Thứ Sáu, 28 tháng 7, 2017

Thế giới tuổi thơ trong thơ Nguyễn ngọc Hưng

Thế giới tuổi thơ 
trong thơ Nguyễn ngọc Hưng

Trước khi nói về thế giới tuổi thơ trong thơ Nguyễn ngọc Hưng, tôi muốn nói nhỏ với các em một đôi điều. Tôi là người yêu thơ, yêu thơ   lắm lắm! Bởi thơ làm cho ta cảm thông, cho ta thấu hiểu, cho ta xích lại gần nhau. Có phải vậy chăng mà khi được đọc những bài thơ của chú Hưng trên các tờ báo dành cho các em đã có rất nhiều em nhỏ khắp mọi miền đất nước gửi thư chia sẻ và xin được kết bạn… Thơ của chú Hưng viết cho các em trong trẻo quá, tươi mát và ngây thơ quá! Các em cứ tưởng là chú Hưng đang ở lứa tuổi học trò. Từ đó một bước ngoặt lớn đã đến với đời thơ chú Hưng. Giờ đây chú đã ít viết những vần thơ buồn. Những vần thơ nếu được đọc nó thì dù là người lớn hay trẻ thơ cũng không thể không rưng rưng nước mắt. Tôi xin dẫn một số câu để các em nhỏ thân yêu hiểu được thân phận và nỗi đau của của một đời người, đời thơ. Đây là Đêm mưa nhớ mẹ của chú Hưng: 
“Lăn qua đụng giông, lăn lại bão bùng 
Chăn nệm ấm mà không sao ngủ được 
Nỗi nhớ mẹ mang cả thiên hà nước 
Lênh láng vui buồn trút xuống tim con”. 
Còn đây là chú Hưng viết về người dì, nhưng thực ra đây cũng là nỗi cô đơn vô hạn của chú ấy: 
“Mẹ con đã về với đất
Bà con xiêu lạc cả rồi
Quê ngoại giờ xa lăng lắc
Mai dì đi nữa là thôi!”. 
Nhiều khi chú Hưng phải xót xa, phải tự dằn vặt vì mình là một “đứa con bất hiếu”: 
“Chỉ nhỉnh hơn mười cây số
Sao mà xa ngút ngàn xa 
Mẹ ơi, lòng con như xé
Mỗi khi giỗ mẹ, giỗ bà” 
hoặc: 
"Có con mà như không có 
Giỗ mẹ ai người thắp hương?”. 
Các em ạ, chú Hưng cũng là người mồ côi mẹ nên chú đã gửi tất cả tâm trạng của một đứa con mồ côi qua bài thơ Chim vịt kêu chiều: 
“Sung mãn ban mai con nào hay biết 
Như nắng tàn mẹ mỗi lúc một hao 
Rồi lặng lẽ đêm tràn qua ổ tối
Hồn mẹ đi trong tiếng lá xạc xào”. 
Mẹ đi rồi còn lại chỉ là nỗi cô đơn buồn tủi: 
“Gió vẫn thổi. Vườn vẫn xanh. Côi cút 
Chim vịt kêu khản giọng lý chiều chiều 
Ngơ ngác ngõ sau, nghẹn ngào ngõ trước 
Day phía nào cũng bóng ngã trăng xiêu”.
Tại sao thơ chú Hưng lại buồn như thế? Bởi chú Hưng có một số phận vô cùng khắc nghiệt. Năm 1983, chú Hưng tốt nghiệp thủ khoa Khoa Ngữ Văn, Khóa II, Trường ĐHSP Quy Nhơn. Một chân trời tràn đầy ước mơ và hy vọng mở ra trước cuộc đời của chú. Nhưng nào ngờ, căn bạo bệnh teo cơ – co rút toàn thân – oan nghiệt đã cướp đi tất cả của chú. Người mẹ thân yêu đã mang chú đi chữa chạy khắp các bệnh viện. nhưng y học thế giới hiện nay vẫn đang phải bó tay trước căn bệnh hiểm nghèo này. Vì kiệt sức, năm 1988 bà đã qua đời, để lại một mình chú Hưng ốm đau, bơ vơ, trơ trọi giữa cõi đời. Rất may chú Hưng đã gặp được những người bạn tốt. Đặc biệt là gia đình cô bác Nguyễn Xuân Anh – Lê Thị Thu Hà và hai   cháu nhỏ có hai cái tên thật ngoan hiền: Nguyên Hạ và Hoàng Phượng chăm sóc, nuôi dưỡng. Lòng tốt của họ đã được Nhà báo Đặng Vương Hưng coi đây như một câu chuyện cổ tích thần tiên ở Nghĩa Hành.
Những người tàn tật như chú Hưng - ăn nằm một chỗ - tồn tại được trên cõi đời này đã là một nghị lực phi thường. Nhưng không chỉ có tồn tại mà chú Hưng đã sống. Một cuộc sống có ích cho đời. Chú Hưng đã làm thơ. Những bài thơ để tri ân cuộc đời, tri ân tuổi thơ. Tôi luôn nghĩ rằng sự chăm sóc của hai cháu Nguyên Hạ và Hoàng Phượng: Khi thìa cháo, thìa cơm, khi cốc nước mát lạnh về mùa hạ, ấm nóng về mùa đông, khi dội từng gáo nước để ba mẹ tắm cho chú Hưng đã là những cảm hứng vô bờ để chú Hưng viết được những vần thơ cho các em. Rồi những lá thư của các em nhỏ từ mọi miền đất nước gửi về. Tất cả đã là những liều thần dược giúp chú Hưng đứng dậy với một khát vọng sống mãnh liệt như cỏ: 
“Liềm lia sớm, hái phạt chiều
Đứt đầu lại mọc chẳng kêu tiếng nào
Nhận mình thấp để người cao
Ngàn năm lặng lẽ dâng trào sóng xanh!”. 
Rồi chú luôn luôn tự động viên mình: 
“Không có huy chương, không vòng nguyệt quế
Mình tự đua, tự đấu với chính mình
Mỗi chiến thắng một nụ cười lặng lẽ
Bóng tối lui dần – cõi sáng hồi sinh”. 
Chú Hưng đã xua tan thứ bóng tối đã ám ảnh cuộc đời chú. Giờ đây còn lại là thứ ánh sáng lung linh của thơ và lòng nhân ái. Chú đã ít viết hơn những vần thơ buồn. Chú đã dành hơn phân nửa cuộc đời mình cho các em. Chú đã viết được 11 tập thơ, đã nhận được nhiều giải thưởng. Năm 2009 tập thơ Những khúc ca trên cỏ được tặng giải thưởng văn học của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam.
Đất nước ta ngày một giàu thêm, mang lại cho các em một cuộc sống đủ đầy hơn về miếng cơm manh áo, về điều kiện học hành. Nhưng sự phát triển của công nghiệp hiện đại cũng đã lấy đi của các em nhiều thứ lắm. Đó là những khoảng không dành cho những cánh diều tuổi thơ bay cao, bay xa, cánh diều của những ước mơ và hy vọng. Những cánh đồng đầy hoa thơm và cỏ lạ đến nỗi những chú bướm con lười học ham chơi phải lạc đường về, khiến cho những chú dế con phải nỉ non gọi mẹ suốt đêm dài. Có lẽ rất nhiều em chưa bao giờ được nhìn thấy những con chuồn voi, chuồn kim, chuồn ớt. Có chăng chỉ là những hình ảnh nhạt nhòa khô cứng qua sách vở. Chính vì lẽ đó, thế giới tuổi thơ trong thơ Nguyễn Ngọc Hưng đã tạo dựng cho các em những khoảng trời, những cánh đồng, những bờ bãi đầy hoa, đầy gió, đầy nắng, đầy tiếng chim ca và rất rất nhiều ong, bướm… Các em sẽ được sống và vẫy vùng trong thế giới ấy bằng chính sự tưởng tượng, bằng chính tấm lòng thơ ngây của các em.
Thơ là sản phẩm của trí tưởng tượng. Mà trí tưởng tượng của nhà thơ lại giống như sự vô biên của vũ trụ. Khi viết thơ cho các em thì trí tưởng tượng của nhà thơ phải được tái tạo lại từ những quan sát tinh tế và nhạy cảm đối với thiên nhiên, cuộc sống. Thơ của chú Hưng đã là như thế. Thế giới tuổi thơ trong thơ chú Hưng là sản phẩm được tái tạo lại từ chính tuổi thơ của chú Hưng. Mặc dù tuổi thơ của chú Hưng là một tuổi thơ nhiều lam lũ và mất mát (…). Bù lại, tuổi thơ của chú Hưng được bồi đắp bằng tình yêu thương vô bờ của mẹ, bằng bầu trời có những cánh diều tuổi thơ chao liệng… Thơ của chú Hưng được kết tinh bằng trí tưởng tượng phong phú, bằng những quan sát tinh tế và nhạy cảm của những ngày thơ bé. Trên hết thảy, thơ của chú Hưng được kết tinh bằng chính tấm lòng nhân hậu biết yêu thương, biết nâng niu và trân trọng tất cả những gì là nhỏ nhất của thiên nhiên, của cuộc đời. Qua thơ chú Hưng, các sinh vật dù bé nhỏ đến đâu vẫn có một số phận riêng của nó. Chú Hưng không áp đặt nỗi đau của đời chú lên những vần thơ mà chú viết cho các em. Chú đã biến nỗi đau ấy thành những vần thơ đầy yêu thương và che chở.
Loài bướm sinh ra là để nhởn nhơ tìm hoa hút mật. Nhưng với chú Hưng thì không chỉ thế. Chú đã nhân hóa nó thành một em nhỏ vừa dễ thương và cũng vừa đáng trách: 
“Có một cô bướm nhỏ 
Dễ thương nhưng rất lười
Học hành không chịu học
Suốt ngày nhởn nhơ chơi”. 
Không chịu học mà còn mải chơi đến độ: 
“Lạc đường… bướm gọi mẹ
Dẫn con về, hu hu…” 
thì lại càng hư hơn. Dưới con mắt của chú Hưng loài chuồn đẹp biết bao: 
“Cánh mỏng như làn gió 
Long lanh mắt giọt sương
Thích chơi cùng cây cỏ 
Nhởn nhơ bay khắp vườn”. 
Các em nhỏ sống nơi phố phường chắc chẳng bao giờ được nhìn thấy đôi mắt của con chuồn và lại càng không được nhìn thấy những giọt sương long lanh của buổi sớm mai trong lành. Chú Hưng của các em đã giúp cho các em nhìn thấy được bằng những câu thơ vừa giản dị và cũng vừa rất tài hoa. Đọc những câu thơ như thế, các em nhỏ sẽ tưởng tượng ra những con chuồn của mình. Ở đây, mỗi con chuồn chú Hưng đều ban tặng cho nó một việc làm tuy nhỏ nhưng đều có ích: 
“Chuồn voi nghịch lạ thường
Cắn rốn thằng cu Tý”. 
Các em có biết chuồn voi cắn rốn thằng cu Tý để làm gì không? Để cho cu Tý chóng biết bơi đấy! Còn chuồn kim thì mảnh mai bé nhỏ: “Kim thì siêng xỏ chỉ” cho bà vá may. Chuồn ớt có màu đỏ nên chú Hưng dành cho nó một việc làm nặng nhọc hơn: “Ớt hăng hái làm tương” cho tất cả mọi người. Không những thế, loài chuồn lại có biệt tài: 
“Môn dự báo thời tiết 
Điểm 10 cho chuồn thôi!”. 
Thực ra đây là cách kiếm ăn của loài chuồn - trời nắng ruồi muỗi ở trên cao, trời mưa ruồi muỗi ở dưới thấp…
Bài Dế con lạc mẹ là một bức tranh của cảnh đêm thanh bình. Trong tranh có dế con, có đom đóm, có ông trăng, có cây cỏ và còn có cả mẹ dế nữa. Vẻ đẹp ở đây là vẻ đẹp của tình yêu thương che chở, giúp đỡ lẫn nhau. Với dế con thì: 
“Lúc thì vệ cỏ 
Khi ở lùm khoai
Dế con lạc mẹ
Tỉ tê khóc hoài”. 
Thực ra loài dế đêm đêm thường sát cánh vào nhau để phát ra tiếng kêu để gọi bạn tình. Nhưng trí tưởng tượng của của chú Hưng lại không phải như thế. Có lẽ nhiều đêm vì đau không ngủ được chú Hưng đã nhớ mẹ và đã từng gọi mẹ trong đêm. Nghe tiếng dế kêu nỉ non, chú Hưng đã tưởng tượng ra dế con cũng đang có cảnh ngộ như mình. Sau tiếng dế nỉ non là cả thế giới đầy yêu thương che chở. Đom đóm và giọt sương thì: 
“Lập lòe đom đóm
Thắp nến soi đường 
Lặng nhìn theo dế 
Rưng rưng mắt sương”. 
Còn ông trăng thì: 
“Nghe dế nỉ non
Ông trăng thương quá
Mở con mắt tròn
Soi từng kẽ lá”. 
Nhờ mọi người giúp đỡ dế con đã tìm được mẹ. Điều đầu tiên dế con phải làm đó là: 
“Vòng tay tám hướng 
Nghẹn ngào cám ơn”. 
Thật là cảm động phải không các em?
Thiên nhiên trong thơ chú Hưng thật đẹp. Đây là cảnh ban mai của một vùng quê: 
“Sáng nay tiếng chim chiền chiện
Líu lo đánh thức mặt trời
Ra vườn mắt em chợt sáng
Ô kìa, nõn lá xanh tươi…”. 
Còn đây là mùa hoa gạo: 
“Cánh tròn, cánh nhọn
Hồng thắm, son pha 
Lại như lửa cháy 
Đỏ trời tháng ba”…
Vẽ thơ trên cát là một bài thơ nhiều cảm xúc, nhiều suy tưởng. Nhìn những dấu chân còng loằng ngoằng trên cát, chú Hưng đã có một liên tưởng kỳ diệu. Chú đã coi đó là những bài thơ tự do mà còng đã viết. Trước cảnh đẹp: 
“Vi vút hàng dương gió/
Xôn xao sóng vỗ bờ”, 
còng đã không kìm giữ được cảm xúc của mình và đã tập làm thơ: 
“Ô… chân còng hí hoáy 
Tập làm thơ đấy ư? 
Loay hoay viết rồi xóa
Chắc là đang bí từ…”. 
Chú Hưng đã thật tài hoa và cũng thật ngộ nghĩnh khi gán cho còng cái công việc nặng nhọc nhất của một đời, đó là làm thơ. Còng phải nhọc lòng lắm, bởi chỉ một con sóng vỗ bờ nhẹ thôi và mềm mại lắm cũng đã xóa đi tất cả công lao của còng. Biết vậy, còng không thể nhờ vào lòng tốt, sự giúp đỡ của mọi người. Làm thơ là một công việc của chính bản thân mình, là cảm xúc, là rung động của tâm hồn mình. Nên còng đã: 
“Còng cám ơn các bạn 
Tự mình sẽ làm xong!”. 
Bằng sự lao động miệt mài, bền gan, bền chí, còng con đã thực hiện được ước mơ của đời mình: 
“Suốt đêm dài mê mải 
Luyện chữ với rèn câu 
Thơ tự do còng viết 
Loằng ngoằng trên cát nâu”. 
Chú Hưng đã gửi gắm tất cả những suy tư về cuộc đời làm thơ của mình bằng một bài thơ rất giản dị mà vô cùng sâu sắc.
Với chú Hưng, việc cầm được cây bút để viết thôi cũng là cả một công việc nặng nhọc, phải chiến đấu kiên cường với nỗi đau thể xác lẫn nỗi đau tinh thần, thế mà cho đến nay cả tập thơ BỐN MÙA CHO BÉ mà các em đang cầm trên tay là tập thơ thứ 6 chú Hưng viết cho các em. Các em hãy đón nhận món quà này không chỉ bằng tấm lòng trân trọng mà còn là sự yêu thương, biết sẻ chia và thấu hiểu!
Qua bài viết này, tôi chỉ trích dẫn những câu thơ, những bài thơ mà tôi tin không phải em nhỏ nào cũng có được. Bởi mỗi tập thơ của chú Hưng chỉ có từ 500 đến 1000 cuốn. Ngần ấy cuốn thơ trên hàng chục triệu em nhỏ đang cắp sách đến trường là một con số quá nhỏ nhoi, phải thế không các em?
Với BỐN MÙA CHO BÉ  thì các em đã có nó trên tay. Các em đã và sẽ còn đọc nó. Tôi tin: Với sự trong sáng, giản dị của thơ chú Hưng và bằng chính sự tưởng tượng của mình, các em sẽ tạo dựng được một thế giới tuổi thơ đầy vui tươi, hồn nhiên, thú vị cho các em. Ở đó không chỉ là hoa, là cỏ, là gió, là nắng, là trăng, là tiếng chim ca, là ong, là bướm… mà ở đó còn là thế giới của tuổi thơ biết yêu thương, đùm bọc và sẻ chia cho nhau những gì tốt đẹp nhất có thể có trên cuộc đời này. Nếu được như vậy, các em sẽ không còn là người đọc nữa mà là bạn đồng hành với chú Hưng trong suốt cuộc đời và hơn hết thảy, các em đã là những thi sĩ bé thơ!.
“Chú Hưng có một tuổi thơ không có ba. Ba chú Hưng là một nghệ sĩ của một gánh hát rong, đã xa mẹ con chú khi chú Hưng chưa biết mặt ba là gì nơi mảnh đất miền Trung nhiều đói nghèo và nhiều bão giông trong thời Mỹ ngụy, để chạy theo cái đam mê lãng tử của đời ông”. (NXB Kim Đồng BT).
Mùa tựu trường 2010
Nguyễn Xuân Dương
Theo http://www.bichkhe.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thơ trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI – Những tìm tòi và thử nghiệm

Thơ trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI Những tìm tòi và thử nghiệm Đặt vấn đề thơ trẻ trong 20 năm đầu thế kỷ XX, chúng tôi muốn nhắc đến đội ngũ n...