Thứ Sáu, 28 tháng 7, 2017

Tan giấc mộng vàng

Tan giấc mộng vàng
Rồi cuối cùng hắn cũng mở được cánh cửa kho vàng ở chân núi Rấn. Đổ bao nhiêu công sức, mất bao nhiêu tiền bạc giờ cũng được đền đáp xứng đáng. Giây phút này hắn thấm thía câu của các cụ “mừng như bắt được vàng” nó như thế nào. Hắn cười ngây dại. Mọi giác quan, từng dây thần kinh trong người hắn được đánh thức, tất cả tạo thành một điệp khúc sóng vui mừng dồn dập, tưởng như không bao giờ ngừng.
- Này, cười thế đủ rồi. Nhặt lấy vàng và chia cho mọi người trong bản đi chứ. Hứa suông à? Hay định nuốt một mình cả kho báu này? Người bản nói với hắn.
- Không, không, thằng Phạ này đâu phải là kẻ nuốt lời. Phạ đã hứa với người trong bản tìm được kho báu sẽ chia cho tất cả mọi nhà. Nay đã tìm được kho báu Phạ sẽ chia cho mọi người.
- Chia niềm vui sướng cho mọi người đi, nói nhiều mà làm gì.
- Ờ, ờ chia ngay đây. Sẽ chia mà, đừng sốt ruột chứ. Vàng bạc đây rồi biến đi đâu mà lo.
Ngày đưa máy xúc lên núi Rấn đi qua đất vườn, cây cối của nhiều hộ, nhiều người giúp đào bới tìm kiếm cánh cửa hang đi vào kho báu, hắn hứa khi tìm được kho báu sẽ chia cho mọi nhà trong làng. Giờ kho báu đang trước mắt hắn, hắn muốn độc chiếm nào có được. Hắn chắn ngang miệng hang chỉ đủ lọt một người, nhưng sau hắn là hàng trăm người trong bản đang đợi nó nhặt những cục vàng bỏ vào tay. Hắn sẽ chia cho mỗi nhà một cục vàng. Một cục thôi cũng đủ con cháu sung sướng cả đời. Số còn lại sẽ là của hắn. Hắn nghĩ vậy nên đã lườn người vào sâu trong kho báu nhặt vàng đưa cho đại diện mỗi gia đình. Nó lần lượt đưa vàng cho hàng người xếp hàng đợi ban phát. Hắn vừa chia vàng cho hơn nửa gia đình, bỗng nhiên từ bốn góc trời những đám mây đen vần vũ, cuồng phong nổi lên làm những cành cây va đập vào nhau gãy răng rắc. Ông trời như thò hàng vạn cánh tay bứt từng nắm cá cây lên không trung rồi ném trả lại nó xuống mặt đất làm bụi bay mù mịt. Người trong bản thấy lạ chạy toán loạn. Hắn vừa lách mình ra khỏi cánh cửa vào kho báu, một nửa quả núi sụt xuống, hòn đá tảng sắc lẹm cắt ngang hai bắp đùi hắn. Máu chảy nhuộm đỏ tảng đá dưới thân người. Hắn kêu cứu. Nhưng xung quanh hắn không còn ai cả. Những tảng đá trên núi cao vẫn không ngừng lăn xuống. Những hòn đá đủ kích cỡ, đủ hình thù thi nhau nhảy chồm chồm xuống chân núi, có hòn nhảy qua trên đầu hắn, có hòn lăn sát bên sườn hắn. Vàng trong kho còn chưa lấy ra hết, hắn không thể chết được. “Cứu, cứu với…”. Miệng hắn không ngừng kêu. Hắn mong có ai đó sẽ cứu hắn. Hắn sẽ chia cho người cứu hắn một nửa kho báu.
- Bân ơi Bân mày xem bố mày làm sao thế? Mẹ gọi từ trong buồng vọng ra.
Bân nhảy xuống giường đi mấy bước chân đến giường bố gần cửa ra vào lay gọi Phạ. Bân phải lay mạnh người hắn mấy lần mới tỉnh lại. Mồ hôi hắn vã ra như tắm. Hóa ra chỉ là một giấc mơ. Giấc mơ làm hắn một phen hú vía. Thế là thế nào nhỉ? Không lẽ những điều dở đang đợi hắn ở phía trước? Hắn tự hỏi mình.
