Thứ Sáu, 28 tháng 7, 2017

Đi biển một mình

Đi biển một mình 
Trời đã vào thu. Lá chuẩn bị buông cành, không gian yên tĩnh, tiếng thu chưa xào xạc. Ngoài trời vẫn còn lác đác những cơn mưa muộn. Bà Xoan lấy cớ con dâu đi làm cả ngày mình bà quanh quẩn mãi trong nhà cũng chán, bà muốn lên chùa đọc kinh tiện thể phụ chăm mấy chục trẻ bị bỏ rơi cùng các cô. Thùy Vân ủng hộ mẹ. Hôm nào cô cũng đưa mẹ đến cổng chùa rồi mới đến cơ quan. Chiều, bà về trước nấu cơm đợi Thùy Vân về cùng ăn. Cuộc sống hai mẹ con quá đổi bình lặng đôi khi có phần tẻ nhạt. Ai cũng cố giữ một điều gì đó trong lòng mà sợ nói ra sẽ làm tổn thương người khác.
- Thùy Vân à! Thắng Tam bao giờ về hả con?
- Xong đợt diễn tập này anh ấy sẽ được nghỉ phép mẹ ạ!
- Đến mùa biển động rồi nhắc chồng con cẩn thận nghe.
- Dạ! Mẹ yên tâm đi. Bộ đội hải quân mà, sóng gió quen rồi. Thôi con đến cơ quan đây!
Hằng ngày, Thùy Vân vẫn đi về trên con đường quen thuộc quanh bãi biển rồi ngược lên một con dốc hẹp. Lạ một điều là nhà nào cũng thích trồng hoa tigôn đỏ leo quanh cổng rào. Một con đường rất xinh, người đi xa đều thấy lòng xao xuyến, nôn nao nhớ muốn sớm quay về. Người lạ đến lại lưu luyến, bâng khuâng khi quay gót. Căn nhà nhỏ của hai mẹ con cũng vậy, nằm trên một quả đồi không cao lắm nhưng đủ ngắm biển bao la. Thùy Vân hay đùa, đây là đường Hoa Tigôn đẹp nhất. Chiều ấy, đi làm về, Thùy Vân thấy cô gái bế đứa trẻ sơ sinh, người đầy những vết thâm tím ngồi dưới chân con dốc xin tiền. Cô dừng lại quan sát, đứa bé đang khát sữa khóc không ra hơi. Người mẹ trông rất thiểu não. Đây không thể là người dàn cảnh xin tiền như một số báo chí đưa tin. Cô vội chạy vào quán café gần đó mua cốc sữa nóng đem ra cho cô gái kia rồi hỏi chuyện.
- Em cho cháu uống tạm chút sữa này đi. Bé sắp kiệt sức rồi. Hai mẹ con nhà ở đâu, sao lại bồng bế nhau ra đường như thế này?
Cô gái như không còn đủ sức trả lời, thều thào nói:
- Dạ, em cảm ơn chị. Em ở miền Tây đi làm công nhân trên thành phố, lỡ có bầu với anh quản lý, ảnh nói ảnh chưa có gia đình sẽ lo cho mẹ con em. Em mới sinh cháu được mấy ngày, vợ ảnh không biết sao hay được tới đánh đập và đuổi mẹ con em đi vầy nè. Em không dám về nhà, chỉ vừa đủ tiền tới đây thôi. Em hết tiền rồi, không có tiền mua đồ ăn nên không có sữa cho con bú. Em cám ơn chị lắm.
- Tối nay em định thế nào?
Nghe hỏi, cô gái rớm nước mắt, ngước nhìn Thùy Vân không thể có câu trả lời.
- Con nhỏ mà sống cảnh không tiền không nhà thế này khổ lắm. Gần đây có một nhà trọ giá bình dân, chị đưa em đến đó nhờ tá túc qua đêm rồi tính tiếp. Nếu em không có khả năng nuôi con thì chị nói giúp gởi vào nhà chùa, sau đó tìm việc làm, khi nào có tiền tới đón con về cũng được. À! Con em trai hay gái?
- Dạ. Bé gái!
Thùy Vân đưa mẹ con cô gái ấy vào một nhà trọ gần đó. Cô gái không một phản kháng nào. Đứa bé lại ngọa nguậy trong tay mẹ, chắc lại khát sữa. May quá vừa kịp đến nhà trọ trời đổ cơn mưa chiều. Cô gái như không còn sức, ngồi bệt xuống thềm nhà. Mưa lớn quá các quán đóng cửa hết rồi. Chủ nhà trọ chỉ có mì tôm cho cô gái ăn đỡ. Thùy Vân bế đứa bé cho mẹ nó ăn. Nhìn cô gái đưa đôi tay run lẩy bẩy đón tô mì nấu vội húp lấy hút để Thùy Vân thắt ruột. Thỉnh thoảng đứa bé khóc ré lên trong tay cô. Thùy Vân khe khẽ ru. Ăn xong mồ hôi lấm tấm trên vầng trán, cô gái kéo vạt áo lên lau có vẻ tươi tỉnh hơn rồi đưa tay xin bồng lại con.
- Em tên gì, có đem giấy tờ theo không để chị đăng ký với nhà trọ?
Cô gái lần tìm trong túi áo khoát nhầu nhĩ tờ giấy chứng minh nhân dân đã cũ đưa Thùy Vân. Huỳnh Thị Ngọt. Sinh năm… ngọ. Quê… đúng là miền Tây rồi.
Thùy Vân bàn với mẹ về trường hợp hai mẹ con cô gái và ngỏ lời muốn cưu mang cô ấy trong nhà:
- Mẹ à! Tình cảnh cô ấy tội quá. Bây giờ không biết làm gì để sống. Nếu mình không giúp, cô ấy chẳng biết đi đâu, làm gì nữa. Ý mẹ thế nào?
- Mẹ ủng hộ việc con giúp người hoạn nạn. Nhưng ở trong nhà liệu có ổn không con?
- Chỉ cần mẹ đồng ý trông giúp đứa bé, con sẽ tìm việc cho cô ấy. Hy vọng mọi việc sẽ tốt đẹp mẹ ạ!
- Vậy ngày mai con đón mẹ con cô gái đó về đi!
Tuy được mẹ chồng đồng ý nhưng Thùy Vân vẫn thấy lo. Từ nay trong nhà có tiếng khóc cười của trẻ thơ, mẹ sẽ gởi nỗi niềm nhớ thương con trai vào những lời ru tha thiết. Không máu mủ ruột rà nhưng nó là cái duyên cái nợ mà nên. Mẹ sẽ không đi chùa nữa. Cô cứ miên man nghĩ về sự xuất hiện của mẹ con Ngọt trong nhà mình bầu không khí bớt tẻ nhạt hơn.
Sáng hôm sau, bà Xoan không lên chùa như mọi hôm mà ở nhà dọn dẹp chuẩn bị đón mẹ con Ngọt. Bà hiểu tấm lòng của con dâu chỉ muốn bà bớt cô quạnh tuổi già. Con trai cứ đi biền biệt, bà bảo xin về đất liền nó lại nói: “Ai cũng muốn về đất liền thì lấy ai giữ đảo hả mẹ?” Nghe con nói bà cứng miệng. Ừ! Giữ đảo quan trọng hơn. Nhưng còn vợ nó hao gầy tuổi thanh xuân thì sao? Làm gì có sự lựa chọn hoàn hảo. Bà hiểu lý tưởng con trai đang theo đuổi chỉ thấy Thùy Vân sớm tối thui thủi mà thương. Nó lấy việc cơ quan, đi từ thiện làm vui, bà lấy việc sớm hôm phụ giúp nuôi trẻ mồ côi để khuây khỏa nỗi buồn. Hai người đàn bà cô độc cùng một nỗi nhớ về Thắng Tam đang canh giữ biển đảo quê hương. Bốn năm ra đảo công tác được hơn hai lần về thăm nhà mà lần nào cũng vội vì kết hợp công tác tạt qua nhà vài ba bữa. Vợ chồng chưa kịp bén hơi. Mẹ con chưa vơi nỗi nhớ lại vội vã: “Con đi vì đơn vị đang cần”. Bộ đội thời bình có khác chi thời bà chờ đợi ông Thắng ở chiến trường Tây Nam hồi ấy. Có đứa nhỏ này cực một chút nhưng vui…
Thấy con dâu về, bà Xoan lật đật chạy ra. Bà đón đứa bé ngủ ngoan trên tay Thùy Vân, đưa mắt như muốn hỏi: “Mẹ nó đâu?”. Thùy Vân trao đứa bé cho mẹ rồi đi thẳng vào trong. Bà không khỏi ngạc nhiên về thái độ của con dâu:
- Thùy Vân! Chuyện là sao hả con? Mẹ đứa bé đâu sao con không đưa về?
- Mẹ à! Ngọt gửi đứa bé này lại chỗ nhà trọ rồi bỏ đi. Con cũng không hiểu chuyện gì xảy ra nữa. Cô ấy nói với chủ nhà trọ nhờ con nuôi giúp đứa bé vì thấy con là người tốt. Con sẽ lên báo công an và tìm cô ấy về đây. Ngọt chưa đi xa được đâu. Vì làm gì có tiền mà đi. Mẹ trông giúp cháu nhé!
Một ngày quần với công việc mệt nhoài, giờ thêm việc này nữa Thùy Vân cảm thấy căng thẳng. Đúng là ách giữa đàng…
Trời đang dịu mát bỗng chao nghiêng những áng mây đen. Thùy Vân đổ xuống dốc, gió từ biển thổi thốc lên khiến cô loạng choạng. Cô ghé nhà trọ lấy xe rồi chạy thẳng đến trụ sở công an gần đó báo sự việc và xin được giữ cháu bé lại để chăm sóc chờ ngày đăng tin tìm mẹ nó.
Vân hy vọng Ngọt đang ẩn nấp đâu đó để theo dõi cô và sẽ nhận lại con mình. Trưởng công an phường đã có buổi làm việc thấu tình đạt lý. Vậy là trong thời gian chờ đợi Ngọt quay lại đón con, Thùy Vân được quyền chăm sóc đứa bé. Bà Xoan sẵn tấm lòng từ bi mà nuôi dưỡng bé chu đáo hơn. Thùy Vân cảm động trước tấm lòng của mẹ chồng đã không trách phiền mà còn chia sẻ, cảm thông với việc làm của cô. Hình như đứa bé cũng cảm nhận được tình cảm yêu thương của hai người xa lạ dành cho mình nên rất ngoan, cháu không quấy khóc, cứ bú xong là lăn ra ngủ. Hai tuần chăm sóc đã mến tay, mến chân, bà Xoan bàn với Thùy Vân:
- Vân à! Con có dò tìm được tin tức gì của mẹ con bé không? Hay là ta lên công an xin nuôi hẳn đi. Theo mẹ, cô ấy vẫn quanh quẩn đây thôi. Đàn bà khổ vậy đó con à! Nếu bồng bế con còn nhỏ đi xin việc ai người ta nhận vào làm? Xa con mà biết có người tốt nuôi giúp dẫu có đau buồn cũng an tâm hơn. Nỗi khổ này thì mẹ hiểu. Ngày ấy, bố con còn ở trong chiến trường Tây Nam, nơi trường mẹ dạy sắp giải thể nhà trường gợi ý giáo viên tự đi liên hệ xin việc phù hợp với hoàn cảnh mình. Mẹ cũng đi gõ cửa khắp nơi. Sau câu chào hỏi, đại diện cơ quan nào cũng hỏi: “Cô có gia đình chưa?”. “Có rồi”. “Có con chưa?”. “Chưa”. Cuối cùng mẹ đành lủi thủi ra về. Vì, quan niệm thời ấy khá ấu trĩ. Con có biết sao không? Nếu chưa có gia đình thì sẽ có. Nếu có gia đình rồi sẽ có con… Những người như vậy sẽ bận bịu việc chồng con mà xao nhãng việc cơ quan. Cuối cùng, cũng có một nơi nhận mẹ vào dạy. Vì trường mới thành lập, người ta cần giáo viên. Đi dạy được hai năm mẹ mới sinh Thắng Tam cho con đó. Mẹ con bé dại dột quá khi chưa tìm hiểu kỹ người ta đã vội trao thân mình. Cũng may là mẹ tròn con vuông. Ông bà mình nói “đi biển mồ côi một mình” là vậy đó. Mọi hậu quả đau đớn chỉ người phụ nữ gánh chịu thôi. Ngày mẹ sinh Thắng Tam, bố con được nghỉ phép một tháng ở nhà chăm sóc vợ con. Mẹ thông cảm cho mẹ con bé nhưng con cố gắng đi tìm cô ấy về đây để chăm sóc con mình. Mai nầy lớn lên hiểu được hoàn cảnh mình đứa bé tủi thân lắm con à! Mải nói mà mẹ quên. Con định đặt tên con bé là gì? Nếu mẹ bé chưa đặt tên thì ta nên chọn một cái tên nào đó để gọi. Ý con thế nào?
- Nghe mẹ nói con mới hiểu hết những gì mẹ đã trải qua. Con may mắn được làm con dâu của mẹ. Từ nay con xin mẹ chỉ bảo cho con những kinh nghiệm để sống với đời. Còn tên đứa bé con cũng có suy nghĩ rồi. Ta tạm gọi bé tên là Ca Dao được không mẹ? Vì hằng ngày con hay nghe mẹ ru bé bằng những bài ca dao rất hay. Thùy Vân bùi ngùi.
- Được đấy con!
Vậy là, từ ngày có bé Ca Dao, ngôi nhà suốt ngày đóng cửa nay như rộn ràng tiếng khóc cười của bé, nó làm thay đổi nhịp sống tẻ nhạt của hai mẹ con Thùy Vân. Sau giờ làm cô tất tả chạy nhanh về phụ mẹ cơm nước, chăm sóc Ca Dao. Nỗi nhớ Thắng Tam vẫn đong đầy được gửi gắm qua từng lời ru của mẹ. Còn Thùy Vân mượn ca dao để nói lên nỗi niềm nhớ thương chồng và mong ngóng có được đứa con của chính mình.
Nói gì thì nói ẩn sâu trong đáy mắt Thùy Vân vẫn đượm một nỗi buồn. Bà Xoan dành phần chăm sóc Ca Dao để Thùy Vân có thời gian nghỉ ngơi còn đi làm nữa. Nhiều đêm nhìn mẹ chồng ôm Ca Dao say giấc cô thấy chạnh lòng. Ước gì đứa bé ấy chính là ruột rà, máu mủ của mình. Chắc mẹ cũng mong có được đứa cháu để bế bồng lắm nên mới chịu chăm sóc trẻ con dù tuổi mẹ cũng khá cao. Thùy Vân len lén lau nước mắt. Cô và Thắng Tam cưới nhau đã hơn bốn năm rồi. Ngày chồng nhận quyết định ra đảo công tác Thùy Vân cũng buồn lắm. Mới cưới được vài tháng, còn bỡ ngỡ việc cơ quan mới nên chưa dám có con. Có lần chồng về phép được vài ngày thì gặp đèn đỏ, lần thì không trúng ngày trứng rụng. Nghe lời mẹ chồng tâm sự Thùy Vân càng thương bà hơn. Con chưa vào lớp một thì nhận tin chồng hy sinh trên đường hành quân từ đất bạn trở về Việt Nam. Một mình mẹ bươn chải vừa nuôi con vừa lo công tác. Hiểu được hoàn cảnh côi cút của mình Thắng Tam luôn chăm học để mẹ vui, nhưng khi học xong cấp ba anh lại xin thi vào học viện Hải quân rồi đăng ký ra đảo công tác tới giờ đã gần bốn năm rồi.
Trộm vía, bé Ca Dao không kén sữa nên sau thời gian được chăm sóc cẩn thận bé rất bụ bẫm đáng yêu, ít quấy khóc bà và mẹ Thùy Vân. Giờ đây bà Xoan cũng thôi đi chùa. Đàn bà, đôi khi, họ chỉ cần có đứa con cũng đủ an ủi trong cuộc sống lắm muộn phiền này. Có lúc bà Xoan cạn nghĩ hay là con dâu chưa muốn sinh con vì còn phấn đấu hoặc con dâu bị vô sinh. Nếu vậy tội Thắng Tam của bà quá. Cái suy nghĩ ích kỷ ấy có lúc bà cũng làm khó con dâu. Thùy Vân hiểu lòng mẹ nhưng không cách nào giải thích cho bà Xoan hiểu được, có bé Ca Dao cả hai mẹ con mới nhận ra ai cũng mong có đứa trẻ để vui cửa vui nhà. Lần sau Thắng Tam có về nhất định bà sẽ nói thẳng ý nguyện của bà cho con trai hiểu. Biết đâu bé Ca Dao sẽ đem lại điều may mắn cho cả gia đình bà?
Loay hoay với Ca Dao hai mẹ con Thùy Vân suýt quên làm đầy tháng tính theo giấy chứng sinh mẹ bé để lại. Thùy Vân mãi bận bịu cũng quên điện báo chồng hay về sự xuất hiện của bé trong nhà mình. Không khéo chồng về đột xuất thì nguy to. Khi nói ý định này cùng mẹ chồng, Thùy Vân nhận được sự đồng tình của bà Xoan. Nhưng:
- Chuyện này con để đó cho mẹ. Mẹ muốn dành cho chồng con một bất ngờ nên con đừng báo trước. Con đừng lo còn có mẹ bên con mà.
Đúng là có những chuyện xảy ra trong cuộc đời mình không lường trước được. Ngọt đã không quay trở lại tìm Ca Dao lần nào nữa. Mẹ đã nói đúng, Thùy Vân nghĩ. Hy vọng cô ấy đã tìm được việc làm ổn định cuộc sống.
Trời trở gió bà Xoan húng hắng ho, lồng ngực thấy khô ran, người đau nhức mỏi mệt. Bà không cố được như mọi khi, Thùy Vân thay mẹ chăm sóc Ca Dao. Nhìn bé ngoan, đã biết ư a hóng chuyện, cứ xong cữ sữa bé lại ngủ say, lòng Thùy Vân như quên hết mọi nỗi buồn. Công sinh không bằng công dưỡng. Sau này lớn lên con có hiểu không hay khi gặp lại mẹ ruột mình thì quên hết những ngày mẹ con, bà cháu gắn bó bấy lâu nay? Dù có bao dung đến mấy cũng chạnh lòng khi nghĩ đến giây phút đó. Sức khỏe bà Xoan có phần trở nặng, cảnh nhà đơn chiết bà lại không muốn đi nằm viện. Bà nhập viện thì không biết Thùy Vân xoay sở như thế nào. Nhưng rồi bà cũng phải chấp nhận vì không gượng được nữa. Thùy Vân đành gửi bé Ca Dao cho chị Thu cạnh nhà để đưa mẹ chồng vào bệnh viện. Lúc này cô mới hiểu “họa vô đơn chí” là gì. May là có những người láng giềng tốt bụng.
Tình hình sức khỏe bà Xoan có phần xấu đi. Thùy Vân điện cho chồng hay. Anh lại chưa thể về ngay được vì chưa có chuyến tàu vào đất liền. Mọi việc chăm sóc Ca Dao cô giao hẳn cho chị Thu để tập trung lo cho mẹ chồng. Nhiều đêm ngồi cạnh mẹ, hết xoa tay lại bóp chân cho bà đỡ đau nhức, Thùy Vân lại thấy có lỗi vô cùng. Cô không sinh được cho bà đứa cháu nào lại để bà vất vả chăm sóc đứa con cô nhặt được mà không lời quở trách. Nhìn bà thiêm thiếp giữa hai cơn đau Thùy Vân thấy nhói lòng. Chồng mất sớm, con còn thơ dại một mình phải vượt qua bao khó khăn thời bao cấp nuôi dạy Thắng Tam trở thành người hữu dụng mẹ đánh đổi niềm vui, hạnh phúc cá nhân để xứng đáng với người chồng đã hy sinh của mình. Mẹ đã tâm niệm không vì bất cứ lý do gì đổ lỗi cho hoàn cảnh mà để Thắng Tam trở thành một người thất học và không được dạy dỗ đàng hoàng. Sự hy sinh của mẹ quá lớn mẹ ơi! Thùy Vân thì thầm.
Một tuần nhờ sự chăm sóc và điều trị tích cực sức khỏe bà Xoan có khả quan hơn. Bà thều thào hỏi:
- Thắng Tam về chưa con?
- Chưa mẹ ạ! Chắc một vài ngày nữa có chuyến tàu chồng con mới về được.
- Còn bé Ca Dao con gửi cho ai? Người đó có đáng tin cậy không? Con bé đáng yêu quá.
- Mẹ cứ yên tâm nghỉ ngơi cho khỏe đã. Con gửi bé chỗ chị Thu, bà chóng khỏe về trông cháu nhé!
- Ừ! Mẹ khỏe. Mẹ khỏe rồi.
Bà Xoan nắm tay con dâu đầy xa xót. Nước mắt bà lăn dài thấm từng giọt, từng giọt vào chiếc gối. Ngày ấy, chồng đi công tác xa bà có đứa con an ủi đỡ nhớ chồng. Nay nhìn con dâu đẹp người đẹp nết vậy mà ông trời chưa cho nó mụm con nào, bà thương lắm nên mới ủng hộ việc con dâu nhận nuôi bé Ca Dao. Giờ sức khỏe bà yếu rồi làm sao đỡ đần nó như trước nữa. Lần này con trai về nhất định bà bắt nó xin về đất liền mới được. Đó là mong muốn của bà nhưng chắc gì Thắng Tam đồng ý?
Cả khu phố có con đường hoa Tigôn đẹp nhất như bừng sáng hẳn lên ngày anh bộ đội sĩ quan hải quân xuất hiện. Nhà bà Xoan rộn ràng tiếng cười nói của bà con khu phố đến mừng bà xuất viện về. Mọi người không khỏi ngỡ ngàng vì sự trùng hợp này. Thắng Tam ôm chầm lấy mẹ, còn bà Xoan cứ hết khóc lại cười. Trong niềm vui sum họp thì bất ngờ chị Thu bế bé Ca Dao sang mừng bà nội xuất viện và ra mắt bố. “Ai cũng hiểu chỉ một người không hiểu”. Thắng Tam kinh ngạc tột cùng đưa mắt tìm Thùy Vân, mặt đỏ bừng bừng. Đây không thể là con anh được. Thùy Vân đọc được trong mắt chồng câu nói ấy. Cô không thể kéo dài giây phút căng thẳng làm mất niềm vui sum họp, định lên tiếng. Nhưng bà Xoan đã nói trước:
- Con ạ! Chuyện nhà còn dài để sau rồi hãy nói.
- Mẹ!
- Nghe lời mẹ con lấy nước mời bà con đi!
Bé Ca Dao ngủ ngoan trong tay bố Thắng Tam, chốc chốc lại nhếch mép cười vừa như con chào gặp bố vừa như chế giễu chưa chi bố đã nghi ngờ mẹ Thùy Vân của con. Còn Thắng Tam sau khi bà con về, anh được nghe mẹ kể câu chuyện đầy nhân văn của vợ thì ngượng ngùng xin lỗi.
- Đàn ông là hay chúa ghen, hay nghi ngờ khi chưa tìm hiểu kỹ sự việc. - Thùy Vân cấu yêu chồng, nói nhỏ.
- Được rồi anh sẽ đền cho em một thằng cu nữa cho Ca Dao có chị có em nhé!
Bà Xoan tủm tỉm cười. Tiếng khúc khích của hai con làm bà quên hết cơn bạo bệnh vừa qua.
Ở cái tuổi gần đất xa trời, bà không nghĩ cuối đời mình lại được nếm mùi hạnh phúc gia đình như thế này. Bà vui và hạnh phúc lắm. Giờ mẹ con bà phải vui trước đã. Càng ngẫm càng thấy đúng, cứ làm việc tốt rồi sẽ được đền đáp. Hãy gieo yêu thương để nhận lại yêu thương nhé!.
Cao Thanh Mai 
Theo http://vanhocquenha.vn/








Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thơ trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI – Những tìm tòi và thử nghiệm

Thơ trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI Những tìm tòi và thử nghiệm Đặt vấn đề thơ trẻ trong 20 năm đầu thế kỷ XX, chúng tôi muốn nhắc đến đội ngũ n...