Thứ Ba, 21 tháng 2, 2017

Pleiku qua các nhạc phẩm

Pleiku qua các nhạc phẩm
“Phố núi” Pleiku, ai đã từng một lần đặt chân đến cũng sẽ cảm nhận được vẻ đẹp của Thành phố trên cao nguyên này. Dù ai có đi xa cũng náo nức trở về thăm khi có dịp quay lại. Pleiku đã lưu luyến những tâm hồn thi sĩ và những ai đã từng sinh sống, làm việc nơi đây. Một “phố núi” mang vẻ đẹp ấn tượng của màu xanh trù phú trải rộng khắp nơi như “nàng sơn nữ” đang tuổi xuân thì, bởi những con đường, nương cà phê, hồ tiêu xanh mướt đến những đồi chè thoai thoải và ẩn hiện đằng sau là những dãy núi trập trùng.
Pleiku càng đẹp dịu dàng và đằm thắm hơn qua những ca khúc đã đi vào lòng người, một tình cảm ngọt ngào và sâu lắng. Phải chăng đó là sự ưu ái của các nhạc sĩ đối với “Phố núi” hay bằng chính sự rung cảm và bắt nguồn từ tình yêu đối với miền đất đỏ bazan này.
“Em sinh ra trên vùng đỏ sương mù, tên gọi là Pleiku.
Bình minh lên như bức tranh tuyệt vời.
Rừng cao nguyên với rẫy nương rừng đồi.
Những buôn làng ấm no vui nụ cười trên môi”
Với những ca từ giản dị mà nhạc sĩ Thanh Sơn dành cho mảnh đất cao nguyên này, Pleiku đẹp như một bức tranh với những gam màu về đất và con người nơi đây qua bài hát “Thị trấn mù sương”. Sáng sớm là lúc thành phố như chìm trong làn sương mờ ảo. Trong cái lạnh của phố núi cao nguyên, chúng ta sẽ có cảm nhận về một bầu không khí trong lành và sự bình yên của cuộc sống nơi đây.
“Phố núi cao phố núi đầy sương
Phố núi cây xanh trời thấp thật buồn
Em Pleiku má đỏ môi hồng
Ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông”.
Nếu như chúng ta bắt gặp “miền đất đỏ sương mù” qua ca từ của nhạc sĩ Thanh Sơn thì những lời thơ của nhà thơ Vũ Hữu Định đã được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc qua bài hát “Còn chút gì để nhớ”, đã làm cho “Phố núi đầy sương” trở thành nơi hẹn hò lãng mạn qua những con phố nhỏ với thời tiết lành lạnh để má em đỏ để môi em hồng.
Đến với Pleiku chúng ta có thể tận hưởng nhiều kiểu khí hậu trong cùng một ngày. Có những ngày vào buổi sáng sớm tiết trời se lạnh như mùa xuân, buổi trưa không khí nóng dần lên, oi ả như mùa hè. Và khi chiều tàn, những cơn gió mùa thu thoảng qua đã cuốn đi cái nắng gay gắt. Khi màn đêm buông xuống, “phố núi” lại êm đềm trong cái lạnh buốt của mùa đông.
Nhạc sĩ Nguyễn Cường – người nặng duyên với mảnh đất Tây nguyên cũng đã đưa Pleiku trở nên thơ mộng hơn, khiến người nghe như muốn bùng cháy đầy “chất tình” của tình yêu cao nguyên, tình yêu phố núi qua “Đôi mắt Pleiku”.
“Em đẹp thế Pleiku ơi
Trái tim tôi muốn vỡ tan rồi
Không dám nhìn vào đôi mắt ấy
Ðôi mắt Pleiku biển hồ đầy”.
Đến với “Phố núi” Pleiku, không thể không nhắc đến nét duyên dáng được ví như viên ngọc bích của “Đôi mắt Pleiku biển hồ đầy” đã trở thành bản tình ca huyền thoại bởi “Biển hồ xanh trong lung linh mắt ai/Hàm rồng sương giăng mây vương tóc dài” qua (Bài hát: Pleiku chưa xa đã nhớ).
Pleiku huyền thoại có bề dày văn hóa đặc sắc của cư dân bản địa và cũng là chất liệu cho người nghệ sĩ sáng tạo nghệ thuật. Với những con người hiền hòa, mến khách, “có một cao nguyên yêu quý nhớ thương”, “có một pleiku neo bến trái tim”(Bài hát: Pleiku chưa xa đã nhớ). Nơi ấy có những tiếng đàn, nhịp chiêng, điệu xoan đã làm say lòng người “say tiếng đàn goong chim rừng quên hót/ say với đàn goong dòng sông quên trôi” (Bài hát: Tiếng đàn đinh goong), “có hương rượu cần say men, say men/ có ngọn lửa nào đang nhen, chơi vơi”(Bài hát: Đôi mắt Pleiku), “Pleiku thành phố như trái tim đỏ thắm, tiếng đàn goong sâu lắng giữa tâm hồn, hàng thông reo xao xuyến thì thầm, tiếng chiêng cồng Pleiku thân yêu” (Bài hát: Pleiku thân yêu).
Hôm nay, Pleiku đã khoác lên mình một chiếc áo mới, phố xá đông đúc, kiến trúc hiện đại, Thành phố ngày càng khang trang hơn vươn mình hòa nhịp phát triển cùng cả nước. Nhưng trong tâm trí mỗi người dân nhỏ bé nơi đây Pleiku vẫn e ấp, dịu dàng qua các trườn dốc quanh co, qua mỗi sớm mai đầy sương, mỗi buổi chiều se lạnh, mỗi con đường rợp bóng cây xanh, thênh thang, bạt ngàn là rừng cao su, cà phê, hồ tiêu. Tất cả mọi thứ làm tâm hồn ta thêm lắng đọng và nhẹ nhàng quá đỗi bình yên.
Nguồn Tingialai.com
Theo http://www.tintaynguyen.com/




1 nhận xét:

  “Trăm năm một thuở”: Lời tri ân sâu sắc đến người thầy của bao thế hệ 7 Tháng Tư, 2023 264 Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Giáo sư, N...