Khơi lên ngọn khói chiều no ấm
Đường đê cong, dáng mẹ hao gầy/ Chân bám bùn trong chiều mưa gió/ Lại có ngày nắng như đổ lửa/ Mẹ trở về từng bước liêu xiêu/ Mẹ trở về bên mái nhà hoen rêu/ Khơi lên ngọn khói chiều no ấm/ Khơi lên cả những gừng cay, muối mặn/ Cho ta bớt nông nổi, dại khờ…
BÀI CA SÔNG MƠ
Trên sông Mơ (1) ngày ấy
Mẹ ta bán tuổi mình
Theo nhịp triều lên xuống
Bữa nay đi tìm con dắt
Bữa mai tìm con ngao
Bữa kia nữa gom lá làm củi đốt
Làm nên bữa cơm nhà nghèo…
Đường đê cong, dáng mẹ hao gầy
Chân bám bùn trong chiều mưa gió
Lại có ngày nắng như đổ lửa
Mẹ trở về từng bước liêu xiêu
Mẹ trở về bên mái nhà hoen rêu
Khơi lên ngọn khói chiều no ấm
Khơi lên cả những gừng cay, muối mặn
Cho ta bớt nông nổi, dại khờ…
Mẹ ta giờ không còn ra sông Mơ
Mặc nhịp triều hối hả
Mặc rừng đưng, rừng mắm
Vẫn cứ xanh nõn nà
Phải rồi. Phải rồi
Mẹ ta nay đã già
Làm sao cất bước đường xa!
Ôi con sông có phải là định mệnh
Ta nhờ sông mà lớn lên
Nhờ sông mà rong ruổi
Chạy theo mơ ước hão huyền
Còn ước mơ của mẹ
Đã gửi lại dòng sông cùng tên!
Chiều nay sao mắt ta mằn mặn
Như không còn cách trở xa xôi
Lòng dâng bao nỗi xao xác
Lẳng lặng nhớ sông mà quay quắt thương người
Ta hết thời non dại
Những bước chân líu ríu ngã vào chiều
Sông Mơ ơi!
CÂU CHUYỆN NHỎ CỦA TÔI
Khi tôi chuyển nhà về phía Đông thành phố
Nhiều người hay tin, lắc đầu. Xa quá
– Chỉ tổ tốn tiền mua thêm đường!
Những ngày sau đi làm
Ngỡ ngàng trông thấy đàn bò
Đang thung thăng gặm cỏ
Không dưng làm tôi nhớ
Lời ca của người quá cố
Ca rằng:
“Đàn bò vào thành phố
Reo buồn tiếng hạt chuông”(2)
Rồi một hôm
Tôi trông thấy một chú dê đi lạc
Trên đường cao tốc
Xe cộ đông đúc
Chú đi ngược đường
Chuyện gì sẽ xảy ra phía trước?
Tôi tự hỏi mà trái tim run lên!
Một hôm khác
Tôi gặp người đàn bà điên
Áo quần xộc xệch
Chị đi mải miết
Trong sự tất bật của buổi sáng
Trong sự tất bật của những người tỉnh táo
Rồi lướt qua nhau
Trên con đường tôi đi làm
Còn có một ao sen
Tôi những muốn vỡ òa
Khi bắt gặp vô vàn chiếc nụ
Bừng lên như những ngọn đèn
Rồi gần đây
Vào đêm mười sáu
Trên đường trở về nhà
Tôi ngỡ ngàng nhận ra
Vầng trăng trước mặt!
Vòi vọi mà thân thuộc
Trăng vàng như thể đang cười…
Ở phía Đông thành phố
Tôi trở thành trẻ nhỏ
Lòng rộn ràng reo vui
Xúc cảm này tôi không muốn thưa với ai…
Tranh của họa sĩ Nguyễn Lương Sáng
DƯỚI NHỮNG HÀNG CÂY BI PHẪN
Sao tôi thấy xung quanh mình
Ngút ngàn những hàng cây bi phẫn
Trên đại lộ thênh thênh
Đàn chim không còn về nữa
Cây bi phẫn mọc lên từ đâu?
Cây mọc từ áp bức
Từ rất nhiều nước mắt
Từ những lặng im không thể cất lời
Cây sống bằng gì?
Bằng sự lạnh lùng
Bằng sự thờ ơ
Sự phản trắc nuôi cây lớn
Rồi đơm trái
Lúc lỉu những bạo tàn
Không thể truy vấn về nguồn gốc
Về kẻ đã trồng lên những cây độc
Mỗi ngày một tốt tươi
Dưới những hàng cây bi phẫn
Tôi thấy có nhiều người chết ngột
Bởi không thể cất lời
Như ngư dân vĩnh viễn nằm dưới đáy biển khơi
Như cậu học trò uống thuốc trừ sâu tự vẫn
…
Rất nhiều người sống mà như chết rồi!
Cũng có thể mai này
Tôi tiếp tục là người nằm xuống
Để những hàng cây bi phẫn
Che phủ lên mộ bia
Khước từ một tôi từng sống.
NHỮNG LỜI CHƯA NÓI
Những giọt nước mắt
Không bến không bờ
Một mai mốt nọ
Bay vào hư vô
Những lời chưa nói
Không được cất lên
Lời rơi xuống vực
Mãi không có tên
Giữa đường gãy cánh
Giấc mơ thôi bay
Ảo vọng ngày cũ
Chìm theo cơn say
Tôi chừng đang sống
Mà khóc như cười
Nói chẳng bằng nín
Để những âm trôi
Cúi đầu câm lặng
Tôi mặc niệm tôi!
VÀ NHƯ THẾ, BAN MAI
Anh bất ngờ nghe được tiếng chim
Từ nhà hàng xóm vọng sang, em ạ
Phút chốc anh thấy mình nghẹt thở
Nghi hoặc đôi tai mình
Bởi từ lâu chúng ta không còn nhắc về ban mai
Khi tự xếp mình trong những chiếc hộp ngột ngạt
Không một tiếng gió
Không cả những tia nắng
Những ban mai trở nên xa vắng
Thăm thẳm ở chốn nào
Chúng ta thường nói với nhau về buổi sáng
Về thời gian chúng ta ra khỏi nhà
khóa cổng
lên xe…
Chúng ta nhập vào đoàn người vội vã
Rồng rắn kéo nhau vào phố
Ấm ức bởi những va chạm
khói bụi
chen lấn…
Những buổi sáng không đẹp và không buồn
Chúng ta trở thành loài kiến
Cun cút
Nhẫn nại
Cho đến khi tâm hồn xước xác
Mà không biết!
Vậy nên sáng nay
Anh đã không thể tin vào đôi tai mình
Có phải đó là những chú chim ngu ngốc
Bị nhốt trong lồng mà vẫn miệt mài hót?
Thôi em
Nếu không có tiếng chim
Biết đâu những ban mai của mình đã chết!
HỒ HUY SƠN
_____________________
(1) Còn gọi là Mai Giang. Theo sử sách, từ thế kỷ thứ
10, Lê Hoàn cho đào kênh Mai Giang nối ba cửa lạch: Cờn – Quèn – Thơi (thuộc
vùng Quỳnh Lưu, Nghệ An); sông Mơ đã hình thành như vậy.
(2) Từ bài hát Du mục của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
9/2/2023
Hồ Huy Sơn
Theo https://vanvn.vn/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét