Thứ Năm, 27 tháng 4, 2017

Dư âm mùa nước nổi

Dư âm mùa nước nổi!
Thời gian cứ lẳng lặng trôi đi, tuổi thơ ngày càng khôn lớn, con người phải bươn chải, phải đi khắp đó đây để kiếm kế sinh nhai, người thì ra thị thành, người vào cụm dân cư tránh lũ…mỗi khi chạnh lòng nhớ đến quê hương là biết bao hình ảnh làng xưa lại hiện về. Vậy rồi cũng theo đà phát triển của xã hội, cuộc sống đổi thay, một số hình ảnh đã lùi xa: hình ảnh con  trâu đi trước cái cày theo sau, nhịp cầu tre lắt lẻo… đã dần dần lui vào dĩ vãng... Thậm chí, mùa nước nổi ở một số nơi cũng khác xưa làm cho mọi người  thấy nhớ!
Chỉ cách đây mấy chục năm thôi, mùa nước nổi hiện lên rõ lắm. Sau khi làm xong lúa Hè thu  chừng hơn một tháng  là nước bắt đầu tràn lên đồng.. Con nước Rằm tháng 8 âm lịch thường gây sự chú ý nhất  bởi vì nước có thể ngập bờ dòng, người ta có thể chống xuồng trên ruộng được. Lúc này khung cảnh làng quê thật êm ả, vẫn là cánh đồng thân quen ngày nào, phía bên kia là bờ kinh, xa xa là những căn nhà ẩn nấp sau những khu vườn xanh mướt. Chỉ có bề mặt cánh đồng là thay đổi, biển lúa xanh rờn đã nhường chỗ cho những làn sóng gợn lăn tăn, mặt nước ánh hồng chở nặng phù sa hứa hẹn đắp bồi  cho vườn cây sai trái….Vào những ngày rảnh rỗi, theo xuồng bác nông dân thả lưới ra giữa cánh đồng mênh mông, đón mặt trời lên khỏi ngọn cây, chim kêu cháo chác, nghe tiếng máy rền vang phía chợ như gần hơn...Bơi xuồng theo bờ mẫu, có khi gặp đàn vịt đang kiếm mồi bỗng giật mình bơi ra xa nhìn dáo dác, buông xuôi mái dầm nghe tiếng máy hát từ phía bên kia chân vườn vọng lại mới thật là thú vị!
Theo lời bác nông dân, những năm trước đây mỗi khi nước nổi về là cá nhiều lắm:cá sặc, cá linh, tép rong…những năm đó rau đồng cũng nhiều: rau muống, bông súng…nhất là bông điên điển. Mấy năm nay nông nghiệp phát triển, các loại rau đồng cũng ít đi, không mấy ai nhắc đến nồi canh điên điển nữa ...
Ở Nam Bộ quê tôi, mùa nước nổi về vui lắm. Nước lé đé mặt sân, nước tràn đồng…Ở những nơi không có lũ, ngày nào người ta cũng bơi xuồng đi, bơi xuồng về. Khi thì giăng lưới, hái rau, khi thì chở đất ruộng về bồi đắp cho sân nhà, vườn cây…những hình ảnh ấy cứ lặp đi lặp lại nhưng người dân vẫn không chán vì họ cho rằng nước lên chỉ một thời gian thôi, khi nước rút muốn bơi xuồng trên đồng phải đợi năm sau.
Vài năm trở lại đây, cánh đồng nước nổi ở miền Tây không còn kéo dài như trước nữa bởi nhiều nơi đã làm lúa vụ 3 - tức là vụ Thu đông-hoặc tiến hành đưa hoa màu xuống ruộng…vì vậy người ta đã làm đê bao khép kín không cho nước lên đồng sớm nữa. Sau khi thu hoạch lúa xong, tức là khoảng cuối tháng 8 âm lịch thì người dân mới cho nước lên ruộng lấy chút phù sa cho mùa vụ tiếp theo. Rồi sau một tháng, khoảng mùng 10 tháng 10 âm lịch là bắt đầu chắt nước ra, xuống giống vụ Đông xuân, nước phải lui về sông về biển. Lúc này trời ít mưa, thỉnh thoảng có gió bấc hiu hiu, người ta bắt đầu nhớ tết.
Một năm có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông, trời có lúc mưa lúc nắng, nước sông có lúc cạn lúc đầy…chính những sự thay đổi ấy đã làm cho con người thêm yêu thiên nhiên và thêm yêu cuộc sống!.
Mai Văn Sang
Theo http://www.vanchuongviet.org/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Cảm nhận ngàn đêm – Tản văn Trần Thế Tuyển 12 Tháng Bảy, 2023 MỘT Dân gian nói, hoàng hôn là lúc người dương và người âm có thể gặp ...