. Đừng bắt chước người ta vui chơi, xài phí theo lễ này, Tết
nọ. Làm như vậy, người ta khinh mình là bọn ăn Tết khính, vì người An Nam mình
chưa có cái Tết là gì!”(tr.30-31). Ấy cũng là cái lo nghĩ của nhiều người đương
thời (Dũ Thúc Lương Khắc Ninh, Ôn Như Lương Văn Can, Trúc Am Đặng Thúc Liêng,
Gibert Trần Chánh Chiếu, Nguyễn Háo Vĩnh, …). Đánh giá Lê Mai không chỉ ở sáng
tác văn chương, nhà nghiên cứu Nguyễn Công Lý còn mở rộng nhãn quan, ghi nhận tấm
lòng và nỗ lực của Lê Mai đối với sự phát triển đời sống văn hóa xã hội của dân
tộc Việt trong hoàn cảnh Nam Kỳ thuộc địa Pháp. Trang viết của PGS. TS. Nguyễn
Công Lý còn giúp ta nhìn thấy nội lực tiềm tàng đang trỗi dậy của đời sống xã hội
Nam Kỳ thời bấy giờ, nhắm tới cải cách phát triển xã hội cùng đối đầu với ngoại
bang, và tu sức dưỡng tinh thần hòng gấp rút vận động đấu tranh giành độc lập.
Qua trường hợp nhà văn Lê Mai, ta cũng thấy nhà nghiên cứu họ có cái nhìn sâu sắc,
rộng rãi đối với sinh hoạt văn chương. Ông có cái nhìn trọng thị đối với những
nhà văn (dẫu ít tiếng tăm, tác phẩm còn mỏng), nhưng có chút lòng đối với quê
hương rất đáng trân quý. Và, dường như ông còn để tâm đến tác động của tác phẩm
văn chương đối với đời sống xã hội.
Có thể, chắc rằng, nhà nghiên cứu họ Nguyễn luôn đặt văn
chương trong mối quan hệ mật thiết với đời sống con người, và nhìn thấy vai trò
cực kỳ quan trọng của văn chương trong việc tác động cải biến tiến hóa xã hội.
Có lẽ, vì thế, nhà nghiên cứu họ Nguyễn đồng cảm, chia sẻ nỗi lòng của Lê Mai.
“Có thể nói, ước vọng của Lê Mai thì lớn nhưng những gì ông thể hiện qua những
trang viết thì chưa tương xứng so với điều mà ông mong muốn. Nói chung, cái
đích mà Lê Mai muốn đặt ra và hướng tới trong tác phẩm là làm sao cho dân giàu
nước mạnh, con người sống đoàn kết, thân ái và lương thiện. Ước muốn của ông thật
đáng quý và ít nhiều ông cũng có góp phần dù còn rất nhỏ đối với nền văn xuôi
Quốc ngữ còn non trẻ hồi đầu thế kỷ XX” (tr.33). Cũng với tình cảm này, nhà
nghiên cứu PGS.TS. Nguyễn Công Lý ghi nhận những đóng góp của Hoàng Minh Tự (dẫu
chưa thật ấn tượng), nhưng hẳn có góp phần làm sôi động sinh hoạt văn chương
giai đoạn 1930-1945. Cũng với tâm thế này, ông thể hiện sự trân quý nỗ lực của
các nhà văn ở Nam Bộ hồi đầu thế kỷ XX trong việc phát triển thể loại tiểu thuyết
lịch sử dựa trên lịch sử Việt Nam như một cách lay động tinh thần quốc dân, xiển
dương tinh thần dân tộc, phát triển niềm tự tôn giống nòi. PGS.TS. Võ Văn Nhơn
cũng nhìn thấy “Phong trào viết tiểu thuyết lịch sử thời kỳ này là một phản ứng
của lòng tự trọng dân tộc trước phong trào dịch truyện Tàu lúc đó”(7).
Với tập sách “Mấy tác giả văn học hiện đại ở Nam Bộ –
đôi điều ghi nhận”, nhà nghiên cứu PGS-TS. Nguyễn Công Lý còn nhấn mạnh và thẳn
thắng bày tỏ tinh thần tự tôn dân tộc trong việc phát triển thể loại tiểu thuyết
lịch sử. “Mặt khác, nhiều nhà nghiên cứu đã thống nhất, sở dĩ lúc này có phong
trào viết tiểu thuyết lịch sử lấy từ hiện thực nước nhà cũng là một cách để phản
ứng lại hiện tượng dịch và cho xuất bản ồ ạt tiểu thuyết Trung Quốc lúc bấy giờ.
