Chủ Nhật, 30 tháng 7, 2017

Yêu người ngóng núi

Yêu người ngóng núi 
Những thứ tình yêu trong veo: yêu người, yêu đời, yêu một cơn mưa, một mảnh đất, một thời xa vắng…đọng lại trong tâm hồn con người ta những nỗi nhớ niềm thương, vui có, buồn có, lẫn lộn như cuộc đời vốn muôn vẻ muôn màu. Những nỗi niềm ấy, qua đi trong cuộc sống con người như những con thuyền trôi xuôi giữa dòng sông, nhẹ nhàng, êm ả. Như một nghệ sĩ nhiếp ảnh ghi lại những hình ảnh con thuyền thơ mộng ấy, sách lưu lại những hồi ức, những suy tư và trải nghiệm của đời người, không ồn ào, khoa trương nhưng vô cùng gần gũi, bởi lẽ, thế gian này, có ai biết chữ mà chưa từng đọc một cuốn sách nào.
"…Quê luôn ngọt như vị đường mía ngày xưa anh hay lén má giở nắp hủ lấy ngón tay chấm mút. Cả cái nghèo ngày đó cũng chẳng đến nỗi quắt quay, không có bánh kẹo ngon thì cây trái đã sẵn giành. Không có đồ chơi đẹp nhưng đã có thiên đường đồng bãi cho trẻ con chạy nhảy. Cho đến ngày anh đi khỏi, quê vẫn chưa làm anh tổn thương, hờn giận chút nào…” (tr.6), quả thật, quê hương trong những người con đi xa, là nhớ nhung, là gần gũi đến diệu kì như thế. Đọc câu văn trên trong tản văn Yêu người ngóng núi, tác phẩm đầu tiên trong cuốn sách cùng tên của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, cậu sinh viên ngồi trong buổi chiều mưa ký túc xá, bồi hồi, man mác, một cảm giác mơ màng khó gọi tên nhưng gói tròn trong tiếng “nhớ!”. Tình cờ bắt gặp cuốn tản văn trong một lần ngược xuôi trên đường phố Sài Gòn, những dòng văn như  nhắc cậu sinh viên: “Ô, chính cậu ở trong đó kìa, Sài Gòn trong cậu tấp nập phồn hoa, là cô vợ bao dung mà cậu đang kề bên đấy, nhưng cậu lại đang nhớ cô gái nơi quê xa, mơ hồ lắm…”. Yêu người ngóng núi của nữ nhà văn Nguyễn Ngọc Tư mang đến cho cậu sinh viên những xúc cảm ban đầu là thế!

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư đã gửi gắm những tình cảm, suy tư của mình qua 35 bài tản văn, không cầu kỳ, không dài dòng khó hiểu, rất đơn giản là những cảm xúc được gọi tên trong từng bài viết. Cuốn sách (như một anh chàng nhiếp ảnh đa cảm), và những tác phẩm mà anh chàng chứa đựng, mang nét phóng khoáng trữ tình đậm chất Nam Bộ, lôi cuốn bằng chính cái chân thực, sâu lắng và đa chiều vốn có trong từng câu chuyện về Đất, về Người. Cuốn sách là tập hợp của những mảnh ghép cuộc đời, từ những chi tiết nhỏ bé như cục kẹo, như bờ lau bãi sậy cho đến những cuộc đời, những số phận của những người nông dân, cả sự đổi thay của đời sống thị thành.
Chỉ qua câu chuyện cục kẹo, rất đỗi thân quen, nhà văn cũng kịp mang đến cho người ta cái cảm giác nghẹn ngào khi nghĩ về những ngày bom đạn, và hơn hết, nhắc nhở ta về những tranh cãi, những so đo, cớ sao không giống như trẻ con, chỉ đơn giản là vô tư và thích những gì gần gũi: “Con hít ăn chẹo dùa (Con thích ăn kẹo dừa)”(tr.13). Cũng hính bởi ngôn ngữ rất gần gũi và phù hợp với từng nhân vật mà Nguyễn Ngọc Tư xây dựng, bài tản văn và cả cuốn sách Yêu người ngóng núi mang cho cậu sinh viên, và bao người khác những yêu mến, những cảm xúc ngọt ngào.
Tôi vốn sinh ra và lớn lên ở miền Trung, miền quê mà nghe đến, ai cũng thấy mặn mùi biển, thấy trắng những bờ cát dài và những trưa hè nóng bức với ngọn gió phơn vô tình. Quê khắc nghiệt là thế, vậy nên, đến chốn thị thành mưa thuận gió hòa, chính tôi như quên đi cái cảm giác quê mình vốn có, cứ ngỡ và cứ mong Sài Gòn sớm nắng, chiều mưa là quê mình vậy. Vậy nhưng, đọc những tản văn Nguyễn Ngọc Tư trong cuốn sách này, tôi chợt tỉnh, quê là xóm cũ, nơi “ …từng có những người đàn bà, lúc xay bột làm bánh, họ không quên đong thêm vùa gạo để thơm thảo với láng giềng”(tr.34). Cái nghèo, cái thiếu ở quê hương không bao giờ có thể là tình người, tôi nhận ra điều đó, và nỗi nhớ quê dâng trào, như một buổi chiều mưa tầm tả, nước ngập trắng con đường vào khu nội trú mà tôi cứ ngỡ con sông quê…

Những đổi thay nơi thành thị, những cảm giác trống vắng, và đôi khi tưởng chừng như bơ vơ giữa dòng đời đổi thay, mai một của nữ nhà văn cũng được nhắc đến nhiều trong cuốn tản văn. Tác giả giải bày câu chuyện của một bà mẹ đứng trước sự “Lựa chọn” với đứa con bé bỏng của mình, bà mẹ trẻ phân vân trước mùa hè của cậu con trai đang dần ngắn lại, bởi những tự hào, mong mỏi của những phụ huynh. Lúc đóng vai trò là một bà mẹ trẻ, có lúc, nhà văn lại hóa thân vào những ngày bé dại, theo sau tà áo mẹ đi làm hàng xáo trong tản văn “Bụi ngọt”. Để rồi, chính cô trở về thực tại, nhìn mọi thứ xung quanh thay đổi ít nhiều, những bà hàng xáo năm xưa, “…có thím cất cái quán bánh xèo, bánh khọt...có người quạt than nướng chuối bên đường…” (tr.87)
Tình cảm gia đình, gắn với những đổi thay của cuộc sống làm chúng ta phải trầm tư suy ngẫm: “Trên chuyến xe xốc xếch đó, có bà mẹ trẻ đang ngồi cạnh chị đây, đang nâng niu xếp ra xếp vào mấy gói kẹo sặc sỡ phẩm màu, chắc chắn cũng rất đậm đà vị ngọt của đường hóa học. Nhưng dù chúng được làm bằng gì thì chúng cũng được chào đón bằng tất cả nỗi vui mừng, chờ đợi, thèm thuồng của những đứa trẻ ở nhà. Chúng cũng ngọt lịm cả một ký ức, mỗi khi nhớ lại, như chị nhớ lại tuổi thơ mình” (tr.100). Dường như, thành thị và nông thôn, khác nhau như hai phương trời lạ. Nguyễn Ngọc Tư khéo đưa hình ảnh “chị” và “má”, gần gũi nhau là thế nhưng đã khác nhau trong cách nhìn những thức quà, và sâu hơn, đó chính là sự khác xa giữa đời sống đủ đầy chốn thành thị và khó khăn, thiếu thốn vùng nông thôn.
Cũng có những lúc, tác giả, có thể là chính cô, hoặc mượn thực tại của ai đó, để nói lên chính cuộc sống đương thời, mọi người sống khép kín, không một lời chia sẻ, đến nỗi “những bờ vai, những bàn tay, những ánh mắt cảm thông trìu mến đôi khi không có giá trị”(tr.113). Những suy tư về thiếu vắng tri âm, tri kỉ trong “Một thế gian thênh thang”  đến nỗi, con người ta phải tự chuyện trò, tự gửi những dòng E-mail vào hộp thư của mình, và một câu kết với tâm trạng đầy thất vọng: “Quá tệ!” (tr.113)
Trong văn có nhạc, nhạc của chính tấm lòng nhà văn. Nữ tác giả trẻ chia sẻ về tình yêu âm nhạc Trịnh Công Sơn, hay suy rộng ra là những thứ nhạc “nghe khỏe” mà có lẽ chỉ những người đứng tuổi mới yêu thích, còn giới trẻ thì không mấy mặn mà. Đọc những chia sẻ ấy, cậu sinh viên ngẫm lại, nhà văn có cái sở thích giống mình đấy chứ! Tôi vẫn thích nghe Quang Dũng hát “Đêm thấy ta là thác đổ” hay Đàm Vĩnh Hưng hát “Tuổi hồng thơ ngây”, tất nhiên, nhạc trẻ vẫn là đam mê, nhưng chỉ là những ca từ trong sáng và giai điệu nghệ thuật mà thôi. Cậu sinh viên chăm chú đọc hết cuốn tản văn Yêu người ngóng núi, cũng chính bởi những gì nhà văn viết, rất có ý nghĩa trong cuộc sống ngày nay. Như chuyện nhạc Trịnh đấy thôi, cũng khiến người ta suy ngẫm về trào lưu hát nhép, những ca từ nhãm nhí hay những ca khúc được mệnh danh “thảm họa V-pop” ngày nay.

Cuốn sách mang lại những món ăn nuôi dưỡng tâm hồn, và gợi lên sự đồng điệu, sẻ chia trong suy nghĩ. Tôi dám chắc, những ai đang sống nơi chốn thị thành, mà ngày xưa từng chăn trâu thả diều, lăn lóc trên bãi cát, đánh trận bằng cờ bông lau…khi đọc những dòng văn trong Yêu người ngóng núi, chắc chắn sẽ mênh mang nhớ và tự nhủ với lòng: “ngày xưa sao vui thế!”. Cái hay ở những dòng văn của Nguyễn Ngọc Tư, đó chính là sự chân thật và có thể lột tả được cảm xúc của những người xa quê. Dù giọng văn đậm chất Nam Bộ, nhưng với người đọc, khung cảnh đồng quê, lau sậy, và những tình cảm xóm giềng đều không khó bắt gặp ở bất cứ miền quê nào trên đất nước Việt Nam.
Ba mươi lăm bài viết trong Yêu người ngóng núi, không câu chuyện nào giống câu chuyện nào, không nhân vật nào hao hao giống nhân vật nào cả. Nữ tác giả đã lột tả những cách nhìn, những cảm xúc đa chiều về cuộc sống, đặc biệt sâu lắng với những hoài niệm, sự đổi thay. Có thể, đó là cảm xúc tiếc nuối về những giá trị tinh thần của ngày xưa, cũng có thể là những lời tiễn biệt cho một thời xa vắng, chỉ lưu lại trong kí ức để cuộc sống thêm phong phú mà thôi. Nhà văn không mang đến một điều gì nặng nề, vật vã, chỉ đơn giản, là mang đến cái nhìn, có thể bâng khuâng gợi nhớ cho những ai đồng điệu và thích sẻ chia.
Với ngôn từ trong sáng, giản gị, câu văn ngắn gọn, súc tích đậm chất Nguyễn Ngọc Tư, tập tản văn đã mang đến cho người đọc, và cả tôi_cậu sinh viên còn vấn vương lắm nỗi nhớ quê nhà những món ăn tinh thần vừa nhẹ nhàng, sâu lắng. Có những câu tác giả rút ngắn bất thường, tạo cho tôi cảm giác về những khoảng ngắt, những thoáng qua trong mạch cảm xúc, bởi cuộc đời chứa lắm nhiều thay đổi, là những nốt lặng, ngắt quảng cho một bản nhạc dài. Cuốn sách Yêu người ngóng núi, không khoa trương là cuốn sách bán chạy của tháng này, tháng kia, không ồn ào đạt giải thưởng văn học này, nọ. Cuốn sách đến với tôi, như một cơ duyên, vì sự hữu ích cho tâm hồn, sự đồng điệu giữa cậu sinh viên, nhà văn và cuộc đời. Thiết nghĩ, khi bạn đang bị cuốn theo cuộc sống đầy nhịp điệu sôi nổi, hãy thử lắng nghe những thanh âm của tâm hồn đang nói về cuộc sống, có thể nhiều cách, và Yêu người ngóng núi sẽ mang lại cho bạn một cách riêng, rất nhẹ nhàng mà sâu lắng!.
Lê Nhật Quý Thiệu
Theo http://library.buh.edu.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thơ trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI – Những tìm tòi và thử nghiệm

Thơ trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI Những tìm tòi và thử nghiệm Đặt vấn đề thơ trẻ trong 20 năm đầu thế kỷ XX, chúng tôi muốn nhắc đến đội ngũ n...