Thứ Năm, 17 tháng 11, 2016

Nghệ thuật chơi chữ trong lục bát

Nghệ thuật chơi chữ trong lục bát 
Chơi chữ là thú vui “tao nhã” của giới cầm bút từ trước đến nay.
Chơi chữ như cách phân chia của người xưa gồm nhiều phương thức nhưng dù theo phương thức nào thì ẩn đằng sau đó luôn là một nụ cười khi kín đáo, ý nhị lúc bộc trực sảng khoái, khi tếu táo, giễu cợt, khi thâm thúy sâu cay.
Là thể loại mang tính chất “Quốc hồn quốc túy” của văn học Việt, lục bát, như một lẽ tất yếu, có nhiều bài chơi chữ rất thú vị. Nhiều bài đã thể hiện sự tài hoa, sâu sắc và hóm hỉnh trong cách chơi chữ của tác giả. Dưới đây, xin được điểm qua một số bài lục bát chơi chữ của một số nhà lục bát tiêu biểu.
  Nhà thơ Tản Đà, cái gạch nối giữa hai nền thi ca như lời Hoài Thanh chiêu tuyết, người nổi tiếng với những bài phong dao đẫm chất trữ tình, trong một lần hiếm hoi đã viết bài lục bát Ếch mà:

Phượng kêu trái núi bên tê
Rồng bay bốn bể nhạn về nơi nao
Cánh bằng đập ngọn phù dao
Đầm xa tiếng hạc lên cao vọng trời
Ao thu lạnh lẽo sự đời
Cành sương ngọn gió bời bời lá tre
Lắng tai ếch những ngồi nghe
Tiếc xuân, cuốc đã gọi hè, ai thương?
Chàng ve khóc đòi ăn sương
 oanh học nói như nhường công tai!
Nỏ mồm chú khướu hót ai
Vì ai bác  đêm dài cầm canh?
Canh khuya cậu vạc mò ăn
To mồm xơi cắp là anh quạ đùng!
Diều hâu rít lưỡi giữa đồng
Tắc kè nghiến lợi, thạch sùng chép môi
Gáy đâu!  mái nhà ai?
Mèo gào chó hú, trên trời lợn kêu
Ếch nghe cũng đã đủ điều
Ếch trông cũng đã đủ nhiều trò vui
Điểm thú vị của bài thơ là đã liệt kê ra hàng loạt con vật từ cao quý đến bình thường rất quen thuộc trong đời sống sinh hoạt và văn hóa người Việt như rồng, phượng, chim bằng, nhạn, gà, chó mèo... Qua ngòi bút điêu luyện của Tản Đà, các con vật hiện lên với dáng vẻ sinh động, đúng với tập tục sinh hoạt của chúng. Quan trọng hơn, thông qua việc khắc họa những con vật ấy, mượn cái tứ “ếch ngồi đáy giếng” của người xưa, Tản Đà, một mặt tự trào mình, một mặt vẽ nên xã hội nhí nhố những năm đầu thế kỉ XX khi mà những giá trị cũ đã phai nhạt và những giá trị mới chưa hình thành.
Nguyễn Bính, người viết lục bát một cách tự nhiên như nhà văn viết văn xuôi, cũng có nhiều bài thơ chơi chữ một cách độc đáo, trong đó nổi tiếng nhất có lẽ là bài Không hẹn ngày về:
Anh đi không hẹn ngày về
Chỉ đào ai buộc, tóc thề ai chôn
Muốn gì, em muốn gì hơn
Hôn hoàng nay lại hoàng hôn mai ngày
Môi khô vóc liễu thêm gầy
Anh xa, ai kẻ đôi mày cho ai
Thơ không làm trọn một bài
Đàn không gẩy trọn một vài khúc ngâm
Ông tơ lầm lẫn nên nhầm
Ai cho sum họp, ai làm chia phôi
Chẳng thà đứng hết duyên đôi
 yêu nhau lắm để rồi xa nhau
Tính năm tính tháng thêm rầu
Ấy hai con én ngang lầu bay bay
Bài này Nguyễn Bính viết tặng nữ thi sĩ Anh Thơ sau những lần gặp gỡ, trao đổi chuyện văn chương. Cách chơi chữ độc đáo của bài thơ nằm ở các chữ đầu các câu. Khi ghép các chữ đầu mỗi câu thơ lại với nhau sẽ ra một câu đùa tếu táo, thú vị mà Nguyễn Bính muốn gửi cho người bạn thơ tài năng của mình: Anh chỉ muốn hôn môi Anh Thơ đàn ông ai chẳng có tính ấy. Một lời tự thú rất…Nguyễn Bính và cũng rất đàn ông. Trong một bài lục bát khác viết tặng họa sĩ Việt Quyên, người bạn thân “chí tình chí cốt”, Nguyễn Bình cũng thể hiện khả năng chơi chữ độc đáo của mình.
Có cụ vê-qu-vê-ria
Suốt ngày nghĩ chuyện “pờ-le-dia” suốt ngày
“Đờ manh” cụ cứ thế này
Dờ hồn kẻo lại có ngày “mò ria”
Điểm độc đáo của bài thơ này là nằm ở hai điểm. Thứ nhất, mỗi câu đều chen một từ tiếng Pháp: vê-qu (vivre), pờ-le-dia (Plaisir), Đờ manh (demain), mò ria (mourir). Thứ hai, chữ tiếng Pháp đầu tiên vê-qu là tên viết tắt của họa sĩ Việt Quyên, vừa tả bộ dạng ngồi của họa sĩ lúc ấy.
