Thứ Hai, 14 tháng 11, 2016

Lăng Minh Mạng – Kiến trúc và triết lý nhân sinh

Lăng Minh Mạng – Kiến trúc và triết lý nhân sinh 
Nhiều lần đến Cố đô Huế, mỗi lần tới, tôi lại có được những trải nghiệm khác nhau. Đến Huế, du khách không chỉ được cảm nhận vẻ đẹp mộng mơ, thanh bình của xứ Huế, những dấu ấn văn hóa cung đình chuẩn mực... mà còn được trải nghiệm chiều sâu không gian văn hóa Việt Nam. Một trong những nơi chứa đựng nhiều tầng văn hóa tâm linh và triết lí nhân sinh người Việt, đó là cụm di tích lăng tẩm của Huế. Trong số đó, lăng Minh Mạng là một công trình độc đáo nhất.
     Cổ nhân thường nói, con người không thể lựa chọn cách mình sinh ra nhưng có thể lựa chọn cách mình chết đi. Nhiều người trong số chúng ta thường tạo ra sự chết chóc ngay khi đang sống bằng cách bủa vây quanh mình những thủ đoạn, bằng sự nghi kị, nỗi sợ hãi, bằng sự kiềm chế và thủ tiêu những cái mới, tiến bộ. Nhưng cũng có những con người tạo ra giá trị bất tử khi đã lìa xa trần thế. Minh Mạng là một trong những con người như vậy.
     1. Đôi nét về Minh Mạng
     Minh Mạng (1791 - 1804), tên huý là Nguyễn Phúc Đảm, còn có tên gọi là Nguyễn Phúc Kiểu, là hoàng tử thứ tư, con của vua Gia Long và thứ phi Trần Thị Đang. Ông trị vì từ năm 1920 đến năm 1940. Đây cũng là khoảng thời gian thịnh trị nhất triều Nguyễn, triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam. Minh Mạng cũng là vị vua tài ba bậc nhất trong các vua triều Nguyễn. Ông được đào tạo và giáo dục trong “khuôn vàng thước ngọc” của nền giáo dục Nho học. Với ông, Lê Thánh Tông (1441-1497) là mẫu mực của “tu thân, tề gia trị quốc, bình thiên hạ” đã làm nên một thời bình trị của đất nước.
     Trong thời gian trị vì, Minh Mạng đã có những cống hiến xuất sắc. Là người tinh thâm Nho học, sùng đạo Khổng Mạnh, Minh Mạng rất quan tâm đến học hành, khoa cử, tuyển chọn nhân tài. Năm 1821 cho dựng Quốc Tử Giám, đặt chức Tế Tửu và Tư Nghiệp, mở lại thi Hội và thi Ðình, trước 6 năm một khoa thi, nay rút xuống 3 năm. Minh Mạng cũng rất quan tâm đến võ bị, nhất là thuỷ quân, nên đã sai người tìm hiểu cách đóng tàu của châu Âu và ước vọng làm sao cho người Việt đóng được tàu kiểu Tây Âu và biết lái tàu vượt đại dương. Minh Mạng đã hoàn chỉnh hệ thống đê điều ở Bắc Bộ, đặt quan khuyến nông, khai hoang ven biển Bắc Bộ lập thêm hai huyện Kim Sơn và Tiền Hải. Những cải cách toàn diện của ông (nhất là trên lĩnh vực hành chính) đã củng cố vững chắc sự trường tồn và toàn vẹn, thống nhất về lãnh thổ và hành chính, sự thống nhất về hóa của dân tộc. Không chỉ là nhà chính trị, Ông còn là một nhà thơ lớn. Giáo lí đạo đức chuẩn mực theo tư tưởng Khổng – Mạnh đã giúp Minh Mạng có tầm nhìn trong cai trị, sự nhân văn trong lối sống. Những tinh hóa trong trí tuệ và nhân cách của Ông lưu dấu ấn đậm nét trong quần thể kiến trúc Hiếu lăng – nơi Ông chọn làm chốn yên giấc ngàn thu.
     2. Kiến trúc lăng Minh Mạng
     Hầu hết các vị vua triều Nguyễn đều rất chú ý xây dựng lăng tẩm cho mình ngay từ khi còn sống. Minh Mạng cũng không phải là một ngoại lệ. Sau một thời gian khảo sát, mùa hè năm 1840, Hiếu lăng được khởi công xây dựng, đến năm 1843, sau khi Minh Mạng tạ thế hai năm lăng mới hoàn tất. Hiện nay, lăng Minh Mạng thuộc địa phận núi Cẩm Kê, xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế, gần ngã ba Bằng Lãng, nơi hợp lưu nguồn Tả Trạch và Hữu Trạch tạo thành sông Hương chảy qua thành phố Huế. Lăng cách thành phố Huế 12km.
     Lăng Minh Mạng là một tổng thể kiến trúc qui mô gồm khoảng 40 công trình lớn nhỏ gồm Cung điện, Lâu đài, Đình tạ... được bố trí cân đối trên một trục dọc từ Ðại Hồng Môn (ở ngoài cùng) tới chân tường của La Thành sau mộ vua. Các công trình được phân bố trên ba trục lớn song song với nhau mà đường Thần Ðạo là trung tâm.
     Mở đầu thần đạo là Đại Hồng Môn xây bằng vôi gạch cao 9m, rộng 12m. Hai bên cách một khoảng tường là các cửa Tả – Hửu Hồng Môn. Trên nóc tầng mái thứ nhất của Đại hồng Môn, ở chính giữa, đắp nổi một hình mặt trời, hai bên có hai con cá chép chầu vào. Mô típ trang trí này được coi là tiêu biểu cho loại cổng tam quan của kiến trúc triều Nguyễn. Đây là biểu trưng của sự cầu mưa, cầu hạnh phúc no đủ. Cổng chính của Đại Hồng môn chỉ mở có một lần để đưa quan tài của vua vào trong lăng, sau đó được đóng kín, ra vào phải qua hai cổng phụ.
Quang cảnh Hiếu lăng
     Qua cửa là vào sân chầu Bái đình hình vuông, lát gạch Bát Tràng (sân rộng 45x45m). Sân có hai hàng tượng quan văn võ, voi ngựa bằng đá cứng chầu ở hai bên. Người xưa có quan niệm rằng “sống gởi thác về” có nghĩa là sống chỉ là tạm bợ đến khi chết đi mới là vĩnh hằng, chính vì vậy khi sống vua có người hầu kẻ hạ thì khi đi về thế giới bên kia cũng phải có quan lại quân lính voi ngựa theo hầu.
     Cuối sân là Bi Đình toạ lạc trên Phụng Thần Sơn (nhà bia), xây trên gò đất cao 4m50 chia làm ba cấp với ý tượng trưng tam tài (trời – đất – người). Hai phía trước và sau có hệ thống bậc đá dẫn lên phương đình tám mái, trong có tấm bia “Thánh Đức Thần Công”. Kể cả bệ, bia cao tới 4m23, riêng bia cao 3m15 rộng 1m8, bằng đá Thanh. Bia do vua Thiệu Trị viết về tiểu sử và công đức của vua cha rồi cuối cùng ông đã tóm gọn tài đức của cha mình bằng tám chữ: “thánh văn thần võ, đại đức, trí nhân”.
     Một khoảng sân rộng tiếp theo chia làm bốn bậc lớn nhằm giảm bớt cảm giác choáng ngợp của con người trước sự mênh mông của kiến trúc, đó là sân triều lễ. Để sau đó vào Hiển Đức Môn mở ra một thế giới tẩm thờ, được giới hạn trong một lớp thành hình vuông biểu trưng (từ ý niệm trời tròn đất vuông ). Từ điểm cao này lại xuống sân để rồi lên điện Sùng Ân kiểu “trùng thềm điệp ốc” ở trung tâm của Phùng Thần Sơn. Chung quanh có Tả Hữu phối điện (trước) và Tả – Hữu Tùng Phòng (sau), như những vệ tinh chung quanh. Trong điện thờ bài vị của vua và bà Thiên Nhân Hoàng Hậu. Hoằng Trạch Môn là công trình kết thúc khu vực tẩm điện, mở ra một không gian của hoa lá và mây nước phía sau. Đây là cả một cụm kiến trúc khép kín lấy điện thờ làm tâm, và đường thần đạo làm trục để quy tụ những kiến trúc phụ, tập trung những đặc điểm của kiến trúc Huế thanh tú và tao nhã.
     Qua khỏi Hoằng Trạch Môn, tất cả những công trình mang tính chất hiện thực dường như dừng lại ở khu vực tẩm điện. Từ đây bắt đầu bước chân vào thế giới mới đầy thư nhàn, siêu thoát và vô biên. Đi xuống 17 bậc đá đến chỗ eo thắt của hồ Trừng Minh, cũng là mép của Phụng Thần Sơn ta như lạc vào thế giới của cỏ cây lá hoa. Vượt qua hệ thống ba cầu Tả Phù (trái), Trung Đạo (giữa) Hữu bật (phải) bắc qua hồ Trừng Minh như dải lụa xanh đưa ta tới đồi Tam Tài Sơn đột khởi nhô lên, mở đầu cho khu vực lăng với chức năng án che. Trên đồi ao lại có toà phương đình Minh Lâu vời vợi. Công trình thật ra không cao nhưng vì khéo tận dụng mặt nước và nền nên đã tôn lên rất nhiều. Thêm vào đó là sự tiệm tiến về chiều cao.
     Minh Lâu nghĩa là lầu sáng, nơi nhà vua suy tư vào những đêm trăng thanh gió mát, nơi để cho linh hồn tiên đế hiện về uống rượu, đánh cờ, ngắm trăng và để tiêu khiển. Minh Lâu là sự thể hiện cách lý giải về vũ trụ và nhân sinh quan của người xưa. Toà nhà này hình vuông, hai tầng, tám mái là một biểu tượng của triết học phương Đông. Thái cực hai lớp mái biểu tượng lưỡng nghi dương nhẹ nằm ở trên âm nặng nằm ở dưới; bốn mặt biểu trưng cho tứ tượng và tám mái biểu trưng cho bát quái. Trên bờ nóc của Minh Lâu có một bình pháp lam thắt lưng dáng bầu rượu là biểu trưng củ bầu thái cực, nơi khởi phát của vũ trụ.
     Đứng từ Minh Lâu ta có thể quan sát cả vùng, cảm nhận vẻ đẹp của cả tổng thể lăng Minh Mạng. Sân trước Minh Lâu trồng nhiều cây sứ, sân sau là vườn hoa hình chữ thọ, có trồng thêm mấy cây thiên tuế có ý nghĩa trường cửu. Vua Minh Mạng đã cho xếp đá thành thế tả thanh long, hữu bạch hổ được đặt trên hai ngọn đồi nhỏ. Hai bên Minh Lâu, về phía sau là hai trụ biểu uy nghi dựng trên Bình sơn và Thanh sơn như một sự giải thoát của linh hồn để hoà nhập vào vũ trụ. Muốn nói nhà vua đã “bình thành công đức” trước khi về cõi vĩnh hằng.
     Đằng sau ba điểm cao lại nhấn xuống một điểm thấp là hồ bán nguyệt. Đây là điểm tụ thuỷ để tích động những nguồn sinh khí cho Bửu thành. Không gian này được xem là hình ảnh của thế giới vô biên. Hồ Bán Nguyệt có hình dạng đúng như tên gọi của nó, Bán Nguyệt là trăng non. Hai nửa của mảnh trăng lưỡi liềm này được chia nằm đối xứng nhau qua cầu thông Minh Chính Trực. Hồ hình trăng non này ôm lấy Bửu Thành. Hồ hình trăng non như yếu tố “âm” bao bọc, che chở cho yếu tố “dương” là Bửu Thành biểu tượng của mặt trời. Kết cấu kiến trúc này thể hiện quan niệm của cổ nhân về sự biến hoá ra muôn vật. Đó là nhân tố tác thành vũ trụ. Cầu Thông Minh Chính Trực bắc qua hồ bán nguyệt nối Bửu Thành và Minh Lâu dài 49m và rộng 4m2. Hai bên đầu cầu có Nghi Môn bằng đồng, trên trang trí hình mây ngũ sắc và bát hữu bằng pháp lam. Sau 33 bậc tầng cấp là nơi an nghỉ của vua, nằm giữa trung tâm một quả đồi mang tên Khải Trạch Sơn, được giới hạn bởi Bửu Thành hình tròn đồng tâm biểu trưng, được tạo nên từ hồ bán nguyệt, La Thành, núi non và đường chân trời như muốn thể hiện khát vọng muốn ôm choàng trái đất và ước muốn làm chủ vũ trụ của vị vua quá cố. Đây là điểm cao chót, để phía sau trải ra một khoảng không thiên nhiên xanh ngát màu của cây cỏ hoang sơ. Từ đỉnh cao của không gian vô biên (Bửu Thành ) nhìn xuống Minh Lâu, điện Sùng Ân, nhà bia theo một hang dọc có tầm cao mặt nên bằng nhau như gợi lên trong ta ba miền đất nước Bắc – Trung – Nam nằm trên một bán đảo mà hồ Trừng Minh là đại dương.