Người bản Nà Thông luôn truyền tai nhau ở chân núi Rấn có một cái hang sâu, ở trên miệng hang chỗ có cái tát phẳng có khắc dòng chữ Nôm Tày “kim ngân thất thập đán” từ bao đời nay. Chỉ mỗi câu chữ Nôm tày đó, ngoài ra chẳng có một chỉ dẫn nào. Tỷ như gia phả, mũi tên chỉ điểm hay một manh mối đáng tin cậy. Hắn nhìn vào dòng chữ Nôm, những con chữ tượng hình tỏa ra một luồng nắng ấm. Những ngón tay của hắn sờ vào từng nét chữ thanh thoát phủ màu rêu, trong đầu nó lóe lên ánh vàng lấp lóa gọi mời. Hắn phải khai phá kho báu từ ngàn đời để lại. Hắn cùng người làng đi vào núi Rấn đem theo bao tải vận chuyển những hòn đá rời, đất lên khỏi hang. Những hòn đá to nhỏ đủ kích cỡ, hình thù được chuyền tay nhau đưa lên khỏi hang tối. Hắn xem rất kỹ những bao tải đá xen lẫn với lớp đất đỏ mong tìm được chút manh mối về số vàng bị bỏ quên từ bao đời nay. Và hắn không khỏi vui mừng, xen lẫn với đất đá vụn còn có những mẩu than tàn được đốt từ mấy trăm năm trước. Kế đó là những mẩu xương đã mục nát, hình dạng như đốt ngón tay chân, xương ống. “Lẽ nào người ta đã giết người xuống canh giữ hang vàng như lời truyền miệng của các cụ già trong bản?”. Nếu thế đây chẳng phải là tin tốt lành đó sao? Còn đi đâu tìm vàng nữa. Đã tìm thấy xương, tàn than củi, những lọn tóc dài, ngắn của thập nhị nam nữ thanh tú. Vàng đang ở đâu rất gần rồi. Hắn sẽ trả được nợ, hắn sẽ lấy được toàn bộ số bìa đỏ đã cắm ở ngân hàng từ mấy chục năm nay. Hắn sẽ có nhà tầng, có xe hơi xịn để vi vu trên khắp đường phố. Người ta sẽ phải nhìn hắn với ánh mắt thèm thuồng ngưỡng mộ. Hắn sẽ phì nhổ vào mặt của những kẻ đã rêu rao hắn là kẻ “phá gia chi tử”, còng lưng cuốc đất cả đời cũng không mua được cái xe máy tay ga. Có câu có chí làm quan, có gan làm giầu. Hắn không có chí lớn làm quan, nhưng hắn có lá gan lớn. Hắn chưa giầu có là bởi hắn chưa tìm được con đường đầu tư, chăn nuôi, kinh doanh đúng mà thôi.
Hắn từng coi việc chạy việt dã là một nghề có thể gắn bó cả đời. Bằng khen, giấy khen treo đầy nhà, nhưng tiền hắn nhận được chẳng bao nhiêu. Cũng phải thôi. Hắn chỉ là một vận động viên mùa vụ. Nông dân đến vụ xuống giống, làm đồng, vun xới. Còn hắn đến vụ là đăng ký đi thi. Năm nay đăng ký thi cho đơn vị này, sang năm thi cho cơ quan khác. Một thời ở tỉnh Cao Nguyên đơn vị nào cũng muốn hắn thi cho để lấy thành tích. Ở vào tuổi được coi là đỉnh cao của sự nghiệp, môn chạy việt dã hắn không có đối thủ. Song cứ ra khỏi thành phố Cao Nguyên thứ hạng của hắn chẳng là gì. Hắn hưởng những đồng tiền thưởng nhỏ nhoi.
