Thứ Ba, 28 tháng 2, 2017

Mùa xuân chưa đi qua

Mùa xuân chưa đi qua
Đang thư thái huýt gió thì chiếc xe máy do cô gái điều khiển phía trước rẽ ngoặt. Thiên chỉ kịp đạp phanh, đánh tay lái gấp thì cả Thiên và xe đổ vật xuống đường. Tiếng cô gái:
- Đi đứng kiểu gì thế? Mù à?
Người đàn ông đi bên cạnh Thiên dừng xe quát lớn:
- Tiên sư con đĩ. Đứng lại ngay!
 Khi Thiên đứng dậy được thì cô gái đã biến mất, người đàn ông vừa giúp Thiên dựng xe vừa càu nhàu:
- Cũng may không sao. Đúng là con mất dạy. Nó tạt qua mặt người ta còn già mồm chửi.
Thiên cười gượng, cảm ơn người đàn ông, cố kìm nén cơn bực tức, lẳng lặng chạy xe về nhà. Gọi là nhà nhưng thực chất là túp lều vá víu Thiên dựng tạm trên mảnh đất nhỏ mới mua bằng số tiền thanh lý nhà cửa, tài sản được chia sau khi ly hôn với cô vợ quái đản. Vốn xuất thân từ gia đình nông dân nghèo khó, bước vào cuộc sống gia đình khi đang là kỹ sư trong nhà máy cơ khí, Thiên đã gồng mình gắng gỏi thể hiện bản lĩnh người chồng, người cha trong gia đình, làm mọi việc kiếm tiền và dành dụm từng đồng bạc lẻ. Chỉ vài năm, vợ chồng Thiên đã có một căn nhà với những tiện nghi tàm tạm. Nhiều đêm úp mặt lên bộ ngực trắng nhễ nhại của vợ, Thiên thổn thức trong cảm giác được làm chủ tuyệt tác của tạo hóa, không hề mảy may để ý đến tiếng gọi nơi hoang dã từ trái tim người vợ. Lời nói dịu dàng với những mỹ từ bóng bảy đi kèm phút giây bốc lửa ngùn ngụt của cô vợ, giờ đây khi đã đủ thời gian tĩnh tâm, Thiên mới thấy mình khi đó quá non nớt.
Trong cơn lốc suy thoái kinh tế thế giới, cái nhà máy cơ khí Thiên làm việc ngắc ngoải èo uột, đứng trên bờ vực phá sản và cho phép mọi người chấm dứt hợp đồng tự lo liệu cuộc sống. Thiên đã phải chạy đôn chạy đáo mới xin được chân bảo vệ cho trung tâm giải trí và thương mại, không mảy may nghi ngờ vợ và tay cai thầu xây dựng mèo mả gà đồng. Khi sự việc vỡ lở, dù Thiên cố níu giữ vì tương lai của cậu con trai nhỏ, nhưng cô vợ càng được thể, vung tiền ăn chơi, ngang nhiên đi lại đêm hôm bất chấp dư luận xã hội và sự nhún nhường của chồng. Không kiềm chế được Thiên nổi nóng, ả cong cớn:
- Anh không lo được cuộc sống cho tôi thì việc ai người nấy làm. Không chịu được thì… ba…a…a…i…!
Cuộc sống vợ chồng kết thúc chóng vánh. Khi đã tĩnh tâm nhìn lại, Thiên mới thấy hoang hoải, chống chếnh. Không biết trong cuộc sống gia đình, ngoài yếu tố kinh tế là điều kiện cần và đủ, thì mức độ kinh tế ấy lớn đến bao nhiêu mới làm cho vợ chồng có chất kết dính bền vững? Hơn chục năm lăn lộn kiếm tiền và hầu như đưa hết cho vợ, lúc chia tay, cô ta huỵch toẹt: “Đi mà đòi lão chủ đề”. Mỗi người có một số phận, một cách sống, nói ra chỉ tổ thiên hạ chê cười, Thiên cắn răng lầm lụi tìm việc. Căn nhà làm chỗ chui ra chui vào tuềnh toàng như lều chăn vịt. Ai đó nhắc cẩn thận cửa rả, Thiên cười nửa miệng: “Khi tài sản đã không có gì đáng giá thì bọn trộm cắp có lẻn vào hay không cũng vậy”.

Là dân kỹ thuật nhiều năm, vốn  quen với các bản vẽ chi tiết máy móc thiết bị, chỉn chu thận trọng trong tính toán thiết kế, giờ tối ngày đối diện với một môi trường mới đa góc cạnh. Sau những dằn vặt bỡ ngỡ, Thiên tặc lưỡi: Thôi kệ, việc ai người nấy làm, họ sống được ta cũng sống được, cốt có cái ăn đã rồi tính tiếp.
Thật bất ngờ, người đàn ông đi bên cạnh lúc cô gái tạt qua đầu xe làm Thiên bị ngã và cả cô gái ấy đều cùng làm tại chỗ làm của Thiên. Ông ta là Bảy sẹo - quản lý vũ trường, còn cô gái là vũ công. Khi Thiên đang giúp ông quản lý vũ trường và nhóm nhân viên di chuyển lô hàng dọc hành lang thì một giọng con gái cất lên chỏng lỏn:
- Đi cái!
Ông quản lý ngoảnh lại, cau mặt một lát rồi hung hổ:
- Tiên sư con ranh. Mày có biết bố mày đây là thằng nào không? Mày muốn còn răng để ăn cơm hay tao vả cho vỡ mồm? Ranh con mà láo toét.
Cô gái đỏ bừng rồi tái mặt xin lỗi. Khi cô ả vừa đi khuất, Thiên nhìn ông ái ngại:
- Anh mắng em nó hình như hơi quá.
- Với bọn mất dạy phải cho nó biết thế nào là lễ độ, không thể nhu nhược. Nhờn với chó con, chó con liếm mặt.
Cứ tưởng mọi việc chỉ dừng ở đó, nào ngờ mấy hôm sau, cô gái gặp Thiên với vẻ mặt thật khác lạ:
- Em xin lỗi vì cái buổi đi xe ẩu và hỗn láo hôm trước! Em là Ngân, vũ công. Em đã hỏi, biết tên anh là Thiên.
- Thôi không có gì, cô biết mình biết người là được.
- Anh đừng giận em mà “cô tôi” như thế. Thân gái quê ra thị thành, không ngoa ngoắt liệu có tồn tại thành người được không anh?
- Để thành người thì cứ phải vậy sao?
- Không hẳn thế! Nhưng một con ca ve như em, đi bên lề đời có còn gì phải ý tứ nữa đâu anh!
Sửng sốt khi nghe Ngân nói, bằng trực giác Thiên biết Ngân có điều gì đó ẩn chứa đầy tâm trạng. “Đi bên lề đời”, hình như Thiên cũng vậy, khi mọi người làm lụng chăm lo cho gia đình thì Thiên chẳng cần chăm lo cho ai cả. Đi làm về cứ vậy lên giường không cần tắm rửa. Mà tắm rửa làm gì khi sạch sẽ cũng chẳng để làm gì? Không rõ từ hôm nào, hai kẻ đi bên lề đời không còn nhìn nhau bằng ánh mắt dò xét xa lạ. Nhiều buổi, Ngân bỏ sàn nhảy ra thềm nơi Thiên đứng trực để chuyện trò như đã thân thiết lắm. Vẻ nanh nọc đanh đá dường như là của một cô Ngân khác.

Khi Ngân 14 tuổi, bố mẹ ly hôn. Chị gái ở với mẹ, Ngân theo bố. Tình cảm người cha không xua được thái độ hằn học điêu toa của bà mẹ kế. Sau một trận đòn vô cớ, Ngân bỏ nhà ra thành phố làm ô sin với mong muốn tránh xa bản mặt đáng ghét và cuộc sống dì ghẻ con chồng. Càng lớn, Ngân càng xinh đẹp. Bước sang tuổi 16, Ngân như lột xác, non nõn phổng phao và không qua nổi ánh mắt thèm khát của ông chủ. Một ngày đẹp trời, khi bà chủ õng ẹo đi lễ chùa, Ngân không thể cưỡng nỗi con quỷ già dâm dục. Từ đó hàng ngày Ngân trở thành nô lệ tình dục cho ông chủ vào bất kỳ thời gian nào khi lão già có cơ hội… Niềm vui ngắn chẳng tày gang, những tưởng trong vòng tay của ông chủ Ngân sẽ được đổi đời. Một ngày nọ, lo sợ vẻ đẹp của Ngân sẽ lấn át nhan sắc đang tàn phai của mình, nhân cơ hội ông chồng đi vắng, bà chủ lẳng Ngân ra đường. Áo cơm trĩu nặng vai người, Ngân lao vào cuộc mưu sinh mà không biết mình còn quá non nớt để hiểu về các mánh lới lừa tình. Đứa con trai là kết quả của một cuộc tình như thế. Sau khi sinh nở, cơ thể Ngân trở lại với vẻ đẹp rờ rỡ. Qua tên cò gái, Ngân được đưa vào lớp khiêu vũ và tiếp tục chịu kiếp nô lệ cho tên cò gái và ông bầu. Khi đã không còn gì để mất và không còn gì để phải gìn giữ, mọi việc đều hết sức mong manh. Ngân sẵn sàng làm gái đi khách nếu đối tác chịu chi đẹp…
Đến nhà Thiên chơi, ngắm căn phòng tuềnh toàng, Ngân lắc đầu:
- Anh sống như thời tiền sử.
Thiên cười buồn:
- Anh đang tồn tại chứ có phải sống đâu!
- Đừng bi quan như vậy. Em cũng có lúc nghĩ rằng đời mình thế là hết. Nhưng từ khi có con, dẫu người đời nghĩ đứa trẻ không có bố, là con hoang. Nhưng nó là con em, em phải chăm lo cho nó…! - Ngân thủ thỉ rồi ngả người sang bờ vai ngai ngái mùi mồ hôi dầu với tất cả sự tin cậy.
Bảy sẹo gặp Thiên nháy mắt nhăn nhở:
- Mày với con Ngân “có chuyện” rồi hả? Tao nhìn cái điệu nó nói chuyện và liếc trộm mày là biết. Cẩn thận đừng cho nó “kết”. Vớ vẩn rách việc...
Nhìn Bảy sẹo trầm tư, Thiên như thấy trước mặt mình là một người đàn ông khác. Tên là Bảy sẹo nhưng mặt mũi ông ta không hề có chút sẹo, người ta nói hồi còn lăn lóc theo đám giang hồ, cái cơ thể hộ pháp của Bảy với bàn tay sắt đã gây ra nhiều sẹo cho các đối thủ côn đồ sau những pha tỉ thí và nó gắn liền với Bảy đến bây giờ. Cái vẻ bặm trợn chỉ để các tay anh chị nể sợ chứ tại vũ trường, chưa ai thấy Bảy sẹo có thái độ khiếm nhã với khách và đồng nghiệp. Ngay cả với các ả gái điếm, Bảy sẹo cũng không hề tỏ thái độ miệt thị. Như để Thiên hiểu vấn đề, Bảy sẹo ôn tồn:
- Tao làm thuê cho thằng có tiền đã lâu nên hiểu rõ. Mấy đứa làm gái phần nhiều do hoàn cảnh xô đẩy, chỉ số ít lười nhác mới bán trôn nuôi miệng. Tao với mày cũng đi… “làm tiền” chứ oai gì, khác chăng là ta làm tiền bằng mồ hôi công sức, nó làm bằng cái vốn tự có, cũng nhục nhã và đổ mồ hôi chứ không à? Bọn nó mất việc còn kiếm được cái ăn, tao với mày bị đuổi việc thì lấy gì đút vào mồm? Không nên ghét bỏ chúng, nhưng nếu để nên tình nên nghĩa thì phải xét. Cái tình với cái nghĩa nó khác nhau lắm. Không ai có thể ăn đời ở kiếp với một con đĩ.
Thiên đùa:
- Người xưa có câu: “Lấy đĩ về làm vợ…”
- Nói phét. Thằng nào lấy vợ mà cả làng biết nó là con đĩ xem sao!
- Nói như bác thì tất cả bọn làm đĩ nó ế chồng hết…?
- Khuất mắt trông coi, hoặc không biết thì không sao. Thế mới có câu: “Đánh đĩ chín phương còn để một phương lấy chồng”. Cái nghĩa vợ chồng nó khác. Không thể như chuyện trai trên gái dưới, bóc bánh trả tiền. Phải kiếm một con vợ đàng hoàng.
Thiên lắc đầu, cốt để giấu cái tâm trạng hoang hoải của mình. Những người từng trải thật lắm lý sự. Bảy sẹo lấy vợ sớm, chưa đến năm mươi tuổi nhưng ông đã có con đi làm ăn và lấy vợ tận bên Nga. Có người hay tin chúc mừng, Bảy sẹo cắm cảu: “Mình nghe lời thiên hạ, phải cố kiếm thằng con nối dõi tông đường, nhưng nó biến mẹ nó sang bên kia, bao năm không thấy mặt thì nối dõi cái gì? Lúc mình chết chắc gì nó đã kịp về đưa đi chôn. Mà dòng họ ta thiếu gì người tài, mình đã là cái đinh gì mà cần nối. Theo tao gái trai đều được tất. Miễn chúng có hiếu…”.
 Nghe nói mấy năm trước, Bảy sẹo lên hồ Núi Cốc tham quan, có thằng bé con đùa nghịch ngã xuống nước, không nề hà Bảy sẹo lao ngay xuống ngụp lặn may mắn cứu thoát. Bố cháu bé đến nhà cảm ơn và ngỏ ý xin Bảy sẹo cho nó làm con nuôi, ông gạt phắt: “Thôi ơn huệ gì, con tôi, tôi còn không nuôi được, mà nó cũng chẳng nuôi được tôi thì tôi còn nuôi ai…”.
Thiên rót chén trà, đẩy về phía Bảy sẹo, gãi tai:
- Khổ quá, em thế này đào đâu ra người tử tế họ yêu mà lấy.
- Thế mày định suốt đời cứ đâm đầu vào các mối tình hoang à?
Thiên bật cười mà chợt hiu hắt buồn, lần đầu tiên được một người nhiều tuổi hơn mình hỏi như vậy.
Thiên cầm tập giáo trình đại học chuyên ngành cơ khí chế tạo mân mê rồi lại đặt vào giá sách. Dường như với Thiên, đó mới chính là tài sản có giá trị. Bất giác Thiên nhếch mép cười buồn. Bao hoài bão, nhiệt huyết của một thời tuổi trẻ dồn nén cho những cống hiến, khi hăm hở ra trường về nhà máy, giờ chỉ còn lại như một hoài niệm để suy tư. Để có việc làm, Thiên phải giấu nhẹm tấm bằng đại học, tay chủ trung tâm không cần những người có bằng cấp. Nhiều lần Ngân đến, nhìn những tập sách dày cộm và nhìn Thiên như nhìn một kẻ từ hành tinh khác: “Người ta gọi những người có học là trí thức. Vậy nếu trí thức cứ vứt hoang phí thì sẽ thế nào anh?”. “Thì đầu những kẻ được nhồi nhét tri thức sẽ là một cánh đồng hoang”. “Thế anh định để những tập sách này làm gì. Chẳng lẽ nó không còn cần cho anh?”. “Có lẽ vậy! Anh đã chạy nhiều cửa nhưng xin vào đây mới thấy không mất đồng nào… Sách vở, thôi cứ để đấy phòng sa cơ, biết đâu lúc bán đồng nát lại được mấy hôm nhai bánh mỳ”. Miệng nói tưng tửng như vậy, nhưng thực ra nhiều đêm Thiên vùi đầu vào đống sách vở, anh nghiền ngẫm lại kiến thức và hy vọng sẽ sớm tìm được một doanh nghiệp phù hợp với trình độ được đào tạo của mình.
Khu phố này nhiều người lầm tưởng Ngân là cô vợ mới của Thiên. Quả thực, khi cánh cửa khép lại, Ngân là người vợ thực sự.
- Mình cưới nhau đi em. Ta sẽ cùng nhau làm lại...
- Không nên đâu anh. Rồi thời gian mặn nồng qua đi. Anh sẽ lại coi em như đồ gái hư hỏng và vứt bỏ thôi. Đã làm điếm thì không làm vợ!
- Chẳng lẽ hai đứa mình cứ mãi thế này thôi sao?

- Nếu anh cần một người vợ thực sự và những đứa con, anh có thể đến với bất cứ ai. Em luôn mong anh được hạnh phúc. Anh dành cho em thế này là đủ!
Thiên luôn bất ngờ trước tình cảm và thái độ của Ngân. Vài lần, anh ý nhị đưa Ngân một món tiền gọi là giúp chăm lo cho thằng bé, Ngân đều từ chối:
- Anh cất tiền đi. Em không bán thân cho anh. Tình cảm không thể lẫn lộn với tiền nong. Con em, em lo được cho nó.
Đi bên lề đời, dù lề bên phải hay bên trái họ vẫn là con người, vẫn là đi. Không ai biết trước con đường bên lề đời ấy bằng phẳng hay gập ghềnh, nắng mưa hay giông bão. Nếu không may vấp ngã, phải biết đứng dậy mà đi bằng chính đôi chân của mình. Nhiều khi Thiên tự hỏi, hay mình lẩn thẩn quá rồi, nên nghĩ đến Ngân bao điều không đâu cứ ập đến. Có lúc bên Ngân, Thiên rơi vào trạng thái thật khác lạ. Đã từng yêu và được yêu, nhưng giờ đây là một cô gái làm điếm yêu. Thiên biết mình chẳng có gì nổi trội và cũng chẳng có gì để Ngân có thể nhờ vả, cầu cạnh. Tình cảm của mình và Ngân dành cho nhau là thật lòng, nhưng tại sao yêu nhau đến thế thì Thiên không lý giải nổi…
Đã thành lệ, cứ những ngày nghỉ là cả hai ríu rít bên nhau. Không can thiệp vào công việc và các vấn đề riêng là nguyên tắc đã được cả hai xác lập. Tuy nhiên mấy hôm nay, hình như Ngân có điều gì đó thật khác lạ làm Thiên đứng ngồi không yên. Đến vũ trường, Ngân vội vã vào sàn nhảy, có ý để Thiên không gặp. Cả số máy điện thoại di động cũng luôn dừng ở chế độ chờ. Hết giờ mở cửa, một chiếc xe hơi sang trọng trườn tới, mấy người đàn ông kèm Ngân vào xe. Gương mặt Ngân lạnh tanh, vẻ bất cần.
Linh cảm có chuyện không ổn, Thiên tìm mọi cách liên lạc nhưng không thành. Bà chủ căn nhà trọ nói Ngân đã thanh toán và dọn đi nơi khác.
Thiên xin nghỉ buổi làm, đến cửa hàng trang phục biểu diễn thuê một bộ thời trang hàng hiệu và gắn thêm bộ ria kiểu cách để lọt vào vũ trường.
- Anh tưởng hóa trang thế này em không nhận ra sao? Ngân ngồi áp sát bên cạnh, lả lơi như một cặp tình nhân vừa xong một điệu nhảy và thảng thốt:
- Em không muốn làm anh liên lụy. Một bọn bắt em tiêu thụ ma túy cho chúng trong vũ trường. Em không nghe, chúng đưa lên xe về một khu nhà, sau khi chích hút ma túy, chúng bắt em phục vụ cả bọn đủ kiểu để quay phim. Chúng dọa nếu em để lộ ra với bất kỳ ai, chúng sẽ đưa con em sang bên kia biên giới.
- Sao em tắt điện thoại và rời khu nhà?
- Em đã biết chúng buôn bán ma túy.  Em sợ chúng cài thiết bị nghe lén, vì nghi ngờ em báo công an. Em trả nhà đưa thằng bé đi gửi một nơi kín đáo hơn.

- Nếu chúng còn đưa em đi, em cứ như mọi khi còn các việc để anh.
- Đừng anh. Bọn này nguy hiểm lắm!
- Không ai có thể muốn làm gì thì làm…!
Mấy hôm sau, vũ trường chưa đóng cửa, chiếc xe hơi sang trọng đã lại trườn tới, ba người đàn ông vội vã kéo Ngân vào xe. Thiên bấm máy điện thoại rồi lặng lẽ điều khiển xe máy bám theo….
Vừa đến nơi làm việc, Bảy sẹo đưa cho Thiên lá thư:
- Một nhà sư vừa đến tìm và nói cô Ngân gửi cậu.
Thiên run run mở phong thư, nét chữ Ngân nhòe ướt, hình như do những giọt nước mắt, Thiên phải tựa người vào thân cây bên cạnh để kìm nén cảm giác thập thênh rối bời ùa tới: “Anh Thiên! Khi anh đọc những dòng này thì em đã đi rất xa. Tuy bọn đểu đã bị bắt, nhưng em không muốn con em lớn lên biết em làm cái nghề này. Nó không thể bị bạn bè chế nhạo vì có mẹ là con ca ve, là con điếm. Em cám ơn anh đã cho em biết thế nào là tình yêu. Em hy vọng đến một nơi hoàn toàn xa lạ, em có thể làm được một cái gì đó cho con em. Ít ra thì đó là sự tôn trọng của mọi người dành cho mẹ nó. Tha lỗi vì em không thể gặp và chào anh …”.
Dẫu vẫn biết có ngày Ngân không còn ở bên cạnh, nhưng sao em lại ra đi nhanh và bất ngờ đến vậy…?
Những tiếng chim ríu rít cất lên lảnh lót. Bất giác, Thiên ngước nhìn cây bích đào nhà hàng xóm bên đầu ngõ, chẳng rõ từ bao giờ, những nụ hoa mới hôm nào còn chúm chím đã bắt đầu khoe sắc đỏ rực. Sắc đỏ của hoa làm khoảng trời xanh ngát sáng bừng, nồng nàn như lửa thắp. Sau một mùa đông dài lạnh giá, mùa xuân đã lại đang đến. Hy vọng ở một nơi nào đó, Ngân được sống thanh thản là chính mình và tìm lại mùa xuân cho cuộc đời cô.
Phan Thái
Theo http://vannghethainguyen.vn/

1 nhận xét:

Thơ trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI – Những tìm tòi và thử nghiệm

Thơ trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI Những tìm tòi và thử nghiệm Đặt vấn đề thơ trẻ trong 20 năm đầu thế kỷ XX, chúng tôi muốn nhắc đến đội ngũ n...