Chủ Nhật, 19 tháng 2, 2017

Người giữ hồn của Huế xưa

Người giữ hồn của Huế xưa
Trong lần đầu gặp gỡ, bà Khánh Nam đã để tôi ngồi chờ trong tòa Nhân Hậu, nơi tiếp khách của chủ nhân Lạc Tịnh Viên trong gần nửa giờ.
Khi đẩy cánh cửa gỗ khép hờ để bước vào Lạc Tịnh Viên cách đây hơn 10 năm, tôi không nghĩ rằng mình sẽ còn trở lại nơi này nhiều lần; và tuyệt nhiên không nghĩ rằng mình có cơ hội gặp gỡ, chuyện trò và làm bạn vong niên với một người phụ nữ lịch lãm và điệu đà bậc nhất xứ Huế. Bà là Công Tằng Tôn Nữ Khánh Nam, người giữ hồn cho Lạc Tịnh Viên, biệt phủ nằm bên dòng sông An Cựu và là biểu trưng cho nền văn hóa nhà vườn của miền đất sông Hương - núi Ngự.
Bà Công Tằng Tôn Nữ Khánh Nam, người giữ 
bóng thời gian cho Lạc Tịnh Viên trong hơn nửa thế kỷ qua
Lạc Tịnh Viên do ông hoàng Nguyễn Phước Hồng Khẳng (1861 - 1931), con trai trưởng của Tùng Thiện Vương Miên Thẩm (1819 - 1870) tạo lập vào năm 1889. Từ mái nhà tranh đơn sơ lúc khởi dựng, dùng làm nơi ở của thân mẫu, ông hoàng Hồng Khẳng đã biến nơi này thành một không gian của kiến trúc đình viên theo lối Huế; là nơi lưu giữ nền nếp và gia phong của một gia đình quý tộc Huế xưa; cũng là nơi bảo lưu và trao truyền hữu hiệu nhất nét tinh tế, sự lịch lãm, tính hiếu thuận và lòng nhân từ của tính cách Huế.
Trong lần đầu gặp gỡ, bà Khánh Nam đã để tôi ngồi chờ trong tòa Nhân Hậu, nơi tiếp khách của chủ nhân Lạc Tịnh Viên trong gần nửa giờ. Sau này tôi mới hay là bà cần chừng đó thời gian để chải tóc, trang điểm, chọn áo dài và chiếc phu-la cho phù hợp với chiếc áo dài ấy và để soạn sửa một ấm trà ngon, một dĩa mứt gừng tiếp khách.
Khi bà xuất hiện phía sau những hàng cột gỗ đẫm màu thời gian của tòa Hy Trần Trai, kiến trúc chính của Lạc Tịnh Viên, khoan thai bước từng bậc cấp tiến về phía tôi, thì tôi lập tức bị cuốn hút bởi sự lịch lãm, nét quý phái tỏa ra từ thần thái của bà. Sau lúc sơ vấn và biết được mục đích chuyến viếng thăm của tôi, bà mời tôi dùng trà mứt và bắt đầu câu chuyện về hành trình gian truân gìn giữ di sản Lạc Tịnh Viên.
Trước khi nhà Nguyễn cáo chung vào tháng 8 năm 1945, thì đời sống của tầng lớp quý tộc Nguyễn triều đã sa sút. Những khoản chu cấp thường niên từ triều đình cho các ông hoàng bà chúa đã bị sút giảm hoặc ngưng hẳn. Chủ nhân các vương phủ phải tự lực cánh sinh, nhờ vào những của cải tích cóp được lúc thịnh thời. Vốn sống vương giả, nay phải làm quen với cuộc sống tằn tiện thật không dễ dàng với nhiều người. Trong khi đó, những tòa kiến trúc cả trăm năm tuổi đã bắt đầu rệu rã trước sự tấn công của thời gian, khí hậu, thời tiết và cả bom rơi đạn lạc trong những năm chiến tranh. Vì thế, nhiều phủ đệ của các ông hoàng, bà chúa thời Nguyễn đã xuống cấp và tàn tạ dần.
Chân dung bà Công Tằng Tôn Nữ Khánh Nam 
do người con trai của bà vẽ
Vậy nhưng, Lạc Tịnh Viên vẫn vững chải vượt qua những thử thách khắc nghiệt để trường tồn với Huế. Đó là nhờ các thế hệ hậu duệ của ông hoàng Nguyễn Phước Hồng Khẳng đã biết chung tay để giữ nếp nhà, đặc biệt là nhờ sự lèo lái của nữ chủ nhân Công Tằng Tôn Nữ Khánh Nam. Người phụ nữ mảnh mai ấy đã dường như dành trọn đời mình để bảo lưu những giá trị tốt đẹp của Lạc Tịnh Viên: từ việc giữ gìn nguyên vẹn các công trình kiến trúc đến việc bảo tồn cảnh quan vườn tược, tránh bị “chia năm xẻ bảy” vì nhiều lý do khác nhau; từ việc bảo lưu những vật dụng, sách vở, đồ gia dụng của tiền nhân nay đã trở thành những cổ vật vô giá cho đến việc duy trì lối sống thường nhật của một gia đình quyền quý trong hoàn cảnh do kinh tế sa sút. Đó thực sự là một kỳ công.
Nhờ vậy mà giữa phố xá ồn ào tấp nập của một Huế đang trong quá trình đô thị hóa, Lạc Tịnh Viên vẫn giữ nguyên vẻ uy nghi, cổ kính: từ chiếc cổng vòm có đôi câu đối chữ Hán thâm trầm mà dung dị, cho đến những tòa nhà rêu phong đang lưu giữ dấu ấn thời gian qua từng viên ngói, hàng gạch, qua từng nét chạm trổ trên các vì kèo, liên ba, đố bản; từ bức bình phong che chắn cho nếp nhà rường trầm mặc bên trong khỏi những xô bồ, náo nhiệt của phố phường bên ngoài, cho đến mảnh vườn với những gốc cây, chậu cảnh tạo nên một không gian sống rất riêng của Huế.
Bà kể với tôi: sau ngày hòa bình, cả Huế đều lam lũ mưu sinh, gia cảnh của bà cũng sa sút. Bà phải ăn cơm độn, mặc áo cũ; phải cuốc xới mảnh vườn trong Lạc Tịnh Viên vốn chỉ trồng hoa và cây kiểng, để trồng các loại rau quả góp thêm cho bữa ăn hàng ngày. Nhưng mỗi khi bước chân ra khỏi tòa phủ đệ thâm nghiêm ấy, bà đều ngồi xe xích lô, mặc những chiếc áo dài không một nếp nhăn, khoác chiếc phu-la mệnh phụ màu trắng. Khi xuất hiện trước người khác, bà luôn chăm chút bản thân từng ly, từng tí, từ trang phục, kiểu tóc đến cử chỉ, ngôn từ. Kể cả những lúc khốn khó nhất thì phong thái của bà cũng kiêu sa, đài các như mặc định. Bà nhất mực gìn giữ một phong cách sống riêng, như là nếp nhà, để con cháu noi theo.
Không chỉ gìn giữ và duy trì nếp sống Huế ở đằng sau cánh cổng và bờ tường thâm nghiêm cổ kính của Lạc Tịnh Viên, bà Khánh Nam còn liên hệ với chính quyền, hỏi thăm các thủ tục và nhờ các nhà chuyên môn xây dựng hồ sơ trình các cấp có thẩm quyền để công nhận Lạc Tịnh Viên là Di tích lịch sử văn hóa. Những nỗ lực của bà đã được đền đáp. Ngày 28/9/2007, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ra Quyết định số 2235/QĐ-UBND, công nhận Lạc Tịnh Viên là Di tích Kiến trúc Nghệ thuật cấp tỉnh. Đây là một trong những di tích “tư nhân” đầu tiên được bảo tồn tốt nhất ở Huế, trên cả phương diện vật thể lẫn phương diện phi vật thể.
Một góc Lạc Tịnh Viên
Bà mời tôi đi thăm Lạc Tịnh Viên, tỉ mỉ thuyết minh cho tôi về lai lịch của từng tòa nhà, từng đồ vật bày biện nơi nội thất; kể cho tôi thân thế và hành trạng của những vị tiền bối trong gia đình - những người đã tạo lập và gìn giữ Lạc Tịnh Viên trong hơn một trăm năm qua. Sau cùng, bà tặng cho tôi bản copy cuốn Thực phổ bách thiên, giáo khoa thư dạy nấu ăn bằng thơ do bà Trương Đăng Thị Bích (1862 - 1947), phu nhân của ông hoàng Hồng Khẳng, sáng tác. Cuốn sách mỏng này gồm 102 bài thơ “thất ngôn tứ tuyệt” dạy cách nấu các món ngon xứ Huế, là sự kết hợp một cách tài hoa thơ ca và ẩm thực, do nữ chủ nhân đầu tiên của Lạc Tịnh Viên thực hành và truyền dạy, được các thế hệ con cháu, trong đó có bà Khánh Nam, kế thừa.
Sau lần gặp gỡ đầu tiên, tôi rời Huế vào Quảng để mưu sinh, nhưng khi trở lại cố đô, tôi vẫn thường tranh thủ ghé thăm và trò chuyện với bà. Thi thoảng, tôi còn dẫn đám học trò của mình đến Lạc Tịnh Viên, giới thiệu với các em rằng đây là tòa bảo tàng của kiến trúc nhà vườn Huế, là nơi bảo lưu không gian sống đặc trưng của xứ Huế, là nơi mà các em có thể diện kiến một “báu vật nhân văn sống”, người đang giữ gìn, trao truyền cốt cách và lối sống của tầng lớp quý tộc Huế xưa cho hậu thế. 
Và cũng như mọi lần, bà lại bắt tôi, và những học trò của tôi, phải chờ gần nửa giờ, trước khi xuất hiện nơi bậc cấp tòa nhà Hy Trần Trai trong bộ áo dài màu tím nhạt và chiếc phu-la quen thuộc.
Để rồi sau khi nói chuyện với bà, đám học trò của tôi lại nói với nhau cái câu mà tôi đã từng nói: “Đây là người phụ nữ Huế lịch lãm và sang trọng nhất mà mình được hân hạnh diện kiến”.
Đúng nhưng mà chưa đủ, vì bà còn là người giữ hồn của Huế xưa nữa.
Bài, ảnh: Trần Đức Anh Sơn
Theo http://baothuathienhue.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NSND Lê Huy Quang: Phải biết thua người khác

NSND Lê Huy Quang: Phải biết thua người khác! Thiết kế mỹ thuật sân khấu có vai trò quan trọng góp phần làm nên thành công của một vở diễn...