Đây là một sự phản ứng đáng quý, thấm đẫm tinh thần dân tộc” (tr.85). PGS-TS.
Nguyễn Công Lý đã cộng hưởng với nỗi lòng của các nhà văn Nam Bộ thời bấy giờ
như Tân Dân Tử, Hồ Biểu Chánh, Phạm Minh Kiên, … cùng phát huy tinh thần tự hào
dân tộc. Việc này, hết sức có ý nghĩa trong bối cảnh hiện nay đặc biệt với sự
giáo dục thế hệ tương lai.
Ý thức bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống
Trong nghiên cứu khoa học, hẳn nhiên nhà nghiên cứu cần
nghiêm nhặt, chặt chẽ và khách quan; nhưng với nghiên cứu văn học không thể
tránh khỏi “cảm hoài”, “tỏ chí” một cách nhỏ nhẹ kín đáo. Bên cạnh trình bày
chính xác sự nghiệp và đóng góp văn chương của Trương Vĩnh Ký, Trương Minh Ký,
Ca Văn Thỉnh …, trang nghiên cứu của PGS. TS. Nguyễn Công Lý còn thể hiện niềm
trân phục đối với tấm lòng yêu nước thương nòi, lo nghĩ cho sự bảo tồn lưu giữ,
phát triển các giá trị truyền thống của người Việt ở Nam bộ nói riêng và dân tộc
Việt nói chung. “Từ khi ông Trương Vĩnh Ký phụ trách thì tờ báo lại có thêm nhiệm
vụ khác. Cụ Trương đã dùng tờ báo để cổ động cho một lối học mới; phát triển chữ
Quốc ngữ; khuyến khích dân chúng học chữ Quốc ngữ. Nói chung là người phụ trách
đã làm những công việc để tạo tiền đề, đặt viên đá tảng cho công cuộc xây dựng
nền Quốc văn mới; bảo lưu và phổ biến giá trị văn hóa dân tộc mà những bài khảo
cứu về lịch sử nước Nam, về truyện cổ dân gian đăng trên báo ngay từ đầu là những
bằng chứng thuyết phục” (tr.10). Quả thực, sự đồng cảm và trân phục này cũng
cho thấy tấm lòng của PGS.TS. Nguyễn Công Lý đối với truyền thống văn hóa dân tộc.
Noi gương người xưa để cùng nhau gìn giữ, lưu lại cho đời sau những giá
trị ngàn đời, định vị dân tộc trên dòng chảy vận hội chung của thế giới. Nỗ lực
của ông càng có ý nghĩa hơn, nhất là trong bối cảnh ‘xâm thực văn hóa’ của kỷ
nguyên toàn cầu.
Tinh thần đấu tranh chống giặc ngoại xâm
Trong văn học ở Nam Bộ, PGS-TS. Nguyễn Công Lý làm rõ
qua nhiều trường hợp văn sĩ, để xác tín đặc trưng cốt lõi của văn học Nam Bộ thời
bấy giờ: ý chí ngoan cường chống giặc ngoại xâm. Một trong số đó có trường hợp
nhà văn Lý Văn Sâm. “Từ năm 1947, ông làm báo viết văn tại Sài Gòn, cộng tác với
nhiều tờ báo tiến bộ như Việt bút của Nguyễn Kim Bắc, Văn hóa của Dương Tử
Giang, Tiếng chuông của Đinh Văn Khai, Lẽ sống của Ngô Công Minh, có lúc ông
làm quản lý tờ Cộng Đồng, v.v… với những bài báo, truyện ngắn mang nội dung phản
kháng chế độ thực dân tay sai, đòi độc lập thống nhất cho nước nhà. Vì thế ông
bị chính quyền thực dân bắt giam tại khám lớn Sài Gòn. Từ 1947 đến 1950 là thời
gian Lý Văn Sâm viết sung sức nhất, hàng loạt truyện ngắn, truyện vừa được xuất
bản” (tr.193). Thông qua trường hợp nhà văn Lý Văn Sâm, PGS.TS. Nguyễn Công Lý
giúp bạn đọc nhận chân cả một thời kỳ văn học sôi động của miền Nam (giai đoạn
1945-1954); cũng là giai đoạn thiếu vắng và rất mỏng những công trình nghiên cứu
văn học. May thay, gần đây, tập thể tác giả Võ Văn Nhơn, Nguyễn Thị Thanh Xuân,
Lê Thụy Tường Vi, Phan Mạnh Hùng và Nguyễn Thị Phương Thúy đã thực hiện được
công trình “Văn học Nam bộ 1945-1954”, cho rằng giai đoạn 1945-1954 ở phía Bắc
có phần chững lại, trong khi ở Nam Bộ lại trỗi dậy sôi sục. “Điểm qua những tên
tuổi trước và sau 1945, nhóm tác giả nghiên cứu công trình đã làm bật được tính
chất trẻ trung sôi nổi của văn học Nam Bộ. Công trình có nêu lại quan điểm cho
rằng nếu sau bước ngoặt 1945, hoạt động văn hóa văn nghệ ở Bắc và Trung Việt có
phần đình trệ thì không khí sáng tác tại miền Nam trở nên sôi nổi năng động hơn
giai đoạn trước (tr.47-48). Nguyên nhân xuất phát từ việc bồi tụ hun đúc khuyến
khích lực lượng sáng tác mới cho đời sống văn học miền Nam (tr.63). Việc này
không ngừng mở rộng, bành trướng hoạt động văn học ở nhiều khu vực (bưng,
thành) mà còn đa dạng hóa nội dung tư tưởng và chất lượng sáng tác”(8).
