Thứ Tư, 22 tháng 2, 2017

Hoàng Quý - Người xác lập phong cách từ thi phẩm đầu tiên

Hoàng Quý - Người xác lập 
phong cách từ thi phẩm đầu tiên 
Hoàng Quý thực sinh năm 1952, quê gốc Hưng Hóa (Tam Nông - Phú Thọ), hiện định cư tại thành phố Vũng Tàu (Bà Rịa-Vũng Tàu). Tác phẩm đã xuất bản: Truyện cổ Mường châu Phong (1984 và 2001), Giấc phì nhiêu (1996), Đi bên mùa lá rụng (2000), Ngang qua cánh đồng (2002 và 2004), Giả trang (2007)…
Giải Nhất của Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam năm 2003 cho tập thơ “Ngang qua cánh đồng”; Giải Nhì 50 năm Văn học Biên phòng, 2008; Giải Ba cuộc thi lớn Thơ về Hà Nội kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, 2010 .Có chi tiết có thể bạn đọc thơ ông ít biết, là, toàn bộ tiền các giải thưởng được trao, ông hiến tặng cho: Hội các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam; Mái ấm người nghèo Biên giới - Hải đảo; Trường học sinh khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Hoàng Quý sinh ra trong gia đình có truyền thống yêu nước, bản thân tham gia quân đội khi mới 16 tuổi (1968), trực tiếp có mặt ở nhiều chiến trường. Trước khi thành nhà thơ ông là nhà văn hóa. Ông cày ngang xới dọc khắp các vùng quê Vĩnh Phú tìm hiểu văn hóa dân tộc. Ông là người tìm ra nhiều bài bản đánh trống đồng cổ tưởng đã thất truyền và phục dựng nghệ thuật đánh trống đồng tại lễ hội đền Hùng năm 1979. Tiếng trống đồng thuở xưa làm bạc tóc quân xâm lược phương Bắc, nay lại làm nhụt chí quân xâm lược biên giới. Chính trong những ngày tắm trong văn hóa Mường Việt cổ này đã giúp ông hòa được tâm hồn mình với hồn cốt dân tộc, nhất là hơi thở, nhịp điệu của thiên sử thi “Đẻ đất đẻ nước”. Thơ tự nhiên thành. “Cái duyên là cái vô tình/Ai mà hữu ý chẳng thành nên duyên” (Đất nước hình tia chớp - Trần Mạnh Hảo). Thi phẩm “Ngẫu hứng qua Mường” xuất hiện một cách “vô tình” trong một lần ông đi công tác qua mường Xuân Đài dịp cuối năm 1982. Bài thơ khá dài, gồm 9 khúc, thể tự do và giọng điệu rất lạ, rất gần gũi với cách nghĩ, cách nói của người Mường Việt cổ nhưng lại cũng rất hiện đại và mạnh bạo. Giọng điệu của trường ca. Câu chữ dùng nhiều điệp từ có chủ ý nhấn nhá và từ đó tạo ra được dấu giọng riêng. Khúc 1 và khúc 2 là khúc tỏ tình. Câu thơ bay bổng, tình tứ và bạo liệt. Khúc 1 là lời cô gái:
Trên đầu lắc lư con ma rượu rồi có đứa trốn ra nương, hai đứa khéo mà thành một đứa
Ơ! Cái Hội Tú Mường là chiếc cầu bẳng từ nhà anh sang nhà em
Đừng run cái chân trèo cầu, đừng ngại rát cái vai, bỏng cái lưng cõng em về làm vợ
Đây này, cái má em nó đang cháy vì ống sáo ai thổi
Đây này, cái ngực em nó đang nảy phập phồng bởi tiếng đàn ai réo
Khúc 2 là lời chàng trai:
Ơ này, làm sao em cứ giữ chặt ngón tay anh trên cái núm ngực em đấy
Ơ! Cái đầu anh con ma rượu nó vặt đi đâu mất rồi
Chỉ còn cái nửa dưới người anh run run thôi em ơi
Đã thích nhau thì cứ gì đến hội mới trèo cầu đi cõng vợ
Không có cầu, thích, thì anh lội ào qua thác lũ tìm em!
Em có về với anh không em ơi, em ơi…
Em mà không về, cái lưng cõng em nó rát giọt mồ hôi, nó khóc!
Cả khúc 1 và khúc 2 đều cùng dẫn hai câu thơ “Đẻ đất đẻ nước” là “Cầu ông vua trời mãi cho bông lúa con to bằng cái vòi hái/Bông lúa cái to bằng cái đuôi con trâu, con lợn lớn bằng con voi nhỡ”. Nếu không có chú thích thì bạn đọc khó mà nhận ra đây là hai câu thơ trích! Giọng điệu trường ca của “Đẻ đất đẻ nước” đã ngấm đã truyền sang lối tư duy của Hoàng Quý mà bài thơ đầu tiên này chỉ là dự báo cho những thi phẩm sau này của ông theo cùng một dòng riêng phong cách cá nhân Hoàng Quý.
Khúc 3 là khúc nhớ nhung, than trách. Tình duyên bắt đầu trên đường thử thách. Lời thơ vẫn bạo liệt nhưng đã chẳng còn cái đẹp cái yêu lúc lửa mới nhen:
Em ơi! Cái bụng anh thèm nói lời yêu mà sao không nhìn thấy em đâu
Cái ruột, cái gan anh đang gào hoài hơi trên ống sáo
Sao không thấy mùa này em về chơi hội
Em để dây đàn anh thiếu nốt vợ, nốt chồng
   Qua mấy đoạn trích trên ta đã phần nào nhận ra một giọng điệu thơ rất riêng của Hoàng Quý. Nghệ thuật dùng điệp từ, từ láy làm cho câu chữ bay ra cuồn cuộn, ào ạt của một tư duy mạnh mẽ nếu thi phẩm được trình bày bằng tiếng chứ không phải bằng mắt. Hãy đọc khúc 5 để thấy hiệu quả cách dùng điệp từ của Hoàng Quý:
Đứa trai bản tốt biết nhớ mường khi xa
Đứa gái bản tốt biết chờ chồng cạn con mắt khóc
Cái nhớ luôn mồm kêu tửng tưng trên dây đàn cò ke
Cái yêu rộn ràng rên tỉ ti trong ống sáo
   Hay đọc khúc 8 sẽ gặp điệp từ “ta” rổn rảng trong câu để thấy cái bất ổn của tâm trạng nhân vật trữ tình.
   Nhà văn hóa “vô tình” làm thơ thế thôi chứ ông không có ý định làm thơ để trở thành nhà thơ. Phải nhiều năm sau thì chất văn hóa, phông văn hóa mới thực sự chuyển hóa thành thơ. Bởi chỉ có thơ mới nói được hết nỗi lòng con người Hoàng Quý. Sức mạnh của thơ có sức khai mở lớn lao tâm hồn con người. Dấu giọng sử dụng hết sức thoải mái điệp từ vẫn luôn là nét rất riêng không thể trộn lẫn của ông. Tất nhiên bây giờ câu chữ nhiều đổi mới hơn, hình tượng nghệ thuật cũng nhiều đổi mới hơn. Trong bài “Bài thơ cuối hạ” ta liên tục gặp lối dùng điệp từ ngay từ câu đầu tiên “Em vẫn nói về ta, vẫn nhắc về ta” và trải suốt cả bài thơ “Em vẫn yêu ta, vẫn rất yêu ta”, “Ta cầm tay nhau, nắm lấy tay nhau”, “Ta cầm bàn tay, giữ lấy bàn tay”. Tứ bài thơ lấy hình ảnh thực sen đang độ chuyển tàn để nói về sự hữu hạn, sự chia li tử sinh trong một người và muôn người đầy suy ngẫm: “Đừng hỏi câu buồn ngày xa cách/Sao nghe lạnh buốt trong người/Tiếng hú gọi vang trong tiền kiếp” và “Ôi! Hạnh phúc mong manh như giọt nước”.
   Cũng có khi tứ thơ tụ ngay trong chính phần điệp từ. Bài thơ “Khi chiến tranh đi qua” là như vậy. Thoạt đọc lên ta đã hình dung ra phần nào khi chiến tranh đi qua sẽ để lại hậu quả nặng nề, “kinh khủng khiếp” thế nào. Vậy mà tác giả vẫn dẫn dắt ta đi với những hình tượng bất ngờ và ở tầm cao khái quát:
Khi chiến tranh đi qua đời cha
Mỗi sợi tóc một câu chinh phụ
Khi chiến tranh đi qua đời mẹ
Nước mắt lần mòn dấu diếm trong tim
Khi chiến tranh đi qua đời em
Cây trúc tong teo chiếc lá…
   Với những người từng ở trong cuộc, thấm đói khổ chết chóc thì càng hiểu đi vào chiến tranh là thế nào. Vậy mà lúc bắt đầu ra đi lại hồn nhiên đến buồn cười, câu thơ cũng đẫm chất uymua:
Chỉ cánh chúng ta chẳng lo nghĩ nhiều
Đi vào chiến tranh như đi chợ
Cứ như không cánh ta chợ rất là buồn!
   Thậm chí còn pha chút hảo hán Lương Sơn Bạc:
Đã một thời ta nói về chiến tranh rổn rảng và vui vẻ
Rằng nhất đỏ ngực, nhì xanh cỏ
Thật là hiên ngang!
   Khi đã qua bao nhiêu kiểu chết do cuộc chiến “ban tặng”, người chiến binh dường như vẫn uymua nhưng đã mang sắc thái rất khác rồi:
Chiến tranh đi qua cái nhớ, cái quên
Cái nhớ đã làm duyên, cái quên không cả thẹn
Cái nhớ cái quên cô độc trên đời
Như không nói ra thì không tiện, thế thôi
   Chất uymua trong thơ cũng như màn vui giữa hai màn kịch, để độc giả “thư giãn” đôi chút. Thơ ngắn, thơ dài, trường ca cần nó lắm đấy. Hoàng Quý rất biết cách viết như vậy. Bài “Khi hoàng hôn qua đây” chỉ 4 khổ mà ta vẫn đọc được câu thơ có chất uymua:
Hoàng hôn ơi đừng đi
Mái phố buồn lắm đấy!
   Nhưng khi dùng lần thứ hai thì không còn uymua nữa mà là sự day dứt:
Hoàng hôn ơi đừng bỏ ta mà đi
Biển sẽ buồn lắm đấy!
   Thơ muốn hay cần phải Mới. Bài thơ trên Hoàng Quý “nhìn” ra cái mới về cách hiểu chính hiện tượng hoàng hôn. Hoàng hôn là cái đẹp cuối ngày, là nhân vật trữ tình của mọi sự vật được hưởng cái đẹp “dát vàng” của hoàng hôn, kể cả con người:
Khi hoàng hôn qua đây
Những con thuyền gối đầu lên cát thở
Những sóng lưới sau một ngày vất vả
Phơi say lên hoàng hôn…
   Ở bài thơ “Nâng Sa Pa tràn tay” là mới về sự liên tưởng. Sa Pa chính là người con gái đẹp trong vòng tay thi sĩ:
Tôi nâng Sa Pa tràn tay
Tôi uống!
Và, và tôi uống!
Tôi say, và…
Sa Pa say…
   Nhiều bài thơ khác cũng được Hoàng Quý làm mới ở sự liên tưởng. Hà Nội mùa thu có vẻ đẹp mắt lá răm cổ điển qua từng cánh lá rơi (Hà Nội thu rồi khoe mắt lá răm). Buổi chiều nhuốm vào mắt người con gái thành màu xanh ngơ ngác với người quen cũ, người yêu cũ (Mắt biếc)….
   Nhưng thơ ca còn là sự giải thoát nội tâm. Văn học là nhân học. Chiêm nghiệm nhân thế cũng là chiêm nghiệm bản thân. Suy ngẫm về nhân thế rồi suy cho cùng lại quay về suy ngẫm bản thân. Trong vũ trụ có hành tinh diệt vong thì lại có hành tinh khác hình thành. Trong tự nhiên có giống loài tuyệt chủng thì lại có giống loài mới xuất hiện. Trong xã hội có quốc gia bị tiêu diệt nhưng cũng có quốc gia mới ra đời. Biết là biện chứng của tự nhiên, của xã hội mà thi nhân vẫn cứ nhận thấy nét đồng cảm cho số phận ông trời không nuông chiều dù rất đẹp, rất gợi cảm:
Trụ phồn thực chuốt căng vòng vú đá
Núm nhụy vồng cong xa xót giọt hờn
Núm bình minh của em
Núm hoàng hôn của mẹ
Lặng thinh tứa những giọt buồn
(Trong bảo tàng Chăm)
Và đây là nỗi lòng thi nhân:
Tôi đứng chôn chân soi từng ngấn lạnh
Sẹo đá giăng dày những vế tai ương
Trên hằng hà u linh khoét vẹt mòn sa thạch
Khóc cùng tôi tan nát linh hồn…
(Trong bảo tàng Chăm)
Quy luật tự sinh tự diệt là taatsn hiên. Khi đang ở kì Sinh thì hãy biết rằng nó chỉ là phút hữu hạn của vũ trụ mà thôi. Bài thơ “Giấc phì nhiêu” Hoàng Quý viết năm 1996 vừa thể hiện rõ hơn phong cách riêng đã định hình, vừa là sự tự giác ngộ về cõi vô thường:
Nín nhìn chiếc đèn kéo quân xoay, quan xoay, lính xoay, quản tượng xoay, kẻ sĩ xoay vòng vo ngây dại, lũ nông ngư xoay chèo xoay lưới, con cá ngoắt đuôi xoay đuổi không cùng.
Giấc phì nhiêu của em, của ta không là gì cả. Hiện và xóa. Không là gì cả! Không là gì… một nhúm phì nhiêu
Ngoài ra là hàng loạt câu sử dụng thủ pháp điệp từ khác: đây là non xanh, kia là thung xanh; ông ké già, bà ké già; biển vẫn xanh cái xanh hoang như chưa bao giờ xanh thế…
Nhưng suy ngẫm về cái bản ngã của mỗi con người trong tự nhiên, trong xã hội vẫn tiếp tục được nhắc lại khi con đường đi đến cái bản ngã ấy vẫn chỉ là tiệm cận. Bài thơ “Tự khúc” là một sự tập trung của tư duy đó:
Tôi đã đến đã gieo trồng và vun xới
Trên thửa ruộng tôi, trên cánh đồng đời
Tôi đã ngắm đã tìm và đắm đuối
Trong hoang mang những Cánh Đồng Người
Tôi đã đứng thẳng và đã khom xuống không chỉ một ngày
Đã đứng thẳng và khom xuống giữa chấp chới những sát na tối và sáng
Biết bao nhiêu nhà hiền triết bỏ cả cuộc đời học thức và thông thái để tìm ra cái chân bản ngã. Lại có rất nhiều lí thuyết, học thuyết về việc này. Vậy mà tìm đến cái bản ngã vẫn chỉ là con đường tiệm cận. Thật có lí nói, khi đã hiểu hết bản thân thì lúc đó con người không còn lí do tồn tại. Tức là đã đến lúc tự diệt vong. Người Ấn Độ qua giai đoạn trưởng thành (khi đã lo xong việc cho con cái) sang giai đoạn lão thì bỏ nhà vào núi suy ngẫm chiêm nghiệm về cái bản ngã. Vì vậy Ấn Độ có nhiều giáo phái lớn như Phật giáo, Hindu giáo, Hỏa giáo… Hoàng Quý không định làm nhà hiền triết, mà chỉ là thi nhân suy ngẫm về cái Tôi, cái bản ngã mà thôi. Hãy sống thành thật với chính mình là đúng nhất và cũng là dũng cảm nhất:
Tôi không muốn ép tôi phải làm vui lòng họ
Tiệc rượu vắng tôi chưa hẳn bữa tiệc buồn
Thôi đừng có phỉnh phờ xưng tụng nữa
Với mía đường tôi đỏ mặt thì hơn
Và:
Tôi không định ép tôi phải nghe lời họ
Tôi thế nào như thế thì hơn!
(Tôi thế nào như thế thì hơn)
Đến tập trường ca “Đối thoại trắng” thì nhưng suy ngẫm về dân tộc về bản thân hòa trộn và tập trung hơn. Những khái niệm lớn của nhân loại đều được làm rõ lên gắn với số phận dân tộc. Tự do, bình đẳng, bác ái, hạnh phúc và sự chia sẻ trong lịch sử dành cho nhân dân những quyền chân chính đó. Nhân dân bình thường làm ăn, phụng sự quan trên. Sức mạnh hợp quần chỉ bộ lộ khi có giặc giã:
Khi Tổ quốc lâm nguy
Người mài gươm tuốt giáo
Rèn ngựa sắt
Đúc trống đồng
Lớp lớp hóa thành Ông Gióng
Nếu quan trên và người lãnh đạo hòa cùng nhân dân thì sức mạnh nhân lên bội phần, sức mạnh vô địch. Câu thơ lúc đó cũng hào sảng hơn:
Khi nhân dân tôi đắp lũy sông Cầu
Vua xuống lũy như dân!
Khi nhân dân tôi họp Hội Diên Hồng
Vua ngồi giữa nhân dân!
Những rừng cọc Bạch Đằng
Như thế đứng ngàn năm vát nhọn
Nhưng thế sự đâu dễ hòa đồng. Cảnh hòa nước sông chén rượu ngọt ngào chỉ là chiêu bài mị dân lúc cần thiết máu dân bảo vệ đất nước cũng là bảo vệ vương triều. Giặc tan là lại cảnh dân như bọt như bèo trôi nổi:
Rồi vàng son lại cao thấp vàng son
Vuốt cọp vuốt rồng nào chả nhọn
Thương, sĩ náu kinh kì cửa hẹp
Phượng nghê thiêng đội nến sân chầu
Nhân dân nổi nênh theo dòng như bọt
Nắm gạo trong bồ giật mình vì chuột
Và giờ đây thi nhân nghĩ thay cho nhân dân muôn thuở “Tôi đi tìm hồn cốt dân tôi trong mảnh gốm mảnh ghè” để có thành quả câu chữ:
Câu thơ chảy trôi từ trái tim rung, máu và nước mắt
Chắt hằng đêm sau rất nhiều lực hút
Mảnh mai trăng và ướt mưa bay
Níu hi vọng sau mùa màng thất bát
Gìn giữ khuôn mặt ta yêu mờ tỏ trước đèn
Đọc thơ không thấy đâu vẻ đẹp vẻ yêu của vầng trăng, của ánh trăng nữa. Mặc cho dân gian cứ hồn nhiên “múc ánh trăng vàng” để cuộc sống vui hơn, tươi hơn. Hình ảnh nhân dân dù thi nhân cố níu, cố giữ thì gương mặt yêu đến mấy cũng vẫn chỉ là hình ảnh từ rất lâu trước đây Nguyễn Gia Thiều đã viết “mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm”. Lịch sử nhân dân làm nên có khi chẳng thể vuông khối vuông thành bởi những kẻ “ăn” cả lịch sử:
Tiếng mọt kẽo cà vời vợi đêm thâu
Đục chẳng chịt cả phong rêu lịch sử
Cuộc kiếm tìm cái bản ngã cứ dài hun hút, đi mãi, đối thoại mãi, suy ngẫm mãi vẫn chưa có hồi kết. Nhưng chí ít, trong cuộc kiếm tìm ấy con người ta cũng tìm thấy được chút Tự Do cho riêng mình. Hình ảnh Thánh Gióng cưỡi ngựa sắt bay lên trời cao, từ bỏ mọi ràng buộc để đến với Tự Do ở ngay đầu tập trường ca thật lẫm liệt. Đó là tứ thơ, cũng là đích đến của trường ca này.
Hoàng Quý là tác giả chân tài, xác lập được phong cách ngay từ thi phẩm đầu tiên. Càng viết độ chín tư duy càng đậm, càng nồng, nhưng phong cách thơ vẫn nhất quán một giọng điệu riêng. Đây là niềm vui riêng của cá nhân và cũng là đóng góp riêng của tác giả trong nền văn học hiện nay.
Phạm Thuận Thành
Theo http://phongdiep.net/


1 nhận xét:

  NSND Lê Huy Quang: Phải biết thua người khác! 24 Tháng Tám, 2023 Thiết kế mỹ thuật sân khấu có vai trò quan trọng góp phần làm nên thà...