     Người xưa đã tạo nên năm tầng sân nối tiếp cao dần lên theo thế ngũ hành tương sinh và cũng muốn cho con người dù đứng ở vị trí nào trên sân cũng không thấy mình quá nhỏ bé. Nhìn toàn cảnh lăng hình bầu dục với cấu trúc dàn trải như một thai nhi gợi lên một sự tái sinh. Và trên trắc đồ cát theo trục dọc xuyên tâm từ Địa Hồng Môn đến Bửu thành, các điểm cao thấp xen kẻ, dãn cách nhau có dáng dấp như một người nằm ngửa thanh thản muốn nhập mình với thiên nhiên.
     Quần thể kiến trúc trên được bao bọc bởi La thành. La thành  có chu vi 1.750m với chức năng bảo vệ một quần thể kiến trúc gồm cung điện, lâu đài, đình nhưng không làm cản tầm mắt và do đó vẫn có sự hoà hợp cảnh trí trong ngoài lăng. La Thành có dạng gần giống hình bầu dục nhưng mặt trước lại xây thẳng và mở ra ba cổng chính.
     Minh Mạng làm vua khi chế độ quân chủ tập quyền phát triển đến đỉnh cao với một kỉ cương chặt chẽ và đất nước rộng lớn nhất. Ông chỉ đạo thiết kế lăng của mình đạt đến sự quy phạm cao, toàn thể đăng đối mà vẫn uyển chuyển, càng vào sâu càng tôn nghiêm và đạt đến tuyệt đỉnh ở Bửu thành. Những kiến trúc chính nằm trên một trục dọc xuyên tâm tăng tính trang nghiêm. Hướng xây dựng vào thế đối xứng, nhưng toả ra hai bên với hồ sen và những kiến trúc phụ bờ ngoài của hồ thì đăng đối thoải mái. Những đường ngang nét lượn, những hình tròn hình vuông ở trên trục tâm lại được những mảng hình ở ngoại vi liên tục đổi mới, nhịp nhàng uốn lượn, không ngừng gợi mở…tạo sự hài hoà, thống nhất mà vẫn đa dạng vui mắt. Lăng Minh Mạng khiến cho các kiến trúc sư bậc thầy ngày nay cũng phải khâm phục trước nghệ thuật kiến trúc tuyệt diệu này.
     3. Chiều sâu triết lí nhân sinh của lăng Minh Mạng
     Khi đắm mình trong Hiếu lăng, hầu hết các du khách đều cảm nhận được một sự khác biệt lớn giữa lăng Minh Mạng với lăng tẩm của các vua nhà Nguyễn khác cũng như lăng tẩm các hoàng đề phương Đông, đó là sự thanh tịnh, hài hòa và ẩn chứa nhiều sự sống tiềm tàng. Đến với khu mộ địa nhưng con người không cảm thấy không khí u tịch, tang tóc mà là một sự thanh lọc, hồi sinh cả sự sống và cái chết.
     Cảm nhận đầu tiên khi ta đến thăm lăng là sự hoành tráng của nó nhưng ẩn đằng sau nó là triết lí sâu sắc về cuộc đời, về sự sống và cái chết. Khi đến thăm lăng, không chỉ bằng trực giác mà vận dụng cả tư duy nữa ta mới cảm nhận hết ý nghĩa của khu lăng tẩm này. Theo người xưa cuộc sống trong cõi trần ai chỉ là một cái gì đó tạm bợ, dù thọ được một trăm năm cũng chóng qua như một giấc mộng, vạn hữu đều vô thường năng thay đổi hình trạng như đám phù vân. Vì vậy khi vào lăng ta không thấy cái u buồn thê lương, ảm đạm mà một khu lăng thường có. Ta thấy được ở đây một thái độ thanh thản khôn ngoan đối với cái chết của vua Minh Mạng. Là một người chịu ảnh hưởng học thuyết Lão - Trang nên Minh Mạng cũng có quan niệm: Trong các loại sinh vật chỉ có con người là ý thức được bản thân mình và vũ trụ xung quanh, do đó mà biết lựa chọn thái độ với thiên nhiên. Có khi là hoà hợp với thiên nhiên, có khi là chinh phục và kiểm soát hoặc lợi dụng thiên nhiên.
