Chủ Nhật, 13 tháng 11, 2016

Hõm sâu - Một vỉa ngời kỷ niệm long lanh

Hõm sâu - Một vỉa ngời kỷ niệm long lanh
Tâm sự của tác giả:
Tháng 9 năm 2012 Trường chuyên tỉnh Cao Bằng tròn 45 năm (9/1967 - 9/2012). Tiền thân của trường có tên gọi: Trường phổ thông cấp 3 Đặc Biệt Cao Bằng. Hồi ấy cả nước ta đang tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thật oanh liệt và hào hùng. Để tránh máy bay giặc ném bom, các cơ quan, trường học, bệnh viện… phải sơ tán sâu vào rừng núi. Trường cấp 3 Đặc Biệt hồi ấy sơ tán vào lũng sâu sau đồi Khau Gạm, thuộc xã Đức Long, huyện Hoà An.
Nhân dịp kỷ niệm 45 năm ngày thành lập Trường, là một học sinh cũ, tôi có bài tuỳ bút “Hõm sâu - Một vỉa ngời kỷ niệm long lanh”. Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11), Triệu Lam Châu xin trân trọng gửi bài tuỳ bút này tới các thầy cô giáo và bè bạn  gần xa…
Triệu Lam Châu
Hõm sâu
Một vỉa ngời kỷ niệm long lanh
(Tùy bút)
Không hiểu sao tôi cứ lẩn thẩn nghĩ rằng: Hõm sâu như là một chiếc khăn mù soa tuyệt đẹp của Bà mẹ Hoa (Đấng sáng tạo của muôn loài – trong tâm thức  người Tày) từ trên Mường trời bát ngát và linh thiêng thả xuống trần gian này. Lúc đầu chiếc khăn trời nhiệm màu ấy, long lanh một thứ ảnh sáng ảo huyền của Mường trời, cứ bồng bềnh chao liệng tháng ngày… Thế rồi vào một buổi chiều thu tuyệt đẹp và trong trẻo vô cùng, chiếc khăn thần kỳ ấy sẽ sàng đậu xuống phía sau đồi Khau Gạm và trải đều khắp thung lũng nhỏ một màu xanh quyến rũ của ngàn cây xao động lòng người từ thuở ấy đến hôm nay.
 Có lẽ đúng như vậy chăng, mà nguồn suối phát nguyên từ thung lũng nhỏ nhiệm màu ấy, trong trẻo và ngọt ngào vô cùng. Nó đã từng tưới mát cho những thửa ruộng bậc thang trong lũng ấy, để có những mùa vàng bội thu cho dân chúng. Nguồn suối trong lành vĩnh cửu ấy cũng chính là một cái nguồn bí ẩn (có thể gọi như vậy) nhiệm màu nuôi sống tâm hồn bao lớp người ở nơi đó từ thuở xa xưa đến hôm nay.
   Thế rồi mùa thu năm 1967 thung lũng chứa chan sắc màu huyền thoại ở sau đồi Khau Gạm ấy, đột nhiên được mang một cái tên nghe có vẻ hoang sơ mà bình dị là: Hõm sâu. Đấy là vào tháng 9 năm 1967 Lãnh đạo tỉnh Cao Bằng ban quyết định Thành lập Trường phổ thông cấp 3 Đặc Biệt Cao Bằng, đặt trong Hõm sâu (Ở sau đồi Khau Gạm, xã Đức Long, Huyện Hòa An, Cao Bằng).
   Ơn trời, thực ra là nhờ ơn Đảng và Nhà nước ta đã có tầm nhìn chiến lược đi trước thời đại hàng nửa thế kỷ, đã thành lập loại Trường Đặc Biệt như vậy – mà chúng tôi, những học trò thơ ngây buổi ấy, bây giờ mới được trưởng thành và có được sự cống hiến đáng tự hào cho đất nước như hôm nay.
   Và trong hình dung sáng láng của tôi, thì mỗi thành viên (gồm cả thầy và trò) của mái trường Đặc Biệt trong Hõm sâu thuở ấy – là những thực thể long lanh của Bà mẹ Hoa phái xuống từ Mường trời cao thẳm. Chính vì vậy một Vầng trong trẻo đến lạ kỳ bao trùm khắp cả Hõm sâu làm cho tâm hồn mỗi thành viên lúc nào cũng tinh khiết, thăng hoa và toả sáng những nét ngời tận cùng tuyệt đẹp. Đó là tình thầy trò trong sáng và  ấm cúng như ngọn lửa nồng. Đó là sự hăng say vô bờ bến của cả thầy và trò phấn đấu chiếm lĩnh những đỉnh cao khoa học của toàn nhân loại. Đó là hoài bão của tuổi trẻ vụt phóng lên như con tàu vũ trụ đầy huyền thoại mà anh hùng Gagarin, công dân Nga Xô Viết, nhà du hành vũ trụ đầu tiên của loài người, bay vào không gian bao la ngày 12 tháng 4 năm 1961…
    Hõm sâu, chính là một bệ phóng bình dị (và như thể đơn sơ nũa), nhưng sao mà diệu huyền đến vậy. Tính đến thời điểm này (năm 2012) tất cả học trò của Hõm sâu đều tốt nghiệp Đại học trong và ngoài nước. Rất nhiều người đã thành phó giáo sư, tiến sĩ và là những cán bộ giàu năng lực ở các Bộ ngành trên trung ương, ở các tỉnh, các viện nghiên cứu và các trường đại học… Thật là đáng tự hào, những đứa con của Bà mẹ Hoa linh thiêng…
    Tháng 6 năm 1976 đang là sinh viên học kỳ cuối cùng của năm học cuối cùng ở Trường Đại học Mỏ Lêningát (Xanh Pêtécbua) của nước Nga Xô Viết – tôi có được xem một bộ phim thật là cảm động, mang tên “Về thăm trường cũ”. Dạo ấy tôi đang làm đồ án để chuẩn bị bảo vệ tốt nghiệp vào đầu tháng 7 năm 1976. Vì vậy việc sắp xếp thời gian cá nhân cho việc học hành và giải trí, là do mình tự quyết định. Xem xong bộ phim kia, lòng tôi cứ bâng khuâng xao động hàng tuần liền. Từ nhỏ tôi vốn có tâm hồn nghệ sĩ rồi. Một sự kiện bên ngoài tác động vào lòng, thì nó cứ ảm ảnh tôi hoài. Không bâng khuâng xao động sao được, khi mà bộ phim ấy gợi lên trong lòng mình những kỷ niệm rực ngời của một thời đẹp đẽ vô cùng đã qua. Và bây giờ nó lặng lẽ nằm trong viện bảo tàng của ký ức, rồi khi gặp dịp thuận lợi thì nó lại bùng lên như lửa cháy khôn nguôi. Làm sao mà chịu nổi cơ chứ!
 Phim ấy kể về một ngày Hội trường ở một trường phổ thông nhỏ của nước Nga. Bạn đọc nên nhớ rằng, hồi năm 1976, Việt Nam ta mới bước ra khỏi cuộc chiến tranh chống xâm lược. Do đó cuộc sống còn muôn vàn khó khăn. Cho nên chưa có những cuộc hội ngộ của học trò cũ nhân dịp Hội trường phổ biến như bây giờ. Xem bộ phim kia trên đất Nga hồi ấy, tôi khao khát vô cùng. Ước gì… ta cũng sẽ có những cuộc hội ngộ bạn bè xa xưa nhân dịp Hội trường như thế. Có thể nói rằng tâm thế của những người trở về thăm trường xưa là rất hạnh phúc… Hạnh phúc về về mặt tinh thần được gặp lại hình bóng của quá khứ cùng bạn bè thầy cô và muốn soi lại quá khứ của lòng mình. Đó là nỗi khát khao liền mạch, một sự liền mạch ẩn tàng trong  kỷ niệm tươi ngời của mỗi người, nó bao gồm Quá khứ - Hiện tại và Tương lai. Đối với những người sống giàu nội tâm, thì sự liền mạch ấy – cũng chính là một nguồn sống cho hôm nay và mai sau. Đứt mạch với Quá khư, nhiều khi ta cảm thấy chơi vơi… như không phải chính mình nữa. Và tôi (Triệu Lam Châu) đã từng trải qua tâm trạng ấy. Do vậy chăng, mà tôi đã từng có vần thơ tâm huyết:
Có những chiều ta chẳng muốn làm gì
Cứ muốn trở lại thời thăm thẳm ấy….
 Đấy là những giờ phút của hiện tại, của ngày hôm nay, mà đã là hôm nay, thì về điều kiện sống, nhất là về vật chất thì hơn hẳn những ngày qua chứ. Thế nhưng tại sao ta cứ muốn trở lại thời thăm thẳm ấy. Cái thời thăm thẳm xa xưa kia có điều gì mà quyến rũ vậy. Thực ra, ở đấy, theo mạch của bài thơ chỉ là:
Một Hõm sâu giữa rừng xanh ngày đánh giặc
Bốn bề núi chót vót hiên ngang…                  
  Vậy là rõ rồi. Đó là kỷ niệm một thời gian khổ. Vì sao kỷ niệm bao giờ cũng có một ma lực không lồ như vậy? Điều này quả thật là khó lý giải đối với mỗi chúng ta!
 Và tôi linh cảm thấy rằng: Sự liền mạch tâm thế trong lòng của mỗi chúng ta là thiêng liêng, là sức mạnh vô hình – nó làm cho chúng ta yêu đời và hạnh phúc hơn biết mấy. Và đấy cũng chính là liều thuốc bổ dưỡng cho tâm hồn của mỗi chúng ta…
   Trong phim “Về thăm trường cũ” có nhiều cảnh tượng hết sức bồi hồi và cảm động. Học trò cũ trở về thăm trường, nay đang là một vị tướng với quân phục uy nghi đường bệ, một vị bộ trưởng lanh lợi thông minh, một cô bác sĩ vận bộ đồ trắng tinh và sáng như tấm lòng của cô, một nhà bác học uyên thâm tóc bạc trắng như sương, một cô ca sĩ với gương mặt ngời sáng nổi tiếng như cồn một thời mà nay bỗng mất tăm… tất cả đều quây quần bên cô giáo già (trông hồn hậu như một bà tiên trong cổ tích)… tất cả học trò bây giờ (dẫu trên đầu cũng đã có hai thứ tóc rồi)… lại bén lẽn đứng dậy trả lời những câu hỏi của cô giáo như ngày xưa… Thế rồi có chàng là học trò cũ (nay là vị tướng), chắc là quen tác phong quân nhân, đứng lên trả lời cô giáo già – cũng ngượng nghịu, nhưng vô tình có pha chút quan cách của ngày hôm nay… Bỗng có tiếng thốt lên từ cuối lớp, kèm theo là những tiếng cười ồ…
- Chưa được đâu… cậu phải trả lời lại đúng như ngày xưa không thuộc bài ấy cơ…
 Thế là tất cả lại đồng loạt cùng hoan hô. Vị tướng học trò ấy, mặt đỏ bừng, lại lí nhí trả lời cô giáo như thuở nào. Và trong khoé mắt của ông lúc này như có một giọt lệ ngân rưng rưng…
  Rồi cậu học trò uyên thâm (nay là nhà khoa học tóc trắng như bông), vẫn ngồi đúng vị trí ngày xưa trong lớp cũ, rụt rè đứng dậy thưa, khi cô giáo gọi đến tên mình lên bảng để kiểm tra bài cũ:
- Dạ, thưa cô, hôm qua bạn rủ em đi vào rừng dã ngoại, nên em chưa thuộc bài cũ ạ…
- Vậy thì cô đành cho em điểm một. Em nhớ chăm học cho giỏi để sau này xây dựng đất nước nhé… - Cô giáo của ngày xưa, nói vậy mà lòng cô cười, vì cô giáo già biết rằng người học trò này giờ đây là một nhà khoa học nổi tiếng…
 Cả lớp như có tiếng xuýt xoa khe khẽ, mà cảm động. Bởi vì hình bóng của ngày xưa như lần lượt hiện về - cái ngày xưa vô tư trong sáng ấy, theo tháng ngày như thể mờ phai vì cuộc đời bề bộn hôm nay. Có lẽ chính vì vậy họ cần phải trở về đây để nạp lại năng lượng của kỷ niệm vào cõi lòng mình.
   Cô  Xveta với gương mặt sáng ngời quyến rũ ngày nào, từng làm quản ca của lớp (nay là ca sĩ nổi tiếng, nhưng vài năm nay im hơi lặng tiếng) – giờ đây vẫn lanh lẹn như xưa, dẫu trên mi mắt đã bắt đầu len lén xuất hiện những nếp nhăn đây đó ẩn chìm. Mọi người yêu cầu cô ca sĩ Xveta hát cho cả lớp nghe bài ca xưa. Những tràng vỗ tay mời cô hát, vang động cả một góc trường nhỏ của thôn làng. Bạn bè vỗ tay hàng mấy lần yêu cầu… Sau đấy cô đành phải đứng dậy   nghẹn ngào mà thưa lại rằng:
- Em xin cảm ơn tấm lòng của cô và các bạn đối với em. Em xin thú thật rằng, không hiểu sao tự nhiên em bị mất giọng mấy năm nay rồi…
 Đang cuồng nhiệt, háo hức chờ nghe giọng ca xưa của Xveta, bỗng nhiên không khí cả lớp như chùng hẳn xuống, thật buồn, thật tội nghiệp cho cô ca sĩ tài năng một thời của công chúng và của lớp chúng ta…
    Thế rồi cô bác sĩ áo trắng chìa ra bức ảnh cũ của lớp. Cả đám xô đến xem. Vị bộ trưởng lịch lãm vừa chỉ vào mặt người trong ảnh vừa nói với cô:
- Đấy, hồi ấy tớ ngồi cạnh cậu đây… Mà sao ta lại không đến với nhau nhỉ? Để  bây giờ mỗi đứa một phương trời…
- Cái anh này…- Cô đấm nhẹ vào ngực ông và nói.
Cô giáo già vờ quay nhìn sang hướng khác và thầm nở một nụ cười…
   Sau khi xem bộ phim kia ở Lêningrát, lòng tôi cứ canh cánh một nỗi niềm mong ngóng trở về thăm trường cũ của mình ở Hõm sâu – một nơi đẹp nhiệm màu như một vuông khăn của Bà mẹ Hoa từ Mường trời thả xuống trần gian thuở nào…
    Thế là tháng 11 năm 1976, vào một chiều đông gió bấc thổi ào ào, một mình tôi đơn lẻ lại trèo lên đồi Khau Gạm để vào thăm lại Hõm sâu xưa. Lòng cứ ngỡ và cứ mong tất cả lại như xưa (cứ mong vậy thôi, vì tất cả đã thành kỷ niệm, đã định vị sâu trong ký ức rồi. Nhưng… cái chữ nhưng oái ăm này luôn luôn như ngáng trở lòng ta… Nhưng sự đời đâu phải thế…). Vừa bước vào địa phận chân đồi Khau Gạm thì đã gặp ngay một ngôi nhà gỗ nhỏ ở chân dốc. Hồi xưa nơi đây là một khu đất trống hoang vu. Lòng hụt hẫng bùi ngùi như mất một điều gì, một mình bước lên dốc… Hồi xưa có một lần lên dốc này, khi đã leo lên nửa chừng… thì bỗng nghe có tiếng gọi phía sau lưng ở dưới chân đồi vọng lên: “Anh Châu ơi, đợi em với!” – Mình ngoái lại nhìn xuống: À, hoá ra là Hoàng Thị Hùng, cô quản ca của lớp, tranh thủ chiều chủ nhật đi ra thị trấn Nước Hai gửi thư về nhà ở miền đông Cao Bằng. Còn tôi thì cũng tranh thủ về thăm nhà ở Nà Pẳng, Đức Long từ chiều thứ bẩy. Và chiều nay, chủ nhật cũng trở lại trường ở Hõm sâu… Vậy là mình đợi nàng leo đến lưng chừng dốc, rồi hai đứa cùng đi lên đồi, theo ngả đường mòn vắt ngang qua mái rừng cây phong xào xạc bao tiếng mơ hồ…
   Thế mà chiều đông nay (năm 1976) một mình tôi leo dốc đơn côi, chỉ có ngọn gió bấc đồng hành mù mịt cả một khoảng trời u ám mùa đông. Nhưng lòng tôi lúc ấy lại lồng lộng một vỉa nắng ngàn sáng láng bâng khuâng…Đến lưng chừng dốc ngày xưa, mình chờ mãi mà chẳng nghe thấy ai gọi tên mình…
   Lủi thủi một mình trèo dốc núi, lủi thủi một mình bước theo con đường mòn xưa như đang thở nặng nhọc dưới chân bàn chân nóng hổi– rồi cũng bước qua mái rừng phong xào xạc đơn côi, như ngóng đợi một điều gì…thăm thẳm như ước vọng mơ hồ dè dặt thuở nào… Đi qua vài ba ngọn đồi nữa là bắt đầu xuống dốc. Vậy là bắt đầu bước vào địa phận của Hõm sâu rồi… Tôi căng mắt nhìn cố tìm lại cảnh cũ ngày xưa mà chẳng thấy, tất cả như thể chạy trốn vào bí ẩn trập trùng núi biếc… (Xin thưa với bạn đọc rằng: Kỳ hai năm học 1969 – 1970 Trường phổ thông cấp 3 Đặc Biệt Cao Bằng đã được chuyển từ Hõm sâu sau đồi Khau Gạm về thị tứ Cao Bình rồi. Mùa đông năm 1976, tôi vào Hõm sâu là để tìm lại kỷ niệm xưa mà thôi…Tìm lại hình bóng của ước vọng – chính là một điều nan giải nhất…)
   Từ đỉnh đồi đi xuống dốc, lòng tôi chao liệng như cánh chim ngàn xa tổ lâu ngày, nay lại lủi thủi tìm về. Lại đến một khe suối cạn, lại qua một chiếc cầu gỗ nhỏ có đắp một lớp đất mỏng bên trên cầu… Song hôm nay không thấy mái nhà tranh đâu nữa. Hồi ấy mái nhà tranh bình dị này vừa là nơi ở cho học trò và thầy giáo vừa là lớp học những ngày đầu. Ngôi nhà đơn sơ ấy có bốn gian, một góc nhỏ của gian đầu tiên bên cầu gỗ nhỏ bắc ngang khe suối cạn – được ngăn lại thành một chiếc phòng nhỏ xíu đủ đặt một chiếc giường cá nhân và một chiếc bàn nhỏ. Đó là nơi ở của thầy giáo Chu Mạnh Vân (sau này là Nhà giáo ưu tú, Phó giám đốc Sở giáo dục Cao Bằng). Mùa thu năm 1967 tôi vào Hõm sâu học lớp 8. Hồi ấy thầy Vân dạy toán lớp 9 và lớp 10, nên tôi không có dịp nào đuợc vào thăm căn phòng ở giản dị đơn sơ của thầy. Con đường nhỏ chạy qua trước phòng ở của thầy, đi vào phía trong của Hõm sâu.
   Một mình trong ánh chiều đông xám ngắt, gió bấc thổi vù vù – tôi ngẩn ngơ đứng ngay bên cầu nhỏ bắc qua khe suối cạn của ngày xưa, cố hình dung xem lớp học ở vị trí nào và căn phòng ấm cúng của thầy Vân ở nơi đâu? Trước mặt tôi lúc ấy chỉ còn là một bãi đất trồng sắn của gia đình nhà ông Hồ (một ông già người Tày ở Hõm sâu, chứ không phải cụ Hồ Chủ tịch đâu). Tôi lấy bước chân mình áng chừng, chỗ này là phòng ở của thầy, chỗ kia là lớp học nhỏ có cửa đi từ cuối lớp đi lên. Từ trên phía bảng (không có bục giảng) nhìn xuống, thầy sẽ thấy bao ánh mắt học trò nhìn lên chăm chú lắng nghe bao điều tâm huyết của thầy và của cuộc đời. Nhìn xa hơn qua cửa lớp xuống phía dưới là những thửa ruộng bậc thang, cứ mùa thu về là đầy ắp lúa vàng. Và, từ căn phòng ở của thầy Vân nhìn ra cửa sổ cũng sẽ thấy những thửa ruộng bậc thang rực ánh vàng đẫm thơm hương lúa chín mỗi độ thu sang… Năm học lớp 10 (1970) lớp chúng tôi mới được học toán với thầy Vân và càng hiểu sâu thêm tấm lòng của thầy. Song những ngày đầu năm 1967 ấn tượng thầy Chu Mạnh Vân để lại trong tôi: Là một con người toát lên một vẻ trí thức sáng láng, đậm đà phong cách thị thành. Bạn Nông Đình Tuân và mấy bạn khác nữa hồi ấy bàn tán xì xào: Thầy Vân là con của một vị thứ trưởng ở Hà Nội đấy… Đúng  là  học  trò  thường  hay thêu dệt những vầng sáng để choàng lên người mà mình ngưỡng mộ…                                                      
   Tôi cứ liên tưởng rằng ngôi nhà tranh, nơi có căn phòng nhỏ của thầy Vân hồi ấy – chính là một cửa ngõ, một chiếc tổ chim lớn chan chứa bao tâm tình của Hõm sâu. Chính vì vậy trong tâm tưởng của tôi, nó là một hình tượng nhiệm màu. Những đêm thu miền rừng trời chi chít sao giăng… Thầy Vân mở toang   cánh cửa sổ phòng mình để đón gió từ dưới cánh ruộng bậc thang thoảng tới.            
Ánh vàng và mùi hương lúa chín theo gió nhè nhẹ lùa qua cửa sổ, phả vào từng trang giáo án của thầy đang đan dày chi chít những hình vẽ và công thức toán học như đang phập phồng thở theo từng nhịp tim nóng hổi của thầy…Bất giác thầy ngẩng đầu lên, nhìn ra cửa sổ, ánh mắt xa xăm… hình như có cả mùi hương rất nồng nàn và thanh nhẹ lẫn vào theo gió núi. Phải rồi, đó là mùi dã hương phảng phất từ phía dưới Nước Hai, nơi có hẳn một khoảng rừng với nhiều cây dã hương cổ thụ  đang khẽ khàng rung tán lá rì rào… Có thể nói rằng: Mỗi học trò chúng ta đều có những cảm nhận rất chủ quan và rất riêng về những người thầy kính mến của mình hồi xưa. Năm tháng có thể lùi xa, cuộc đời mỗi người dần trôi vào quỹ đạo của tuổi già. Song những cảm nhận xa xưa ấy nào có già đi theo năm tháng đâu! Và tôi nghĩ đó là một diễm phúc của đời người chúng ta vậy.
  Chính vì lẽ đó, cho nên từ khi Trường chuyển từ Hõm sâu sau đồi Khau Gạm về thị tứ Cao Bình (vào đầu năm 1970) – trong giờ thầy Vân dạy toán cho học trò lớp 10 của chúng tôi hồi ấy – mỗi lần ngước nhìn lên bảng thấy gương mặt sáng của thầy, tôi lại như thấy mùi hương và ánh vàng của những thửa ruộng bậc thang ở Hõm sâu toả ra nồng nàn từ mỗi lời giảng của thầy. Ánh vàng long lanh  của mùa thu hay của lòng thầy, tôi cũng không rõ nữa. Song một điều chắc chắn rằng, theo những lối tư duy rực ánh vàng ấy mà thầy hết lòng truyền thụ, chúng tôi đã đi gần như đến tận cùng của các bài học ngày xưa và cả những bài học cuộc đời trùng điệp của ngày hôm nay đó – Để rồi mỗi khi gặp lại thầy Vân và những người thầy kính mến của ngày xưa ấy, chúng tôi có thể tự hào mà nói rằng: Chúng em đã thực hiện tốt theo lời dạy và kỳ vọng của các thầy ở Hõm sâu xa xưa đối với chúng em. Thầy Chu Mạnh Vân đã truyền thụ cho học trò từ hồi ấy phương pháp tư duy toán học tối ưu để có thể xử lý chủ động những tình huống bất ngờ mà trong quá trình người làm toán thường phải đối mặt. Bản thân thầy cũng hay đưa ra những tình huống bất ngờ, làm sửng sốt học trò, gây tò mò cho những khám phá mới đầy thú vị. Và mới đây thôi… đầu năm 2012 này thầy Chu Mạnh Vân đã gửi cho tôi một cuốn hồi ký tâm huyết của thầy có nhan đề “Lên miền cao dạy học” dài những bẩy mươi  trang A 4. Đây cũng chính là một tình huống bất ngờ thú vị của cuộc đời, tôi nghĩ, không chỉ đối với những lứa học trò của Hõm sâu ngày ấy thôi đâu, mà còn…
 Ấn tượng của tôi về thầy Chu Mạnh Vân là như vậy đó.
… Gió bấc chiều đông vẫn thổi vù vù, như thể thổi bạt đi những kỷ niệm vốn đã găm sâu trong ký ức lòng tôi. Song, gió ơi, ngươi đành bất lực thôi. Mỗi bước chân của ta vào Hõm sâu như đang găm đầy kỷ niệm ngời sáng đây này…
   Lòng bồi hồi xao động tôi nhẹ nhàng bước qua trước cửa phòng thầy Vân (trong tưởng tượng) để đi vào trong Hõm sâu. Men theo một con đường nhỏ ở phía mép dưới của rẫy ngô ngày xưa - Tôi vẫn còn nhớ hồi ấy người ta trồng, không biết loại giống gì, mà có những cây ngô xanh mướt cao quá đầu người.
Và dẫu hồi ấy là thời chiến thầy trò ăn uống kham khổ, nhưng tuyệt nhiên không bao giờ có hiện tượng bẻ trộm ngô ở rẫy ấy của người dân. Điều đó quả thật là tuyệt vời…ngoài sức tưởng tượng của không ít lớp người trẻ hôm nay.
   Đi một quãng nữa, nhìn lên phía trái, trên một mỏm đồi nhỏ là ngôi nhà gỗ của ông Hồ. Nhưng chiều ấy (mùa đông năm 1976) tôi nhìn không thấy ngôi nhà xưa của ông nữa. Đúng rồi, nhà ông đã chuyển ra chân đồi Khau Gạm mà lúc nãy tôi đã gặp trước khi lên dốc. Thế là… lòng lại như hụt hẫng một điều gì…
    Dung dằng một chút: Nếu rẽ trái thì sẽ lên chỗ nhà ăn và ký túc xá nữ, rồi sẽ lên tiếp tới hai lớp học cũ trên sườn đồi. Nếu rẽ phải thì sẽ đi ngang chân đồi vào gặp mỏ nước nguồn trong vắt – một mảnh gương chan chứa bao ánh mắt của bạn bè và thầy giáo những năm xưa - Một nguồn thơ lúc nào cũng chan chứa nỗi niềm đợi chờ bao cố nhân… vào một ngày đẹp trời nào đó lại trở về…Rồi sẽ gặp ngay văn phòng của các thầy hồi xưa của Hõm sâu bên mỏ nước long lanh…
   Tôi đành chắp hai tay hướng về lối rẽ trái, tỏ ý xin lỗi nguồn kỷ niệm đang ẩn tàng phía ấy – để được ung dung đi theo lối rẽ phải vào với mỏ nước đang thấp thỏm đợi chờ… Đi tiếp vượt qua mấy thửa ruộng bậc thang nhỏ, rồi men theo mép dưới mỏm đồi nhỏ nhà ông Hồ - thì đến ngay một khoảng vườn nhỏ xíu đầy cam quýt. Ôi… hồi xưa, cứ mỗi dịp mùa thu sang, cũng là lúc bắt đầu khai giảng năm học mới, vườn quýt này bao lần lại kết trái để hong ánh nắng vàng thơm của mùa thu, để dâng hiến cho đời vị ngọt nồng đượm của lòng mình. Chúng tôi có diễm phúc được học hành hơn hai năm trời trong Hõm sâu, được đằm trong hương quýt chín nồng nàn suốt cả sáng – trưa – chiều – tối và cả những giấc ngủ đằm sâu đầy ánh sao trời… Đúng thế… mùa thu năm 1967, học trò lớp 8 và lớp 9 chúng tôi được bố trí ở một gian xép nhỏ lợp rơm (được nối thêm vào đầu kia của căn nhà chính lợp ngói). Phía ngay trước nhà,  chính là vườn quýt này đây… Và… trong những giấc ngủ chập chờn của chúng tôi hồi ấy, len vào giữa nỗi nhớ nhà (vì lần đầu tiên xa gia đình) và ước mơ cao vời của tuổi trẻ về ngày mai rạng rỡ - là một làn hương tinh khiết của mùa quýt chín mơ màng, huyền ảo và quyến rũ vô cùng. Nhiều đêm thao thức không ngủ được, một mình tôi nhẹ nhàng vén màn dậy, rồi đi ra vườn quýt giữa đêm sao. Tôi ngây người hít căng lồng ngực mình hương thơm của mùa quýt chín, như thấy lòng mình loáng sáng như ánh sao đêm đang thì thầm phía cuối trời xa xăm…Và… tôi đã theo ánh sao ấy mà đi khắp mọi phương trời, sang tận Xanh Pêtécbua của nước Nga xa ngút ngàn thăm thẳm… rồi cũng lại về theo ánh sao long lanh ấy, theo hương mùa quýt chín nồng say năm xưa, để rồi được ngẩn ngơ bên vườn quýt chiều đông nay, để được tận hưởng hạnh phúc – hạnh phúc của sự trở về…                                                   
    Thế là, tôi tự thưởng cho mình một nụ cười giữa buổi chiều đông âm u, mà lòng tôi đâu có âm u… Hẳn gió núi cũng ghen với lòng tôi chiều nay chăng, mà phải thổi những cơn lạnh dài như thế?              
   Đang miên man với dòng hồi tưởng cũ về hương quýt chín mùa thu, bỗng nhiên tôi lại trở về thực tại. Chiều đông nay sao vườn quýt còi cọc vậy. Giờ đây vườn quýt đã trở thành vườn hoang từ bao lâu rồi, tôi cũng không rõ nữa. Lòng chạnh buồn khôn xiết. Tôi giơ tay nhẹ nhàng bứt lấy mấy nhánh lá quýt xanh, vò nát, rồi đưa lên mũi ngửi… Vẫn mùi hương nồng đượm như thuở nào đấy thôi. Tôi ngoái lại nhìn quanh, không thấy ai cả… không thấy bóng mấy nhà tranh ngày xưa, không thấy bạn bè thuở nào… Lòng tủi buồn vô hạn… Nhưng thôi, mình cứ theo ánh sáng của ký ức mà đi… Thế là phút chạnh buồn như cơn gió thoảng ấy, nhanh chóng trôi qua…
    Tần ngần một chút nữa bên vườn quýt hoang giữa chiều đông… tôi bước tiếp, đi đến lối xuống một chỗ trũng chân đồi. A, mỏ nước cũ đây rồi. Theo lời kể của thầy Chu Mạnh Vân trong hồi ký “Lên miền cao dạy học”, thì mỏ nước này là do thầy giáo và học trò khóa 1 gây dựng nên. Họ đã khơi rộng nguồn nước tự nhiên chảy ra từ chân đồi, rồi xây xi măng bao quanh thành hình vuông, mỗi chiều rộng khoảng một mét rưỡi. Vậy là mỏ nước hiện lên như một tấm gương vuông vắn xinh xinh giữa non ngàn xanh ngát một màu xanh trùng điệp không cùng. Xung quanh gương nước ấy, được bạt đi cho bằng phẳng và lát bằng những tảng đá núi sẫm một màu đen bóng. Từ gương nước ấy, có một ống dẫn nhỏ cho nước thoát ra và chảy xuống mấy thửa ruộng bậc thang nhỏ phía dưới chân đồi.
   Cũng may mắn lắm thay, trùm lên gương mỏ nước ấy là bóng một lùm chanh có vài cành nhỏ chìa ra loà xoà soi đáy nước long lanh. Mỏ nước nguồn ấy trong trẻo và mát ngọt vô ngần – mát ngọt như tình người suốt bao năm tháng không bao giờ phai. Đúng vậy, năm tháng cứ vô tư và nhẫn tâm trôi đi, bao vật đổi sao dời… và duy chỉ có tình người đọng lại như ánh long lanh bền bỉ của mỏ nước này – mỏ nước của Hõm sâu ngày ấy, của cả hôm nay và mai sau… Tiếc quá chừng… khi tôi viết lại cảm xúc của mình lúc này (đang ở Tuy Hoà, Phú Yên – miền nam Trung Bộ xa xôi, bên biển ngời sóng vỗ) tôi đã không còn bức ảnh cũ của ngày xưa. Tôi cũng không còn nhớ ai đã từng bấm những kiểu ảnh kia bên nguồn nước của ký ức rực ngời ấy nữa. Song hình như tôi vẫn còn nhớ trong ảnh ấy có chị Mông Thị Miền với nụ cười hiền hậu của người con gái miền đông Cao Bằng (mà các cụ ngày xưa đã từng truyền tụng nhau: miền Quảng Uyên và Trùng Khánh – chính là miền gái đẹp. Và mới đây thôi, trong cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam năm 2011 vừa qua, cô gái Nùng của Quảng Uyên, Cao Bằng, Triệu Thị Hà đã đoạt danh hiệu Hoa hậu thật ngoạn mục, với một sáng kiến vụt đến rực ngời như ánh chớp loé lên, làm chói chang và loá mắt mọi người cùng Ban giám khảo, làm bàng hoàng tâm can bao người ngưỡng mộ - là thay câu trả lời kể về quê hương em, bằng một câu hát lượn nàng ới xuất thần hết sức trữ tình, long lanh và rưng rưng…)
   Trong tấm ảnh bên nguồn nước ấy hình như còn có chị Khoảng Thị Kíu với dáng vẻ thanh thoát, thông minh và lanh lợi… Rồi hình như có chị Long với gương mặt hồn hậu và thoáng một vẻ buồn thầm. Đấy là cảm nhận riêng của tôi
mà thôi. Hẳn cuộc đời của chị có nhiều niềm vui chứ, và tôi cũng cầu mong, cũng xin chúc chị xứng đáng được như thế. Rồi lại hình như có bạn Nguyễn Thị Lê vô tư mà giàu nghị lực. Gương mặt bạn gái này, không hiểu sao, cứ gợi cho tôi nhớ tới một người bạn của tôi hồi học lớp 6 ở cấp 2 trường làng Cốc Lùng – Sầm Thị Lớp. Hồi học cấp 2, tôi cũng là một học sinh giỏi của trường và của tỉnh Cao Bằng, nên cũng được nhiều bạn bè chú ý, đặc biệt là các bạn gái. Đó là điều dĩ nhiên. Tất cả các bạn cùng học trường làng hồi cấp 2, khi xưng hô với nhau thường là mày – tao (đối với con trai), và gọi tên – xưng mình (đối với con gái). Riêng cô Lớp trong một lần nói chuyện với tôi, đã mạnh dạn gọi: Anh Châu và xưng em… Cô gọi chân thành và nghiêm chỉnh với một tấm lòng cảm phục Triệu Lam Châu.
  Tôi cảm động đến bàng hoàng. Vậy là mình đã thành người lớn rồi chăng? Xin bạn đọc nên nhớ: Học trò cấp 2 tuổi 13, 14 – thì cũng chỉ thuộc loại choai choai mà thôi. Thế mà bạn Lớp đã phong cho tôi thành “anh” rồi. Kể ra cũng vinh dự lắm thay. Và tôi đã sống đúng với lòng ngưỡng mộ ấy của bạn: Chân thành, trong sáng như nguồn suối quê nhà… Rồi năm 1967, vào nhập học Trường Đặc Biệt ở Hõm sâu, nhìn thấy bạn Lê, tôi lại nhớ tới bạn Lớp ngày xưa…Và lâu lắm rồi, kể từ năm 1969 tới giờ, tôi không biết hai bạn ấy đang trôi dạt tận chân trời góc bể nào…Nhưng tôi vẫn tin và cầu nguyện cho họ hạnh phúc.
   Rồi bạn Lãnh Thị Huyên nữa, một cô gái Bảo Lạc nồng nàn trong tình bạn, hình như cũng có mặt trong tấm ảnh bên nguồn nước trong veo ấy. Bố bạn Huyên và bố tôi đều cùng công tác ở Ban nông nghiệp tỉnh uỷ Cao Bằng hồi ấy, cũng là chỗ thân quen. Rồi cũng may mắn, khi đi du học Liên Xô bạn Huyên học ở Trường Đại học sư phạm Lêningrát (tôi học Đại học Mỏ cũng ở thành phố ấy). Từ năm 1975 đến giờ cũng chưa có dịp nào gặp lại nhau…
… Chiều hoàng hôn mùa đông trời lại càng thêm u ám… Một mình tôi rưng rưng soi lại bóng mình xuống gương mỏ nước cũ ngày nào. Tĩnh lặng vô cùng… Rồi bất chợt như thoáng hiện về trong tâm trí: Hình như có một nụ đào hồng vụt rơi xuống mỏ nước trong ngời. Tôi bỗng ngước nhìn lên, à… cây đào nhỏ hồi nào, mỗi lần từ trên ký túc đi xuống mỏ nước hồi xưa, ai cũng phải cúi đầu khom lưng đi qua dưới vòm cây – thế mà chiều đông nay (1976) vòm đào đã cao rộng như trùm hẳn một khoảng sân rồi. Lại nhớ tới bạn gái Đinh Thị Tài, cùng là học sinh giỏi văn tỉnh Cao Bằng năm 1967 và năm 1970. Hồi ấy em hay vận chiếc áo bông nền sáng có điểm những nụ hoa đào hồng tươi. Tôi cứ hình dung rằng: Mỗi lần em đi qua dưới vòm hoa đào để đi xuống mỏ nước, thì hình như những cánh hoa đào mùa xuân của ước mơ thanh sáng ấy, cứ nhẹ nhàng rơi xuống và đậu vào áo em.
  Và… có một cánh hoa bay bay, rồi rất đỗi khẽ khàng đậu vào mái tóc mượt mà của nàng, mà hoá thành một chiếc kẹp hồng xinh xắn. Chiếc kẹp hồng của mùa                                     
xuân tuổi trẻ cứ ám ảnh trong tâm hồn của bao người, trong đó có Triệu Lam Châu… Để rồi… đến những ngày cuối cùng của năm 2011 xa vời này, mới hình thành nên những vần thơ tâm huyết của một thời:                             
Nụ đào tươi – Chiếc kẹp hồng – Cánh bướm
Trường Chuyên toán của chúng mình thuở ấy
Sơ tán lên rừng, nằm trong hõm sâu
Núi bao quanh ba bề, bốn hướng
Mấy túp lều tranh mưa nắng dãi dầu…
Một nguồn nước trong không biết tự thời nào
Chảy hối hả từ chân núi biếc
Nơi chúng mình từng soi chung gương mặt
Để nhìn vào cuộc đời mới tương lai
Thế rồi một mùa xuân rực ngời
Nụ đào đậu vào chiếc kẹp hồng tóc mượt
Thảo nào mỗi lần em chớp mắt
Ánh chiều nghiêng, bật sáng ánh trăng ngân…
Anh không ví em là thiên thần
Cô bạn học trò siêng năng thời kháng chiến
Cơm tập thể ba phần tư ngô độn
Tiếng hát trong ngần, át cả tiếng bom rơi
Nụ đào tươi trên mái tóc em tôi
Như cánh bướm bồng bềnh bay đi mất hút
Để lòng ai đi tìm khắp Đông – Tây – Nam – Bắc
Hơn bốn chục năm ròng, mà chẳng thấy em đâu
Thế rồi mùa thu nay lại mưa ngâu
Mưa chi lắm, ướt lòng thêm nỗi đợi
Rồi bỗng một chiều,  từ đầu kia dây nói
Một giọng thơm lừng hương cốm mới: Chào anh…
Ôi giọng nguồn xưa xa thẳm long lanh
Tròn giọt nắng nơi lòng tay nồng đượm
Nụ đào tươi – Chiếc kẹp hồng – Cánh bướm
Nay có bay về phía mình chăng ?
Cao Bằng 1968 – Tuy Hoà 2011
(Triệu Lam Châu)
… Vẫn gió bấc chiều đông thổi vù vù… Tôi bần thần đứng dưới vòm đào, đưa mắt nhìn bao quanh nền nhà hoang đã mọc đầy cỏ dại… Hồi ấy… ở đây là một   ngôi nhà gỗ lợp ngói hai gian. Gian phía phải được ngăn thành ba phòng nhỏ dành cho ba thầy giáo. Gian phía trái, ngăn thành hai phòng: Một dành cho thầy hiệu trưởng, một dùng làm nơi họp của các thầy. Phía đầu hồi bên trái là gian xép lợp rơm, được nối dài thêm từ căn nhà gỗ. Gian này là nơi ở của học trò lớp 8 và lớp 9 (năm 1967) như tôi đã kể phần trên.
  Phòng nhỏ đầu tiên ở gian phải của ngôi nhà, là nơi ở của thầy Phạm Văn Trình (sau này là Thạc sĩ, Trưởng Khoa đào tạo Trường Cao đẳng sư phạm Hải Dương). Hồi xưa cây đào còn nhỏ chưa rộng tán lá, nhưng những cành cao của nó đã có thể vươn tới mà thả bóng xuống mái ngói trên phòng ở của thầy Trình. Cây đào xinh xắn ấy cách cửa sổ phòng thầy chỉ có mấy bước chân mà thôi.
   Thầy Phạm Văn Trình có dáng người nhỏ nhắn, săn chắc với gương mặt sáng, tác phong lanh lợi và tháo vát. Tôi có cảm tưởng  rằng: Trong con người của thầy luôn chứa chan một năng lượng dồi dào, rất tâm huyết với nghề giáo. Mỗi giờ lên lớp là một niềm vui, một niềm hạnh phúc vô cùng của thầy, nhất là những lúc học trò thuộc bài và giải được những bài toán vật lý khó do thầy gợi ý và hướng dẫn.
  Học trò là một phần máu thịt thiêng liêng của thầy Phạm Văn Trình. Tôi nhớ có một lần trong giờ thầy dạy vật lý lớp 8, tôi xung phong lên bảng trả lời câu hỏi của thầy. Tôi đã trả lời tốt và thầy đã cho tôi điểm cao. Khi trở lại chỗ ngồi của mình ở dưới lớp, tôi ngước nhìn lên thấy thầy đang ghi điểm tốt cho tôi vào cuốn sổ lớn đặt trên bục giảng. Bất giác thầy nở một nụ cười. Nụ cười trên gương mặt thầy thật rạng rỡ và hạnh phúc – hạnh phúc vì thấy trò cố gắng đúng như mong đợi của thầy.
  Và, mấy chục năm trôi qua, giờ đây (năm 2012) tôi lại thấy: Nụ cười trên  gương mặt thầy Phạm Văn Trình hồi ấy đẹp như nụ hoa đào trên mái ngói nơi phòng ở của thầy, đấy cũng là nụ hồng của lòng thầy soi sáng bao con đường cho học trò chiếm lĩnh những đỉnh cao khoa học mai sau… Thật là tuyệt vời. Nhiều khi phải trải qua hàng mấy chục năm sau, ta mới ngộ ra được một điều giản dị: Sở dĩ có kỷ niệm đẹp ấy là vì thầy có tấm lòng của một người mẹ - Một người mẹ đặt những kỳ vọng thiêng liêng cao cả vào đứa con (chính là những học trò) của mình sẽ trở thành những người ưu tú của non sông Tổ quốc Việt Nam yêu quý. Những ngày tháng ba năm 2012 này nghĩ về thầy Phạm Văn Trình như vậy, lòng tôi trào lên nỗi biết ơn rưng rưng… Và tôi thầm gọi: Thầy ơi….
 Tiếp liền với căn phòng của thầy Phạm Văn Trình, là phòng ở của thầy giáo dạy Nga văn Dương Văn Khảm (sau này là Phó giáo sư – Tiến sĩ, Cục trưởng Cục lưu trữ Việt Nam). Dẫu chúng tôi (khoá 3) chỉ được học Nga văn với thầy Khảm mỗi một năm hồi lớp 8, song thầy đã để lại trong tôi nhiều kỷ niệm. Con người  thầy toát lên một vẻ nghiêm nghị, từ tốn và trong cái nhìn của thầy như chứa chan một chiều sâu của sự trải nghiệm cuộc đời. Song tâm hồn của thầy lại rất trẻ trung, rất thanh niên. Chính vì vậy công tác đoàn trường cấp 3 Đặc Biệt ở Hõm sâu, do thầy Dương Văn Khảm phụ trách hồi ấy lúc nào cũng sôi trào theo nhịp kháng chiến chung của toàn dân tộc “Tiếng hát át tiếng bom”. Các phong trào thi đua “Dạy tốt và học tốt” theo lời dạy của Bác Hồ vĩ đại – được Ban giám hiệu Nhà trường và Đoàn trường phát động, luôn luôn được sự hưởng ứng nhiệt thành của học trò và chúng tôi đã đạt được những thành tích đáng tự hào trong học tập. Tôi còn nhớ hồi ấy: Nhà nước chỉ cấp học bổng đủ tiền để mua gạo ở cửa hàng lương thực theo sổ mà thôi. Còn củi đun nấu, thì thầy và trò tự túc. Và như vậy mỗi tháng mỗi học trò phải vào rừng lấy một gánh củi nộp cho bếp ăn tập thể của Trường.
   Rồi vào một buổi chiều, đang giờ tự học trên lớp, tôi bỗng thấy một bóng người khá đậm đang gánh củi từ trên đèo xuống dốc. Tôi nghĩ hẳn là dân bản đi lấy củi rừng. Không ngờ bóng người ấy rẽ theo lối vào phía nhà ăn của Trường, rồi nhẹ nhàng hạ gánh củi xuống bên đống củi ngày một cao dần. Ôi… đúng là thầy Khảm của chúng mình rồi. Thầy đội chiếc mũ cát, vận chiếc áo màu xám tro, mồ hôi đẫm ướt phía sau lưng. Bỏ gánh củi xuống rồi, thầy còn dừng lại ngắm cả đống củi lần nữa, như thể ước chừng xem, với khối lượng củi như vậy còn đủ cho nhà bếp dùng thêm bao lâu nữa. Đó là một tấm gương sáng mẫu mực cho thanh niên: Dẫu là thầy giáo, nhưng thầy cũng đóng góp củi như học trò của mình cho bếp ăn chung ở Hõm sâu…
   Năm 1968 thầy dẫn một đoàn học trò Cấp 3 Đặc Biệt cùng với học sinh cấp 3 Hoà An vào rừng sâu Trương Lương để khai thác gỗ, rồi đóng mảng trôi theo dòng sông Dẻ Rào về đến Nước Hai. Những ai biết bơi, thì được phân công chèo những mảng gỗ ấy từ trên thượng nguồn Trương Lương về bến tập kết ở Nước Hai. Rồi vào những đêm trăng… như hồi ký “Lên miền cao dạy học” của thầy Chu Mạnh Vân đã viết: Thầy và trò lại hò nhau ra bến sông vác gỗ vượt đồi vào Hõm sâu…Thật gian nan vất vả, mà ai cũng háo hức tham gia vui như hội. Thế rồi sau đợt khai thác gỗ ấy, thầy Dương Văn Khảm đã sáng tác ca khúc “Sông Dẻ Rào cuộn sóng”, nói lên niềm vui tuổi trẻ, ghi dấu ấn kỷ niệm về đợt lao động này. Viết đến đây, trong lòng tôi lại ngân vang giai điệu tươi vui và lạc quan mang chất Dương Văn Khảm một thời tuyệt đẹp:
Dòng sông Dẻ Rào trôi, cuồn cuộn chảy…
   Sông Dẻ Rào cuộn sóng và chảy xiết, mà tôi cũng đã từng chèo mảng xuôi dòng, lựa theo từng luồng sóng và đỉnh sóng để cập bến an toàn hồi ấy – nên tôi càng thấm sâu tinh thần lạc quan trong bài hát ấy của thầy. Sóng nước của sông ở miền núi thật là điệp trùng, song sóng của những tâm hồn thanh xuân hồi ấy của chúng tôi lại càng hùng vĩ và cao vời hơn gấp bội. Và sóng hồn đã bay cao, bay xa, để rồi đi đến khoảng đời sáng láng hôm nay, như ước vọng của thuở nào.                                                         
   Chao ôi, không hiểu sao, thời chúng tôi học hành ở Hõm sâu xa xưa ấy, lại vinh hạnh được sống với những tâm hồn lãng mạn và giàu chất nghệ sĩ như vậy.
Chất nghệ sĩ toát ra từ tâm hồn những người thầy đáng kính không bao giờ phai: Chu Mạnh Vân, Dương Văn Khảm, Đỗ Huy Quang… làm xao động mãi Vầng trong trẻo của tình thầy trò ở Hõm sâu xa tít tắp miền rừng…                 
  Phải nói rằng, trong tâm hồn của học trò chúng tôi ở Hõm sâu ngày ấy, luôn                                                                            
nhìn thấy mỗi người thầy của mình một vầng hào quang đặc biệt. Vầng hào quang ấy toả ra từ nhân cách đáng cảm phục của mỗi người thầy. Thầy Khảm dạy Nga văn – ngôn ngữ tuyệt vời của Lênin  - Lãnh tụ vĩ đại của Liên Xô và của giai cấp vô sản toàn thế giới. Liên Xô hồi ấy là Vầng hồng, là lý tưởng cao vời của chủ nghĩa Cộng sản cao đẹp, là trụ cột Phe xã hội chủ nghĩa, là thành trì
của Hoà bình toàn nhân loại.
   Nét chói ngời của nền văn hoá Nga, một nền văn hoá ưu tú bậc nhất của nhân loại, theo từng bài giảng Nga văn trên lớp, theo từng lời của những bài ca Nga – qua tâm hồn của thầy Dương Văn Khảm – đến với mỗi tâm hồn chúng tôi và lặng thầm toả sáng thật sâu đậm nồng nàn… Đấy  cũng là nền tảng tinh thần quý giá để nâng cánh chúng tôi bay vào những khoảng trời bát ngát sau này của đời mình.  Và năm 2012 đây, hạt mầm văn hoá Nga mà thầy Khảm đã gieo vào lòng tôi thuở ấy – nay cũng vinh dự dần dà trổ bông. Viết đến đây, tôi cứ muốn thì thầm: Thưa thầy, chính nhờ thầy gieo mầm văn hoá Nga hồi ấy, mà hồn em có được sự giao thoa văn hoá Tày – Việt – Nga như hôm nay… Và những sáng tạo của em trong thơ văn cũng sẽ đi theo vỉa sáng mà thầy đã khai phá ấy…                             
    Rồi tiếp liền với căn phòng của thầy Dương Văn Khảm, đi sâu vào phía trong cùng gian bên phải của căn nhà gỗ ấy, là phòng ở của thầy giáo dạy văn Đỗ Huy Quang (sau này là Nhà giáo ưu tú, Phó giáo sư – Tiến sĩ, Chủ nhiệm Khoa Văn Trường Đại học sư phạm 2 Hà Nội).
  Thầy Quang dạy văn có tố chất nghệ sĩ bẩm sinh trong tâm hồn của mình. Ấn tượng rực rỡ nhất trong tôi và trong tất cả mọi người ở Hõm sâu ngày ấy – là hình ảnh thầy xách một chiếc đàn vĩ cầm từ Hà Nội lên, kéo những bản nhạc du dương trầm bổng làm say đắm cả đất trời miền biên cương mờ sương. Những chiều thu mà nghe tiếng đàn vĩ cầm êm ái của thầy Đỗ Huy Quang ngân vang – ta như thấy trời thu bỗng xanh hơn và ánh nắng vàng như cũng đọng lại, toả ngát mùi hương nồng nàn của núi đồi. Có khi ta lại như liên tưởng thấy trong tiếng nhạc mê hồn ấy là hình ảnh những kinh thành tráng lệ với những cung điện nguy nga rực rỡ ánh thu vàng, những nàng công chúa cùng những chàng công tử với những bộ trang phục lộng lẫy kiêu kỳ đang say nồng trong những cuộc vũ hội thâu đêm…Hay những câu chuyện tình lãng mạn, chứa chan huyền thoại ảo huyền bên hồ Thiên Nga tận trời Âu xa thẳm mông lung… Cảm ơn, xin cảm ơn thầy Đỗ Huy Quang của chúng em nhiều lắm. Thầy là tiếng đàn quyến rũ, là tiếng hát nao lòng của mọi hồn người, là điểm tựa sáng chói cho mọi ước mơ rạng rỡ nhất của tuổi thanh xuân bay cao và bay xa… Thầy là linh hồn của bao buổi Liên hoan văn nghệ những đêm trăng mơ màng, huyền ảo long lanh đẹp    như huyền thoại. Chúng tôi đã hát vang to và vang xa, tưởng chừng như vỡ cả lồng ngực tuổi thanh xuân hồi ấy, bài “Bài ca sư phạm” – dưới bàn tay bắt nhịp điều khiển thần kỳ của nhạc trưởng Đỗ Huy Quang. Có cảm tưởng rằng, buổi liên hoan văn nghệ tuyệt vời đến mức, những lát trăng ngời cũng tò mò mà đậu xuống và bám chặt vào bàn tay của thầy, rồi khi tay thầy vung lên bắt nhịp cho dàn đồng ca hát, thì những lát trăng kia toả thành vệt cong huyền ảo sáng long lanh… Và gương mặt của thầy, chính là một vầng trăng bình dị mà đẹp lạ lùng…
  Lớp khoá 3 chúng tôi vinh dự được thầy Đỗ Huy Quang nhận làm chủ nhiệm suốt ba năm liền: lớp 8, lớp 9 và lớp 10. Thầy Quang đã để lại trong lòng tôi cả một trời kỷ niệm đẹp vô cùng.
 Cùng với thầy Khảm và các thầy khác nữa, thầy Quang cũng đưa lớp chúng tôi đi khai thác gỗ ở rừng sâu xã Trương Lương điệp trùng đèo dốc ở phía tây huyện Hòa An.
  Rồi sau này thầy cũng lại đưa lớp chúng tôi đi cắt gianh hàng hai tuần liền ở thung lũng Khuổi Dà thuộc xã Bình Long, phía tây huyện Hoà An. Lao động cắt gianh, bó gianh, rồi gánh gianh về theo đường dốc núi điệp trùng – quả thật là gian nan và vất vả vô cùng. Song cả thầy và trò chúng tôi dưới sự chỉ đạo của thầy Quang, đã hoàn thành nhiệm vụ thật tốt đẹp. Trong đợt lao động cắt gianh ở Khuổi Dà ngày ấy, có hai sự cố ngoài mong muốn đã xảy ra: Thầy Quang bị rắn độc cắn và bạn Phạm Viết Thịnh bị đau ruột thừa giữa núi rừng. Song nhà trường đã lường trước mọi tình huống rồi, nên rất may cuối cùng tất cả đều được khắc phục tốt đẹp.
 Chà… nhớ lại kỷ niệm bạn Thịnh bị đau ruột thừa ở Khuổi Dà, thật là hú vía. Chập tối bạn kêu đau lâm râm… rồi sau đó mỗi lúc một đau hơn… và đau quằn quại, không thể nào chịu nổi nữa. Cũng xin lưu ý rằng thời ấy, không hề có điện thoại bàn đâu (còn điện thoại di động chỉ có trong viễn tưởng mà thôi) – do vậy không thể liên lạc gì với Nhà trường hay với bệnh viện được. Thầy trò tự xử lý lấy thôi. Cũng may thầy Quang có kiến thức toàn diện về nhiều mặt (trong đó có y học), nên thầy biết ngay bạn Thịnh bị đau ruột thừa. Thầy quyết định cử mấy bạn khoẻ dùng cáng khiêng bạn Thịnh đi ngay trong đêm tối mịt mùng vượt bao đèo cao vực thẳm, để kịp về Bệnh viện Hoà An cấp cứu. Tôi,Triệu Lam Châu (được bầu làm lớp trưởng suốt ba năm cấp 3) thật lo lắng và đã cùng anh em khiêng bạn đi bệnh viện cấp cứu kịp thời. Thật là mừng cho bạn Thịnh tai qua nạn khỏi, và chúng tôi cũng tự mừng cho mình là đã thêm một bước trưởng thành trong gian khó…
… Gió bấc chiều đông vẫn thổi vù vù…
Trước nền nhà hoang, cỏ dại mọc đầy… tôi lại dùng bước chân mình ướm thử phòng thầy Quang ngày xưa ở nơi đâu, chiếc bàn và ghế thầy dựng ở nơi nào. Bởi vì tôi là học trò cưng của thầy Quang  (có lẽ do tâm hồn đồng điệu, tôi cũng có tâm hồn nghệ sĩ bẩm sinh như thầy) – nên tôi thường đến phòng thầy trao đổi công việc chung của lớp, nghe thầy tâm sự về cuộc đời, nghe thầy kéo đàn và tôi cũng mượn đàn thầy để kéo những bài hát mà tôi yêu thích. Tôi biết kéo đàn vĩ cầm (dĩ nhiên là ở trình độ nghiệp dư thôi), là nhờ công lao hướng dẫn của các thầy tâm huyết như: Thầy Dương Sách, thầy Long Chính Biểu (hồi tôi học cấp 2) và thầy Đỗ Huy Quang (hồi học ở Hõm sâu sau này).
  Lòng tôi cứ muốn ngồi lại vào đúng vị trí mà mình đã ngồi ngày xưa, để sống lại cảm giác say nồng hồi ấy nghe thầy giảng về cái hay cái đẹp của thơ văn. Và cũng muốn nghe lại mãi những khúc nhạc đàn vĩ cầm quyến rũ thuở nào… Song trước mặt tôi đây chỉ còn bãi đất hoang mọc đầy cỏ dại. Lòng buồn xao xác…À, tôi còn nhớ: Thầy Quang có một chiếc đài bán dẫn ôrionton. Tôi vẫn thường đến phòng thầy để nghe đài. Song lần ấy tôi ngại…Và…Vào một đêm trăng tầm khoảng bảy giờ rưỡi tối, có chương trình ca nhạc trên sóng Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam… từ trên ký túc nam ở sườn đồi, tôi nhẹ nhàng trèo xuống, một mình ngẩn ngơ ngồi bên mép ta ly của nền nhà bạt vào chân đồi, để nghe các ca sĩ Tuyết Thanh, Tường Vi, Bích Liên, Trung Kiên… hát những bài ca cách mạng sôi động lòng người – vọng ra từ chiếc đài bán dẫn xinh xinh ở phòng thầy Đỗ Huy Quang…
  Hình hài căn phòng cũ của thầy, chiều đông nay (năm 1976) không còn nữa… nhưng bờ ta ly của nền nhà xưa vẫn còn kia. Vậy là tôi trèo lên bờ ta ly, ngồi vào đúng vị trí mà đêm trăng thuở nào tôi đã từng ngồi để nghe nhạc đài của thầy… Lòng bồi hồi trống vắng  vô ngần…
 Và giờ đây (năm 2012), sau mấy chục năm trôi qua, lòng tôi lại thấy một liên tưởng lạ lùng: Vầng trăng khi đi qua Hõm sâu ngày ấy, đều được những tâm hồn ưu tú tiếp chuyện chân tình. Hồn trăng và hồn người toả sáng trong nhau lồng lộng một thứ ánh sáng diệu kỳ bí ẩn. Khi trăng mới mọc lên ở đằng đông, thì được vòm đào bên phòng thầy Phạm Văn Trình đón nhận. Trăng tan vào mỗi bông hoa, rồi ánh sáng cùng hương hoa đào – như trò chuyện âm thầm với lòng thầy Trình – để hình thành nên chất thiêng liêng của nghề giáo nơi lòng thầy.
  Ta nên nhớ rằng: Giới trí thức đều rất lịch sự. Họ luôn tôn trọng khi thấy hai người nào đó đang tâm tình riêng với nhau. Họ không bao giờ làm người thứ ba đường đột chen vào câu chuyện riêng tâm đắc của hai người… Huống hồ đây là một sự tâm tình rất linh thiêng… hồn người và hồn trăng quê hương…
  Thế rồi… trăng mọc lên cao giữa đỉnh trời… Theo một kẽ hở nho nhỏ trên mái ngói, trăng rót một tia thanh mảnh ngời sáng xuống nơi phòng ở của thầy Dương Văn Khảm, để tiếp tục trò chuyện cùng thầy. Hồn thầy và hồn trăng lại tỏa sáng trong nhau. Và chính tia sáng của vầng trăng cao và xa vời lộng lẫy ấy – như hình thành nên chất lạc quan và động lực hùng vĩ nơi lòng thầy, để bay tới những miền bao la ngoài sức tưởng tượng của một thời ở Hõm sâu heo hút xa xanh…
  Cuối cùng… Vầng trăng ngàn ấy lặng lẽ ngả về tây… để đi đến kết thúc một hành trình rực rỡ của mình ở Hõm sâu của biên thuỳ. Một tia trăng nghiêng lẹ làng chui qua kẽ hở mái ngói, rót một chùm sáng vào cây đàn vĩ cầm đang treo trên tường phòng ở của thầy Đỗ Huy Quang. Lần này hồn trăng thăng hoa ngây ngất thành những giọng đàn tiềm ẩn, mà sáng láng vô cùng, (nhưng lại lặng lẽ không lời nén chặt vào lòng đàn)  - để rồi ngày mai đây, khi thầy giơ tay với lấy cây đàn kéo cho học trò nghe – thì lập tức hồn trăng ùa ra rực rỡ như hoa đào bừng nở khắp thung sâu trong âm thanh dập dìu bao lời hát ân tình…Nửa đêm về sáng, là những lúc lắng sâu, linh thiêng và diệu huyền nhất, thầy Quang mê mải chấm bài tập làm văn của những tâm hồn học trò non tơ, hay soạn những bài văn thơ chan chứa tình người… Như có mách bảo của giác quan thứ sáu, bỗng thầy đưa mắt nhìn cây đàn thân thiết trên tường, thấy chùm sáng của vầng trăng thanh biên cương, mà lòng tự nhiên trào lên một nguồn cảm hứng mới…Và lần này hồn trăng nơi cây đàn nhiệm màu và hồn thầy lại toả sáng trong nhau – để rồi hồn thầy hoá thành cánh chim thiên nga trắng muốt bay giữa trời cao mênh mông, vạch đường cho bao tâm hồn thơ trẻ bay theo…
… Gió bấc hoàng hôn mỗi lúc một lạnh thêm… Từ trên mép ta ly của nền nhà hoang ấy, tôi trèo xuống, lại dùng bước chân mình áng chừng vị trí phòng họp của các thầy giáo và phòng ở của thầy hiệu trưởng Trịnh Khắc Sùng (sau này là Phó Giám đốc Sở giáo dục Cao Bằng) ở gian trái của ngôi nhà xưa trong tưởng tượng. Ấn tượng thầy hiệu trưởng đọng lại trong lòng tôi buổi ban đầu và suốt ba năm học cấp 3 Đặc Biệt hồi ấy: Là một con người giàu lòng nhân hậu, với vẻ mặt ấm áp có pha chút như là khắc khổ của người nông dân Việt Nam. Thầy mang phong thái của một người lớn tuổi mô phạm và điềm đạm, khi tiếp chuyện ai (kể cả học trò), thầy đều chăm chú nghe hết mình và nhìn thẳng vào mặt người đối diện. Được thầy Trịnh Khắc Sùng tiếp chuyện, ta như thấy được thêm một nguồn sáng trân trọng phát từ tấm lòng hồn hậu của thầy. Ta như thấy càng thêm vinh dự và cảm thấy lòng mình ấm áp vô ngần. Phải rồi, thầy Sùng có tấm lòng của một người cha…
  Hồi ở Hõm sâu thầy Sùng đã có gia đình riêng, đã có hai cháu gái nhỏ tên là Hoà (học lớp 3) và Ngọc. Vợ của thầy, là giáo viên cấp 1, hồi ấy đi học tập trung nâng cao trình độ ở Trường trung cấp sư phạm dưới Thị xã Cao Bằng, cứ đến thứ bẩy mới được về thăm chồng con ở Hõm sâu. Vậy là thầy Sùng cũng giống như cảnh tạm thời gà trống nuôi con.
  Trường ở Hõm sâu vẫn thường tổ chức sinh hoạt văn nghệ hàng tháng đều đặn vào ban đêm. Có một lần có thầy Sùng và hai con nhỏ của thầy cùng dự đêm vui với chúng tôi. Có một cái lệ vui trong đêm văn nghệ là: Người nào hát xong, thì có quyền chỉ một người nào đó hát tiếp theo sau mình. Tôi nhớ: Có một ai đó hát xong đã mạnh dạn chỉ vào thầy Sùng, mong thầy hát góp vui một bài. Học trò chúng tôi hoan hô nhiệt liệt. Tôi chưa thấy thầy Sùng hát bao giờ, và chắc một phần vì tò mò, xem thầy hát ra sao – mà một anh bạn nào đó đã chỉ vào thầy chăng? Không một chút bị bất ngờ (chắc thầy cũng đã lường trước tình huống  này rồi) – thầy Sùng đứng dậy xin phép cả hội trường (là một lớp học nhỏ lợp gianh đơn sơ), để cho ba bố con thầy cùng hát tam ca:
Bé bé bằng bông, cái má hồng hồng, mẹ đi sơ tán, bế em đi cùng. Mẹ mua xe gỗ cho bé ngồi trong. Bao giờ thắng Mĩ, đưa bé về phố đông…
  Thầy Sùng hát giọng trầm với âm lượng nhỏ, hẳn là có dụng ý tôn giọng trẻ thơ lanh lảnh của hai đứa con gái của mình lên trong đêm vui. Thầy nhìn hai đứa con gái của mình cùng ca bài hát giàu ý  nghĩa ấy – với một cái nhìn tràn đầy hạnh phúc. Giờ đây, khi đã trở thành ông nội, ông ngoại rồi, tôi mới thấm thía cái nhìn tràn đầy hạnh phúc ấy của thầy Sùng ở Hõm sâu thuở xa xưa…
  Riêng bản thân tôi (Triệu Lam Châu) đã có một kỷ niệm buồn đối với thầy hiệu trưởng Trịnh Khắc Sùng kính mến của mình. Tôi có lỗi với thầy nhiều lắm. Nhớ lại chuyện này, giờ đây tôi cứ cảm thấy rưng rưng… Ngày ấy tôi đang học lớp 8, đang tuổi ăn tuổi ngủ, hồn nhiên sống và học hành trong sự bao cấp nhiều mặt của mẹ cha và các thầy cô giáo. Có một lần thầy Sùng giao cho tôi nhiệm vụ: Đi từ trong Hõm sâu ra gặp Ban giám hiệu Trường cấp 3 Hoà An (đang đóng ở phía ngoài đồi Khau Gạm) hỏi xem, việc phối hợp hai trường tổ chức mít tinh ra sao -Sau đó thì trở lại Hõm sâu báo cho thầy biết để thực thi công việc.
  Vậy là một mình tôi từ trong Hõm sâu đi bộ vượt núi  ra Trường  Hoà An gặp các thầy ở ngoài này, thì được biết: Thời gian tổ chức mít tinh sẽ được tổ chức vào 14 giờ 30’ chiều. Lúc tôi hỏi các thầy ở Hoà An, đang là 11 giờ 30’ buổi trưa. Hồi ấy chúng tôi quen ngủ trưa. Buồn ngủ quá tôi chui vào một bụi sim để ngủ một giấc và dự định dậy vào khoảng 13 giờ 30’ rồi vào báo lại cho thầy Sùng là vừa. Thế là tôi ngủ một giấc ban trưa ngon lành dưới một lùm sim trên đồi Khau Gạm. Khi tỉnh dậy thì đã khoảng 13 giờ 45’ rồi. Chắc vẫn còn kịp vào báo cho thầy Sùng biết giờ phối hợp mít tinh giữa hai trường vào 14 giờ 30’ thôi. Tôi chạy một mạch vào Hõm sâu. Tình cờ gặp bạn Hưởng cùng lớp, bạn tỏ vẻ ngạc nhiên: Trời ơi, cậu đi đâu? Lúc nãy khi dẫn bọn tôi ra Trường Hoà An, thầy Sùng tìm cậu mãi mà chẳng thấy. Cả Trường Hoà An cũng không có lấy một bóng người… Thầy Sùng giận cậu lắm đấy! Thế là thầy cho bọn tôi trở về Hõm sâu đó. (Hẳn là theo kế hoạch cũ, dư định tổ chức mít tinh vào 13 giờ 30’. Do vậy khi học trò Trường Đặc Biệt ra đúng vào giờ ấy, thì không gặp một ai của Trường Hòa An cả).
  Tôi bàng hoàng, thôi, chết rồi. Vậy là mình làm lỡ kế hoạch công việc chung rồi. Lúc ấy còn tuổi dại, nên tôi sợ là chính, không dám đến  gặp thầy để xin   lỗi… Đến bây giờ lỗi ấy vẫn còn ám ảnh lòng tôi…
  Hồi ấy tôi cứ đinh ninh: Thể nào thầy Sùng cũng sẽ cho người gọi tôi lên, để thầy sẽ xạc cho tôi một trận và bắt làm kiểm điểm. Song, đợi mãi… đợi mãi…                                                    
mà chẳng thấy động tĩnh gì cả. Vậy là thầy đã bỏ qua cho tôi. Chắc thầy nghĩ: Trò nhỏ tuổi còn dại, chứ không phải bản chất của nó thế này đâu…
   Khi tôi viết những dòng này (năm 2012) ở Phú Yên xa xôi – thì thầy Trịnh Khắc Sùng đã lên Mường trời có đến hơn chục năm rồi. Tôi xin kính cẩn chắp tay hướng lên trời cao thẳm mênh mang và thầm thổ lộ: Thầy ơi, em còn nợ thầy một lời xin lỗi chân thành. Kính mong thầy tha lỗi cho em. Kính chúc thầy luôn mạnh khoẻ trên Mường trời ngàn thu, thầy nhé!
… Một mình giữa buổi hoàng hôn chiều đông đầy gió bấc… Từ nền nhà hoang ấy, tôi lại lủi thủi đi  theo đường dốc phía trái, leo lên đến nền nhà ăn thuở nào. Chao ôi, bếp ăn dẫu đơn sơ hồi xưa, nhưng đã nuôi sống chúng tôi, để học hành tấn tới, để có hôm nay. Lại hiện về hình ảnh Bá Lễ, trưởng bếp tảo tần mà tháo vát, như một người mẹ hiền từ. Rồi Bá Dần, Bá Duyên nhu mì, chăm chỉ… Tất cả các bá đều hết lòng thương yêu và chăm chút chúng tôi như những đứa con ruột của mình… Buổi chiều đông này, nền nhà bếp xưa chỉ còn trơ lại mấy hòn đá núi xám đen (hẳn là đã từng được dùng làm ba trụ để kê nồi, nhóm lửa nấu cơm canh thuở nào)… Tôi giơ bàn tay mình ra, chạm lòng tay vào một hòn đá xám – để cảm nhận hồn lửa năm nào vẫn còn âm ỉ và rừng rực sáng giữa trái tim mình…
… Muốn dừng lại lâu hơn để thả hồn mình theo dòng hồi tưởng cũ rạng ngời… Nhưng trời sắp tối mất rồi… chắc phải để dịp khác vậy thôi… Tôi ngước mắt nhìn trời: Bầu trời càng u ám, gió bấc càng lạnh hơn khi ánh chiều sắp tắt. Tôi rảo bước qua một cái sân nhỏ sau nhà bếp, theo hướng chếch lên phía trái, thì gặp mái nhà tranh bốn gian xưa trong tưởng tượng. Gian đầu là lớp học. Tôi còn nhớ một chiều tháng 10 năm 1967, lần đầu tiên nhập Trường ở Hõm sâu để vào học lớp 8. Khi đi qua gian lớp học này, để vào chổ nghỉ ở gian giữa, thì nghe thấy một giọng hát thầm say sưa:
 Làng quê tôi bên bờ cát trắng dài
Biển mênh mông sóng vờn hàng dừa xanh…
 (Bài hát Nhanh tay lưới chắc tay súng của Trần Thụ)
   Tôi liếc nhìn vào lớp ấy, thấy một học trò cầm bản nhạc, vừa xướng âm vừa hát. (Sau này mới biết đấy là bạn Hoàng Ngọc Bội, học lớp 9 năm ấy). Lòng tôi lâng lâng… Bây giờ nghĩ lại thì có thể nói rằng: Lời ca ấy của bạn Bội cũng giống như là một nốt lấy đà đầy ngoạn mục trong bản nhạc tâm hồn của lòng tôi vốn đã ngân vang tự ngày nào, để rồi tiếp theo đó được hồn thầy Đỗ Huy Quang chắp cánh bay cao. Xin cảm ơn vô cùng bạn Hoàng Ngọc Bội của lòng tôi.
  Hai gian tiếp theo là nơi ở của các bá nấu bếp và của các bạn học sinh nữ các lớp 8, 9 và 10. Phía trước ngôi nhà ký túc này, là một hõm trũng xuống, có trồng mấy bụi tre xanh rì rào gió mát mỗi độ trưa về…
… Lòng nhủ lòng phải tranh thủ quan sát nhanh và phải về thôi, vì trời sắp tối rồi… Song mấy bụi tre xanh, như một người bạn tri kỷ, cứ như vẫy gọi mình nán lại. Chắc lâu ngày vắng bóng hình chúng tôi, hẳn tre buồn… Và hình như tre cũng nén một tiếng thở dài… Hồi xưa tôi được ở trong ngôi nhà ký túc này khoảng hai tuần (trước khi chuyển xuống ở gian xép nhà dưới) đúng vào mùa trăng thu ảo huyền tuyệt đẹp. Những đêm dầu tiên xa nhà, xa các em nhỏ trong gia đình mình – ngủ ở ký túc này như ngủ dưới vòm trăng. Và trăng thu cứ như giấu mình trong vòm tre xanh rì rào trước của phòng. Trăng và ta như chơi trò trốn tìm giữa vòm tre xanh mát rượi loáng ướt sương đêm. Nếu ta chạy, thì trăng trong tán lá cũng chạy theo bám lấy hình ta… Ta đứng lại, thì trăng cũng dừng lại, nấp trong vòm tre và mỉm cười nhìn ta. Khi ta giở sách ra làm bài tập, thì tia trăng dè dặt soi lối cho ta đi đến tận cùng của vấn đề… Trăng với mình tri kỷ là vậy… Song chiều đông nay, trong vòm tre rì rào của ngày xưa… tôi nhìn mãi mà chăng thấy trăng đâu? Hẳn trăng lại chơi trò trốn tìm như ngày xưa chăng? Và lần chơi này, chu kỳ tìm thấy nhau, đã kéo dài ra gấp bội… có đến hàng chục năm trời…Cảm ơn vòm tre xanh và vầng trăng trong Hõm sâu của lòng tôi…Nhờ hai bạn, mà lòng tôi được trẻ lại bội phần…
  Tôi nhẹ nhàng bước theo đường dốc, lên sườn đồi, thăm lại hai nền lớp học cũ. Một nền nhà lớp 8 (năm 1967- 1968) và một nền nhà lớp 9 (năm 1969). Bên trong lớp khoá 3 chúng tôi được bố trí làm hai dãy bàn.
  Từ dưới lớp nhìn lên bục giảng, tôi ngồi ở dãy bàn phía trái, ở vị trí cuối bàn thứ ba kể từ trên xuống. Như vậy, nhìn lên tôi sẽ thấy bạn Hoàng Thị Hùng, cô quản ca của lớp, ngồi ở cuối bàn thứ nhất, cũng thuộc dãy bàn phía trái của lớp học này.
 Có một kỷ niệm thật đậm đà, tôi còn nhớ mãi… Sau đợt đi lao động lấy gianh ở rừng sâu Khuổi Dà hồi ấy, tôi có sáng tác một ca khúc mang tên “Bài ca Khuổi Dà ”. Tôi đã dạy cho lớp hát làm kỷ niệm. Dẫu bài ca ấy còn non nớt về mặt nghệ thuật, nhưng đó là kỷ niệm, nên bạn bè đều ủng hộ tác giả. Rồi trong buổi sinh hoạt văn nghệ (mang tính hoành tráng) đầu tiên của lớp sau kỳ lao động ấy, khi bạn Hoàng Thị Hùng, cô quản ca của lớp cất lời dẫn giọng và bắt nhịp cho lớp hát bài “Bài ca Khuổi Dà” – tôi như bị điện giật vì bất ngờ… Tôi còn nhớ: Bạn Hùng đứng lên trước lớp, với vẻ tự tin và nói: Sau đây chúng ta sẽ cùng hát bài “Bài ca Khuổi Dà”… Rồi cô quản ca dẫn giọng: Ta đến đây lần mấy… hai… ba…
   Bạn Hùng dùng hai tay bắt nhịp cho lớp hát rất say sưa, rất tự nhiên… và có lúc bạn cũng nghiêng người hướng mắt nhìn về phía nhóm bạn hát còn hơi nhỏ, chưa tương xứng với nhóm bên kia… như thể thổi bùng lên ngọn lửa của tuổi thanh xuân yêu dấu… theo nhịp cảm xúc về Khuổi Dà đang tuôn chảy dạt dào…   
     Và mắt tôi (Triệu Lam Châu), tác giả của bài ca, như mờ đi vì những giọt lệ tự hào nóng hổi rưng rưng cứ chực lăn trên gò má. Đấy là là lần đầu tiên trong đời tôi, có được niềm hạnh phúc của sự đồng cảm tri âm của công chúng (dẫu trong phạm vi khiêm tốn), đối với đứa con tinh thần của mình. Sau này, mấy chục năm sau, dẫu có những thành công mới (trong khả năng của mình) trong sáng tác, được nhiều người hâm mộ và tri âm trong phạm vi cả nước – tôi vẫn coi sự tri âm đầu tiên ấy của bạn bè ở Hõm sâu xa xưa - là thiêng liêng. Nó chính là hạt lửa được gieo đắc đạo vào trái tim mình… Cảm ơn vô cùng cô quản ca của tôi, cảm ơn bạn bè và các thầy giáo Hõm sâu hồi ấy… Nhờ họ gieo mầm, mà có Triệu Lam Châu đúng mình như hôm nay… 
  Đầu xuân năm 2012 này tôi được biết, cô quản ca của lớp, Hoàng Thị Hùng đã lên Mường trời. Điều này cũng lại thật bất ngờ đối với tôi. Đau đớn quá… đang tuổi sung sức thế này, sao em đã vội đi, Hùng ơi? Hồi xưa từ chân dốc, em gọi tôi đứng chờ em trên lưng chừng đồi, để rồi cùng bước đi qua mái rừng phong xào xạc bao tiếng mơ hồ… Còn giờ đây tôi gọi và đợi em từ Mường trời trở lại trần gian, để rồi cùng bạn bè vào thăm Hõm sâu tuyệt vời của chúng ta hồi xưa đó, để rồi chúng ta lại cùng hát bài ca Khuổi Dà… Mà nhìn vào mắt nhau, để lại thấy đốm sáng hạnh phúc của tình bạn bè trong trẻo thuở nào…Tôi vẫn nhớ mãi cái nghiêng đầu và nụ cười trong trẻo luôn neo sáng nơi em…
… Cuối cùng hoàng hôn đã tắt… Rồi màn sương chiều bảng lảng cũng bắt đầu len lén trùm lên Hõm sâu rồi. Gió bấc càng thêm lạnh buốt… Nhưng lòng tôi có buốt chút nào đâu! Tạm biệt nhé, ơi Hõm sâu của lòng tôi, tạm biệt những tháng ngày kỷ niệm bừng sáng long lanh như những vỉa quặng ngời của lòng người. Lòng bịn rịn vô cùng, tôi trở về theo con đường mòn cũ… rồi lại leo lên dốc từ chiếc cầu gỗ nhỏ bên căn phòng xưa của thầy Vân. Lòng tôi không chao liệng nữa… mà như ấm thêm lên trong gió bấc….
Lên tới đỉnh dốc, nơi đường biên giữa Hõm sâu và Khau Gạm phía ngoài – tôi ngoái lại nhìn lần nữa. Giờ đây trong màn sương đêm ảo huyền choàng nhẹ lên Hõm sâu, tôi cảm thấy chiếc khăn thần kỳ của Bà mẹ Hoa hồi nào, như bỗng hoá thành một phím đàn khổng lồ. Trên phím đàn ấy rực sáng lên những nốt nhạc thần kỳ làm lay động lòng người: Nhẹ ấn vào Nốt “Thầy Sùng”, sẽ ngân lên vầng ấm áp của một người cha… Nốt “Thầy Vân” – Nét sáng láng của một lối tư duy độc đáo… Nốt “Thầy Khảm” – Chất lạc quan giàu nghị lực của lòng người…Nốt “Thầy Quang” – Nét phóng khoáng lồng lộng của tâm hồn thanh xuân chan chứa ánh thu trong… Nốt “Thầy Trình” – Nét thiêng liêng của nghề dạy học đáng tự hào của cuộc đời…
Và… chiếc khăn của Bà mẹ Hoa, phím đàn Hõm sâu thuở ấy… cứ soi sáng mãi lòng tôi cho đến hôm nay…
Tuy Hòa, Phú Yên, ngày 5 - 13/3/ 2012
 Triệu Lam Châu
Theo http://www.phongdiep.net/   
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những chuyến đò mưa

Những chuyến đò mưa Đò chở những bà mẹ nghèo sang chợ Than bên kia sông bán những thứ của nhà làm ra hoặc buôn thúng bán mẹt. Năm ngày 2 p...