Thứ Tư, 16 tháng 11, 2016

3 bài thơ của Thu Phan phổ nhạc

3 bài thơ của Thu Phan phổ nhạc

Ngày không anh - Thu Phan
Ngày lá thôi còn xanh
Em thôi còn điểm phấn
Nhớ anh..
Hoa thôi còn thắm
Chim không buồn hót
Trời không buồn trong
Biển thôi lặng sóng
Anh...
Đường về xa lắm
Dáng em gầy guộc
Chiều buồn không anh?...
Nhớ...
Hàng phượng sân trường
Một thời áo trắng
Anh mãi tìm em...
Kỷ niệm gọi êm
Chiều xa đưa lại...
Mây buồn không bay
Nắng buồn không chiếu
Gió buồn không ru
Vắng anh,
Em buồn không nói.

Vũng Tàu 8/2008

Say duyên - Thu Phan
Em là hoa nở muộn
Anh là bướm đa tình,
Bướm vờn say duyên thắm
Hoa giật mình rung rinh
Tình hoa sao lặng lẽ
Hồn bướm sao rộn ràng,
Mây trời trôi nhè nhẹ
Thắm duyên hoa mơ màng…

Vũng Tàu 6/2008

Thuyền không đáy - Thu Phan
Tôi như con thuyền không đáy
Trôi nổi giữa dòng đời
Mặc cho gió gào sóng thét
Thuyền tôi cứ trôi đi
Trên biển đời bát ngát
Hành trang tôi có gì
Một con thuyền thủng đáy
Nhưng chẳng hề lung lay
Khi sóng dữ xô mạn thuyền
Rồi đua nhau chìm xuống đại dương
Thuyền tôi vẫn không chìm
Vì là con thuyền thủng đáy
Nước biển mặn chát
Đổ đầy thân tôi
Nhưng không làm chìm tôi
Vì tôi không có đáy
Thuyền tôi trôi mau
Giữa đêm thâu
Lạnh lẽo
Trong cái huyền ảo của màn đêm
Chỉ có ánh trăng khi mờ khi tỏ
Ở trên đầu
Soi đường dẫn lối
Biển dữ căm hờn tôi
Vì thuyền tôi không có đáy
Chúng đua nhau bỏ chạy
Chẳng dám đến gần tôi
Vì biết tôi không có đáy
Nên chẳng khi nao chìm xuống lòng biển sâu
Khi mặt trời ló dạng ở trên đầu
Biển trở nên câm lặng
Chẳng còn xô đẩy tôi
Và ánh ban mai vỗ về an ủi
Quanh mạn thuyền
Ánh sáng của niềm tin và hy vọng
Sẽ đưa tôi về một nơi ấy bình yên...