Ngoài ra không gì khác. Hết thi thố hắn lại quay vào đồng ruộng. Hắn không làm ở một cơ quan nào cả. Thời buổi này chỉ dựa vào sức lực, chưa học hết cấp ba thì làm sao có thể trở thành ông này bà nọ được. Muốn có một chân ở sở Thể thao ít nhất cũng phải có cái bằng trung cấp, cao đẳng gì đó. Nhiều người khuyên hắn học bổ túc rồi cử tuyển đi học đại học thể dục thể thao ra trường có chỗ làm ngay. Hắn nghe có lý, thế là học bổ túc. Đến lớp mười hai thấy sức không thể theo được, hắn bỏ. Từ bỏ giấc mơ công chức, viên chức, huấn luyện viên điền kinh, nhưng hắn vẫn kiên trì tập luyện, mỗi buổi sáng tinh mơ hắn chạy bốn năm cây số. Đến hội thi thể dục thể thao hắn luôn góp mặt. Nhưng bây giờ hắn không còn ở vị trí số một nữa. Hắn đã tuột xuống vị trí số hai rồi số ba. Biết mình không thể ganh sức với lớp trẻ, hắn quyết định từ giã sự nghiệp. Hằng ngày hắn vẫn chạy nhưng chạy phát triển kinh tế, chăm lo gia đình. Những năm tháng vinh quang, tiền không được bao nhiêu, nhưng hắn được nhiều thứ. Hắn được đi nhiều, trong nam ngoài bắc không có tỉnh nào là hắn chưa đặt chân đến. Hắn biết đến nhiều vùng đất mới. Hắn đã được tận mắt thấy những người nông dân làm giầu trên mảnh đất nghèo. Hắn cũng là nông dân, người ta làm được hắn cũng có thể làm được. Hắn có nhiều đất có thể phát triển rừng, trồng cây ăn quả, đào ao thả cá, xây dựng chuồng trại phục vụ chăn nuôi gia súc, gia cầm. Chỗ hắn có thể trồng cam, vải thiều, nhãn lồng,có thể chăn nuôi hươu lấy nhung, có thể nuôi lợn rừng cung cấp cho các nhà hàng ở thị trấn Cổ Lâu, thành phố Cao Nguyên. Những thửa ruộng thiếu nước tưới khi cấy lúa, những mảnh nương đất đỏ nghèo chất dinh dưỡng có thể trồng cây bạch đàn lai để bán cho người làm kèo, làm nguyên liệu cho nhà máy giấy. Nhưng việc đầu tiên hắn bắt tay vào việc chăn nuôi gà thịt và gà đẻ trứng. Hắn nuôi gà thả vườn, chăn nuôi bán công nghiệp, thịt, trứng của gia đình hắn làm ra chất lượng chắc chắn hơn gà nuôi công nghiệp. Hắn nuôi hai trăm con gà mái đẻ. Mỗi sáng chỉ một phần tư số gà cho trứng thì mỗi phiên chợ hắn cũng có vài trăm quả trứng bán thu về tiền triệu. Ăn một quả trứng ta bằng mấy quả trứng công nghiệp. Nhưng tiền nào của đấy, trứng gà gia đình hắn đâu có đủ bán. Người ta tìm đến tận nhà hắn mua, đâu cần đem ra chợ ngồi bán từng quả. Người mua một chục, kẻ mua năm quả, thành thử số tiền hắn thu về không nhiều. Những đồng tiền lẻ rơi rớt vào cân muối, lọ mắm. Hắn chưa bao giờ gom được một trăm quả trứng. Số gà của hắn cũng chưa bao giờ lên đến vài trăm con như mong muốn. Số gà của hắn chết dần chết mòn bởi bệnh tật mà hắn thì chẳng biết chữa trị, thuốc thang thế nào. Có thuốc trong tay hắn cũng không biết tiêm vào chỗ nào, liều lượng bao nhiêu là đủ. Có những con chết bởi bội thực thuốc. Bàn tay của hắn là bàn tay, bắp chân của vận động viên. Hắn định tiêm đúng liều lượng, nhưng khi ấn đầu ống tiêm thì lực lại mạnh hơn mà hắn thì lại không kiểm soát được. Thôi thì cho thêm liều để gà nhanh khỏi. Chữa bằng thuốc thú y, kết hợp những bài thuốc dân gian.
Được người ta mách nước đem lá cây rừng về giá vắt lấy nước ngâm gạo cho gà ăn tự do cũng không khỏi. Nhìn đàn gà chết, hắn chẳng buồn làm thịt. Người nào xin hắn cho. Ăn thịt gà chết chẳng tốt hơn ăn rau dại nhặt nhảnh ở bờ mương gốc ruộng hay sao. Gà chết làm thịt om với nghệ, gừng, rượu, nhắm rượu, lày cọ rồi cũng hết sạch.
Giấc mơ về trang trại gà ta sạch của hắn tan biến sau mùa lá rụng.
Vào mùa khô cái ao rộng gần một nghìn mét vuông không có nguồn nước vào cung cấp, cá chết, phơi trắng trên lớp bùn khô, mùi tanh thối bay ra ngoài thung lũng. Bầy quạ đen, chim bói cá, những con thú được hưởng những bữa tiệc không hẹn trước. Gà toi chết hàng loạt, đem đi xét nghiệm lại dính cả H5N1 nữa. Vải thiều ra hoa nhiều mà chẳng đậu được mấy quả. Hắn đã học cách tỉa cành, tạo tán, bón phân, tưới nước với người trồng vải ở Lục Ngạn. Nhưng vườn vải nhà hắn vẫn không thể nào đậu quả sai trĩu cành. Hắn đâu biết chất đất ở đây không giống vùng trồng vải Bắc Giang. Hắn đang phát triển mô hình vườn ao chuồng như trên ti vi, báo chí hay nói nhiều. Ao nuôi cá không đạt được như mong đợi. Vườn cây ăn trái chẳng cho thu hoạch nào đáng kể. Cây phát triển tốt như cây rừng mà không cho quả, chỉ tốt lá đâu có tốt cho cái túi của hắn đang khao khát tiền. Tiền không có, mọi khoản đầu tư chuồng trại, giống cây con hắn phải vay ngân hàng. Hắn vay đủ các loại kênh, bằng mọi hình thức. Không vay được hắn tìm cách bán đi những mảnh ruộng, nương xa nhà để có tiền đầu tư chuồng trại, sản xuất, chăn nuôi.
Chăn nuôi lợn, vỗ béo trâu bò nhất định sẽ có lãi lớn. Mấy năm nay lợn từ dưới xuôi lên, từ tận miền Trung ra lũ lượt đi lên biên giới xuất sang tàu như đàn kiến nối đuôi nhau chạy khỏi tổ khi trận mưa to sắp sửa bắt đầu. Có xe không xuất được hàng phải quay trở lại. Người bên đấy họ khôn lắm. Họ thích ăn lợn chăn bằng rau xanh, ngô thóc hơn là lợn chăn hoàn toàn bằng thức ăn công nghiệp. Đấy lợn bản vẫn được các thương lái đem sang nào có thấy họ trả lại con nào đâu. Thóc, ngô, sắn nhiều nuôi lợn là ăn chắc nhất. Hắn luôn mồm khi nói chuyện với người trong bản về cách làm giầu.
Và hắn đã làm thật, hắn đánh ván bài quyết định. Đem sổ đỏ đi cầm cố ngân hàng. Hắn mua gạch, vật liệu về xây mười cái chuồng chăn nuôi lợn, hai cái nhà nuôi nhốt trâu bò. Hắn nuôi bảy chuồng lợn thường, một chuồng lợn rừng bán tự nhiên, hai chuồng lợn hương. Một kilogram lợn hương hơi giá trăm nghìn. Lợn mới nuôi mà các quan chức trong huyện trong tỉnh đã đăng ký mua hết. Thịt lợn hương ngon, đảm bảo sạch và lành. Hắn cầu mong các loại bệnh đừng ghé thăm trang trạng chăn nuôi, nơi hắn gần như đặt mọi tâm huyết và kỳ vọng. Ngọn gió mát lành xin ghé qua nơi này và lưu lại thật lâu, ngọn gió độc xin đi hãy qua hướng khác và đừng bao giờ quay lại chốn này. Hắn thắp hương, chắp tay thành tâm cầu khấn với các vị thần linh. Nhưng thần linh ở khu nhà hắn dường như không nghe thấy lời khẩn cầu của hắn, vẫn để những cơn gió độc tràn qua vườn cây ăn trái, chuồng chăn nuôi gia súc. Hắn không thường xuyên xem ti vi, đọc báo, nghe đài. Hắn không biết nhiều về internet, tìm hiểu nguồn thông tin phong phú trên mạng.
Hắn dùng điện thoại thông minh màn hình năm chấm cảm ứng mượt mà, song hắn không biết nhắn tin, xóa tin nhắn rác, lưu danh bạ. Những việc đó hắn nhờ con trai đang học lớp năm thực hiện. Một kẻ không biết truy cập thông tin trên mạng thì làm sao có thể biết cách chăn nuôi đạt hiệu quả cao nhất? Nhiều người nói hắn là “thằng mù đi trong ban đêm”. Hắn mà biết đọc báo mạng, hỏi thông tin trên mạng thì hắn sẽ biết đến nhiều căn bệnh liên quan đến vật nuôi, cách chữa trị hiệu quả. Ở bản Nà Thông có một anh cán bộ bác sỹ chuyên về chăn nuôi thú y. Nhưng anh này làm việc ở phòng nông nghiệp huyện, thường xuyên vắng nhà. Mà nếu anh ta có nhà thì đâu thể ngày nào cũng vào trang trại của hắn thăm khám, chữa trị bệnh cho đàn gia súc gia cầm của hắn được. Anh ta còn có nhiều công việc phải làm. Cả huyện rộng lớn chỉ có một hai cán bộ thú y, nên nhiều người mời lắm. Trâu bò không đẻ được cũng gọi bác sỹ thú y xuống. Mỗi lần xuống cầm về ngót nghét tiền triệu. Hàng tháng tiền làm ngoài giờ có khi còn gấp mấy chục lần lương công chức. Lợn không đẻ được cũng nhờ đến bác sỹ thú y. Công xuống bản được tiền, bán thuốc cũng được tiền. Chỉ mấy năm mà anh bác sỹ xây được ngôi nhà ba tầng khang trang ở phố huyện Cổ Lũng. Anh dành hẳn tầng một để bán thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi và phân bón các loại. Hàng bán chạy, giàu càng giàu thêm. Còn những người chăn nuôi, ôm chí lớn như hắn thì lại không giầu lên được. Tiền mua thức ăn, tiền mua thuốc trị bệnh và nhiều món tiền khác, có lứa hắn chỉ hòa vốn. Giá cả lên xuống thất thường, có thời điểm lên gần sáu mươi ngàn một cân hơi, nhưng qua tháng sau đã rớt xuống còn ba mươi mấy nghìn. Thế là thua. Hết tai xanh đến dịch tả, tụ huyết trùng, chỉ trong vòng chưa đầy tháng mà khu chăn nuôi nhà hắn vắng hẳn tiếng lợn đòi ăn. Hắn thừ người ra như khúc cây mục. Tiền lãi ngân hàng hàng tháng khó khăn lắm mới xoay được để trả, nói gì đến tiền gốc. Hắn chẳng còn biết xoay xở vay kiểu gì nữa. Nhà cửa, đất đai đã đem cầm cố cả rồi. Kiểu làm ăn chộp giật của hắn đâu thể tồn tại dài lâu. Đành rằng nuôi gà vịt, lợn có nhiều rủi ro. Nhưng ngay cả việc vỗ béo trâu bò của hắn cũng không đem lại kết quả như mong muốn. Hắn thấy người Mông ở bên núi Nặm Phan vỗ béo trâu bò bán được giá cao đã học cách làm theo. Nhưng hắn đâu thể biết người Mông có bí quyết, họ có cây thuốc cho trâu bò ăn nhanh béo tốt. Họ chịu khó đến những vùng xa xôi mua trâu bò gầy với giá rẻ, đến khi béo tốt bán được giá cao, khoản tiền lãi nhiều. Còn hắn mua trâu bò bình thường với người thân quen giá cao, nuôi trong thời gian lâu, đầu ra không ổn định. Cả năm trời ngày nắng cũng như ngày mưa phải lặn lội với từng vác cỏ voi, hết cỏ voi phải lên rừng hái nhả nhùng, toong mán. Mất công, tốn sức cho trâu, bò là thế nhưng khi xuất bán có con hòa vốn, có con lãi được vài trăm nghìn. Thế là lỗ. Lỗ nặng. Tận mắt thấy cách làm ăn của hắn, thành sự chưa thấy đâu, bại sự thừa ra đấy, mấy bà trong bản nói với vợ hắn. “Nó làm ăn như thế mà cô không can ngăn sao? Cứ đà này chẳng mấy chốc không có đất để cày cấy, không có nhà để ở đâu?”
Nhiều lần vợ can ngăn, nhưng hắn gạt đi. “Đàn bà các cô thì biết gì? Đầu tư chăn nuôi tăng gia sản xuất có lúc thắng lúc thua. Làm gì có chuyện thua mãi được. Giá vật nuôi thấp rồi có ngày nó lại lên cao. Thời buổi bây giờ phải mạo hiểm mới được. Quanh năm suốt tháng cứ trồng ngô, cấy lúa mãi cũng chỉ đủ ăn, dư dật ra chút ít. Chứ làm giầu thì không bao giờ có nếu chỉ trông vào trái ngô, hạt thóc. Muốn cuộc sống giầu sang, có nhà tầng, xe hơi thì phải chăn nuôi, trồng cây ăn quả. Thất bại vài lần đã đầu hàng rồi thì bao giờ mới khôn ra được”. Hắn nói một lèo với vợ. Và với cả những kẻ lắm mồm chuyên chõ mũi vào việc của người khác.
Những điệp khúc lỗ lã bám víu lấy hắn không chịu xa rời. Có phiên chợ vợ con hắn ở nhà không có mỡ tráng chảo xào rau xanh. Năm chẳng mua được cái quần cái áo mới. Hắn trấn an vợ “khi nào mô hình kinh tế VACR nhà mình thành công, khi đó vợ con tha hồ ăn ngon mặc đẹp” mà khoe với thiên hạ. “Ngày đó còn bao xa? Liệu em còn đợi đến được ngày đó không?”. Vợ hắn vặc lại. Hắn không thể trả lời. Làm sao hắn có thể biết được tương lai sẽ ra sao mà trả lời vợ. Nợ nần ngập chân ngập đầu chưa biết làm gì có thể tháo gỡ được. Đành để đó đến đâu thì đến thôi. Mấy ông thầy bói nói hắn sẽ không trở thành triệu phú, tỷ phú trước tuổi sáu mươi. Bây giờ hắn còn chưa đến năm mươi. Thấy nhiều người còn trẻ hơn hắn ở những vùng đất còn nghèo khó hơn, khí hậu khắc nghiệt hơn mà đã có hàng trăm triệu, thậm chí mấy tỷ đồng trong tay mà hắn thấy thèm khát. Người ta làm được, hắn cũng có thể làm được. Hắn không có nhiều chữ. Nhưng nhiều người giàu có trình độ còn chưa bằng hắn. Nhất định hắn sẽ tìm được con đường đi của mình.
Hắn nhận được thông báo của phía ngân hàng hạn chót phải thanh toán tiền gốc lẫn lãi trong thời gian ba tháng. Sau ba tháng hắn không thanh toán đủ tiền ngân hàng sẽ dựa theo luật niêm phong nhà cửa, tài sản, tổ chức bán đấu giá để thu tiền về. Hắn thật sự hoang mang khi nhìn vào số tiền cần phải thanh toán. Ôi, sao có nhiều số không sau con số sáu đến thế? Có nhầm lẫn gì không? Ba tháng. Sáu mươi ngày trôi đi nhanh lắm. Lấy đâu ra số tiền lớn như thế để trả cho ngân hàng. Vợ con hắn sẽ phải ra đường cuốc mướn cày thuê để kiếm sống qua ngày ư? Sẽ phải vào trong hang sống như bầy khỉ vàng trên núi Cốc Kham ư? Hắn không thể chấp nhận một sự thật cay đắng đang đến với mình. Vay mượn anh em, bạn bè, lục lọi từng đồng tiền trong nhà hắn còn mười triệu đồng. Hắn sẽ thuê máy xúc đào xuống Ngườm Kim. Mấy người tàu được hắn mời đến đem theo cả máy dò vàng bạc châu báu. Họ khẳng định chắc chắn có cả một kho báu được chôn dưới chân núi Rấn. Hắn mừng lắm. Quả núi này người ta đã chia cho gia đình hắn. Hắn muốn làm gì chẳng được. Đất dưới chân núi là của hắn, hắn muốn đào xới thế nào chẳng ai có quyền ngăn cản. Hắn cho máy xúc đào xới sâu hàng chục mét dưới chân núi. Những tảng đá rời, những tảng đá mẹ nối liền vào sâu chân núi lộ ra lộn nhộn như bàn tay vị thần nào đó vứt bừa bãi xuống nhân gian. Trên chỗ máy xúc đào xới cách vài chục mét, những ngôi mộ tổ nhà hắn được chôn ngay chân núi, nơi tiếp giáp giữa đất và cát tát đá thẳng đứng. Một nơi chôn cất thật đẹp và lý tưởng. Chỗ nơi cao ráo, bằng phẳng có thể nhìn những ngôi nhà ẩn mình dưới chân núi, xa xa cánh đồng trải dài mênh mang. Gần tháng trời chân núi bị xới tung, đá ngổn ngang xen lẫn với những cái cây bị bứng gốc đang dần khô nằm gối lên nhau chẳng ai lấy về đun bếp. Mấy ông người tàu đi rồi đến, đến rồi đi. Họ chỉ chỉ trỏ, không tham gia đào bới cùng hắn và những người trong bản. Họ nói ở đây có châu báu nhưng không biết chính xác ở chỗ nào, sau bao nhiêu mét dưới lớp đất đá cứng. Một tháng qua, người đào, máy múc mà chẳng tìm thấy cánh cửa vào kho vàng. Họ nói đã đặt máy soi xuyên đá, máy định vị chính xác từ nước Mỹ. Khi có máy soi, máy định vị sẽ biết số vàng đang ở độ sâu bao nhiêu. Hắn chờ đợi máy soi, máy định vị về từng ngày. Nhưng một tuần trôi đi. Rồi hai tuần, một tháng trôi đi mà chẳng thấy máy soi xuyên núi, máy định vị được đem đến. Máy xúc không còn biết múc vào chỗ nào, người đào mãi cũng mệt và chán.
Từ hàng chục người lên xem người và máy móc tìm vàng, cuối cùng chỉ còn lác đác vài ba người. Người tàu không quay lại, người trong bản cũng không còn ai lên xem những tảng đá lô nhô như những khuôn mặt của loài quỷ, những cái hố sâu như vực hun hút. Hớp hồn. Ảo mị. Hắn là người đầu tiên khi bắt đầu cuộc tìm kiếm vàng bạc. Và hắn là kẻ sau cùng thất thểu rời khỏi chân núi Rấn trong nỗi buồn hoang hoải. Nhưng thi thoảng hắn vẫn đảo qua xem bãi chiến trường mà hắn tạo ra xem người ta có trộm đào vàng hay không? Hắn là người khơi nguồn mỏ nước, lẽ nào lại để kẻ khác uống nước ngon lành được. Có đêm hắn còn soi đèn đến kiểm tra, thứ có giá trị người ta hay đào trộm, lấy trong sự giấu giếm. Càng không có nhiều người biết được càng tốt.
Cơn mưa đầu hạ trút xuống mặt đất như con thú điên cuồng, giận dữ. Những hạt mưa giăng giăng như muốn quét sạch lớp lá khô đã tồn tại mấy tháng mùa đông đi thật xa. Chỉ trong một đêm nước các khe suối đã tràn bờ. Hắn chột dạ, những ngôi mộ… Chưa kịp đánh răng, rửa mặt hắn khoác vội chiếc áo mưa, xỏ chân vào đôi ủng đã rách hai đầu mõm theo con đường mòn đi lên núi Rấn. Vừa nhìn thấy chân núi Rấn, sống lưng hắn lạnh toát. Ba ngôi mộ tổ đã bị trôi lở xuống những cái hố sâu hun hút mà hắn tạo ra. Hắn quáng quàng như người điên dại. Không thấy gỗ áo quan, không có lấy một mảnh xương. Tất cả đã tan hòa vào đất. Giờ lại tan thêm một lần trong vũng nước đầy ăm ắp do bàn tay hắn tạo nên. “Hắn là kẻ đào mồ mả tổ tiên lên ăn ư?” Hắn là tên tội đồ của gia đình, dòng họ ư? Hắn chỉ muốn có tiền để trả nợ, làm ăn chứ đâu phải là người vác cuốc vác xẻng lên đào xới mả tổ? Hắn cố men theo bờ đất trơn lẫy để đi lên chân tát. Lớp đất đỏ cứng thường ngày sau một đêm tắm trong màn mưa cuồng nộ giờ như mẻ đậu phụ chưa đủ thời gian đông đặc. Giờ hắn chỉ cách nơi chôn cất ba ngôi mộ mươi bước chân. Và mắt hắn chợi sáng lên, từ chỗ phạt ngang ba ngôi mộ lộ ra một cửa hang bí mật. Lẽ nào đây là cánh cửa mở vào kho báu? Hắn mất công tìm kiếm cánh cửa vào nơi chứa vàng bạc châu báu bấy lâu nay, cào xới mọi ngóc ngách quanh chân núi chẳng thấy. Cánh cửa đó lại ở ngay dưới những ngôi mộ cổ của gia đình. Lẽ nào chủ nhân của kho báu là tổ tiên nhà hắn? Những ngôi mộ bị trôi sạt xuống hố chỉ là những ngôi mộ giả? Mặc kệ. Lúc này chuyện mộ thật, mộ giả không còn quan trọng với hắn. Giờ hắn phải vào hầm chứa kho báu. Hắn lách mình qua cửa hang để vào sâu bên trong. Hắn soi kỹ mọi ngõ ngách trong hang tối. Nhưng chẳng thấy vàng bạc, chum, hòm đâu. Lẽ nào chỉ trong một đêm mưa gió bão bùng có kẻ nào đó đã nhanh tay vào hang lấy đi hết số vàng bạc của người xưa để lại? Một vị thần nào đó đã đem số vàng về trời trong trận mưa dập mưa dùi? Đây rõ là nơi cất giữ vàng. Hắn còn nhìn thấy hình chân chum, chân hòm để lại trên mặt đất, mặt đá trong cái hang rộng, cao và sâu hun hút. Hắn soi thật kỹ xem những gì còn sót lại trong động. Hắn thừ người ra vẻ nuối tiếc. Ngoài trời mưa vẫn chưa dứt, thi thoảng hắn vẫn nghe tiếng đá lở ngoài hang đánh ồm ồm xuống chân núi. Phải ra thôi. Chẳng may có hòn đá nào rơi xuống lấp cửa hang thì hắn sẽ không bao giờ ra được nữa. Hắn chỉ kịp nghĩ nhưng không kịp thực hiện. Một nửa quả núi đã đổ sập xuống. Khoảng sáng nhỏ hẹp ở ngoài cửa hang đóng sập lại trong nháy mắt. Thế là hết. Thân xác sẽ tan rữa trong hang sâu mà chẳng ai biết được hắn đi đâu. Thân xác này đâu còn quan trọng khi người hắn ní thuổm thua thuổm thang (nợ ngậm đầu ngập chân), nhiều người trong gia đình, dòng họ quay lưng với hắn. Hắn chỉ thương vợ con sẽ không còn được ở trong ngôi nhà cấp bốn mấy ngày. Phiên chợ Cổ Lâu tới đã là thời hạn cuối cùng phía ngân hàng đưa ra rồi.
Tháng 2/2017
Nông Quốc Lập
Theo http://vanhocquenha.vn/




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thơ trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI – Những tìm tòi và thử nghiệm

Thơ trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI Những tìm tòi và thử nghiệm Đặt vấn đề thơ trẻ trong 20 năm đầu thế kỷ XX, chúng tôi muốn nhắc đến đội ngũ n...