Thứ Tư, 26 tháng 4, 2017

Lập học chiếu và chính sách giáo dục triều Tây Sơn

Lập học chiếu và chính sách 
giáo dục triều Tây Sơn 
Lập học chiếu là bản chiếu nói về xây dựng việc học của triều Tây Sơn do Ngô Thì Nhậm soạn thảo. Văn bản hiện được sưu tập lại cùng với khoảng 20 bài chiếu, khải, sắc, biểu khác trong tập Hàn các anh hoa, lưu giữ ở Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, kí hiệu thư viện A.291.
Hàn các anh hoa là tác phẩm quan trọng của Tiến sĩ Ngô Thì Nhậm, xưa nay đã được nhiều học giả quan tâm, chẳng hạn như PGS.TS. Đỗ Thị Hảo giới thiệu trong luận văn tốt nghiệp lớp chuyên tu Hán Nôm thuộc Ban Hán Nôm. Lần này, nhân dịp kỷ niệm 200 năm ngày mất của danh nhân Ngô Thì Nhậm, chúng tôi xin được giới thiệu nguyên văn bản Lập học chiếu này; đồng thời qua đó, bước đầu có đôi điều nhận xét về chính sách giáo dục của thời Tây Sơn, cũng như đóng góp lớn lao của Ngô Thì Nhậm đối với triều đại Tây Sơn.
1. Nội dung văn bản
Nguyên văn Lập học chiếu:
.
, , , , , . , , , , , . . , , , .
: , , . . . , , . . , , .
, . , . , . , . . 簿 , , .
, . , , .
Phiên âm:
Lập học chiếu
Chiếu thiên hạ quan viên bách tính đẳng khâm tri.
Kiến quốc dĩ giáo học vi tiên, cầu trị dĩ nhân tài vi cấp.
Nang giả tứ phương đa cảnh, học chính bất tu; khoa pháp tẩm huy, nhân tài dũ phạp.
Phù nhất trị nhất loạn, tuần hoàn chi lí, kế loạn chi hậu, vưu đương hưng khởi chấn tác, lập giáo hóa, thiết khoa cử, nãi chuyển loạn vi trị đại quy mô.
Trẫm kỳ định phương sơ, nhã ý đôn nho, lưu tâm hiếu sĩ, dục đắc thực tài dĩ tư quốc gia chi dụng.
Hợp chiếu ban hạ: Sở tại các xã dân, nghi thiết lập xã học, trạch xã nội nho sĩ hữu học hạnh giả trí vi xã giảng dụ, giáo tập bản xã sĩ nhân. Kỳ các phủ từ vũ, thính bản địa phận dân, nhận đãi trạch sai phủ huấn đạo quan, trí vi giáo tập học phủ chi sở. Nhưng kỳ dĩ kim niên khai hương khí khoa, thủ hương tú tài ưu đẳng thăng sung quốc học, thứ đẳng tống bổ phủ học. Kỳ cựu triều hương cống vị hữu chức nhậm giả, tịnh nghệ khuyết triều hầu, tống bổ huấn đạo, tri huyện đẳng chức. Cựu nho sinh, sinh đồ tính đãi thí kỳ nhập thí, ưu giả nhập tuyển, liệt giả bãi quy xã học. Kỳ tam quan sinh đồ, nhất thiết lặc hoàn dân hạng, dữ dân đồng thụ dao dịch. Tự hậu các xã sở trí giảng dụ, thính trình nạp huyện quan loại bạ, nhưng chuyển đệ triều đường quan cấp bằng, tỉ tri sách lệ.
Giá quan nhất sơ đại điển, hợp đương ma long tác chí, tinh bạch thừa hưu, đồng đăng khoan dụ chi đồ, cộng thanh minh chi trị.
Bố cáo hà nhĩ, sử hàm văn tri.
Dịch nghĩa:
Chiếu xây dựng việc học
Xuống chiếu cho quan viên và dân chúng trong thiên hạ biết: Xây dựng đất nước, lấy dạy học làm đầu, tìm lẽ trị bình, tuyển nhân tài làm gấp. Trước kia bốn phương xảy ra nhiều việc biến động, chế độ học hành không được sửa sang, phép khoa cử dần dần sa sút, nhân tài ngày một khan hiếm. Việc đời lúc trị, lúc loạn là lẽ tuần hoàn. Song sau khi loạn càng cần phải hưng khởi chấn chỉnh, lập giáo hóa, đặt khoa cử. Đó là quy mô lớn chuyển loạn thành trị vậy.
Trẫm buổi đầu đại định vẫn có ý coi trọng Nho học, lưu tâm yêu mến kẻ sĩ, muốn tìm những người thực tài để giúp ích cho đất nước. Chiếu này ban xuống, dân các xã nên lập nhà học của xã mình, chọn những Nho sĩ có học hạnh, đặt làm chức giảng dụ cấp xã để dạy dỗ học trò. Còn như từ vũ ở các phủ thì cho phép dân địa phương chọn làm nơi để quan huấn đạo của phủ đến đặt làm trường giảng tập của phủ. Hẹn trong năm nay sẽ mở khoa thi hương chọn lấy những Tú tài hạng ưu sung vào trường quốc học, còn hạng thứ thì đưa về trường học ở phủ. Những người đỗ Hương cống của triều cũ chưa được bổ nhiệm thì đưa đến triều đình đợi sung bổ vào các chức Huấn đạo, Tri huyện. Các Nho sinh và Sinh đồ cũ đều cho đợi đến kì để vào thi. Loại ưu thì được vào tuyển, loại kém thì trả về trường học của xã. Còn các “Sinh đồ ba quan” thì đều trả về hạng thường dân, và phải cùng gánh vác phu phen tạp dịch. Từ nay về sau, các xã hễ đặt chức giảng dụ thì phải nộp danh sách cho quan huyện, để chuyển đệ lên, để quan triều đình cấp bằng, khiến họ biết được sự khích lệ của trên.
Việc này quan hệ đến điển chương lớn buổi đầu, ai nấy phải mài rũa chí khí, phấn chấn tinh thần để đón phúc lành, để cùng bước lên con đường thênh thang, giúp cho nền thịnh trị trong sáng.
Vậy bố cáo xa gần, khiến mọi người đều biết.
2. Một vài nhận xét
Đây là một trong các chiếu chỉ của vua Quang Trung ban bố ngay sau khi xưng đế (1788). Những chiếu chỉ này đều do Ngô Thì Nhậm soạn thảo. Chúng ta biết rằng Ngô Thì Nhậm đã thi đỗ Tiến sĩ và làm quan trong triều Lê -Trịnh, sau lại được mời phụng sự triều Tây Sơn và từng giữ chức Hiệu thư kiêm Toản tu Quốc sử. Vì vậy ông hiểu khá tường tận thực trạng của việc giáo dục khi này, nên cùng với việc soạn thảo chiếu lên ngôi, chiếu khuyến nông, ông đã soạn thảo chiếu lập học này. Điều đó cho thấy chính sách giáo dục được triều đình Tây Sơn coi trọng như thế nào.
Chẳng vậy mà ngay câu mở đầu, bài chiếu đã khẳng định “Xây dựng đất nước, lấy dạy học làm đầu, tìm lẽ trị bình tuyển nhân tài làm gấp”. Tiếp đó bài chiếu chỉ ra sự sa sút của việc học và thi cử. Điển hình của sự sa sút này là loại “Sinh đồ ba quan” xuất hiện từ cuối niên hiệu Cảnh Hưng, nghĩa là thí sinh qua kỳ khảo hạch ở huyện để được thi Hương thì chỉ cần nộp 3 quan tiền là được lấy đỗ Sinh đồ. Sau cùng bài chiếu ban bố các chính sách và biện pháp cụ thể để phổ cập việc học và đào tạo thực tài. Trong đó quy định các xã được đặt chức giảng dụ để lo việc dạy học. Đây là chủ trương khá tiến bộ nhằm mở rộng việc học đến mọi làng xã.
Chủ trương này đã trở thành hiện thực, nên nhiều xã đã lập trường học và có chức “Xã giáo ” lo việc giảng dạy ở làng xã. Chẳng hạn, minh văn trên chuông chùa Hà ở quận Cầu Giấy, Tp. Hà Nội, khắc năm Cảnh Thịnh 7 (1799) do Nguyễn Khuê chức Xã giáo phụng soạn, có nói việc lập chức học quan ở địa phương.
Tóm lại, chiếu lập học này là một chính sách rất kịp thời và tiến bộ nhằm cải cách giáo dục dưới triều Tây Sơn. Điều đó cũng phản ánh tư tưởng tiến bộ và đóng góp to lớn của Ngô Thì Nhậm trong sự nghiệp giáo dục của triều đại này.
Đinh Khắc Thuận
Theo http://hannom.org.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cảm nhận ngàn đêm

Cảm nhận ngàn đêm MỘT Dân gian nói, hoàng hôn là lúc người dương và người âm có thể gặp nhau. Trong bộ phim nổi tiếng “Bao giờ cho đến Thá...