    TP. HCM  4/2014

Một vài cảm nhận “Ngày lá thôi còn xanh“ trong bài thơ “Ngày không anh“ của Thu Phan 
Ngày lá thôi còn xanh“, đó là câu mở đầu trong bài thơ Ngày không anh“ của Thu Phan. Bài thơ đánh dấu một sự gợi nhớ trong tình yêu lứa đôi tuổi học  trò, nay đã trở thành kỷ niệm. Trong tình yêu có khi là mật ngọt, có khi là đắng cay. Mật ngọt và đắng cay trong tình yêu nào chẳng có. Một thời để yêu và một thời để nhớ trong tình yêu đôi lứa của tuổi thanh xuân, nó đủ các vị đời: Mặn, ngọt, chua, cay, hạnh phúc và khổ đau. Thôi thì cũng đủ cả mọi thứ trên đời. Trong đời sống thường ngày có những gia vị gì thì trong tình yêu lứa đôi cũng đong đầy cả những thi vị đó.
Bài thơ “Ngày không anh“ của Thu Phan là một điệp khúc của tình yêu muôn thủa. “Ngày không anh" là một bài thơ hơi tản mạn, ngắt câu nhiều; nhưng hàm súc những tứ thơ thâm thúy, sắc xảo về một tình yêu trong sáng, đầy thơ mộng.
Bài thơ không đều đặn về từ ngữ trong từng câu khó cho việc viết nhạc nên tôi đành phải ghi lại thành bài thơ ngũ ngôn như bài Chùa Hương của thi sĩ Nguyễn Nhược Pháp. Tôi chia bài thơ thành 3 khổ, mỗi khổ 8 câu. Khổ đầu và cuối với giọng Re trưởng và khổ giữa Fa trưởng. Bài nhạc viết theo nhịp ¾. Tính chất bài nhạc là Maliconico - đa sầu, đa cảm.
Với 4 câu đầu trong khổ thơ thứ nhất: Ngày lá thôi còn xanh/ Em thôi còn điểm phấn/ Hoa thôi còn thua thắm/ Bao ngày em nhớ anh”. Mới ngày nào còn ở lứa tuổi ô môi, mà nay tưởng chừng như lá cây kia không còn xanh. Tình yêu, kỷ niệm xưa vẫn còn đó ngày nào. Chỉ có tình yêu mới tô điểm cho cuộc sống đáng sống. Ngày lá thôi còn xanh để phấn kem chẳng thèm để ý tới, để hoa kia kém xanh, để cho lòng em vời vợi nhớ thương anh. 4 câu tiếp theo cũng một giọng kể: Ngày lá thôi còn xanh/ Chim buồn thôi hót giọng/ Trời buồn không xanh trong/ Biển gào, không lặng sóng”. 
Tình yêu có một sức mạnh ghê gớm dường nào. Nguyễn Du trong truyện Kiều có câu thơ  hiểu được tâm sinh lý người ta, câu thơ hợp tình, hợp cảnh là vì vậy: “ Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Nên một khi vắng bóng tình yêu, tưởng chừng cũng là lúc chim kia ngừng giọng hót, trời vẫn một màu buồn ảm đạm và ngoài biển khơi dậy sóng như sóng trong lòng mình, của người mình yêu. Rồi đến 8 câu của khổ giữa thì tình yêu lắng đọng hơn, Thu Phan hình dung ngày cũ của một thời áo trắng sân trường, hoa phượng rực rỡ sắc màu đỏ thắm, nhớ dáng em gầy guộc xanh xao của tuổi học trò đam mê việc học hành, nào ai biết yêu đương là gì. Có chăng cũng chỉ là cảm tính, mến thương thôi một chút, nào ai có tình ý gì đâu?!. Ngày xưa, lối về nhà em xa xôi lắm, nhưng ai đó vẫn dõi theo bước chân em không ngại ngùng.
Ngày lá vẫn còn xanh/ Đường về xa xôi lắm/ Dáng em gầy guộc gầy/ Chiều buồn nhớ, nhớ anh/ Ngày lá hãy còn xanh/ Em một thời áo trắng/ Hàng phượng thắm sân trường/ Anh mãi tìm dư hương. Ngày lá vẫn..., rồi  “Ngày lá hãy...” khẳng định những gì cần nói của ngày xưa lứa tuổi học trò. Dù thời gian năm tháng trôi, những gì đã qua rồi, kỷ niệm xưa vẫn còn đó, hãy còn đó, chẳng chút tàn phai theo dòng thời gian.
Ngày nào lá thôi xanh/ Mây chiều buồn không bay/ Nắng chiều buồn sao chiếu/ Gió ru buồn thôi lay.” Với cảnh thiên nhiên mây, gió, nắng chiều cũng buồn lây rũ rượi. Mây không bay, nắng không chiếu, gió thôi lay động. Những hiện tượng vô tri, vô giác của đất trời cũng cảm hóa theo lòng người.
Rồi đến 4 câu cuối trong khổ thứ ba: Ngày không anh, vắng anh/ Lòng em buồn biết mấy/ Tình anh giờ chỉ là bóng/ Ngày lá thôi còn xanh. Mới hôm nào còn cái tuổi học đường đầy mơ mộng dễ thương, mà nay mỗi người mỗi ngả vì phương kế sinh nhai cuộc sống. Những sự đổi thay của sự đời, của tình yêu cũng biến chuyển theo tháng năm, theo dòng thời gian. Nay thật sự  vắng anh rồi, biết nói với ai, biết tâm sự  cùng ai hay chỉ một mình em với nỗi buồn da diết, một nỗi buồn nhớ đến anh thôi... Và tình anh giờ chỉ là chiếc bóng của ảo ảnh, của hư vô. Ngày ấy thật sự rồi là ngày Lá thôi  còn xanh
Bài thơ dễ thương, đầy những kỷ niệm xưa trong tình yêu lứa đôi như thiên ký sự của một cô bé ngày xưa của bài thơ “Chùa Hương” mà nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp miêu tả, có đoạn: Em cầu xin Trời Phật. Sao cho em lấy chàng. Rồi đoạn chú thích: (Thiên ký sự đến đây là hết. Tôi tin rồi hai người lấy nhau, vì không lấy được nhau thì cô bé còn viết nhiều. Lấy nhau rồi là hết chuyện). Còn trong “Ngày không anh“ của Thu Phan lại không như thế, vì Tình anh giờ chỉ là chiếc bóng/ Là ngày lá thôi còn xanh.
TP. Cam Ranh 21/5/2014
Triều Châu
Cái duyên trong bài thơ 
"Say duyên" ca Thu Phan  
Chữ “duyên” có nhiều từ ghép, và mỗi chữ gán ghép đó nói lên nhiều ý nghĩa khác nhau như: “Duyên số, duyên phận, duyên  kiếp, duyên tiền định, duyên con gái ” hay “Duyên tập, duyên tuyến, duyên  biên, duyên khách” hoặc như là ”Duyên mộc cầu ngư, duyên tài thụ chức...”. Theo tự điển Hán Việt của Nguyễn Văn Khôn thì chữ “Duyên” có nhiều nghĩa tùy theo: Kéo dài, dẫn đến, mời, rước, kịp thời hoặc bởi vì, noi theo, liên lạc....
Bài thơ ”Say duyên” của Thu Phan viết theo thể thơ ngũ ngôn, chỉ có 8 câu, mỗi câu câu 5 chữ thành ra chỉ vỏn vẹn có 40 chữ thôi, Song chừng ấy chữ, cũng nói lên được những điều mà tác giả muốn nói: Amoroso... Thu Phan muốn gởi gấm tâm sự của mình qua những vần thơ giàu nhạc điệu, đầy xúc cảm của một tâm trạng, của một tình yêu đôi lứa. Những hình ảnh ví von, mỹ miều đến dễ thương làm lay động lòng người: Hoa và bướm; bướm và hoa.
Mùa xuân là mùa đẹp nhất trong một năm. Nhưng nhắc đến mùa xuân mà quên hai biểu tượng bướm và hoa là điều thiếu sót lắm vậy. Hoa bướm tượng trưng và điểm tô cho những mùa xuân hy vọng.
Không giản đơn chút nào, nhạc sĩ tài hoa Nguyễn Văn Thương đã viết nên ca khúc bất hủ “Bướm hoa “ (lời của Kim Minh): ...Bướm bay, bướm bay, chàng đi tìm yêu... Muôn đóa hoa hàm tiếu lả lơi mỹ miều, trêu bướm đa tình...Vườn hồng hoa...nàng chưa hề yêu. Đời hoa thơ trinh....Bướm tình tứ ngắm hoa hồn say sóng xuân... Hoa hổ ngươi trên cành, nhưng vờ làm duyên... Hồn bướm mơ màng. Bướm là những lá thư....Bướm là những thiếu niên lòng khao khát yêu... Đời xuân trắng trong...". Hình ảnh bướm hoa trong ca khúc ấy thật dễ thương, đẹp đẽ biết dường nào!?
