Trần Nhân Tông: Hoàng đế, Thiền sư và thi sĩ
Phật hoàng Trần Nhân Tông (1258 – 1308): người anh
hùng đã lãnh đạo toàn dân hai lần kháng Nguyên thắng lợi (1285 và 1288), người
sáng lập Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử – đỉnh cao tư tưởng của Thiền học Việt Nam,
một thi sĩ đặc sắc của văn học giai đoạn Lý – Trần.
Nhìn lại lịch sử mười thế kỷ của chế độ quân chủ trung ương tập
quyền Việt Nam, có thể mạnh dạn khẳng định rằng, thời đại Lý – Trần là thời đại
phát triển rực rỡ nhất với những chiến công chống ngoại xâm vô cùng oanh liệt
và những thành tựu to lớn về chính trị, xã hội, văn hóa, kinh tế. Điều đáng nói
nữa ở thời đại này là một dấu ấn tinh thần đặc thù in đậm trong lịch sử, một thứ
dấu ấn tinh thần rất khó gặp lại ở các giai đoạn sau cho dẫu trình độ văn minh
phát triển ngày càng cao hơn.
Dấu ấn tinh thần ấy thể hiện ở hình ảnh của những con người tràn đầy tự tin, hào hùng, phóng khoáng. Có khi, rất nhiều con người hợp thành trong một con người: là hoàng đế, là anh hùng cứu nước, là triết gia, là thiền sư, là thi sĩ… Đạt tới độ điển hình cho kiểu con người như vậy, không ai khác, chính là Phật hoàng Trần Nhân Tông (1258 – 1308): người anh hùng đã lãnh đạo toàn dân hai lần kháng Nguyên thắng lợi (1285 và 1288), người sáng lập Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử – đỉnh cao tư tưởng của Thiền học Việt Nam, một thi sĩ đặc sắc của văn học giai đoạn Lý – Trần.
Theo “Toàn Việt thi lục”, “Thánh đăng ngữ lục” và “Lịch triều
hiến chương loại chí”, trước tác của Trần Nhân Tông bao gồm: “Trần Nhân Tông
thi tập”, “Đại hương hải ấn thi tập”, “Thiền lâm thiết chủy ngữ lục”, “Tăng già
toái sự”, “Thạch thất mị ngữ” và “Trung hưng thực lục”. Tuy vậy, hiện chỉ còn
tìm thấy của ông 31 bài thơ, một bài minh, một bài tán và hai bài văn nôm biền
ngẫu. Về thơ, từ 31 tác phẩm còn lại có thể nhìn ra ở Nhân Tông hoàng đế hai cảm
hứng cơ bản, tương ứng với hai mảng đề tài: thế sự và Thiền. Mảng thơ Thiền của
Trần Nhân Tông chính là một đặc phẩm, không phải chỉ của riêng Trần Nhân Tông,
mà là của thi ca Việt Nam trung đại nói chung.
Trước hết, ta hãy thử đọc một bài tuyệt thi có tựa “Xuân cảnh”:
Dương liễu hoa thâm điểu ngữ trì
Họa đường thiềm ảnh mộ vân phi
Khách lai bất vấn nhân gian sự
Cộng ỷ lan can khán thúy vi
Dịch thơ:
Chim nhẩn nha kêu, liễu trổ dày
Thềm hoa chiều rợp bóng mây bay
Khách vào chẳng hỏi chuyện nhân thế
Cùng tựa lan can nhìn núi mây
(“Cảnh xuân” – Nguyễn Huệ Chi dịch)
Hai câu đầu của bài thơ trình ra kết quả tri giác cụ thể của
con người trước thế giới: cái nghe (điểu ngữ trì – chim hót chậm
rãi), và cái nhìn (mộ vân phi – mây chiều lướt bay). Con người ở đây có thể
là chính tác giả, nhưng do sự tỉnh lược chủ ngữ trong câu, đó cũng có thể là
“không ai cả”: thiên nhiên tự phô diễn vẻ đẹp của chính mình theo trục thời
gian, một cách “tự nhiên nhi nhiên”. Trên dòng trôi chảy ấy, “khách” xuất hiện,
một sự xuất hiện trong im lặng (bất vấn – không hỏi) và hòa đồng (cộng ỷ – cùng
dựa vào) tuyệt đối vào cảnh vật.
Cuối bài thơ, màu xanh biếc (thúy vi) của thiên nhiên mùa
xuân bao trùm lên tất cả, cũng giống như cái tâm Thiền an lạc đang tràn ngập hồn
người. Chỉ miêu tả chứ không diễn giảng, bài thơ đã “chừa chỗ” cho người đọc cộng
hưởng với khoảnh khắc “vong ngã” của tác giả trước vẻ đẹp ngất ngây của thế giới…
Có thể nói, “Xuân cảnh” là bài thơ khá tiêu biểu cho phong cách thơ Thiền của
Phật hoàng Trần Nhân Tông. Nó không trực tiếp hoặc gián tiếp thuyết giảng về yếu
chỉ Thiền tông (như thường thấy ở những bài kệ của các thiền sư), mà nó thiên về
bày tỏ cảm xúc Thiền của con người đạt đạo trước cái đẹp của thiên nhiên, con
người, cuộc sống.
Thuộc về phong cách thơ Thiền Trần Nhân Tông như bài “Xuân cảnh”,
có thể kể đến bài thơ có tựa “Nguyệt”:
Bán song đăng ảnh mãn sàng thư
Lộ trích thu đình dạ khí hư
Thụy khởi châm thanh vô mịch xứ
Mộc tê hoa thượng nguyệt lai sơ
Dịch thơ:
Đèn song chếch bóng, sách đầy giường
Đêm vắng sân thu lác đác sương
Thức dậy tiếng chày đâu chẳng biết
Trên cành hoa quế nguyệt lồng gương”
(“Trăng” – Đào Phương Bình dịch)
Không gian được phác lên trong bài thơ là một không gian bao
la khoáng đạt, trong trẻo và lặng lẽ, đặc trưng cho cái “không” của thiền. Thời
gian ở đây là thời gian ban đêm, mùa thu – thời điểm thuận lợi cho sự bừng ngộ,
khi cái tâm của con người được lắng đọng và gạt bỏ đi lớp màn bụi bặm vô minh
che phủ thường ngày. Trong cái không – thời gian ấy, con người tỉnh giấc (thụy
khởi) với dư vang của tiếng chày nện vải (châm thanh). Tiếng chày không phải là
thực tại – nói đúng hơn thì nó đã từng là thực tại – nó bị không gian “nuốt chửng”,
và vì thế mà không gian trống không lại càng trở nên vô tận. Từ cái “tĩnh” mà
cái “động” sinh ra: hình ảnh ánh trăng vừa ghé đến bên bông hoa hé nở giữa đêm
khuya vừa là hình ảnh thực, vừa như một ẩn dụ về sự bừng sáng của trí tuệ giữa
khoảng không bao la của vũ trụ – tâm hồn.
Ta bắt gặp một lần nữa ánh trăng, nhưng lần này là trăng
xuân, trong thơ của Trần Nhân Tông qua bài luật thi có nhan đề “Đăng Bảo Đài
sơn”:
Ngày qua, xuân chửa nồng
Gần xa, mây núi ngất
Nắng rợp, ngõ hoa lồng
Muôn việc nước trôi nước
Trăm năm lòng như lòng
Tựa hiên, nâng sáo ngọc
Đầy ngực ánh trăng trong
(“Lên núi Bảo Đài” – Ngô Tất Tố dịch)
Cảnh núi Bảo Đài qua cái nhìn của tác giả tuy u tịch nhưng vẫn
mang nét đẹp nên thơ sinh động, cái sinh động bởi có sự chuyển động: ngọn núi
phủ mây thì khi xa khi gần, con đường hoa thì nửa sáng nửa tối (Vân sơn tương
viễn cận/ Hoa kính bán tình âm). Thế nhưng, con người trong cảnh lại thường tại,
an nhiên, dường như không hề bị biến đổi theo sự biến đổi của ngoại cảnh (Bách
niên tâm ngữ tâm – trăm năm lòng nói với lòng). Con người ấy, ở hai câu kết của
bài thơ, đã tan hòa trong ánh trăng tràn ngập không gian, lặng lẽ mà dào dạt vô
biên. Nếu căn cứ trên cú pháp của câu thơ (Minh nguyệt mãn hung khâm – trăng
sáng rọi đầy cả ngực, bụng), ta sẽ thấy trong bối cảnh này trăng mới chính là
chủ thể: trăng chủ động bao phủ lấy người, tắm gội cho người bằng ánh sáng
trong trẻo của nó. Thiền vị của bài thơ, có thể nói, toát ra từ chính sự
giao hòa tự nhiên giữa người và cảnh.
Trong một vài trường hợp, thơ Thiền của Phật hoàng Trần Nhân
Tông lại là sự bày tỏ trạng thái tinh thần, tâm tư, hoặc nhận thức của một con
người đã giác ngộ chân lí. Ông hướng tới việc miêu tả sự vi diệu của thế giới
bên trong hơn là quan tâm đến sự phong phú sống động của thế giới hình sắc tồn
tại khách quan bên ngoài. Hai bài thơ cùng mang nhan đề “Sơn phòng mạn hứng” có
thể được xem là một ví dụ:
Bài 1:
Ai trói buộc chi, tìm giải thoát?
Khác phàm đâu phải kiếm thần tiên
Vượn nhàn, ngựa mỏi, ta già lão
Như trước, am mây chốn tọa thiền?
Bài 2:
Phải trái rụng theo hoa buổi sớm
Lợi danh lạnh với trận mưa đêm
Hoa tàn, mưa tạnh, non im ắng
Xuân cỗi còn dư một tiếng chim”
(“Mạn hứng ở sơn phòng” – Đỗ Văn Hỷ dịch)
Dưới dạng những câu hỏi phản biện, qua hai câu đầu của bài
thơ thứ nhất, tác giả đã thể hiện một quan điểm phá chấp triệt để – phá cái chấp
vào Phật và cái chấp vào giải thoát, hướng tới sự giải phóng hoàn toàn cho cá
nhân. Thật ra, đây là một quan điểm đã trở thành “truyền thống”, mang nét đặc
trưng cho tinh thần khai phóng của Thiền học Việt Nam thời Lý – Trần. Nhưng ở
Trần Nhân Tông, dường như cách diễn đạt của cùng một nội dung đã trở nên nhu
nhuyễn hơn, và dường như cách ông triển khai sự khế hội chân lí của mình cũng
khác. Có vẻ như ông gần với triết lí “pháp tự nhiên” (thuận theo tự nhiên) của
Lão Trang hơn. Điều đó thấy khá rõ ở bài thơ “Sơn phòng mạn hứng” thứ hai.
Trần Nhân Tông nói đến hoa buổi sớm (triêu hoa), trận mưa đêm
(dạ vũ), và những yếu tố thuộc về tự nhiên này, với ông, đã trở thành vật quy
chiếu cho những yếu tố thuộc về con người: sự biện biệt cái đúng cái sai (thị
phi niệm), suy nghĩ về danh và lợi (danh lợi tâm). Khi hoa đã rụng hết, mưa đã
tạnh, núi đã trở nên vắng lặng, thì một tiếng chim báo hiệu mùa xuân sắp hết:
quy luật sinh diệt tất yếu của thế giới vô thường là như vậy, trên dòng chảy vô
thường đó, con người chỉ có thể đạt tới sự an lạc tự tại khi hiểu rõ chân tướng
của nó, thuận theo nó, như nước chảy mây trôi…
Trước tác của Phật hoàng Trần Nhân Tông còn lại đến nay không
nhiều, bộ phận thơ ca nói chung và thơ ca mang cảm xúc, cảm hứng Thiền trong đó
lại càng ít hơn nữa. Nhưng, đó là cái ít vô cùng cần thiết để hiểu cho rõ và
cho đủ về một nhân cách văn hóa vĩ đại trong lịch sử dân tộc. Qua một góc nhỏ
thơ Thiền, ông đã neo lại, và neo lại được trên dòng nước bạc thời gian hình ảnh
một con người đạt đạo, một con người vượt khỏi cái chấp vào Không hay Có để nhập
vào cuộc sống bình dị và có ý nghĩa trong “cuộc đời này”, một con người tu dưỡng
cái tâm hài hòa cùng mạch sống của dân tộc: ăn, ngủ, làm việc đời, đánh giặc cứu
nước, vinh danh nước Đại Việt vào thiên cổ.
11/2/2023
Hoài Nam
Theo https://vanvn.vn/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét