Thứ Tư, 26 tháng 4, 2017

Bài thơ bài thơ "Đề núi Chiếu Bạch" của vua Lê Hiến Tông (1461 - 1504)

Bài thơ bài thơ "Đề núi Chiếu Bạch" 
của vua Lê Hiến Tông (1461 - 1504)
Trong cuốn: Lê Thánh Tông thơ văn và cuộc đời, do Mai Xuân Hải tuyển chọn và biên soạn, Nhà xuất bản Hội Nhà văn Hà Nội ấn hành năm 1998, có giới thiệu bài thơ, Núi Chiếu Bạch (Đề Chiếu Bạch sơn thi tịnh tự) của vua Lê Thánh Tông, làm vào năm Hồng Đức thứ 2 (1471). Đọc lời đề dẫn bài thơ này của Lê Thánh Tông, lâu nay chúng ta cứ tưởng rằng thơ được khắc trên vách núi?
Vừa qua, trong chuyến đi thực địa, chúng tôi mới thấy 3 tấm bia bị cỏ gai che lấp, dựng song hàng dưới chân núi Chiếu Bạch. Một bia ghi bài thơ nói trên của Lê Thánh Tông, đã bị vỡ làm nhiều mảnh nằm trên mặt đất. Hai bia bên cạnh ghi thơ của Thượng Dương Động Chủ (tức vua Lê Hiến Tông) và Bảo Thiên Động Chủ (tức vua Lê Tương Dực) thì vẫn còn nguyên, nhưng một số chữ đã bị mờ mất nét rất khó đọc.
Ngọn núi Chiếu Bạch không cao lắm, xưa kia có các chùa chiền, song nay đã bị hủy hoại hết, quang cảnh xung quanh bây giờ rất hoang vắng. Cũng xin đính chính chú thích trong các sách đã xuất bản, là núi Chiếu Bạch hiện không phải thuộc huyện Nga Sơn nữa mà nằm trong địa phận xã Hà Lâm, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa, cùng huyện với quê của Trường Lạc Hoàng hậu, vợ vua Lê Thánh Tông và là mẹ của vua Lê Hiến Tông. Có lẽ vì thế nên mỗi lần về bái yết Lam Kinh, các vua Lê đã dừng thuyền ở đây, lên núi Chiếu Bạch vãn cảnh và cũng có thể về thăm quê vợ, quê mẹ..., chỉ cách nơi này vài cây số chăng?
Sau đây xin giới thiệu bài thơ đề núi Chiếu Bạch của Lê Hiến Tông.
Nguyên văn:








[]

Phiên âm:
NGỰ CHẾ ĐỀ CHIẾU BẠCH SƠN
Quân vương vạn lý cố hương quy
Giang mỵ duy chu thướng thúy vi
Phong định vân nhàn hoa dục ngữ
Hồ bình thiên khoát yến giao phi
Tùng tương luật lữ ngu sơn tướng
Thủy chiết ty huyền hộ điếu ky
Báo đạo nhạc linh thuần sắc bảo
Hảo vi lâm vũ biến [ đình ] vi(1)
Thượng Dương Động chủ đề
Đại Việt Cảnh Thống tứ niên Tân Dậu chí - Lăng sự tất Thanh minh nhật thư.
Trung thư giám chính tự, thần: Ngô Ninh phụng tả.
Dịch nghĩa:
THƠ VUA ĐỀ NÚI CHIẾU BẠCH
Nhà vua từ muôn dặm xa xôi trở về thăm quê cũ,
Buộc thuyền bên bờ sông bước lên sườn núi xanh.
Giữa quang cảnh gió lặng, mây nhàn, hoa như muốn nói,
Mặt hồ phẳng lặng, bầu trời bao la, đàn én chao lượn.
Gió đưa hàng tùng thành những nhạc điệu làm vui thêm (người) ngắm sông núi,
Nước rẽ đường tơ như bảo hộ tảng đá ngồi câu.
Nói rõ non thiêng toàn sắc báu,
Lại thêm cả mưa bụi khắp chốn (đình) vi.
Thượng Dương Động chủ đề.
Năm Tân Dậu niên hiệu Cảnh Thống thứ 4 nước Đại Việt (1501).
Ghi sau khi đi bái yết Sơn Lăng, vào tiết Thanh minh. Trung thư giám chính tự, thần là Ngô Ninh vâng chép.
Dịch thơ:
THƠ VUA ĐỀ NÚI CHIẾU BẠCH
Quân vương muôn dặm trở về quê
Thuyền buộc bờ sông cạnh thúy vi(2)
Gió lặng, mây dừng, hoa muốn ngỏ
Sóng êm, trời rộng, én giao phi(3)
Tùng đưa nhạc điệu vui thăm núi
Nước rẽ đường tơ lượn đá khe,
Như bảo non thiêng toàn sắc báu
Lại thêm mưa bụi khắp ‘đình’ vi.
Thượng Dương Động chủ sáng tác.
(Hồng Phi dịch)
Vua về quê cũ dặm trường
Bờ sông thuyền buộc, lên sườn núi cao
Gió im, mây lặng, hoa chào
Sóng yên, trời rộng, én chao lưng trời
Tùng reo nhạc núi chơi vơi
Nước luồn khe nhỏ, đá ngồi buông câu
Non thiêng sắc báu muôn màu
Bụi mưa rơi khắp trước sau trướng màn.
Thượng Dương Động chủ sáng tác.
(Hương Nao dịch)
CHÚ THÍCH:
(1) Chữ này bị mờ không đọc được. Chúng tôi tạm đoán là chữ ‘đình’, liền với chữ ‘vi’ sau là ‘đình vi’ tức ‘nơi màn trướng’.
(2) Thúy vi: sườn núi xanh.
(3) Giao phi: chim én chao lượn.
HỒNG PHI-HƯƠNG NAO
Theo http://hannom.org.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cảm nhận ngàn đêm

Cảm nhận ngàn đêm MỘT Dân gian nói, hoàng hôn là lúc người dương và người âm có thể gặp nhau. Trong bộ phim nổi tiếng “Bao giờ cho đến Thá...