Thứ Sáu, 24 tháng 2, 2017

Ca từ Trịnh Công Sơn làm phong phú tiếng Việt

Ca từ Trịnh Công Sơn làm phong phú tiếng Việt
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và nhà văn Trần Thị Trường
Đã từ lâu tôi không dám viết về Trịnh Công Sơn (TCS), một - vì đã có quá nhiều bài viết về ông, bài nào cũng có cái hay riêng, hai - vì ông quá lớn, viết về ông sao không bị bạn đọc coi là “ăn theo” tên tuổi người nổi tiếng là điều nên tránh (mặc dù, cách đây gần 30 năm, tôi đã viết và lần đầu ở phía Bắc, trên tờ Nhân dân Chủ nhật, do ông Lê Thấu phụ trách, đã in bài viết ấy). 
Nhưng tháng tư này, tôi bỗng muốn viết về ông đến mức quên cả nỗi ngại ngùng. Bắt đầu, có lẽ vì tôi nghe các ca sĩ hát sai lời so với bài hát gốc, đến phát tức. Càng yêu nhạc Trịnh và giọng hát của ca sĩ bao nhiêu thì nỗi tức càng lớn bấy nhiêu. Nhạc Trịnh, chủ yếu là giọng la thứ, khúc thức tưởng như giản lược nhưng làm nên sự ma mị, liêu trai, ám ảnh thì không phải dễ. Càng nghe càng say, càng mê. Chỉ trên các note và giai điệu căn bản ấy của Trịnh mà các nhạc sĩ hòa âm phối khí có thể khai thác vô biên để làm ra những nhạc phẩm khác nhau, song vẫn mang hồn cốt Trịnh, vẫn là của Trịnh (trong đó có thể nhắc đến các bản phối theo phong cách Jazz của nhạc sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn). Theo tôi, các bản phối có thể thay đổi theo với ban đầu, thời ca sĩ hát nhạc Trịnh với chiếc ghi ta gỗ, nhưng ca từ thì theo tôi tuyệt đối không. Không phải chỉ vì pháp luật về quyền tác giả không cho phép mà vì ca từ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là không thay đổi được, thay đổi sẽ làm yếu đi, xấu đi, sai lệch tinh thần tác phẩm, làm mất đi sự tinh tế vốn là đặc trưng, là thế mạnh, là điểm nhấn làm nên tên tuổi của ông.
Không ít người đã nói âm nhạc của TCS có sức “công phá” rất lớn, công phá mềm, nó khiến cho tâm hồn rung động, vùng mờ của trí não được mở ra. Tôi cắt nghĩa về điều đó rằng, sở dĩ: Vì âm nhạc của Trịnh nghe mãi cũng khó chán, càng nghe càng có thể phát hiện thêm vẻ đẹp sâu sắc của ca từ, càng nghe càng nhận ra sự tinh túy của xúc cảm trong từng lớp ngữ nghĩa.
Trong một ca khúc quen thuộc 
“Bây giờ tháng mấy rồi hỡi em 
Lênh đênh ngàn mây trôi êm đềm 
Chiều nay nếu em đừng hờn dỗi 
Trách nhau một lời thôi
Tâm hồn mình đâu lẻ đôi…”. 
Cũng là một câu chuyện tình được kể bằng hình ảnh và âm nhạc, logic về ngữ nghĩa, giai điệu đẹp nhưng ngôn từ chỉ là một mặt phẳng. Nhưng ca từ Trịnh Công Sơn thì khác, ngôn từ có nhiều chiều kích: “Dài tay em mấy thuở mắt xanh xao”
(Diễm xưa); 
Gọi nắng trên vai em gầy
Đường xa áo bay... 
Áo xưa dù nhàu vẫn xin bạc đầu gọi mãi tên nhau 
(Hạ Trắng); 
“Chiều trên quê hương tôi. 
Nắng khép cánh chia tay một ngày
Vết son vàng cuối mây
Tiếng chân về đó đây
Chiều đi nhưng nắng vẫn cho đời
Lửa bếp hồng khơi”; 
hay: 
“Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt, 
gọi suốt trăm năm một cõi đi về”… 
là những từ được dùng trong một cấu trúc câu mà không dùng lý để suy luận. Vẫn là những từ ngữ của đời nhưng TCS đã dùng như người họa sĩ dùng chất liệu để đưa chúng đi xa hơn, làm nên một bức tranh siêu thực, ẩn dụ, tượng trưng, lãng mạn, ấn tượng… khiến cho người nghe có thể cảm thụ được nhiều hơn “chiều kích” cụ thể của ngôn từ  khi cho chúng đứng chung thành một tổ hợp câu.
Khi tôi hát lên, chỉ một vài câu sau đây: 
“Người ngồi xuống xin mưa đầy. 
Trên hai tay cơn đau dài, 
người nằm xuống nghe tiếng ru. 
Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ”. 
Hay 
"Người chia tay nhau cuối đường 
Ngày đi đêm tới 
Nghe tiếng hư không" 
(Nghe những tàn phai). 
Cho đến:
"Nhìn những mùa thu đi
Em nghe sầu lên trong nắng 
Và lá rụng ngoài song
Nghe tên mình vào quên lãng
Nghe tháng ngày chết trong thu vàng", 
đã thấy cái khác, rất khác của ca từ TCS. Người ta thường nghe tiếng động (âm thanh) nhưng ông thì nghe tàn phai (không phải là tiếng động), mà người thưởng thức lại thấy, tàn phai có thể nghe được. Đó là khả năng dùng chữ của bậc thày.
Âm nhạc của TCS đã tác động, ngay cả khi trình tấu không lời, nhưng ca từ cũng để lại ấn tượng sâu đậm không kém trong tâm khảm, sẻ chia và an ủi được nhiều thế hệ, tầng lớp công chúng. Không tưng bừng, cũng không ảo não, nặng ưu tư mà không riết róng. Tôi nghĩ, TCS đã làm tiếng Việt phong phú lên rất nhiều khi ông kết hợp từ làm nên một từ mới đa nghĩa hơn, tinh túy hơn có trường liên tưởng rộng hơn.
Rất nhiều tác phẩm của TCS đã được người đời bình luận, ở đây tôi xin nói tới một số bài, ít được nói tới: Tình khúc Ơ- bai. Ngay lần đầu nghe bài hát này tôi đã thích những từ ông dùng ở đây, và tôi cảm nhận rằng ông “bày tỏ” một cảm xúc của tác giả (ngôi tôi) trước một mối quan hệ tương tác (tôi) với một ai đó, có kết cục là chia tay (bye bye). Ông không viết bye bye (bai bai) mà viết Ơ - bai. Ông không viết chúng ta khác nhau quá xa, mà viết 
“Tôi đi bằng nhịp điệu một hai ba bốn năm 
Em đi bằng nhịp điệu sáu bảy tám chín mười…
làm sao ta gặp được nhau”.  
Một bài khác: 
“Một người về đỉnh cao 
một người về vực sâu 
để cuộc tình chìm mau 
như cánh chim cuối đèo”. 
Đó là những bài hát, tôi thường hát lên trong lòng mỗi khi vấp phải một cuộc tranh luận không có hồi kết, hay khi chia tay một ai đó, một người tình hoặc một đồng nghiệp. Nó giúp tôi lấy lại bình tĩnh, giúp tôi nhìn thấy cuộc đời là vô thường để tiếp tục suy tư vào cõi đẹp và bình yên.
Còn bài nữa, khiến tôi thường hay nghĩ đến TCS với số phận và những riêng tư của ông hơn cả, đó là: 
“Muốn một lần tạ ơn với đời. 
Chút mặn nồng cho tôi. 
Có những lần nằm nghe tiếng cười, 
nhưng chỉ là mơ thôi”. 
Tôi đồ chừng đó là giấc mơ của chính tác giả, nhưng những người khác, họ lại bảo rằng, đó là ông viết cho họ, ông thay họ nói lên tiếng lòng của người mơ được làm cha, làm mẹ, mơ có cuộc tình dài lâu, cuộc tình với một kết thúc có hậu, mặn nồng với tiếng trẻ thơ trong đêm… Hay những câu: 
“Môi nào hãy còn thơm
cho ta phơi cuộc tình? 
Tóc nào hãy còn xanh
cho ta chút hồn nhiên
Tim nào có bình yên ta rêu rao đời mình
Xin người hãy gọi tên”. 
Cũng gợi cho không ít người những kỷ niệm đời người.
Mới đây, nhắc về TCS, nhạc sĩ Tình đất đỏ miền Đông, Trần Long Ẩn (hiện là Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Chủ tịch Hội Âm nhạc Tp. HCM); một người có nhiều thời gian cùng làm việc ở khuôn viên 81 Trần Quốc Thảo (Hội Âm nhạc Tp. HCM) với TCS, đã nói với tôi: Có lẽ người hiền nhất trong những người hiền, đó là Trịnh Công Sơn, lừa TCS rất dễ. Trần Long Ẩn bắt chước giọng Huế của Trịnh rất giống, ông kể khi ông bảo có người chê ca từ của Trịnh không cập nhật đời sống, cần sửa hoặc biên tập lại thì TCS ngơ ngác hỏi: “Rứa ư? moa không biết làm cách chi để sửa, sửa ra răng? Thôi, cứ để vậy đi, moa đã viết vậy cứ vậy. Còn toa thì toa sửa sao? ”. Trần Long Ẩn nhìn thấy đôi mắt thơ ngây của Trịnh mà thêm yêu bạn, rồi ông bảo rằng: Toa viết “Xin hãy cho mưa qua miền đất rộng/ ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau” phải không? Giờ người ta đổi là: “Xin hãy cho mưa qua miền đất rộng
Ngày sau sỏi đá nó dùng ném nhau”. 
“Ui cha, vậy hử”. Trịnh cười ngạc nhiên. Trong túi của TCS lúc nào cũng có một chai rượu…
Có lẽ ông còn ngạc nhiên hơn nữa, khi nghe họ hát nhại bài Huyền thoại mẹ: 
“Đêm chong đèn ngồi nhớ rượu
Buộc hai cẳng phải đi 
Vợ dù nói năng chi 
ta cũng đi cho bằng được
Vợ là vợ mà ta là ta...”.  
Âm nhạc Trịnh Công Sơn đi vào đời sống, giống như bánh mỳ hè phố, cơm bình dân, gần gụi hết sức với mọi người, ngoài việc thích nghe bản chuẩn, người ta còn nhớ giai điệu rồi chế lời để hát. Việc chế lời, sẽ bàn ở dịp khác, nhưng việc hát sai từ thì… thật khó chịu. Với tác giả, và nhất là với một người hiền tài như Trịnh Công Sơn, có lẽ ông chỉ “ui cha? Vậy hử”, nhưng với những người đã mê nhạc của ông, coi đó một dòng nhạc riêng biệt gọi là nhạc Trịnh thì không chấp nhận được. Ví dụ, “Áo xưa dù nhàu vẫn xin bạc đầu gọi mãi tên nhau”, mà hát “Áo xưa dù nhiều vẫn xin bạc đầu gọi mãi tên nhau”, thì không tức mới là lạ. Hay câu: 
“Con tinh yêu thương vô tình chợt gọi 
Lại thấy trong ta hiện bóng con người”, 
thì lại hát 
“Con tim yêu thương vô tình chợt gọi 
lại thấy trong ta hiện bóng con người”. 
Chỉ đổi chữ tinh thành chữ tim đã làm cả câu hát vừa rồi có vẻ khá vô nghĩa. Thứ nhất, ở Huế có con tinh (giống như con ma tinh quái). Trịnh Công Sơn dùng chữ của Huế, nhưng cũng vẫn chứa đựng chữ của mọi miền: tinh là tinh thần; rộng hơn chữ tim rất nhiều. Có rất nhiều ví dụ về hát sai từ khác, chỉ xin nêu ở đây như vậy.
Trịnh Công Sơn cũng là người của hội họa. Tranh của ông cũng chứa đựng nhiều tâm sự. Tôi thích 2 bức, bức cô gái người Nhật và bức Hoa thạch thảo… Ngày ấy tôi làm báo ở thành phố Hồ Chí Minh. Tôi nhận được Giấy mời tham dự triển lãm tranh của ông cùng với Lý Quý Chung (tức nhà báo Chánh Trinh, tổng Thư ký báo Lao động một thời và trước nữa là Bộ trưởng Bộ Thông tin của Sài Gòn), và Nguyễn Quang Em. Mỗi người một bút pháp. Triển lãm của ba ông có nhiều người đến chúc mừng, có lẽ không thiếu một tên tuổi nào của Tp. HCM, nhưng nhiều nữa là người đẹp, nhìn họ đẹp mà choáng ngợp. Khi tôi còn đứng lớ rớ ở một nơi, chú tâm vào xem tranh, không bén mảng đến chỗ ba ông đang rất nhiều người vây quanh, thì bỗng nghe ông gọi: Trường có muốn chụp với tôi một tấm hình không? Dạ có, có muốn lắm. Thế là ông gọi người chụp ảnh đang đứng gần đó, chụp đi nào, anh bạn. Bức ảnh nay đã quá cũ và tưởng chừng đã thất lạc bởi thời gian cùng những lần chuyển nhà của tôi…Ngày 1.4.2001, vào buổi trưa, lúc 11 giờ 45 phút, tôi nghe tin TCS mất. và tôi nghĩ, có lẽ ông ra đi thanh thản: “như đồng lúa gặt xong”. Đến lúc ông về soi bóng mình ở nơi đâu đó với một tự nhủ rằng: 
“Chén rượu tôi uống hoài
Trả lại từng tin vui cho nhân gian chờ đợi”. 
Vâng, ông là người uống rượu. Nhưng ông đã để lại cho đời hơn 600 bài hát. Bức ảnh chụp với ông là kỷ niệm duy nhất và vẫn có nguy cơ thất lạc, nhưng âm nhạc của ông thì mãi mãi trong tôi và có thể mãi mãi với thời gian như bánh mỳ, như cơm, như không khí của con người.
Trần Thị Trường
Theo http://www.hoinhacsi.info.vn/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Cung bậc – Chùm thơ Hữu Dũng 20 Tháng Mười Hai, 2023 Cũng là/ cung bậc ấy thôi/ Mà sao/ cảm xúc/ xa xôi ùa về… Cung bậc   Cũng l...