Hà Nội mùa hoa tím
Trời Hà Nội càng trong xanh,
màu bằng lăng tím càng da diết, càng vấn vương. Nhìn vào sắc tím ấy, mỗi người
sẽ nhớ lại những kỷ niệm của riêng mình.
Tháng 5, mỗi con đường ở Hà
Nội đều được tô điểm bởi những tán ô hoa nhiều màu sắc. Đó là màu đỏ của phượng
vĩ và màu tím của bằng lăng. Dưới cái nắng hè chói chang, hai loài hoa mùa hạ
này cùng đua nhau khoe sắc. Tôi đặc biệt yêu thích những con đường Hà Nội tím
ngắt hoa bằng lăng. Cứ vào đầu Hạ, cái sắc tím dịu dàng và gợi cảm của những
cánh bằng lăng nở bất chợt luôn để lại trong tôi sự ngỡ ngàng trước vẻ đẹp thầm
kín ấy.
Như hoa sim, hoa mua… hoa bằng
lăng cùng mang sắc tím, một màu tím làm nao lòng người, màu tím gắn liền với
câu chuyện về một tuổi thơ tím.
“Chuyện cô bé học trò ngày
ngày đi học dưới tán hoa bằng lăng trắng muốt. Chiều nào cũng vậy, trên đường về
bé luôn đón nhặt những cánh hoa rơi trên vai áo, vương trên tóc bé. Rồi một
hôm, bé làm rớt giọt mực tím xuống hoa. Từ dạo ấy, màu trắng tinh khôi của bằng
lăng chuyển sang màu tím học trò, màu tím thuỷ chung…”.
Trên những con đường của Hà
Nội, bằng lăng có ở khắp mọi nơi. Bằng lăng tím bên bờ Hồ Gươm thơ mộng, bên những
con đường nhỏ của 36 phố phường xưa, hoà sắc cùng phượng vĩ trong công viên với
bao hoa cỏ khác hay một mình làm nên một khoảng trời dịu mát bên Đường Đại Cồ
Việt, trước Đại học Bách Khoa.. Cái màu tím da diết ấy sao mà nhiều thế, sao mà
thủy chung và đúng hẹn thế. Cùng với hoa phượng, bằng lăng đã để lại trong ký ức
tuổi học trò những kỷ niệm khó quên của thời cắp sách đến trường. Nhìn vào sắc
tím ấy, mỗi người sẽ nhớ lại những kỷ niệm của riêng mình, mong manh như sợi
khói tím.
Bằng lăng tím dễ thương đến
vậy nhưng sự xuất hiện và tồn tại của màu tím ấy thật ngắn. Nhà thơ Phan Cung
Việt có bài thơ Sắc tím để nói về màu tím của hoa bằng lăng thế này.
Tôi biết hoa phượng vĩ
Nở cùng hoa bằng lăng
Nhưng bằng lăng rụng trước
Màu tím thường khó khăn...
Đúng vậy, tuy cùng nhau khoe
sắc nhưng bằng lăng thường tàn trước hoa phượng chừng một tháng. Ta còn đang ngỡ
ngàng trước con đường Hà Nội tím sắc bằng lăng, trưa về trời như không buông nắng…
Còn những ai không để ý thì chỉ thấy đường hôm nay như có gì khác lạ với con đường
hôm qua mà rồi cũng chẳng biết giải thích vì sao. Đến một ngày nhận ra bằng
lăng, nhận ra một khung trời dịu dàng tím thơ ấy thì hoa bằng lăng đã đến độ
tàn phai. Những cánh hoa dần ngả sang màu tím nhạt và phủ đầy trên một con đường
qua. Lúc đó, ta mới tự trách mình sao không sớm cảm nhận để hòa tâm hồn cùng sắc
tím thiên nhiên, sắc tím của lòng người. Có lần tôi gặp mấy cô bé học trò mặc
áo dài trắng tinh khôi ngồi gom những cánh hoa rơi bên Hồ Tây rồi xếp thành tên
từng người, bức tranh đó thật đẹp, thật trong sáng, có mấy người nước ngoài đi
qua tranh thủ chụp hình.
Cứ mỗi lần tôi rảo bước trên
những con đường vương đầy hoa tím, những câu thơ thời học trò chẳng nhớ tên tác
giả cứ vang vọng:
Nắng gửi gì cho hoa bằng
lăng?
Mà đọng màu tím biếc
Cái màu mực năm nào tím thẫm
những
ngón tay...
Nắng gửi gì hoa cánh mỏng
bay bay
Phơn phớt tím màu sim tuổi
nhỏ
Khe khẽ nắng và xin đừng hỏi
gió
Em ngập ngừng trân trọng
cành phai!
Trong những buổi chiều tà êm
dịu, bằng lăng tím sẽ làm tâm hồn người Hà Nội thanh thản hơn nhưng cũng làm
con tim chợt nhói vì nhớ thương sắc màu tím ấy. Đi dưới tán bằng lăng dường như
ai cũng chậm hơn. Trời Hà Nội càng trong xanh, màu bằng lăng tím càng da diết,
càng vấn vương. Bằng lăng đã đi vào tâm hồn người Hà Nội sâu lắng đến vậy, một
sắc màu không thể thiếu trong muôn vàn hoa lá của đất trời Thủ đô.
Trên mọi miền của đất nước Việt
Nam, nơi đâu cũng có hoa bằng lăng, nhưng hoa bằng lăng Hà Nội có một vị trí
khác lạ. Cái sắc màu giản dị và trong sáng ấy đã tạo nên một Hà Nội tháng 5
thơ, đẹp dịu dàng. Hà Nội có những con đường tím, có những con đường lưu luyến
bâng khuâng. Nhưng con đường tím bằng lăng thuỷ chung ấy đã làm nên một Hà Nội
duyên dáng, tao nhã để lại vấn vương cho người Hà Nội và du khách bốn phương. Dẫu
đi xa, hẳn chẳng ai quên được sắc tím dịu dàng, thủy chung của Hà Nội.
Nồng Nàn Hà Nội - Nguyễn Đức Cường
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét