Tự câu hát vang lên
Khi câu ca đã cất lên, tôi cảm thấy nó có quyền được tồn tại và thăng hoa, bất kể ý nghĩa dịch vụ mưu sinh, bất kỳ chủ khách ngôi thứ. Như là bay lên cho chính nó, vì chính nó.
Chẳng hiểu thế nào mà trong ồn ào quán xá, vẫn nghe tiếng hát
các liền anh liền chị vang lên, đẹp, trẻ, và nao lòng đến vậy! Đấy là khi tôi
ngồi quay lưng lại giữa nhà hàng đông đúc hàng trăm khách ngày đầu xuân lễ lạt,
mấy chục bàn ăn, nhân viên tíu tít như mắc cửi, thôi thì ong ong như ngoài chợ.
Bài quan họ cất lên từ một mâm gần đó, mời trầu, mời rượu, mời đón những mến
thương, níu kéo… Bao thiết tha dậy lên, không cho lòng người yên một nỗi niềm
hoài cổ xưa cũ vốn chưa hề nguôi ngoai.
Mọi người vẫn hay bảo nhau, đẹp gì, hay gì cái cảnh những người
đứng hát góp vui tiệc rượu, đám mừng, dù là cưới xin, hay khao thọ, hoặc dịp
liên hoan trong hội nghị, hội trường, trong khi đối diện là đám người ăn uống
nhồm nhoàm, chạm ly canh cách. Quả có thế, uống uống ăn ăn, rồi nói chuyện
riêng lào xà lào xào, thì có phần bất lịch sự, kém văn hóa đối với những người
đang “thổ tận can tràng” dâng cho mình những câu ca du dương, cho dù đó là hát
xướng dịch vụ, mình có bỏ tiền ra thuê người ta đi chăng nữa.
Tôi cũng nghĩ thế. Nhưng trong một khoảnh khắc, tôi được quên
đi cái sự bất hợp lý hợp tình này, để mà vẫn đặt những câu hát trong chốn xô bồ,
nhưng lắng nghe ra chút dư vị gì đó bâng khuâng, ngùi ngùi, thương thương, xót
xót khi những chất giọng đẹp, những tâm hồn đẹp đương hồn nhiên “len lỏi” vào
cuộc mưu sinh vốn không hề dễ dàng với riêng ai.
Và lúc đó, cũng như nhiều lúc khác khi câu ca đã cất lên, tôi
cảm thấy nó có quyền được tồn tại và thăng hoa, bất kể ý nghĩa dịch vụ mưu
sinh, bất kỳ chủ khách ngôi thứ. Như là bay lên cho chính nó, vì chính nó. Như
là dù không phải trong cuộc rượu nhà hàng này, hay là chính thế, thì tiếng hát
vẫn có thể hiện diện để nhắc nhở ta về cái đẹp. Như là, dù hết ca phục vụ ở nơi
này, các liền anh liền chị “của tôi” lại điện thoại nhoay nhoáy, lại gói gọn những
khăn áo là lượt vào đáy ba lô mà quần bò xe máy phi veo veo ngoài đường, về nghỉ
ngơi hay lại “chạy sô” ca mới ở hàng quán, hội hè khác, thì vượt qua hết những
nhiêu khê rườm rà chật vật đời thường ấy, tiếng hát của chính họ vẫn lấp lánh gọi
mời với cái lý riêng của nó.
