Thứ Hai, 24 tháng 4, 2017

Nơi yêu thương đi về

Nơi yêu thương đi về
Tình cờ đọc lại bài thơ “Quê hương” của Giang Nam, tôi bồi hồi trôi về tuổi thơ và miền quê yêu thương của mình:
“Thuở còn thơ ngày hai buổi đến trường
Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ
Ai bảo chăn trâu là khổ
Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao…”

Tuổi thơ tôi trôi qua êm đềm nơi miền quê Phú Yên. Đi đâu xa, quay về bên ông bà nội, ba má nơi ngôi nhà sân gạch thơm mùi rơm rạ, tôi lại nghe lòng mình bình yên. Bình yên đến từ ruộng lúa, nơi bước chân mình bồi hồi đi qua. Đến từ bụi tre tuổi thơ nào mình nô đùa. Đến từ cái sân gạch, nơi có dáng bà cặm cụi quét dọn. Đến từ bữa ăn sáng đậm đà má chuẩn bị khi tôi còn ngủ vùi. Sớm thức dậy. Nhẹ bước ra đồng. Nghe hơi sương mát lành nhẹ thấm vào người. Vươn vai, hít đầy lồng ngực mùi đồng quê. Những kỷ niệm ngày nhỏ lại thổn thức. Cứ thấy mình thơ dại…
Con nít quê tôi thân với con bò, con nghé như thân những người bạn. Tuổi thơ, ngày hai buổi, một buổi tôi kẹp cái cặp sau lưng, ton ton đến trường, một buổi đội nón, cầm cái roi bé tí đi chăn bò. Bò thong thả gặm cỏ, tụi nhóc tụi tôi tưng bừng rượt bắt hay rôm rả kháo nhau cây xoài, cây mít nhà nào trong xóm đang ra trái ngon lành để “canh me” hái trộm. Chiều về, cả bò, cả lũ nhóc chăn bò ào xuống con sông nhỏ, đạp nước tung tóe. Tiếng cười làm chộn rộn cả một khúc sông. Vui tưng bừng là những hôm dãi nắng, cùng lũ bạn tíu tít bắt cá, đào dế, hái trộm trái cây bị chó rượt... Mê mải đến quên trời đất. Hạnh phúc đôi khi chỉ đơn sơ vậy.

Quê nghèo. Hiền như khoai sắn. Tuổi thơ tôi thuộc từng ụ rơm, bụi tre ven đường đi học, tiếng gà gáy buổi sáng sớm, miếng bánh tráng thơm phức, giòn rụm nướng từ tay mẹ hay những buổi dãi nắng chơi tán dép, câu cá, bắn bi… Những giấc ngủ buổi trưa thường có má phe phẩy chiếc quạt thơm mùi khói bếp. Giấc ngủ êm êm khi có bàn tay má khẽ vuốt mái đầu hay gãi rôm ở sống lưng. Mỗi khi tình cờ nhớ lại, cứ nghe lòng mình bồi hồi nhớ bàn tay má chai sần. Bàn tay một đời rơm lúa. Một đời bếp núc. Một đời yêu thương… Chợt nhớ bàn tay em. Bàn tay không chai sần như bàn tay bà, bàn tay má, nhưng cũng đong đầy yêu thương vô bờ trong mỗi chăm chút.
Lòng vẫn thầm ước, có thật nhiều dịp đưa em về quê! Để cùng em đi trên con đường tôi đến trường ngày nhỏ. Để chỉ cho em cánh đồng nào tuổi thơ tôi chăn bò, thả diều, bắt dế. Cùng em nghe cái mát lạnh nơi con sông quê tuổi thơ nào tôi hồn nhiên đạp nước. Cùng em sẻ chia những cảm xúc trong veo, chẳng vướng bận lo toan. Để những yêu thương chưa kịp nói thành lời mà em vẫn cảm nhận được.
Vài ba ngày, má lại gọi điện thoại hỏi thăm: “Bây ăn uống, ngủ nghỉ thế nào? Cơm bờ cơm bụi hoài phải không? Về đây, má nấu món này món nọ cho ăn”. Cứ nghe lòng rưng rưng. Giận má nhắc làm chi làm… mình nhớ. Cũng thiệt ngộ, những cuộc điện thoại chẳng bao giờ thiếu chuyện con trâu nhà mình có khỏe, bầy heo có mau lớn, miếng ruộng nhỏ xíu của ba có trĩu lúa? Hỏi từ bà con đầu trên xóm dưới đến thằng cu nào trong xóm hình như năm nay thi đại học… Ai nói mình “tám” cũng chẳng sai, nhưng những câu chuyện nhỏ xíu, khoai sắn ấy như một cầu nối giữa mình và quê nhà.
Có ai đó ví cha mẹ như người thả diều. Con là cánh diều khát gió. Và cuộc sống là bầu trời rộng lớn. Song, dù đi đâu xa, cánh diều con vẫn không thôi nhớ về quê hương. Bởi một lẽ giản dị: Ở nơi ấy, bao yêu thương vẫn đi về…


Võ Doãn Mỹ 
Theo http://www.vodoanmy.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bộ phim Đất rừng phương Nam: Một số điều “lấn cấn” về nội dung và nghệ thuật cùng với phản hồi của cục điện ảnh “Đất rừng phương Nam” củ...