Chủ Nhật, 30 tháng 7, 2017

Trịnh và trò chơi ngôn từ

Trịnh và trò chơi ngôn từ
Nếu ví ngôn từ là chiếc thuyền lá chở cái bi và cái đẹp trong ca từ Trịnh Công Sơn đến bến bờ của nghệ thuật, thì dưới ánh nhìn của chúng tôi, chính chiếc thuyền lá ấy cũng là nghệ thuật. Một thứ nghệ thuật vừa giản dị vừa cao siêu, vừa ngẫu nhiên vừa tinh tế.
Đó là ngôn ngữ Trịnh.
Đó là cái đẹp.
“Dài tay em mấy thuở mắt xanh xao”. Một trật tự ngữ pháp mờ ảo.
“Có khi nắng khuya chưa lên…”. Một sự kết hợp đầy nghịch lý.
“Đóa hoa vô thường”. Một ẩn dụ diễm ảo.
Diễm xưa, Nguyệt ca… Những danh từ riêng được hóa thân thành biểu tượng của nghệ thuật.
Hoàng tử bé mải mê với trò chơi của mình. Như Trang Tử với Tiêu dao du. Như Heidegger: “Chơi là chơi, không có tại sao”
Trịnh Công Sơn với trò chơi ngôn từ. Có ngờ đâu một ngày nọ, mình hóa thành phù thủy. “Phù thủy ngôn từ” (Trịnh Chu, 2008, Ngôn ngữ Trịnh, http://www.tcs-home.org/ban-be/articles/ngon-ngu-trinh)
Hãy cùng người phù thủy tài hoa ấy bước vào mê cung của ngôn ngữ. Như bước vào lâu đài của cái đẹp.
1. Những kết hợp phi ngữ pháp
Như những mảnh ghép được đặt cạnh nhau một cách ngẫu nhiên, ca từ Trịnh Công Sơn là một trò chơi thú vị với người đọc, người nghe. Trên con đường kiếm tìm trật tự đúng của những mảnh ghép, ông tạo cho người chơi niềm tin về trật tự của cái đẹp. Có thể người chơi tìm được một trật tự chưa đúng, nhưng đồng thời, họ cũng tin rằng, mình không sai. Bởi trong nghệ thuật, làm gì có đúng sai, làm gì có trật tự. Cứ thế, cứ nhập nhòe mông lung, cả người quản trò và người chơi đều không còn nhận ra ranh giới giữa những trật tự bình thường và những trật tự bất bình thường nữa! Dường như với con người tài hoa đó, chưa bao giờ có điểm mở đầu và điểm kết thúc trên đời này. “Không có đâu em này, không có cái chết đầu tiên. Và có đâu bao giờ, không có cái chết sau cùng.” (Ngẫu nhiên). Có lẽ, trật tự duy nhất trong nhạc Trịnh là không trật tự. Trịnh Công Sơn không tìm đến sự mạch lạc của trật tự ngôn ngữ thông thường. Ông tìm đến cái đẹp. Vì thế, nếu phải đặt tên cho thứ lôgic giữa các mảnh ghép ngôn từ Trịnh Công Sơn, tôi sẽ đặt tên là Lôgic của cái đẹp. Mọi sự sắp xếp, mọi sự kiếm tìm, với Trịnh, đều vô nghĩa. Người chơi tự tìm thấy cho mình lý lẽ riêng của cái đẹp. Vậy là đủ trọn vẹn cho trò chơi nghệ thuật.
Hãy cùng đọc Trịnh, hát Trịnh với một tâm thế an nhiên. Thảnh thơi như trẻ thơ. Nhẹ nhàng như rồi gió sẽ cuốn đi tất cả. Không nghĩ suy, không cố tìm ý nghĩa. Ta sẽ thấy ở đó một vẻ đẹp trong suốt. Đẹp như cái đẹp bản thể của ngôn ngữ. Trịnh, có lẽ, không muốn chiếc thuyền của mình phải chở nặng quá nhiều thứ, để rồi quên đi vẻ đẹp của chính mình. Ông đã đưa ngôn từ về với cội nguồn. Chúng đẹp như chúng vẫn vậy. Không cần ý nghĩa. Không cần trật tự. Tự chúng, ngôn ngữ, đã là ý nghĩa, là trật tự.
Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ/ Dài tay em mấy thuở mắt xanh xao… (Diễm xưa)
Chỉ biết là đẹp. Có ai đã từng ngồi cắt nghĩa những câu như thế trong nhạc Trịnh? Nếu phải vẽ một bức tranh từ hai câu thơ ấy, tôi chắc rằng, sẽ có rất nhiều bức tranh đẹp. Mưa, tầng tháp cổ, tay dài, mắt xanh xao… Chừng đó hình ảnh đủ để có một bức tranh lãng đãng sương khói ảo ảnh, hoặc nhập nhòe ướt mưa với tông màu lạnh của rêu phong cổ kính. Phải không? Hay ít nhất, có lẽ khi đọc, khi hát bài hát ấy, mỗi người cũng đã tự vẽ ra trong đầu mình một bức tranh. Bức tranh mưa bay những dòng mảnh mai làm nền cho khung cửa sổ trên tầng tháp cổ. Nơi đó hiện lên một bóng hình mỏng manh, gầy guộc với tay dài, mắt xanh xao. Nhưng thử cắt nghĩa câu thơ ấy? “Dài tay em mấy thuở mắt xanh xao”.
Là “dài tay em mấy/thuở mắt xanh xao”, hay “dài tay em mấy thuở/mắt xanh xao”? Ngay cả trong từng tổ hợp : “dài tay em mấy”, “dài tay em mấy thuở”, ta cũng khó mà xác định được một ý nghĩa rõ ràng.
Cái đẹp lấp lánh ở đó. Nơi kết tinh vẻ đẹp của vô thường, mộng, hoài niệm và thiền vị. Bởi, vô thường thì làm gì có chân lý. Bởi, mộng thì làm gì có ranh giới. Bởi, hoài niệm chỉ là con đường ảo ảnh. Và thiền vị, là cái đẹp rỗng không. Nghệ thuật không mượn đến ý nghĩa để khoác lên vẻ đẹp khác mình. Trịnh Công Sơn cũng vậy, ngôn từ của ông mang vẻ đẹp như như vốn có của chúng.
Hay, chính sự mờ nhòe là đường nét của cái đẹp trong nhạc Trịnh? Như Biển nhớ, là nơi dung chứa nỗi nhớ, là biển của hoài niệm? Hay Biển nhớ là một cấu trúc chủ vị với “biển” là chủ ngữ, và “nhớ” là vị ngữ? Vì biển là chứng nhân của tình yêu, nên biển biết nhớ. Vì tôi nhớ em nên vạn vật cũng đắp bồi nỗi nhớ. Vì sao?
“Người nằm xuống xin mưa đầy…” (Mưa hồng)
Chủ ngữ là “người”, hay chủ ngữ là một “nhân vật” vắng mặt? “Tôi” chẳng hạn. Người nằm xuống và người xin mưa đầy, hay, người đã nằm xuống và tôi xin mưa hãy đầy?
Em đi về cầu mưa ướt áo/ Đường phượng bay mù không lối vào… (Mưa hồng)
“Cầu” là động từ hay danh từ? “Đường” là chủ ngữ hay có con đường mang tên “đường phượng bay” làm chủ ngữ cho “mù không lối vào”? Chiếc cầu kết bằng mưa làm ướt áo em trên con đường về, hay em nguyện cầu cho mưa ướt vai áo, ướt đẫm một thời thiếu nữ? Ướt đẫm tình anh.
“Sen hồng một nụ em ngồi một thuở xuân xanh.” (Đóa hoa vô thường)
Nên ngắt câu thế nào cho đúng? “Sen hồng một nụ/em ngồi một thuở xuân xanh”? “Hồng” và “ngồi” là hai động từ. “Sen” và “em” được so sánh với nhau. “Một nụ” và “một thuở xuân xanh” tuy hai mà một, là giai đoạn đẹp nhất của vạn vật. Với em, là “thuở xuân xanh”. Với sen, là “nụ”! “Nụ” là một giai đoạn, một lứa tuổi của sen. Như em, thì con gái. Hay là, “sen hồng một nụ em ngồi/ một thuở xuân xanh”? Cái thuở ấy, cái thuở mà em ngồi lên một nụ sen hồng, tinh khôi, trong trắng. Là “một thuở xuân xanh” của em. Em và sen là một đóa thơm tho hòa lẫn hương sắc vào nhau. Là cái thuở xuân sắc của cả em và sen. Là cái đẹp đến từ vô thường!
Hay, trong Cỏ xót xa đưa, chàng phù thủy ấy viết:
“Những mai hồng ngồi nhớ thiên thu.”? “Mai hồng” đang là trạng ngữ và chủ ngữ đi vắng? Rằng, những sớm mai hồng tôi/anh/em ngồi nhớ thiên thu? Hay, chính “mai hồng” ấy là chủ ngữ? Để cân xứng với “thiên thu”? “Mai hồng” là điểm khởi đầu. Là tinh khiết, là rạo rực tuổi xuân. “Thiên thu” là điểm tận cùng vĩnh viễn. Là kết cuộc của cả một giai đoạn thâm trầm, để rồi an nhiên nhìn cuộc ta bà ngoài kia. Như một vòng tròn, “mai hồng” qua bao nhiêu lần nhập cuộc, bao nhiêu cuộc dấn thân, trở về yên lặng làm “thiên thu”. Và rồi, “thiên thu” khi đã đủ chiêm nghiệm, lại hóa thân thành “mai hồng” để rong chơi cuộc đời. Và như một người thủy chung, “mai hồng” hoài niệm về “thiên thu”. Như hoài niệm về một quãng đời, một người bạn, một tình nhân. Là gì? Trạng ngữ hay chủ ngữ dường như là hai khái niệm bị loại khỏi cuộc chơi ngay từ những vòng đầu tiên. Chỉ còn lại cái đẹp được cảm nhận từ sâu trong bản thể của ngôn từ. Ở đó không có chỗ cho trật tự của ngữ pháp.
Không cần ý nghĩa, những lời ca ấy, bằng vẻ đẹp của chính mình, đã tạo nên những văn bản bằng nét màu vẽ trong suốt trong lòng người nghe. Trò chơi kéo dài bất tận. Ngôn từ hóa những nét cọ mảnh mai xiên vào tâm trí người chơi. Mà những bức tranh thì làm gì có trật tự ngữ pháp?
Cũng như vô thường. tranh không là duy nhất. Một ca từ có thể là nhiều bức tranh. Một người chơi có thể vẽ nhiều nét vẽ bất định.
Cũng như mộng. Những nét vẽ mờ nhòe như ảo ảnh. Bước qua mọi ranh giới. Sẽ là cái đẹp.
Cũng như thiền vị. Bức tranh rỗng không. Nét vẽ trong suốt. Vẻ đẹp thoát thai từ đó.
2. Trò chơi siêu thực
Bước vào thế giới của Trịnh Công Sơn là bước vào mộng. Trong trò chơi với mộng, ngôn từ dường như rất thật mà dường như ảo ảnh. Những từ tưởng đã cũ kỹ, qua ánh mắt của Hoàng tử bé, chợt mới mẻ như lần đầu!
Mộng mà!
Ranh giới của mộng là không có ranh giới.
Mảnh đất ấy là thiên đường của những cánh diều.
Thỏa thuê tưởng tượng. Mặc sức tung bay. Những cánh diều nhiều màu chao liệng giữa biếc xanh nền trời.
Chẳng còn thật - ảo. Chỉ còn lại thế giới của những cánh diều. Của cái đẹp.
Nắng thủy tinh, đời cơm áo, tay rong rêu… Danh từ đi với danh từ tạo thành một tổ hợp danh từ lạ lẫm. Lạ mà quen. Cũ mà mới. Nắng ấy, đời ấy, tay ấy, chẳng thể cắt nghĩa rõ ràng là nắng gì, đời gì, tay gì. Chỉ hình thành trong đầu người chơi một hình ảnh của riêng mình. Với tôi, có thể đó là nắng lóng lánh tinh khiết của sớm mai, là cuộc đời bộn bề lo toan, là bàn tay gầy guộc mà tươi mát, xanh xao mà mềm mại… Bàn tay của hoài niệm, của dấu xưa… Đó là những “văn bản” được xác lập trong đầu người đọc từ “tác phẩm” của người sáng tạo.
Nhờ những “văn bản” ấy mà nghệ sỹ là người giàu có nhất. Và nghệ thuật là trò chơi công bằng nhất. Ai cũng có quyền tạo ra cái đẹp của riêng mình. Nhạc Trịnh cũng là trò chơi như thế.
Hạ trắng, mưa hồng, mắt xanh xao, vai gầy guộc, đá ngây ngô… Danh từ kết hợp tính từ. Là những từ quen thuộc tưởng đã mòn rỗng. Vậy mà vẫn mới! Cái đẹp của hạ trắng mưa hồng là cái đẹp không thật. Tựa như bạn đang nhìn chúng từ một chiếc gương thần. Dường như chiếc gương ấy soi chiếu vào sâu bản thể của sự vật, cũng là sâu trong tâm tưởng người sáng tạo. Để hiểu rằng, vì hạ có loài hoa trắng ngát hương trong cơn mộng mị ban trưa. Nên thành Hạ trắng. Vì mưa có gót hồng của em, nên Mưa hồng. Và mắt xanh xao, vai gầy guộc, đá ngây ngô… Và tay xanh ngà ngọc, và đôi vai lụa mát, và mi cong cỏ mượt… Trịnh Công Sơn mải mê trộn lẫn vạn vật vào với nhau. Không còn vật, không còn ta. Tất cả đi vào trong nhau để khai sinh ra cái đẹp cho nhân loại. Cái đẹp ấy được vẽ lên trong trí tưởng tượng của người chơi.
Rồi như đá ngây ngô. Có phải loài người cần học cách “ngây ngô” để nhẹ lòng cảm thấu cái đẹp mà không cần đến thứ lý lẽ thường tình nào.
Trịnh Công Sơn đã “ngây ngô” như thế để sáng tạo cái đẹp. Đặt ngẫu nhiên những mảnh ghép từ loại cạnh nhau, Trịnh khai sinh ra những hình ảnh vừa gần gũi vừa siêu thực. Ghép một từ ngữ cụ thể bên cạnh một từ ngữ trừu tượng, nối hai hình ảnh cụ thể bằng một hình ảnh trừu tượng, như một sự “nhầm lẫn” thú vị, Trịnh trao cho chúng ta những “văn bản” khác lạ.
“Có sợ tóc nào bay trong trí nhớ nhỏ nhoi…” (Ru ta ngậm ngùi)
“Phơi tình cho nắng khô mau.” (Tình xót xa vừa)
“Môi nào hãy còn thơm, cho ta phơi cuộc tình.” (Ru ta ngậm ngùi)
“Nắng phơi trên màu ngói non tươi.” (Chiều trên quê hương tôi)
“Sương khoác mềm vai phố” (Hôm nay tôi nghe)
“Lùa nắng cho buồn vào tóc em.” (Nắng thủy tinh)
“Tôi nhặt gió trời mời em giữ lấy.” (Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui)
“Trời ươm nắng cho mây hồng.” (Mưa hồng)
“Ngàn cây thắp nến lên hai hàng” (Nắng thủy tinh)
“Tôi xin làm nụ cười chờ em giữa đôi môi” (Vì tôi cần thấy em yêu đời)
“Có con đường nằm nghe nắng mưa” (Em còn nhớ hay em đã quên)
… “cho ta phơi cuộc tình”? “Phơi” là một động từ quen thuộc, được dùng với những vật cụ thể trong đời sống hàng ngày. Còn “cuộc tình”? Là trừu tượng, là trong suốt, là vô hình, không cầm nắm được, không chạm vào được. Vậy thì làm sao để “phơi cuộc tình”? Dường như chỉ có Trịnh Công Sơn làm được điều ấy. Và người chơi là người tạo ra cái đẹp. Bằng cách tưởng tượng, bằng cách hư cấu cho mình một hình ảnh, một hành động. “Cuộc tình” ấy như thế nào? “Môi nào hãy còn thơm, cho ta phơi cuộc tình”. Môi thơm – để phơi cuộc tình? Hẳn cuộc tình ấy phải đẹp đẽ, thơm tho lắm. Phải mong manh, ảo ảnh lắm, thì mới phơi được trên đôi môi thơm ấy chứ! “Phơi cuộc tình” cho khô? “Phơi cuộc tình” - như một cách bày biện? Một cách biểu hiện tình yêu? Môi thơm cho ta “phơi cuộc tình”, bằng nụ hôn, bằng ánh mắt, bằng cách nuốt trọn làn hương tình? “Môi nào hãy còn thơm, cho ta phơi cuộc tình”? Môi thành một đóa thơm tho và tình yêu đơm hương ở đó.
Sẽ còn nhiều đóa môi thơm, sẽ còn nhiều cuộc tình đẹp. Chừng nào còn có nghệ thuật. Còn có Trịnh Công Sơn. Để lùa nắng, để nhặt gió, để chăn gió mưa. Để “sương khoác mềm vai phố”.
“Lùa nắng” là hình ảnh của tưởng tượng, của mộng ảo. Và “lùa nắng” để làm gì? “Cho buồn vào tóc em”, nỗi buồn hóa một sinh thể diệu ảo bước vào mái tóc em. Như bước vào vùng trời nuôi nấng cái đẹp. “Ươm nắng” như ươm một mầm non xanh, để nở thành những đóa mây hồng. Để mây hồng lớn lên thành mưa. Để bàn tay ai “chăn gió mưa”, làm chú mục đồng chăm sóc thiên nhiên, gìn giữa gió mưa. Như một kho báu thần tiên của cõi người.
Nơi đó có loài nắng sưởi ấm đêm thâu. Loài nắng tỏa ra từ trái tim. Từ tình yêu. Từ lòng người. Nắng khuya.
Nơi đó có con đường lặng lẽ bên đời. Tưởng đã ngủ quên từ ngày em đi. “Em đi bỏ lại con đường.” Vậy mà vẫn thấu trọn từng cơn nắng, từng giọt mưa. “Có con đường nằm nghe nắng mưa.” Người tình của cuộc sống ấy lắng nghe từng hơi thở linh diệu của vạn vật.
Để “ươm nắng” cho mây.
Để “thắp nến” cho cây.
Để “lùa nắng” vào mắt em.
Để “nhặt gió” mời em giữ.
Như nhặt cái đẹp trong suốt gom vào chiếc thuyền ngôn ngữ. Con người tài hoa ấy hồn nhiên nhìn nắng, nhìn gió, nhìn hoa cỏ, con đường, dòng sông… như nhìn một sinh thể diệu ảo. Để rồi dường như khoác cho chúng lớp áo trừu tượng: nắng mềm, nắng khuya, nắng hững hờ, nắng la đà, nắng chiều quạnh quẽ, gió vô thường, gió vô tình, ngọn gió hư vô, ngọn gió hư hao…
Và sông: “có một dòng sông đã qua đời”. Và con đường: “em đi bỏ lại con đường”.
Và cỏ hoa: “đóa hoa hồng vùi quên trong tay”. “đóa hoa hồng tàn hôn lên môi”, “đóa hoa vàng mỏng manh cuối trời”, “có nụ hồng ngày xưa rớt lại”, “từ đó ta là đêm nở đóa hoa vô thường”…
Vạn vật, qua ánh mắt vị phù thủy điêu luyện ấy, dường như đều trở nên huyền diệu. Bởi với Trịnh Công Sơn, mỗi vật đều có hơi thở riêng, có tiếng nói riêng, và ông cố gắng cảm nhận, lắng nghe từng nhịp đập bí ẩn của vũ trụ. Theo cách giản dị đó, cái đẹp thoát thai. Trừu tượng hay cụ thể? Siêu thực hay không? Hãy thấu suốt bằng trái tim, hãy tìm lý lẽ của cái đẹp. Tôi có một “văn bản” của riêng tôi. Bạn có bức vẽ của riêng bạn. Trịnh Công Sơn thả ta vào một miền chơi vơi của “giấc ngủ vừa”, của “tình xót xa vừa”, “môi em hồng vừa”, “yêu em từ độ”… “Vừa” thế nào? “Độ” nào? Ta chênh vênh ở cõi siêu thực.
Cõi Đẹp.
3. Ẩn dụ
Như cuộc tắm gội của người con gái, ẩn dụ là một nghi lễ của ca từ Trịnh Công Sơn. Và nếu vậy, ca từ Trịnh Công Sơn quả là một cô gái biết cách thanh tẩy và điểm trang. Cô gái ấy vừa diễm lệ, vừa giản đơn. Vừa cao sang, vừa gần gụi. Cô gái ấy biết cách làm thu hút ánh nhìn của mọi người.
Em đi qua chuyến đò thấy con trăng đang nằm ngủ/ Con sông là quán trọ và trăng tên lãng du… (Biết đâu nguồn cội)
Trăng đến rồi đi, lúc ẩn lúc hiện, như vị khách trọ lãng du không chốn hẹn hò. Con sông chung thủy một nơi đợi chờ. Cũng như tôi, “là quán trọ, buồn chân em ghé chơi”. Hai hình ảnh so sánh của lời mở đầu dường như chỉ là cái cớ để hình ảnh ẩn dụ về hai nhân vật chính được xuất hiện. Tôi là quán trọ cũng như con sông kia, tôi là con sông. Em là trăng lãng du kia. Em đến rồi đi, tôi cứ chờ cứ đợi. Còn gì đẹp đẽ hơn trăng? Còn gì yên vị hơn “quán đợi”? Đó là em và tôi. Là điểm duyên hội ngộ của một cuộc tình. Ẩn hiện đâu đó sau con sông, sau vầng trăng, là một lời trách hiền từ, bao dung. Và tôi, người tình ấy tình nguyện chấp nhận. Tình nguyện làm người đợi trăng về sau chuyến da du bất tận:
Em đi qua chuyến đò ối a vui như ngày hội/ Tôi xin làm quán đợi buồn chân em ghé chơi/ Em đi qua chốn này ối a sao em đành vội/ Tôi xin làm đá cuội và lăn theo gót hài… (Biết đâu nguồn cội)
Để rồi trăng hồn nhiên vội vàng ra đi sau ngày hội chốn này. Để rồi tôi hóa thành đá cuội lăn theo gót hài em. Ẩn dụ liên tiếp ẩn dụ. Dường như trăng và em, tôi và vật tan lẫn vào nhau. Em hay là trăng? Tôi hay là “đá cuội”? Là “quán đợi”? Trịnh Công Sơn sử dụng phép tu từ hồn nhiên như trẻ thơ. Ông xóa nhòa mọi ranh giới. Ông để cho mọi vật đi vào nhau, tự nhiên như vốn phải thế.
Trời còn làm mưa mưa rơi mưa rơi/ Từng phiến băng dài trên hai tay xuôi / Tuổi buồn em mang đi trong hư vô/ Ngày qua hững hờ… (Tuổi đá buồn)
Người hát tình ca ấy cảm nhận cái buốt giá trên từng ngón tay người mình yêu. Để rồi những ngón tay ấy, trong suy tưởng của Trịnh Công Sơn, là những “phiến băng dài”. Còn hình ảnh nào đẹp hơn thế để so với những ngón tay người tình? Tôi tin rằng, chỉ có Trịnh Công Sơn mới tạo ra được những “phiến băng” trắng trong, giá lạnh ấy. Ảo ảnh như sương khói. Mơ hồ như hư không. Hình như Trịnh đã kết tinh tất cả hơi lạnh của mùa đông để đặt lên đôi tay ấy. Ẩn dụ, có phải, đã nhường chỗ cho cái đẹp? Chỉ còn “từng phiến băng dài trên hai tay xuôi”. Bàn tay đã khuất lấp đâu đó trong hơi sương rét buốt của mùa đông mất rồi!
“Phiến băng dài”. “Tháp cổ”. “Thuở mắt”… Có phải Trịnh Công Sơn đã xâu thêm vào chuỗi hạt tiếng Việt những viên ngọc lấp lánh?
Tiếng Anh duy nhất mạo từ “the” đứng trước sự vật để xác định sự có mặt của sự vật ấy. “The” chỉ đơn giản là “cái”. The table: cái bàn, the chair: cái ghế, the eyes: con mắt…
Tiếng Pháp có “le” và “la”. Cẩn thận hơn, phân biệt giống đực và giống cái của sự vật.
Và tiếng Việt! Một mảnh đất của nghệ thuật ngôn từ. Biết bao sự hóa thân kỳ diệu của ngôn từ để người Việt nói đến một vùng cơ thể. Nhất là những vùng cơ thể trên da thơm quả ngọt người con gái. Thiên nhiên ẩn tàng ở đó. Cái đẹp ở trọ nơi đó.
Vầng trán. Gò má. Mái tóc. Bờ môi. Sóng mũi… Đó hoàn toàn là thứ tiếng Việt mộc mạc, chân phương chưa hề điểm trang. Ai cũng có một vầng trán, một bờ môi, một mái tóc. Ai cũng đẹp. Vì tiếng Việt đẹp.
Nguyễn Du là một trong những người nhặt những viên ngọc đẹp đẽ của tiếng Việt. Trong dòng suối từ xa xưa, trong cái đẹp thiếu nữ: “làn thu thủy”, “nét xuân sơn”, “khuôn trăng”, “nét ngài”… Kiều và Vân như thoát thai từ tinh túy của thiên nhiên, của đất trời. Vẻ đẹp nhòa lẫn giữa thiên nhiên và con người. Tiếng Việt, qua bao nhiêu lâu, đã gìn giữ và phát tiết vẻ đẹp ngôn từ.
Và Trịnh Công Sơn. Là “thuở mắt”, là “tháp cổ”, là “cánh vai”, là “phiến băng dài”… Tiếng Việt có “bờ mi”, Trịnh Công Sơn có “thuở mắt”. “Thuở mắt” là gì? Không ai cắt nghĩa được. Chỉ biết “thuở” đứng trước “mắt” như một mạo từ xác định. Như “bờ” đứng trước “mi”. Như “the” đứng trước “eyes” trong tiếng Anh. “Thuở” cho ta một trường liên tưởng về thời xa xưa: thuở xưa, thuở ấy… Nơi cái đẹp của hoài niệm lên ngôi. Nơi rêu phong phủ kín lối về. Đôi mắt ấy, phải chăng, phủ đầy bóng thời gian, in sâu từng chiều mưa bay, nên thành “thuở mắt”? “Thuở mắt” dường như là một dự báo về những buổi chiều:
Nghe lá thu mưa reo mòn gót nhỏ/ Đường dài hun hút cho mắt thêm sâu… (Diễm xưa)
“Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ.” Còn “tháp cổ”? Ngày chưa gọi tên được “thuở mắt”, “cánh vai”… trong nhạc Trịnh, tôi chỉ biết rằng, đó là tháp xưa, nơi nuôi nấng vẻ đẹp cổ kính của Diễm xưa. Ngờ đâu, “tháp cổ” còn nằm trong trường liên tưởng của một vùng cơ thể- địa phận của cái đẹp: bờ vai, khuôn mặt, làn da… “Tháp” cao, và “cổ” em cao. Nên thành “tháp cổ”. Một hình ảnh ẩn dụ cho ta nhiều hơn một biện pháp tu từ. Đó là sự sáng tạo. Đó là hạt ngọc kết tinh từ bao đời hoa trái của tiếng Việt. “Tháp cổ”.
“Vai em gầy guộc nhỏ, như cánh vạc về chốn xa xôi.” (Như cánh vạc bay)
“Vai em” được so sánh với “cánh vạc”, chẳng phải, lại thoát thai một “cánh vai” thần tiên cho ngôn từ? Cho tiếng Việt. Cho nhạc Trịnh.
Và “lời buồn thánh”, “vết lăn trầm”, “giọt hư không”, “cọng buồn cỏ khô”…
Những ẩn dụ không dễ để lý giải theo một trật tự thông thường của ngôn từ. Nhưng chúng cho ta hình ảnh. Những bức vẽ đủ sức cảm thấu trái tim người đọc.
“Cọng buồn cỏ khô”, trước Trịnh Công Sơn, có ai đã so sánh nỗi buồn với cỏ khô? Có ai từng cụ thể hóa nỗi buồn thành “cọng buồn”? Nỗi buồn như hiện lên trước mắt ta với tất cả sự xơ xác, hao gầy. Và cọng cỏ khô ấy là hóa thân của nỗi buồn.
“Ta thấy em trong tiền kiếp với cọng buồn cỏ khô” (Rừng xưa đã khép)
Trong tiền kiếp, em đang ngồi với cỏ, hay đang cầm trên tay cọng buồn úa tàn màu cỏ khô? Ẩn dụ trong ca từ Trịnh Công Sơn không đưa ta đến một miền đích cụ thể nào. Ta chơi vơi ngay trong miền đích mà ẩn dụ đưa đến. Điều đó tạo ra cái đẹp. Với nghệ thuật, không còn gì là cụ thể, không một nơi chốn nào là xác định.
Là “cọng cỏ”, “cọng buồn”, hay “cọng khô”? Ba tầng nghĩa đủ là hiện thân của cái chơi vơi, bất định. Của sự mờ nhòe. Của cái đẹp ngôn từ trong ngôn ngữ Trịnh. Như Nguyễn Du xưa kia từng viết: “Dưới cầu nước chảy trong veo/ Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha…” (Truyện Kiều)
“Tơ liễu” thướt tha? “Bóng chiều” thướt tha? Mà “tơ liễu” còn là ẩn dụ chỉ người con gái, người con gái ấy là Kiều. Vậy chủ nhân của dáng vẻ thướt tha ấy, là ai? Là “tơ liễu”, là “bóng chiều”, là Thúy Kiều, hay, là tất cả? Nguyễn Du không cho ta cái nhìn cụ thể. Trịnh Công Sơn thả ta vào biển trời chênh chao những cánh diều ngôn từ. Như Tuổi đá buồn. Là “tuổi buồn”, “đá buồn”, hay “tuổi đá buồn”… Có ít nhất ba cánh diều chao nghiêng trước mắt ta.
Vậy là ta có tất cả. Vậy là ta chạm đến nghệ thuật. Nghệ thuật của ngôn từ.
Và kiếp người là hạt bụi, và cuộc đời là một cõi đi về: “Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi/ Để một mai tôi về làm cát bụi.” (Cát bụi). Và: “Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi/ Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt.” (Một cõi đi về)
Có gì đâu, tôi là một hạt bụi, rồi tôi sẽ trở về làm cát bụi, như một vòng tròn định mệnh. Cái chết là sự trở về chứ không phải sự ra đi. Chỉ một ẩn dụ, Trịnh Công Sơn đã giản dị hóa một triết lý tưởng chừng cao siêu, xa vời. Và đó là hiện thân của cái đẹp.
Từ khi em là nguyệt/ Trong tôi có những mặt trời/ […]/ Từ em thôi là nguyệt/ Tôi xin đứng đó một mình… (Nguyệt ca)
Đi hết từ ẩn dụ này đến những ẩn dụ khác. Ca từ Trịnh Công Sơn trở thành thế giới trong vắt của trẻ thơ. Khi em là nguyệt thì tôi là mặt trời. Để sánh đôi với em? Hay để nhận ra sự bất cân xứng giữa hai ta? Để rồi một ngày nọ, trong mắt tôi, em không còn là nguyệt. Phút đó thành phút tình cờ. Và tôi đứng đó một mình. Phải là cái nhìn minh triết của ánh mắt trẻ thơ, thì sự vật mới đủ tinh khôi để khoác lên mình lớp áo trong suốt toát ra từ sâu trong bản thể. Như trăng, như mặt trời. Như thác đổ, như vô thường.
Và như vậy, ẩn dụ điểm trang lên ca từ Trịnh Công Sơn vẻ đẹp như như vốn có của vạn vật.
Từ đó hoa là em/ Nở hết trong hoàng hôn/ Đợi gió vô thường lên/ Từ đó em là sương/ Rụng mát trong bình minh/ Từ đó ta là đêm/ Nở đóa hoa vô thường… (Đóa hoa vô thường)
Vạn vật tan vào nhau. Trang sức ẩn dụ chìm lẫn trong vẻ đẹp ngôn từ. Đâu là ẩn dụ? Đâu là vẻ đẹp của ca từ Trịnh Công Sơn? Tôi e là mình không còn đủ sáng suốt để phân định rõ ràng hai điều ấy.
4. Vẻ đẹp những cái tên
Biết bao những bóng hồng đã đi qua đời Trịnh. Biết bao cái tên riêng đã trở thành huyền thoại.
Dao Ánh rồi sẽ tàn phai theo thời gian. Nhưng mặt trời mãi mãi còn đó trong những bài tình ca của Trịnh Công Sơn.
Nguyệt rồi sẽ thôi là trăng. Nhưng Nguyệt ca vẫn được hát mỗi ngày, một nơi nào đó trên trái đât này.
Diễm rồi sẽ chìm vào quên lãng. Nhưng Diễm xưa là hàng ngàn vẻ đẹp trong bức tranh về tầng tháp cổ của mỗi người nghe.
Bích Khê rồi sẽ về với quê nhà yêu dấu. Nhưng dòng suối nhỏ ấy vẫn xanh ngời trong Biển nhớ. Như một di tích của tình yêu, của nghệ thuật.
Những cái tên một thời trở thành biểu tượng của cái đẹp. Bởi, nó đã được phóng chiếu trong nghĩa rộng. Bởi nó đã trở thành cái cớ để ươm mầm những bản tình ca.
Ôi nhân loại mặt trời/ Và em thôi này đôi môi xin thương người/ Ôi nhân loại mặt trời trong tôi… (Xin mặt trời ngủ yên)
Dao Ánh, là mặt trời. Và từ mối tình với Dao Ánh, Trịnh Công Sơn đã biến cái tên ấy thành của cải chung của nhân loại. Thành mặt trời của thế gian. Thành cảm hứng sáng tác của chính mình. Mặt trời ấy sáng trong tim “người tình trẻ”. Nhưng đồng thời, cũng tỏa ánh khắp nơi nơi. Và trong tim mỗi người, dường như cũng có một mặt trời của riêng mình. Mặt trời, từ đó, là biểu tượng của đấng cứu rỗi. Cuộc tình ấy hóa thần thoại.
Như Nguyệt. Quãng thời gian “từ khi trăng là nguyệt”, đến “từ em thôi là nguyệt”, là con đường sáng tạo nghệ thuật. Nguyệt, từ đó, là trăng, là phút tình cờ, là nguyệt ca… Là một biểu tượng riêng trong mỗi người. Là một bản tình ca tuyệt đẹp.
Từ khi trăng là nguyệt/ Đèn thắp sáng trong tôi/ Từ khi trăng là nguyệt/ Em mang tim bối rối/ Từ khi trăng là nguyệt/ Tôi như từng cánh diều vui/ Từ khi em là nguyệt/ Trong tôi có những mặt trời… (Nguyệt ca)
Người ta đâu cần nhớ Nguyệt là ai, trăng là mối tình nào. Chỉ biết hát Nguyệt ca. Chỉ biết vẽ ra những vầng trăng của riêng mình. Đó là cái đẹp của nghệ thuật.
Vẻ đẹp xưa đâu cần đến một Diễm cụ thể nào của trần thế. Mãi mãi, Diễm chỉ là cái cớ. Cái cớ để Trịnh viết Diễm xưa. Cái cớ để trao cho Diễm sứ mệnh của rong rêu xưa cũ. Cái cớ để cái đẹp được được hóa thân thành những sợi mưa trên tầng tháp cổ ngày xa xưa ấy.
Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ/ Dài tay em mấy thuở mắt xanh xao/ Nghe lá thu mưa reo mòn gót nhỏ/ Đường dài hun hút cho mắt thêm sâu… (Diễm xưa)
Diễm là em, là tà áo lụa trắng thướt tha lướt trên cây cầu mỗi ngày. Mà diễm cũng là cái đẹp. Cho tôi hát tình ca. Cho cái đẹp lên ngôi.
Để khai hội một đóa hoa quỳnh. Quỳnh là em hay là hoa? Em thơm tho ngát hương là sợi tơ cho nỗi nhớ tôi chạm vào loài hoa ấy.
Ta mang cho em một đóa quỳnh/ Quỳnh thơm hay môi em thơm/ Em mang cho ta một chút tình/ Miệng cười khúc khích trên lưng… (Quỳnh hương)
Tôi chẳng còn biết được đâu là hoa và đâu là em. Hay, đó chính là nghệ thuật? Và chẳng cần phải phân biệt giữa hoa và em. Tôi yêu hoa hay tôi yêu em, điều đó có còn quan trọng nữa đâu. Đơn giản, tôi yêu cái đẹp. Hoa hay em thì cũng cái đẹp ấy mà thôi. Em là Quỳnh, và hoa cũng là Quỳnh. Con chi ngại ngần. Cứ hồn nhiên như em, như hoa mà “cười khúc khích trên lưng”, nghe em!
Và Hồng Nhung, và Bống… Một đóa hoa và một loài cá bé nhỏ cần che chở. (Bống bồng ơi, Bống không là bống)
Và Vân Phi… Một áng mây quên lãng thù hận xót xa của đời mà nhẹ trôi cuối trời. (Phôi pha)
Và Lộc…
Và Bích Khê: Ngày mai em đi/ Biển nhớ tên em gọi về/ Triều sương ướt đẫm cơn mê/ Trời cao níu bước sơn khê… (Biển nhớ)
Dòng suối nhỏ vẫn chảy trôi giữa hai bờ cỏ lá, mà người nay đâu? Mà tình nay đâu? Còn đó, trong biển hoài niệm. An nhiên một khe suối. Lung linh một cuộc tình.
Cám ơn những cái tên. Cám ơn khởi nguyên của những bản tình ca Trịnh. Cám ơn những hạt mầm để khai sinh ra cái đẹp.
5. Kết
Trịnh Công Sơn đã đem cả cái hư không thả vào ca từ của mình. Ngôn từ trong nhạc Trịnh, vì thế, mang trọn vẹn cái hư không diễm ảo đó. Chiếc thuyền lá xinh đẹp ấy, thay vì chở cái đẹp trong ca từ đến bến bờ nghệ thuật, lại hóa thân thành cái đẹp! Cái đẹp chở cái đẹp!.
Bằng những kết cấu phi ngữ pháp, bằng trò chơi siêu thực, bằng ẩn dụ, bằng vẻ đẹp những cái tên riêng, Trịnh Công Sơn đã đẩy chiếc thuyền ngôn từ lướt sóng ra khơi.
Bên kia bờ là mảnh đất nghệ thuật.
Mà cũng có thể, chẳng có bờ nào cả, chẳng có mảnh đất nào cả.
Bởi, chính chiếc thuyền lá xanh tơ ấy, là nghệ thuật. Nghệ thuật ngôn từ.
DIỆU THẢO
Theo http://www.vantuyensaigon.net/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thơ trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI – Những tìm tòi và thử nghiệm

Thơ trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI Những tìm tòi và thử nghiệm Đặt vấn đề thơ trẻ trong 20 năm đầu thế kỷ XX, chúng tôi muốn nhắc đến đội ngũ n...