Chủ Nhật, 30 tháng 7, 2017

Lãng đãng trong tôi một hồn hoa

Lãng đãng trong tôi một hồn hoa 
Vâng, hoa sen - loài hoa mà tâm hồn tôi bỗng thấy nhẹ nhàng và an lạc vô cùng, mỗi khi chợt nhiên được nhìn thấy hình ảnh của hoa đâu đó giữa đời thường… (Tôn Nữ Minh Nghi)
Nếu có ai đó hỏi tôi: Bạn yêu thích loài hoa nào nhất?
Không chút ngập ngừng, tôi sẽ trả lời: - Hoa sen!
Vâng,  Hoa sen - Loài hoa vươn lên từ ao hồ đã đi vào tâm thức tôi từ thuở bé thơ, với những đóa hoa tinh khôi ngời lên trong ánh nắng chan hòa của mùa hạ, cùng hương thơm tinh khiết được gió nhẹ đưa và lan tỏa trong không gian, quyện vào hơi thở nồng nàn của cuộc sống rồi đi vào sâu thẳm của hồn tôi, tự thuở đó đến nay.
Vâng, hoa sen - loài hoa mà tâm hồn tôi bỗng thấy nhẹ nhàng và an lạc vô cùng, mỗi khi chợt nhiên được nhìn thấy hình ảnh của hoa đâu đó giữa đời thường. Dẫu chỉ là được nhìn thấy qua những đường nét từ nghệ thuật hay văn học của nhân gian. Và nhất là mỗi khi tình cờ được đứng trước những hồ sen trong mùa hoa, thì lúc đó hồn tôi không chỉ lãng đãng theo hồn hoa mà còn thầm nhớ tới  câu ca dao:
Trong bùn gì đẹp bằng sen
Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng
Nhị vàng bông trắng lá xanh
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn
Có lần tôi nghe ai đó nói: - Hoa sen không chỉ có hai màu trắng và màu hồng thôi, mà còn có nhiều màu khác như màu tím, màu đỏ, màu xanh, màu vàng. Và tùy theo màu sắc của hoa mà có những linh ảnh khác nhau đi vào những tầng tâm thức ẩn mật.
- Sen trắng: tượng trưng cho sự thuần hóa của nhân tính, bồ đề tâm hay còn gọi là giác tâm.
- Sen hồng: Biểu tượng cho sự tối thượng, được dành cho các vị tối cao.
- Sen tím thẳm: Biểu thị những ảnh tượng của phái Mật tông.
- Sen đỏ: Biểu tượng cho bản chất nguyên thủy của trái tim, là đóa hoa của tình  yêu, đam mê và năng động. 
- Sen xanh:  Biểu tượng của trí tuệ 
- Sen vàng: Là những đài hoa đã nâng những bước chân đầu tiên của Đức Thích Ca khi Ngài đản sanh…
Nghe là nghe thế, chứ tôi chỉ thường bắt gặp màu trắng và màu hồng là hai màu sen thường được dùng phổ biến trong nhân gian. Và kể từ lúc Sen Hồng được chọn là Quốc hoa của Đất nước, thì tôi càng quý yêu, càng hướng về loài hoa đã có tự tâm tôi.
Cũng có một màu sen đã có tự tâm tôi từ thuở còn bé thơ, đó là những đài sen có những cánh hoa trông rất vững chải với ba màu: đỏ thẳm, hồng đậm, hồng nhạt, những đài sen mà tôi thường thấy các chư Phật thường dùng qua các hình tượng hay linh ảnh được người đời tôn thờ. Cũng từ thuở đó, tôi vẫn thường hay để tâm tìm kiếm và ước ao là  được nhìn thấy màu hoa linh thiêng ấy một lần. Thế rồi hồn tôi cứ lãng đãng theo hồn hoa sen  màu đỏ ấy suốt mấy mươi  năm dài, cho đến một ngày…
Ngày ấy… mới đây thôi…
Chính xác là vào ngày thứ năm trong tuần thứ hai của tháng ba vừa rồi, Tôi tham gia vào  Hội cháo Từ thiện Mỹ Khê do chị Đặng Thị Thu Vịnh làm Hội trưởng để đi làm những công việc mà các chị em trong  Hội vẫn thường hát  là   “…Để gió bay đi…”
Ngày hôm đó, chiếc xe khách bốn mươi chỗ ngồi đã chở chị em chúng tôi hướng về thành phố Tam Kỳ sau khi đã ghé qua chùa Vạn Thiện do ni cô Thích nữ Diệu Từ trụ trì, đóng góp một phần nhỏ bé của Hội vào việc xây dựng lại chùa.
Trên đường đi chị em chúng tôi nói với nhau rất nhiều chuyện, từ nhắc lại chuyện phát cháo cho những bệnh nhân tại Bệnh viên Đa khoa Đà Nẵng thứ năm vừa qua rất “đắt khách”, chỉ thoáng cái là hết sạch mấy sô cháo, và những người đi nhận cháo ai cũng khen là cháo của mấy chị nấu rất ngon, làm ai nấy đều phấn khởi, đến chuyến đi cứu trợ vùng bị lũ lụt tại Quảng Ngãi… Mỗi chuyến đi đều để lại trong tâm hồn các chị một kỷ niệm đẹp, có chị còn chen vào kể chuyện tiếu lâm, làm tiếng nói và nụ cười của chị em thêm phần ròn rã…
Chẳng mấy chốc mà xe chở chúng tôi đã đến địa diểm thứ hai, đó là Mái ấm Hướng Dương do thầy Đặng Ngọc Duy - Cơ sở người mù phụ trách, chị em chúng tôi cùng xuống xe, đi vào Mái ấm Hướng Dương tặng quà, trò chuyện và  vui chơi với các em đôi giờ rồi chúng tôi lại tiếp tục cuộc hành trình của mình là đến chùa Minh Quang.
- Chùa Minh Quang ở đâu?
Đó là câu hỏi của hầu hết các chị em trong Hội, vì không ai biết địa điểm chình xác của chùa cả, chỉ là nghe lời phát tín của thầy Đồng Duyên trụ trì chùa Minh Quang - ở huyện Phú Ninh, Tam Kỳ, đang trên đà xuống cấp và rất mong sự hổ trợ của các tín hữu gần xa, nên Chị Vinh đã tổ chức để các chị em cùng đi.
Sau bao lần hỏi đường, may mắn thay, chợt có một thanh niên tình nguyện dẫn đường vì anh cũng đang trên đường về chùa, vậy là xe của chúng tôi cứ thế chạy theo xe máy của anh. Ai cũng mừng và có người nói là đã gặp "Hộ pháp". Những tưởng là đã thông suốt, không ngờ khi đến một ngã ba, xe phải đi qua một chiếc cầu bằng bê-tông nhỏ, nên bác tài cứ trờ tới, trở lui mãi vẫn chưa thể cho xe lên cầu, mọi người ngồi trên xe ai cũng đã mấy bận "thót tim" nên đã bảo nhau xuống xe, để bác tài điều khiển xe được thoải mái hơn, thế nhưng bác tài cứ loay hoay mãi mà xe vẫn chưa thể qua được cầu. May thay, có một người đàn ông trong quán nước gần đó, thấy vậy đã vội chạy ra làm phụ lái, và người đàn ông này đã rất thành thạo và nhanh nhẹn trong việc chỉ dẫn mọi động tác cần thiết, cuối cùng xe đã lên được cầu và chạy băng qua một cách nhẹ nhàng, ai nấy đều cảm thấy nhẹ nhỏm, nghe đâu người đàn ông này trước đây từng là tay lái ‘’vàng’’ 
Cuối cùng rồi chị em chúng tôi cũng đến được nơi cần đến thì màu nắng đã lên cao. Dưới cái nắng chói chang, ai nấy đều nhanh chân bước  vào chùa và đến ngồi dưới bóng mát của một gốc cây cổ thụ cao lớn, sau đó chị Vinh  và vài chị vào gặp thầy Đồng Duyên - Trụ trì chùa để cúng dường.
Khi tôi đang lang thang trong hiên bên phải của chùa, chợt thấy cách nơi mình đứng không xa mấy có những đóa hoa màu đỏ đang ngời ngời dưới một lùm cây lá xum xuê xanh. Không hiểu sao đôi chân tôi cứ tự nhiên bước tới, bước tới thật nhanh, và khi đã đứng bên những đóa hoa kia, thì tôi đã sững người một lúc khá lâu, và tôi hiểu vì sao mình chợt sững người như vậy, vì trước mắt tôi là những đóa sen màu đỏ thắm tươi, sáng ngời đã vươn lên từ mặt đất, từng cánh, từng cánh sen mang hai màu đỏ đậm nhạt pha hồng láng bóng  tỏa ra và úp vào cong cong, trông thật tuyệt. Ôi, màu đỏ! Màu tượng trưng cho bản chất nguyên thủy của trái tim, cho sự đam mê và năng động. Đây chính là màu hoa sen mà tôi đã kiếm tìm trong sóng thời gian hơn mấy mươi năm của cuộc đời… Quá xúc động! Quá vui mừng! Vì thế nên tôi cứ đứng ngây người ra mà nhìn, mà ngắm, mà ngẫm ngợi. - Duyên! Một cơ duyên rất tuyệt! Nhưng những đóa sen trước mắt tôi quá đẹp, quá vững chải, khiến lòng tôi không khỏi dấy lên mối nghi ngờ: - Là hoa giả thôi! Chắc các chú chơi nghịch, đem hoa ni-lon cắm xuống đất! Vì tôi cảm thấy dường như mỗi đóa hoa sen này như được ghép vào mỗi sợi thép to và sợi thép đó được cuốn quanh mình bởi một loại keo màu xanh, thoắt trông thì giống như thật! Tôi liền đưa tay cầm nhẹ một đóa hoa, lần tìm vết ghép… Lạ nhỉ, chẳng thấy vết ghép đâu cả. Có điều lạ là trong tôi  không hề có ý định ngắt hoa mà chỉ đứng yên, lặng lẽ ngắm nhìn với bao phân vân trong lòng. Rồi lại cho tay sờ nhẹ vào một cánh hoa rồi bấm nhẹ… 
Ơ, là hoa thật! Lúc bấy giờ tôi mới chú ý và nhìn thấy chung quanh những đóa hoa đã khai mở, còn có nhiều búp hoa màu hồng hồng đang vươn lên, nhìn xuống gốc cây, tôi lại thấy có những chồi cây con đã vươn cao gần hai phân cũng mang dạng búp, trông  như những búp măng non, trông rất xinh. Nhiều nhánh cây sen mọc liên kết với nhau từ gốc, có lá mọc ra hai bên trông chẳng khác chi cây riềng, chỉ có khác là nhánh cây sen cao lớn hơn, lá to bản hơn, có cây cao tới ba bốn mét, nhiều nhánh cây tỏa ra thành vòm, lá xum xuê xanh. Những đóa hoa được sinh ra từ đất nằm dưới tán lá xum suê xanh ấy nên cho dù tiết trời có nắng nóng bao nhiêu đi nữa thì hoa vẫn mơn mởn, vẫn tinh khôi. Tôi lặng im lắng nghe mùi hương... mùi  hương… mùi hương… như có… như không…
Mãi một lúc sau tôi mới sực tỉnh và chạy vào chùa gọi các chị ra xem hoa sen đất.  
Chị Thủy nói:
- Chắc đây là cây sen trong ca dao:
Hôm qua tát nước đầu đình
Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen…
Nhưng chị Cam lắc đầu, nói:
- Không phải đâu, tôi có nghe nói một loại sen đất có thân mộc, hoa màu trắng, và tôi cũng có thấy được hình ảnh của cây sen đất đó qua tranh ảnh. Nhiều người nói câu ca dao đó bắt nguồn từ loài sen đất đó!
Tôi  nói:
- Nhưng em lại nghe nhiều người nói câu ca dao đó bắt nguồn từ sen hồ…
Chị Vinh tươi cười nói:
- Chỉ một câu ca dao thôi mà không biết bao nhiêu là lời bàn… 
Tôi xoay qua thầy Đồng Duyên đang đứng bên cạnh nói vui:
- Thầy ơi! Ai nói gì thì nói, hôm nay không có cây sen đất này thì tôi không về!
Nghe tôi nói thế, các chị cùng nổi lên cười.
Thầy Đồng Duyên cũng cười, rồi vui vẻ nói:
- Để lát nửa nhờ mấy chú đào cho một gốc!
Chị Tùy chợt nói to lên:
 - Tôi cũng muốn có một cây!
Và, để có được hai cây cho tôi và  chị Tùy đem về thật chẳng dễ dàng gì vì những thân cây đều mọc lên từ một gốc theo lối liên hoàn, nên người đàn ông mà thầy Đồng Duyên nhờ đào đó đã phải vất vả lắm mới đào được hai cây, sau đó thầy Đồng Duyên bảo phải chặt bớt một phần ngọn của thân cây, mới có thể đem đi đường được.
Tôi ái ngại hỏi:
- Thế, cây có sống được không thầy?
Thầy Đồng Duyên trấn an:
- Chắc chắn sẽ sống, vì trước đây thầy mang cây này từ Hội An về cũng chỉ có vậy!
Khi được cầm trên tay cây hoa mà tôi đã mong đợi từ rất lâu. nhìn lại quanh mình thì mấy chị đã ra xe cả rồi! Tuy nhiên, khi nhìn thấy còn hai chị vẫn còn ngồi lại dưới bóng cây cổ thụ để chờ tôi và chị Tùy, khiến tôi vô cùng cảm động.
Thế là vườn nhà tôi đã có cây sen đất mà tôi đã ước ao bao năm tháng qua… Và cũng kể từ sau chuyến đi đó, các chị em trong Hội mỗi lần gặp tôi đều hỏi: - Cây sen đất có sống không? Tôi đã trả lời các chị với một niềm vui sướng không tả: - Hy vọng đã vươn lên!  Vì chỉ hơn hai tuần tôi đã thấy cây cho mầm mới. Tuy nhiên, có một điều làm tôi cảm thấy tiêng tiếc, là hôm đó mãi mê theo những đóa hoa sen đỏ, mà tôi quên bẵng chuyện ghi lại hình ảnh của hoa trên máy chụp. Nhưng không sao! Vì những đài sen đỏ ấy đã từng có tự tâm tôi…
Tôn Nữ Minh Nghi 
Theo http://www.vantuyensaigon.net/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thơ trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI – Những tìm tòi và thử nghiệm

Thơ trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI Những tìm tòi và thử nghiệm Đặt vấn đề thơ trẻ trong 20 năm đầu thế kỷ XX, chúng tôi muốn nhắc đến đội ngũ n...