Thứ Sáu, 28 tháng 7, 2017

Đèn nhà bên thì sáng

Đèn nhà bên thì sáng 
Cuối cùng gã cũng về với đất sau hai mốt ngày nằm viện. Gia đình đưa gã về nghĩa trang từ lúc nửa đêm nơi có lò thiêu và tẩm liệm luôn. Sống như thế nào, chết thế ấy. Lạnh lẽo, cô đơn. Gã có hai vợ với hai đứa con gái. Những ngày cuối cùng còn trên dương thế, tranh thủ lúc tỉnh táo giữa những cơn hôn mê gã tâm sự với bồ cuộc đời khốn nạn của gã. Bồ khóc sướt mướt mong gã sống thêm để được chăm sóc. Gã ra vẻ cảm động lấy tay ra hiệu cho bồ cúi sát vào mặt như thể gã tặng bồ một nụ hôn chứa chan lưu luyến và cảm ơn. Suốt thời gian gã ủ bệnh cho đến hôn mê phải đi cấp cứu nằm viện, bồ luôn bên cạnh chăm sóc tận tình chu đáo. Kể ra đến cuối đời, gã không có gì phải hối tiếc. Dù gã là một thằng đàn ông chẳng ra gì trong mắt mọi người, gã là kẻ ăn bám, sống bên lề xã hội, không giấy tờ tùy thân, nhưng vẫn còn một con đàn bà chí tình chí nghĩa như vậy là quá đủ rồi.
Nhưng gã là ai? Xã hội này còn nhiều người như gã không? Cha gã một bác sĩ da liễu rất giỏi, trong năm đứa con, không đứa nào nối nghiệp bố. Bác sĩ Vũ là một kẻ sĩ bất đắc chí, hợm đời. Lão cho rằng mình giỏi và không có đứa nào ngoài lão nắm vững từng loại bệnh về da liễu một cách bài bản như ngày xưa lão từng được học với những bác sĩ nước ngoài. Lão chữa cho biết bao bệnh nhân hết bệnh nhưng bệnh của lão, bác sĩ nào cũng bó tay. Cũng vì lão là bác sĩ bậc thầy nên ai cũng ngại kê toa bốc thuốc. Lão thấy mình cô đơn không ai đủ tầm để đổi trao chuyên môn nghiệp vụ. Vậy là lão tìm đến rượu. Rượu là cứu cánh cho những kẻ bế tắc trong cuộc sống. Lão làm bạn, trở thành tri âm tri kỷ và thiếu nó lão như con cá sống trên cạn. Đầu tiên lão chỉ lấy rượu để giải sầu, để nghiền ngẫm sự đời, sau đó lão uống rượu thay nước hằng ngày. Cứ khát nước lão lại tu rượu. Người lão lúc nào cũng khật khà khật khưỡng. Khi lão cầm cái ly cứ mải sóng sánh, lắc lư trên đôi tay run rẩy, mắt trắng dã, da bợt ra, đám con thì thầm với nhau lão không sống được bao lâu nữa đâu. Chúng âm thầm lo hậu sự khi lão cố tu rượu vào để chứng minh lão còn tồn tại. Cái ngày đám con chờ đợi tiễn đưa lão cũng đến. Lão ra đi trong cơn quẫy đạp, đau đớn dữ dội. Rượu có sức tàn phá ghê gớm. Lão chỉ còn da bọc xương. Cỗ áo quan sơ sài không xứng với cái nghề lúc sống lão cống hiến cho xã hội. Biết làm sao được! Lão được đưa đến lò thiêu ở một nơi không phải quê xứ, lão cũng không có nhà để đưa về. Lão đang sống ở một nơi thật xa quê.
Lúc lão mất, gã vừa tốt nghiệp cấp ba. Hoài bão được vào một trường danh tiếng bỗng tan tành mây khói. Đang lang thang ở mạn ngược, gã được lệnh phải khăn gói vào nơi lão sống để đưa tro cốt lão về quê. Thực ra, đó cũng không phải quê lão, chỉ là nơi công tác, người ta cấp cho lão một căn nhà tập thể nho nhỏ cho một gia đình đông con ở nơi đất chật người đông. Khi lão xin nghỉ việc, đúng hơn người ta sắp xếp cho lão nghỉ vì không thể để một bác sĩ suốt ngày say xỉn khám bệnh ở một bệnh viện thuộc hàng lớn nhất nước. Gia đình lão bắt đầu những chuyến di chuyển giống như dân du mục vì cái tính sĩ diện của lão quá lớn. Con lão tự mưu sinh. Có đứa cũng thành công, đứa mạc vận như gã. Đời lão chẳng có gì để lại cho con cháu ngoài tấm thân tàn tạ. Ai rồi cũng về với đất, cái kết của cha con gã giống nhau cùng một con đường, cùng một trải nghiệm.
Cuộc đời đưa đẩy gã bước chân vào đời như một gã vừa thọt vừa chột. Gã không rõ đường sáng làm sao đi vững được? Gã bắt đầu mưu sinh bằng đủ nghề. Từ bốc vác, chạy xe ôm, buôn thịt chó, bán quần áo cũ đến môi giới xin việc làm, cả nhà đất… Đặt chân vào lĩnh vực nào gã cũng cho là mình bậc thầy. Gã khoát lác cứ như mình sinh ra để làm nghề đó. Ai thuê gì làm nấy. Không làm lấy gì sống? Một câu hỏi đặt ra không cho riêng gã. Nhiều lần gã thất bại. Có hề gì. Thất bại là mẹ thành công. Gã tích lũy được kinh nghiệm trong trường đời. Gã bắt đầu gian manh, mánh khóe. Đời dạy con người nhiều bài học quí báu từ cuộc sống, gã còn học thêm được nhiều mưu mẹo để lách luật trên thương trường. Đôi khi, gã bể mánh quay về làm cu li cho những tay thầu xây nhà trong các khu dân cư. Kể ra gã cũng đầy quyết tâm. Trong bốn anh em trai chỉ có gã là lăn lộn trường đời nhiều nhất. Gã có tiền, đầy phong trần và gã có con khi tuổi đời còn rất trẻ. Đàn bà và trẻ con không trói buộc được đời gã ở cái xó xĩnh quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời. Gã xem đó là một sự cố trên bước đường lang bạt mà thôi. Không chịu trách nhiệm nuôi con. Đó là bản tính của gã. Hai đời vợ, hai đứa con đều theo vợ như lời gã khai nhận với bồ trong lúc hấp hối với khoảng chục bồ khác nữa. Đến cuối đời gã còn tự hào với thành tích đào hoa của mình. Gã không sống chung được với ai, vì vậy ra ngoài thuê nhà trọ và gặp bồ cũng có hoàn cảnh tương tự.
Mẹ gã dù có thương con cách mấy cũng không thể sống cùng gã được. Những ngày gã ngã bệnh nằm lây lắt trong căn phòng trọ tăm tối một mình, lúc gã quằn quại với cơn đau khủng khiếp bà cũng không thể kề cận. Bà sợ ngửi mùi hôi thối từ thân thể kém vệ sinh của gã bám vào. Bà là người ưa sạch sẽ, thích gọn gàng, tươm tất từ sợi tóc đến móng tay, móng chân. Đặc biệt bà có thể tắm ngày đôi ba bận. Bà không quen chăm sóc người bệnh. Con cháu trách bà chỉ phân trần “mẹ già rồi, không thể tiếp xúc với mùi kinh tởm ấy được. Mẹ buồn nôn lắm”. Bà đúng là vợ một bác sĩ da liễu. Nhưng những cách cư xử của bà làm cho người ngoài nhìn vào có cảm giác gã là một đứa con nuôi, chuyện bà đối xử lạnh nhạt là đương nhiên. Trước khi nhắm mắt gã nói với bồ: “Anh thương mẹ nhiều lắm. Anh là đứa con bất hiếu, mong mẹ tha thứ cho anh”. Hôm tang gã, bồ có nói lại lời trăn trối ấy. Bà ngồi im.
Sáng ấy, bà đến đốt cho gã nén nhang rồi ra về vì thấy khó chịu trong người. Gã chết đi như sự giải thoát cuộc đời trầm luân mà gã trót mang ở kiếp nạn này và giải thoát cho người sống khi gã là gánh nặng “bỏ thì thương mà vương thì tội”. Đến mẹ gã còn quá vô tình thì hỏi ai sẽ dành cho gã những giọt nước mắt xót xa?
Gã nằm thoi thóp trên giường bệnh. Lúc tỉnh lúc hôn mê. Khi tỉnh gã kịp nhớ mấy hôm rồi gã chưa uống được giọt rượu nào. Tự dưng gã thấy thèm cái mùi cay cay, cái vị nồng nồng của rượu. Gã thấy lân lân lại xin tiền mua. Con đường gã thành ma men khác với cha gã nhưng cùng về một đích cuối và gã có cách đi nhanh hơn. Gã mới ngoài ba mươi mùa xuân nồng. Gã triền miên trong rượu nhưng không lưu manh như Chí. Vì gã còn chút liêm sĩ ở đời. Gã cũng không thèm rạch mặt, nằm vạ xin tiền. Vì lo sợ gã ra ngoài không an toàn tính mạng người nhà chuẩn bị cho gã rượu giống như cho lão. Gã khác Chí ở chỗ không có tiền gã sẽ mua thiếu, rồi ghi địa chỉ nhà cho chủ quán đến đòi tiền. Được cái gã chưa quỵt tiền ai bao giờ. Đôi khi gã gặp những thằng ma cô đứng đầu hẻm chỉ cầm ống tiêm thôi cũng vãi đái rồi. Chính những cơn say triền miên đã biến gã từ một thanh niên có hoài bão trở thành con ma men và giờ thần chết chỉ chờ sự lụy tàn của gã là rước đi. Nghĩ đến, gã thấy rùng mình về sức tàn phá của rượu đắng. Tại sao gã lại vùi chôn tuổi thanh xuân của mình như chiếc xe tuột dốc không phanh vậy? Gã tự lao nhanh xuống vực thẳm và không ai kịp níu giữ gã lại nữa. Tất cả đã quá mỏi mệt vì gã rồi. Giải thoát là cách tốt nhất mà mọi người cùng nhất trí.
Đám tang gã diễn ra nhanh gọn, thủ tục đơn giản nhất nhưng có chút ấm áp khi vợ con thứ hai của gã kịp thời có mặt. Hai vành tang trắng, giọt nước mắt còn sót lại chút tình người vẻn vẹn ba mươi phút cuối hẳn là gã cũng hài lòng. Để tránh sự phức tạp diễn ra, người nhà gã cho bồ lánh mặt, mặc dù bồ là người xứng đáng được chít vành khăn tang cho một cuộc tình đầy chông chênh với gã. Kiếp trước bồ nợ gã món nợ nghĩa nhân nên kiếp này phải trả một cách tự nguyện. Có lần bồ đòi gia đình gã cho bồ một chút danh phận. Danh phận gì ở đây với một thằng dở hơi sắp chết? Người nhà gã trả lời bồ. Mà cũng đúng. Có người trong hoàn cảnh đó đã “xa chạy cao bay”, đằng này bồ cứ xáp vô một cách tự nguyện. Thiệt lạ! Thế mới đời!
Nghĩ đi nghĩ lại thấy ông Nam Cao tài thiệt. Tài đến thế là cùng! Đời đã sinh ra Chí thì hà cớ gì không rặn thêm Thị Nở cho “Đôi lứa xứng đôi” nhỉ? Chuyện về gã tưởng chỉ có thế. Mới đây dân tình đồn thổi, thằng ấy trông củ mỉ cù mì vậy mà cũng hay ra phết đấy. Còn hay thế nào thiên hạ cứ dấm dấm, dúi dúi thông tin như giấu mắm lên máy bay không bằng. Cứ như chuyện gã sẽ rơi vào quên lãng nào ngờ đến một ngày nhóm siêu bình luận viên khai quật triệt để. Tưởng không có gì vậy mà có đấy, có đấy…
Những ngôi nhà trong khu phố tôi đêm đêm vẫn rực sáng, ai cũng hoan hỉ chào nhau tỏ bày tình thương mến thương. Sự đoàn kết, tương trợ được phát huy tối đa, không ai rảnh việc mài đũng quần ngồi mách lẻo chuyện người khác. Nếu chẳng may vô tình lọt ra ngoài đến tai những bình luận viên siêu đẳng thì người hàng xóm mới biết thực ra nhà ai cũng có mảng tối. Vì ai cũng nghĩ đèn nhà bên bao giờ cũng rạng sáng hơn nhà mình.
Sự đời lắm cái trớ trêu, đôi khi không nói trước được. Khu dân cư nơi hắn trọ có đôi vợ chồng rất hợp nhau trong từng lời ăn tiếng nói, trong công việc kinh doanh. Ai nhìn vào cũng ngưỡng mộ. Giàu có và hạnh phúc, kiếm tiền quá dễ dàng. Chồng tung vợ hứng lừa khách hàng nhẹ dạ cả tin. Cứ như diều gặp gió bay mãi trên bầu trời.
Hắn tên Thái, một việt kiều Mỹ, sau mấy chục năm bôn ba xứ cờ hoa trở về thăm quê, đã bị Thanh, cô gái vừa vái lạy anh chồng Hàn đang chạy bàn trong quán bar hớp hồn. Tiếng sét xẹt ngang bầu trời đang chang chang nắng làm cả hai cháy sém trái tim đen. Hắn bắt đầu làm quen, xin số điện thoại, đưa đón cô em xinh đẹp có chút trục trặc về hôn nhân. Thái mủi lòng trước những lời tâm sự chân tình đầy chua xót phận đời đắng cay. Lần đầu hắn rung động trước người đẹp, mạnh dạn nắm tay Thanh bày tỏ sự đồng cảm, xin được sẻ chia với cô em có hoàn cảnh đáng thương. Bỏ chồng là chuyện bất đắc dĩ của người phụ nữ. Chẳng qua lỡ gặp phải người chồng vũ phu hoặc ích kỷ, ti tiện, ghen bóng ghen gió nên đành phải ra đi. Phụ nữ là cành hoa, là trứng mỏng mà, phải biết trân trọng thương yêu chứ. Đằng này cứ vùi hoa dập liễu ai chịu nổi phải chia tay thôi. Ngày qua tháng lại hắn và cô em như cá gặp nước rồi tình yêu đến lúc nào không hay. Sự kết hợp làm ăn thành công trong phi vụ đầu tiên đem về cho hai người vài trăm triệu trong thời gian ngắn khiến Thái nghĩ đây chính là người hắn đang tìm kiếm để phối ngẫu. Ông bà nói: Không phải tự nhiên mà thành, nhưng đây quả là một cặp trời sinh. Hãy để họ có nhau để đời bớt cô đơn.
Cơn sốt bất động sản nóng lên từng ngày. Nhu cầu người mua tăng đột biến. Có lúc năm bảy người cùng đặt hàng, vợ chồng hắn ao ước phải chi có cỗ máy mình lắp ráp trong đêm để sáng ra có nhà để khách hàng lựa chọn. Giá đất theo đó tăng vù vù, những dịch vụ nhà đất có lúc tăng không có dấu hiệu hạ nhiệt. Vợ chồng hắn trúng mánh, vi vu suốt ngày, chạy như con thoi từ khu dự án này đến khu đất nọ. Làm việc như điên, tiền vô ào ào khiến người khác ngưỡng mộ tài kiếm tiền của vợ chồng Thái Thanh quá trời. Những siêu bình luận viên dự đoán khối tài sản kết sù thu được trong thời gian ngắn của vợ chồng hắn là tỉ tỉ. Chứ ai dại gì đi nói cho bàn dân thiên hạ biết con số cụ thể là bao nhiêu. Mà lạ, cô vợ hắn ngày càng đẹp ra. Cô ấy có nụ cười “tỏa nắng” với hàm răng trắng sứ. Nhìn sáng lóa đến giật cả mình. Đối lập với anh chồng đen giòn, vì thường ngày phải ra công trường chỉ huy thợ xây những ngôi nhà cao tầng cho kịp tiến độ thi công theo đơn đặt hàng của khách. Có lúc vợ chồng Thái Thanh xây ba bốn căn liền nên cứ phơi người ngoài sương gió. Không sao, miễn có tiền là vui. Đến tỉ phú giàu nhất thế giới cũng còn tranh thủ cơ hội nữa là. Mình chẳng là cái đinh gì! Bài học được rút ra từ cái đầu đinh của Thái. Kinh nghiệm từ những năm tháng lăn lộn bên Mỹ quốc, đồng tiền phải sử dụng đúng mục đích. Mười mấy năm trở về Việt Nam hắn đã được nội hóa. Tiền làm ra vợ quản lý. Đúng chuẩn Việt Nam luôn.
Thật ra, có thời gian gã đi làm cu li chỗ hắn. Thi thoảng anh em cũng có nâng lên đặt xuống không phân biệt chủ tớ. Vợ hắn cũng tham gia phong trào... một, hai, ba… dô. Dân xây dựng mà. Có lần đang ngồi lay ray thì anh nhà đèn tắt phụt, hắn nhanh chân chạy đi đốt đèn cầy cho anh em thấy đường nhậu tiếp, chẳng biết vô tình hay cố ý cái anh nhà đèn lại phụt sáng bất ngờ. Bàn tay gã chưa kịp rút khỏi đùi vợ hắn. Con dao sáng loáng ném ra cái xoảng, mọi người hoảng hồn chạy tán loạn. Cuộc vui chưa chi đã sớm vội tàn. Tất nhiên người mất việc là gã. Những sự cố tương tự cứ xảy đến với gã như có sự sắp đặt số phận cho đến ngày gặp được bồ trở thành một cặp song kiếm hợp bích.
Còn hắn, lần ấy nổi cơn tam bành trị vợ một trận nhớ đời. Hóa ra trên đời đàn ông đều giống nhau cả à? Từ Hàn Quốc đến Việt Nam? Vợ hắn cãi lại. Đàn ông thằng nào chẳng thế, mầy thử biết hết rồi còn hỏi gì nữa. Hắn cũng không nhường vợ. Dù hắn có tiếp thu nền văn minh tiên tiến bên Mỹ quốc thì bản chất hắn, dòng máu hắn vẫn còn là Việt Nam thứ thiệt. Thế mới biết không dễ gì đồng hóa được những người khác màu da.
Đồng tiền có sức cám dỗ kỳ lạ. Càng lao vào kiếm tiền thì càng bị nó chi phối và tha hóa. Vợ chồng hắn cứ muốn làm giàu hơn khối tài sản kết sù của mình bất chấp mọi thủ đoạn. Cái giá phải trả cũng đắt đỏ làm sao. Hắn và vợ quên đi nền tảng hạnh phúc là đồng cảm, sẻ chia như phút ban đầu. Cho đến một ngày hắn chợt nhận ra cô vợ xinh đẹp của mình đang thủ thỉ với thằng bạn khác của hắn trên mức bình thường, hắn đã gạn đục khơi trong năm lần bảy lượt để tìm lại chút yêu thương mùa cũ. Nhưng rồi sao nó cứ nhạt dần. Những công trình nhà đang xây dở, những dự án mới cứ tuột khỏi tầm tay. Với kinh nghiệm dạn dày hắn biết mình phải làm gì. Hắn âm thầm kiểm tra toàn bộ tài khoản gửi các loại ngân hàng. Sau khi nắm vững các thông tin, hắn chỉ cười khẩy. Vợ đanh đá, chua ngoa cũng khôn lõi và có kỹ năng, kỹ xảo đấy. Hắn tự nhủ. Được thôi. Hãy đợi đấy. So về kinh nghiệm láu cá thì vợ làm sao qua mặt chồng. Lợi dụng sự sơ hở của vợ, hắn đã làm một việc không đáng mặt đàn ông. Lừa cho vợ uống rượu say, cầm tay vợ ký vào giấy tự nguyện chuyển giao những tài sản có giá trị bền vững nhất sẽ thuộc về hắn. Đời mà, hơn nhau ở thủ đoạn, đừng tưởng người không nói là không biết gì.
Vợ hắn ra điều ăn năn hối cải, một lần bắt được chín mười lần không. Hắn cảnh giác và kiểm soát gắt gao hơn. Hắn tinh quái ở chỗ càng ra vẻ yêu chiều vợ hơn lúc nào hết. Những công trình đã xong, khách hàng đã thanh toán đầy đủ. Phần giao dịch này hắn tự giải quyết vợ không hay. Cho đến một ngày tòa án gọi vợ chồng hắn phải có mặt tại tòa để giải quyết việc ly hôn vợ mới tá hỏa. Vợ làm ầm lên. Hắn nói vẻn vẹn một câu: Hẹn gặp nhau ở tòa. Thế là ra đi trắng tay. Mèo lại hoàn mèo.
Khi bệnh trở nặng và đang cô đơn, gã chợt nhớ đến Thanh. Bà chủ cũ. Chỉ là định tám cho đỡ buồn không ngờ gặp lúc Thanh đang lang thang trên phố vắng, ngắm nhìn những vì sao cô đơn:
- Chào Thanh! Lâu quá không gặp. Lúc này cô đang ở đâu?
- Anh Vinh à? Sao lại là anh? Tôi mất hết rồi. Thái đã ly hôn tôi trở về bên Mỹ với tất cả tài sản rồi. Tôi giờ trắng tay.
- Vậy cô sống ở đâu? Chỗ tôi còn phòng trọ hay cô về ở đó đi. Tôi kiếm được việc làm sẽ rủ cô đi chung. Hồi đó cũng tại tôi mà cô bị hắn đánh đập. Nhưng sao cô không biết phòng thân? Gã sốt sắng.
- Thì cũng có chút đỉnh. Anh cho tôi về chỗ anh thiệt chớ?
- Nếu cô không chê.
Một chút trượng phu khi gặp phụ nữ gãy gánh giữa đường làm Thanh cảm động. Theo lời gã cô tìm đến nhà trọ . Không ngờ gã sống quá luộm thuộm, hôi hám. Người nhà còn bận phải mưu sinh đâu thể phục vụ gã suốt được. Cám cảnh của nhau, ban đầu Thanh mướn phòng riêng, tiện thể nấu cho gã bữa cơm. Sau lại thấy mướn hai phòng phí tiền nên gã bàn với Thanh thôi trả một rồi dọn sang phòng gã cho tiện, bớt chi phí trong lúc chưa tìm được việc làm. Thế là từ đó vợ hắn trở thành bồ gã. Xét về pháp luật gã không sai. Cả hai đều tự do. Nhưng xét về đạo lý, vợ con gã còn cù bất cù bơ với lại khi sống chung họ không làm tờ hôn thú.
Từ khi bồ về sống cùng gã, gia đình bớt một gánh lo. Dù biết cuộc tình chông chênh này chẳng đi đến đâu, có người sớm hôm bầu bạn với gã vẫn hơn. Rồi gã thấy ngày càng bế tắc trong cuộc sống. Trong cơ thể gã căn bệnh ung thư gan giai đoạn cuối hoành hành dữ dội hơn. Kết quả của quá trình sống vất vưởng của gã. Gã lại lao vào rượu để quên sầu, quên nỗi đau thân thể cả tinh thần. Bồ có khuyên can cũng bằng thừa. Cho đến ngày gã kêu bồ báo tin cho người nhà biết đưa vào bệnh viện thì đã quá muộn.
Lúc bác sĩ thông báo: Xin lỗi chúng tôi đã hết cách… bồ khóc gào thảm thiết:
- Anh ơi! Anh mau tỉnh lại đi anh. Em muốn được ở bên anh, chăm sóc anh…!
- Đồ dở hơi tự quàng cái ách vào cổ à? Sống thế quái nào được khi cái gan nó đen hơn than đước rồi.
Bồ trả lời một cách dõng dạc:
- Thế các bác có biết tình người là gì không vậy?
Tôi viết câu chuyện này khi người nhà gã cho biết bồ thường lên chùa cúng cầu siêu cho gã hàng tuần cho đến trăm ngày mất của gã. Nhiều người đặt câu hỏi:
- Gã có gì mà bồ tận tâm với gã quá vậy?
Có sống tận cùng dưới đáy xã hội mới quý tấm chân tình lúc mình bị ruồng bỏ, bơ vơ, dù kẻ đứng ra cứu giúp mình là ai đi nữa cũng là người mình đáng phải mang ơn!.
Cao Thanh Mai 
Theo http://vanhocquenha.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thơ trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI – Những tìm tòi và thử nghiệm

Thơ trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI Những tìm tòi và thử nghiệm Đặt vấn đề thơ trẻ trong 20 năm đầu thế kỷ XX, chúng tôi muốn nhắc đến đội ngũ n...