Thứ Tư, 26 tháng 4, 2017

Nghĩa của hai chữ “Trùng san” trong bản Truyện Kiều do Duy Minh Thị khắc in năm 1872

Nghĩa của hai chữ “Trùng san” trong bản 
Truyện Kiều do Duy Minh Thị khắc in năm 1872
Trong việc nghiên cứu văn bản Truyện Kiều, tìm hiểu thời điểm sáng tác và vấn đề bản in sớm nhất của tác phẩm (ra đời vào đời Gia Long hay Tự Đức) là hai vấn đề rất đáng quan tâm. Về thời điểm sáng tác Truyện Kiều, chúng tôi đã có dịp trình bày trong bài viết trước(1). Bài viết này, xin trình bày về thời điểm ra đời bản in đầu tiên.
Tại trang cuối bản Kim Vân Kiều tân truyện khắc in năm 1879, Duy Minh Thị (DMT) cho khắc hàng chữ “Tuế tại Kỷ Mão xuân, Nam Việt Gia Định thành Cư sĩ DMT TRÙNG SAN” (Cư sĩ DMT ở thành Gia Định đất Nam Việt  trùng san vào mùa Xuân năm Kỷ Mão - 1879).
Khi chưa được tiếp xúc với bản DMT 1872, thì có thể hiểu ngay hai chữ TRÙNG SAN là khắc lại, bởi lẽ chữ san được dùng để chỉ việc khắc ván, thì TRÙNG SAN là “khắc lại”: bản 1879 đã được khắc lại từ bản 1872(2). Nhưng chúng tôi không thể ngờ được rằng trang cuối bản DMT 1872 cũng có hàng chữ “Tuế tại Nhâm Thân xuân. Nam Việt Gia Định thành Cư sĩ DMT TRÙNG SAN” (Cư sĩ DMT ở thành Gia Định đất Nam Việt  “trùng san” vào mùa Xuân năm Nhâm Thân - 1872)!
Thế thì bản 1872 “khắc lại” bản in năm nào?
Nhân nhận xét về bản DMT 1872, trong bài Chữ húy trong hai bản Kiều Nôm 1871, 1872(3), Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn viết:
“Bản DMT quý ở chỗ là nó còn bảo lưu được cho chúng ta hình ảnh của một văn bản gốc rất có thể đã có mặt trong khoảng 1803 - 1825 (…). Bản DMT cho ta thấy những điểm kị húy hoàn toàn ăn khớp với tinh thần các lệnh đã ban bố trong giai đoạn từ đầu đời Gia Long đến đầu đời Minh Mạng: vậy nó có một bản gốc cực cổ”.
“Bản gốc đã kị húy triệt để ngay từ sinh thời Nguyễn Du đó là một bản in hay bản chép tay? Bản Kiều Nôm 1872 cũng đã cho ta câu trả lời: bản gốc mà DMT dùng làm mẫu khi khắc bộ ván mới là một bản in ! Có thế DMT mới khắc rõ ở cuối trang rằng lần in này là lần TRÙNG SAN !”...
Nhưng, khi cuốn Tư liệu Truyện Kiều bản Duy Minh Thị 1872(4) của Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn ra đời (cuối tháng 11 năm 2002), chúng tôi nhận ra một điều đáng chú ý là, dường như ông đã thể hiện một sự phân vân, đắn đo, cân đi nhắc lại cái điều rất quan trọng trong việc dùng hai chữ bản in mà ông đã dùng trên Tạp chí Ngôn ngữ, số 1/ 2002. Giáo sư viết: “DMT là người có tinh thần trung thực: khắc lại một bản cổ thì nói “tân thuyên” nhưng “trùng san”... (Sđd, tr.24). “Những cứ liệu trên cho phép khẳng định: bản DMT 1872 đã khắc in lại một bản Kiều cổ của giai đoạn 1803 - 1825” (Sđd, tr.25) v.v… Ta không thấy Giáo sư khẳng định “bản gốc mà DMT dùng làm mẫu khi khắc bộ ván mới là một bản in nữa. Để ý thêm thì thấy rằng sự phân vân này đã thể hiện trên bài viết tại Diễn đàn, số 122, tháng 10/2002 ở Pháp, trong một câu văn ở thể phỏng đoán: “Bản mà DMT trực tiếp dựa vào đó để trùng san chắc là một bản in”(5) (Sđd, tr.541).
Việc cân nhắc chữ dùng của Giáo sư cho chúng tôi ngờ rằng dường như ông đã có một linh cảm, một sự băn khoăn nào đó về hai chữ TRÙNG SAN, nhưng vì công việc đang cuốn đi, nên ông mới chỉ biểu hiện sự băn khoăn chợt đến ở một thoáng dùng dằng trong câu chữ…
Nhưng, đối với chúng tôi, từ tháng 1/2002, nghĩa của hai chữ TRÙNG SAN trong bản DMT đã trở thành nỗi ám ảnh. Chúng tôi xin trình bày về vấn đề này.