Nay trở về với “Say duyên” của Thu Phan, chúng ta lại bắt gặp biểu tượng bướm và hoa trong bài thơ ngay từ 4 câu đầu. Nào là hoa nở muộn, hoa giật mình khi có tiếng động đậy; rồi là bướm đa tình, bướm vờn say....Hình ảnh sinh động ấy đã điểm tô cho mùa xuân thêm sức sống mới, trang điểm cho bài thơ thêm lộng lẫy, yêu kiều vì có hoa, có bướm. Em chỉ là hoa thôi và anh cũng chỉ là bướm. Hoa và bướm là biểu tượng cho hai phái khác nhau giữa nữ và nam, giữa em và anh. Anh là bướm, còn em là loài hoa dại hay hoa thơm làm ngất ngây bao người nhân thế!. Không, em chỉ là hoa nở muộn, hoa giật mình rung rinh trong nắng gió, thế thôi: Em là hoa nở muộn/ Anh là bướm đa tình/ Bướm vờn say duyên thắm/ Hoa giật mình rung rinh”.
Bài thơ được viết tiếp bốn câu nữa là chấm hết. Và chắc có lẽ vừa trọn ý tứ của Thu Phan muốn gởi gắm những điều muốn nói vào bài thơ: Tình hoa sao lặng lẽ/ Hồn bướm sao rộn ràng/ Mây trời trôi nhè nhẹ/ Thắm duyên hoa mơ màng...”. Bài thơ hay thật, vừa ngắn gọn lại vừa xúc tích, vừa đẹp đẽ lại vừa lộng lẫy, nó hàm súc một tình yêu lứa đôi tuyệt đẹp, đầy sinh động, gây ấn tượng như một mùa xuân êm ả, chắc hẳn không bao giờ nhạt phai trong lòng mọi người.
“Tình hoa“, “Hồn bướm“ như một cặp song sinh tự bao đời. Nhưng tình hoa thì lặng lẽ, hồn bướm lại rộn ràng.    
Người ta thường nói Yêu nhau là cùng nhau hướng về một mục đích". Đúng vậy, trong bài thơ có lẽ bướm và hoa cũng rộn ràng, cũng lặng lẽ mà nhìn lên bầu trời xanh trong có những đám mây nhè nhẹ trôi bàng bạc đến một phương trời vô định nào. Tình yêu là thế đó!. Để rồi hoa mơ màng mà hình dung duyên thắm tình quê.
Bài thơ nếu chỉ 40 từ thì khó mà viết nên một ca khúc, nếu phổ nhạc được chỉ mới ½ bài thôi. Không lẽ không viết được một ca khúc từ bài thơ hay mà độc đáo này ư!. May quá, những chữ trong từng câu có thể biến chuyển được mà cũng bảo đảm và đủ ý nghĩa từ một bài thơ hay. Thế là tôi mạnh dạn làm công việc này trong cả ngày 20/5/2014. Tôi viết thêm 8 câu nữa theo kiểu đảo ngược từ ngữ cho phép, thành một bài nhạc có 16 câu.
Tôi viết thêm hai câu cuối để kết luận Bướm hoa duyên thắm rung rinh/ Tình hoa hồn bướm lặng thinh rộn ràng". Thành ra, trong cả bài thơ, tôi chỉ thêm có hai chữ lạ thôi ”lặng thinh” trong hai câu lục bát cuối viết theo nhịp 2/4. Toàn ca khúc được viết theo nhịp ¾ với tính chất bài nhạc: Amoroso và Amabile (về tình yêu - dễ thương).
Nhạc sĩ Phạm Đình Chương viết ca khúc "Đón xuân" có đoạn: "... Bướm say duyên lành/ thắm tô trời xuân..." cũng phần nào nói lên cái duyên trong bài thơ "Say duyên" của Thu Phan vậy.                                            
TP. Cam Ranh 20/5/2014
Triều Châu
Triều Châu
 Theo http://trieuchau1957.blogspot.com/














Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme

Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme Bạn đọc yêu thơ hẳn còn nhớ tới một trong những thi phẩm đầu tay của nhà thơ ...