     Với Minh Mạng, chết không phải là hết. Ở đây, chết là bước sang một thế giới mới với nhiều hạnh phúc, với nhiều điều tốt đẹp. Nên ông cố gắng tìm cho mình một cuộc đất tốt, và biến nơi đó trở thành một thiên đường trên mặt đất, nơi yên nghỉ đầy nhạc và thơ, một nơi không thấy bóng dáng của cái chết, của sự tang tóc. Thế nên, Hiếu lăng thể hiện sự kết nối giao hòa giữa trời đất và con người. Sự cân đối, hài hòa và tinh tế tạo nên linh hồn của lăng Minh Mạng. Điều dễ cảm nhận hơn cả song đậm đà ấn tượng khiến mọi người tới thăm lăng đều thích thú say mê là vẽ đẹp của “phong cảnh thuỷ mạc” mà thiên nhiên đất trời ưu ái dành cho nơi này. Với cảnh thiên đàng trên dương thế, lăng tẩm uy nghi đã được xây dựng hài hoà trong bản đồng ca với thế giới tự nhiên. Phong cách hoà hợp với thiên nhiên được áp dụng triệt để. Lăng đây là phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp ghép thêm một bức cảnh nhân tạo tuyệt khéo. Lăng đây là cái nhân công tô điểm cho sơn thuỷ. Thật không biết lấy ngôn từ gì tả được cái cảm giác lạ, cái êm đềm vô cùng. Nó khơi dậy trong lòng người một âm vang đặc biệt. Nó làm dịu lòng du khách vào viếng thăm lăng. Cảm giác mất mát nhường chỗ cho sự thanh thản đến lạ kì. Ở đây có cả các công trình dùng vào việc tiêu khiển ngồi câu cá, hóng mát, làm thơ, ngắm cảnh…Đi thăm lăng mà có cảm giác như đang ung dung đi dạo trong chốn thiên đường. Càng đi sâu vào lăng càng cảm thấy thanh thản về tâm hồn càng tăng dần. Thăm lăng ta có thể cảm nhận thấy cách nghĩ, thấy được quan niệm của vua Minh Mạng về sự sống và cái chết, về con người, về vũ trụ lớn lao. Hiểu được con người cũng như suy nghĩ, tâm tư tình cảm của vị vua nổi tiếng này.
     Như một du khách phương Tây khi đến thăm lăng đã nói: lăng đây là “nơi tang tóc mỉm cười và chốn vui tươi thổn thức” (Le deuilsourit et la joie soupire). Charles Patristrong một bài thơ cũng viết: “…Les roisd’ Annam tres sages Qui font sourir la mort” (Các vua nhà Nguyễn khôn ngoan làm cho cảnh tang tóc biết cười)
     Lăng Minh Mạng đã khiến các nhà kiến trúc tài giỏi ngày nay phải kính cẩn nghiêng mình khâm phục vì vẻ đẹp, sự tài hoa tinh tế trong từng viên gạch, lớp ngói của công trình. Phải nghiêng mình kính cẩn trước sự thông minh lỗi lạc, uyên bác, tài hoa của một ông vua đa trí, đa tài. Toàn bộ kiến trúc lăng toát lên vẻ đẹp, chiều sâu trong triết lí nhân sinh của Minh Mạng. Một quan niệm sâu sắc về sự giao hòa, thống nhất, hòa hợp tự nhiên và con người; sự cân đối, hiền hòa trong suy tưởng. Những người có tấm lòng nhân ái đến nơi đây được thêm nhiều trải nghiệm, được tôn vinh; những người có tấm lòng nhiều u khuất đến đây cảm thấy ghen tị, thấy lạc lõng và bị hắt hủi. Đó là cách Minh Mạng tạo ra sự sống sau cái chết.
Nguyễn Quốc Pháp
Theo http://www.utb.edu.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Tiếng gọi đêm cuối năm Đêm hai mươi sáu Tết, chị đứng trên ban công tầng bốn, lặng lẽ đưa đôi mắt u buồn nhìn xa xăm xuống đường phố. Ha...