Nhà thơ Tố Hữu, cánh chim đầu đàn của nền thơ ca cách mạng Việt Nam, cũng có những bài lục bát chơi chữ hóm hỉnh. Trong thiên trường ca Nước non ngàn dặm, khi miêu tả phút giây bịn rịn chia tay kẻ ở người về giữa người con trai miền Bắc với đồng bào miền Nam, nhà thơ hạ bút viết hai câu thơ:
Chia tay lưu luyến mắt nhìn
 Sầu riêng bịn rịn nhớ miền Nam xa
Từ sầu riêng dùng trong trường hợp này rất đắc địa, vừa mang nghĩa danh từ dùng để chỉ một trong những loại quả nổi tiếng của miền Nam, vừa mang nghĩa tính từ diễn đạt tâm trạng của tác giả. Sử dụng hình ảnh một loại quả mang tính biểu trưng của miền Nam để nói về tâm trạng của người Bắc khi đến miền Nam, Tố Hữu đã cho thấy cái tài trong việc dùng chữ và cái tình của mình đối với mảnh đất thân yêu của đất nước.
Về già, dời xa quan trường, nhà thơ có dịp đi thăm thú nhiều vùng miền trên khắp cả nước. Trong một lần đến thăm huyện Như Xuân của tỉnh Thanh Hóa theo lời mời của một người bạn, Tố Hữu có làm bài thơ Như Xuân trong đó ông sử dụng cách chơi chữ lặp từ:
Như Xuân tươi mãi vẫn là Như Xuân
Bằng thủ pháp này, nhà thơ bày tỏ mong muốn huyện Như Xuân phát triển, có một tương lai tốt đẹp như chính tên gọi của mình. Thủ pháp này cũng được Tố Hữu sử dụng trong bài Chợ Đồng Xuân nhưng với dụng ý ngược lại:
Đồng Xuân ơi, đến chưa thời Đồng Xuân
Nhà thơ tỏ ý không hài lòng khi thấy khu chợ nổi tiếng nhất của thủ đô vẫn phát triển chưa tương xứng với sự kì vọng của mọi người.
Nói đến lục bát, không thể không nhắc đến Nguyễn Duy, người đã làm mới lục bát bằng một phong cách thơ rất riêng. Trong nhiều bài lục bát, Nguyễn Duy có sử dụng biện pháp chơi chữ mà Về làng là một ví dụ khá tiêu biểu.….
Không răng… cha vẫn cười khì
Đời là rứa kể làm chi cho rầu
Cha con xa cách đã lâu
Mấy năm mới uống với nhau một lần…..
Cha ta thì cứ không răng cười cười
Nguyễn Duy chơi chữ không răng rất đắt trong trường hợp này. Không răng là từ tiếng địa phương của Thanh Hóa (Nguyễn Duy là người xứ Thanh) nghĩa là không sao. Ở bài thơ, Nguyễn Duy dùng từ này vừa để miêu tả tình trạng không mấy khả quan của…bộ nhai, vừa phản ánh tâm trạng của cha mình. Đối lập với nỗi niềm thương xót (Ruột ta thắt mặt ta nhăn) và cảm thấy mình có lỗi của Nguyễn Duy (Ta đi mơ mộng trên trời/ Để cha cuốc đất một đời chưa xong), cha của tác giả, một người nông dân cả đời “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” mà vẫn đói khổ lại luôn giữ cho mình thái độ sống “không răng” nhẹ như lông hồng. Trong cách chơi chữ này, có cái gì đó vừa đắng đót, vừa mang tính tự trào, tự giễu mình của Nguyễn Duy.
Và nhắc đến lục bát, nhiều người trong số chúng ta sẽ nghĩ đến Bùi Giáng, thi sĩ của trường thơ loạn với những câu thơ không thuộc thế giới người thường. Trong thế giới thơ Bùi Giáng, có những câu lục bát thể hiện khả năng chơi chữ thú vị. Trong bài Mưa nguồn, Bùi Giáng làm bạn đọc liên tưởng đến những vần thơ Nôm của thi sĩ Hồ Xuân Hương bằng lối nói lái đặc trưng của dân tộc:
Lọt cồn trận gió đi hoang
Tồn liên ở lại xin làn dồn ra. 
Trên đây là một số bài lục bát chơi chữ của một số “tên tuổi lớn” trong làng lục bát Việt. Chơi chữ, thiết nghĩ vừa để vui cũng vừa là một cách để người viết thể hiện cái tài của mình trong việc “dụng chữ”. Không có thực tài thì không thể làm được.
Đoàn Minh Tâm
Nguồn: Tạp chí NV&TP
Theo http://vanvn.net/






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme

Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme Bạn đọc yêu thơ hẳn còn nhớ tới một trong những thi phẩm đầu tay của nhà thơ ...