Thứ Sáu, 28 tháng 7, 2017

Vẳng tiếng rạ khô

Vẳng tiếng rạ khô
Thằng Thông vừa bỏ cặp xuống giường là chạy bán mạng xuống bếp. Nó lượm cây củi bửa phang con Bích La đang tìm cách giở cho được cái nắp nồi. Nhà nó ngộ lắm, đặt tên chó không giống thiên hạ, dị hợm hơn mới chịu. Chó người ta màu đen thì kêu Mực, màu vàng thì kêu Phèn, nếu không có thì cứ kêu đại là con chó cũng có sao. Vậy mà ba nó với mấy ông nhậu phải gọi là Bích La mới chịu. Mới nghe tưởng ngon lành lắm nhưng thiệt ra đâu phải. Mấy ổng độ con này làm được ba lít nên mới đặt vậy đó chớ. Hồi nó mới trọng trọng thì tên Hít Lai, ai không biết tưởng nhà này học cao lắm, thành thử nhiều khi nhờ con chó, nhờ ly rượu mà thằng Thông được thơm lây. Tính ra con Bích La chưa thèm dừa khô nên cây củi chỉ sớt đuôi, không thôi toi mạng rồi còn đâu. Mà cũng nhờ lẹ giò thằng Thông mới cứu được nồi thịt gà đang nghi ngút khói. Nó chống tay vô hông dòm nóc nhà, nhớ thử coi bữa nay có đám tiệc gì không mà thịt thà quá trời quá đất. Nó giở thử cái lồng bàn, không có gì ngoài hai con gián nằm chết trong tô mắm nêm. Chừng chắc chắn rồi, nó vớt một con gà ra, để vô thau rồi chạy ra cửa, dòm trước, dòm sau. Nó sợ má thấy thì thế nào cũng bị chửi, học trò học dè mà ăn vụng. Nó gồng mình xé một cái đùi gà làm mặt mày đỏ như Quan Công, nước văng đầy ra đất. Xong, nó cởi áo vắt đại vô vách, cầm cái đùi gà chạy ra cây me sau nhà. Leo lên một nhánh to, nó gồi kênh kiệu xé thịt gà, nhìn như Lỗ Trí Thâm ăn thịt chó, có điều thiếu bình rượu hồ lô.
Ăn xong, nó quơ tay quẹt mỏ nhìn công cắt gom lúa. Nó nghĩ khó hiểu: “Sao lúa người ta gom rồi mà không thấy vịt mình ta? Ba lùa đi đâu không biết”. Nó đứng lên kiếm vòng vòng mà cũng không thấy. Trên cánh đồng thênh thang chỉ có một màu vàng úa của rạ mà thôi. Tự nhiên nó thấy yêu đời quá chừng, yêu mảnh đất này quá chừng. Từ gốc me ra tới mé sông, xa mấy cây số mà có chỗ nào nó chưa đi, có đám ruộng nào mà nó chưa bứt rạ làm kèn, có bờ nào nhiều cỏ gà mà nó không biết. Nó hứng chí lên, lẩm bẩm đọc: “Cánh đồng quê em rộng mênh mông, phù sa bồi đáp bởi dòng sông. Bầu trời trong trẻo luôn yên tĩnh, chẳng có khi nào nổi cơn dông”. Nó vui quá vì cái nó vừa đọc là một bài thơ bảy chữ, trong sách văn có dạy bài này, cô cũng có dặn về nhà mỗi người làm một bài nữa. Thế nào ngày mai vô lớp nó cũng nổ banh nhà lồng, thế nào cô cũng khen, nhất định nhỏ lớp trưởng sẽ cười với nó. Bao ý tưởng non nớt, ngây thơ, tự nhiên của một cậu bé còn chưa dậy thì nảy nở trong đầu nó. Rực rỡ như cây tràm trổ bông vàng, thơm tho như mùi lúa non mùa ngậm sữa. Nó thích thú bẻ nửa trái me xanh nhai ngấu nghiến, mặc nửa trái còn lòng thòng trên cây, đung đưa trong gió xuân vừa chớm thổi. Bỗng nó giựt mình, trong nhà má nó kêu:
- Thông ơi Thông! Đi học về quần áo quăng tùm lum, mày về đây, về đây taooo!
Nó hoảng hồn, thôi thế nào cũng ăn roi mây. Cái tội ăn vụng đã nặng rồi, giờ còn thêm chuyện quần áo nữa. Nó trốn ngoài đây thì má nó cũng khó mà kiếm ra nhưng kiếm ra rồi thì có mà xứt thuốc đỏ vô đít. Trước sau cũng chết, nó suốt mấy nắm lá me bỏ đầy hai túi quần sau, “dạ” một tiếng thiệt dài rồi lủi thủi vô nhà. Nó hy vọng thiên nhiên sẽ cứu mình thoát khỏi vài giây đau đớn. Vậy mà nó cũng không dám đối diện sự thật, nó lại tấm vách lá, moi một lỗ nhìn vô coi má nó đang làm gì. Thấy má đang xé thịt gà, nó mừng húm, đi vô hiên ngang, dõng dạc:
- Thưa má con mới đi học về!
Chị dừng tay, nhìn nó từ trên xuống dưới rồi hỏi:
- Đi học rồi áo xống đâu? Me ở đâu mà lòng thòng trong túi quần vậy?
Thì ra trong lúc gấp gáp, nó bứt đại mà không để ý trong nắm lá me có một chùm me còn non xèo. Nó bối rối, gãi đầu phân bua:
- Tại hồi nãy đi học về mà không thấy ai nên con ra sau hè chơi, hái me ăn.
- Chứ không phải ra đó ăn thịt gà hả?
Chị nói câu đó xong, quay qua bắt gặp ánh mắt thằng Thông. Ngay lập tức nó gục đầu xuống, miệng lí nhí điều gì không rõ. Chị mắc cười quá mà phải làm cho nó sợ nên cái miệng cười nửa khép nửa mở. Chị nói:
- Mai mốt ăn lấy chén đàng hoàng, ai không cho ăn mà làm kiểu đó, nghe chưa?
Thằng Thông nghe câu đó xong, ngẩng đầu lên còn nhanh hơn lúc cúi xuống, dạ một tiếng gọn hơ rồi nhìn má nó cười cười. Nó ngồi chồm hổm trước cái thớt, hỏi má:
- Gà ở đâu mà quá trời vậy má?
- Của bác sáu cho.
- Bộ bác sáu mới trúng số hả má, sao cho mình nhiều quá vậy?
- Đâu có, tại gà ổng mắc toi một mớ, ổng chia ăn phụ để bỏ uổng. Lúc này sao mà nó chết quá trời, hồi nãy thấy ổng ngoắc ngoắc, chắc chết nữa chứ gì.
- Con nghe nói có dịch cúm gì đó mà.
Nghe câu đó tự nhiên chị hai trừng mắt nhìn thằng Thông:
- Đừng có nói bậy, ba mày nghe ổng quýnh chết nghe chưa.
- Sao kỳ vậy má? Thằng Thông thắc mắc hỏi.
- Thì nói sao nghe vậy đi, mày nói ổng nghe ổng chửi tao không có bênh đâu à. Thôi lo ăn cho no đi rồi đem cơm cho ba mày! Ai hỏi đi đâu thì nói đi chơi nghe chưa!
Thằng Thông không hiểu gì ráo, đứng dậy cởi cái quần dài trút lá me ra. Nó thấy má nó bữa nay ngộ ngộ, hình như giấu nó chuyện gì. Nhưng suy nghĩ đó chỉ tồn tại trong đầu nó có chút xíu thôi, còn ngắn hơn thời gian người ta quăng một cái chài.
Cởi bỏ đồ học sinh, nó hiện ra nguyên si là thằng chăn vịt. Nó mặc quần tà lỏn, áo dài tay, đội cái nón jeans hình mủng vùa. Tại nhìn quen nên không thấy sao chứ bạn bè nó mà gặp thì thế nào cũng hỏi “mày đi bán cà lem hả?”. Vậy chứ nó không giận hờn gì, bữa nào quê quá chửi lảm nhảm vài câu rồi cũng thôi.
Bữa nay ba nó thả vịt xa quá trời, đi mỏi cẳng mà chưa tới. Xách gào mên cơm trên tay, ban đầu nó còn bứt cỏ xước ngậm cho vui miệng, khúc sau mệt quá nên chuồn chuồn đậu trên đầu cũng không thèm đuổi. Thoáng thấy mấy đốm trắng trắng khuất sau lùm cây, nó mừng quá xá, bầy vịt của nó đây rồi. Nó co giò chạy tới. Hai bên con đường nhỏ, mấy đám lát tới mùa chúc đầu vào nhau, nhìn mượt mà như tóc mấy ông tài tử Hồng Kông những năm 90. Nó chạy giữa con đường hẹp ấy, nhìn nó nhỏ xíu, giống con thòi lòi nhảy nhảy trên bập dừa quá chừng. Nó làm bầy vịt hết hồn, ráp nhau nhảy đùng xuống mương, lông bay lả tả. Nó gọi ba nó đang nằm ngủ trên võng, mắc vô hai cây tràm bông rụng trắng trời mây:
- Ba! Dậy ăn cơm nè!
- Gì mà làm rần rần vậy mậy? Ba nó còn chưa tỉnh ngủ, nheo nheo mắt trả lời nó.
- Má kêu con đem cơm cho ba nè. Sao bữa nay thả vịt mút tì tì ở đây vậy ba. Con kiếm đã đời mới thấy.
Ba nó không trả lời, chậm rãi bước ra con rạch gần đó khoát nước rửa mặt. Nước lớn ngập góc vẹt già, lớn mấy kiếp rồi mà bìm bịp mới kêu, lãng nhách thiệt. Anh lại vô võng ngồi một hồi nữa, nhìn thằng con vọc mấy bãi chàng heng bấy nhầy rồi mới giở cơm ăn. Anh ráng nuốt vì cơm khô quá, cái ca đựng canh bầu thằng Thông đã làm đổ hồi nó bứt cỏ xước nhai rồi, mà chắc nó không biết. Anh nhìn bầy vịt mình đang nằm, tụi nó còn khỏe như trâu vậy mà mấy ông thú y biểu đốt là cớ sự gì. Vịt người ta bị chứ có phải vịt anh đâu. Mấy ổng vô liên tục mấy bữa mà anh không chịu, túng quá anh mới phải lùa tới chỗ này trốn. Không trốn sao được, bầy vịt là tài sản của cả gia đình anh, lớp vịt đẻ, lớp vịt thịt cả trăm mấy con chứ ít ỏi gì. Vịt đẻ thì đang cho trứng, vịt thịt thì sắp xuất chuồng vậy mà kêu đốt thì ai mà chịu. Hơn nữa còn tiền thức ăn, lúa thóc, thuốc men chưa trả cho người ta nữa, đốt rồi nợ chất ngập đầu. Bây giờ có bán đổ bán tháo cũng không ai mua, cho không chưa chắc người ta đã lấy. Ai cũng sợ gia cầm bị cúm nên không dám ăn. Cứ nhìn dưới sông là rõ, người ta quăng cả trăm cả ngàn bao xuống đó, tới chân cầu chảy không được hôi thối không ai chịu nổi. Trứng vịt, trứng gà thì nổi lềnh bềnh như hột é, chỉ nghĩ thôi cũng muốn mửa rồi. Anh độn một họng cơm rồi nhìn thằng Thông trân trân, nhìn vậy thôi chứ hồn anh để ở xứ địa nào thì ai mà biết. Bởi vậy anh không thấy nó đắp một mô đất cao cao rồi đặt trái mù u lên đó. Bắt chước mấy ông đánh gôn trên truyền hình, nó lấy khúc bình bát làm y hệt. Thôi thì đất sình văng tùm lum trên mặt anh. Anh điên tiết bỏ cái gào mên xuống võng, tính nhào lại cho nó một trận mà nó đã nhanh chân lủi xuống đám lát rồi, vừa chạy vừa quay lại dòm nữa chứ. Bảo đảm nó không cố ý, chắc tại nó là dân nghiệp dư nên anh mới mắc cái họa này. Anh vừa lấy vạt áo lau sình vừa chỉ tay xuống đám lát, chỗ thằng Thông đứng, chửi:
- Thằng quỷ nhỏ, mày lên đây tao!
Nó núp luôn dưới đó là chắc rồi. Còn anh giật mình khi sau mình có tiếng cười giòn giã:
- Hai cha con giỡn vui quá ta!
Anh hoảng hồn khi quay lưng lại thấy hai Thành, trưởng trạm thú y xã. Anh nghĩ: “chết mẹ rồi, trốn tới đây mà nó cũng kiếm được, bầy vịt tiêu mẹ rồi”. Anh không ưa ông này nên thái độ cũng không niềm nở lắm:
- Ủa ông đi đâu đây?
- Tui kiếm anh đã đời mới được, nhờ đi theo thằng lính anh chứ không thôi cũng bó tay rồi.
Anh bực mình, dòm xuống đám lát thấy thằng Thông vẫn còn đứng đó, còn bẻ nhánh trâm bầu che mặt nữa. Anh không trách nó, chỉ thấy thương nó thôi, nó còn nhỏ quá, có biết gì đâu. Quay qua hai Thành, anh nói:
- Tui nói với anh rồi, vịt tui không có bịnh hoạn gì hết, con nào con nấy mạnh như trâu chứ có cúm kiết gì đâu. Giờ gần bán rồi, tiêu hủy thì coi như nhà tui mất hết.
- Nghe anh Tám nói thì tui cũng biết rồi. Nhưng mà đâu phải mình anh, xứ này ai chăn nuôi cũng vậy hết.
- Của người ta kệ người ta, còn tui kệ tui, mấy ông khỏi lo chuyện đó.
- Trời ơi chứ bộ anh tưởng tui rảnh lắm hay sao, cái này là ở trên người ta đưa xuống, tụi tui chỉ thi hành. Tại mình xui bị dịch cúm chứ ai mà muốn đâu, anh không muốn, tui cũng đâu có muốn.
Anh Tám nghe hai Thành phân trần nên cũng dịu bớt, trả lời:
- Thì tui biết là không phải tại anh rồi, nhưng mà tui tiếc bầy vịt quá, nuôi đã đời trời đất mà giờ mất trắng.
- Sao mất trắng được, nhà nước có đền bù cho anh chứ.
- Đền thì đền một phần thôi chứ sao mà hết được, cũng lỗ sặc máu chứ gì.
- Một phần đỡ một phần. Tui nói xui nghen, nếu lỡ vịt ăn mắc dịch mắc toi gì, nó chết hết, lúc đó ai mà đền cho anh đây? Có phải chết nữa không? Mấy con vi trùng vi khuẩn này mình đâu có kiểm soát được đâu. Rồi lỡ lây qua mình thì coi như tới số, người ta bị lây rồi đó, nói cho anh biết.
Nghe hai Thành trình bày, anh chỉ biết đốt thuốc hút mà không nói gì, nhìn thằng Thông từ từ leo lên bờ mà ánh mắt như vô hồn. Thấy vậy hai Thành tiếp:
- Giờ tui nói vầy nè anh Tám. Thấy vịt anh lớn rồi tui cũng tội. Giờ nếu bầy này trăm rưỡi thì tui kê lên cho anh ba trăm, cho anh đỡ một chút.
Anh đang đưa điếu thuốc lên miệng, nghe vậy liền quay qua nhìn hai Thành, không đợi anh lên tiếng, hai Thành tiếp liền:
- Nhưng mà đừng có nói ai biết nghen, biết chết tui à. Giờ lỗ chút đỉnh mà sau này mình gầy được, chứ lỡ có gì thì trời cứu.
Anh lại lặng im, kéo một hơi thuốc, nhìn thằng con đang đứng trước mặt mình, hai Thành giục:
- Sao anh Tám?
Anh kéo một hơi thuốc nữa rồi quăng xuống nước cái xèo, nhìn thằng con rồi nhìn hai Thành, anh nói:
- Mai qua nhà tui.
Hai Thành như trút bỏ được gánh nặng ngàn cân, tươi cười:
- Ờ, vậy nghen anh Tám, mai tụi tui qua. Thôi tui đi trước à.
Lúc đó mình hai Thành tự biên tự diễn, còn anh không nói câu nào. Khi hai Thành đi rồi, anh nằm võng, gác tay lên cái trán còn dính sình, nhìn xuống mương coi mấy con vịt giỡn ầm ầm làm sình nổi lên như nước mắm kho. Anh nằm đã rồi ngồi dậy, nghe người ta ru con ngọt như mía lùi: “Ầu ơ ơ ơ…, vịt nằm bờ mía rỉa lông, cám cảnh thương chồng tiếng khóc nỉ non”. Anh như đứt từng khúc ruột, nhìn trân trân hướng mé sông, năm ngón tay bấu chặt cây tràm. Ngoài kia bìm bịp lại kêu, con nước từ từ rút. Thằng Thông rụt rè, tiến lại hỏi ba:
- Bộ mai nhà mình đốt vịt hả ba?
- Ừ. Tiếng ừ của anh nghe sao mà nặng nề chua chát quá. Thằng Thông cũng không dám nói nhiều, nó cũng buồn, ngồi dựa vô gốc tràm băm băm đất cho tới chừng nát nhừ mới thôi.
Trong chiều đó hai cha con anh lùa vịt về. Nói là lùa nhưng thật ra chỉ một đoạn ngắn thôi vì lũ vịt đã quen đường đi lối lại rồi. Chúng đi thành hàng hai con đều đặn, chậm rãi trong nắng chiều phơn phớt hồng. Anh đi trước, quăng luôn cây bẹo lùa vịt, mấy cái bọc mủ xanh đỏ bay tứ tung. Thằng Thông đi sau, ôm hai con vịt què nặng, lâu lâu xua xua mấy con què nhẹ cho tụi nó đi nhanh lên. Ngày mai nữa là nó hết được thấy bầy vịt rồi. Nghĩ tới đó sao nó buồn quá! Nó vừa đi vừa nhìn con đường mẹp rạ mà nó đã lùa vịt hằng ngày, nhìn mấy đống rơm mà nó xốc ra như miệng núi lửa để lấy lúa cho vịt ăn. Bức một cọng rạ, nó làm kèn thổi te te. Nó không biết mai mốt tiếng kèn còn hay như vầy nữa không, nó sẽ thổi trong lúc chăn vịt hay chỉ là một trò vui trong phút giây nào đó…
Bầy vịt về tới nhà, rỉa lông tắm táp rồi lên chuồng, đêm dần xuống, trời dần khuya. Kể cũng lạ, bữa nay mặt trời mọc trễ quá chừng, thằng Thông dậy sớm, đợi hoài mà chưa tới giờ đi học. Nó nói bữa nay phải đọc thơ cho cả lớp nghe nên không nghỉ. Má nó đã mần xong mấy con vịt để tống tiễn nguyên bầy, hàng xóm cũng qua phụ. Không có đám tiệc gì mà nhà cửa rộn rã hẳn lên. Ba nó thì không biết có ngủ không mà cái chuồng tạm đã làm xong để lát người ta lùa vịt vô đó cho dễ bắt. Mọi thứ đã sẵn sàng, rốp rẻng hết. Anh Tám vừa hút xong điếu thuốc là hai Thành cùng bốn người nữa tới. Họ uống trà qua loa rồi bắt đầu làm việc. Họ lùa trăm rưỡi con vịt vô chuồng tạm rồi nắm đầu từng con bỏ vô bao. Lũ vịt dường như biết hôm nay là ngày tàn của chúng, chúng la quàng quạc, chúng giãy ầm ầm, đúng là không có cái giãy nào mạnh bằng giãy chết. Chỉ một lát là mười mấy bao vịt nằm chất đống ngoài ruộng, người ta tưới xăng lên, lũ vịt la càng ngày càng dữ, một số đã chết ngộp trong bao.
Xong xuôi đâu đó, Hai Thành giở sổ ra, xé một tờ giấy, bật hộp quẹt đốt rồi quăng thẳng vô đống vịt nằm chình ình ngoài ruộng. Lửa cháy xém bao, mấy con vịt còn sống thoát ra ngoài, bộ lông trắng muốt của chúng đầy lửa đỏ, nhìn như một ngọn đuốc sống lao ra ngoài. Chúng cứ đâm đầu ra mà không định được phương hướng, chạy tới đâu rạ cháy phừng phừng tới đó. Thế là bốn người đi theo hai Thành lúc nãy đứng bốn góc, mỗi người cầm một cái gậy, hễ con nào bay ra là đập nằm thẳng cẳng. Có con còn giãy đành đạch rồi mới chết, có con vỡ óc chết tươi, một cuộc đồ sát không khoan nhượng. Một ông hàng xóm thấy có lửa nên sẵn dịp quăng mấy con vịt xiêm của mình vô luôn. Vịt xiêm mạnh hơn vịt ta, mình mẩy đầy lửa mà vẫn bay được lên trời. Chúng vỗ cánh phành phạch, mỗi cọng lông rớt xuống là một vùng rạ cháy. Rồi chúng cũng đuối sức, rớt tự do như ngọn lửa trời. Nhìn những cảnh đó, anh Tám hút thuốc điềm nhiên, tay run run, còn chị Tám khóc ròng sau cánh cửa, chân duỗi thẳng.
Khi thằng Thông đi học về là mọi chuyện đã xong xuôi hết rồi, nhìn ra chiến trường chỉ còn lại ít tro xương. Nó thấy ba nó đang ngủ, người đầy hơi rượu. Má nó đang cuốn mấy tấm mành mành, quét phân vịt còn vương vãi. Nó lại cái bàn ba nó hay ngồi uống trà, chỉ còn lại rổ hột vịt đang ấp. Đặt tay lên đó, nó nhìn lên ngọn dừa cháy đen vì khói lửa, lòng lâng lâng. Bỗng nó giật nảy mình, rút tay ra, da gà nổi như cá ròng ròng lên đồng loạt. Trong rổ, nó thấy một trứng vịt nhúc nhích, tiếng tách tách quen thuộc. Rồi nó nhìn má, cười nắc nẻ như cái tuổi thơ hồn nhiên của nó.
Nguyễn Châu Thanh
Theo http://vanhocquenha.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thơ trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI – Những tìm tòi và thử nghiệm

Thơ trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI Những tìm tòi và thử nghiệm Đặt vấn đề thơ trẻ trong 20 năm đầu thế kỷ XX, chúng tôi muốn nhắc đến đội ngũ n...