Tôi đã nhiều lần nghe những khúc ca quan họ trong những bối cảnh
cũng hao hao nhau như vậy. Ngoại trừ những lúc cơm nước cỗ bàn quan họ đã xong
xuôi, chủ khách uống trà thong dong rồi nhẹ nhàng mà vào một cuộc hát mô phỏng
canh quan họ xưa, thì ở miền quan họ trong cái thời đổi mới, tân tiến này, có mấy
khi tiếng hát vang lên mà bốn xung quanh giữ được không gian yên ắng. Nào là
lúc quan họ hát dưới thuyền, quan họ hát trên đồi, ngay cả hát trong hội trường
đông đảo quan khách đi chăng nữa, thì rất nhiều khi, người nghe chen chúc,
nhoài ra, len vào, dừng lại, đi tiếp, đứng, ngồi quanh quanh những bàn ghế lai
rai ăn vặt quanh đấy, hoặc cũng là chạy ra chạy vô, nhí nhoáy điện thoại, bàn bạc
công tư… Nhưng tiếng ca vẫn vang vọng, mạnh khỏe, thiết tha, và còn như ngầm ẩn
một niềm kiêu hãnh của những con người ca hát, những bậc linh thiêng tương truyền
đã tạo ra câu hát.
Dù khi câu hát lan tỏa giữa ngày hôm nay nhiều bận rộn cuộn
xoay thì mỗi ai biết đón lấy, sẽ nhận được. (Ảnh: Báo Chính phủ)
Thần thoại nước ngoài kể chuyện các nàng tiên nghệ thuật, mỗi
cô bảo trợ, truyền dạy một môn, như là ca hát, mỹ thuật, diễn kịch, sáng tác
văn học… Đời sống văn nghệ dân gian của ta cũng tương truyền những truyền thuyết
về nàng công chúa thuở ấy, cô tiên ngày xưa dạy dân hát ca cùng với những nghề
trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt vải, gieo lúa làm nông… Để giữa những tháng ngày
mồ hôi thánh thót ruộng vườn hay đường xa chạy chợ, thì lúc ngơi tay câu hát lại
ngân nga đưa người ta vào niềm mê say của niềm yêu thương, nhung nhớ, hẹn hò.
Và rộng ra hơn là tấm lòng người ta quấn quyện vào với nỗi thương quê nhớ đất,
trân quý mái đình, gốc đa, cây đề, cây gạo, mến yêu cảnh chùa, những núi cùng
sông, những loan cùng phượng, những phong thư gửi nhạn, xuân chơi cỏ, hạ tắm
sông…, cả một không gian thiên nhiên và cảnh quan đời sống thôn làng đằm thắm,
cả một thời gian văn hóa dài lâu. Khi câu hát vang lên, vọng về trong ta cả một
miền thăm thẳm như thế, đầy vơi, nôn nao, bâng khuâng vắng xa, cận kề gần gụi.
Tôi đi xe trên Quốc lộ 1 cũ về phía hội Lim, qua làng Lộ Bao
đã nghe tiếng hát cất lên từ hồ nước. Qua làng Duệ Đông, hướng về đình Lim, đi
vòng quanh núi Lim xưa theo những con đường nhỏ dẫn về Lũng Giang, Lũng Sơn…,
những làng quan họ cổ, đâu cũng dừng lại đôi chút mà nghe tiếng hát. Thật như
là câu hát giã bạn “Bây giờ chia rẽ đôi nơi” vang lên níu giữ chân người
ta: “Bước đi một bước một dừng/Đường về đằng ấy xem chừng xa xa”. Nhưng
đấy là ca từ “xương sống”, còn để hát đầy đủ thì lời thêm, câu ca kéo ra, giai
điệu bổng trầm lưu luyến, vẽ ra cái cảnh bước bước lại dừng, nửa đi nửa ở thật
là “nao núng”:
“Bước đi một bước một dừng
để đường về tình chung, tình chung giăng là đằng ấy
để đường về tình chung, tình chung giăng là đằng ấy
xem chừng là chừng xa xa
tình tang tính tính tang tình là anh rằng Tư ơi
đương vui như thế này chúng em trở ra về
liệu có nhớ đến chúng em chăng
có nhớ… nhớ đến… em không”?