1. THỜI GIA LONG, MINH MỆNH KHÔNG CÓ BẢN IN TRUYỆN KIỀU
Từ sau khi viết hai bài về “bản Kinh”, “bản Phường”(6), xuất phát từ những cứ liệu lịch sử, thư tịch, chúng tôi vẫn thầm nghĩ rằng thời Gia Long, Minh Mệnh chưa thể có bản in Truyện Kiều. Bây giờ, nếu quả là nghĩa của hai chữ TRÙNG SAN là “khắc lại”, thì chẳng hoá ra đã có một bản in Truyện Kiều từ đời Gia Long, Minh Mệnh sao? Rà soát lại hai bài viết từ năm 1998 về “bản Kinh”, “bản Phường”, chúng tôi vẫn không thấy có sai lầm gì về tư liệu, lập luận. Vậy trước hết, chúng tôi xin trình bày những cứ liệu lịch sử, thư tịch:
- Một là, thời hậu Lê, Nhà nước phong kiến đã cho ra đời Lê triều chiếu lệnh thiện chính, nhằm ban bố các văn kiện thuộc chiếu, lệnh soạn từ đời Vĩnh Tộ (1619 - 1628) đến Chính Hòa (1680 - 1705). Trong các chiếu lệnh này, vấn đề cấm in truyện Nôm đã được ghi rõ: “Phàm kinh, sử, tử, tập cập văn chương hữu tì ư thế giáo giả, phương khả san bản thông hành. Nhược Đạo, Thích dị đoan tà thuyết chư thư tịnh quốc ngữ chư truyện cập thi ca thiệp ư dâm đãng giả bất khả san bản mãi mại dĩ thương phong hóa ( )" - Những sách kinh, sử, tử, tập cùng là các văn chương có bổ ích cho sự dạy đời mới được san bản mà thông hành. Còn như những sách dị đoan tà thuyết của Đạo, Thích và những truyện bằng quốc âm và thi ca liên quan tới sự dâm đãng, thì không được san bản rồi in ra mà bán để tổn hại phong hóa). Chúng tôi đồng ý với GS. Vũ Đức Phúc khi ông cho rằng: “Nếu ai có quan điểm khoa học về lịch sử thì đều phải biết rằng, viết văn, làm thơ, đề rõ tên tác giả, lại cho in dưới thời phong kiến, nhất là vào cái thời Gia Long, Minh Mạng, là một việc hết sức nguy hiểm”(7).
- Hai là, qua sự tìm hiểu hoạt động của các nhà khắc ván in ở Việt Nam, người ta cũng đã thấy đời Gia Long không một truyện Nôm nào được in(8).
- Ba là, trong công trình Truyện Nôm nguồn gốc và bản chất thể loại(9), Giáo sư Kiều Thu Hoạch đã thống kê được một DANH MỤC TRUYỆN NÔM HIỆN CÒN, gồm 106 đơn vị tác phẩm. Loại trừ các tác phẩm chép tay và không rõ năm in, danh mục này cho 46 tác phẩm có năm in. Trong 46 tác phẩm này, đời Gia Long không in được cuốn nào; đời Minh Mệnh chỉ in một cuốn về tôn giáo là Đạt Na thái tử kinh (in năm Minh Mệnh thứ 19 - 1830). Vậy mà, đời Tự Đức (1848 - 1883), chỉ tính từ 1860 đến 1883, đã in được 17 truyện Nôm! Truyện Hoa Tiên của Nguyễn Huy Tự, sáng tác trước Truyện Kiều mà đến 1875 mới in được.
- Bốn là, dù hiện chưa tìm được những chỉ dụ cụ thể để xét xem chính sách của hai triều Gia Long, Minh Mạng đối với chữ Nôm là như thế nào, nhưng khi nhà thư tịch học Trần Văn Giáp nhận xét rằng: “Từ thời Gia Long trở về sau, nhà Nguyễn có ý định bóp nghẹt chữ Nôm … từ luật lệ cho đến giấy tờ công văn, như chiếu, biểu, chế cáo, v.v… đều rập khuôn Hán văn của phong kiến Mãn Thanh. Các sách Hoàng Việt luật lệ, Nhất thống chí đều rập khuôn sách đời Kiền Long, Gia Khánh, v.v…”, thì hẳn Cụ còn những chứng khác làm cơ sở cho nhận xét đó. Một chi tiết rất đáng lưu ý khi Cụ cho biết thêm: “Cuối đời Tự Đức, khi triều đình nhà Nguyễn quá suy hèn, quân xâm lược Pháp đã lấn tới gần toàn quốc…, để chiêu tập nhân dân, các cụ Văn Thân cũng làm bài hịch Nôm kêu gọi nhân dân đem toàn lực giành lấy chủ quyền dân tộc. Không những thế, khi Tự Đức thú nhận: “Ta yếu đuối gặp cơn lắm việc thì cũng phải trở lại dùng chữ Nôm hiểu dụ dân chúng”(10), thì đó là một chi tiết để chúng ta nghĩ rằng phải đến cuối đời Tự Đức, các văn bản in chữ Nôm mới thực sự được lưu truyền sâu rộng trong công chúng. Cho nên, đến cuối đời Tự Đức, Truyện Kiều bắt đầu được khắc in, cũng là có cái lý do của nó.
Bản in Truyện Kiều đầu tiên (1871) do nhà Liễu Văn đường in tại đất Bắc, bán trên phường Hàng Gai, Hà Nội mà không kiêng huý Tự Đức(11) cũng là điều dễ hiểu: Một là Hà Nội xa đất thần kinh. Hai là quân Pháp đã lấn tới gần toàn quốc rồi, triều đình trong nớ đang lo chiến hay hoà đến rối ruột, thì hơi sức đâu kiểm tra mấy chữ húy! Đến như Tự Đức là ông vua đương triều mà người ta còn chẳng cần kiêng tên húy, thì phỏng ai còn kiêng húy Gia Long, Minh Mệnh làm gì! Bản 1872 kiêng húy đến mức sợ sệt chữ lan (tên mẹ cả Gia Long) chắc là do một lý do nào đó; còn bản 1871 in ở miền Bắc, chữ lan khi kiêng khi không, thì cũng có thể đặt giả thuyết rằng: người chủ trương đưa in bản 1871 có trong tay một bản chép tay gần hệ văn bản(12) với bản 1872 (nghĩa là cũng còn chữ húy), nhưng trong không khí xã hội lúc đó, họ cũng đã có ý gột các chữ húy phiền phức đó đi nhưng gột không hết mà thôi.
Đó là điều giải thích vì sao từ đời Tự Đức (1847 - 1883), qua Kiến Phúc (1883 - 1884), Hàm Nghi (1884 - 1885), Đồng Khánh (1886 - 1888), Thành Thái (1889 - 1907)… cho đến Bảo Đại (1926 - 1945), các bản Truyện Kiều chữ Nôm như được “ thả cửa” đưa in!
Chúng tôi phải đi tìm nghĩa của hai chữ TRÙNG SAN là vì vậy.
2. NGHĨA CỦA HAI CHỮ TRÙNG SAN TRONG BẢN DMT
- SAN , ngoài nghĩa để chỉ việc khắc đá (khắc ván), còn có nghĩa là biên tập, sửa chữa, đính chính(13)... Khi nói “Khổng Tử san Thi (Kinh Thi)” thì “san” là “san định”, là công việc sửa chữa, biên tập. Các nhà Nho xưa khi nói “san Thi, định Thư, chế Lễ, tác Nhạc”, thì san, định, chế, tác, chính cũng là nói tới công việc biên tập, hiệu đính… những tác phẩm đó.
- Vì thế, chúng tôi cho rằng trong bản DMT, hai chữ TRÙNG SAN có nghĩa là “biên tập lại, sửa chữa lại”, chứ không có nghĩa là “khắc lại”.
Thật vậy. Không phải vô cớ mà trong bản in 1872, DMT đã dùng hai chữ (THUYÊN và SAN). Trong một văn bản, dùng hai chữ khác nhau như thế, đương nhiên là người viết đã có sự phân biệt ý nghĩa:
+ Trên trang bìa Kim Vân Kiều tân truyện, bản in năm 1872, DMT dùng chữ THUYÊN : “Nhâm Thân niên tân THUYÊN” thì THUYÊN là khắc ván. Khắc ván mới vào năm Nhâm Thân - 1872.
+ Nhưng khi ông cho khắc hàng dọc chữ nhỏ tại trang cuối cùng: “Tuế tại Nhâm Thân xuân. Nam Việt Gia Định thành Cư sĩ Duy Minh Thị TRÙNG SAN” (Cư sĩ Duy Minh Thị ở thành Gia Định đất Nam Việt sửa chữa vào mùa Xuân năm Nhâm Thân - 1872), thì chữ SAN này mang nghĩa sửa chữa, biên tập. TRÙNG SAN là sửa chữa, biên tập lại.
+ TÂN THUYÊN là khắc lần đầu. Vậy nếu như chỉ đơn thuần cho khắc lại bản in cũ của một nhà tàng bản nào đó, thì DMT phải dùng chữ TRÙNG THUYÊN chứ sao lại dùng chữ TRÙNG SAN ? Hàng chữ lớn chạy ngang trên đầu tác phẩm “Nhâm Thân niên TÂN THUYÊN” (khắc mới vào năm Nhâm Thân 1872) cũng đã cho phép ta nghĩ như vậy. Bởi vì, chẳng hạn, nếu chỉ cho khắc lại nguyên văn một bản in của người khác trước đó, thì hẳn DMT sẽ không dùng chữ “tân thuyên”. “Thuyên” lại của người ta thì “tân” ở chỗ nào?
TÂN THUYÊN là khắc mới. Đã đành. Nhưng ở đây chữ "tân" còn là hay chính là ở chỗ DMT muốn cho ta biết rằng ông đã TRÙNG SAN (sửa chữa), nên có làm “mới” nhiều câu chữ so với tất cả các bản Kiều (in hay chép tay) mà mọi người ở thời ông đã biết. DMT rất tự hào về việc sửa chữa này. Vì thế, để ghi rõ công lao TRÙNG SAN của mình, ông đã cho khắc tại trang cuối, hàng chữ nhỏ chạy dọc: “Tuế tại Nhâm Thân xuân. Nam Việt Gia Định thành Cư sĩ Duy Minh Thị TRÙNG SAN”  (Cư sĩ Duy Minh Thị ở thành Gia Định đất Nam Việt  sửa chữa vào mùa Xuân năm Nhâm Thân - 1872). Niềm tự hào của ông thể hiện ở chỗ không những ông chỉ ký tên mà còn ghi cả địa chỉ, cương vị xã hội của mình trong việc “trùng san” ấy!
Có một chi tiết lý thú là: Nếu như, khi cho in lần đầu vào năm 1872, DMT cho chạy hàng chữ lớn theo chiều ngang, từ phải sang trái, phía trên bìa sách: NHÂM THÂN NIÊN TÂN THUYÊN ([Tôi cho] khắc mới vào năm Nhâm Thân), thì lẽ ra, ở bản 1879 ông cũng phải cho chạy một hàng chữ tương tự để người đọc biết rằng đây là bản [ông cho] khắc lại (TRÙNG THUYÊN bản năm 1872(14). Nhưng không. Hẳn có thể ông nghĩ rằng ông là người nổi tiếng đất Gia Định, việc bảy năm trước ông “tân thuyên” Truyện Kiều thì ai mà chẳng biết, nên khi cho khắc in lại bản 1872, ông không cần ghi hai chữ “trùng thuyên” nữa. Nhưng điều mà ông quan tâm vẫn là khẳng định công lao “trùng san” của mình, nên ông không thể quên cho khắc hàng chữ: “Tuế tại Kỷ Mão xuân. Nam Việt Gia Định thành Cư sĩ Duy Minh Thị trùng san” (Cư sĩ Duy Minh Thị ở thành Gia Định đất Nam Việt  sửa chữa vào mùa Xuân năm Kỷ Mão - 1879)(15).
Thì ra, vấn đề là ở chỗ có sự nhập nhằng, dấp dính trong hàm nghĩa của chữ SAN . Bởi vì chữ SAN cũng đã mặc nhiên từng được dùng để chỉ việc khắc ván(16). Vì thế, khi chưa được tiếp xúc với bản DMT 1872, thấy bản 1879 có hai chữ TRÙNG SAN, chúng tôi đã hiểu lầm ngay nghĩa của nó, là “khắc lại”! Một sự lầm lớn. Mà thật dễ lầm. Nhưng qua cái lầm, cũng thấy được vài điều lý thú, nên xin trình bày thêm.
3. HAI CHỮ THUYÊN SAN
Thực ra thì, thuyên  là khắc gỗ, san  là khắc đá. Nhưng người ta hay dùng lẫn lộn hai chữ này. Ta thấy:
a. Để chỉ việc khắc bia đá, lẽ ra dùng chữ san  thì có khi người ta cũng dùng chữ thuyên . Chẳng hạn, tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm hiện nay, thác bản bia mang số 14534 đề là “Tân san gia huấn bi” (đúng); nhưng bia số 14552, 14553 thì đề “Hoàng triều Khải Định Tân Dậu tân thuyên” (sai). Lệ chứng này rất nhiều.
b. Để chỉ việc khắc ván in sách, lẽ ra dùng chữ thuyên , nhưng có khi người ta lại dùng chữ san . Chẳng hạn Kim Vân Kiều tân truyện, bản Liễu Văn đường 1871 dùng chữ san như ta đã thấy; cuốn thơ Hồ Xuân Hương mang tên Quốc âm thi tập  , được ghi “Long phi Giáp Dần xuân tân san” (sai) trong khi đó, cuốn Khâm định vạn niên thư lại có dòng chữ viết tay “Tự Đức nguyên niên Mậu Thân (1848) trùng thuyên” (đúng, vì đã khắc một lần vào năm 1836)(17); bài Tổng thuyếtvà Tổng từ của Minh Mệnh và Tự Đức cũng có câu “Truyền hình tả chiếu tương trùng thuyên” (đúng).
Nhưng nói “sai” và “đúng” ở đây là theo định nghĩa của từ điển, chứ còn trên thực tế thì vẫn có sự dùng lẫn lộn như thế (18).
Bây giờ, ta phải chứng minh bước nữa là trước và sau năm 1872, đã từng có những văn bản mà hai chữ TRÙNG SAN mang nghĩa là biên tập, “san định” lại.
4. HAI CHỮ TRÙNG SAN TRONG BẢN DMT 1872, 1879 CÓ NGHĨA LÀ "BIÊN TẦP, SỬA CHỮA"... CHỨ KHÔNG PHẢI "KHẮC LẠI"
Sau đây là một số chứng cứ:
* Chứng cứ thứ nhất : Chỉ nam ngọc âm   (AB.372)(19).
Tại bản AB.372, ta thấy cuốn sách được mang ba tên gọi: Tờ 1a khắc hàng chữ: TRÙNG SAN Chỉ nam bị loại các bộ dã đàm đại toàn tự      ; Tờ 3a khắc hàng chữ: Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa mục lục    ; Tờ 4a khắc hàng chữ: TRÙNG THUYÊN Chỉ nam phẩm vựng dã đàm tịnh bổ di đại toàn      .  Điều đó khiến ta ngờ rằng có thể người soạn cuốn Chỉ nam ngọc âm đã dựa vào vài cuốn từ điển trước đó (chẳng hạn Chỉ nam phẩm vựng dã đàm ) để soạn ra cuốn từ điển giải thích các từ điều bằng thơ lục bát?
Nhưng, điều quan tâm của chúng tôi là trong bốn tờ đầu, bản in này đã dùng hai chữ SAN và THUYÊN thì thế tất phải có sự phân biệt hàm nghĩa của hai chữ, nên chúng tôi hiểu rằng chữ SAN tại tờ 1a trong bài Tựa dùng để chỉ việc biên tập, “san định” lại (TRÙNG SAN) một cuốn từ điển nào đó trước khi đưa khắc lại (TRÙNG THUYÊN). Điều đó đã được ghi rõ trong lời Tựa:
(…) “Bèn soạn quyển Chỉ nam này
Đã thông thiên địa lại hay nhân tình”
Và:
“Hồng Phúc danh hương chân pháp tính
Bút hoa bèn mới đính nên thiên
Soạn làm chữ cái chữ con
San bản lưu truyền ai đặc thì thông”
(…)
Bài Tựa cho biết rằng, sau khi “soạn” (tức là TRÙNG SAN) một bản cũ nào đó rồi mới mang “san bản”, rồi TRÙNG THUYÊN như ghi rõ ở tờ 4a để "lưu truyền".
* Chứng cứ thứ hai: Hai chữ TRÙNG SAN trong Trùng san Lam Sơn thực lục  (20) mang nghĩa biên tập lại các bản viết tay. Bài Tựa sách nói rõ điều đó:
"Dĩ vi cựu bản tuy hữu sao ký, gián do thác giản, vị dị tận hiểu. Tư dục toản thu tinh thuần, dụng xâm chư tử, thứ Tiên đế chi công nghiệp phục minh ư thế, nãi mệnh thần đẳng tham dĩ cựu lục gia biên nhi trùng tu chi. Thù giả chính, lậu giả bổ đắc tiện quan lãm dĩ quảng kỳ truyền. Thần đẳng thao phụng đức âm, cảm bất sưu duyệt bổ xuyết, vựng dĩ thành biên, cẩn lục Thượng tiến dĩ sĩ duệ lãm. Phụng tứ danh viết "Trùng san Lam Sơn thực lục". Tức mệnh tượng nhân san bản dĩ thùy vĩnh cửu (     簡, 曉。 , 世,      正,   便 覽, 傳。 音,     編, 覽。 錄。     ) -
 Vua cho là bản thực lục cũ tuy có các bản sao chép, nhưng trong đó còn có chỗ nhầm lẫn, chưa dễ hiểu hết, nay muốn thu thập phần tinh túy để đem khắc ván in, ngõ hầu làm cho công nghiệp của tiên đế lại được sáng mãi ở đời, bèn sai chúng tôi tham khảo các bản chép cũtại các tư gia để sửa sang lại, chỗ nào sai thì viết lại cho đúng, chỗ nào sót thì bổ sung vào, cốt tiện quan lãm và truyền bá rộng rãi. Chúng tôi vâng phụng chiếu thư(18), đâu dám không sưu tầm, điểm duyệt, bổ sung, góp lại thành sách, kính cẩn chép dâng lên để chờ ngự lãm. Sách được ban tên là Trùng san Lam Sơn thực lục . Lập tức sai thợ khắc in để truyền lưu mãi mãi).
* Chứng cứ thứ ba: Trùng san Thanh Hoa Phương Hoa tối tân truyện  (AB.283). Đây là tác phẩm chữ Nôm, biên soạn năm Duy Tân thứ chín, có phiên quốc ngữ. Bài Tựacho ta thấy tác giả đã gọi công việc biên soạn của mình là TRÙNG SAN:
“Nơi phủ Thọ Xuân tỉnh Thanh Hóa còn có đền thờ nàng Phương Hoa. Chùa ở huyện Thạch Thành cũng thờ nàng Thị - Trinh mồ mả các nơi cũng hãy còn cả. Mà Tào - Trung úy thời người ở làng Tào Xuyên huyện Hoằng Mỹ. Nghe người ta nói rằng ở làng đó còn có cái bia kể tội tên Tào - Trung úy nghìn năm không mòn (tường ở sự đằng sau). Truyện này trước đã có người đặt vài lần, nhưng mà hoặc là quê mùa quá; phô tự cũng không ra làm sao. Tôi thấy truyện này là truyện nước mình, mà đàn bà như Phương - Hoa thực là ít có, nên có truyện để lại đời sau để làm gương. Vậy nên tôi cứ sự tích mà đặt lại cho mới ra, nôm na tạm đủ nghe mà thôi. Còn như khoa thứ đời nào cùng là danh hiệu các người thời chưa kịp tra, xin các ngài xem truyện sẽ biết cho vậy.
Năm Duy Tân thứ 9, ngày tháng 2.
Giật sơn Nguyễn Ngạc Trì soạn.”
Rõ ràng là hai chữ TRÙNG SAN trong Chỉ nam ngọc âm, Lam Sơn thực lục và truyện Phương Hoa đã dẫn trên đây đều mang nghĩa là “biên tập, bổ sung, sửa chữa” lại. Đó cũng là nghĩa của hai chữ TRÙNG SAN trong bản DMT 1872 và 1879!
So sánh từ ngữ trong bản DMT với bản Liễu Văn đường 1871 và các bản in đời Tự Đức, ta thấy sự sửa chữa của DMT là rất rõ ràng. DMT đã sửa chữa một bản chép tay nào đó (không ngoại trừ có khả năng còn tham khảo cả bản 1871 và các bản chép tay đời Tự Đức) để làm thành một văn bản Truyện Kiều có nhiều câu chữ “mới”. DMT tâm đắc với sự sửa chữa đó. Sự sửa chữa này được gọi là TRÙNG SAN. Sau khi TRÙNG SAN, ông cho khắc bộ văn mới (TÂN THUYÊN) vào năm 1872.
Trên đây là sự tìm hiểu hai chữ TRÙNG SAN trong bản DMT của chúng tôi. Như đã có dịp trình bày trong bài viết trước, từ hơn nửa thế kỷ qua các học giả từ Đào Duy Anh, Hoàng Xuân Hãn, Trương Chính, Vũ Đức Phúc đã ngày càng gần nhau tại một điểm khi cho rằng: Truyện Kiều được sáng tác trong đời Tây Sơn(22). Vậy hệ quả sẽ là:
a. Nguyên tác Truyện Kiều không hề có chữ húy Gia Long, Minh Mệnh.
b. Duy Minh thị đã "trùng san" một bản chép tay được biên tập sau năm 1825 để cho in ra bản 1872.
c. Các chữ húy trong bản DMT 1872 thể hiện “tuổi” của bản chép tay, chứ không phải “tuổi” của bản in.
d. Và, như chúng tôi đã hình dung khi viết về "bản Phường", đến đời Tự Đức, khi mà việc in truyện Nôm đã được “tháo khoán”, lại gặp lúc nhu cầu đọc Truyện Kiều của quần chúng đô thị tương đối cao, các nhà khắc ván không khó khăn gì khi xin chép lại những bản chép tay của các tư gia ngay tại đất Thăng Long này. Đó chính là những truyền bản ban đầu mà Nguyễn Văn Siêu, Cao Bá Quát hay học trò của các ông còn lưu giữ được. Nhưng việc nghiên cứu chữ húy lại cho thấy rằng những truyền bản ban đầu tương đối gần với nguyên tác ấy, nếu còn, thì dưới sự chuyên chế hà khắc từ đời Gia Long, những ai muốn lưu giữ trong Truyện Kiều trong gia đình, tất phải chép lại với sự kỵ huý nghiêm ngặt. Đương nhiên, mỗi khi chép lại, ngoài việc chú ý đến việc kị húy, người ta vẫn có thể tùy tiện thay chữ này, đổi chữ khác. Căn cứ vào kết quả khảo sát chữ húy (chứ không phải vào năm in hoặc năm chép) trong các văn bản, GS. Nguyễn Tài Cẩn đã phân ra ba thế hệ: văn bản Truyện Kiều, trong đó có hai thế hệ được biên tập (từ 1803 đến 1825 và từ 1836 đến 1840). Đây chính là những văn bản phái sinh của những truyền bản ban đầu, ra đời sau các lệnh kị húy của hai triều Gia Long, Minh Mệnh.
Nhưng, xét trong tương quan với các bản in đời Tự Đức, chúng ta lại thấy rằng: nếu như dấu vết những chữ húy trong bản DMT đã minh định được thời điểm biên tập của một văn bản chép tay, thì mặt khác, việc nghiên cứu từ ngữ lại cho ta thấy DMT đã không tránh được thói tục của những nhà Nho hay chữ xưa trong việc quá tự tin và hăng hái khi “trùng san” một văn bản phái sinh trên đây để đưa in một văn bản Truyện Kiều mang dấu vết biên tập chủ quan của ông. Đó là một trong những hạn chế của bản DMT 1872.
Vì thế, việc tìm hiểu sự can thiệp của Cư sĩ Duy Minh Thị vào văn bản Truyện Kiều cũng như vai trò của bản 1872 trên con đường truyền bản trở nên vấn đề rất đáng quan tâm. Chúng tôi mong được trình bày trong những bài viết tới.
CHÚ THÍCH:
(1) Đào Thái Tôn: Thời điểm sáng tác “Truyện Kiều” và chữ húy trong bản “Kiều” do Duy Minh Thị khắc in năm 1872, Tạp chí Hán Nôm, số 2/2003.
(2) Khi chưa được thấy bản Duy Minh Thị 1872, chúng tôi đã viết: "Theo Tiến sĩ Nghiêm Xuân Hải - con rể Giáo sư Hoàng, bản Nôm ở miền Nam mà Hoàng Xuân Hãn có, là bản Duy Minh Thị in 1872 chứ không phải bản “trùng san” in năm 1879 (là bản mà ông Tuân có). Không hiểu sao đã thấy hai chữ “trùng san” mà Nguyễn Quảng Tuân vẫn xem bản ông (1879) là bản “duy nhất”! ( Văn bản Truyện kiều - Nghiên cứu và thảo luận, Nxb. Hội nhà văn, H. 2001, tr.280).
(3) Tạp chí ngôn ngữ, số 1, năm 2002.
(4) Nxb. Đại học Quốc gia, H. 2002.
(5) Đôi lời bàn thêm về bản Kiều Duy Minh Thị. trong Tư liệu Truyện Kiều bản Duy Minh Thị 1872, Sđd, 541.
(6) Xin xem Đào Thái Tôn: Văn bản Truyện Kiều - Nghiên cứu và thảo luận, Sđd.
(7) Vũ Đức Phúc: Hoàng Xuân Hãn và việc khôi phục nguyên tác Truyện Kiều. Tạp chí Văn học số 6/1998 (Xin xem bài in lại trong Đào Thái Tôn: Văn bản Truyện Kiều - Nghiên cứu và thảo luận, Sđd).
(8) Mai Hồng - Nguyễn Hữu Mùi: Tìm hiểu nghề in của ta qua kho sách Hán Nôm. Tạp chí Hán Nôm, số 1 năm 1986.
(9) Truyện Nôm nguồn gốc và bản chất thể loại. Nxb. KHXH, H. 1993.
(10) Trần Văn Giáp: Lược khảo vấn đề chữ Nôm (từ khởi thủy đến thế kỷ XIX). Lê Văn Đặng thực hiện văn bản. Ngày nay, Publishing, 2002.
(11) Trong bản 1871, chỉ có câu 87 viết chữ thìn thay chữ thì . Nhưng xét trong toàn bộ hệ thống gần một trăm chữ thì không thể xem đây là chữ viết kiêng húy được.
(12) Trong một bài viết cho Diễn đàn mới đây mà Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn cho đọc, chúng tôi thấy ông đã căn cứ vào chữ húy (chứ không căn cứ vào năm chép hay năm in của văn bản) mà chia các văn bản Truyện Kiều thành ba thế hệ: Biên tập khoảng 1836 trở về trước mà chính xác là 1803 - 1825; Biên tập khoảng 1836 - 1840; Biên tập sau năm 1847.
(13) Hán ngữ đại tự điển (Sđd).
(14) Chẳng hạn, có thể cho khắc hàng chữ: KỶ MÃO XUÂN TRÙNG THUYÊN (khắc lại vào mùa Xuân năm Kỷ Mão (1879).
(15) GS. Nguyễn Tài Cẩn cho biết, bản DMT còn được in lại ít nhất hai lần nữa: năm 1891 và năm 1915 (Sđd. tr.538). Vậy hai lần in này, DMT có sửa chữa gì so với lần in 1879 không? (Bản 1879 có sửa chút ít so với bản 1872). Cuối sách, hẳn còn thấy hai chữ trùng san?
(16) Chẳng hạn, bản Kim Vân Kiều tân truyện, Liễu Văn đường tàng bản được đề ngay trên trang bìa: “Tự Đức nhị thập tứ niên, trọng xuân tân san” .
(17) Theo Lê Thành Lân (Lịch và niên biểu Việt Nam hai mươi thế kỷ - 1001 - 2010, Nxb. Thống kê, H, 2000, tr.41) thì, sách này soạn năm 1820, khắc lần đầu năm Bính Thân (1836), trùng thuyên năm Kỷ Dậu (1849) hoặc Canh Tuất (1850), chứ không phải Mậu Thân (1848) như người nào đó đã viết ở đầu sách.
(18) San có nghĩa là đính chính, tu đính, như san ngộ, san chính. Tấn thư, Tề Vương Du truyện có câu: “Tựu nhân tá thư, tất thủ san kỳ ngộ, nhiên hậu phản chi” (Đến mượn sách của ai thì bao giờ cũng tự tay chữa những lầm lẫn trong đó rồi mới mang trả) Thuyên có nghĩa là khắc ván in - Xem: Hán ngữ đại từ điển. Tứ Xuyên từ thư xuất bản xã, Hồ Bắc từ thư xuất bản xã, Thành Đô, 1986, tr.324.
(19) Vì không đủ các văn bản để khảo sát, ở đây chúng tôi chỉ dẫn bản AB.172. Theo Trần Xuân Ngọc Lan (Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa, Nxb. KHXH, H. 1985), tác phẩm này có thể được biên soạn xong vào các năm Tân Tị sau: 1461, 1521, 1581, 1641, 1701, 1761.
(20) Bản in này do học giả Hoàng Xuân Hãn gửi tặng, hiện được lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Chúng ta còn đọc được một trang viết tay của Cụ gửi kèm:
“Bản sách Trùng san Lam Sơn thực lục này nguyên đóng cùng bản Lê triều Đế vương Trung hưng thực lục. Cả hai bản đều do Quốc sử quán đời Lê Hy Tông xuất bản; và đều mang tựa đề năm Vĩnh Trị nguyên niên (1676). Cả hai bản đều mang những chữ húy đời Lê, như: thay [LSTL. Tựa / 1a (4)], thay [LSTL / 4b (7)]; thay [THTL. Q.1 / 5a (9)] mà các chữ vân vân thì vẫn không kiêng. Vậy chắc chắn các bản này là khắc và in từ đời Lê. Tôi đã mua lại của một người ở Hà Nội vào năm 1941 và năm nay tôi đã tách rời hai quyển bồi các tờ cho khỏi rách và dễ đọc rồi đóng lại. Loại sách in từ đời này (thế kỷ thứ XVII) ở ta còn lại rất ít. Riêng về sử lại càng hiếm. Có lẽ tập này là độc nhất còn lại.
Mong sau tôi, ai đọc sách này hết sức giữ gìn để bảo tồn di - vật rất quý cho văn hóa nước ta. Tôi có thêm bài nguyên tựa (tháng 12 năm Thuận Thiên 4) của Lê Lợi mà tôi đã thấy ở một bản viết tay. Sách Đại Việt sử ký (q.10/136): “ngày 6 tháng 12 năm Thuận Thiên 4. Vua sai làm LSTL. Vua đề tựa, Ký LAM SƠN ĐỘNG CHỦ” đúng như ở tựa trên”. Tuy nhiên, theo PGS.TS. Nguyễn Đăng Na, về mặt văn bản, Trùng san Lam Sơn thực lục cũng có nhiều điều lý thú về mặt văn bản học…
(21) Trong Trùng san Lam Sơn thực lục, Nxb. KHXH, H. 1992, Ông Trần Nghĩa dịch là “Chúng tôi vâng theo lời cao quý…” thì thực ra, "đức âm" nghĩa là chiếu thư; câu , dịch là: “Xin chép dâng lên hầu mong đấng thông tuệ xem” thì thực ra "duệ lãm" là ngự lãm.
(22) Nhân nhận xét về bản thảo bài viết trên Tạp chí Hán Nôm số 2/2003, GS. Nguyễn Tài Cẩn cũng cho rằng, có thể là Nguyễn Du viết Truyện Kiều trong thời gian ở quê vợ (Thái Bình).
Đào Thái Tôn
Theo http://hannom.org.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Đọc truyện ngắn của Võ Đào Phương Trâm – Trần Danh Thùy 4 Tháng Bảy, 2023 Truyện ngắn của Võ Đào Phương Trâm, nhà văn trẻ đến từ Sài G...