Từ đó, nhà văn sử dụng văn học như vũ khí đấu tranh giải
phóng dân tộc. “Tái hiện những tấm gương anh hùng hào kiệt trong các tiểu thuyết,
dường như các nhà văn Nam bộ muốn đề cập đến chuyện xã hội đương thời. các nhà
văn nhắc lại lịch sử là một cách để nhắn nhủ với quốc dân đồng bào là đừng bao
giờ quên cội nguồn dân tộc; đừng quên quá khứ hào hùng oanh liệt cùng truyền thống
chiến đấu chống ngoại xâm anh dũng của tổ tiên, từ đó khơi gợi cho người đọc
lòng tự hào dân tộc, lòng yêu nước cũng như khích lệ tinh thần chiến đấu chống
thực dân” (tr.84-85). Lấy chuyện xưa nói chuyện nay, lấy đề tài lịch sử để thức
tỉnh tinh thần quốc dân. Có lẽ, cũng là cách mà nhà văn Nam Bộ thời ấy có thể
“vượt rào kiểm duyệt” của thực dân Pháp chăng(!), để có thể thuận tiện bày tỏ
ưu tư trước cảnh nô lệ thực dân. Bàn về tiểu thuyết lịch sử, nhà nghiên cứu
PGS.TS. Nguyễn Công Lý không chỉ góp phần làm sáng tỏ hơn đặc trưng thể loại, đồng
thời còn làm nổi bật thể loại tiểu thuyết lịch sử ở khu vực văn học Nam Bộ. Ông
xác định đóng góp của mảng sáng tác tiểu thuyết lịch sử đối với văn nghiệp của
đối tượng, và còn xác định đóng góp của mảng sáng tác này đối với sự phát triển
nền Quốc văn và tinh thần Quốc dân. Nhà nghiên cứu họ Nguyễn đặt đối tượng
trong các phạm vi, các hệ quy chiếu khác nhau để xác định thế đứng và chỗ đứng
của các nhà văn ở Nam Bộ, để đưa ra nhận định đa chiều, thấu đáo.
“Văn dĩ tải đạo” hay chức năng giáo dục của văn học ở Nam Bộ
Điểm chung xuyên suốt tập sách là sự quan tâm của nhà nghiên
cứu đối với chức năng của tác phẩm văn học, tức là sức ảnh hưởng của tác phẩm
văn học đến nhận thức của độc giả. Mà, trong đó, chức năng giáo huấn được đưa
lên hàng đầu. Đó là mối quan tâm của nhà nghiên cứu hay là đặc trưng nổi bật của
văn học ở Nam Bộ thời bấy giờ, có lẽ cả hai. Chẳng hạn như Trương Vĩnh Ký, Lê
Mai, Phạm Minh Kiên, … “Riêng với tư cách một nhà văn, thời gian đầu, ông viết
tiểu thuyết xã hội với đề tài ái tình, luân lý, gia đình để chuyển tải đạo lý
nhân nghĩa ở đời, ca ngợi tình nghĩa thủy chung để làm gương cho người đời noi
theo. Nhìn chung, những tiểu thuyết trên mang mục đích giáo huấn, thể hiện nội
dung luân thường đạo lý rõ nét mà người đọc có thể dễ dàng nhận ra qua nhan đề
các tác phẩm như Hiếu nghĩa vẹn hai, Ân oán vì tình, Tình duyên xảo ngộ, Bèo
tan mây hiệp, Duyên phận lỡ làng, ….” (tr.73).
Hơn nữa, nhà nghiên cứu PGS.TS. Nguyễn Công Lý phát hiện đặc
trưng khác của văn học ở Nam Bộ là sự vận động phát triển nhịp nhàng cùng với
thị hiếu độc giả, biến động thời đại. Ngòi bút các nhà văn thường nhạy cảm, sắc
sảo trong việc nắm bắt nhu cầu tiếp nhận của bạn đọc. Xuất phát từ tinh thần
yêu nước thương nòi, phải nói, nhà nghiên cứu họ rất nhạy bén, tinh tường trong
việc phát hiện đặc trưng quán xuyến và nổi bật của văn xuôi Quốc ngữ Nam Bộ qua
trường hợp ít người biết tới – Lê Mai. “Có thể nói, so với cây bút cùng thời,
Lê Mai viết không nhiều, nội dung và nghệ thuật cũng không có gì đặc sắc, mới mẻ,
nhưng cái đáng quý là qua những tác phẩm trên, có thể thấy ông là người có tinh
thần dân tộc rất cao và thường gởi gắm bài học luân lý đạo đức” (tr.23). Có thể
nói, tinh thần dân tộc và chức năng giáo dục luân lý đạo đức là truyền thống
xuyên suốt của văn học Nam Bộ xưa và nay. Từ Sùng Đức tiên sinh, Lương Khê tiến
sĩ, Hối Trai Nguyễn Đình Chiểu, … cho tới các văn sĩ đầu thế kỷ XX, thẩy đều bộc
lộ rõ nét tinh thần “văn dĩ tải đạo”. Ấy là, chức năng giáo dục, cải hóa nhân
tâm, xây dựng nền quốc văn giúp con người “hướng thiện” và “hướng thượng”. Hơn
nữa, còn góp phần củng cố, cổ súy và xiển dương nhằm bồi đắp tinh thần cùng
lòng tự hào dân tộc.
Dù rằng, chỉ xác định một vài đặc điểm văn học ở Nam Bộ trải
dài từ nửa cuối thế kỷ XIX đến nửa đầu thế kỷ XX và một số văn sĩ hoạt động đến
sau khi thống nhất đất nước, nhưng nhà nghiên cứu PGS.TS. Nguyễn Công Lý đã
minh định những đặc trưng cơ bản nhất, xuyên suốt nhất, đủ sức lý giải vận động
văn học Nam Bộ từ đó đến nay. Việc nghiên cứu văn học hiện đại và đương đại, lẽ
đó, có thể xuất phát từ những đặc điểm này để lần tìm nguyên nhân vận động phát
triển. Đồng thời, từ đây có thể nghĩ tiếp về dòng vận động phát triển của văn học
Nam Bộ trong tương lai.
3. Tấm lòng của nhà nghiên cứu
Với tập sách “Mấy tác giả văn học hiện đại ở Nam Bộ –
đôi điều ghi nhận”, nhà nghiên cứu PGS.TS. Nguyễn Công Lý có khuynh hướng
biên niên, trình bày tuần tự theo dòng thời gian về cuộc đời và sự nghiệp của
các nhân vật được nói đến. Như bài viết về Ngạc Xuyên Ca Văn Thỉnh (sinh quán,
học tập, hoạt động-chức vụ, thành tựu đời văn, giá trị ý nghĩa, …). Cách viết
giản dị, rõ ràng, mạch lạc rất thuận tiện cho người “nhập môn” tìm hiểu. Nhà
nghiên cứu họ Nguyễn bắt đầu từ những thông tin bao quát về đối tượng, sau lại
trình bày rõ hơn, sâu sắc hơn, chi tiết hơn về từng khía cạnh của đối tượng
nghiên cứu. Đây là lối viết quy chuẩn, mực thước, khuôn mẫu tạo điều kiện thuận
lợi giúp các bạn trẻ khởi sự nghiên cứu học tập theo. Nhất là, việc liệt kê các
công trình, tác phẩm của đối tượng được nghiên cứu, giúp cho người đọc dễ dàng
phóng tầm nhìn toàn bộ sự nghiệp chữ nghĩa, cũng như hình dung phần nào tầm vóc
nhất định của các nhân vật được nói đến. Hơn thế, việc sưu tầm liệt kê so sánh
này cho thấy tấm lòng chân thành và niềm trên quý giá trị văn học ở Nam Bộ của
nhà nghiên cứu họ Nguyễn.