Bảo sao thuở trước, có khi đương quan họ sang thăm nhau, cùng
hát ca đối đáp. Hết canh làng này, còn nấn níu tiễn bạn, đưa về trên đường,
sang tận làng bên kia. Rồi lại ở lại bên đó mà ca hát tiếp. Đã “nhập” vào câu
hát, canh hát, vào gặp gỡ giao duyên thì giữa những người hát với nhau nhóm lên
những mối cảm tình quyến luyến. Và mến tính người thì yêu nết đất, thăm nom
nhau mà biết thương quý quê bạn.
Nhưng đấy là liên tưởng khi vừa đi vừa dừng vừa nghe hát
thôi, chứ đâu đã đến lúc “giở ra về”. Vẫn còn đang thả chân mượn đường đi tìm
những câu hát đây cơ mà! Quanh quanh những đồi gò, đồng nước, đường dài nhà cửa
cũ mới phố phường đang hiện đại hóa đông đúc, qua những làng xưa, các làng phố
hóa ghép nên đô thị, Bồ Sơn, Đọ Xá, Đương Xá, Đặng Xá, Thị Cầu…, đâu cũng có thể
nghe vẳng lên những câu ca mà chẳng cứ vào mùa hội mới có. Và chẳng vướng nữa
vào băn khoăn câu hát chốn đông người, câu hát giữa guồng sống hôm nay tất tả,
vội vàng, cứ có tiếng hát từ một hội làng nào đó, từ một ngôi nhà ai đó, là ta
được nghe.
Nhưng vẫn phải mở ngoặc một chút, là tiếng hát phải hay đấy
nhé, sẽ đưa những ca từ ôm chứa nội dung rất giàu hình ảnh đón đưa ta theo nhiều
những hình dung về cảnh về người, về những ân tình non nước, những cảm xúc quấn
bện người với nhau, người với đời sống làng mạc nơi có cảnh quan phóng khoáng,
có những nghề thủ công tài khéo, có món ăn thức uống phong lưu và lời ăn tiếng
nói nền nã, lịch duyệt. Tiếng hát hay, lời ca gợi cảnh gợi hình, gợi những ý
tình, có khi chỉ cất lên đó đây đôi câu, đã khiến ta dịu lòng, ta cảm động, rằng:
“Đến đây thì ở lại đây/Bao giờ bén rễ xanh cây hãy về”.
Rằng: “Sở cầu như ý/Sở nguyện tòng tâm/Nguyện trăm năm
duyên bén sắt cầm/Chén son để lưu hương mãi mãi/Để muôn đời từ cổ chí kim/Cả
đôi bên tâm đầu ý hợp/Chén rượu quỳnh một hớp nên say”.
Rằng: “Tìm người lên dãy hàng cau/Đến dãy hàng giầu chả
thấy người đâu/Tìm người lên dẫy hàng hương/Đến dãy hàng đường chả thấy người
đâu/Tìm người khắp chợ vùng quê/Tôi giở ra về nước mắt như mưa”…
Khi không thấy vang lên, tự trong lòng tôi đi tìm câu hát. Cả
một vùng đất lại dào dạt tràn về. Và biết bao lớp người hẹn gặp nhau để hát ca
khiến lòng tôi sau này nao nức. Vậy nên dù khi câu hát lan tỏa giữa ngày hôm
nay nhiều bận rộn cuộn xoay, từ trong những chen chúc mà không phải ai cũng để
tâm thưởng thức, thì mỗi ai biết đón lấy, sẽ nhận được.
Điều đó có gì hệ trọng không? Có khi, chỉ giản đơn chính là
câu hát, là hát cho đẹp, cho hay, hát cho thân thương, tự hào, kiêu hãnh. Tôi
nghĩ vậy. Và chắc mấy bạn trẻ – những liền chị liền anh xinh xắn hát trong nhà
hàng, như một công việc làm lụng cần cù, một cái nghề ca hát, cũng cho là như
thế!.
13/2/2023
Nguyễn Quang Hưng
Theo https://vanvn.vn/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét