Thứ Sáu, 28 tháng 7, 2017

Thời gian trong thơ Lưu Quang Vũ

Thời gian trong thơ Lưu Quang Vũ 
Lưu Quang Vũ được nhắc tới như một nhà viết kịch xuất sắc nhất trong đời sống sân khấu nghệ thuật thập kỷ 70-80 của thế kỷ XX. Bên cạnh những vở kịch, gia tài khác mà anh để lại là các bài thơ rất có giá trị.
Thơ Lưu Quang Vũ đến với người đọc không phải bằng những tiếng reo vui của cõi lòng, không phải tiếng thở than hay nỗi đau giằng xé như trong thơ Hàn Mặc Tử, đó là tiếng thơ nhẹ nhàng, khi phảng phất buồn khi thoáng niềm vui nhưng mang đầy màu sắc và ám ảnh trái tim người đọc. Anh là con người đau đến tận cùng, vui buồn cũng tận cùng, và cầm bút làm thơ như một nơi để giải tỏa. Thơ Lưu Quang Vũ như những dòng suối róc rách theo nhịp chảy của thời gian để rồi những cảm thức thời gian trong thơ anh luôn hiện lên rõ nét thể hiện những suy tư về cuộc sống và tình yêu. Phân tích thời gian trong thơ Lưu Quang Vũ cũng là một cách thức để hiểu về thơ anh và cả những cảm thức trong tâm hồn thi sĩ tài hoa. 
Thời gian nghệ thuật trong thi ca
Thời gian nghệ thuật
Thời gian trong văn học hay là thời gian nghệ thuật được coi là một trong những vấn đề hiện đại của nghiên cứu lý luận. Đi sâu vào tìm hiểu, ta lại có thể phân loại và tìm hiểu thời gian ở các góc độ khác nhau. Nhận định về thời gian trong tác phẩm văn học, nhiều nhà nghiên cứu đã thống nhất "thời gian, không gian trong tác phẩm văn học là những mã khóa vô cùng quan trọng. Đây là nơi cất chứa những ẩn ý nghệ thuật mà soi rọi được nó, ta có thể làm sáng rõ những khúc mắc, giải mã được những vẻ đẹp sâu xa của tác phẩm"[1]. Có nghĩa rằng trong bất kì một tác phẩm văn chương nào cũng đưa người đọc vào một khung thời gian, không gian nghệ thuật nào đấy. Nhiều khi những yếu tố này góp phần tạo nên vẻ đẹp lung linh, hư ảo cho tác phẩm văn chương. Thời gian nghệ thuật là một phương tiện nghệ thuật vừa phản ánh thời gian tự nhiên vừa phản ánh quan niệm của tác giả, nó thường mang tính đa chiều, phi tuyến tính hoặc mang tính ước lệ. Vì thế một tác phẩm sẽ tạo lập được cách hiểu đa chiều, nhiều cách cảm thụ văn chương khác nhau. Và yếu tố thời gian nghệ thuật, dù có những điểm chung nhưng vẫn có nét khác biệt giữa văn xuôi và thơ ca trong cách thể hiện. Chính vì thế, trong nghiên cứu thi pháp học, ta lại chia thời gian nghệ thuật của văn xuôi và thời gian nghệ thuật của thơ ca.
Thời gian nghệ thuật trong thơ ca
Mỗi con người không thể tồn tại ngoài quy luật của không - thời gian, do đó, thời gian trong thơ chính là một cách để cảm thụ thế giới và con người. Trong thơ ca, tuy có nhịp độ, có quá khứ, hiện tại tương lai nhưng là một phạm trù nghệ thuật “đầy ước lệ, chủ quan và thể hiện một cách hiểu về thế giới con người khi tìm hiểu thời gian, không gian nghệ thuật của hình tượng văn học chính là tìm hiểu cách cảm nhận cuộc sống một cách nghệ thuật và tỉ mỉ trong đó” [2]. Thể loại này bộc lộ trực tiếp cảm xúc của con người, tự nhận thức, cảm nhận thấy mình qua những ấn tượng, ý nghĩ, cảm xúc chủ quan đối với thế giới khách quan nhưng lại hàm chứa cái “Tôi” cảm xúc. Nó động đến cái chung tồn tại của mọi người, trở thành tiếng lòng thầm kín của mọi người. Vì thế, nó biểu hiện những sắc thái tinh tế của tình cảm, con người. “Nếu trong loại tự sự, cái chính là sự phát triển của sự kiện, là số phận của nhân vật thì trong loại trữ tình mối quan tâm nhất là sự năng động của tình cảm" [3]. Do vậy, thơ ca cũng đòi hỏi phải theo sát thời gian, chi tiết cụ thể thâu tóm được những cảm xúc chân thực nhất vì các nhà thơ - những thi sĩ muốn viết nên tác phẩm phải có cảm xúc, tình cảm… Tất cả bắt nguồn trong cảm nhận của nhà thơ bằng tâm lý. Hiện thực cuộc sống đòi hỏi phải cầm bút chưa đủ, thi nhân phải có sự rung cảm giao hòa. Điều này phụ thuộc vào tâm lý tác giả cảm nhận thời gian như thế nào. Tìm hiểu đặc điểm của yếu tố thời gian trong thơ ca là công việc không đơn giản. Vì bằng cảm nhận và tài hoa của người thi sĩ, những câu thơ thể hiện thời gian nghệ thuật có nhiều cách xây dựng độc đáo. Giáo sư Hoàng Trinh nhận xét: “Đứng về phía kết cấu, người ta xếp thơ vào loại phạm trù thẩm mỹ không gian - thời gian hỗn hợp". Và thời gian chính là yếu tố làm chỗ dựa để thơ ca tồn tại, làm phạm trù thể hiện trước mắt người đọc. Thời gian trong thơ chính là sự phản ánh một cách rõ ràng tâm trạng của nhà thơ và nó cũng là yếu tố tạo nên phong cách riêng của tác giả đem lại những thành công cho tác phẩm văn học. Những bài thơ của Lưu Quang Vũ đã tái hiện một lớp thời gian ám ảnh của những nỗi buồn của những dự cảm và những hoài niệm cũng như khao khát.
Thời gian trong thơ Lưu Quang Vũ
Mang đặc trưng của thời gian trong thi ca, biểu hiện của thời gian trong thơ Lưu Quang Vũ không đi theo dòng thời gian sự kiện mà đó là dòng chảy của thời gian tâm lý, thời gian của hồi ức và trong tưởng tượng cũng như liên tưởng.
Mùa thu - Nơi hội tụ cảm xúc của thi nhân
Cũng như rất nhiều thi sĩ khác, Lưu Quang Vũ cũng “phải lòng” mùa thu bởi vẻ đẹp của bầu trời cao trong xanh, bởi màu vàng hoa cúc và những cơn gió se se lạnh. Nhưng khác với mùa thu trong thơ Nguyễn Khuyến với vẻ đẹp thôn quê yên ả, khác với mùa thu buồn trong Tiếng thu của Lưu Trọng Lư, mùa thu của Lưu Quang Vũ mang cái nhìn đa chiều và dòng cảm xúc đầy những mạch ngầm đối nghịch. Mùa thu được anh nhắc đến trong rất nhiều bài thơ của mình. Mùa thu trong thơ Lưu Quang Vũ bình dị và quen thuộc gắn với màu vàng của hoa cúc và sắc tím của những chùm ti gôn, những bông hoa cỏ may và những cơn gió chiều:
Nhưng em ơi đây chỉ có cỏ may
Lòng tôi trắng mà mùa thu gió độc
(Mấy đoạn thơ…)
Có lúc mùa thu lại gắn với mùa gặt với sắc vàng của những gánh lúa trĩu hạt của chốn đồng quê trong Cánh đồng vàng thu mùa thu được miêu tả như tất cả những gì quen thuộc nhất, thân thương nhất, Lưu Quang Vũ đã không trừu tượng hóa cảnh mùa thu với những cảnh vật hay biểu tượng ước lệ như “áo mơ phai” hay bằng những từ ngữ mang tính chất gợi tả mạnh mẽ và ám ảnh như trong thơ Xuân Diệu, thơ thu của anh giản dị, hiện đại và không quá chau chuốt nhưng chính sự bình dị ấy đã khiến cho người đọc dễ hiểu và dễ đồng cảm với tâm trạng của thi nhân.
Mùa thu trong thơ thường đẹp nhưng buồn, bên cạnh những vẻ đẹp giản dị ấy, thu chính là nơi hội tụ những dòng cảm xúc của con người đặc biệt là cái Tôi trữ tình. Thu đến, thu đi và thu đang còn ở lại, mỗi sắc thu, mỗi bước chân của mùa thu đều mang đến cho thi sĩ những xúc cảm khác nhau. Có những lúc mùa thu như nói hộ tâm trạng đầy tiếc nuối khi mùa hè đã qua, thu đến mang theo bao niềm nuối tiếc:
Sao em chẳng cùng anh ra cửa biển
Mùa thu cao mây trắng xóa mênh mông
(Viết cho em từ cửa biển)
Lá đầu thu xao xác bên đường
Trời chuyển gió sắp quay cuồng bão lớn
Điều tôi nói phải chăng là quá muộn
Em u buồn em có nhận hay không?
(Lá thu)
Đó là những nuối tiếc về những khoảnh khắc, những kỷ niệm đẹp đã qua hay đó cũng là những tiếc nuối về những điều chưa thể làm được. Những vần thơ cất lên như lời tiếc nuối đến đau lòng, câu hỏi như khắc khoải dồn nén trong lòng mà không thể sẻ chia. Để rồi nhà thơ lại quay lại với một điều ước để đi ngược lại với thời gian để cố níu giữ lại những điều mà dù chúng ta biết sẽ chẳng thể nào quay lại “nếu bây giờ đang mùa hè”. Phải chăng chính ý thức về sự quý giá của thời gian và lòng khao khát giao cảm với cuộc đời chính là nguyên nhân khiến cho thơ Lưu Quang Vũ cất lên những nuối tiếc và hoài niệm khi đón những bước chân mùa thu sang. “Ta ngoảnh đầu nhìn lại tháng năm dài” dù mùa thu ấy vẫn còn nguyên ở đó thì mùa thu đã khác xưa nhiều. Nhưng với một thi nhân mà cuộc đời của anh đầy những trắc trở thì bước chân thu mang đầy những nỗi ám ảnh, đó là một nỗi ám ảnh về quá khứ đã qua, về một hiện tại đầy những biến đổi và một tương lai đầy những khó khăn. Thời gian cứ trôi, ngày hôm qua đã là dĩ vãng không gì níu giữ, lòng người lại dâng đầy một nỗi hoài thương những gì đã qua chỉ để lại trong mình là những nuối tiếc chính vì thế, quay trở lại với thực tại, con người sẽ đón nhận thực tại theo quy luật vốn có. Mùa thu ở đây được nhắc đến ở thì hiện tại và đó cũng là mùa của cảm xúc mà thi nhân đã đón lấy và hòa mình vào đó. Mùa thu của thực tại ẩn hiện và hoán dụ trong từng câu chữ chỉ mùa “hoa cúc”, trong “mây trắng” hay trong “lá vàng”. Mùa thu mang đến một nỗi nhớ da diết đến nao lòng, thu không phải là nỗi nhớ se sắt của trời đông lạnh giá, nỗi nhớ mùa đông nhẹ nhàng như ánh nắng hoàng hôn mỗi buổi chiều tà. Có lúc đó là nỗi nhớ người yêu, hình ảnh tràn ngập trong trái tim của nhân vật trữ tình “Để hoa rụng mùa thu thương nhớ bạn” (Bầy ong trong đêm sâu)
Cũng có lúc đó là nỗi nhớ bâng khuâng, vô định hình một người không biết tên nhưng cũng đầy tha thiết:
Đây chùm hoa cúc nhỏ
Rụng cánh xuống vai trần
Anh ngập tràn lòng em
Những màu và những tiếng
(Thơ tình viết về người đàn bà không có tên II)
Mùa thu của thực tại không chỉ là nỗi nhớ thương mà nó còn là mùa của yêu thương. Bên cạnh mùa xuân, mùa của chồi non và lá biếc, của sức sống mãnh liệt và mùa của tình yêu đắm say, cháy bỏng thì mùa thu mang cho những trái tim yêu thương những khoảnh khắc ngồi bên nhau trong những buổi chiều, cùng trò chuyện và cùng đắm mình trong không gian yên ả. Tình yêu của mùa thu không nồng nàn mà tinh tế, dịu dàng nhưng không kém phần say đắm. Mùa thu đã thổi vào trong thơ tình Lưu Quang Vũ những dịu ngọt của tình yêu thật giản dị, đằm thắm:
Anh ngỡ quên, thu bỗng trở về
Đã lâu ta chẳng ngồi trên cát
Lâu rồi em chẳng hát anh nghe
Bao nhiêu ngày tháng, bao đường sá
Khuya sớm vui buồn nay có em
(Thu)
Mùa thu đã trở thành mùa của hạnh phúc trong thơ anh, những khoảnh khắc vui tươi của mùa thu bên người yêu đã khắc sâu trong lòng nhà thơ cũng như bạn đọc những khoảng khắc của tình yêu. Sắc màu tình yêu hòa trong không gian thu dưới bầu trời bao la và những ngọn sóng vỗ bờ hôn bờ cát, bài tình ca cất lên khe khẽ như hòa nhịp đập vào hai trái tim. Gió thu, trời thu như đang cảm nhận cùng hạnh phúc của lứa đôi từ xa bỗng trở về để rồi từ mùa thu ấy “khuya sớm vui buồn nay có em”. Dường như đó không phải là khoảnh khắc đến rồi lại đi nhanh chóng mà nó như đọng lại để rồi mùa thu là mùa tàn úa của hoa lá nhưng lại là mùa bắt đầu của tình yêu trong thơ Lưu Quang Vũ để rồi sau đó, họ sẽ cùng nhau vượt qua những khó khăn khắc nghiệt của tương lai.
Mùa thu cũng là thời khắc để tâm hồn thi nhân muốn dừng lại để chiêm nghiệm những gì đã qua và những gì đang tới. Mùa thu - đó là thời điểm vạn vật dừng lại sau mùa sinh sôi và phát triển và đó cũng là lúc con người tạm quên đi những xô bồ của cuộc sống đón lấy vẻ yên ả có phần tàn úa của thiên nhiên. Trong lúc đó tâm trạng dường như muốn đứng lại để thoát khỏi guồng quay của cuộc sống:
Buổi chiều, những trái cây mùa thu thơm ngát
Em bảo cần phải tìm một lý do để sống
Để gắn bó để lòng mình yên ổn
(Mưa dữ dội trên đường phố trên mái nhà)
Và chính lúc đó những ý nghĩa của cuộc đời như đang dần hé mở trong tâm hồn thi sĩ, lý giải cho anh tất cả những điều trăn trở để thấy lòng mình bình yên hơn.
Đêm tối - Khoảnh khắc đầy ám ảnh
Nếu mùa thu được nhắc đến nhiều nhất trong các mùa thì thời gian trong ngày của thơ Lưu Quang Vũ lại tràn ngập bóng tối. Hầu hết các bài thơ của anh đều nhắc đến đêm hay chiều sương. Anh không phải là nhà thơ của bình minh như Tố Hữu hay Xuân Diệu, cũng không phải là nhà thơ của đêm trăng đầy ma quái của Hàn Mặc Tử. Đêm tối chính là khoảnh khắc lắng đọng lại sau một ngày dài của cuộc sống thường nhật xô bồ. Đêm tối đem đến không gian yên tĩnh nhất để con người có thể suy ngẫm. Đêm cũng là khoảnh khắc mà tâm hồn thấy trống trải và cô đơn nhất để người ta tìm đến thơ, trải nghiệm nỗi lòng. Đêm cũng là thời khắc của những hỗn hợp cảm xúc và suy nghĩ để khó có thể định hình và phân biệt. Lưu Quang Vũ là một thi sĩ sâu sắc, đã có những lúc anh phải trải qua những thời khắc khó khăn của cuộc đời, những đổ vỡ của hạnh phúc luôn là vết thương lòng mà không có gì có thể xóa nhòa. Đó chính là lí do thời gian đêm tối xuất hiện trong thơ anh nhiều đến vậy.
Đêm được viết rất nhiều không chỉ ở những bài thơ khác nhau mà ngay trong một bài thơ, đêm cũng xuất hiện rất nhiều lần (4 lần trong bài Bầy ong trong đêm sâu). Đêm tối được mã hóa trong “trăng”, “sao”: Trời đêm dài chẳng có một ngôi sao hay bóng tối “Em như biển không bờ bóng tối rất thẳm sâu”.
Đêm được nhắc đến là những đêm không ngủ, đêm chỉ có ta làm bạn với ta. Cô đơn, khắc khoải và đầy ưu phiền. Đêm có lúc lại là sự chờ đợi dài như vô tận:
Đêm sâu quá đêm nào biết ngủ
Chỉ con người đến ngủ giữa đêm thôi
Mà có ngủ đâu, người ta đợi mặt trời
Đợi lâu quá nên để cơn mơ chờ đợi vậy
(Bầy ong trong đêm sâu)
Sự chờ đợi ấy không chỉ chờ ánh bình minh lên mà còn sự chờ đợi vô tận hình bóng của “em”. Sự chờ đợi ấy dường như vô tận cứ dày vò trái tim của thi sĩ để rồi như bầy ong đi tìm mật ngọt nhưng trời đêm đâu thể tìm ra để rồi phải thốt lên “Em em gần hay em xa thế nhỉ?”. Dường như đêm tối đã vỡ òa khi biết sự chờ đợi đó đã vô vọng.
Đêm còn là khoảnh khắc mà con người muôn tìm về với lối cũ, trở về với tình cảm mà mình đã gắn bó nhưng trời đêm đã không cho người đó tìm thấy lối đi. Anh như một kẻ lang thang giữa cuộc đời:
Đêm nay, tôi chẳng biết lối về
Phía nào cũng hàng rào trước mặt
Thế giới có bao nhiêu tường vách
Ngăn cản con người đến với nhau
(Thơ gửi người tình cuối cùng)
Và con người đó như trở thành một kẻ xa lạ giữa chốn thân quen của mình, không phải vì không tìm được lối đi mà bởi trước mắt đã bị rào cản bao vây khiến cho tất cả trở nên u tối. Ở đây đêm tối không phải là thời gian của tự nhiên mà đã chuyển hóa thành tâm trạng bao trùm lên cả không gian. Đêm tối khiến không gian trở nên khó định hình và chật hẹp và lúc ấy, những điều nghĩ suy khiến con người ta khó có thể định hình được đã khiến cho nhân vật phải thao thức:
Đường chập choàng trong mối lo khó gỡ
Thức chẳng yên dở dang giấc ngủ
(Anh chỉ sợ rồi trời sẽ mưa)
Đêm tối chính là khoảnh khắc để nỗi nhớ định hình và thống trị tâm trạng của nhà thơ. Chính trong lúc cô đơn ấy, nỗi nhớ mới trở nên da diết đến ám ảnh, nỗi nhớ đôi khi cũng khó có thể cắt nghĩa, nhớ một người đàn bà không tên:
Người đàn bà không tên
Đi suốt tuổi thơ tôi trống trải
Đêm tối đen chiều hoang buồn tủi
Người đàn bà ấy đến bên tôi
(Thơ tình viết về người đàn bà không tên III)
Có những lúc, nỗi nhớ trong đêm tối lại hiện hình là một nỗi nhớ về một nơi xa xôi, có thể đó là những nơi mà Lưu Quang Vũ đã qua, những nơi đã gắn với những kỉ niệm nhưng cũng có thể đó chỉ là những nơi anh chưa hề đặt chân tới “Nơi đêm khuya vọng lại tiếng còi tàu/ Bỗng nhớ xa xôi những miền đất nước”. Tất cả, tất cả những nỗi nhớ, nỗi buồn và cả những suy ngẫm của nhân vật trữ tình đều được thể hiện trong dòng thời gian của đêm tối. Cái yên tĩnh, hiu quạnh đến đáng sợ của đêm khiến cho tâm trạng con người trở nên bối rối bỗng thấy mình trở nên nhỏ bé và lạc lõng giữa cái bao la của đất trời và của đêm sâu “Trăng mọc rồi, đêm rộng quá em ơi” và như vô thức, không biết tự thuở nào nhà thơ đã lấy đêm làm bạn và giải tỏa bao nỗi lòng, đêm tối không lời nhưng lại là tri kỉ để nhà thơ gửi gắm bao tâm sự để rồi tất cả hiện ra trong đêm thật sáng rõ buồn vui, thương nhớ, đau lòng hòa lẫn thành những mạch cảm xúc tràn đầy.
Chiều và nhịp của thời gian
Thời gian trong thơ Lưu Quang Vũ được thể hiện đa dạng với dòng cảm thức đầy mâu thuẫn thời gian có sự đan cài của quá khứ - hiện tại - tương lai. Thời gian trong thời điểm nhân vật trữ tình đang đứng là thời của hiện tại và từ cái mốc trung tính đó, thời gian được ngoái lại quá khứ và trông đến tương lai.
Thời gian trong thơ anh cũng không theo nhịp trôi chảy của dòng thời gian tuyến tính mà luôn có sự đan cài. Hiện thực như một chiếc đòn gánh hai bên khối lượng của quá khứ và tương lai. Đứng ở hiện tại mà Lưu Quang Vũ không thôi nhìn lại quá khứ:
Đến bây giờ đánh giặc anh đi xa
Nhìn lại mảnh vườn xưa thấy hẹp
Biết bao điều anh còn chưa nói được
Rối rít trong lòng một nỗi em em.
(Vườn trong phố)
Dòng thời gian như trở lại, đồng hiện trong cảm thức của người lính xa nhà, những khu vườn kỷ niệm gắn bó lứa đôi, thời gian quá khứ khiến cho lòng người như nuối tiếc những điều đã qua hay cũng là nuối tiếc của những yêu thương chưa thể cất thành lời “Biết bao điều anh chưa nói được”. Và có những lúc, dưới không gian của hiện tại, nhân vật trữ tình lại hướng đến tương lai như một khao khát về niềm hạnh phúc đang tới. Đó là niềm hạnh phúc lớn lao của một đời người, và tương lại đang được chờ đón bởi tâm trạng mang đầy niềm hân hoan chờ đón:
Còn mùa thu, còn mùa đông
Đến mùa xuân, em sẽ bế trong lòng
Một con người nhỏ xíu
(Tới mùa xuân khi cây thay lá mới)
… nhưng có lúc lại là nỗi sợ hãi của dòng thời gian trôi đi rất nhanh, tương lai đến khiến cho con người phải xa cách để rồi nỗi sợ hãi ấy cứ ám ảnh mãi “Em ơi ngày mai xa cách/ Hãy nghĩ về anh như những ngày đã chết”. Sự đan cài thời gian ấy theo tâm lý của nhà thơ và tác động đến cách nhìn về thời gian, có những lúc vui anh hướng về tương lai đầy niềm vui nhưng những lúc buồn dòng thời gian quá khứ ấy lại mang nỗi niềm tiếc nuối của thời quá khứ đã xa. Thời gian quá khứ không quá xa cách với thực tại, nó chỉ mới qua như tuổi trẻ của nhà thơ, nhưng mang nặng niềm hoài cảm. thời gian đã mang đến cho con người một sự gửi gắm tri kỷ, khiến cho mỗi khoảnh khắc đến, đi và trở lại mang nặng nỗi lòng.
Nhịp độ thời gian trong thơ Lưu Quang Vũ cũng khá phức tạp. Có những lúc dòng thời gian trôi rất nhanh để lại trong lòng người là sự tiếc nuối. Tuổi thanh xuân được nhắc đến khá nhiều nhưng không phải là tuổi thanh xuân của hiện tại mà là của thời gian đã qua đi rất nhanh “Năm tháng và tuổi trẻ đi qua” để rồi trong cảm thức của nhà thơ bỗng thốt lên lời cảm thán như muốn níu kéo thời gian trở lại, như muốn ngăn dòng chảy của thời gian. Vùng vẫy không ngừng trong sự ám ảnh lãng quên, nhà thơ đau khổ trước dòng thời gian tàn nhẫn. Ông muốn vùi chôn hiện thực như một niềm đau ám ảnh. Nhưng đó chỉ là khát khao, bởi trái tim nhà thơ vẫn cảm nhận, vẫn thao thức cùng cuộc đời để ngân lên những vần thơ day dứt.
Ôi tuổi thanh xuân trôi qua bằng những đêm trăn trở
Sách vở và cha anh không giải được cho mình
(Những ngày chưa có em)
Dòng thời gian lại có lúc như ngưng đọng trong tâm thức của chủ thể trữ tình để rồi sự ngưng đọng ngừng trôi ấy như mang đến cho con người một nỗi niềm. Từ “đêm nay” như ngừng lại trong cảm nhận của nhân vật:
Đêm nay
Thị xã ướt đầm cỏ lạ
Những trái dâu da trên thềm không ai nhặt
Như những trẻ con bị bỏ rơi lăn lóc
Đêm nay, tôi chẳng biết lối về
Phía nào cũng hàng rào trước mặt
(Mấy đoạn thơ)
Con người chủ thể như muốn đi ngược lại với quy luật của tự nhiên giữ lại cho mình những khoảnh khắc để có thể cảm nhận rõ hơn những nỗi cô đơn tù túng. Nhưng sự ngưng đọng của thời gian cũng khiến cho những nỗi buồn trở nên ám ảnh và kéo dài nhiều hơn. “Đêm nay” lặp đi lặp lại không trôi chảy và nỗi cô đơn, tù túng của con người như được tăng thêm khiến cho sự cô đơn ấy trở nên đau xót. Sự ngưng đọng đó song hành cùng dòng thời gian cụ thể như muốn hợp sức lại để tâm hồn con người trở nên phức tạp, không thể lý giải.
Là một nhà thơ luôn mang trong mình những ám ảnh của thời gian, Lưu Quang Vũ đã thể hiện trong thơ của mình những nỗi buồn về thời gian dù trôi nhanh hay ngưng đọng nhưng tất cả đều mang trong mình tâm trạng của con người mang nặng nỗi niềm suy tư và trăn trở. Thời gian trong thơ Lưu Quang Vũ là bước thời gian của ám ảnh và khát vọng và nuối tiếc. Có những lúc thời gian mang đến cho nhà thơ những dự cảm về của cuộc đời đang trôi chảy và những dự cảm không lành mà chính cuộc đời ngắn ngủi của nhà thơ đã trải qua để rồi anh lưu luyến, lo sợ sự tàn phai và cái chết bạo tàn. Nhưng đau đớn mà không bi lụy, nhà thơ tìm cho mình một con đường sống - hướng đi để khát khao, hy vọng.
(1) Nguyễn Thị Hoài An, 2005, Không gian nghệ thuật trong bài thơ Bên kia sông Đuống, tạp chí Văn học và Tuổi trẻ, số 11/2005.
(2) Nguyễn Vân Khánh, 1988, Đồng hiện - cách xử lý thời gian trong truyện ngắn Dưới bóng hoàng lan, Tạp chí Văn học và tuổi trẻ số 30/1998
(3) Đặng Anh Đào, Hoàng Nhân, 2005, Văn học phương Tây, NXB Giáo Dục, Hà Nội.
Trần Thư
Nguồn: Vanchuongviet/
Theo http://www.bichkhe.org/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thơ trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI – Những tìm tòi và thử nghiệm

Thơ trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI Những tìm tòi và thử nghiệm Đặt vấn đề thơ trẻ trong 20 năm đầu thế kỷ XX, chúng tôi muốn nhắc đến đội ngũ n...