Có thể nói, điểm nổi bật nhất của tập sách này chính là tinh
thần gìn giữ nền học vấn chân chính. Cũng là điều nhà nghiên cứu PGS.TS. Nguyễn
Công Lý ghi nhận và đánh giá cao ở bài viết về Ngạc Xuyên Ca Văn Thỉnh. Tinh thần
tự tôn dân tộc, coi trọng nền học vấn, coi trọng sự thực và tấm lòng chân thành
trong sáng của người học với chữ nghĩa nói chung. “Bài viết này ngoài việc đính
chính lại và cung cấp những thông tin chính xác về công trạng của Doãn Uẩn, tác
giả còn thể hiện niềm tự hào về một nhân vật lịch sử dân tộc. Bài viết là nguồn
tư liệu tham khảo quý cho các nhà sử học, văn hóa học khi nghiên cứu về vùng đất
Nam bộ nói chung, Sài Gòn nói riêng” (tr.179). Bên cạnh đó, ông còn tỏ ra cảm
phục tầm vóc bao quát, hiểu biết uyên thâm nhiều lãnh vực của Ngạc Xuyên Ca Văn
Thỉnh. “Tất cả đều viết về Nam Bộ. Điều này cho thấy, Ca Văn Thỉnh là người thiết
tha với cội nguồn, với quê hương Nam bộ bằng một tình yêu thương lẫn tự hào thật
đáng kính trọng. Có thể nói, Ca Văn Thỉnh là một trong vài người đầu tiên có ý thức
sưu tầm, dịch thuật, nghiên cứu và giới thiệu về Nam Bộ ở nước ta thời hiện đại”
(tr.185). Ấy là, có lẽ, tấm lòng mến mộ của hậu sinh đối với tiền nhân, lấy
bóng hình tiền nhân làm gương tấn tới, làm nguồn động lực thôi thúc nỗ lực học
tập nghiên cứu không ngừng nghỉ. Đức tính khiêm cung và sự chân thành của nhà
nghiên cứu – nhà giáo PGS.TS. Nguyễn Công Lý; nghĩ rất đáng cho lớp thanh niên
học sinh, sinh viên đương thời học hỏi, tập rèn tâm tính trên con đường theo đuổi
sự nghiệp nghiên cứu học thuật. Tin rằng, ấy cũng là động lực, sự kích hoạt những
người viết trẻ hôm nay vững bước trên đường nghiên cứu; đồng thời phát huy hơn
nữa giá trị văn hóa-văn học Nam Bộ trong tương lai.
Với góc nhìn theo lối biên niên và thao tác so sánh, bạn đọc
có thể thấy nhà nghiên cứu không chạy theo các phương pháp nghiên cứu “thời
danh” mà sử dụng các phương pháp nghiên cứu đã trở thành chuẩn mực, quy phạm.
Do đó, tập sách của nhà nghiên cứu họ Nguyễn – theo tôi, thực sự chu toàn, tỉ mỉ,
cẩn trọng và phù hợp với năng lực tiếp nhận của nhiều đối tượng độc giả khác
nhau. Chẳng hạn, như việc ông liệt kê cụ thể toàn bộ tác phẩm trong sự nghiệp của
các nhà văn (và không quên chua thêm rằng có thể chưa đầy đủ vì một số hạn chế
trong việc sưu tầm). Từ đó, ông so sánh và đánh giá các chặng đường phát triển
của sự nghiệp văn học các nhà văn ở Nam Bộ để giúp cho bạn đọc hình dung toàn bộ
quá trình phát triển tư duy nghệ thuật của đối tượng. Đây là góc nhìn bao quát
toàn cảnh. Sau nữa, ông nhìn kỹ vào từng tác phẩm cụ thể. Ví như, việc ông giới
thiệu 5 tác phẩm tiểu thuyết lịch sử của Phạm Minh Kiên (Việt Nam anh kiệt, Việt
Nam Lý trung hưng, Lê triều Lý thị, Tiền Lê vận mật, Trần Hưng Đạo).
Thông qua việc thuật lại nội dung và hình thức nghệ thuật của
văn bản, nhà nghiên cứu chỉ ra những giá trị đáng ghi nhận của tác phẩm, chỉ ra
đóng góp của nhà văn đối với nền văn học Quốc ngữ đương thời. “Lấy cảm hứng từ
lịch sử để sáng tác là một đặc điểm mà người đọc dễ nhận thấy ở văn xuôi Quốc
ngữ Nam Bộ hồi đầu thế kỷ XX. Nếu ban đầu, các nhà văn thường lấy từ lịch sử
Trung Hoa, thì về sau các nhà văn đã lấy trực tiếp từ hiện thực lịch sử Việt
Nam. Điều này có nhiều lý do riêng, mà chủ yếu là xuất phát từ lòng yêu nước, tự
hào dân tộc của một bộ phận trí thức Tây học không tìm được lối thoát lúc bấy
giờ trong hoàn cảnh nước mất dân nô lệ. Họ khai thác đề tài lịch sử với mục
đích là nhằm cổ vũ quốc dân đồng bào tinh thần vừa nêu”(tr.83-84). Trong tâm thế
của nhà khoa học, có lẽ, bạn đọc cũng nhận ra tác phong nghiêm cẩn, chu đáo
mang tính cách sư phạm của nhà giáo cùng sự tỉ mỉ thận trọng của nhà nghiên cứu
được PGS.TS. Nguyễn Công Lý thể hiện ở việc gợi nhắc các ý kiến liên quan đến đối
tượng nghiên cứu. Với tinh thần tiếp nối và phát triển các thành tựu đã có, ông
chân thành bộc trực bày tỏ sự cảm mến, lòng biết ơn đối với những người đã giúp
đỡ ông hoàn thành công việc nghiên cứu.
Ngoài ra, ông tích cực góp phần đính chính, hiệu chú, bổ tu,
giúp cho thông tin thêm chính xác, đầy đủ và đúng đắn. Ví như; những hiểu lầm
mà nhà nghiên cứu – nhà giáo PGS.TS. Nguyễn Công Lý có đề cập đến trong Từ điển
văn học bộ mới (liên quan đến sinh quán của nhà văn Lý Văn Sâm) (tr.191). Rất tế
nhị, ông giúp chỉnh sửa một vài hiểu lầm xoay quanh cuộc đời các nhà văn ở Nam
Bộ. Việc này, càng hữu ích hơn khi văn học ở Nam Bộ dường như vẫn chưa được
quan tâm khảo cứu một cách tương xứng với trữ lượng và sinh khí vốn có. Cộng
thêm thời cuộc biến động liên tục, khiến cho nhiều thông tin có thể bị sai lạc,
nhiều tác phẩm chưa tìm lại được. Điều này, không thể tránh khỏi. Thế nên, sự
minh xác, nghiêm túc của ông (cũng như nhiều nhà khoa học khác) thật sự rất
đáng trân trọng.
Tấm lòng của nhà nghiên cứu còn thể hiện ở sự cảm phục tư
cách và lương tri của người trí thức. Nói về nhà văn Vũ Hạnh – một nhà văn sinh
ra trên quê hương Thăng Bình – Quảng Nam, ông cho rằng: “Sau khi ra tù, Vũ Hạnh
vào Sài Gòn sống bằng ngòi bút làm báo viết văn để dễ dàng hoạt động nằm vùng
đơn tuyến, nhờ thế ở ông có một quan niệm nghệ thuật tiến bộ và đúng hướng.
Theo ông, người cầm bút làm báo viết văn là phải viết theo lương tri và trách
nhiệm lương tâm, ca ngợi công lý, lẽ phải và sự thật. Người cầm bút không vì
quyền lực hay kim ngân vật chất nào mà phải tự mình bẻ cong ngòi bút. Nếu người
cầm bút mà viết không đúng sự thật thì sẽ gây ra tác hại khôn lường đối với lê
dân bá tánh, sẽ tạo ra đầy rẫy nghiệp chướng oan khiên”(tr.259-260). Có lẽ, ông
cũng ý thức sâu sắc về lẽ phải như trách nhiệm cố hữu của người cầm bút. Và,
ông muốn gợi lại bóng hình Vũ Hạnh để làm biểu tượng cho lớp hậu sinh học tập.
Với chiều hướng này, các trang viết nghiên cứu của ông không chỉ có ý nghĩa
khoa học mà còn có ý nghĩa giáo dục nhất định.
Có lẽ, đồng thuận với ý kiến này, nhà nghiên cứu – nhà giáo
PGS-TS. Bùi Thanh Truyền cũng đánh giá: “Trong Bút máu, một truyện ngắn đậm
chất kì ảo cách đây đúng 60 năm (1958), Vũ Hạnh đã nhắn gửi đến những người cầm
bút rằng viết điều gì cũng phải lấy cái tâm trong sáng làm nền, bởi vì bất cứ
lí do chủ quan hay khách quan nào mà phải viết sai lệch sự thật thì sẽ gây ra
tác hại không cùng, nhà văn sẽ tự biến mình thành một kẻ bồi bút, vô lương:
“Xuyên tạc chân lí, che lấp bần hàn, ca ngợi quyền lực, bỏ quên con người, văn
chương há chẳng đã làm những điều vô nhân đạo? Tội ác văn chương xưa nay, nếu
đem phân tích, biết đâu chẳng dồn chất thành ngàn dãy Thiên Sơn””[9]. Từ quan
niệm của Vũ Hạnh, chắc không ít bạn đọc nhớ lại cụ Đồ Chiểu thuở trước. “Chở
bao nhiêu đạo, thuyền không khẳm/ Đâm mấy thằng gian, bút chẳng tà”. Thiết
nghĩ, lương tri người trí thức, trách nhiệm người cầm bút vốn đã là truyền thống
và là giềng mối chung cần gìn giữ chốn văn chương, dù người cầm bút vừa chịu
tác động không ngừng của đời sống kim tiền, đồng thời phải làm tròn trách nhiệm
với tự thân ngòi bút và trách nhiệm với cộng đồng. Đã không ít người cả đời chịu
nỗi dằn vặt, ngõ mắc kẹt… Cho nên, người giữ được thiên lương cho ngòi bút, thật
đáng trân trong lắm thay!
Thay lời kết
Trong sự nghiệp nghiên cứu của nhà nghiên cứu – nhà giáo
PGS.TS. Nguyên Công Lý, công trình này có thể xem như bước chân xuôi về phương
Nam. Theo đường thiên lý vạn dặm, lần dấu chân lưu dân còn hằn vết khai hoang mở
cõi thuở nào; theo thời gian góp phần bồi tụ thêm việc tìm hiểu đời sống văn
hóa, xã hội, học thuật, chữ nghĩa nói chung của người Nam bộ hôm qua và hôm
nay.
Tập sách của PGS.TS. Nguyễn Công Lý cùng với nhiều công trình
khác (Đất và Người Nam Bộ; Văn học Nam Bộ từ đầu đến giữa thế kỷ XX 1900-1954;
Nghiên cứu, lí luận, phê bình văn học ở Nam Bộ thời kỳ 1865-1954; Những vấn đề
văn học và ngôn ngữ Nam Bộ; Văn học Nam Bộ 1945-1954;…) về văn học Nam Bộ
có điểm chung đáng chú ý: văn học Nam Bộ là bộ phận không thể tách rời trên
dòng chảy phát triển của văn học dân tộc Việt; đồng thời, các tập sách còn cho
thấy Văn học Nam Bộ với những đặc trưng cố hữu gắn liền với nền tảng văn học Việt
vừa có những đặc điểm mới, tươi tắn, hiện đại, tràn đầy sinh khí. Có thể nói,
văn học Nam Bộ qua sự phác họa của nhà nghiên cứu họ Nguyễn đất Ninh Hòa cùng
nhiều nhà nghiên cứu khác, đã góp phần minh định cho bộ phận văn học giàu trữ
lượng, nhiều tiềm năng trong bối cảnh văn học hiện đại Việt Nam nói chung. Những
nỗ lực này rất cần thiết cho lớp người đương thời và hậu sinh mai sau có cơ hội
rà soát, bồi tụ và nuôi dưỡng tâm hồn mình, tạo đà phát triển văn học Nam Bộ
trong tương lại gần, cùng hiệp sức phát triển văn học quốc gia Việt Nam trong
thời đại mới.
Cũng vì vậy, PGS.TS. Nguyễn Công Lý không ngần ngại khi đề xuất
vị trí xứng đáng dành cho văn học Nam Bộ trong sách giáo khoa: “Đã đến lúc cần
khẳng định văn học miền Nam, đặc biệt là dòng “văn chương tranh đấu ở đô thị”
là một bộ phận không thể tách rời của văn học dân tộc, cần phải đưa vào bộ văn
học sử với một vị trí xứng đáng và với những nhận định đánh giá đúng mức về bộ
phận văn học này, cũng có thể đưa vào sách giáo khoa vài sáng tác tiêu biểu để
giúp cho lớp trẻ thấu hiểu tiếng nói yêu nước hào hùng, thiết tha của con người
ở vùng đất miền Nam “gian lao mà anh dũng”” (tr.253).
Đó là tấm lòng trượng nghĩa, và nhiệt thành đối với văn học Nam bộ!.
Chú thích:
[*] Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, 2022
(1) Văn Bảy (thực hiện, 24.2.2015). PGS.TS Võ Văn Nhơn nói về văn học Nam Bộ: Viết như một phản ứng của lòng tự trọng dân tộc. Báo Thể thao & Văn hóa Xuân Ất Mùi. Nguồn: https://thethaovanhoa.vn/.
(2) Đoàn Lê Giang (2011). Văn học Nam Bộ 1932-1945
– một cái nhìn toàn cảnh. Tạp chí Nghiên cứu văn học số 12 – 2011,
tr.19-33.
(3) Hà Thanh Vân (2009). Tiểu thuyết quốc ngữ Nam bộ
cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX trong mối tương quan với tiểu thuyết các nước
Đông Nam Á. Tạp chí Khoa học Xã hội số 01 (125), tr.60 (54-62).
(4) Đoàn Lê Giang (2011). Văn học Nam Bộ
1932-1945 – một cái nhìn toàn cảnh. Tạp chí Nghiên cứu văn học số 12 –
2011, tr.19 (19-33).
(5) Nguyễn Thị Thanh Xuân (2019). Chữ Quốc ngữ, báo
chí, công chúng và văn học Nam Bộ đầu thế kỷ XX. Nhiều tác giả
(2019). Vượt qua những ranh giới của văn chương (Văn học so sánh và
hướng nghiên cứu liên ngành). TPHCM: Nxb. Văn hóa-Văn nghệ, tr.161-162.
(6) Phan Mạnh Hùng (2016). Nghệ thuật tự sự trong
tiểu thuyết Nam Bộ trước 1932. TPHCM: Nxb. Đại học Quốc gia, tr.63-64.
(7) Văn Bảy (thực hiện, 24.2.2015). PGS.TS Võ Văn Nhơn nói về văn học Nam Bộ: Viết như một phản ứng của lòng tự trọng dân tộc. Báo Thể thao & Văn hóa Xuân Ất Mùi. Nguồn: https://thethaovanhoa.vn/.
(8) Trần Bảo Định (14.2.2022). Những tấm lòng đáng trân quý với văn học Nam Bộ. Nguồn: https://vanhocsaigon.com/.
Dựa theo công trình: Võ Văn Nhơn, Nguyễn Thị Thanh Xuân, Lê
Thụy Tường Vi, Phan Mạnh Hùng, Nguyễn Thị Phương Thúy (2021). Văn học Nam bộ
1945-1954. TPHCM: Nxb. Tổng hợp, tr.47-48 & 63.
(9) Bùi Thanh Truyền (29.10.2019). Văn nhân xứ Quảng ở Sài Gòn. Nguồn: https://vanhocsaigon.com/.
Tài liệu tham khảo:
1. Đoàn Lê Giang (2011). Văn học Nam Bộ 1932-1945 – một
cái nhìn toàn cảnh. Tạp chí Nghiên cứu văn học số 12 – 2011, tr.19-33.
2. Phan Mạnh Hùng (2016). Nghệ thuật tự sự trong tiểu
thuyết Nam Bộ trước 1932. TPHCM: Nxb. Đại học Quốc gia.
3. Nguyễn Công Lý (2022). Mấy tác giả văn học hiện đại ở
Nam Bộ – Đôi điều ghi nhận. TPHCM: Nxb. Đại học Quốc gia.
4. Võ Văn Nhơn (chủ biên), Nguyễn Thị Thanh Xuân, Lê Thụy Tường
Vi, Phan Mạnh Hùng, Nguyễn Thị Phương Thúy (2021). Văn học Nam Bộ
1945-1954. TPHCM: Nxb. Tổng hợp.
5. Hà Thanh Vân (2009). Tiểu thuyết quốc ngữ Nam Bộ cuối
thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX trong mối tương quan với tiểu thuyết các nước Đông Nam
Á. Tạp chí Khoa học Xã hội số 01 (125), tr.54-62.
6. Nguyễn Thị Thanh Xuân (2019). Chữ Quốc ngữ, báo chí, công
chúng và văn học Nam Bộ đầu thế kỷ XX. Nhiều tác giả (2019). Vượt qua những
ranh giới của văn chương (Văn học so sánh và hướng nghiên cứu liên ngành).
TPHCM: Nxb. Văn hóa-Văn nghệ.
Website
– Văn Bảy (thực hiện, 24.2.2015). PGS.TS Võ Văn Nhơn nói về văn học Nam Bộ: Viết như một phản ứng của lòng tự trọng dân tộc. Báo Thể thao & Văn hóa Xuân Ất Mùi. Nguồn: https://thethaovanhoa.vn/.
-Trần Bảo Định (14.2.2022). Những tấm lòng đáng trân quý với văn học Nam Bộ. Nguồn: https://vanhocsaigon.com/.
– Bùi Thanh Truyền (29.10.2019). Văn nhân xứ Quảng ở Sài Gòn. Nguồn: https://vanhocsaigon.com/.
5/2/2023
Trần Bảo Định
Theo https://vanvn.vn/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét