Chủ Nhật, 30 tháng 7, 2017

“Con mắt thứ ba” trong thơ Đỗ Doãn Phương

“Con mắt thứ ba” trong thơ Đỗ Doãn Phương
 (Đọc tập thơ “Tuyệt ca” của Đỗ Doãn Phương, TTVH ngôn ngữ Đông Tây & Nxb Văn học, 2013)
Đó là con mắt được khai mở ở những người tu tập thiền hoặc người tu hành khi đoạt được Pháp. Họ gọi con mắt đặc biệt ấy là mắt thứ ba, mắt của tâm trí, Thần nhãn hay Huệ nhãn. “Con mắt thứ ba” là nơi phát ra năng lượng, giúp con người có thể nhìn được cõi vô hình, kết nối các chiều không gian và thời gian, thấy được quá khứ và tương lai. Đọc tập thơ “Tuyệt ca” (Trung tâm Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây & Nxb Văn học, 2013) của nhà thơ Đỗ Doãn Phương, tôi bắt gặp ánh sáng lạ, khi tỏ khi mờ. Trong luồng sáng ấy, nhà thơ đã phân thân thành “kẻ khác” du ngoạn trong và ngoài vũ trụ, sống với vạn vật, nhập hồn mình vào vạn vật. Ánh sáng ấy đã giúp tôi nhận biết các chiều kích không - thời gian khác với trước đây tôi vẫn hình dung. Tôi cảm nhận mình đã được khai mở “con mắt thứ ba” để nhìn thấy những điều đẹp đẽ và lạ lẫm trong thơ Đỗ Doãn Phương.
Mở đầu tập thơ “Tuyệt ca”, nhà thơ Đỗ Doãn Phương viết: “Không phải là tuyệt vời, “Tuyệt ca” của tôi là bài ca từ bỏ, dứt bỏ. Nhẹ nhàng là từ bỏ cuộc tình; nặng hơn là trút bỏ cả thịt, da của kiếp này”.
Quan niệm về sự “từ bỏ” hay “trút bỏ” của nhà thơ Đỗ Doãn Phương là bắt đầu một hành trình mới trên những con đường khác. Trong tập thơ “Hoan ca” xuất bản năm 2011, “con mắt thứ ba” của Đỗ Doãn Phương bắt đầu mở ra để khởi phát cuộc “giác ngộ”: “Và chờ khoảnh khắc phát xuất/ Sang một con người khác” (Giác ngộ). Đến tập thơ “Tuyệt ca”, con mắt đặc biệt ấy của nhà thơ mở lớn ở khắp mọi nơi, mọi lúc. Nó làm thay đổi điểm nhìn, cách nhìn của bạn đọc về hiện thực đời sống, về không gian và thời gian, vũ trụ, tâm linh... Nói đúng hơn, từ đời sống hiện hữu này, bạn đọc được mở thêm tầm nhìn khác về những thế giới khác.
Trong cuốn sách “Trở thành mục tiêu” (Objective Becoming) của Tiến sĩ Bradford Skow (Hoa Kỳ), ông cho rằng thời gian không chỉ là một mũi tên hướng về phía trước, mà còn được trải ra theo các hướng của không gian trong vũ trụ. Cũng theo Bradford Skow, không gian-thời gian là một “khối vũ trụ” (block universe), trong đó quá khứ, hiện tại và tương lai cùng tồn tại và đồng hiện.
Tính đồng hiện là đặc điểm nổi bật trong thơ Đỗ Doãn Phương, cũng như thơ của các tác giả thuộc thế hệ Đổi mới sau 1975 tại Việt Nam. Tính đồng hiện trong thơ Việt, thực ra được khởi phát từ phong trào Thơ mới, dễ nhận thấy hơn khi các nhà thơ thuộc trào lưu này chuyển đổi thi pháp từ Hiện thực và Lãng mạn sang Tượng trưng, Siêu Thực. Ở thế hệ này, tính đồng hiện được dùng như một thủ pháp để liên tưởng và kết nối hình ảnh đơn lẻ. Nhưng với thế hệ thơ Đổi mới hiện nay, tính đồng hiện được áp dụng để cấu trúc không gian toàn bộ bài thơ và mở ra những liên tưởng khác lạ sau văn bản thơ. Mỗi tác giả của thế hệ mới này thường có những thủ pháp riêng tạo ra tính đồng hiện trong thơ mình. Trong thơ Đỗ Doãn Phương, “cánh cửa” của đồng hiện thường được mở ra ở cuối mỗi bài thơ, tạo sự hấp dẫn bất ngờ. Xin dẫn bài thơ “Mầm cây”, trong đó xuất hiện hai nhân vật “mầm cây” và “em bé”. Mầm cây được báo trước sẽ mang dung nhan một vị thánh, còn em bé khi lớn lên sẽ làm đứt tay của thánh thần. Và, khi “em bé” trở thành nhà điêu khắc, “con mắt thứ ba” của nhà thơ mở ra, soi rọi cho bạn đọc nhìn thấy điều lạ lùng, như cùng tác giả bài thơ đi ngược thời gian trở về quá khứ: Tượng bị gọt lẹm ngón tay/ Tôi nhận ra một mầm cây trong tiền kiếp. Hoặc trong bài thơ “Những quân cờ thất lạc”, những Sỹ, Tốt, Xe, Pháo, Mã… bị “lũ trẻ” ném tung khắp nhà nhưng vẫn không “thay đổi oai phong” nhờ “nhãn lực” đặc biệt này. Chúng tái lập căn nhà theo cấu trúc bàn cờ mới/ Chuẩn bị cho những nước đi lớn.
Đọc thơ Đỗ Doãn Phương, tôi nhận ra một quy luật. “con mắt thứ ba” thường được khai mở khi tâm hồn nhà thơ an nhiên, yên định nhất. Nó nhắc nhở bạn đọc bình tĩnh nhìn lại cuộc đời mình trong quá khứ, như xem lại một đoạn phim: Chợt lạnh buốt: hay mình đã chết? Mình đang nhìn lại đời mình từ thế giới bên kia (Xem lại đoạn phim quay mình). Có khi con mắt ấy lại biến nhà thơ thành một kẻ quan sát như trong bài thơ “Bữa tiệc ly”. Bữa tiệc ấy chỉ có “tôi” và “em”, nhưng khi “con mắt thứ ba” của nhà thơ đột hiện, thì “tôi” lại phân thân thành “chính mình tít cao xanh ngắm xuống”: Bữa tiệc còn dở dang, về hai thế giới/ Ngồi đến cuối tiệc cùng nhau trong một thân xác mới.
“Con mắt thứ ba” trong thơ Đỗ Doãn Phương mở ra xung quanh người đọc một đời sống tuyệt đẹp, đa chiều. Trong bài thơ “Nói với con cá”, Đỗ Doãn Phương đặt nỗi cô đơn của mình đối diện với một con cá, với “Bên trong súc thịt mi, vốn chỉ để nướng, kho”. Có thể thấy, nhà thơ đã kết nối thế giới hiện tại với những kỷ nguyên xa xưa, từ khi trái đất chưa xuất hiện con người. Ở đây, hình ảnh con cá và nhà thơ tựa như hai dấu chấm, hai cái mốc bé nhỏ trong “thiên sai vạn biệt”, nhưng tràn đầy tình yêu thương trong không-thời gian bất tận. Sự sống ở đó được mở ra thênh thang, hàm ẩn sự mầu nhiệm của vũ trụ: Mi ở trong nước, ta ở trên bờ/ Cách nhau hàng triệu năm tiến hóa/ Bởi cách xa, chúng ta chấp nhận mờ mịt/ Hai cái bóng lớn đứng cạnh nhau.
Khái niệm “từ bỏ”, “trút bỏ” trong “Tuyệt ca” đồng nghĩa với phục sinh, khai sinh đời sống khác. Bài thơ “Mẹ ốm” đem đến cảm giác lạ lùng phi lý nhưng vẫn được bạn đọc chấp nhận, bởi Đỗ Doãn Phương đã viết bằng cảm xúc mạnh mẽ, chân thành. Nhà thơ thể hiện trong đó niềm khát vọng đáp đền nghĩa sinh thành sâu dày thâm trọng của mẹ: Nếu có thể, đất trời ơi, hãy biến con thành người đàn bà to lớn/ Con sẽ đẻ ra mẹ/ Từ con, cuộc sống của mẹ sẽ thành hình. Hay trong bài thơ “Mơ thấy bà ngoại”, nhà thơ cảm nhận “tấm thân nặng nhọc” của bà đã gửi lại nơi nào để nhẹ nhàng đi về trong giấc mơ của anh: Tấm thân nặng nhọc bà trút bỏ nơi nào/ Chỉ trong mơ, sợ ngã, cảm, đói/ Mới cho cháu cảm giác bà đang tồn tại.
Diễn tiến cảm xúc trong thơ Đỗ Doãn Phương cũng là một hành trình, tựa những cột mốc dẫn tới đích của sự “từ bỏ”, “trút bỏ”... Câu thơ độc thoại sau đây nói về sự kết thúc của một cuộc thế nhưng không làm người đọc cảm thấy lạnh lẽo, đơn độc. Ngược lại, rất gần gũi, ấm áp: Ngày ta được chôn ở đây/ Mảnh đất này mới nên thân thiết (Qua đồi). Những bài thơ trong “Tuyệt ca” thường nhắc tới sự “vô thủy vô chung”của vũ trụ, tức không có chỗ bắt đầu, không có nơi cuối cùng. Cảm nhận về sự tồn tại trong thơ Đỗ Doãn Phương chính là sự hòa nhập, hóa thân, song hành cùng vạn vật: Hình ảnh ta, một con người hiện thực/ Đang dòng độc thoại/ Ta không thấy mình đang tồn tại (Đường phố, lúc nửa đêm).
Thơ Đỗ Doãn Phương thường mang đến cảm nhận về một đời sống khác, đời sống ở thế giới bên kia. Nhà thơ đã lấy những hình ảnh, hiện tượng cụ thể làm biển chỉ đường, như dẫn đoàn tàu vượt qua một “sân ga” để sang một hành trình mới. “Sân ga” trong “Tuyệt ca” có thể là bức màn vô minh, những ranh giới vô hình, “những khối hình tăm tối”.... Hoặc được hiển thị thành hình ảnh cụ thể, một sáng sương mờ, đám mây, bóng nước…: Ra đến ngoại ô chẳng thấy cây đèn nào/ Đêm tối tăm, tôi bình tĩnh bước vào/ Với một vốc số đếm (Nói với những ngọn đèn đường 2). “Sân ga” ấy có thể ở bất kỳ đâu trên mặt đất “phì nhiêu” này. Có thể là nóc nhà, một mẻ lưới, bức ảnh, ngôi chùa cổ… Hoặc ngay chỗ ta ngồi, “tầng đất mở ra sâu thăm thẳm” như một miệng vực, mà dưới đó dường như vẫn tồn tại một đời sống sinh động từ quá khứ: Đội thợ giếng biết được bí mật này/ Họ nói đám thợ nề thợ đấu/ Vì thế, họ liên tục ca hát/ Để giữ thăng bằng trên mặt đất (Bài hát của những người thợ). Tiếng hát của những người thợ đã giữ cho mặt đất được “thăng bằng” chính là “con mắt thứ ba” của bài thơ vừa được mở. Con mắt ấy giúp bạn đọc nhìn thấy vẻ đẹp chân chất, mộc mạc của những người thợ trong công việc lam lũ kiếm sống.
Thơ Đỗ Doãn Phương luôn mở thêm những tầm nhìn, để mỗi người đọc thơ anh cảm thấy mình được sống nhân ái, chan hòa trong vòng tay bao bọc, che chở của cả vũ trụ. Trong bài thơ “Chuyến bay gặp thời tiết xấu”, những người ngồi trong máy bay đang hoảng sợ, lo lắng nếu sự cố xấu nhất có thể xảy ra. Nhưng họ đã bình tĩnh trở lại khi biết rằng: Ở rất xa, dưới mặt đất, giữa cơn giông/ Một đứa trẻ kiên nhẫn nhìn lên cao, về phía chúng ta, và nó ao ước/ Chúng ta bay bình yên trong tầm mắt che chở của nó.
Đỗ Doãn Phương viết nhiều về những điều bình dị của đời sống thường nhật, như “Đưa con vào lớp Một”, “Ai dậy sớm”, “Tự sự của cây chuối”, “Về quê giữa tuần”, “Buổi sáng rời quê”, “Viết cho em gái”, Trồng khoai tây”... Anh còn viết về những nghi thức tôn giáo, hành thiền, những phong tục dân gian Việt Nam như “Cúng thần linh”, “Cúng Táo quân”, “Xem tế giao thừa”… Bằng bút pháp khá đa dạng, nhà thơ luôn thể hiện trong thơ mình nỗi cô đơn, thoáng chốc hữu hạn của kiếp người. Trong bài thơ “Với con”, nhà thơ viết về một đêm sâu thanh vắng nào đó, chứng kiến con anh thức dậy bò quanh cha mẹ khóc nghêu ngao. Để chung với anh suy nghĩ về sự gấp ruổi của dòng thời gian, lúc chỉ còn lại những đứa con đã lớn khôn nơi trần thế. Đoạn thơ sau đây tựa chiếc lá rơi xuống một phiến đá. Rồi gió bất chợt ào đến quét đi: Trong tối tăm con òa khóc/ Bố mẹ vẫn nằm đó/ Nhưng lại ở nơi đâu? (Với con).
Bài thơ “Viết cho bà ngoại dưới đáy biển”, theo tôi, là bài tiêu biểu cho cách viết của nhà thơ Đỗ Doãn Phương trong tập thơ “Tuyệt ca”, thể hiện rõ nét, từ cách chọn hình ảnh, cấu trúc không gian, chọn ngôn ngữ diễn đạt… đến thời điểm khai mở “con mắt thứ ba”. Nguyên văn bài thơ như sau:
Viết cho bà ngoại dưới đáy biển
Cháu đã tìm bà ở khắp thế gian
Trên trời xanh, cháu nhìn không thấy
Dưới đất sâu, khi cải cát, cháu cũng không gặp bà
Quần áo và những gì còn lại của bà đã được chuyển đi nơi khác
Hôm nay cháu lại lặn xuống dưới 5m nước sâu
Xem có bà dưới đáy biển?
Bà có đi lụm cụm trên bề mặt rạn san hô?
Theo đàn cá ngũ sắc?
Căn nhà dưới biển của bà mở cửa sổ ra hướng nào?
Mâm cơm dọn ra ở đâu, dầu đèn nào để bà thắp?
Bà có ngửa cổ nhìn lên mặt nước mỗi sớm mai
Để đón ánh mặt trời khúc xạ
Dưới lòng biển, cây cối như núi rừng
Chiều sâu như chiều cao, và phải lộn đầu để đi xuống
Dưới lòng biển, phải đi mãi mới chạm tới đất
Và ai cũng sống lơ lửng ở lưng chừng
Càng xuống sâu, máu cháu càng lạnh như loài cá đang bơi 
Đời sống phù sinh của chúng ta hiện ra trong vệt sủi bong bóng
Ai cũng cố tìm cho mình hơi thở
Cho đến khi hai lá phổi hóa thành mang
Bà có ở dưới này không, nơi tận cùng của ba cõi
Những con cá xây mặt lại và nhìn
Chúng bảo rằng chúng ta đang ở giữa một bể cá lớn
Và những người chết đang đứng ngoài quan sát.
Bài thơ từ mở đầu đến kết thúc đều dựa trên một tích truyện nói về cuộc “phiêu lưu” của nhà thơ trong lòng đại dương để tìm bà. Trong văn bản có phần mở - dẫn, diễn biến - phát triển, tạo cao trào – thắt nút, mở nút - ra truyện… Nhưng, mỗi khổ thơ trong bài là một lớp/ cảnh gần như riêng biệt. Riêng khổ thơ đầu, mỗi câu thơ là một nét chấm phá xa nhau trong vô tận, gợi liên tưởng nhiều chiều về không-thời gian, vũ trụ. “Cháu đã tìm bà ở khắp thế gian”, sau câu tự sự với bà, thực chất là sự khai mở chính cõi lòng mình, Đỗ Doãn Phương đã phác họa điểm nhìn từ “trời xanh” đến “đất sâu”. Đến câu thơ thứ tư được nhà thơ viết như xuất hiện một sự ngẫu nhiên, “mặc khải” mà căng tràn cảm xúc, rất ám ảnh: Quần áo và những gì còn lại của bà đã được chuyển đi nơi khác. Tôi gọi câu thơ trên là “con mắt thứ ba” của khổ thơ này. Nó làm cho khổ đầu bài thơ bao hàm trọn vẹn không gian của câu chuyện.
Thậm chí có thể coi khổ thơ bốn câu này là một bài thơ độc lập. Ba khổ thơ tiếp theo là diễn biến câu chuyện của nhà thơ đi “thám hiểm” trong cõi lạ tìm bà. Xem có bà dưới đáy biển?/ Bà có đi lụm cụm trên bề mặt rạn san hô?/ Theo đàn cá ngũ sắc?/ Căn nhà dưới biển của bà mở cửa sổ ra hướng nào?/ Mâm cơm dọn ra ở đâu, dầu đèn nào để bà thắp? Nhà thơ liên tiếp đặt ra những câu nghi vấn trong trạng thái như mộng du, bị thôi miên… Ánh sáng đặc tả ở đây lúc bật lúc tắt, tạo cho bạn đọc cảm giác về một không gian mộng mị mà trong suốt, nửa hư nửa thực. Rồi hình ảnh người bà đã có lúc hiện ra rõ nét trong lòng biển tĩnh lặng: Bà có ngửa cổ nhìn lên mặt nước mỗi sớm mai/ Để đón ánh mặt trời khúc xạ. Cuộc “phiêu lưu” đã diễn biến đến thời điểm mà nhà thơ hóa thành con cá, “đến khi hai lá phổi hóa thành mang”, thì “con mắt thứ ba” của bài thơ đã đột nhiên mở lớn. Dưới đáy đại dương, nhà thơ gọi là nơi “tận cùng của ba cõi”, Đỗ Doãn Phương gặp cả đàn cá, thấy chúng xây mặt lại nhìn: Chúng bảo rằng chúng ta đang ở giữa một bể cá lớn/ Và những người chết đang đứng ngoài quan sát. Bài thơ này giống như một truyện ngắn kết thúc theo hướng mở. Ở đây là khoảng không, rộng hơn là vũ trụ đã được mở nối thông hiện tại với quá khứ và cả tương lai. Mọi hình ảnh trong đó đều đồng hiện trong một thế giới tâm linh thiêng liêng, huyền hoặc…
Chùm thơ viết cho người tình trong “Tuyệt ca” vẫn nằm trong mạch chảy “phân thân” suốt tập thơ. Với giọng điệu khá độc đáo và dữ dội, thơ tình Đỗ Doãn Phương cho tôi liên tưởng tới những “bài ca thân thể” của các nhà thơ Mỹ La-tinh. Xin dẫn chiếu câu thơ của Octavio Paz (1914 – 1998, nhà thơ, nhà văn Mexico đoạt giải Nobel Văn học năm 1990): Em trút bỏ xiêm y trước mặt anh/ Như cây trút lá. Hành động “trút bỏ xiêm y” của người phụ nữ hiện ra trong mắt bạn đọc ở đây không hề dung tục, bởi ông đã chuẩn bị sẵn “chiếc phao” trong câu thơ tiếp theo: “Như cây trút lá”. Và đây, trong bài thơ “Tình yêu 3”, Đỗ Doãn Phương viết: Nàng rũ bỏ áo quần, bộc lộ thân hình khao khát/ Nàng từ bỏ ngôn ngữ, tự bộc lộ trong tiếng rên/ Nàng hé môi, răng, trao ta hơi thở từ trong cổ/ Rồi nắm chặt tay dẫn ta chạm đáy. Và như cách mà Octavio Paz sử dụng, đến khổ kết bài thơ, nhà thơ Đỗ Doãn Phương cũng tung “chiếc phao” của mình ra để về đích… an toàn: Rùng mình/ Nàng bẹp mình thành đất/ Ta úp sấp thành trời. Những câu thơ này đã đặt những hình ảnh đặc tả tính giao trong một thế giới thơ thanh sạch, mang tính hiện sinh. Được viết bằng cảm xúc mạnh và chín, ngay cả trong thơ tình Đỗ Doãn Phương vẫn luôn xuất hiện “con mắt thứ ba” như chính nhà thơ phân thân nhìn lại hành trình “trút bỏ” của mình. Mình đang sex bằng thân người khác (Tình yêu 7). Hay: Vừa tách khỏi Một/ Ta nằm song song (Tình yêu 7).
“Con mắt thứ ba” đã phát năng lượng ánh sáng xuyên suốt tập thơ “Tuyệt ca” của Đỗ Doãn Phương. Con mắt ấy khi tỏ khi mờ đã dẫn dắt nhà thơ đi xuyên qua những mặt cắt của không gian, kết nối các chiều của thế giới, tâm linh, hiện sinh và vị lai. Tầm quan sát và “nhãn lực” của con mắt ấy tương đối đa dạng. Tuy cũng có lúc, nó phát quang chập chờn, lu mờ…, làm cho quá trình “phân thân” của nhà thơ chưa hoàn thiện để thành một “kẻ khác”. Có thể nêu một số bài thơ: “Bữa tối với những con sò”, “Mừng nhà mới”, “Mưa biển”…
Ý tưởng dẫn dắt người đọc tới thế giới bên kia qua “con mắt thứ ba” đã tạo nên cách kết cấu có chủ ý với những hình ảnh thơ được sắp đặt theo một lộ trình nhất quán. Song, điều khiến tôi bất ngờ là cách viết của Đỗ Doãn Phương thường giản dị, cố ý làm minh bạch đến mức tối đa những ý tưởng lạ, những khái niệm siêu hình, khó hiểu... Có thể nói, nhà thơ đã chọn con đường ngắn nhất để đưa thơ anh tới trái tim bạn đọc. Anh thường đuổi theo thần thái bài thơ chứ ít khi nương theo câu chữ. Khi được hỏi về quan niệm sáng tác nhân tập thơ "Hoan ca" của anh đoạt Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam (2010-2011), nhà thơ bày tỏ: "Cốt lõi bài thơ là ý tưởng và tôi coi trọng cái phần lõi hơn. Cái phần lõi ấy ngay khi hình thành đã thăng hoa, dù mình có viết ra thành thơ hay không thì nó vẫn cứ cháy sáng để soi rọi cho cuộc sống của mình. Phần vỏ thì cố gắng sao càng giản dị càng tốt. Tôi không dùng mỹ từ, không thích tính từ, mà trọng các động từ và các từ bình thường nhất trong cuộc sống" (Trả lời phỏng vấn báo Hà Nội Mới, 30/03/2012).
Những bài thơ có tứ mạnh, ám ảnh thường được nhà thơ diễn đạt bằng ngôn ngữ trong sáng, tối giản. Đáng lưu ý là Đỗ Doãn Phương cũng không lệ thuộc vào những thủ pháp của các khuynh hướng, trào lưu hiện đại. Có những bài được nhà thơ lập tứ và thi triển rất gần với thơ truyền thống như “Kinh cầu”, “Trở về”…
Tuy nhiên ở những bài này, chúng lại gây cho người đọc một cảm giác thất vọng nhẹ nhẹ. Vì với những gì nhận được xuyên suốt tập thơ, bạn đọc mong đợi những bài thơ này có ý tưởng độc đáo hơn, gây tác động mạnh mẽ hơn, để khẳng định rõ dấu ấn cá nhân người sáng tạo.
“Con mắt thứ ba” trong tập thơ “Tuyệt ca” đã khai mở liên tưởng, tạo nên một thế giới thơ Đỗ Doãn Phương giàu bản sắc. “Tuyệt ca” là bước dấn thân quyết liệt hơn, hoàn thiện và tạo được độ mở lớn hơn ba tập thơ trước đó đã được nhà thơ công bố: “Ánh chớp” (Nxb Hội Nhà văn, 2006), “Những ngọn triều nhục cảm” (Nxb Hội Nhà văn, 2008), và “Hoan ca” (Nxb Hội Nhà văn, 2011). Tôi đã gặp trong suốt tập thơ “Tuyệt ca” một con người sáng tạo, luôn có ý thức quẫy đạp để chui ra khỏi lớp “thịt da mờ mịt” tìm đến “kỷ Sáng thế mới” với những hệ quy chiếu riêng biệt.
Nhà thơ Đỗ Doãn Phương sinh (1977) sau các nhà thơ thuộc thế hệ Đổi mới cận kề sau cuộc chiến, như Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Lương Ngọc, Dương Kiều Minh… khoảng hai mươi năm. Theo quan sát của tôi, tại các nước Âu – Mỹ, thường sau một chu kỳ, khoảng 15 – 20 năm, nền văn học của họ xuất hiện một thế hệ tác giả mới/ khác với thế hệ trước đó. Theo nhận định của cá nhân tôi, Đỗ Doãn Phương là một trong số các nhà thơ cách tân thuộc thế hệ thứ hai sau 1975 tại Việt Nam. Đây là thế hệ không được/ chịu ảnh hưởng trực tiếp không khí của cuộc chiến tranh vệ quốc. Trước thời điểm Đổi mới (1986), độ tuổi của họ cũng chưa đủ chín để nhận thức đầy đủ những cam go, ngột ngạt của đời sống bao cấp lúc đó. Xét về mặt lý thuyết, những tác giả thế hệ này được sống và viết trong một cơ chế cởi mở, tự do hơn, được trải nghiệm và mở tầm nhìn ra bên ngoài rộng hơn thế hệ đi trước. Bạn đọc yêu thơ có thể sẽ chia sẻ với tôi sự mong đợi ở thế hệ thơ cách tân thứ hai này. Hy vọng ngày càng xuất hiện thêm những gương mặt mới/ khác với thế hệ trước đó để tạo nên một nền thơ Việt hiện đại có tầm vóc, uy tín khi hội nhập.
3/2016
Mai Văn Phấn
Theo http://maivanphan.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thơ trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI – Những tìm tòi và thử nghiệm

Thơ trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI Những tìm tòi và thử nghiệm Đặt vấn đề thơ trẻ trong 20 năm đầu thế kỷ XX, chúng tôi muốn nhắc đến đội ngũ n...